Phỏng vấn Robert M. Solow (Phần 3/3)

Phỏng vấn Robert M. Solow (Phần 3/3)

Sự phát triển của kinh tế học vĩ mô hiện đại

Hơn 15 năm đã trôi qua từ khi giáo sư được Arjo Klamer phỏng vấn. Lúc đó giáo sư tự nhận là một nhà keynesian. Giáo sư có còn vui khi được gán nhãn hiệu nhà kinh tế keynesian không?

Vâng, tôi vẫn vui. Tôi hiểu làm một nhà kinh tế keynesian theo một cách đặc biệt và điều này là quan trọng. Tôi không phải là một người tin rằng tất cả những gì ở trong Lí thuyết tổng quát về việc làm, tiền lãi và tiền tệ (trong chừng mực mà bạn có thể hiểu tác phẩm này nói gì) là chân lí, hoặc là tất cả những gì là đúng hoặc lí thú trong kinh tế học vĩ mô đều khớp với khung của tác phẩm. Tôi nghĩ là có hai cách nhìn hay hai tính khí trong kinh tế học vĩ mô. Trước hết có những nhà kinh tế vĩ mô muốn thiết lập một mô hình chuẩn, và sau đó trả lời mọi câu hỏi họ quan tâm bằng cách sử dụng mô hình này. Cho dù đó là tác động của chính sách tài khóa trên lạm phát hay bất cứ điều gì khác, bạn sử dụng mô hình và tìm ra câu trả lời bằng cách áp dụng mô hình này. Đó là nhóm thứ nhất. Một nhóm những nhà kinh tế vĩ mô khác nghĩ rằng kinh tế học vĩ mô là một chủ đề phức tạp, và hơn thế nữa, những gì được coi là đúng thỉnh thoảng thay đổi theo những thay đổi của các thể chế và doanh nghiệp và con người phản ứng lại với những thay đổi này. Trong cách nhìn này, kinh tế học vĩ mô phải là một tập hợp những mô hình, mỗi mô hình tập trung vào một hay hai cơ chế kinh tế vĩ mô có thể vận hành được. Do đó khi gặp phải một vấn đề như tác động của chính sách tài khóa trên lạm phát bạn tự hỏi là trong số những mô hình mình biết hay những đồng nghiệp của mình biết, mô hình nào có khả năng soi sáng vấn đề này. Bộ phận keynesian của giới kinh tế, có thể nói như thế, có xu hướng thuộc về nhóm thứ hai này. Nhóm kia tôi không biết phải gọi như thế nào, nhưng lại được biết dưới tên là những lí thuyết gia của chu kì kinh doanh thực tế và những nhà cổ điển mới, đại diện cho cách tiếp cận kia. Họ nghĩ là phải có một mô hình đúng, và bạn chỉ cần kéo những hệ quả của nó ra. Tôi bây giờ dứt khoát đứng trong nhóm thứ hai những nhà lắp ráp và chiết trung này. Đối với tôi làm một nhà kinh tế keynesian còn có nghĩa là tôi tự đặt câu hỏi sau. Tôi có thể nêu hoặc nghĩ đến những cơ chế, có thể phát hiện trong thế giới hiện thực, làm cho lương và giá cứng nhắc và khiến cho sự điều chỉnh diễn ra rất chậm trước những cú sốc thực tế không? Tôi có thể nghĩ đến cả chục cơ chế như thế. Tôi cảm thấy không có sự thôi thúc nào buộc phải nói, như nhóm chống Keynes cảm nhận: không, tôi không thể nào chấp nhận điều đó, điều tôi phải làm là tìm một cách nào đó để cho tính tham lam ích kỉ và tính duy lí đồng thời đưa đến một cách chính xác những cơ chế này. Họ có thể dựa vào một tên ngây thơ như Solow, vào một vài khiếm khuyết; nhưng họ thật sự là sự tuyệt hảo cao nhất, có khả năng lớn là câu trả lời thể chế tối ưu, với những ràng buộc thông tin cho trước và những điều tương tự như thế. Tôi không bị những thôi thúc như thế và tôi cảm thấy chả đáng bõ công làm như thế.

Giáo sư được biết đến như một nhà kinh tế tân cổ điển cũng như một nhà keynesian. Điều này có gây bất kì căng thẳng nào không?

Hoàn toàn không. Cố gắng tốt nhất của tôi trong việc mô tả thế giới là trải qua nhiều khoảng thời gian dài thế giới điều chỉnh theo hướng một kiểu cân bằng tân cổ điển, mặc dù dứt khoát không phải là một cân bằng cạnh tranh đơn giản, nhưng trong ngắn và trung hạn thế giới trưng ra nhiều cứng nhắc khiến cho thế giới ứng xử gần với cách Keynes mô tả hơn. Hình như tôi nhớ là Bob Lucas (1981)1 có lần viết rằng cách nhìn này là phi logic. Tôi nghĩ là tôi hiểu ông ấy muốn nói gì; nhưng tôi nghĩ điều đó là sai lầm. Tôi tin rằng một kinh tế học cứ khư khư bám vào một mô hình duy nhất là một kinh tế học tồi. Tôi thích dùng những thuyền nhỏ. Tôi nghĩ mình có thể bơi thuyền trong ngắn hạn như thể rằng trái đất là bằng phẳng, và thỉnh thoảng tiến hành những điều chỉnh để cho một cuộc dạo chơi dài ngày tính đến độ cong của quả đất.

