[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 6: Hiến pháp và pháp luật (Phần 2)
Luật của những nhóm lợi ích
Nói chung, Mỹ là nước được cai trị bởi chế độ pháp quyền. Nhưng có thể chỉ ra những đạo luật - Hayek sẽ gọi đấy là pháp chế (legislation) chứ không phải là những đạo luật (laws) thực sự, dường như mâu thuẫn với nguyên tắc pháp quyền. Có những khoản trợ cấp và cứu trợ trực tiếp tiếp và trắng trợn cho một số sông ty, ví dụ, năm 1979 Quốc hội đã dành khoản vay trị giá 1,5 tỷ USD cho tập đòan Chrysler. Tuy không đến mức trắng trợ như thế, nhưng trong nhiều dự luật thường có điều khoản tương tự như điều khoản sau đây: “Nhưng yêu cầu này không áp dụng đối với những công ty đăng ký ở bang Illinois vào ngày 14 tháng 8 năm 1967” - nghĩa là một số công ty không phải thực hiện những yêu cầu được áp dụng đối đối thủ cạnh tranh của họ. Trong biểu thuế vẫn có những khoản ưu đãi lớn cho các sản phẩm như ethanol - một loại xăng được chiết xuất từ ngô – 65% sản lượng ethanol là của công ty Archer-Daniels-Midland, một công ty không tiếc tiền chi cho những cuộc vận động chính trị. Một số tần số trên sóng phát thanh và truyền hình có lợi nhất được dành cho các doanh nghiệp do người thiểu số làm chủ và một số hợp đồng của chính phủ được ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ.
Tu Chính Án Thứ Năm nói rằng nếu sở hữu tư nhân bị trưng dụng cho mục đích công cộng thì chủ sở hữu phải được bồi thường. Nhưng các quy định bao giờ cũng làm giảm giá trị của tài sản và chính phủ không bồi thường cho chủ sở hữu những mất mát mà họ phải chịu. Những người ủng hộ quyền sở hữu quyền: “Nếu chính phủ muốn giữ gìn bờ biển bằng cách cấm tôi xây nhà trên mảnh đất của tôi hoặc muốn làm một con đường dành cho xe đạp qua phần đất của tôi – tốt thôi, chỉ xin trả cho tôi giá trị tài sản mà họ đã lấy của tôi”. Nhưng, các tòa án thường tạo điều kiện cho chính phủ lấy mà không bồi thường, mà thường áp giá khá tùy tiện, sau khi chủ sở hữu đã mua mảnh đất cho một dự án nào đó. Ngay cả nếu tài sản được trưng dụng cho mục đích công cộng thì chủ sở hữu cũng phải được bồi thường; nhưng thường thường, mục đích rõ ràng là tư nhân chứ không phải công cộng – ví dụ thành phố Detroit tịch thu những ngôi nhà và các doanh nghiệp trong khu phố của người Mỹ gốc Ba Lan, tên là Poletown, để cho công ty General Motors xây dựng một nhà máy ở đó. Như đổ thêm dầu vào lửa, sau khi người dân đã buộc phải di chuyển khỏi nơi họ đã sống suốt cả đời, General Motors lại quyết định không xây dựng nhà máy ở đó nữa.
Giấy phép hành nghề thường mâu thuẫn với nguyên tắc pháp quyền. Việc yêu cầu các cá nhân phải đáp ứng những quy định của nhà nước thì mới được hành những nghề như lái xe taxi, luật sư, nhân viên thẩm mỹ viện và khoảng 800 ngành nghề khác có thể không trái với nguyên tắc pháp quyền, mặc dù chắc chắn đấy là vi phạm quyền tự do kinh tế. Nhưng yêu cầu người thợ uốn tóc được cấp phép ở bang Tennessee phải sống ít nhất là một năm ở Kentucky mới được hành nghề ở bang này thì rõ ràng là muốn tạo ra những điều kiện chẳng khác gì các khoản thuế bảo hộ, nhằm giành lợi thế cho những thợ uốn tóc đã sống ở bang Kentucky.
