[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 7: Xã hội dân sự (hết chương 7)
Chính phủ và xã hội dân sự
Những biện pháp của chính phủ nhằm bảo vệ các quyền cá nhân là điều kiện quan trọng sống còn cho việc hình thành không gian, trong đó, mọi người có thể liên kết với nhau nhằm theo đuổi những lợi ích, vừa nhiều vừa đa dạng, của họ. Nhưng vượt ra ngoài vai trò đó là chính phủ đã nhúng tay vào lĩnh vực của xã hội dân sự. Nếu những khoản vay của chính phủ “chèn ép” những khoản vay tư nhân thì hoạt động của chính phủ trong những lĩnh vực khác cũng chèn ép hoạt động tự nguyện của người dân (trong đó có thương mại).
Từ Giai đoạn Tiến bộ (Progressive Era), nhà nước đã ngày càng cản trở những cộng đồng tự nhiên và các tổ chức trung gian ở nước Mỹ. Các trường công lập thế chỗ của các trường tư, được xây dựng tại cộng đồng; các khu xây dựng trường học vừa lớn, vừa ở xa, khó quản lý thế chỗ cho những trường nhỏ. Hệ thống an sinh xã hội do nhà nước quản lý không chỉ làm mất nhu cầu tiết kiệm cho giai đoạn về hưu trí, mà còn làm suy yếu những mối quan hệ trong gia đình vì cha mẹ không còn trông cậy vào con cái mà trông cậy vào nhà nước. Luật về quy hoạch làm giảm số lượng nhà ở phù hợp với túi tiền của người dân, hạn chế cơ hội cho những gia đình đông người sống cùng với nhau và đẩy các cửa hàng bán lẻ ra khỏi các khu dân cư, làm giảm các mối quan hệ giữa những người dân sống trong cùng khu vực. Những quy định về chăm sóc trẻ em và người già hạn chế những loại hình dịch vụ này. Xã hội dân sự bị nhà nước đẩy ra bằng những cách như thế đấy.
Các cộng đồng địa phương sẽ ra sao khi nhà nước phình ra? Nhà nước phúc lợi nhận về mình những trách nhiệm mà trước đây là của các cá nhân và cộng đồng và trong quá trình đó, đã làm mất đi phần lớn những điều mang lại sự hài lòng với cuộc sống: Nếu chính phủ nuôi người nghèo thì sẽ không cần tổ chức từ thiện nữa. Nếu bộ máy quan liêu quản lý các trường học thì tổ chức của phụ huynh học sinh sẽ không còn quan trọng. Nếu các cơ quan của chính phủ quản lý các trung tâm văn hóa của cộng đồng, nếu họ dạy trẻ em về tình dục và chăm sóc cho người già thì các gia đình và các hiệp hội trong khu vực cũng không còn cần thiết như trước nữa.
Từ từ thiện và tương trợ tới nhà nước phúc lợi
Từ thiện và tương trợ lẫn nhau bị nhà nước quá khổ chèn ép mạnh nhất. Judith Bennett nhận xét rằng ngay từ thế kỷ XIII, “các quan chức của giáo hội và vương triều đã ra lệnh bỏ các khoản đóng góp cho các ales”. Đến thế kỷ XVII, sự chống đối còn dữ dội hơn vì lúc đó đang có chiến dịch chống lại nền văn hóa truyền thống và phong trào hướng tới việc kiểm soát các tổ chức từ thiện một cách tập tung hơn và sự phát triển của hệ thống giúp đỡ người nghèo từ ngân sách quốc gia.