Không phải là không thể hình dung được là Keynes vẫn có thể còn sống đến 1969 khi giải Nobel thứ nhất được trao: lúc bấy giờ ông ta chỉ mới 86 tuổi. Nếu quả thật là như thế, giáo sư có nghĩ rằng ông sẽ được giải Nobel đầu tiên và lời công bố sẽ được viết như thế nào?

Nếu giải Nobel về kinh tế không phải là do người Thụy Điển trao mà do một nhóm khác thì tôi nghĩ là Keynes rất có thể được chọn. Tôi nói như thế mà không có hàm ý xúc phạm gì cả. Nếu tôi là một nhà kinh tế Thụy Điển có thể tôi sẽ tự hỏi: “Anh chàng này có gì đặc biệt nào?”. Bạn có thể đọc những tư tưởng mà ngày nay ta gọi là keynesian trong những công trình của Lindahl, Ohlin, Myrdal, Lundberg và của nhiều tác giả khác nữa. Nhưng tôi nghĩ thật ra Keynes là một sự cải tiến lớn so với cách làm kinh tế học vĩ mô của trường phái Stockholm, vì dễ dàng suy ra những mô hình trong suốt từ Lí thuyết tổng quát hơn. Bởi thế tôi sẽ bầu cho Keynes và lời công bố chính thức có thể là một điều tương tự như sau: Keynes là một người mà sự nghiệp cho phép, yêu cầu chú ý đến những lực đã gây nên cuộc Đại suy thoái của thập niên 1930. Tuy ông không cung cấp một cách lí giải đầy đủ về hiện tượng này, không ít hơn những hiểu biết của các nhà thiên văn về tiếng nổ lớn (đây là một so sánh rỗng tuếch vì tôi chả biết gì về điều này cả), nhưng ông đã chỉ ra một vấn đề lớn và cung cấp những công cụ có thể dùng để giải quyết sự kiện đáng chú ý này khiến chúng ta có thể học được điều gì về hiện tượng này. Ví dụ như tất cả những gì chúng ta bàn về những cơ chế ổn định tự dộng xuất phát từ tư tưởng của ông. Như Pigou nói, ông thật sự là nhà kinh tế học vĩ mô đầu tiên.

Một lĩnh vực khác của kinh tế học vĩ mô mà giáo sư có tham gia là những cuộc tranh luận khác nhau xoay quanh đường Phillips. Mới đây, Robert Leeson (1997)2 có công bố một bài lí thú bàn về bài viết chung được biết đến nhiều của giáo sư với Paul Samuelson năm 19603. Leeson bàn nhiều về hội nghị AEA 1959 khi giáo sư trình bày bài này và cũng nói đến những cuộc tranh luận khác đã diễn ra về chính sách chống lạm phát. Giáo sư còn nhớ đến bối cảnh nào bài viết trên được viết không?

Vâng, Leeson có gởi cho tôi một số bản thảo và tôi có đọc một ít. Theo ý tôi ông ấy viết quá dài, do đó tôi đã không đọc hết. Nhưng những điều ông ấy mô tả không khớp với hồi ức của tôi. Kí ức của tôi ghi nhận như thế này: đây là bài Bill Phillips viết, tôi đọc bài đó, Paul cũng đọc nó, và chúng tôi bàn về bài viết đó. Làm sao bạn cưỡng lại được một bài hình như có vẻ có khả năng tổ chức số liệu của hơn một thế kỉ của lịch sử Anh? Bây giờ tôi nói đến cách chúng tôi viết bài của mình. Chúng tôi bắt đầu suy nghĩ và tự hỏi: chúng tôi có tin vào chuyện này không? Sau khi điều tra chúng tôi phát hiện là số liệu của Hoa Kì không cho được một cách trình bày gọn gàng đến thế. Nhưng nếu bạn thông cảm với số liệu hơn thì bạn đi đến kết luận là có khả năng có một cách kiến giải giống như của Phillips, nhưng không có tính ổn định mà số liệu của Anh gợi ý. Thời đó chưa có nhiều bài viết của Mĩ về đường Phillips vì bài của Phillips chỉ được đăng vào tháng 11 năm 1958, và bài của chúng tôi được viết năm 1959. Chúng tôi chỉ tò mò; và chúng tôi cố gắng tìm hiểu lạm phát chậm hay lạm phát bò dần như cách nói của thời đó. Đặc biệt chúng tôi tập trung vào giai đoạn từ 1953 đến 1958 và nghĩ rằng đường Phillips có thể giúp hiểu được lạm phát chậm. Chúng tôi không xuất phát từ những cuộc tranh luận về chính sách thu nhập. Leeson đạo diễn mọi việc như đó là một bi kịch tăm tối của những xung đột tư tưởng và nhân cách, và điều này hoàn toàn không khớp với hồi ức của tôi.

Ta chuyển qua đóng góp quan trọng của Milton Friedman với bài viết năm 19684 về đường Phillips được tăng cường bằng những dự kiến. James Tobin (1995)5 nhận định là bài viết này, “Vai trò của chính sách tiền tệ”, rất có khả năng là bài viết có ảnh hưởng nhất từng được một tạp chí kinh tế đăng tải”. Giáo sư có chia sẻ đánh giá này của Tobin không?       