Nhưng có lẽ pháp luật Mỹ hiện hành vi phạm nguyên tắc pháp quyền nghiêm trọng nhất là khi người ta giao quyền ban hành luật pháp và quyền tư pháp cho những quan chức không được người dân bầu và không phải giải trình trước dân chúng. Năm 1948, Winston Churchill từng phàn nàn: “Người ta nói với tôi rằng 300 quan chức có quyền ban hành những quy định mới - không cần thông qua Quốc hội – phạt tù giam những tội mà cho đến nay pháp luật chưa hề biết”. Chúng ta sẽ gặp may, nếu bây giờ mà chỉ có 300 quan chức có quyền ban hành những đạo luật mới. Trước chính sách Kinh tế Mới (New Deal) của tổng thống Franklin Roosevelt, mọi người đều hiểu rằng Hiến pháp Mỹ chỉ cho mỗi Quốc hội quyền ban hành luật pháp mà thôi. Phù hợp với nguyên tắc pháp quyền, Hiến pháp giao cho Tổng thống quyền thực thi pháp luật và giao cho ngành tư pháp quyền giải thích và buộc người ta phải chấp hành pháp luật. Nhưng trong những năm 1930, Quốc hội bắt đầu thông qua những bộ luật có tính chất bao quát, còn chi tiết thì giao cho các cơ quan thuộc nhánh hành pháp. Những cơ quan như Bộ nông nghiệp, Phòng thương mại, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm, Cục bảo vệ môi trường và rất nhiều cơ quan khác bắt đầu tung ra các quy tắc và quy định, tức là những văn bản có hiệu lực pháp luật, nhưng chưa bao giời được nhánh lập pháp hiến định thông qua. Đôi khi Quốc hội cũng không biết làm thế nào để biến những lời hứa to tát của mình thành hiện thực; đôi khi cơ quan này không muốn bỏ phiếu trên cơ sở thỏa hiệp, tức là lấy một số thứ của người này đem cho người khác; đôi khi họ không muốn bị rắc rối vì những chi tiết. Kết quả là hàng chục ngàn quan chức tung ra một đống đạo luật – trung bình 60.000 trang mỗi năm, mà Quốc hội không phải chịu trách nhiệm gì.
Việc vi phạm nguyên tắc pháp quyền còn nặng nề thêm khi chính cơ quan này lại giải thích và buộc người ta thi hành những quy định của họ, quyết định cách thức áp dụng những quy định này trong từng trường hợp cụ thế. Họ vừa là nhà lập pháp, vừa là công tố viên, vừa là thẩm phán, vừa là bồi thẩm đoàn, vừa là đao phủ, một người đóng tất cả các vai - một sự vi phạm trắng trợn nguyên tắc pháp quyền mà người ta có thể tưởng tượng được. Một vấn đề đặc biệt là đưa thành luật liên bang và hình sự hóa luật về môi trường trong hơn ba thập kỷ qua. Với lòng nhiệt tình bảo vệ môi trường, chính phủ liên bang đã tạo ra một mạng lưới các quy định dày đặc, đến mức việc tuân thủ luật pháp, thực chất, là không thể thực hiện được. Các công tố viên và tòa án không cho những người bị nghi là phạm tội phá hoại môi trường sử dụng những biện pháp bào chữa truyền thống như không có ý định xấu, đã cảnh báo trước và một tội không bị trừng phạt đến hai lần, trong khi lại buộc nghi phạm tự tố cáo mình. Trong những trường hợp như thế, tức là khi theo đuổi những mục tiêu được dư luận xã hội ủng hộ, ví dụ, bảo vệ môi trường, chúng ta phải luôn luôn nhớ là phải rất cẩn thận trong việc tuân thủ các quy tắc và tuân theo những quy định của Hiến pháp, sao cho những mục tiêu cụ thể không xói mòn các nguyên tắc chung, tức là những nguyên tắc tạo điều kiện cho chúng ta đạt được tất cả các mục tiêu của chúng ta.
