Phỏng vấn Roger Garrison (Phần 2)
Trong đóng góp của giáo sư vào tác phẩm do Spadaro chủ biên, New Direction in Austrian Economics (1978), giáo sư đề nghị một phân tích bằng biểu đồ kinh tế học vĩ mô Áo. Điều này được các nhà kinh tế Áo đón nhận như thế nào, và nó có cải thiện cuộc đối thoại với các nhà keynesian không?
Tiếng vang của cách trình bày này rất giới hạn. Những ai quen với phân tích bằng biểu đồ thì lại không nắm rõ lí thuyết về tư bản và lí thuyết tiền tệ của trường phái Áo để có thể thấy ý nghĩa của cách trình bày này và những ai có căn bản về lí thuyết Áo, trong mọi trường hợp không muốn đào sâu những biểu đồ – và ngay cả còn thấy bị xúc phạm chỉ với ý tưởng làm việc này. Tôi nhớ đã nhận được những lá thư hằn học của những người nghĩ rằng mọi toan tính thể hiện bằng biểu đồ những tư tưởng Áo là một sỉ nhục đối với Mises. Nhưng cũng có vài người – chủ yếu là những sinh viên cao học – vừa cởi mở đối với những tư tưởng Áo lẫn đối với phân tích biểu đồ. Đối với họ, thì cách trình bày của tôi đã đạt mục tiêu. Trình bày này cho thấy là những phần rời rạc rút ra từ kinh văn Áo có thể tập hợp được trong một khuôn khổ phân tích nhất quán. Thị trường những quỹ cho vay, cấu trúc liên thời gian của tư bản, và quan hệ ngược chiều giữa lãi suất và mức độ “đi vòng”, nối khớp với nhau như những thành tố chủ yếu của quan niệm Áo về kinh tế học vĩ mô. Những thành tố này đặt cơ sở cho phép chứng minh rằng những luồng tiền tệ bơm vào những thị trường tài chính dẫn đến những méo mó không thể chịu nổi trong quá trình thị trường chi phối sự phân bổ liên thời gian của những nguồn lực.
Giáo sư có nghĩ rằng người ta có thể mô hình hoá một cách thích đáng cách tiếp cận Áo không, do tầm quan trọng mà cách tiếp tiếp cận này dành cho sự bất trắc, thời gian lịch sử và tính không trung lập của tiền tệ?
Tôi nghĩ là đã làm hết sức mình với cách trình bày bằng biểu đồ. Theo sự thừa nhận chung, bản chất của những biểu đồ là che đậy những đặc tính mà bạn vừa nêu. Tôi không hình dung được một mô hình Áo dưới dạng một tập hợp những quan hệ cấu trúc cho phép có được những giá trị chính xác của sản xuất hiện hành, đầu tư, giai đoạn sản xuất, sản xuất tương lai, v.v..; và càng khó hình dung một mô hình kinh tế hoàn toàn cấu trúc. Tôi nghĩ là một mô hình đáng để ta quan tâm phải cho được một cái nhìn sơ lược của quan điểm Áo về kinh tế học vĩ mô. Đó không phải là sự thay thế cho lập luận tản mạn mà đúng hơn là một khung phát biểu và trình bày lập luận này.
Do giáo sư nhấn mạnh đến vai trò của tư bản, đâu là những đóng góp có ý nghĩa của trường phái Áo mà giáo sư cho là quan trọng nhất trong lĩnh vực này ? Tại sao giáo sư nghĩ rằng những công trình của Hayek và Lachmann về tư bản và cấu trúc của tư bản thường bị các nhà kinh tế chính thống cũng như những nhà kinh tế “không mấy chính thống” (tân ricardian/sraffian) bỏ qua?
Hai trong số những đóng góp phong phú nhất trong lĩnh vực lí thuyết tư bản là: Prices and Production (1935) của Hayek, xử lí khái niệm cấu trúc tư bản của một nền kinh tế ở dạng đơn giản và trừu tượng nhất, trong chiều kích giá trị lẫn thời gian và Captial and Its Structure (1956), của Lachman, nhấn mạnh đến sự đa dạng cực kì của những tư liệu sản xuất cũng như những quan hệ đan chéo phức tạp giữa những sản phẩm này.
Hayek và Lachmann đã bị các nhà kinh tế vĩ mô của trường phái chính thống lờ đi chính vì họ tập trung chú ý vào dạng hay cấu trúc chứ không phải vào một số lượng tổng thể nào của tư bản hay đầu tư. Theo tôi thành công của cuộc cách mạng keynesian một phần là nhờ ảnh hưởng giải phóng của nó khỏi vấn đề này. Sau Keynes, có thể bàn đến kinh tế học vĩ mô một cách đúng đắn mà không cần quan tâm đến lí thuyết tư bản. Tiếc thay cuộc cách mạng trọng tiền đã không xét lại khía cạnh này của học thuyết Keynes. Vì những lí do khác nhau, cả hai trường phái tiếp tục làm ngơ tư bản. Đối với các nhà keynesian, những thị trường tư bản là bất ngờ đến độ là ta không thể nói được gì nhiều hơn nữa. Đối với các nhà trọng tiền, những thị trường tư bản là có thể dự đoán một cách rõ ràng nên ta không cần phải nói gì thêm nữa. Tôi nghĩ là trên điểm này, các nhà kinh tế Áo giữ một vị thế trung gian. Những thị trường tư bản hoạt động, nhưng đặc biệt phải hứng chịu những nhiễu loạn tiền tệ và do đó phải là một trong những mối quan tâm chính của phân tích kinh tế vĩ mô.
Những nhà kinh tế tân ricardian/sraffian, như bạn gọi, ít chú ý đến buổi ban đầu của lí thuyết Áo về tư bản, như có thể thấy qua phê phán quá đáng của Sraffa về cuốn sách của Hayek, Prices and Production. Mặc dầu các nhà tân ricardian đã đưa vào phân tích của họ một sự đánh đổi liên thời gian qua việc phân biệt lúa để ăn và lúa để gieo trồng, nhưng tư bản của họ không có cấu trúc. Đó chỉ là lúa và là điều Sraffa đã khái quát hoá trong cuốn sách của ông, Production of Commodities by Means of Commodities (1960). Tôi biết là Lachmann đã từng gọi cuốn sách này là “Lí thuyết tư bản không có tư bản”.
Những năm gần đây, các nhà hậu keynesian kết hợp lí thuyết ricardian về sản xuất với lí thuyết keynesian về việc thiếu cầu, khác với các nhà kinh tế Áo ở những câu hỏi được đặt ra lẫn những câu trả lời cho những câu hỏi ấy. Các nhà keynesian hình như quan tâm chủ yếu – nếu không là duy nhất – đến việc phân phối theo chức năng và theo cá nhân của thu nhập hơn là việc phân bổ liên thời gian những nguồn lực.
Đâu là những mặt mạnh và mặt yếu chính của cách tiếp cận Áo về kinh tế học vĩ mô?
Những mặt mạnh và mặt yếu của cách tiếp cận Áo nằm ngay trong lí thuyết tư bản được dùng làm chỗ dựa. Chính việc tập trung vào lí thuyết tư bản và lãi suất đã đem đến cho lí thuyết Áo tính chất trực tiếp và hiện thực mà những cách tiếp cận kia đều thiếu. Ví dụ, khi ngân hàng trung ương quyết định gia tăng lượng tiền, tiền mới tạo được đưa vào nền kinh tế thông qua thị trường cho vay, và do đó tác động trước hết đến những lãi suất và những thị trường tư bản. Tôi luôn lấy làm lạ là những phân tích đối chọn của sự bành trướng tiền tệ – ở đây tôi nghĩ đến những phân tích động gắn với những đường Phillips ngắn và dài hạn – có thể ung dung chuyển sang những tác động trực tiếp và thay vào đấy xử lí những thị trường lao động và những tỉ suất lương như bị chi phối bởi những không đối xứng về cảm nhận và dự kiến. Những sự đơn giản hoá chủ yếu, như việc thay thế những luồng “bơm” tiền tệ thực tế trên những thị trường tín dụng bằng ngụ ngôn về tiền mới được rải từ máy bay lên thẳng, đáng lí đã phải, như một ngọn cờ đỏ, báo động là có những điều thiết yếu đã bị bỏ quên. Tôi nghĩ là những thiết kế hư cấu như vậy đã được quan niệm để dời lại – thậm chí tránh né – việc nghiên cứu những vấn đề gai góc như tư bản và lãi suất. Nhưng điều xảy ra quá thường là thế giới không thực tế được xây dựng như thế được đơn giản chấp nhận không phê phán như một khung thích hợp cho việc quan niệm kinh tế vĩ mô. Edmun Phelps (1990) gần đây đã nhận diện bảy trường phái tư tưởng kinh tế vĩ mô (Seven Schools of Macroeconomic Thought), bằng cách phân biệt chúng theo tiêu chí tính cứng nhắc hay tính linh hoạt của lương và giá, cũng như theo tính chất của những dự kiến về lương và giá. Tôi toan gộp tất cả những trường phái tư tưởng kinh tế vĩ mô tập trung vào thị trường lao động và lương để đối lập chúng với trường phái Áo đặt ưu tiên cho những thị trường tư bản và lãi suất.
Tuy nhiên, tính trực tiếp và thực tế của cách tiếp cận Áo đôi lúc có đối phần là tính nhập nhằng và tính phức tạp. Ngược với lao động, có thể được đo bằng giờ, không có một đơn vị vật thể nào cho phép đo tư bản được. Giải pháp duy nhất là xử lí tư bản theo giá trị, khiến cho định nghĩa của nó “theo khối lượng” phụ thuộc vào giá của nó. Hơn nữa, lí thuyết Áo phân tách “khối lượng” này thành giai đoạn sản xuất được nối với nhau bằng một mạng những bổ sung và thay thế. Người nào lí thuyết hoá tư bản có thể dễ dàng thấy đối tượng tuột khỏi tay mình, như Hayek đã chúng minh trong Pure Theory of Capital (1941). Và việc sản xuất ra một đối phần thực nghiệm trực tiếp của lí thuyết Áo về tư bản và những biến động tỏ ra là khó – dù cho những dữ liệu đây đó và nhiều chuyên khảo lịch sử về những thời kì bành trướng và suy thoái, theo tôi, đủ chứng minh cho tính có thể đúng của những quan điểm Áo.
Nguồn: Conversations with Leading Economists. Interpreting Modern Macroeconomics của Brian Snowdon và Howard R. Vane, nhà xuất bản Edward Elgard, Cheltenham, 1999, UK, trang 270-291
Nguồn bản dịch: Phỏng vấn Roger Garrison. http://www.phantichkinhte123.com/