Luân lý học và kinh tế học

Luân lý học và kinh tế học

Liệu chủ nghĩa tư bản có tốt? Liệu ta có nên ngưỡng mộ những người lao động chăm chỉ, được thúc đẩy bởi động cơ tạo ra lợi nhuận cao? Liệu cạnh tranh có thúc đẩy những đặc tính tốt đẹp của con người? Những câu hỏi như vậy gắn liền với các cơ chế hoạt động và thể chế mà các nhà kinh tế học nghiên cứu (chủ nghĩa tư bản, lợi nhuận, cạnh tranh), đồng thời sử dụng các khái niệm của các nhà luân lý học (tốt, đáng ngưỡng mộ, tốt nhất).

Luân lý học nghiên cứu các "giá trị" (value) và "phẩm giá" (virtue). Về mặt định nghĩa, "giá trị" (value) là một điều tốt cần đạt được hay một tiêu chuẩn đúng đắn nên tuân theo, trong khi đó "phẩm giá" (virtue) là một đặc điểm tính cách cho phép một cá nhân hành động hay đạt được những điều đúng đắn. Chẳng hạn, nếu "của cải, tình yêu, tự do" là một danh sách những điều đúng đắn cốt lõi thì danh sách tương ứng về các phẩm giá (virtue) — hoặc các đặc điểm tính cách — có thể bao gồm năng suất giúp một người đạt được sự giàu có, sự trung thực giúp người ta có thể tận hưởng các mối quan hệ yêu thương, và trách nhiệm bản thân giúp con người sống tự do.

Các vấn đề luân lý có kết nối mật thiết với các vấn đề kinh tế. Có thể xem xét hoạt động phân tích chi phí - lợi ích trong kinh tế học. Bạn có thể chi một trăm đô la để qua đêm tại một thị trấn, hoặc bạn có thể đóng góp một trăm đô la đó cho chiến dịch tái tranh cử của chính trị gia mà bạn yêu thích. Lựa chọn nào tốt hơn? Qua đêm trong thị trấn tăng khoái cảm cá nhân, trong khi nếu chiến dịch của chính trị gia thành công thì có thể mang đến nhiều tự do hơn trong dài hạn. Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thường đưa ra những quyết định như vậy - chúng ta cân nhắc các quyết định của bản thân bằng cách đo lường và so sánh các chi phí và lợi ích.

Chính vì thế, kinh tế học có mối liên quan trực tiếp đến một vấn đề trọng yếu trong luân lý học: ta đang đo lường chi phí hay lợi ích theo tiêu chuẩn nào? Danh sách các ứng cử viên có thể đại diện cho các giá trị tối thượng khác nhau - hạnh phúc, thỏa mãn ý muốn của Chúa, sự tồn tại về dài hạn, nghĩa vụ, hay bình đẳng.

Khi bắt đầu bất kì phân tích chi phí - lợi ích nào thì các nhà kinh tế học đều ngầm áp dụng một bộ khung giá trị (value framework). Các cam kết giá trị khác nhau có thể dẫn đến việc một mặt hàng được coi là chi phí từ góc độ này nhưng là lợi ích từ góc độ khác. Chẳng hạn, những người lấy việc "tăng hạnh phúc con người" làm giá trị chuẩn sẽ coi quyết định xây con đường mới đến một ngọn núi hùng vĩ là giá trị, trong khi những người coi "duy trì môi trường tự nhiên" làm giá trị chuẩn thì lại xem đó là chi phí.

Những kết quả của phân tích kinh tế cũng trực tiếp dẫn tới các vấn đề về luân lý. Chẳng hạn, tranh luận tại thế kỷ 19 và 20 về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội dẫn tới kết luận chung cho rằng chủ nghĩa tư bản có hiệu quả trong việc sản xuất ra của cải và chủ nghĩa xã hội thì chỉ có "hiệu quả" trong việc giữ người nghèo hoàn nghèo. Những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản sử dụng các kết quả phân tích này để lập luận rằng chủ nghĩa tư bản là tốt; những người khác có thể nói "chủ nghĩa xã hội chỉ tốt trên lý thuyết, nhưng tiếc là không thực tế". Ẩn trong lập trường ủng hộ chủ nghĩa tư bản là quan điểm cho rằng những kết quả thực tiễn sẽ quyết định giá trị nào là tốt đẹp. Ngược lại, ẩn trong lập trường của những người tin rằng chủ nghĩa xã hội là lý tưởng đạo đức phi thực tế là quan điểm cho rằng cái tốt là khái niệm tách biệt với kết quả thực tế.

