[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 4: Nhân phẩm (Phần cuối)
Phong trào nữ quyền
Một người cầm bút theo phái tự do, bà Mary Wollstonecraft (là vợ của William Godwin và là mẹ của Mary Wollstonecraft Shelley, tác giả cuốn Frankenstein) trả lời bài báo Suy tư về Cách mạng Pháp (Reflections on the Revolution in France) của Edmund Burke bằng bài viết Biện hộ cho quyền của đàn ông (A Vindication of the Rights of Men), trong đó bà khẳng định rằng “quyền căn bản của con người... là mức độ tự do, cả dân sự lẫn tôn giáo, tương thích với quyền tự do của mỗi cá nhân mà người đó liên kết bằng một khế ước xã hội”. Chỉ hai năm sau, bà cho xuất bản cuốn Biện hộ cho quyền của phụ nữ (A Vindication of the Rights of Woman), với câu hỏi: “Xin hãy suy nghĩ... khi những người đàn ông đấu tranh cho quyền tự do của họ. . . thì việc nô dịch phụ nữ có phải là mâu thuẫn và bất công hay không?”
Những người phụ nữ tham gia vào phong trào đòi bãi bỏ chế độ nô lệ cũng giương cao ngọn cờ nữ quyền, trong cả hai trường hợp, họ đều xây dựng luận cứ trên ý tưởng về quyền làm chủ chính bản thân mình - quyền sở hữu cơ bản tài sản trong chính con người mình. Angelina Grimke đã dựa vào chủ nghĩa tự do cá nhân của Locke để viết tác phẩm ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lệ và ủng hộ quyền của phụ nữ một cách dứt khoát như sau: “Con người có quyền, bởi vì họ là những người có đạo đức: quyền của tất cả mọi người có xuất xứ từ bản chất đạo đức của họ; và vì tất cả mọi người đều có cùng bản chất đạo đức như nhau, cho nên họ có những quyền như nhau. . . Nếu quyền này được xây dựng dựa vào bản chất của những thực thể có đạo đức thì sự khác biệt đơn thuần về giới không tạo cho đàn ông quyền và trách nhiệm cao hơn phụ nữ”. Chị của bà, bà Sarah Grimke, cũng là một người vận động cho quyền của người da đen và phụ nữ, đã chỉ trích các nguyên tắc pháp lý Anglo-American, theo đó, người vợ không chịu trách nhiệm về tội ác được thực hiện theo chỉ đạo hoặc thậm chí trước sự hiện diện của chồng bà ta trong một lá thư gửi tới Hội phụ nữ Boston Bài trừ nô lệ như sau: “Thật khó lập ra được đạo luật nào tốt hơn nhằm loại bỏ trách nhiệm của người phụ nữ như một chủ thể có đạo đức hay một người tự do hơn là nguyên tắc này”. Trong lập luận này, bà đã nhấn mạnh quan điểm cơ bản của chủ nghĩa cá nhân là mỗi cá nhân phải và chỉ cá nhân mới có thể chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Người theo chủ nghĩa tự do cá nhân nhất định phải là người ủng hộ phong trào nữ quyền, theo nghĩa là người ủng hộ quyền bình đẳng trước pháp luật cho tất cả đàn ông và đàn bà, mặc dù đáng tiếc là nhiều người ủng hộ nữ quyền hiện nay lại không phải là những người theo phái tự do cá nhân. Chủ nghĩa tự do cá nhân là triết lý chính trị, nó không phải là một bản hướng dẫn trọn vẹn về cách thức xây dựng đời sống. Một người đàn ông và người phụ nữ cùng theo phái tự do cá nhân có thể có một gia đình truyền thống: chồng đi làm/vợ không đi làm, nhưng đấy sẽ là thỏa thuận tự nguyện của họ. Chủ nghĩa tự do cá nhân chỉ có thể cho chúng ta biết rằng họ là những người bình đẳng về chính trị với toàn quyền lựa chọn cách sống mà họ thích. Trong cuốn Công bằng giới (Gender Justice), xuất bản năm 1986, David L. Kirp, Mark G. Yudof và Marlene Strong Franks đã xác nhận khái niệm nữ quyền của chủ nghĩa cá nhân như sau: “Thực chất vấn đề không phải là bình đẳng vì hoàn toàn giống nhau, cũng không phải là bình đẳng vì khác nhau, mà là khái niệm hoàn toàn khác về quyền tự do như nhau trước pháp luật, bắt nguồn từ tư tưởng về quyền tự chủ của cá nhân”.
