[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 6: Hiến pháp và pháp luật (Phần 1)
Gắn bó chặt chẽ với những câu hỏi về phạm vi hoạt động của nhà nước là nguyên tắc pháp quyền của chủ nghĩa tự do cá nhân. Một cách đơn giản nhất, nguyên tắc này có nghĩa là chúng ta nên được cai trị bởi những đạo luật được áp dụng chung cho tất cả mọi người, chứ không phải bởi những quyết định độc đoán của nhà cầm quyền – “chính phủ của luật, chứ không phải của con người”, như Tuyên ngôn về các quyền của bang Massachusetts (Bill Massachusetts) năm 1780 đã nói.
Trong cuốn Hiến pháp của Tự do (The Constitution of Liberty -1960), Friedrich Hayek đã thảo luận một cách chi tiết nguyên tắc pháp quyền. Ông đưa ra ba khía cạnh của nguyên tắc này: Luật phải có tính bao quát và trừu tượng, không có mục đích điều chính những hành động cụ thể của công dân; luật phải được mọi người biết và được viết một cách rõ ràng, sao cho người dân có thể biết trước rằng hành động của họ có phù hợp với pháp luật hay không; và phải được áp dụng một cách bình đẳng đối với tất cả mọi người.
Nguyên tắc này có những hậu quả quan trọng sau đây:
• Luật phải được áp dụng cho tất cả mọi người, kể cả người cầm quyền.
• Không có người nào được đứng trên pháp luật.
• Muốn tránh chế độ độc tài thì quyền lực phải được phân chia.
• Luật phải do một cơ quan ban hành, còn cơ quan khác thì thực thi.
• Cần có một cơ quan tư pháp độc lập để đảm bảo rằng pháp luật được áp dụng một cách công bằng.
• Quyền tự do hành động của những người thực thi pháp luật phải là tối thiểu, vì quyền được tùy nghi hành động chính là cái ác mà nguyên tắc pháp quyền muốn ngăn chặn.
Hệ thống pháp luật coi trọng tiền lệ (Judge-Made Law)
Người ta thường lầm lẫn về ý nghĩa của từ “pháp luật”. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng pháp luật là một văn bản được Quốc hội hoặc cơ quan lập pháp nhà nước thông qua. Nhưng trên thực tế, pháp luật có trước bất kỳ cơ quan lập pháp nào. Như Hayek nhận xét: “Tuân thủ những quy tắc chung là cách duy nhất để cho sự tồn tại hòa bình giữa các cá nhân trong xã hội trở thành khả dĩ”. Những quy tắc này là luật pháp, hình thành và phát triển trong quá trình giải quyết những vụ tranh chấp. Những đạo luật này không phải do nhà làm luật hay cơ quan lập pháp ban hành từ trước, mà được xây dựng dần dần khi mỗi vụ tranh chấp được giải quyết. Mỗi quyết định mới lại giúp phân định những quyền mà người dân có, đặc biệt là những quyền liên quan tới cách thức sử dụng tài sản và cách giải thích và thực thi hợp đồng.
Sự phát triển của luật pháp bắt đầu diễn ra theo cách đó ngay từ trước khi có lịch sử thành văn, nhưng hình thức được nhiều người biết nhất là luật La Mã, đặc biệt Bộ luật Justinian (hoặc Corpus Juris Civilis), mà hiện vẫn là nền tảng luật pháp châu Âu và thông luật của Anh, rồi được tiếp tục phát triển ở Mỹ và ở những nước thuộc địa cũ của Anh. Hệ thống hóa các đạo luật, ví dụ, Luật thương mại thống nhất (Uniform Commercial Code), thể hiện nỗ lực nhằm thu thập và trình bày trong một văn bản những quyết định mà các thẩm phán và các bồi thẩm đoàn đã đưa ra trong hằng hà sa số vụ án và những điều khoản của hợp đồng trong những lĩnh vực đang phát triển của nền kinh tế. Viện Luật pháp Mỹ (American Law Institute), một tổ chức tư nhân, thường xuyên cung cấp những bộ luật thương mại đã được họ sửa chữa lại cho các cơ quan lập pháp. Theo Hayek, ngay cả những nhà làm luật vĩ đại trong lịch sử, như Hammurabi, Solon và Lycurgus, cũng “không có ý định tạo ra những bộ luật mới mà chỉ ghi những đạo luật đã và vẫn có từ trước mà thôi”.
Như hai luật gia người Anh là Coke và Blackstone đã chỉ ra, thông luật là một phần của việc ngăn chặn, trên cơ sở hiến pháp, quá trình tập trung quyền lực. Thẩm phán không ban hành sắc lệnh, ông ta chỉ cai trị khi tranh chấp được đưa tới cho ông ta xem xét. Hạn chế này ngăn chặn quyền lực của thẩm phán và sự kiện là luật pháp được nhiều người tham gia trong nhiều vụ tranh chấp tạo ra đã ngăn chặn được quyền lực độc đoán mà nhà làm luật - dù đấy là nhà vua hay cơ quan lập pháp thì cũng thế - có thể nắm giữ. Nói chung, người ta chỉ đến tòa án khi các luật sư của họ tìm được vấn đề - một lỗ hổng – trong pháp luật. (Công việc của luật sư là thường xuyên nói với khách hàng: “Luật pháp là rõ ràng. Ông không có bằng chứng. Nếu ông đi kiện thì ông sẽ làm mất thì giờ và tiền bạc của của mình và của người khác”). Bằng cách đó, khá nhiều người đã tham gia vào quá trình phát triển của luật pháp, nhằm đối phó với những hoàn cảnh mới và các vấn đề mới.