Những hạn chế hiến định đối với Chính phủ
Có lẽ sự đóng góp đáng chú ý nhất của Mỹ trong việc bảo vệ các quyền cá nhân và nguyên tắc pháp quyền là bản Hiến pháp thành văn của chúng ta. Mục đích của chính phủ đã được thể hiện rõ trong Tuyên ngôn Độc lập: “Các chính phủ được lập ta là để đảm bảo cho những quyền này”. Sau khi kết luận rằng cần phải có chính phủ, người Mỹ đã soạn ra một bản hiến pháp nhằm hạn chế chính phủ, chỉ cho chính phủ thực hiện những mục đích đó mà thôi.
Ban đầu, việc bảo vệ các quyền tự nhiên là thuộc quyền của mỗi cá nhân, nhưng Hiến pháp đã giao quyền đó cho chính phủ. Để nhấn mạnh rằng Hiến pháp không giao cho chính phủ quyền lực chung chung, những quyền hạn cụ thể của Chính phủ liên bang được liệt kê trong Điều I, Mục 8. Vì những quyền này được giao cho chính phủ và được liệt kê rành mạch, cho nên quyền lực của chính phủ liên bang là hạn chế. Một chính phủ với những quyền lực được ủy thác, có giới hạn và được liệt kê rõ ràng – là đóng góp to lớn của Mỹ vào sự phát triển của tự do trong khuôn khổ của pháp luật.
Chuyên gia về pháp luật, Roger Pilon viết về ý nghĩa của Hiến pháp trong bài tiểu luận Khôi phục chính phủ hiến định (Restoring Constitutional Government), công bố năm 1995 như sau:
Quốc hội có thể hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào hoặc tìm hiểu bất kỳ chủ đề nào, với điều kiện là Hiến pháp trao cho nó thẩm quyền làm như vậy. Nếu không, lĩnh vực này hoặc đối tượng này phải được chính quyền bang, chính quyền địa địa phương hay cá nhân giải quyết.
Theo ý những người soạn thảo Hiến pháp, lý thuyết về quyền hạn được liệt kê, như vừa nói bên trên, phải trở thành tư tưởng xuyên suốt của Hiến pháp. Phải như thế thì Hiến pháp mới thực hiện được hai chức năng cơ bản. Thứ nhất, Hiến pháp giải thích và biện minh cho quyền lực của liên bang: quyền lực được người dân chuyển giao cho chính quyền, quyền lực chỉ chính danh khi được ủy nhiệm theo cách đó. Thứ hai, chính lý thuyết biện minh cho quyền lực của liên bang lại đóng vai trò giới hạn quyền lực của chính phủ, vì chính phủ chỉ có những quyền mà nhân dân đã giao phó. Thật vậy, những người soạn thảo hiến pháp cho rằng liệt kê các quyền hạn của chính phủ nhưng không liệt kê các quyền trong Tuyên ngôn Nhân quyền (Bill of Rights) sẽ trở thành tác nhân ngăn chặn chủ yếu quyền lực của chính phủ: khó có thể liệt kê tất cả những quyền của chúng ta, trong khi có thể liệt kê được tất cả các quyền hạn của chính phủ liên bang. Hàm ý là, nơi nào không có quyền lực (power) nhà nước thì ở đó các bang hay nhân dân có quyền (right).
Hiện nay, khi một đạo luật liên bang mới được đề xuất, nhiều người có tư tưởng tự do cá nhân, cả phía hữu lẫn phía tả, đều tham khảo Tuyên Ngôn Nhân Quyền (Bill of Rights) để xem luật mới có vi phạm quyền hiến định nào hay không. Nhưng trước hết, chúng ta nên tham khảo những quyền đã được liệt kê để xem chính phủ liên bang có được ủy quyền thực hiện những hành động được đề xuất hay không. Chỉ khi chính phủ có quyền (power) đó thì chúng ta mới hỏi liệu hành động được đề xuất có vi phạm những quyền (right) của người dân đã được pháp luật bảo vệ hay không.