Chế độ nô lệ và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc
Phong trào đòi bãi bỏ chế độ nô lệ cũng lớn lên nhờ tư tưởng tự do cá nhân của cuộc Cách mạng Mỹ mà Locke đã vun xới. Làm sao người Mỹ có thể tuyên bố: “mọi người sinh ra đều bình đẳng…Tạo hóa đã ban cho họ một số quyền bất khả tương nhượng”, mà không nhận ra rằng chính họ đang bắt một số người khác làm nô lệ? Đương nhiên là họ không thể không nhận ra, và thực tế là tổ chức phản đối chế độ nô lệ đầu tiên trên thế giới đã được thành lập ở bang Philadelphia một năm trước khi Jefferson viết những dòng trên đây. Chính Jefferson cũng có nô lệ, nhưng trong dự thảo Tuyên ngôn Độc lập của ông có một đoạn lên án mạnh mẽ chế độ nô lệ: “[Nhà vua George] đã tiến hành một cuộc chiến tranh tàn nhẫn chống lại chính bản chất con người, vi phạm quyền thiêng liêng nhất của cuộc sống và quyền tự do của những người ở xa ông ta và không xúc phạm tới ông ta”. Đại hội Toàn châu lục đã xóa đoạn đó, nhưng người Mỹ không thấy thoải mái trước mâu thuẫn rõ ràng giữa sự cam kết của họ với các quyền cá nhân và chế độ nô lệ.
Mặc dù trong lịch sử nước Mỹ, chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc là hai hiện tượng liên kết mật thiết với nhau, nhưng không phải là một. Trong thời cổ đại, hành động nô dịch người khác không có nghĩa là người kia bị thua kém về đạo đức hay trí tuệ, đơn giản là lúc đó người ta cho rằng người chiến thắng có quyền bắt tù binh làm nô lệ. Những người nô lệ gốc Hy Lạp thường làm giáo viên trong các gia đình La Mã, trình độ học vấn của họ được người ta thừa nhận và bị khai thác.
Dù sao mặc lòng, tệ phân biệt chủng tộc, dù ở dạng nào, cũng là vấn đề có từ xa xưa, nhưng rõ ràng là nó mâu thẫn với đạo đức phổ quát của chủ nghĩa tự do cá nhân và các quyền tự nhiên bình đẳng của tất cả đàn ông và đàn bà. Như Ayn Rand đã chỉ ra trong bài tiểu luận Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (Racism - 1963) của bà như sau:
Phân biệt chủng tộc là dạng thấp nhất, nguyên thủy thô sơ nhất của chủ nghĩa tập thể. Nó gán giá trị đạo đức, giá trị xã hội hay chính trị cho dòng dõi mang tính di truyền của con người. . . có nghĩa là, trên thực tế, người ta không bị phán xét theo hạnh kiểm và hành động của mình, mà bị phán xét theo hạnh kiểm và hành động của tổ tiên.
Trong những tác phẩm của mình, Rand đều nhấn mạnh tầm quan trọng của thành tích cá nhân đối với cảm giác về tính hiệu quả và hạnh phúc. Bà khẳng định: “Tương tự như mọi hình thức khác của chủ nghĩa tập thể, phân biệt chủng tộc là đòi hỏi cái mình không làm ra. Đấy là việc tìm kiếm kiến thức máy móc – để đánh giá một cách tự động tính cách của người ta mà không cần sử dụng đánh giá về đạo đức hay lý trí - và quan trọng nhất là tìm kiếm lòng tự cao mang tính máy móc (hay tự trọng giả hiệu).