Tôi không rõ làm sao có thể có một đánh giá như thế nhưng chắn chắn đó là một trong hai mươi bài hàng đầu.

Ngược dòng thời gian tới xa nhất chúng tôi có thể truy tìm là Friedman lần đầu tiên nêu lên ý một đường Phillips được tăng cường bằng những dự kiến trong một cuộc tranh luận giữa giáo sư và Friedman vào tháng tư 1966. Đó là một cuộc tranh luận về vai trò hướng dẫn của những chỉ báo về lương và giá (xem Friedman, 19666; Solow, 19667). Giáo sư đã phản ứng như thế nào trước ý tưởng này?

Tôi tiếp thu nó. Nhưng trong bài của Samuelson và tôi viết năm 1960 cũng đã nói một điều về các dự kiến. Chúng tôi nói là quan hệ có vẻ ổn định giữa lương hoặc lạm phát giá cả và thất nghiệp có thể bị những thay đổi không dự kiến trước làm đảo lộn một cách có hệ thống. Chúng tôi không tự hỏi là điều này có khả năng xảy ra hay không và nếu có thì sẽ có ảnh hưởng thế nào tới lí thuyết vĩ mô, nhưng chúng tôi ý thức được điều này. Tuy nhiên chúng tôi không coi đó là một điều quan trọng như sau này nó đã được xem. Tôi cần phải nói là tôi luôn cảm thấy không thoải mái với những lập luận trong kinh tế học dựa nhiều vào những dự kiến. Tôi nghĩ rằng chúng không mấy quan trọng chỉ vì chúng là một loại chứng cứ cho đủ kiểu mục đích. Do bạn chưa bao giờ thấy những dự kiến, bạn luôn có thể bịa ra một câu chuyện về dự kiến hầu như giải thích được mọi trình tự những sự kiện, và điều này thì quá dễ.

Đã 25 năm qua kể từ khi Bob Lucas đưa khái niệm dự kiến duy lí vào kinh tế học vĩ mô. Đó có phải là dự kiến tốt nhất mà ta có được không?

Lợi thế lớn về mặt tri thức của những dự kiến duy lí là đây là một khái niệm rõ ràng. Bổ đề của những dự kiến duy lí là một túi rất lớn đựng đủ thứ. Tôi nghĩ rằng kiểu vấn đề này giải thích vì sao khái niệm “tính duy lí hạn chế”8 của Herb Simon (1957)9 chưa bao giờ bám rễ được mặc dù hiển nhiên rằng khái niệm này là đúng. Khái niệm này là quá mơ hồ; nó không chỉ cho bạn phải làm gì. Cảm tưởng của tôi là có một vài ứng dụng mà khái niệm dự kiến duy lí là thích hợp về mặt thực nghiệm. Nhưng tôi tin là những lí thuyết về thị trường lao động hay về cân bằng chung vĩ mô xây dựng trên những dự kiến duy lí đã tỏ ra không thoả đáng. Đã không có nhiều cuộc thực nghiệm với những giả thiết đặc thù về sự hình thành các dự kiến. Dù sao đi nữa về thực chất rất khó tiến hành những kiểm định như thế vì đó là những kiểm định quá gián tiếp. Chúng ta không quan sát được chính ngay các dự kiến.

Giáo sư hiện nay đứng ở đâu trong cuộc tranh luận về việc tiến hành chính sách ổn định hoá?

Tôi vẫn đứng ở chỗ xưa nay tôi vẫn giữ. Tôi hoàn toàn không thay đổi quan điểm. Trước hết quan điểm của tôi là trong thực tiễn bạn không thể có những qui tắc về chính sách tiền tệ hoặc tài chính. Có nhiều trường hợp mà sự cám dỗ lẩn tránh qui tắc là quá lớn, và cái giá phải trả nếu không lẩn tránh, khiến cho ngân hàng trung ương sẽ né tránh thực hiện qui tắc. Tất nhiên họ sẽ tự bảo vệ và nói là quả thực họ đã tuân thủ qui tắc nhưng thật sự ra họ đã tuân thủ trong chín chiều kích thay vì tám, hoặc tìm cách lẩn trốn khác. Bởi thế tôi không nghĩ rằng đây là một đề nghị có tính khả thi. Thứ hai, khía cạnh qui tắc của cuộc tranh luận này cơ bản là do không tin tưởng vào chính phủ dân chủ, và về nguyên tắc tôi không nghi ngờ một chính quyền dân chủ. Tôi có thể nghi ngờ một chính phủ này hơn một chính phủ khác nhưng chắc chắn là tôi không sẵn sàng nói rằng mọi người ăn trong một máng nào đó và nếu bạn cho phép ngân hàng trung ương tùy nghi hành động thì ngân hàng sẽ lạm dụng quyền này. Nicky Kaldor thường nói là nếu bạn quả thật tin là giới chức sắc của ngân hàng trung ương tạo nên lạm phát, thì cứ bắn họ đi khi có lạm phát, điều này sẽ ngăn họ lại. Có lẽ rằng điều này là vi phạm những quyền hợp hiến của họ. Nhưng cảm tưởng của tôi về các giới chức trong ngân hàng trung ương và trong chính phủ là họ cố gắng làm hết sức của họ và tôi không thấy có lí do nào để hoàn toàn trói tay họ lại. Tôi nghĩ là ngay một người tin vào các qui tắc sẽ đồng ý là có những trường hợp mà việc rời xa những qui tắc là một điều tốt; mặt trái của vấn đề là như thế ngân hàng trung ương sẽ cảm thấy tự do khi vi phạm qui tắc trong lúc làm như vậy là một sai lầm. Có thể là thế; nhưng điều này đòi hỏi một phân tích chi phí-lợi thế phức tạp hơn. Tôi nghĩ là tất cả sự phân biệt này là quá đáng. Một qui tắc hợp lí, như qui tắc của John Taylor (199310, 199411), mô tả điều mà một ngân hàng trung ương phải làm trong mọi trường hợp.

