[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 3 - Chúng ta có những quyền gì? (Phần cuối)
Cái gì không phải là quyền?
Những lời phàn nàn về sự gia tăng nhanh chóng các quyền cho thấy, những cuộc tranh luận chính trị ở Mỹ hiện nay thực sự là được thúc đẩy bởi những đòi hỏi về quyền. Ở một mức độ nào đó, điều này phản ánh chiến thắng áp đảo của chủ nghĩa tự do (cổ điển), lấy các quyền làm cơ sở ở Mỹ. Locke, Jefferson, Madison và những người ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lê đã đưa vào cả luật pháp lẫn công luận tư tưởng sau đây: Chức năng của chính phủ là bảo vệ các quyền của người dân. Vì vậy, trong những cuộc tranh luận về chính sách công, yêu cầu về quyền có hiệu quả hơn hẳn những luận cứ khác.
Đáng tiếc là, cùng với thời gian, hiểu biết về các quyền tự nhiên của cả giới hàn lâm lẫn dân chúng đã có phần suy giảm. Quá nhiều người Mỹ hiện nay tin rằng bất kỳ cái gì đáng mong muốn cũng đều là quyền. Họ không phân biệt được đâu là quyền và đâu là giá trị. Một số tuyên bố có quyền có việc làm, một số người khác cho rằng có quyền được bảo vệ khỏi ảnh hưởng của phim ảnh khiêu dâm. Một số cho rằng có quyền không bị hít khói thuốc lá trong các nhà hàng, một số người khác thì cho rằng có quyền không bị sa thải chỉ vì họ là những người hút thuốc. Những người đồng tính đòi quyền không bị phân biệt đối xử, trong khi đối thủ của họ đòi quyền rằng không một ai tham gia vào mối quan hệ đồng tính. Hàng ngàn người vận động hành lang lang thang trong các phòng họp của Quốc hội, đòi quyền trợ cấp phúc lợi, nhà ở, học tập, an sinh xã hội, trợ cấp nông nghiệp, ngăn chặn nhập khẩu..v.v. cho các khách hàng của mình.
Khi tòa án và các cơ quan lập pháp công nhận ngày càng nhiều những “quyền” như vậy thì những đòi hỏi về quyền càng trở nên táo bạo hơn bao giờ hết. Một người phụ nữ ở Boston tuyên bố “quyền hiến định của tôi là tập với những quả tạ [nặng nhất] mà tôi có thể nâng được”, thậm chí ngay cả khi những quả tạ nặng nhất trong câu lạc bộ của bà ta ở trong phòng tập của đàn ông, phụ nữ không được phép vào. Một người đàn ông ở Annapolis, bang Maryland, đòi hỏi Hội đồng thành phố yêu cầu các công ty chuyên giao bánh pizza và những loại thực phẩm khác mang hàng đến khu phố của mình, mặc dù các công ty nói là khu vực đó quá nguy hiểm, nhưng Hội đồng thành phố đã chấp nhận yêu cầu của ông ta. Ông này nói: “Tôi muốn có cùng những quyền như bất kỳ người dân Annapolis nào khác”. Nhưng không một người Annapolis nào có quyền ép bất cứ ai phải kinh doanh với người đó, đặc biệt là khi công ty cảm thấy rằng họ làm cho nhân viên của mình gặp nguy hiểm. Một người đàn ông bị điếc đang kiện YMCA (Hiệp hội thanh niên Cơ đốc) vì không xác nhận ông ta là nhân viên cứu hộ vì theo YMCA, nhân viên cứu hộ phải có khả năng nghe được tiếng kêu cứu của nạn nhân. Một cặp chưa kết hôn ở California đòi quyền thuê một căn hộ của một người phụ nữ trong khi bà này cho rằng quan hệ của họ làm tổn thương niềm tin tôn giáo của bà ta.
Phải làm thế nào với những đòi hỏi về quyền như thế? Có hai cách tiếp cận chính. Thứ nhất, quyết định trên cơ sở sức mạnh chính trị. Ai thuyết phục được đa số trong Quốc hội hay cơ quan lập pháp bang hoặc Tòa án tối cao thì người đó sẽ có “quyền” với tất cả những thứ mà người đó muốn. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ có một loạt những đòi hỏi xung đột nhau về các quyền và các nhu cầu đối với công quỹ sẽ là vô hạn, nhưng chúng ta sẽ không có lý thuyết để giải quyết; khi xảy ra xung đột, các tòa án và các cơ quan lập pháp sẽ giải quyết trên cơ sở đặc biệt. Người có nhiều cảm tình nhất hoặc có quyền lực chính trị mạnh nhất sẽ thắng.