Nhiều - có thể là tuyệt đại đa số - những việc mà chính phủ liên bang làm hiện nay không nằm trong những quyền được liệt kê tại Điều I, Mục 8. Nghĩa là, chính phủ liên bang đã nắm nhiều quyền hạn mà không được nhân dân ủy quyền và không được liệt kê trong Hiến pháp. Khó có thể tìm trong Hiến pháp bất kỳ sự ủy quyền nào về việc lập kế hoạch kinh tế, trợ cấp cho giáo dục, cho chương trình hưu bổng do chính phủ quản lý, trợ cấp nông nghiệp, trợ cấp nghệ thuật, trợ cấp tài chính hay giảm thuế cho các công ty, sản xuất năng lượng, nhà ở công cộng và phần lớn những sáng kiến khác của chính phủ liên bang.
Một thời gian dài trong lịch sử của chúng ta, giới hạn về quyền lực của chính phủ liên bang được coi là lẽ đương nhiên. Ngay từ năm 1794, James Madison, tác giả chính của Hiến pháp, đã đăng đàn trước Hạ viện để phản đối một dự luật vì ông không thể “chỉ tay vào điều nào trong Hiến pháp Liên bang cho Quốc quyền chi tiền của cử tri cho công việc từ thiện”. Năm 1887, Tổng thống Grover Cleveland đã phủ quyết một dự luật nhằm cung cấp hạt giống cho những người nông dân bị điêu đứng vì hạn hán, vì ông “không thể tìm thấy bất kỳ điều khoản nào như thế trong Hiến pháp”. Nhưng đến năm 1935 thì mọi thứ đã thay đổi, đấy là khi Franklin Roosevelt viết thư cho Chủ tịch Ủy ban ngân sách Hạ viện: “Tôi hy vọng ủy ban của ngài sẽ không để cho những nghi ngờ về tính hợp hiến, dù những nghi ngờ đó có hợp lý đến đâu, ngăn chặn những dự luật được đề xuất”. Ba mươi ba năm sau, Rexford Tugwell, một trong những cố vấn chính của Roosevelt, thừa nhận: “Chính sách này [chính sách Kinh tế Mới] phát triển đến mức như thế vì đấy chính là lời giải thích sai lạc cái văn kiện có mục đích ngăn chặn những chính sách như vậy”.
Hiện nay, dường như chúng ta thậm chí không hỏi Quốc hội lấy ở đâu quyền hiến định để biểu quyết những bộ luật mà họ vừa thông qua. Khó mà nhớ được đại biểu Quốc hội hội nào đã từng đứng lên hỏi: “Quyền này được ghi trong điều nào của Hiến pháp?” Nếu người chỉ trích bên ngoài hỏi câu đó thì có khả năng là người ta sẽ bảo ông ta đọc lại lời nói đầu của Hiến pháp:
Chúng tôi, nhân dân Hợp chúng quốc Hoa Kỳ với mục đích xây dựng một liên bang hoàn hảo hơn nữa, thiết lập công lý, đảm bảo an ninh trong nước, tạo dựng phòng thủ chung, thúc đẩy sự thịnh vượng trong toàn khối, giữ vững nền tự do cho bản thân và con cháu chúng ta, quyết định xây dựng Hiến pháp này cho Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ(1).