Độc giả có thể tự hỏi: nếu các hội huynh đệ tuyệt vời như thế, sao bây giờ lại không còn? Tất nhiên là nhiều hội vẫn còn, nhưng có ít thành viên hơn, địa vị trong xã hội cũng giảm đi, một phần là do chức năng của họ đã bị nhà nước thâu tóm. David Green viết: “Đỉnh điểm của sự phình ra của nhà nước là khi nhà nước can thiệp vào hoạt động của các hội huynh đệ và làm chuyển hóa những hội đó bằng cách áp dụng bảo hiểm [y tế] bắt buộc trên toàn quốc”. Khi chức năng chủ yếu bị quốc hữu hóa thì các hội đó sẽ teo đi. Beito nhận thấy rằng luật về môn bài trong ngành y đã phá hoại những thỏa thuận giữa các bác sĩ và các hội, luật cấm một số hình thức bảo hiểm và sự phình ra của nhà nước phúc lợi là những trở ngại đối với bảo hiểm của các hội huynh đệ ở Mỹ. Khi các bang và chính phủ liên bang lập ra quỹ bồi thường cho công nhân, lương hưu cho các bà mẹ và quỹ an sinh xã hội, thì người ta không còn cần các hội tương trợ như trước nữa. Một số ảnh hưởng có thể là vô tình, nhưng Tổng thống Theodore Roosevelt có lần đã lên tiếng phản đối các hội huynh đệ của người nhập cư bằng cách nói: “Nhân dân Mỹ [lưu ý từ nhân dân] phải làm những việc đó cho người nhập cư”. Ngay cả nhà sử học Michael Katz, một người ủng hộ của nhà nước phúc lợi, cũng thừa nhận rằng các sáng kiến về phúc lợi của chính phủ liên bang “có thể đã làm suy yếu mạng lưới hỗ trợ trong từng thành phố, làm thay đổi các trải nghiệm về nghèo đói và làm gia tăng số người vô gia cư”.
Chính phủ vẫn còn ép các tổ chức từ thiện. Hội gọi là Đội quân cứu chuộc (The Salvation Army) có hai mươi cơ sở giành cho người vô gia cư ở Detroit, nhưng năm 1995 thành phố Detroit đã thông qua đạo luật về việc cấp môn bài và quản lý những cơ sở giành cho người vô gia cư. Luật này yêu cầu rằng tất cả các nhân viên đều phải được huấn luyện, tất cả thực đơn phải được chuyên gia dinh dưỡng có bằng cấp phê duyệt, tất cả thuốc men đều phải được cất giữ trong khu vực nhà kho có khóa, nơi tạm trú phải xác định tuổi của những người sống ở đó và phải bảo đảm rằng trẻ em được đi học. Tất cả đều là những ý tưởng tốt, nhưng người phụ trách những cơ sở này của Đội quân cứu chuộc nói: “Tất cả những yêu cầu này đều phải mất tiền mà ngân sách của chúng tôi chỉ có 10 USD một người một ngày”. Sẽ xảy ra chuyện gì? Một số cơ sở có thể sẽ bị đóng cửa, hoặc là người vô gia cư sẽ sống trong các ngôi nhà bị bỏ hoang hay trong những hộp các tông, hoặc là thành phố Detroit sẽ phải chi nhiều tiền hơn để xây dựng những cơ sở tạm trú do thành phố quản lý. Và những tình nguyện viên của Đội quân cứu chuộc sẽ có ít cơ hội giúp đỡ hơn.
Các quan chức ở Texas yêu cầu rằng chương trình cai nghiện khá thành công, mang tên Teen Challenge, phải làm theo quy định của nhà nước về ghi chép hồ sơ, tiêu chuẩn ăn ở và đặc biệt là sử dụng các nhân viên tư vấn có bằng cấp chứ không phải là những chương trình mang tính tôn giáo, thường là do những người trước đây từng nghiện rượu và nghiện ma túy phụ trách. Teen Challenge không nhận tài trợ của chính phủ và Sở nghiên cứu Y tế và Dịch vụ con người cho rằng đây là chương trình cai nghiện vừa tốt nhất vừa rẻ nhất từng được đem ra thử nghiệm. Nhưng năm 1995, bang Texas ra lệnh cho chương trình Chương trình Nam Texas (South Texas program) chấm dứt hoạt động hoặc mỗi ngày phải nộp phạt 4.000 USD. Teen Challenge đưa các quan chức ra tòa, ít nhất là họ đã mất thì giờ và tiền bạc, vốn hạn chế của mình, cho cuộc chiến đấu để được tiếp tục làm việc.
Xã hội của chúng ta phải trả giá như thế nào khi chính phủ ngày càng nhận thêm những công việc mà trước đây cá nhân và cộng đồng địa phương thường làm? Tocqueville từng cảnh báo về những chuyện có thể xảy ra:
Sau khi theo cách đó đề lần lượt nắm từng công dân vào đôi bàn tay cực mạnh của mình và nhào nặn nó tùy thích, kẻ cầm quyền tối cao giang rộng đôi cánh tay ra toàn bộ xã hội. Nó bao trùm toàn bộ bề mặt xã hội bằng một hệ thống những quy tắc nhỏ nhặt rắc rối và tỷ mỉ chi tiết và đồng loạt, qua đó ngay cả những đầu óc độc đáo nhất và những tâm hồn mạnh mẽ nhất cũng không thể nào ngoi lên nổi để có thể đi xa hơn toàn bộ đám đông. Nó không bóp nát mọi ý chí con người, nhưng nó làm ý chí con người mềm nhũn đi, bắt mọi ý chí phải cúi đầu và điều khiển chúng. Hiếm khi nó bắt buộc con người phải hành động, nhưng nó luôn luôn chống lại khi con người hành động. Nó không thủ tiêu cái gì cả, nó chỉ ngăn chặn sinh sôi. Nó không dùng lối bạo hành với ai hết, nó chỉ gây phiền hà, nó đè nén, nó chọc tức, nó làm tắt ngấm. Nó khiến cho con người chỉ còn biết há mồm kinh ngạc, và cuối cùng thì toàn bộ dân tộc chỉ còn lại là một đàn súc vật nhút nhát và cần cù mà chính quyền là kẻ chăn dắt(1).
Như Charles Murray viết: “Khi chính phủ giành lấy chức năng cốt lõi [của cộng đồng], nó không chỉ làm cạn kiệt những nguồn sinh lực liên quan đến chức năng cụ thể đó mà còn làm cạn kiệt nhiều nguồn sinh lực khác nữa”. Quan niệm “để cho chính phủ làm việc đó” trở thành thói quen.
Trong tác phẩm In Pursuit: Of Happiness and Good Government (tạm dịch: Trong cuộc tìm kiếm: bàn về hạnh phúc và chính phủ tốt), Murray đưa ra một số bằng chứng chứng tỏ rằng hy vọng vào chính phủ chính là sự thay thế cho hành động của cá nhân. Ông phát hiện ra rằng từ những năm 1940 đến năm 1964, phần thu nhập của người Mỹ dành cho công việc từ thiện gia tăng - như chúng ta có thể dự đoán: khi thu nhập tăng, mọi người có thể cảm thấy có nhiều điều kiện hơn trong việc giúp đỡ người khác. “Thế rồi, đột nhiên, khoảng những 1964-1965, giữa thời kỳ bùng nổ kinh tế, xu hướng này đã bị đảo ngược”. Mặc dù thu nhập tiếp tục gia tăng (mãi đến khoảng 1973 tốc độ tăng trưởng kinh tế mới giảm đáng kể), phần dành cho hoạt động từ thiện đã giảm. Sau đó, vào năm 1981, trong giai đoạn suy thoái, xu hướng này lại đột ngột đảo chiều và đóng góp tính trên phần trăm thu nhập lại gia tăng mạnh mẽ. Đã xảy ra chuyện gì? Murray cho thấy rằng khi chính sách Xã Hội Vĩ Đại, khởi động vào những năm 1964-1965, bắt đầu bằng tuyên bố của Tổng thống Lyndon Johnson rằng chính phủ liên bang sẽ tiến hành cuộc chiến tranh chống đói nghèo, có thể người nghĩ rằng họ không cần đóng góp nhiều như trước nữa. Sau đó, năm 1981, Tổng thống Ronald Reagan nhậm chức với lời hứa là sẽ cắt giảm chi tiêu của chính phủ; có thể lúc đó người dân lại nghĩ rằng nếu chính phủ không giúp đỡ người nghèo thì họ sẽ phải giúp.
Hình thành tính cách
Chính phủ phình ra không chỉ phá hủy các thiết chế và những khoản đóng góp để làm công việc từ thiện, mà nó còn làm băng hoại đạo đức, một trong những tiêu chí cần thiết cho cả xã hội dân sự lẫn quyền tự do trong khuôn khổ của pháp luật. Những “đức tính tốt của giai cấp tư sản” – cần cù, tiết kiệm, tỉnh táo, thận trọng, trung thực, tự chủ và quan tâm đến uy tín của mình – được giữ gìn và ngày càng phát triển vì đấy là những đức tính cần thiết cho sự thăng tiến trong cái thế giới, nơi người ta phải sản xuất thức ăn và xây dựng nhà ở và người dân phải chịu trách nhiệm cho sự thịnh vượng của chính mình. Chính phủ khó có thể làm cho dân chúng thấm nhuần những đức tính này, nhưng bằng những hành động của mình, chính phủ lại có thể dễ dàng phá hoại những đức tính đó. Như David Frum viết trong tác phẩm Dead Right (Quyền đã chết):
Tại sao phải tiết kiệm, nếu tuổi già của bạn được bảo đảm và bạn được chữa bệnh miễn phí, dù khi còn trẻ bạn đã ăn chơi trác táng như thế nào? Tại sao phải thận trọng khi mà nhà nước đã bảo hiểm cho khoản tiền gửi ngân hàng của bạn, cho bạn ngôi nhà mới nếu nhà của bạn bị ngập lụt, mua tất cả số lúa mì mà bạn thu hoạch được và giải cứu bạn khi bạn lạc vào khu vực chiến sự nước ngoài? Tại sao phải siêng năng khi người ta thu tới một nửa thu nhập của bạn rồi đem cho những kẻ lười biếng? Tại sao phải tỉnh táo khi mà những người đóng thuế đã trả tiền cho những lần khám nhằm giúp bạn cai nghiện ma túy ngay khi bạn không còn thích ma túy nữa?
Tóm tắt ảnh hưởng mà chính phủ gây ra đối với tính cách cá nhân, Frum viết, chính phủ “đã giải phóng các cá nhân khỏi những hạn chế mà những nguồn lực có giới hạn, sự sợ hãi mang tính tôn giáo hay sự phê phán của cộng đồng, nguy cơ bị ốm đau hay thảm họa cá nhân áp đặt lên mỗi người”. Người ta có thể cho rằng mục đích của chủ nghĩa tự do cá nhân chính là giải phóng cá nhân, và đúng là như thế - nhưng đấy là giải phóng cá nhân khỏi những hạn chế mang tính cưỡng chế, do người khác tạo ra, đối với hành động của anh ta. Những người theo phái tự do cá nhân không bao giờ nói rằng người dân được “giải phóng” khỏi thực tiễn của thế giới, “giải phóng” khỏi nghĩa vụ phải trả giá cho con đường mà mình đã chọn và phải chịu trách nhiệm về những hậu quả của những hành động của mình. Theo quan điểm đạo đức, mỗi cá nhân đều phải được tự do lựa chọn quyết định cho mình, họ có thể thành công hay thất bại tùy theo sự lựa chọn của mình. Còn từ quan điểm thực tiễn, như Frum đã chỉ ra, khi chúng ta che chắn cho người ta, để người ta không phải chịu những hậu quả do hành động của mình gây thì chúng ta sẽ có xã hội với những tính chất không phải là tiết kiệm, tỉnh táo, siêng năng, tự chủ và thận trọng mà là hoang phí, thiếu điều độ, lười biếng, dựa dẫm và thờ ơ đối với hậu quả.
Xin trở lại với hình ảnh ở đầu Chương 4 – có thể nhận tiền và thuê xe ô tô trên khắp thế giới - nhu cầu hợp tác của con người đã giúp tạo ra những mạng lưới phức tạp và rộng lớn của lòng tin, tín dụng và trao đổi. Để cho những mạng lưới như vậy hoạt động, cần một vài điều kiện: phần lớn mọi người đều sẵn sàng hợp tác với nhau và sẵn sàng giữ lời hứa, tự do không hợp tác với những người không thực hiện cam kết, hệ thống pháp luật buộc người ta phải thực hiện những hợp đồng đã ký và nền kinh tế thị trường tạo điều kiện cho chúng ta sản xuất và trao đổi hàng hoá và dịch vụ trên cơ sở quyền sở hữu tài sản và thỏa thuận của cá nhân. Hệ thống đó sẽ tạo điều kiện người dân thiết lập được xã hội dân sự đa dạng và phức tạp, đủ sức đáp ứng những nhu cầu đa dạng không ai có thể tưởng tượng nổi.
(Hết)
Chú thích:
(1) Milton Friedman, Capitalism and Freedom (Chicago: University of Chicago Press, 1962)
Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.