Các cách tiếp cận khác là quay trở lại với những nguyên tắc đầu tiên, để đánh giá mỗi đòi hỏi về quyền dưới ánh sáng của quyền của mỗi người là quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu. Những quyền cơ bản không thể gây ra xung đột. Đòi hỏi những quyền mà tạo ra xung đột đều là hiểu sai về những quyền cơ bản. Đấy là một trong các tiền đề và giá trị của lý thuyết về quyền: vì quyền là phổ quát, tất cả mọi người trong bất kỳ xã hội nào cũng đều có thể hưởng những quyền này cùng một lúc. Việc gắn bó với những nguyên tắc đầu tiên có thể yêu cầu chúng ta - trong một số hoàn cảnh nhất định – từ chối đòi hỏi về quyền của người kiến nghị gây được thiện cảm hoặc từ chối thừa nhận quyền của người khác trong việc thực hiện hành động mà hầu như tất cả chúng ta đều cho là không nên. Nói cho cùng, có quyền nghĩa là gì nếu khái niệm này không bao gồm quyền được sai?
Công nhận khả năng của người dân trong việc chịu trách nhiệm về hành động của mình – bản chất của một thực thể có quyền - là chấp nhận rằng mỗi người có quyền “không phải chịu trách nhiệm” thực thi những quyền đó, với điều kiện tối thiểu là người đó không vi phạm những quyền của người khác. David Hume công nhận rằng công lý thường yêu cầu chúng ta, trong bối cảnh cụ thể, phải đưa ra quyết định tưởng như là đáng tiếc: “Mặc dù những hành động đơn độc của công lý có thể mâu thuẫn với lợi ích riêng tư hay lợi ích công cộng, nhưng chắc chắn là, kế hoạch hoặc chương trình tổng thể sẽ rất thuận lợi hay thực sự là hoàn toàn cần thiết nhằm củng cố cả trật tự xã hội lẫn phúc lợi của mỗi cá nhân”. Như vậy là, theo Hume, đôi khi chúng ta có thể phải “hoàn trả khối tài sản to lớn cho một kẻ keo kiệt hoặc một kẻ cuồng tín phản loạn”, nhưng “mỗi người đều phải thấy là mình được lợi” vì nền hòa bình, trật tự và thịnh vượng mà hệ thống quyền sở hữu đã thiết lập được.
Nếu chúng ta chấp nhận quan điểm của chủ nghĩa tự do cá nhân về các quyền của cá nhân thì chúng ta có những tiêu chuẩn có thể giải quyết tất cả những đòi hỏi xung đột nhau về quyền. Chúng ta có thể thấy rằng một người có quyền kiếm tài sản bằng cách chiếm đoạt tài sản vô chủ hoặc - gần như trong tất cả các trường hợp của xã hội hiện đại - bằng cách thuyết phục người chủ sở hữu cho hoặc bán cho anh ta. Người chủ mới có quyền sử dụng tài sản theo ý mình. Nếu anh ta muốn cho một người da đen hay một bà già với hai đứa cháu thuê mà quy hoạch vùng đó lại cấm thì đấy chính là vi phạm quyền sở hữu. Nếu bà chủ là người theo Thiên chúa giáo không chịu cho một đôi chưa có giấy giá thú thuê, mà chính phủ lại can thiệp nhằm buộc bà ta phải làm như thế thì đấy sẽ là không công bằng. (Tất nhiên là những người khác có quyền coi bà ta là người cố chấp và có quyền bày tỏ ý kiến của mình trên phần tài sản của mình hoặc trên những tờ báo đồng ý công bố những lời chỉ trích của họ).