Nghĩa là, một số người muốn nghĩ mình là người tốt vì họ có màu da giống Leonardo da Vinci hay Thomas Edison, chứ không phải vì thành tích cá nhân của họ, và một số người thì muốn phủ nhận thành tích của những người thông minh hơn, hiệu quả hơn, hoàn hảo hơn chính bản thân họ, bằng cách đơn giản là tung ra những ngôn từ mang tính phân biệt chủng tộc.
Chủ nghĩa cá nhân trong giai đoạn hiện nay
Trong xã hội Mỹ hiện nay, cá nhân cảm thấy như thế nào? Người theo phái bảo thủ, người theo phái tự do và người theo phái cộng đồng đôi khi vẫn phàn nàn về “chủ nghĩa cá nhân quá cao”, nói chung, câu ấy có nghĩa là người Mỹ dường như quan tâm nhiều hơn đến công việc và gia đình riêng hơn là quan tâm tới những đề án của các nhà lập chính sách xã hội, của các chuyên gia, và các nhóm lợi ích ở Washington. Tuy nhiên, vấn đề thực sự ở Mỹ hiện nay không phải là quá nhiều tự do cá nhân mà là có hằng hà sa số cách để chính phủ xâm phạm vào các quyền và nhân phẩm của con người.
Trong phần lớn lịch sử phương Tây, phân biệt chủng tộc là từ phía người da trắng đối với người da đen; với những chủng tộc, khác mức độ phân biệt có nhẹ nhàng hơn. Từ chế độ chiếm nô đến đạo luật Jim Crow(1), rồi đến Uỷ ban Chủ quyền bang Mississippi(2), từ hệ thống phân biệt chủng tộc toàn diện của chủ nghĩa apartheid đến cách đối xử với người bản xứ ở Australia, New Zealand, và Mỹ, một số người da trắng đã lạm dụng cơ chế cưỡng chế của nhà nước nhằm phủ nhận cả nhân tính lẫn những quyền tự nhiên của người da màu. Người Mỹ gốc Á cũng bị tước đoạt quyền tự do, mặc dù chưa đến mức như chế độ nô lệ: Đạo luật ngăn chặn người Trung Quốc (ban hành năm 1882), cấm người Mỹ gốc Hoa làm chứng tại tòa án, khét tiếng nhất là việc bắt giam người Mỹ gốc Nhật Bản (ăn cắp tài sản của họ) trong giai đoạn Thế chiến II. Những người định cư châu Âu ở Bắc Mỹ và đôi khi đã buôn bán và sống hòa bình với người da đỏ, nhưng họ thường xuyên cướp đất của người da đỏ và thực thi chính sách tiêu diệt dân bản địa, ví dụ như buộc người da đỏ phải rời khỏi các bang miền Nam và họ phải ra đi trên con Đường ngập tràn Nước mắt trong những năm 1830.
Hàng triệu người Mỹ đã chiến đấu nhằm lật đổ chế độ nô lệ đầu tiên và trong giai đoạn gần đây là để chống lại đạo luật Jim Crow và những cái bẫy khác của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc được nhà nước bảo trợ. Nhưng, cuối cùng, phong trào dân quyền đã đánh mất nguồn cội của nó và quay lưng lại với mục tiêu của chủ nghĩa tự do là quyền bình đẳng trước pháp luật, để quay sang vận động cho một hình thức phân biệt đối xử mới, được nhà nước bảo trợ. Đáng lẽ là bảo đảm cho mọi người dân Mỹ đều có quyền bình đẳng trong việc sở hữu tài sản, ký kết hợp đồng và tham gia vào các thiết chế công thì pháp luật hiện nay yêu cầu cả chính phủ lẫn các doanh nghiệp tư nhân phải phân biệt đối xử trên cơ sở chủng tộc. Năm 1965, Cục nghiên cứu của Quốc hội đã phát hiện được 160 chương trình liên bang sử dụng một cách công khai các tiêu chí về chủng tộc và giới. Trong suốt những năm đầu 1990 chính sách của Đại học California ở Berkeley (University of California at Berkeley) là chọn một nửa lớp sinh viên năm thứ nhất trên cơ sở điểm và kết quả kiểm tra, nửa còn lại dành cho hạn ngạch theo chủng tộc. Các trường đại học và cao đẳng lớn khác, mặc cho rất nhiều lời hoa mỹ được đưa ra nhằm làm cho người ta ngộ nhận về vấn đề này, cũng làm như vậy.
Nếu giao việc và tuyển sinh đại học trên cơ sở chủng tộc, thì sẽ xảy nhiều xung đột giữa các nhóm nhằm giải quyết vấn đề nhóm nào sẽ nhận được bao nhiêu ghế, như đang thấy trong các quốc gia mà lợi ích được phân phát trên cơ sở chủng tộc, từ Nam Phi đến Malaysia. Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều trường hợp, tương tự một người gốc Tây Ban Nha trong Hội đồng quản trị Công ty bưu chính Mỹ phàn nàn rằng Bưu chính thuê quá nhiều người da đen mà lại thuê quá ít người gốc Tây Ban Nha. Cũng như hồi đầu thế kỷ XX, khi đó, một số người da đen tìm cách “chuyển thành” da trắng để có được những quyền và cơ hội mà pháp luật chỉ dành cho người da trắng, hiện nay chúng ta cũng thấy - và có thể sẽ thấy nhiều hơn nữa – một số người tìm cách khẳng định mình là thành viên của chủng tộc được ưu ái nhất. Năm 1995, ở quận Montgomery County, bang Maryland, có hai cô bé năm tuổi, lai giữa da trắng và châu Á, không được nhận vào trường học chuyên Pháp vì hai cháu này đăng ký là người châu Á, và được bảo rằng các cháu sẽ được nhận nếu đăng ký là người da trắng. Ở San Francisco, mỗi năm hàng trăm phụ huynh lại thay đổi thành phần dân tộc để con em của họ được vào những trường mà họ thích, còn các nhân viên cứu hỏa da trắng thì tiến hành điều tra kỹ lưỡng gia phả với hy vọng tìm được tổ tiên Tây Ban Nha đã mất từ lâu để họ có thể tự coi mình là người gốc Tây Ban Nha. Một nhà thầu ở California đã ký được hợp đồng trị giá 19 triệu USD với Sở vận tải thành phố Los Angeles vì trong huyết quản của ông ta có 1/64 máu của người Mỹ da đỏ. Có lẽ chẳng bao lâu nữa chúng ta có thể phải gửi quan sát viên tới Nam Phi để tìm hiểu cách hoạt động của Luật đăng ký hộ khẩu trước đây của họ, cùng với các tòa án phân biệt chủng tộc quyết định ai thật sự là người da trắng, ai là người da đen, da “màu” hay gốc Á. Khó có thể coi đấy là tương lai tươi sáng đối với một quốc gia được thành lập trên cơ sở các quyền của cá nhân. Nếu như năm 1960 Cục điều tra dân số chấp nhận đề nghị của Liên minh tự do dân sự Mỹ (American Civil Liberties Union) về việc bỏ câu hỏi “sắc tộc” ra khỏi những bản điều tra dân số thì tình hình sẽ tốt hơn biết bao nhiêu.
Tất nhiên, hiện nay phân biệt đối xử theo sắc tộc và giới tính không phải là cách duy nhất mà chính phủ dùng để đối xử với chúng ta như những nhóm người chứ không phải như cá nhân. Người ta thường xuyên kêu gọi chúng ta xem xét ảnh hưởng của chính sách công đối với các nhóm, chứ không phải cách nó đối xử với cá nhân theo nguyên tắc của quyền bình đẳng. Những nhóm lợi ích, từ Hiệp hội những người về hưu Mỹ đến Tổ chức Quốc gia về Phụ nữ, cho tới Lực lượng đồng thính quốc gia, rồi Hội cựu chiến binh, Hội nông dân toàn quốc, Liên minh viên chức Mỹ, tất cả các hội đoàn đó đều khuyến khích chúng ta coi mình là thành viên của các nhóm chứ không phải như những cá nhân.
Đệ nhất phu nhân, bà Hillary Rodham Clinton, là hình ảnh thu nhỏ của một số vấn đề mà chủ nghĩa cá nhân đang gặp ở Mỹ. Tác phẩm Sự nghiệp của cả làng (It Takes a Village) của bà bắt đầu bằng câu tục ngữ thông minh nhưng có vẻ phóng đại: “Nuôi dạy một đứa trẻ là sự nghiệp của cả làng” lại kết thúc bằng lời kêu gọi 250 triệu người Mỹ nuôi dạy từng đứa trẻ. Tất nhiên, tất cả chúng ta không thể chịu trách nhiệm cho hàng triệu trẻ em. Bà kêu gọi “một sự đồng thuận về những giá trị và một tầm nhìn chung về những việc chúng ta, mỗi cá nhân và mỗi tập thể, có thể làm ngày hôm nay, để có thể xây dựng được những gia đình và cộng đồng mạnh mẽ”. Nhưng không thể nào có được sự đồng thuận tập thể như vậy. Trong xã hội tự do, hàng triệu người sẽ có những ý tưởng khác nhau về cách thức xây dựng gia đình, cách thức nuôi dạy con cái và cách thức liên kết tự nguyện với những người khác. Những khác biệt này không chỉ là kết quả của sự thiếu hiểu biết lẫn nhau; dù Quỹ quốc gia về các môn xã hội và nhân văn có tài trợ bao nhiêu cuộc hội thảo ở Harvard hay những cuộc Nói chuyện trên toàn quốc thì cũng thế, chúng ta sẽ không bao giờ đạt được sự đồng thuận mang tầm quốc gia về những vấn đề luân lý riêng tư như thế. Bà Clinton mặc nhiên công nhận điều đó khi bà khẳng định rằng sẽ đến lúc khi “làng [phải hiểu: chính phủ liên bang] phải tự hành động thay cho cha mẹ” và “thay chúng ta nhận những trách nhiệm mà chúng ta đã giao cho chính phủ”. Cuối cùng, bà đã thể hiện thái độ bài chủ nghĩa cá nhân của mình: Chính phủ phải có quyết định về cách nuôi dạy con cái của chúng ta.
Trong khi chính phủ chưa có những biện pháp nhằm đưa trẻ em ra khỏi nhà cha mẹ thì bà Hillary Clinton lại nghĩ về chuyện đó bằng cách liên tục khuyên bảo, nhắc nhở, dọa nạt các ông bố bà mẹ: “Băng video với những cách chăm sóc phù hợp - làm thế nào để cho bé ợ, làm thế nào khi xà phòng dính vào mắt bé, ru một em bé bị đau tai như thế nào – có thể được chiếu liên tục trong văn phòng của bác sĩ, trong phòng khám, trong bệnh viện, trong bến xe hoặc bất kỳ nơi nào khác, tức là những nơi mà người ta tập trung và phải chờ đợi”. Những cuốn băng video về chăm sóc trẻ em có thể được chiếu luân phiên với những cuốn băng video về ăn uống cân bằng dinh dưỡng, về tác hại của thuốc lá và ma túy, về tái chế rác thải trong sinh hoạt gia đình, về kỹ thuật an toàn tình dục, về niềm vui trong rèn luyện sức khỏe và tất cả những điều mà những người công dân trong xã hội hiện đại và phức tạp cần phải biết. Hệt như những màn ảnh truyền hình trong tác phẩm 1984 của George Orwell.
Khi Bill Clinton tuyên bố rằng, với quyền lực được giao và vì tương lai của “thế hệ trẻ của Hoa Kỳ”, ông đã ban hành quy định mới về thuốc lá và hút thuốc bằng những lời lẽ như sau: “Chúng ta là cha mẹ của chúng và bảo vệ chúng là trách nhiệm của chúng ta”. Năm 1996, Hillary Clinton nói với tờ Newsweek như sau: “Không có khái niệm gọi là con của người khác”. Đây là những tư tưởng bài chủ nghĩa cá nhân và phản gia đình sâu đậm. Đáng lẽ phải công nhận những người làm cha làm mẹ là những người có trách nhiệm về mặt đạo đức, những người có thể và phải chịu trách nhiệm về những quyết định và hành động của mình, thì ông bà Clinton lại sát nhập họ vào một khối khổng lồ những người nuôi dạy trẻ tập thể do chính phủ liên bang dắt mũi.