Pháp chế (Legislation) – đáng tiếc là lại bị hầu hết mọi người gọi là luật (law) – là một quá trình khác. Một phần khá lớn của pháp chế liên quan đến những quy tắc hoạt động của chính phủ, tức là tương tự như nội quy của bất kỳ tổ chức nào khác. Phần khác của pháp luật, như đã nói ở trên, được coi là hệ thống hóa những đạo luật đã có. Nhưng càng ngày, pháp chế càng có nhiều những chỉ thị hướng dẫn người dân phải hành động như thế nào, nhằm mục đích tạo ra những kết quả cụ thể. Bằng cách đó, pháp chế làm cho xã hội xa rời những quy tắc chung là bảo vệ các quyền và để người ta tự do theo đuổi những mục đích riêng của họ và tiến dần về phía những quy tắc chi tiết, hướng dẫn người ta cách thức sử dụng tài sản và cách thức tương tác với những người khác.
Sự thoái trào của luật hợp đồng
Khi pháp chế đã thay thế thông luật (common law) trong việc điều tiết những mối quan hệ của chúng ta với nhau, những người làm luật đã tước đoạt ngày càng nhiều hơn những khoản thu nhập của chúng ta dưới dạng thuế khóa và hạn chế quyền sở hữu bằng những quy định nhằm điều tiết tất cả mọi thứ, từ tiền thuê nhà giá rẻ đến góc nhìn từ ô cửa sổ. Đáng tiếc là các vị thẩm phán không chỉ ủng hộ những quyết định như thế của ngành lập pháp, mà họ còn lờ đi những quy định Hiến pháp Mỹ trong việc bảo vệ quyền sở hữu; họ cũng bác bỏ những hợp đồng mà họ cho rằng thể hiện “khả năng thương lượng của các bên là không như nhau” hay vì lý do nào đó mà không phù hợp với “lợi ích công cộng”. Trong những trường hợp vừa nêu, nếu nhà làm luật hay thẩm phán nghĩ rằng theo quan điểm của ông ta về lẽ công bằng thì phải chuyển tài sản từ người sở hữu hợp pháp sang cho nguyên đơn mà ông ta có cảm tình hơn hoặc rũ bỏ trách nhiệm thi hành hợp đồng mà một người nào đó đã nhận khi ký thì những lợi ích tuyệt vời của một hệ thống sở hữu và hợp đồng sẽ bị hủy bỏ.
Trong tác phẩm Vùng đất tự do ngọt ngào? (Sweet Land of Liberty?), một học giả chuyên về lĩnh vực pháp lý, Henry Mark Holzer, chỉ ra một số giai đoạn trong việc chính phủ làm xói mòn giá trị thiêng liêng của hợp đồng. Ông nói rằng, trước Nội chiến, tiền ở Mỹ là những đồng xu bằng vàng và bạc. Nhằm tài trợ cho cuộc nội chiến, Quốc hội cho phép phát hành tiền giấy có thể gây lạm phát, mà họ tuyên bố là “phương tiện thanh toán hợp pháp”, có nghĩa là nó phải được chấp nhận khi người dân thanh toán những món nợ với nhau, ngay cả khi người cho vay hy vọng là sẽ được trả nợ bằng vàng hay bạc. Năm 1871, Tòa án Tối cao thông qua Luật về phương tiện thanh toán hợp pháp (Legal Tender Act), thực chất là viết lại tất cả những hợp đồng vay nợ - và đặt những người có tiền trước sự kiện là chính phủ có thể đơn phương thay đổi các điều khoản của những khoản vay trong tương lai. Sau đó, năm 1938, mặc dù đã có những điều khoản rõ ràng trong Hiến pháp về việc cấm các bang ban hành bất kỳ “luật nào có ảnh hưởng xấu đến nghĩa vụ của hợp đồng”, nhưng Tòa án tối cao đã ủng hộ luật của bang Minnesota cho người vay nhiều thời gian hơn trong việc trả các khoản vay có thế chấp so với quy định của hợp đồng, người cho vay chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài chờ đợi số tiền mà người ta phải trả cho họ. Cũng trong khoảng thời gian này, Tòa án còn bồi thêm một cú nữa vào tự do của hợp đồng. Một trong những mối bận tâm lớn của tất cả những người cho vay là đảm bảo rằng số tiền mà họ nhận cũng có giá trị như số tiền mà họ đã cho vay, nhưng không phải lúc nào cũng thế, lạm phát có thể làm giảm giá trị của đồng tiền. Sau khi ban hành Luật về phương tiện thanh toan hợp pháp, nhiều hợp đồng đã có thêm “điều khoản vàng”, quy định số tiền trả nợ bằng vàng, tức là giữ giá trị của khoản cho vay tốt hơn so với đồng USD do chính phủ phát hành. Tháng 6 năm 1933, chính quyền của Tổng thống Roosevelt thuyết phục Quốc hội xóa điều khoản vàng khỏi tất cả các hợp đồng, thực chất là chuyển giao hàng tỷ USD từ các chủ nợ sang cho những người đi vay, bây giờ những người đi vay có thể trả nợ bằng những đồng USD lạm phát. Trong mỗi trường hợp như thế, các nhà làm luật và các vị thẩm phán đều nói rằng, theo họ, nhu cầu hiển nhiên của một nhóm người tham gia ký kết lớn hơn trách nhiệm mà họ đã tự nguyện chấp nhận. Những quyết định như thế là mối nguy ngày càng gia tăng đối với tiến bộ về mặt kinh tế, phát triển kinh tế phụ thuộc vào sự an toàn của tài sản và niềm tin rằng các bên sẽ thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.
(Còn nữa)
Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.