Kể từ ngày thành lập Hội đồng cố vấn kinh tế năm 1946 quan điểm của các nhà kinh tế đã thay đổi nhiều. Đặc biệt vai trò ổn định ngắn hạn của chính sách tài khóa đã bị xuống cấp so với chính sách tiền tệ và nay vai trò quan trọng của chính sách tài khóa chủ yếu được giới hạn ở vai trò khuyến khích hiệu quả kinh tế và mục tiêu dài hạn như tăng trưởng. Giáo sư có đồng ý với cách kiến giải này không và nếu có phải chăng là vai trò ổn định tùy nghi của chính sách tài khóa, gắn với học thuyết Keynes chính thống, đã chết?

Điều tôi sẽ nói là quan điểm của một người Mĩ về nước Mĩ; nhưng tôi nghĩ là ít ra một số điểm cũng áp dụng được cho châu Âu. Chính sách tài khóa tùy nghi dường như bị hai lí do làm cho tê liệt. Thứ nhất cử tri trung bình có vẻ bị những dịch vụ công cộng ám ảnh khiến người ta không muốn trả cho những dịch vụ đó nữa. Hạ thuế không phân biệt luôn là một việc làm được lòng dân. Do đó chính sách tài khóa đã trở nên đường một chiều. Nhưng một chính sách ổn định hoá bằng tài chính một cách thông minh phải vận động trong cả hai chiều, gần như là đối xứng. Hiển nhiên là tình thế này là một cách làm gây xáo trộn. Thứ hai, sáng chế và thương thảo một chính sách tài khóa trọn gói trung lập là một điều khó. Bất kì thay đổi nào trong chi tiêu do thuế tài trợ sẽ có những tác động phân bổ và phân phối. Các nhà vận động hành lang sẽ hoạt động và các nhà lập pháp sẽ chỏng tai nghe. Cũng phải mất thời gian để thương thảo bất kì kết quả nào, dù là tốt hay xấu. Do đó có được những chính sách tài khóa ổn định hoá đúng lúc ít có khả năng xảy ra. Xin nhớ là chính sách tiền tệ cũng có những hiệu ứng phân bổ và phân phối, nhưng khuôn khổ thể chế trong trường hợp này cho phép hành động nhanh, đi cùng với những phát biểu huyễn hoặc. Bởi thế do không có chính sách tài khóa nên chính sách tiền tệ làm nhiệm vụ ổn định. Thà có còn hơn không (đây là điều châu Âu đã làm). Nhưng vấn đề vẫn còn đó. Một công cụ có thể đạt được một mục đích, nếu may mắn; nhưng chúng ta lại cố gắng giao mọi mục tiêu của chính sách cho ngân hàng trung ương; và đó là điều không nên làm.

Trong một câu trả lời lúc nãy giáo sư nói rằng về nguyên tắc giáo sư không ngờ vực chính phủ dân chủ. Như vậy giáo sư có phê phán những nhà kinh tế như William Nordhaus (1975)12 và Alberto Alesina (1989)13, những người đã nhấn mạnh đến tác động bóp méo của hành vi cơ hội và hệ tư tưởng trên những mục tiêu và công cụ kinh tế vĩ mô không?

Tôi vừa ngầm trả lời câu hỏi này: không, tôi chấp nhận rằng những ai cố gắng suy nghĩ một cách có hệ thống về những lệch lạc của chính sách tùy nghi là họ đang suy nghĩ về một điều quan trọng. Tôi không nói là tôi tin rằng một chính phủ dân chủ có thể thoát khỏi chủ nghĩa cơ hội, những lệch lạc, những quyền lợi méo mó.  Tôi muốn nói hai điều. Thứ nhất là một chính sách theo qui tắc không tránh khỏi khó khăn này. Phải có ai đó chọn qui tắc; và một lựa chọn bằng những phương tiện không dân chủ có khả năng rơi vào chủ nghĩa cơ hội hay vào tư lợi. Tôi cũng nghĩ là hoàn cảnh của một nền kinh tế hay của một xã hội luôn thay đổi với thời gian. Những thay đổi này phải được phản ảnh trong chính sách. Và tôi tin rằng một chính phủ dân chủ là cách tốt nhất để thương thảo những thay đổi này. Và người dân có thể tính được là họ được chính sách kinh tế phục vụ tốt hoặc tồi. Trong lúc chờ đợi, lừa đảo và điên rồ vẫn xảy ra, song đó là cuộc đời.