Người ta có quyền làm bất cứ ngành nghề gì, miễn là tìm được người sẵn sàng thuê hoặc tìm được khách hàng, đấy là khẩu hiệu của chủ nghĩa tự do cổ điển “la carriere ouverte aux talents” (mở rộng cơ hội cho tài năng), không được dùng phường hội hay công ty độc quyền ngăn chặn - nhưng họ không có quyền ép buộc ai đó thuê mình hoặc làm ăn với mình. Nông dân có quyền trồng cấy trên mảnh đất của mình và bán sản phẩm làm ra, nhưng họ không có “quyền được hưởng một mức lương đủ sống”. Người ta có quyền không đọc thông tin về hộ sinh, có quyền không bán thông tin đó trong cửa hàng sách của mình hoặc không cho phép nó được truyền qua dịch vụ trực tuyến của mình, nhưng họ không có quyền ngăn chặn người khác ký kết hợp đồng về việc làm ra, bán và mua thông tin đó. Một lần nữa, chúng ta lại thấy rằng quyền tự do báo chí quay trở lại với quyền tự do về sở hữu tài sản và hợp đồng.
Một trong những ưu điểm của hệ thống tài sản tư nhân hoặc tài sản riêng, như Hayek và những người khác vẫn gọi – là chủ nghĩa đa nguyên và phi tập trung hóa quá trình ra quyết định. Ở Mỹ, có tới 6 triệu doanh nghiệp, không những không lập ra một bộ quy tắc cho tất cả những doanh nghiệp này mà hệ thống đa nguyên và quyền sở hữu còn có nghĩa là từng doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định riêng của mình. Một số người sử dụng lao động sẽ đưa ra mức lương cao hơn và điều kiện làm việc khó khăn hơn; trong khi những người đưa ra một gói điều kiện khác nữa, và người đang tìm việc làm có cơ hội lựa chọn. Một số người sử dụng lao động chắc chắn là có thành kiến với người da đen, người Do Thái, hay phụ nữ - hoặc thậm chí là thành kiến với đàn ông, như vụ kiện năm 1995 nhằm chống lại công ty Craig Jenny cho thấy - và sẽ phải trả giá cho điều đó, còn những người khác thì sẽ được lợi vì thuê được những người công nhân tốt nhất, bất kể chủng tộc, giới tính, tôn giáo, khuynh hướng tính dục, hoặc bất kỳ đặc tính nào khác, miễn là không liên quan đến công việc. Ở Mỹ, có 400.000 nhà hàng, vì sao tất cả các nhà hàng đó đều phải có những quy định giống nhau về hút thuốc lá, mà ngày càng nhiều chính phủ bang và liên bang đòi hỏi? Tại sao không để cho các nhà hàng thử nghiệm những cách thu hút khách hàng khác nhau? Ban giám đốc của Viện Cato đã cấm hút thuốc trong tòa nhà của chúng tôi. Điếu đó đã gây khó khăn thực sự cho một trong những đồng nghiệp của tôi, cứ khoảng một tiếng đồng hồ là ông này lại phải chạy ra nhà để xe để hút thuốc. Ông nói: “Tôi muốn có một việc làm thú vị, với các đồng nghiệp dễ thông cảm với nhau, lương cao, trong văn phòng được phép hút thuốc. Nhưng công việc thực sự thú vị, với các đồng nghiệp dễ thông cảm với nhau, mức lương thỏa đáng, trong một văn phòng không hút thuốc, tốt hơn so với các những phương án thay thế mà tôi có”.
Mới đây, tờ The Wall Street Journal có viết : “Người sử dụng lao động sẽ ngày càng bị người ta yêu cầu giải quyết đòi hỏi của những người lao động muốn bày tỏ đức tin của họ trong khi làm việc và những người không muốn nghe lời cầu kinh của những người kia”. Một số người lao động đòi “quyền” thực hành tôn giáo tại nơi làm việc – cùng với việc nghiên cứu Kinh Thánh ngay tại nơi làm việc và những buổi cầu nguyện, đeo những chiếc huy hiệu có hình bào thai màu sắc sặc sỡ nhằm cổ động cho việc chống phá thai..v.v.., trong khi các nhân viên khác thì kiện đòi “quyền” không phải nghe chuyện về tôn giáo tại nơi làm việc. Chính phủ - thông qua Quốc hội hoặc tòa án - có thể đưa ra quy định về cách mà người sử dụng lao động và người lao động phải làm với tôn giáo và những ý tưởng gây tranh cãi khác tại nơi làm việc. Nhưng dựa vào hệ thống quyền sở và chủ nghĩa đa nguyên, chúng ta có thể tạo điều kiện cho hàng triệu doanh nghiệp tự ra quyết định, từng chủ sở hữu cân nhắc niềm tin tôn giáo của riêng mình, mối quan tâm của những người lao động, và tất cả những yếu tố mà người đó cho là quan trọng. Người đang tìm việc làm có thể đàm phán với người sử dụng lao động hoặc tự quyết định thích nơi làm việc nào hơn, trong khi phải cân nhắc những khoản khác như tiền lương, phúc lợi, thuận tiện về đi lại, giờ làm việc, công việc thú vị đến mức nào..v.v.. Cuộc sống là những vụ đổi chác, đánh đổi trên cơ sở những điều kiện của khu vực và phi tập trung thì hơn là do chính quyền trung ương quyết định.
Chính phủ làm cho các quyền trở thành phức tạp
Tôi đã khẳng định rằng, những xung đột về quyền có thể được giải quyết trên cơ sở định nghĩa nhất quán về quyền tự nhiên, đặc biệt là quyền sở hữu tư nhân, tất cả các quyền của chúng ta đều phụ thuộc vào quyền này. Nhiều vụ xung đột căng thẳng nhất về quyền trong xã hội của chúng ta xảy ra khi chúng ta chuyển quyết định từ khu vực tư nhân sang cho chính phủ, mà chính phủ thì không có tài sản tư nhân. Có được cầu kinh trong trường học hay không? Người sống trong khu chung cư phức tạp có được phép sử dụng súng hay không? Rạp hát có được biểu diễn tác phẩm khiêu dâm hay không? Tất cả những câu hỏi này đều không có tính chính trị nếu các trường học, chung cư và nhà hát là những cơ sở tư nhân. Lập trường phù hợp là để cho các chủ sở hữu tự quyết định và sau đó các khách hàng tiềm năng có thể quyết định xem họ có muốn làm khách hàng của những cơ sở đó hay không.
Nhưng vừa biến các thiết chế này thành công cộng là ta đánh mất ngay người chủ sở hữu với quyền sở hữu rõ ràng. Một số cơ quan chính trị có quyền quyết định và toàn xã hội có thể bị lôi kéo vào những cuộc tranh cãi. Một số phụ huynh không muốn chính phủ bắt con em họ phải nghe những buổi cầu nguyện, nhưng nếu trường công lập cấm cầu kinh thì những phụ huynh khác lại cảm thấy rằng họ bị tước quyền nuôi dạy con cái theo cách mà họ cho là phù hợp. Nếu Quốc hội chỉ thị cho Quỹ quốc gia về nghệ thuật không tài trợ cho môn nghệ thuật bị coi là khiêu dâm thì một số nghệ sĩ có thể cảm thấy rằng quyền tự do của họ đã bị hạn chế; nhưng còn quyền tự do của người đóng thuế, những người đã bỏ phiếu bầu các nghị sĩ để tiền thuế của họ được chi tiêu một cách khôn ngoan thì sao? Chính phủ có phải chỉ thị cho ông bác sĩ làm việc tại phòng khám thai do chính phủ tài trợ là không được đề nghị người ta phá thai hay không?
Giáo sư luật tại Đại học Duke (Duke University), Walter Dellinger, cố vấn pháp lý hàng đầu trong chính quyền của Tổng thống Clinton, đã cảnh báo rằng những quy định như vậy là “đặc biệt đáng báo động khi vai trò của chính phủ ngày càng gia tăng trong việc trợ giá cho chủ đất, cho người sử dụng lao động và bảo trợ nghệ thuật”. Ông nói đúng. Những quy định như vậy làm cho chính phủ có thể kiểm soát thêm ngày càng nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng vì chính phủ là người chủ đất và người sử dụng lao động lớn nhất, chúng ta có thể hy vọng rằng công dân và những người đại diện của họ sẽ không bàng quan trước việc chi tiêu tiền bạc của họ.
Khi chi tiền, bao giờ chính phủ cũng đưa ra những sự ràng buộc nào đó. Và chính phủ phải lập ra quy định đối với tài sản nằm dưới quyền kiểm soát của họ, những quy định này hầu như chắc chắn làm cho một số công-dân-người-đóng-thuế cảm thấy khó chịu. Đó là lý do vì sao tư nhân hóa càng nhiều tài sản, nhằm phi chính trị hóa quá trình ra quyết định về việc sử dụng tài sản, thì càng tốt.
Chúng ta phải công nhận và bảo vệ các quyền tự nhiên vì công lý đòi hỏi điều đó, và cũng vì hệ thống các quyền cá nhân và tài sản được phân tán một cách rộng rãi sẽ dẫn chúng ta đến xã hội tự do, khoan dung và xã hội dân sự.
(Hết chương 3)
Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.