P/v ông Phạm Thế Anh: Bất ổn thu ngân sách “ăn theo” vật giá tăng
Trao đổi với Đầu Tư Tài Chính, PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhận xét thu ngân sách nhà nước năm 2021 tăng vọt bất thường và cán đích sớm trong bối cảnh nền kinh tế đang bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 và tăng trưởng âm không thể xem là điểm sáng, mà cho thấy sự bất ổn về nguồn thu và lo lắng khi hệ lụy của nó có thể hiện hữu trong những quý đầu năm 2022.
- Vậy theo ông bất ổn giữa bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 là từ đâu?
- PGS.TS Phạm Thế Anh: Khi nhìn vào cơ cấu nguồn thu sẽ thấy việc thu ngân sách nhà nước tăng cao bất thường chủ yếu “ăn theo” giá cả. Giá cả các loại hàng hóa tăng lên, thuế, phí cũng theo đó tăng theo. Giá cả ở đây không thuần túy chỉ là giá Tổng cục Thống kê tính vào CPI, mà giá rất nhiều mặt hàng tăng lên song dường như chưa được tính đến.
Đơn cử, mặt hàng xăng dầu, giá dầu thô đã tăng đến 60% trong năm nay, giá xăng dầu bán lẻ trên thị trường cũng tăng. Và như vậy, các loại thuế, phí sẽ bám vào đấy tăng theo như thuế VAT, phí bảo vệ môi trường và các phí khác.
Không chỉ xăng dầu, trong năm nay rất nhiều mặt hàng quan trọng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, sắt thép, xi măng… cũng tăng giá.
Như vậy, rất nhiều mặt hàng là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng giá, và khi thuế đánh theo phần trăm giá cả, thu ngân sách sẽ tăng theo. Tăng ở đây là theo thu nhập danh nghĩa, là giá tăng nên thuế tăng.
- Điều này sẽ gây ra những hệ lụy gì trong thời gian tới, thưa ông?
- PGS.TS Phạm Thế Anh: Trước hết, giá cả tăng cao có thể đưa đến “con số đẹp” cho thu ngân sách nhà nước, song đây sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp (sản xuất) và người dân (tiêu dùng cuối cùng). Bởi hầu hết các loại hàng hóa tăng giá trong thời gian qua đều là những hàng hóa quan trọng, đóng vai trò là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Khi chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, doanh nghiệp sẽ chịu áp lực rất lớn, nhất là trong bối cảnh bị tác động do dịch bệnh hiện nay. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các chính sách tiền tệ lẫn tài khóa đang hỗ trợ doanh nghiệp.
Thêm nữa, điều này cũng sẽ làm giảm yếu tố cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trước hàng hóa của các doanh nghiệp ngoại.
Thời điểm hiện nay, tác động từ việc tăng giá nói trên vẫn chưa rõ ràng, có thể chưa gây ra lạm phát trong năm nay, song sẽ dồn lại và hiện hữu vào năm sau, khi sản phẩm đưa ra thị trường nó chuyển dần vào giá tiêu dùng.
Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp vẫn chưa chuyển được hết vào giá tiêu dùng, chỉ chuyển được một phần nhỏ, có nguyên nhân do thu nhập của người dân giảm sút vì dịch bệnh ảnh hưởng, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa xuống thấp.
Song khi cầu tăng trở lại chắc chắn các doanh nghiệp sản xuất sẽ phải tăng giá sản phẩm đầu ra để bù chi phí đầu vào, khi đó lạm phát sẽ hiện hữu. Như vậy, thu ngân sách tăng nương theo giá sẽ chẳng có ý nghĩa nhiều.
- Theo ông còn yếu tố nào khiến thu ngân sách tăng cao bất thường?
- PGS.TS Phạm Thế Anh: Thu ngân sách tăng cao bất thường còn do chúng ta bán tài sản. Cũng như giá cả tăng cao, việc bán tài sản dễ gây ra áp lực lạm phát. Khi giá cả tăng giá bán tài sản cũng tăng, thu ngân sách theo đó tăng. Nhìn vào cơ cấu nguồn thu ngân sách có thể thấy rõ chúng ta đang quá phụ thuộc vào đất đai.
Thực tế, trong cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước nước ta hiện nay, nguồn thu từ đất đai đang có vai trò quan trọng, đặc biệt nhìn từ cấp độ thu ngân sách tại các địa phương. Trong nguồn thu từ đất đai, việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền thu từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước chiếm tỷ lệ lớn.
Thời gian qua, chúng ta thấy tình trạng bán đấu giá đất đai khá phổ biến tại các địa phương, và nhiều địa phương công bố hoàn thành kế hoạch thu ngân sách. Đây là nghịch lý, vì trong khi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến kinh tế đình đốn, sản xuất trì trệ, GDP tăng trưởng âm, thu ngân sách vẫn đạt chỉ tiêu, thậm chí tăng.
Thực chất, đây không phải là khoản thu bền vững, bởi toàn bộ nguồn thu này là khoản thu 1 lần và được thu khi Nhà nước giao đất hoặc bán nhà. Khi xem xét cấu trúc các khoản thu về đất đai, có thể nhận thấy một số bất ổn. Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền thu từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước là các nguồn thu 1 lần.
Trong 3 nguồn thu từ đất nói trên, tiền sử dụng đất là nguồn quan trọng nhất. Bằng cách giao đất cho các cá nhân và tổ chức, Nhà nước đang thực hiện việc bán quyền tài sản của mình cho người sử dụng đất. Điều này tương tự như nguồn thu 1 lần từ việc cổ phần hóa và bán doanh nghiệp nhà nước.
- Trước nghịch lý trên, ông khuyến nghị gì về chính sách?
- PGS.TS Phạm Thế Anh: Theo tôi, thời điểm hiện nay Chính phủ vẫn cần mở rộng chính sách hỗ trợ thuế và phí cho các mặt hàng đang có giá cả tăng cao, đặc biệt những hàng hóa có vai trò là nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Thí dụ, hỗ trợ giảm giá xăng dầu, giảm một số loại phí đang “cõng” theo xăng dầu bán lẻ trên thị trường. Chính phủ cũng cần cân nhắc giảm giá điện, có thể triển khai và kéo dài chính sách hỗ trợ giá điện cho doanh nghiệp, người dân. Với các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào cũng có thể giảm thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất.
Tất nhiên, khi thực hiện chính sách này cũng đồng nghĩa với việc Chính phủ phải chấp nhận nguồn thu ngân sách trước mắt sẽ không còn “đẹp”, nghĩa là có thể giảm xuống. Song, đổi lại nó sẽ mang ý nghĩa ổn định nguồn thu trong trung hạn.
Bởi khi kinh tế phục hồi, doanh nghiệp sản xuất trở lại, thị trường ổn định, cầu nền kinh tế tăng, chuỗi sản xuất thông suốt, nguồn thu thuế theo đó sẽ tăng lên. Ở đây là bài toán đánh đổi, đó là phải chấp nhận bỏ qua những cái lợi trước mắt để đổi lấy cái lợi lâu dài.
- Xin cảm ơn ông.
Nguồn: Hoàng Sơn, Bất ổn thu ngân sách “ăn theo” vật giá tăng, Đầu Tư Tài Chính, 20/12/2021