Một đặc trưng trung tâm của kinh tế học keynesian chính thống là ý cho rằng thất nghiệp có thể là không tự nguyện. Là một nhà kinh tế giáo sư có còn tin rằng thất nghiệp không tự nguyện vẫn là một khái niệm có ích trong kinh tế học vĩ mô khi mà nhiều nhà kinh tế vĩ mô lỗi lạc như Lucas (1978)14 và Milton Friedman (xem Snowdon và Vane, 199715) muốn chôn vùi hẳn ý này?

Tôi nghĩ rằng Keynes dùng cụm từ đặc biệt này là không tốt. Câu chữ, ngữ nghĩa luôn gợi lên một câu hỏi vô nghĩa: bạn có lựa chọn bị thất nghiệp bắt buộc không? So sánh với điều gì? Nhưng bạn có thể lấy định nghĩa có thật sự trong Lí thuyết tổng quát, nới lỏng nó ra để nó nói là một người thất nghiệp không tự nguyện nếu người đó sẵn sàng làm một việc người đó biết làm, ở mức lương hiện hành nhưng không tìm ra việc. Bấy nhiêu là đủ cho tôi rồi. Bạn có thể thấy là theo định nghĩa này một người có thể bị thất nghiệp không tự nguyện đồng thời lại có việc làm. Nếu bạn nhận làm một công việc thấp hơn khả năng của bạn thì bạn vẫn là một người thất nghiệp không tự nguyện có trình độ. Theo tôi đó là một ý quan trọng. Kinh tế học vĩ mô chủ yếu không liên quan đến những con người không việc làm mà đến những năng lực không được sử dụng có hiệu quả.

Bài viết năm 197916 của giáo sư về lương hiệu quả rất có ảnh hưởng. Trong chừng mực nào giáo sư nghĩ là lí thuyết lương hiệu quả đã cung cấp một giải thích đáng tin cậy về thất nghiệp không tự nguyện như một hiện tượng cân bằng?

Cụm từ “lí thuyết lương hiệu quả” bao trùm nhiều giả thiết khác nhau. Giả thiết được tôi ưa chuộng, một cách chủ yếu bao hàm nhiều nhận định đạo đức (Nhiều công trình lớn và quan sát rất quan trọng của Thomas Bewley dường như xác nhận điều này). Tôi cho rằng tập những lí thuyết lương hiệu quả là rất quan trọng và rất có ích vì chúng trình bày thất nghiệp cân bằng trong đó người sử dụng lao động giúp củng cố thế cân bằng. Khó mà tin là những lương thực tế quan sát được luôn gần với lương thực tế do một thị trường cân bằng tức thì sinh ra, và những cơ chế không chính thức có vẻ quan trọng hơn những cơ chế chính thức như các nghiệp đoàn, và v.v...

Thất nghiệp hiện nay ở châu Âu thu hút sự chú ý của nhiều nhà kinh tế, đặc biệt là vì nó tương phản mạnh với kinh nghiệm thất nghiệp của nền kinh tế Mĩ kể từ thập niên 1980. Trong số mùa hè 1997 của tạp chí Journal of Economic Perpectives, Horst Siebert lập luận rằng “những thay đổi thể chế tác động đến thị trường lao động châu Âu trong hai mươi năm qua là nguyên nhân chính của những thành tựu tồi tệ của thị trường lao động châu Âu”17. Giáo sư có chấp nhận ý kiến này về sự tương phản giữa tình hình thất nghiệp ở châu Âu và ở Hoa Kì không?

Tính chất của thị trường lao động châu Âu chắc chắn là một nhân tố quan trọng của tình trạng thất nghiệp kéo dài ở Pháp và ở Đức. Do đó tôi tán đồng câu nói thận trọng của Horst Siebert. Nhưng quá nhiều người châu Âu dừng lại ở đây. Vì điều này không kéo theo là, về mặt logic cũng như về mặt thực nghiệm, đó là toàn bộ vấn đề “những cứng nhắc của thị trường lao động”, và thật ra tôi không tin một điều như thế. Tôi không thấy bằng cách nào người ta có thể tránh được kết luận là những nền kinh tế lớn của châu Âu không được khoẻ mạnh, cố gắng đạt những chuẩn của hiệp định Maastricht, và trong quá trình thực hiện điều này đã sinh ra một số thất nghiệp không thoả đáng do tổng cầu gây ra. Không phải là một chính sách hợp lí khi đồng thời làm méo mó chính sách tài khóa và tiền tệ. Tôi không có nghiên cứu để biết là thất nghiệp keynesian có chiếm đến ít nhiều năm phần trăm của tổng thất nghiệp của Pháp hay không. Nhưng có nhiều điều hiển nhiên rằng đấy không phải là không đáng kể. Cũng có khả năng là lập luận về hiện tượng trễ có phần đúng và châu Âu từ nay đã bị vướng vào hiện tượng này. 

Trong cuộc tranh luận mới đây với John Taylor vừa được xuất bản, Inflation, Unemployment and Monetary Policy (MIT Press) giáo sư trình bày một trường hợp mạnh được giáo sư gọi là “chính sách tiền tệ thăm dò” ngày nào còn có sự bất trắc về tỉ suất thất nghiệp tự nhiên, một khái niệm mà giáo sư mô tả là “mềm về mặt lí thuyết và thực nghiệm như trái nho”. Với tỉ suất thất nghiệp ở Hoa Kì hiện nay (tháng giêng 1998) là thấp hơn 5 phần trăm giáo sư có cho là những quan điểm giáo sư trình bày trong quyển sách này được chứng minh là đúng?      