Nhà nước phình ra đang ngày càng đối xử với các công dân trưởng thành như đối xử với trẻ con. Nhà nước ngày càng thu nhiều tiền hơn từ những người làm ra tiền và phát lại cho chúng ta dưới dạng trợ cấp - thông qua vô số các “chương trình chuyển giao” khác nhau từ Head Start(3) đến chương trình cho sinh viên vay vốn, chương trình trợ cấp nông nghiệp, phúc lợi của công ty đến trợ cấp thất nghiệp và an sinh xã hội. Nhà nước không tin tưởng để giao cho chúng ta tự quyết định (thậm chí còn tham khảo ý kiến các bác sĩ của chúng ta nữa) nên uống loại thuốc nào hay trẻ con nên đến trường nào, hoặc chúng ta có thể truy cập vào những website nào. Vòng tay ôm chặt tất cả các thứ của nhà nước trở thành đặc biệt ngột ngạt đối với những người rơi vào mạng lưới an sinh xã hội vốn được nhiều người ca tụng, đấy là khi người ta rơi vào thế giới của những khoản trợ cấp và phụ thuộc đầy ác mộng, họ không còn nghĩa vụ như một người trưởng thành có trách nhiệm tự nuôi mình và vì thế mà lòng tự trọng cũng không còn. Gần đây có một người gọi đến chương trình talk show trên đài phát thanh của chính phủ để phàn nàn rằng “Cắt giảm ngân sách là các vị đang hủy hoại về mặt kinh tế - và trong một số trường hợp, hủy diệt sinh mạng - của hàng triệu người, những người, ngoài chính phủ liên bang ra thì không còn biết quay về đâu”. Chính phủ đã làm gì để hàng triệu người trưởng thành ở Mỹ sợ rằng họ không thể sống được nếu không còn phiếu trợ cấp?
Những người theo trường phái tự do cá nhân đôi khi nói rằng: “Những người theo phái bảo thủ muốn được làm cha bạn, để nói cho bạn biết cần làm gì và không làm gì. Những người theo phái tự do muốn làm mẹ của bạn, đút cho bạn ăn, ủ ấm cho bạn và lau mũi của bạn. Những người theo phái tự do cá nhân muốn cư xử với bạn như một người trưởng thành”. Chủ nghĩa tự do cá nhân là một hình thức của chủ nghĩa cá nhân, thích hợp với xã hội tự do: Coi người trưởng thành như người trưởng thành, cho phép họ tự đưa ra quyết định, ngay cả khi họ quyết định sai, tin tưởng rằng họ sẽ tìm được những giải pháp tốt nhất cho cuộc sống của mình.
Chú thích:
(1) Đạo luật Jim Crow là luật phân biệt chủng tộc được ban hành sau giai đoạn tái thiết (1890) ở các bang miền Nam Hoa Kỳ, ở cấp tiểu bang và địa phương, và vẫn tiếp tục có hiệu lực đến năm 1965, đòi tách biệt các chủng tộc trong tất cả các công trình công cộng tại các tiểu bang miền Nam .
(2) Ủy ban Chủ quyền bang Mississippi là một cơ quan nhà nước do Thống đốc bang Mississippi lãnh đạo, tồn tại trong giai đoạn 1956 - 1977, Mục tiêu của ủy ban là “bảo vệ chủ quyền của bang Mississippi và các bang khác, nhắm chống lại “sự xâm lấn của liên bang”. Ban đầu, Ủy ban được lập ra nhằm phối hợp hoạt động trong việc mô tả tình trạng và sự phân biệt chủng tộc do nhà nước tiến hành một cách tích cực hơn.
(3) Chương trình trợ cấp cho việc học hành, ăn mặc và chữa bệnh cho con em các gia đình nghèo ở Mỹ.
Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.