Nhắc đến “phúc lợi chung” cũng có nghĩa là nói rằng cho phép Quốc hội làm bất cứ chuyện gì họ muốn. Nhưng đó là hiểu sai điều khoản về phúc lợi chung. Tất nhiên, như Locke và Hume khẳng định, chúng ta tạo ra chính phủ là để nâng cao phúc lợi của chúng ta, theo nghĩa rộng của từ này. Nhưng cơ hội được sống trong xã hội dân sự, nơi đời sống, quyền tự do và tài sản của chúng ta được bảo vệ và chúng ta được tự do theo đuổi hạnh phúc theo cách của mình chính là điều kiện làm gia tăng phúc lợi của chúng ta. Một chính phủ có quyền lực vô giới hạn, tự vơ vào mình quyền quyết định rằng gói cứu trợ hãng Chrysler, con V-chip và chương trình dạy nghề là những thứ có lợi cho chúng ta, chắc chắn là sẽ không thể làm gia tăng phúc lợi cho chúng ta. Phê phán cụ thể hơn cách hiểu quá rộng về điều khoản phúc lợi chung, những người soạn thảo Hiến pháp chỉ rõ rằng “phúc lợi chung” là chính phủ phải hành động vì lợi ích của tất cả mọi người, chứ chính phủ không đại diện cho bất kỳ cá nhân hay nhóm người đặc biệt nào - nhưng hầu như tất cả những việc mà Quốc hội hiện nay đang làm là lấy tiền của một số người rồi đem cho một số người khác.
Giá trị của một bản hiến pháp thành văn là trình bày một cách chính xác những quyền hạn của chính phủ và ít nhất, khi bỏ qua, không nói tới quyền nào đó thì điều đó có nghĩa là chính phủ không có quyền đó. Hiến pháp thiết lập thủ tục rõ ràng cho hoạt động của chính phủ và, quan trọng hơn, thiết lập hệ thống nhằm ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào nhằm vượt quá thẩm quyền hiến định. Nhưng sự cảnh giác thường xuyên của nhân dân mới là biện pháp ngăn chặn thực sự quyền lực của chính phủ. Hiến pháp Mỹ là một văn kiện tuyệt vời không chỉ vì những người soạn thảo là những thiên tài mà còn vì người dân Mỹ trong thời kỳ lập quốc đã ý thức rất rõ về những mối nguy hiểm của chế độ độc tài và đã thấm nhuần lý thuyết về quyền của Locke và tư tưởng lập hiến của nước Anh. Khoảng những năm 1990, một người bạn của tôi nói nói rằng ông được người dân Bulgaria vừa được giải phóng mời tham gia cùng với họ soạn thảo một bản hiến pháp nhằm bảo vệ quyền tự do. Tôi nói với ông ta: “Chắc chắn là ông sẽ viết được một bản hiến pháp tuyệt vời, thậm chí là còn tốt hơn cả Hiến pháp Mỹ, nhưng vấn đề không chỉ là viết được một văn bản tốt rồi chuyển cho quốc hội dân cử. Phải mất 500 năm để viết Hiến pháp Mỹ - từ hiến chương Magna Carta năm 1215 (Anh –ND) đến Hội nghị lập hiến năm 1787 (Mỹ - ND)”. Câu hỏi đặt ra là người Bulgaria có đánh giá cao ý tưởng cho rằng muốn có tự do và thịnh vượng thì phải bảo đảm các quyền cá nhân bằng cách thành lập chính phủ với những quyền lực hạn chế, được liệt kê rõ ràng và được nhân dân giao phó. Ở đây, ở Mỹ, câu hỏi là liệu người Mỹ có còn đánh giá cao Hiến pháp và quan điểm làm nền tảng cho nó hay không.
Làm sao cải thiện được Hiến pháp Mỹ? Hayek cảnh báo chúng ta là phải thận trọng trong việc cải thiện những thiết chế đã ổn định trong một thời gian dài, và ai cũng nên có thái độ khiêm tốn khi bắt tay vào giải quyết nhiệm vụ cải tiến công trình của Washington, Adams, Madison, Hamilton, Mason, Randolph, Franklin và những đồng nghiệp của họ. Nhưng với 200 năm kinh nghiệm, có lẽ chúng ta có thể đề xuất một vài cải tiến nhỏ. Khuôn khổ chung về những quyền lực hạn chế, được liệt kê và được nhân dân giao phó, rõ ràng là phù hợp với các giá trị của chủ nghĩa tự do cá nhân. Người theo phái tự do cá nhân hoàn toàn đồng ý với việc phân chia quyền lực và sẽ không phê phán cơ cấu của cơ quan lập pháp gồm hai viện riêng biệt, một tổng thống có quyền phủ quyết, một quy trình thông qua những tu chính án phức tạp một cách hữu lý..v.v..
Một người nào đó đã đề xuất rằng bên trên tất cả những biện pháp bảo vệ nhằm chống lại chính phủ quá khổ đã ghi trong Hiến pháp - quyền lực hạn chế và được liệt kê, Tuyên ngôn Nhân quyền (Bill of Rights), Tu Chính Án Thứ Chín nói rõ tất cả những quyền khác nằm trong tay nhân dân, Tu Chính Án Thứ Mười giữ những quyền hạn chưa được liệt kê cho các bang hay cho người dân, cần có thêm một tu chính án nữa như sau: “Chúng tôi thực sự có ý nói như sau”. Trong tinh thần đó, nếu một người nào đó xem xét lại bản Hiến pháp Mỹ, cho người Mỹ hay cho một nước khác nào khác, người đó có thể thêm một điều khoản giải thích rõ rằng những quyền được ghi tại Điều I, Mục 8, là tất cả những quyền hạn của chính phủ liên bang. Còn nếu như thế mà vẫn chưa đủ thì người đó có thể mở rộng Tuyên ngôn Nhân quyền để đảm bảo không chỉ tách giáo hội ra khỏi nhà nước, mà còn tách cả gia đình ra khỏi nhà nước, trường học ra khỏi nhà nước, sắc tộc ra khỏi nhà nước, nghệ thuật ra khỏi nhà nước, thậm chí tách kinh tế ra khỏi nhà nước. Người ta cũng có thể muốn sửa đổi Hiến pháp nhằm:
- Yêu cầu một ngân sách cân đối, như Thomas Jefferson từng đề nghị và như đã ghi trong hầu hết hiến pháp các bang;
- Cấm quốc hội ủy quyền lập pháp cho các cơ quan hành chính;
- Tái lập nguyên tắc thời thuộc địa về luân chuyển những người giữ chức vụ bằng cách hạn chế số nhiệm kỳ của các nghị sĩ quốc hội cũng như tổng thống (không được giữ chức quá hai nhiệm kỳ – ND);
- Cho tổng thống quyền phủ quyết từng mục của dự luật để ông có thể phủ quyết từng phần của dự luật hoặc giải thích rõ rằng khi Điều I đề cập đến “dự luật” có nghĩa là một phần riêng biệt của luật pháp, xử lý một vấn đề duy nhất chứ không phải là một đống hổ lốn các vấn đề và đối tượng.
Những người soạn thảo Hiến pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền đã ghi rõ những hạn chế mà họ áp đặt cho chính phủ và việc bảo đảm những quyền cụ thể là vì họ đã biết rõ sự phá hoại tự do của chính quyền Anh. Với hơn 200 năm kinh nghiệm, chúng ta đã biết những biện pháp mà chính phủ dùng nhằm tìm cách thoát ra khỏi những giới hạn mà chúng ta đặt ra, chúng ta đã nhận thức được những quyền mới cần phải liệt kê và những giới hạn mới đối với quyền lực.
Nhưng hiện nay, thi hành Hiến pháp như nó đang là sẽ là một bước tiến lớn theo hướng tự do cá nhân, nghĩa là, theo hướng bảo vệ quyền tự do của mỗi công dân Mỹ và không để sức mạnh cưỡng chế của nhà nước can thiệp vào xã hội dân sự.
(Còn nữa)
Chú thích:
(1) Bản dịch của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.
Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.