Vâng đúng thế. Tôi hối tiếc đã có phát biểu quan trọng này; dứt khoát là tôi không tin vào bất kì “hệ ý mới” vô nghĩa nào cả. Tuần trăng mật hiện nay có thể không kéo dài, và trong mọi trường hợp rõ ràng là có những giới hạn cho mức chặt chẽ mà chúng ta hay bất cứ ai khác có thể điều hành nền kinh tế một cách an toàn. Khó khăn là phải biết những giới hạn này nằm ở đâu. Nếu lạm phát bắt đầu tăng lại, tôi sẽ là người đầu tiên thuyết phục Cục dự trữ liên bang quay lùi một cách thận trọng, giống như Cục đã tiến lên một cách thận trọng. Tôi chắc chắn nghĩ là những sự kiện mới đây có xu hướng xác nhận ý tưởng “thăm dò” này. Ít có hoặc không dữ kiện nào ủng hộ bức tranh chiếc “bẫy không thể đảo ngược” cả.

Trong hội nghị năm rồi của Hội kinh tế Mĩ tại New Orleans giáo sư đóng góp một tham luận ở tiểu ban “Applied Economics in Action: The Role of the Council of Economic Advisers” (Solow, 199718). Trong bài này giáo sư mô tả Hội đồng cố vấn kinh tế (CEA) như một cơ quan mà vai trò có thể được mô tả như là đảm nhận nhiệm vụ của một “người làm vệ sinh tri thức. Ý giáo sư muốn nói là gì và phải chăng là dựa trên kinh nghiệm bản thân của một cựu thành viên của CEA?  

Tôi muốn nói là kinh nghiệm của tôi ở cương vị là thành viên của CEA (được những người khác có một kinh nghiệm tương tự chia sẻ) đã dạy tôi rằng có lẽ đóng góp chính của Hội đồng này là đã hạ gục những ý tưởng xấu trước khi chúng bắt rễ. Trong nhiều chính phủ được bầu một cách dân chủ có những cơ quan của chính phủ đại diện cho những quyền lợi đặc biệt. Có một bộ lao động, một bộ nông nghiệp và v.v... Những cơ quan này luôn đề nghị những dự án hoặc ý tưởng mà kết quả chính là hỗ trợ cho những thành viên của một khu vực bầu cử, hoặc ít ra là có vẻ hứa hẹn đối với những thành viên này. Phần lớn những ý tưởng này là xấu; chúng không đạt được mục tiêu mà chúng được giả định là đạt được; hoặc là tỉ số chi phí-lợi thế của chúng là quá bất lợi. Ai đó phải dập tắt những ý tưởng này trước khi chúng có được chỗ dựa vững chắc; và đó là điều chúng tôi luôn phải làm. Chúng tôi luôn tham dự những buổi họp liên cơ quan để nói là: không, đấy không phải là cách diễn biến của sự việc. Tiếp đấy bạn nói với khách hàng của bạn, mà trong trường hợp của CEA là tổng thống, rằng đây quả thật là một ý tưởng xấu, xin đừng khuyến khích nó. Nếu tổng thống chịu nghe, rất tốt. Đó chính là điều tôi muốn nói. Nhưng tôi còn muốn đi xa hơn nữa vì tôi nghĩ là một trong những chức năng thực sự quan trọng của kinh tế học là hạ gục những ý tưởng lố bịch. Những ý tưởng lố bịch không chỉ nổi lên trong chính phủ và trở nên được ưa chuộng rộng rãi. Bạn có thể lấy bất kì số báo hàng ngày nào của tờ Wall Street Journal, tờ New York Times hay tờ San Francisco Chronicle và tìm ra một ý tưởng chẳng ra gì trong đó. Tôi sẽ nêu ngay một ví dụ làm tôi vô cùng bực mình. Nếu bạn đọc báo Mĩ thì bạn biết rằng ngân sách của Liên bang có thể là thặng dư, và do cách bội thu này được tính, có những người có thế lực nói là bây giờ ta có thể làm được nhiều chuyện với thặng dư này. Về mặt nguyên tắc tôi không có gì để phản đối. Một đất nước dân chủ phải sử dụng những nguồn lực của mình sao cho phù hợp với sở thích của cử tri. Nhưng tôi nghĩ là vài năm trước đây chúng ta đã hiểu rằng cân đối của ngân sách là một biến nội sinh, và bạn phải xét cân đối của ngân sách ở một mức sử dụng năng lực nhất định nào đó. Nhưng không còn ai nhớ đến điều này nữa. Tôi không đọc được bất kì ai nói rằng có thể là ngân sách có thặng dư nhưng do còn có x phần trăm thất nghiệp nên vẫn còn một thâm hụt bằng một phẩy năm phần trăm hay khoảng đó của GDP. Hình như kiểu bài học này đã biến mất. Do đó chúng ta phải quay trở lùi và dạy trở lại một lần nữa bài học này.

Giáo sư thường bảo vệ trào lưu kinh tế chủ đạo chống lại những phê phán của những nhà kinh tế có cách tiếp cận cổ điển mới, như Bob Lucas, cũng như chống lại những phê phán phi truyền thống hơn của những nhà kinh tế như Bob Clower và David Colander. Giáo sư có tự coi mình là một người đại diện cho trào lưu chủ đạo trong kinh tế học vĩ mô, hay nói chung trong kinh tế học không?

Vâng, tôi đoán rằng tôi là một nhà kinh tế thuộc trào lưu chủ đạo. Tôi cảm thấy thoải mái hơn với kinh văn trung dung. Kinh tế học là một vấn đề rất phức tạp, trong đó có nhiều khía cạnh và nhiều cách xem xét kinh tế vĩ mô. Nhưng chúng ta có vẻ làm tốt hơn nếu chúng ta kiên định giữ những gì được suy ra từ lí thuyết chuẩn. Tôi luôn sẵn sàng chấp nhận một ý kiến mới nếu đó là một ý kiến tốt. Khả năng là có thể có một hệ ý mới khác nhưng tôi chưa thấy điều gì thật sự lật nhào quan điểm chính thống.

Như thế, nếu chúng ta hiểu rõ mô hình cung cầu cơ bản, mô hình IS-LM, mô hình AS-AD và mô hình tăng trưởng Solow thì chúng ta có thể đi xa?

Đó là một con đường dài. Và nhân thể đi theo thứ tự trên.

Mối quan tâm rất sớm của giáo sư đối với xã hội học hình như đã có ảnh hưởng lâu dài trên những quan điểm của giáo sư. Khi đọc một số công trình của giáo sư, dường như giáo sư có một tầm nhìn rộng hơn phần lớn các nhà kinh tế, đặc biệt là khi đề cập đến thị trường lao động. Ví dụ trong quyển The Labour Market as a Social Institution (1990) giáo sư lưu ý đến tầm quan trọng của “sự thẳng thắn” khi phân tích cách hoạt động thực sự của thị trường lao động. George Akerlof và Janet Yellen (198819, 199020) cũng đã nhấn mạnh điểm này trong nhiều bài viết về lương hiệu quả. Phải chăng các nhà kinh tế vĩ mô nói chung có lợi thế hơn nếu có một tầm nhìn rộng, đặc biệt là khi bàn về những vấn đề của thị trường lao động?    

Vâng. Tất nhiên tôi nghĩ như thế. Nhưng bạn không cần phải là một sinh viên của Talcott Parsons, như tôi đã từng là sinh viên của ông ấy, để có nhận thức này. Tôi không hiểu bằng cách nào một nhà quan sát biết điều lại có thể tin là lương và việc làm trong những nền kinh tế tiên tiến là kết quả xấp xỉ của một thị trường cạnh tranh thuần tuý tức thì. Tôi có thể nói điều đó ví dụ cho một thị trường tín dụng hay sản phẩm thời trang. Nhưng thị trường lao động dứt khoát là trường hợp then chốt là vì nó toả khắp nơi và vừa vì mặt nổi của nó nên những cân nhắc về công bằng, vị thế và hành vi chuẩn có một vai trò quan trọng trong việc ấn định những kết quả hiện có. Khái niệm “thị trường khách hàng” của Art Okun (1981)21 (sau này được Ian McDonald, 1992 phát triển22) cho thấy một cách đáng tin cậy là ta có thể hiểu hơn những thị trường khác nếu chúng được phân tích từ quan điểm rộng hơn này. Tôi phải nói dứt khoát rằng đây không phải là một lời tóm tắt về tính “mềm” hay tính mơ hồ trong kinh tế học vĩ mô (hay trong lĩnh vực nào khác). Điều sau đó là những mô hình, những mô hình tốt và vững chắc bao hàm (và thậm chí tham số hoá) những nhận định và những thực tế thể chế hàm chứa trong những nhận định này. Tiếc thay xã hội học kinh viện và tâm lí học xã hội thường không cung cấp những cái nhìn sáng suốt đáng tin dưới một dạng có ích cho một nhà mô hình hoá kinh tế. Tất nhiên họ lo nướng cá cho họ, chứ không phải cho chúng ta.

Giáo sư có thấy nổi lên một sự đồng thuận nào trong kinh tế học vĩ mô không?

Hiện nay thì có. Cách đây một năm Al Harberger có nhờ tôi tổ chức một tiểu ban tại hội nghị AEA và tôi chọn chủ đề chung là: Có hay không một hạt nhân kinh tế vĩ mô thực tiễn mà tất cả chúng ta đều phải tin vào? Có bốn bài tham luận rất ngắn cộng với bài của tôi là bài thứ năm. Tôi lựa rất cẩn thận những người tham luận rất có khả năng, thực tiễn một cách phải chăng từ hai đầu của phổ các nhà kinh tế. Cứ gọi hai đầu này là một đầu chu kì kinh doanh thực tế và một đầu tân keynesian. Tôi thật sự muốn chống lại quan điểm hư vô rẻ tiền cho rằng kinh tế học vĩ mô chả có gì hay ho mà chỉ là cụm những thành kiến nhuộm màu ý thức hệ được thể hiện bằng đại số. Bạn có thể đọc những bài viết này (Solow et al., 1997)23. Kết quả đạt được là tốt hơn những gì tôi dám mong ước vì những tham luận này cho thấy hoá ra là có nhiều điểm chung giữa các ý kiến của Marty Eichenbaum, John Taylor, Olivier Blanchard, Alan Blinder và tôi. Bạn có thể cho là tôi đã dàn xếp để có kết quả này bằng cách loại ra những người cực đoan nhất. Tất nhiên là tôi đã làm thế. Bạn không thể chờ đợi là mọi người sẽ đồng ý về một đề tài có bản chất phức tạp và không chắc chắn như kinh tế học vĩ mô. Chúng ta cần những đầu óc cực đoan kiên trì một đường hướng giáo điều và cho là phải lên án lí lẽ thông thường. Nhưng chúng ta không buộc phải tin họ, Chúa giúp chúng ta, nhưng họ có một chức năng có ích bằng cách giữ chúng ta giữa một đàn cừu mờ nhạt trên con đường trung dung rộng rãi. Tôi chỉ muốn cho thấy là đường lối trung dung là có tính nhất quán của nó.

Giáo sư đang làm việc trên những vấn đề nào?

Không nhiều lắm. Tôi đã 74 tuổi và đi lại cũng nhiều, như bạn đã nhận xét. Hiện nay tôi không có một lịch nghiên cứu tích cực và dài, mặc dù tôi muốn trở lại nghiên cứu nếu được. Tôi vẫn có ý định nghiên cứu kinh tế học vĩ mô. Điều chính tôi muốn đi sâu là xem kinh tế học vĩ mô sẽ ra sao nếu tính đến một cách nghiêm túc cạnh tranh không hoàn hảo. Frank Hahn và tôi viết một quyển sách gần như không đọc được (1995)24, và đã được xuất bản cách đây vài năm. Trong quyển sách này, chúng tôi cố gắng phác thảo cách mà bạn có thể xây dựng một mô hình vĩ mô có tính đến một cách nghiêm túc cạnh tranh không hoàn hảo, và cũng có thể tính đến những năng suất theo qui mô tăng dần vì những năng suất này là lí do chuẩn khiến cạnh tranh là không hoàn hảo. Có thể chúng tôi đã làm tương đối tốt trong chương đặc biệt này, nhưng chúng tôi đã không đẩy được mô hình đi đủ xa. Đặc biệt là chúng tôi đã không phát triển mô hình đến điểm mà bạn có thể hỏi được một cách hợp lí đâu là những trị số thích hợp cho những tham số chính, nếu mô hình được áp dụng vào nền kinh tế Mĩ, Anh hoặc Đức. Tôi muốn quay trở lại vấn đề này và phát triển mô hình thêm. Tôi cũng có một số ý về lí thuyết tăng trưởng song đây lại là một việc khác nữa.

(Hết)

Chú thích:

(1) “Tobin and monetarism: a review article”, Journal of Economic Literature, June.

(2) “The political economy of the inflation-unemployment tradeoff”, History of Political Economy, Spring.

(3) “Analytical aspects of anti-inflation policy”, American Economic Review, May.

(4) “The role of monetary policy”, American Economic Review, March.

(5) “The natural rate as new classical economics” in R. Cross (ed.), The Natural Rate of Unemployment, Reflections on 25 Years of Hypothesis, Cambridge University Press.

(6) “What price guideposts? Comments”, in G.P. Schultz and R. Z. Aliber (eds.), Guidelines, Informal Controls and the Market Place. Policy in a Full Employment Economy, Chicago Il., University of Chicago Press.

(7) “The case against the case against the guideposts”, in G.P. Schultz and R. Z. Aliber (eds.), Guidelines, Informal Controls and the Market Place. Policy in a Full Employment Economy, Chicago Il., University of Chicago Press.

(8) Xem mục “Duy lí hạn chế” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế: kinh tế học vi mô, kinh tế học vĩ mô, lí thuyết trò chơi, v.v. của Bernard Guerrien, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

(9) Models of Man: Social and Rational, New York: Wiley.

(10) “Discretion versus policy rules in practice”, Carnegie Rochester Conference Series on Public Policy, Amsterdam: North Holland.

(11) “The inflation-output variability tradeofff revisited” in J. Fuhrer (ed.), Goals, Guidelines and Constraints Facing Monetary Policy Makers, Boston: Federal Bank of Boston.

(12) “Unemployment and labour market rigidities: Europe versus America”, Journal of Economic Perspectives, Summer.

(13) “Politics and business cycles in industrial democracies”, Economic Policy, April.

(14) “Unemployment policy”, American Economic Review, May.

(15) “Modern macroeconomics and its evolution from a monetarist perspective: an interview with Professor Milton Friedman”, Journal of Economics Studies.

(16) “Another source of possible wage stickness”, Journal of Macroeconomics, Winter.

(17) “Labour market rigidities: at the roof of unemployment in Europe”, Journal of Economic Perpectives, Summer.

(18) “It ain’t the things you don’t know that hurt you, it’s the things you know that ain’t you”, American Economic Review, May.

(19) “Fairness and unemployment”, American Economic Review, May.

(20) “The fair wage-effort by hypothesis and unemployment”, Quarterly Journal of Economics, May.

(21) Prices and Quantities: A Macroeconomic Analysis, Oxford: Basil Blackwell.

(22) Macroeconomics, New York: Wiley.

(23) “Is there a core of macroeconomics that we should all believe?”, American Economic Review, May.

(24) A Critical Essay on Modern Macroeconomics Theory, Cambridge, MA: MIT Press.

Nguồn: Conversations with Leading Economists. Interpreting Modern Macroeconomics của Brian Snowdon và Howard R. Vane, nhà xuất bản Edward Elgard, Cheltenham, 1999, UK, trang 270-291

 

 

 

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước