[Luật pháp] - Phần 10
Nền tảng cho chính phủ ổn định
Luật là công lí. Có thể tưởng tượng được một chính phủ đơn giản và bền vững trong tuyên bố này. Tôi đố ai nói được làm sao mà tư tưởng cách mạng, khởi nghĩa, hay một cuộc nổi dậy nhỏ nhất có thể xuất hiện nhằm chống lại cái chính phủ mà lực lượng có tổ chức của nó chỉ là để dẹp bất công.
Trong chế độ đó, người dân sẽ thịnh vượng nhất - và của cải sẽ được phân phối đồng đều nhất. Không ai nghĩ đến việc trách cứ chính phủ vì những đau khổ không tránh khỏi của nhân loại. Đúng như thế, vì nếu các lực lượng của chính phủ chỉ dùng để dẹp bất công thì chính phủ sẽ là vô can trước những đau khổ đó, như hiện nay chính phủ vô can trước những thay đổi thời tiết vậy.
Để chứng minh tuyên bố này, xin xem xét câu hỏi sau: Nhân dân đã nổi dậy chống lại toà phúc thẩm, hoặc tấn công thẩm phán hòa giải của tòa sơ thẩm, để có mức lương cao hơn, để được vay mà không phải trả lãi, được nhận công cụ sản xuất, được thuế nhập khẩu ưu đãi, hay công ăn việc làm do chính phủ tạo ra bao giờ chưa? Mọi người đều biết rõ rằng những vấn đề này không thuộc thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm hoặc thẩm phán hòa giải của tòa sơ thẩm. Và nếu chính phủ chỉ thực hiện những chức năng thích hợp của nó thì tất cả mọi người sẽ nhanh chóng hiểu rằng những vấn đề này không thuộc thẩm quyền của luật pháp.
Nhưng xây dựng luật pháp trên nguyên tắc của tình huynh đệ - tuyên bố rằng tất cả việc tốt và tất cả việc xấu đều từ luật pháp mà ra; rằng luật pháp chịu trách nhiệm về tất cả bất hạnh của cá nhân và tất cả bất bình đẳng xã hội - thì sẽ mở cánh cửa cho những khiếu nại, bất bình, lộn xộn và cách mạng không bao giờ ngừng.
Công lí nghĩa là quyền như nhau
Luật pháp là công lí. Và sẽ thật kì cục nếu luật pháp còn là một cái gì khác nữa! Công lí không phải quyền hay sao? Các quyền không như nhau hay sao? Luật pháp dựa vào quyền nào mà buộc tôi tuân thủ các kế hoạch xã hội của ông Mimerel, ông de Melun, ông Thiers, hay ông Louis Blanc? Nếu luật pháp có quyền về đạo đức để làm chuyện đó thì tại sao nó không buộc những quý ông đó phục tùng kế hoạch của tôi? Có hợp lí không khi giả định rằng tự nhiên đã không ban cho tôi trí tưởng tượng đủ để tôi cũng nghĩ ra được chế độ không tưởng? Luật pháp phải chọn một trong số rất nhiều những ý nghĩ quái dị và buộc các lực lượng có tổ chức của chính phủ phục vụ một mình nó ư?
Luật pháp là công lí. Và không thể nói - như người ta vẫn tiếp tục nói - luật pháp có thể là vô thần, là có tính cá nhân chủ nghĩa và nhẫn tâm; rằng nó sẽ cải tạo con người theo hình ảnh của chính nó. Đây là một kết luận vô lí, chỉ xứng đáng với những người sùng bái chính phủ, tức là những người tin rằng luật pháp là nhân loại.
Nhảm nhí! Chả lẽ những người sùng bái chính phủ tin rằng người tự do sẽ ngừng hoạt động hay sao? Nếu không nhận được năng lượng từ luật pháp thì chúng ta sẽ hoàn toàn không nhận được năng lượng hay sao? Nếu luật pháp chỉ thực hiện chức năng là bảo vệ việc sử dụng một cách tự do năng lực của chúng ta thì chúng ta không thể sử dụng được những năng lực của mình hay sao? Giả sử rằng luật pháp không bắt chúng ta phải theo một số hình thức tôn giáo hoặc hệ thống của hiệp hội hay các phương pháp giáo dục hoặc quy định về lao động hay quy định về thương mại hoặc kế hoạch từ thiện nào đó; thì chúng ta sẽ lao ngay vào chủ nghĩa vô thần, đi ở ẩn, ngu dốt, đau khổ và tham lam hay sao? Nếu được tự do, thì chúng ta sẽ không còn công nhận quyền năng và từ tâm của Chúa hay sao? Chúng ta sẽ không còn liên kết với nhau, không giúp đỡ lẫn nhau, không yêu thương và giúp đỡ những người anh em bất hạnh của chúng ta, không nghiên cứu những bí mật của tự nhiên và không cố gắng cải thiện mình bằng những khả năng tốt nhất của chúng ta hay sao?
Con đường dẫn tới phẩm giá và tiến bộ
Luật pháp là công lí. Và chính là theo luật của công lí - trong vương quốc của quyền; dưới ảnh hưởng của tự do, an toàn, ổn định, và trách nhiệm - mà mỗi người sẽ đạt được giá trị chân thực của mình và phẩm giá đích thực của con người mình. Chỉ theo luật của công lí thì loài người mới đạt được - một cách chậm chạp, không những không phải nghi ngờ mà còn là chắc chắn - sự tiến bộ của nhân tính trong trật tự và hòa bình theo đúng thiết kế của Chúa.
Tôi cho rằng điều này đúng về mặt lí thuyết, vì bất cứ câu hỏi nào được đem ra thảo luận - tôn giáo, triết học, chính trị hay kinh tế, dù câu hỏi có liên quan đến vấn đề thịnh vượng, đạo đức, bình đẳng, quyền, công lí, tiến bộ, trách nhiệm, hợp tác, tài sản, lao động, buôn bán, vốn, tiền lương, thuế khóa, dân số, tài chính, hay chính phủ - ở bất cứ điểm nào trên đường chân trời khoa học mà tôi bắt đầu công trình nghiên cứu của mình, tôi luôn đi tới kết luận sau đây: Giải pháp cho các vấn đề trong quan hệ của con người phải được tìm trong tự do.
Chứng minh tư tưởng
Kinh nghiệm đã chứng minh điều đó chưa? Xin nhìn vào toàn bộ thế giới. Nước nào có những con người hòa bình nhất, đạo đức nhất và hạnh phúc nhất? Đấy là những người sống trong những nước mà luật pháp ít can thiệp vào việc riêng nhất; nơi người ta ít gặp chính phủ nhất; nơi mà cá nhân có không gian hoạt động lớn nhất, còn quan điểm tự do thì có ảnh hưởng lớn nhất; nơi quyền lực của bộ máy hành chính là nhỏ nhất và đơn giản nhất; nơi mà thuế khóa là nhẹ nhất và gần như bằng nhau đối với tất cả mọi người, và gần như không có cơ sở cho sự bất mãn của dân chúng; nơi mà các cá nhân và các nhóm tích cực nhất tự nhận trách nhiệm của mình, và, kết quả là, nơi mà đạo đức của những con người được coi là không hoàn hảo lại không ngừng được cải thiện; nơi mà buôn bán, hội họp và các hiệp hội ít bị hạn chế nhất; nơi mà lao động, vốn, và dân cư ít bị di chuyển một cách cưỡng bức nhất; nơi mà người dân được sống theo các khuynh hướng tự nhiên của mình nhất; nơi những phát minh của con người gần như hòa hợp nhất với luật của Chúa. Tóm lại, dân tộc hạnh phúc nhất, đạo đức nhất và hòa bình nhất là dân tộc bám sát nguyên tắc này nhất: Mặc dù nhân loại là không hoàn hảo, nhưng, tất cả hi vọng đều dựa trên các hành động tự do và tự nguyện của những con người trong các giới hạn của quyền; luật pháp hay vũ lực chỉ được sử dụng nhằm quản lí công lí cho tất cả mọi người, ngoài ra không được sử dụng vào bất cứ việc gì khác.
Ước muốn cai trị người khác
Phải nói thế này: Thế giới này có quá nhiều người “vĩ đại” - các nhà lập pháp, những người tổ chức, các nhà cải cách nhiệt tình, những nhà lãnh đạo của nhân dân, những vị cha già của các dân tộc, vân vân và vân vân. Quá nhiều người tự cưỡi lên đầu lên cổ nhân dân; họ tổ chức, đỡ đầu và cai trị dân chúng.
Nhưng một người nào đó sẽ nói: “Chính ông cũng đang làm việc đó”. Đúng. Nhưng phải thừa nhận rằng tôi hành động theo ý nghĩa hoàn toàn khác; nếu tôi gia nhập hàng ngũ những nhà cải cách, thì chỉ với mục đích duy nhất là thuyết phục để cho nhân dân được yên. Tôi không nhìn nhân dân như Vancauson nhìn vào cái máy tự động của ông ta. Không những thế, các nhà sinh lí học chấp nhận cơ thể con người như nó đang là, còn tôi chấp nhận người dân như họ đang là. Tôi chỉ muốn một điều duy nhất là nghiên cứu và ngưỡng mộ họ mà thôi.
Thái độ của tôi đối với tất cả những người khác được minh họa rõ bằng câu chuyện này của một người du lịch nổi tiếng: Một lần ông ta tới bộ lạc của những người bán khai, nơi có một đứa trẻ vừa chào đời. Một đám đông thầy bói, thầy cúng, thầy lang - trang bị vòng, móc và dây - đứng quanh nó. Một người nói: “Đứa trẻ này sẽ không bao giờ biết mùi thơm của ống điếu hòa bình trừ phi tôi căng lỗ mũi của nó ra”. Một người khác nói: “Nó sẽ không bao giờ có thể nghe được, trừ phi tôi kéo dái tai của nó đến vai”. Người thứ ba nói: “Nó sẽ không bao giờ nhìn thấy ánh nắng mặt trời, trừ phi tôi nghiêng mắt nó”. Một người khác nói: “Nó sẽ không bao giờ đứng thẳng, trừ phi tôi uốn cong chân của nó”. Người thứ năm nói: “Nó sẽ không bao giờ học cách suy nghĩ, trừ phi tôi xoa đầu nó”.
“Dừng lại”, ông khách kêu lên. “Những việc Chúa làm, đều đã được làm tốt rồi. Đừng nói rằng các vị biết nhiều hơn Ngài. Chúa đã ban cho sinh vật yếu đuối này các bộ phận; cứ để chúng phát triển và lớn mạnh nhờ luyện tập, sử dụng, trải nghiệm và tự do”.
Nếm trải tự do
Chúa đã ban cho loài người tất cả những thứ cần thiết để họ thực hiện vận mệnh của mình. Ngài đã cung cấp hình thức xã hội cũng như hình thức của con người. Và các cơ quan của xã hội được tạo dựng sao cho chúng có thể tự phát triển một cách hài hòa trong bầu không khí trong lành của tự do. Đả đảo bọn lang băm và các nhà tổ chức! Đả đảo vòng, xích, móc và kìm! Đả đảo hệ thống nhân tạo của bọn lang băm! Đả đảo những ý tưởng bất chợt của các quan chức chính phủ, đả đảo những dự án xã hội hóa, đả đảo quá trình tập quyền hóa, đả đảo thuế xuất nhập khẩu, đả đảo các trường công lập, đả đảo tôn giáo của nhà nước, đả đảo những khoản vay không phải trả lãi, đả đảo nạn độc quyền trong lĩnh vực ngân hàng, đả đảo các quy định, các cấm đoán, đả đảo dùng thuế khóa để cào bằng thuế khóa!
Và bây giờ, sau khi các nhà lập pháp và những nhà cải cách nhiệt tình đã bắt xã hội phải chịu nhiều hệ thống xã hội một cách vô ích như thế, có thể cuối cùng họ sẽ chấm dứt ở chính nơi họ bắt đầu. Họ nên từ bỏ tất cả các hệ thống và nếm trải tự do, vì tự do là thừa nhận rằng mình tin Chúa và sự sáng tạo của Ngài.
(Đón đọc phần cuối)
Dịch theo bản tiếng Anh The Law do Dean Russell dịch, Foundation for Economic Education, Irvington-on-Hudson, New York; tham khảo bản dịch tiếng Nga của S. A. Nikolaev.
Nguồn bản dịch: https://phamnguyentruong.blogspot.com/2017/08/luat-phap-frederic-bastiat-12.html