Điều này kết nối kinh tế học với một vấn đề  trọng yếu nữa trong luân lý học: liệu ta nên xem xét giá trị tốt hay xấu dựa trên các hệ quả thực tế trong thế giới thực, hay bằng các hình thức khác, chẳng hạn sự mặc khải từ Chúa, niềm tin vào chính quyền hoặc các định chế có thẩm quyền, sự nhất quán lý tính, cảm giác đồng cảm, hay lương tâm bẩm sinh (innate conscience)? Vấn đề của phân tích kinh tế (mà phần lớn là việc hiểu và dự đoán hệ quả của một số hành động nhất định) nằm ở chỗ phân tích kinh tế liên quan đến quyết định chính sách, mà sự liên quan này lại gắn bó mật thiết với các quy chuẩn giá trị. 

Hiện tại ta đang có hai câu hỏi luân lý liên quan trực tiếp đến kinh tế học: (1) Tiêu chuẩn của "cái tốt" là gì và (2) Làm thế nào để xác định cái gì là tốt?

Một câu hỏi thứ ba liên quan đến luân lý học là: ai nên là những người được nhận những điều tốt đẹp? Một giả định phổ biến trong phân tích kinh tế là các cá nhân đều lý tính và tư lợi (self-interest). Câu hỏi luân lý thứ ba tập trung vào vấn đề tư lợi. Tư lợi là có đạo đức (moral), phi đạo đức (amoral), hay trái đạo đức (immoral)? Liệu đạo đức có phải là vấn đề cá nhân chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình và làm việc để đạt được hạnh phúc hay không? Hay đạo đức là việc các cá nhân chấp nhận trách nhiệm đối với những người khác và sẵn sàng bỏ qua, thậm chí hy sinh cho họ? Đây là cuộc tranh luận trong luân lý học giữa hai phái chủ nghĩa vị kỷ (egoism) và chủ nghĩa vị tha (altruism).

Các phiên bản mạnh của chủ nghĩa vị kỷ cho rằng các cá nhân nên tự chịu trách nhiệm và nuôi dưỡng tham vọng theo đuổi hạnh phúc, rằng con người cần đối xử với các cá thể khác như những đối tác biết tự chịu trách nhiệm, rằng những ai không thể tự chịu trách nhiệm thì nên được đối xử qua các hoạt động thiện nguyện. Ngược lại, các phiên bản mạnh của chủ nghĩa vị tha cho rằng tính đạo đức về cơ bản là vấn đề giúp đỡ những người cần được giúp đỡ, rằng từ thiện có tính đạo đức hơn chuyện trao đổi thương mại thuần túy, và rằng những cá nhân đạo đức nhất sẽ được thúc đẩy bởi tinh thần hy sinh.

Lấy ví dụ: Carly làm việc chăm chỉ và tới lúc 40 tuổi thì đã kiếm được 10 triệu đô la. Giờ đây, cô gần như đã nghỉ ngơi, đang tận hưởng cuộc sống tốt đẹp - vừa đi du lịch, vừa xây ngôi nhà mơ ước, quản lý các khoản đầu tư và dành thời gian cho gia đình và bạn bè. Ngược lại, Jane được thừa kế 10 triệu đô la ở tuổi 40, dùng 9,9 triệu đô la làm từ thiện và sống đạm bạc với số tiền còn lại. Vậy Carly và Jane thì ai là người đáng khâm phục hơn về mặt đạo đức?

Hay hãy xem xét những cuộc tranh luận về việc kiểm soát tiền thuê nhà và tiền lương tối thiểu. Hầu hết các nhà kinh tế học đồng ý rằng các chính sách như vậy không chỉ dẫn đến chuyện người này được thì kẻ kia mất, mà lượng mất mát còn lớn hơn. Trong một bài viết cho Econlib1, nhà kinh tế học người Mỹ Walter Block lập luận rằng việc kiểm soát tiền thuê nhà không chỉ khiến chủ nhà bị thiệt hại tài chính - mà còn gián tiếp dẫn đến tình trạng thiếu nhà ở và gây hại nhiều nhất cho những người thuê nhà nghèo khó hơn. Trong bài về mức lương tối thiểu2 thì nhà kinh tế học quá cố Linda Gorman cho rằng việc đặt ra mức lương tối thiểu không chỉ khiến người sử dụng lao động bị thiệt hại mà còn làm mất việc làm dành cho các lao động tay nghề thấp. Các nhà kinh tế học vốn biết rõ các hậu quả ngoài dự tính này, song trên thực tế có rất ít dấu hiệu cho thấy các biện pháp kiểm soát tiền thuê nhà và tiền lương tối thiểu sẽ sớm bị loại bỏ.

Tại sao (mọi chuyện vẫn tiếp diễn) như vậy? Trong trường hợp kiểm soát tiền thuê nhà, lý do được đưa ra là do các động cơ chính trị ở đô thị, những khu vực trong đó nhiều người thuê nhà là cử tri: những người thuê nhà tin rằng việc kiểm soát tiền thuê nhà tốt cho họ, còn các chính trị gia thì lắng nghe cử tri của mình.

Quan điểm luân lý học vị tha cho rằng tư lợi của chủ nhà và người thuê lao động có giá trị nhỏ về mặt đạo đức và họ nên hy sinh tư lợi đó để giúp người thuê và nhân viên của mình. Theo nhánh luân lý học vị tha thì chủ nhà và người thuê lao động giàu hơn còn người thuê và nhân viên nghèo hơn, mà người giàu thì nên sẵn lòng hy sinh một phần lợi nhuận để giúp những người nghèo nếu cần thiết. Tuy vậy chúng ta không thể mong đợi người giàu tự nguyện làm điều đúng, do đó quan điểm luân lý vị tha sẽ giúp biện minh việc chính phủ bắt buộc chuyện hy sinh lợi ích này, dùng luật pháp làm công cụ.

Khi bàn về các chính sách kinh tế, những người theo chủ nghĩa vị kỷ và vị tha có một điểm khác nhau cơ bản trong lập luận liên quan đến yếu tố đạo đức. Bên theo chủ nghĩa vị kỷ xem người thuê và được thuê là các đối tác ngang hàng trong trao đổi lao động, trong khi nhánh chủ nghĩa vị tha thì xem việc sử dụng lao động là bóc lột. Nếu nhánh vị kỷ coi người thuê và cho thuê đang giao dịch để cùng có lợi, thì nhánh vị tha lại cho rằng bên đi thuê là những người nghèo khổ, dễ bị các địa chủ giàu có lợi dụng.

Trong "Của cải các quốc gia", nhà kinh tế học Adam Smith đã khái quát các cuộc tranh luận về các chính sách cụ thể cho đến đánh giá toàn bộ hệ thống kinh tế. Câu nói nổi tiếng về tinh thần vị kỷ mà Adam Smith đưa ra trong cuốn sách có liên quan trực tiếp để những cuộc tranh luận đương thời về bản chất đạo đức của chủ nghĩa tư bản:

“Chúng ta có được bữa tối không phải là nhờ lòng nhân từ của người bán thịt, nấu bia hay làm bánh, mà là bởi những người đó quan tâm đến lợi ích của chính họ. Khi nói chuyện với họ, cái chúng ta đề đạt không phải là tính nhân văn, mà là sự tư lợi và lợi ích”.

Có thể nói Adam Smith đang cố gắng tìm ra điểm giao thoa giữa các lý thuyết truyền thống (vốn vị tha về mặt nguyên tắc) và lý thuyết kinh tế mới (vào thời điểm đó). Ông lạc quan về sức mạnh tổng hòa của những cá nhân ích kỷ trong một thị trường tự do. Về mặt lập trường, Smith theo hướng hiện đại và vị kỷ khi chấp nhận rằng tư lợi là tự nhiên và giúp chủ nghĩa tư bản hoạt động tốt, đồng thời Smith cũng theo truyền thống vị tha khi dành lời khen ngợi cao nhất cho những người không quan tâm đến lợi ích của bản thân và sẵn sàng hy sinh lợi ích của họ.

Quan điểm của Smith về tư lợi có thể được hiểu theo hai cách. Cách truyền thống là cách được đa phần những người phản đối chủ nghĩa tư bản đương đại diễn giải: tư lợi về bản chất là phản xã hội, do đó phi đạo đức hoặc phản đạo đức, và một hệ thống được xây dựng trên cơ sở tư lợi như vậy là hệ thống chứa những mâu thuẫn nội tại, cũng như các giao dịch kẻ được-người mất. Và bởi lợi ích tốt đẹp của tổng thể xã hội là tiêu chuẩn của các giá trị, tư lợi và chủ nghĩa tư bản cần được kiềm chế hoặc hy sinh.

Tư duy kinh tế sâu sắc của Smith là: tư lợi và chủ nghĩa tư bản không tạo ra xung đột xã hội. Phân tích của ông khiến ông thấy rằng các cá nhân tư lợi chủ yếu sẽ tham gia vào các giao dịch đôi bên cùng có lợi - rằng động cơ lợi nhuận, quyền tài sản, phân công lao động, cạnh tranh hay các đặc điểm khác của chủ nghĩa tư bản sẽ dẫn đến sự thịnh vượng cá nhân và hài hòa xã hội. Tuy thế, Smith vẫn giữ niềm tin luân lý truyền thống rằng lợi ích tốt đẹp của toàn xã hội mới là tiêu chuẩn đạo đức của giá trị nói chung.

Cách diễn giải khác về quan điểm tư lợi của Smith, chẳng hạn của những người theo thuyết tân Aristotle và của Ayn Rand, cho rằng tư lợi là đạo đức và rằng ta có thể lý luận rằng chủ nghĩa tư bản bảo vệ và tạo điều kiện cho các cá nhân theo đuổi cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Quan điểm này (của Ayn Rand) về cơ bản đồng ý với phân tích kinh tế của Smith về chủ nghĩa tư bản như là một mạng lưới các giao dịch đôi bên cùng có lợi, nhưng không đồng ý với lập luận luân lý chính của ông.

Chả mấy chốc cả phân tích luân lý và kinh tế đều trở nên phức tạp, và ba câu hỏi nêu trên cung cấp điểm khởi đầu để ta có thể tích hợp cả hai lĩnh vực. 

Các cuộc tranh luận đương đại của chúng ta về các giá trị và chính sách môi trường có thể minh họa sự tác động phức tạp lẫn nhau giữa kinh tế học và luân lý học. Các cuộc tranh luận môi trường đề cập đến hai phạm trù hành động của con người: việc sử dụng tài nguyên và việc xử lý chất thải. Chẳng hạn, có phải chuyện cạn kiệt cây rừng hay chuyện khoan dầu ở Alaska là vấn đề sử dụng tài nguyên hay không; và có phải chuyện các hóa chất độc hại đang đầu độc nguồn nước và chuyện nóng lên toàn cầu do hiệu ứng nhà kính là vấn đề xử lý chất thải hay không. Một số vấn đề, chẳng hạn tái chế, đề cập đến cả hai khía cạnh.

Hãy tạm kết bằng chuyện tái chế các hộp đựng đồ uống bằng kim loại. Một phần động lực tái chế nằm ở niềm tin rằng thế giới đang cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên - trong trường hợp này là nhôm. Một phần niềm tin này phụ thuộc chặt chẽ vào thông tin khoa học: Có bao nhiêu nhôm trên trái đất? Chúng ta hiện đang sử dụng bao nhiêu nhôm? Các kỹ thuật khai thác và chế biến ngày càng cải thiện tác động như thế nào đến nguồn nhôm sẵn có? Tùy thuộc vào dữ kiện khoa học, người ta có thể kết luận rằng nhôm ngày càng trở nên dồi dào hoặc khan hiếm hơn.

Mặt khác thì chuyện tái chế đòi hỏi các cân nhắc về kinh tế. Việc tái chế có thể tăng lượng nhôm dự trữ sẵn có và tiết kiệm không gian trong các bãi chôn lấp, song tái chế cũng có chi phí: chi phí chế tạo và lắp đặt thùng tái chế chứa các lon rỗng, chi phí tiền tệ và ô nhiễm khi các xe tải tái chế đi qua các khu phố và cơ sở kinh doanh để thu gom rác tái chế, chi phí thời gian để đưa lon vào đúng thùng, chi phí xử lý lại các lon để chiết xuất nhôm thô, vv. Liệu lợi ích của việc tái chế có lớn hơn chi phí hay không phụ thuộc vào những con số phân tích của các nhà kinh tế.

Một phần của vấn đề tài chế xoay quanh các cam kết chính trị nói chung. Nếu cho rằng việc sử dụng hữu hiệu các tài nguyên và để rác đúng chỗ là một dạng giá trị, thì chúng ta nên dựa vào các thể chế xã hội nào để đạt được những giá trị đó? Nên xem tái chế là chuyện tự nguyện và để cho động cơ thị trường thúc đẩy hay liệu chính phủ nên bắt buộc tái chế như là một phần của nhiệm vụ rộng lớn hơn để quản lý việc sử dụng tài nguyên của xã hội và các hoạt động xử lý chất thải?

Cách chúng ta tiếp cận các vấn đề khoa học, kinh tế và chính trị ở trên như thế nào dựa trên một loạt tiền giả định về giá trị luân lý. Những người theo chủ nghĩa vị kỷ xem môi trường như một tập hợp các nguồn lực để con người sử dụng vì lợi ích riêng. Theo góc nhìn (vị kỷ) thì chúng ta sử dụng môi trường vì nhiều mục đích kinh tế và thẩm mỹ, và cần duy trì các tiêu chuẩn về độ sạch sẽ để đảm bảo sức khỏe con người. Theo giả định đó, việc yêu cầu các nhà khoa học thăm dò trữ lượng tài nguyên và phát triển các kỹ thuật khai thác tài nguyên là chuyện hợp lý. Cũng là hợp lý nếu yêu cầu các nhà kinh tế học thực hiện các phân tích chi phí - lợi ích giữa việc khai thác và tái chế để xác định phương pháp sản xuất nhôm có hiệu quả kinh tế cao nhất. Mục tiêu vị kỷ xoay quanh việc bảo tồn, thay đổi hoặc sử dụng môi trường nhằm tăng vật chất, sức khỏe và trải nghiệm thẩm mỹ của con người.

Ngược lại, các phiên bản mạnh của chủ nghĩa vi tha khi áp dụng vào các vấn đề môi trường lại đưa ra các ưu tiên khoa học và kinh tế hoàn toàn khác. Chủ nghĩa vị tha đối với môi trường đòi hỏi con người phải phục tùng hoặc hy sinh lợi ích của mình cho nhu cầu của các loài khác hoặc cho toàn bộ hệ sinh thái. Theo quan điểm này thì môi trường mới là thứ cần được bảo tồn, chứ không phải là lợi ích của người sử dụng. Chủ nghĩa vị tha ưu tiên hạnh phúc các loài khác và hệ sinh thái cao hơn các giá trị tư lợi của con người. Xét trên góc độ khoa học, việc yêu cầu các nhà khoa học tìm ra một lượng nhôm có sẵn để con người sử dụng lại là một hoạt động cần xem xét về mặt đạo đức. Còn xét trên phương diện kinh tế thì tái chế không phải là chuyện đáng làm hay không khi chỉ nhìn vào những con số chi phí-lợi ích có lợi cho con người, mà là một nghĩa vụ mà loài người phải thực hiện bất chấp hậu quả kinh tế đối với con người.

Chú thích:

(1) https://www.econlib.org/library/Enc/RentControl.html

(2) https://www.econlib.org/library/Enc/MinimumWages.html

Nguồn: Stephen R. C. Hicks, Ethics and Economics, The Library of Economics and Liberty

Dịch giả:
Phan Thị Mai Trang
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh