Phỏng vấn Roger Garrison (Phần cuối)

Phỏng vấn Roger Garrison (Phần cuối)

Từ thời Keynes đến nay, đâu là những điểm mạnh và những đóng góp có ý nghĩa của kinh tế học phi Áo?

Ngoài những đóng góp mà tôi đã nêu, tôi nghĩ rằng việc áp dụng lí thuyết những lựa chọn công cộng vào việc phân tích những chính sách đã có nhiều phát triển quan trọng. Vả lại tôi nghĩ hình như Hayek là người đầu tiên đã cung cấp một “lí thuyết nguyên sơ” về những lựa chọn công cộng áp dụng vào lạm phát, trong tác phẩm Constitution of Liberty (1960). Trong Calculus of Consent (1962), Buchanan và Tullock đã thừa nhận Hayek là người mở đường để họ áp dụng phân tích kinh tế về những lựa chọn cho một số vấn đề chính trị rộng hơn. Những độ trễ nội tại ngăn cách việc thực thi một chính sách với những tác động (tiêu cực) cuối cùng là một hợp chất tự nhiên của lí thuyết Áo và lí thuyết những lựa chọn.

Tôi cũng nghĩ rằng những cố gắng mang lại một ý nghĩa cho Lí thuyết tổng quát đã cho được kinh tế học loại tốt. Đặc biệt tôi nghĩ đến việc xây dựng lại Keynes do Leijonhufvud đề nghị. Công trình Mĩ-Thụy Điển này làm ta liên tưởng nhiều hơn đến một sự kết hợp giữa Knutt Wicksell và William H. Hutt hơn là đến Keynes, nhưng đó là kinh tế học loại tốt, độc lập với quan hệ của nó với cách nhìn keynesian nguyên thủy. Nhân đây, tôi nghĩ là cuốn sách của Alan Meltzer, Keynes Monetary Theory: A Different Interpretation (1988) là cách kiến giải trung thành nhất trong số những kiến giải về Lí thuyết tổng quát của Keynes.

Cách tiếp cận Áo về những biến động có giải thích một cách thích đáng không kinh nghiệm của giai đoạn giữa hai thế chiến?

Tôi nghĩ là đúng khi khẳng định rằng bành trướng của những năm 1920 và cơn suy thoái tiếp sau là một minh hoạ rõ ràng và đậm nét nhất của việc thiếu phối hợp liên thời gian được các nhà kinh tế Áo phát hiện. Sự thiếu kinh nghiệm của Quĩ dự trữ liên bang và sự thiếu vắng kiểm soát Quĩ của ngay chính giới ngân hàng đã để cho sự bành trướng tiền tệ duy trì những lãi suất ở một mức thấp một cách giả tạo trong một thời gian dài. Lí thuyết Áo giải thích một cách đúng đắn việc phân bổ không tốt những nguồn lực trong cấu trúc của tư bản “đầu tư sai” trong thời kì nền kinh tế đang lên và do đó không thể tránh khỏi cơn suy thoái. Cần phải thêm những nhận định khác vào kịch bản này để có thể trình bày đúng đắn tầm sâu rộng của thời điểm trở ngược và độ dài của cơn suy thoái. Điều Hayek gọi bằng “giảm phát thứ yếu” là một quá trình thu nhập bị ràng buộc qua đấy nền kinh tế có thể rơi theo vòng xoắn một cách nặng nề hơn mọi sự phá sản cần thiết nào. Những ý kiến sâu sắc của Friedman về sự thiếu khả năng của Quĩ dự trữ trong giai đoạn 1929-33 và sau đó một lần nữa vào năm 1937 ứng dụng được trong trường hợp này. Độ dài của cơn suy thoái cũng còn được giải thích bởi những ảnh hưởng đầy tác hại của chính sách New Deal; giải thích này được các nhà kinh tế Áo cũng như nhiều nhà kinh tế khác chấp nhận, dù cho những ảnh hưởng trên không hoàn toàn thuộc về lí thuyết Áo về chu kì kinh doanh.

Do chính những công trình của giáo sư về lí thuyết Áo của chu kì kinh doanh, giáo sư có thể cho biết những ánh sáng nào các nhà kinh tế Áo có thể rọi vào tiến trình của những nền kinh tế Hoa Kì và Anh trong những năm vừa qua không?

Cho phép tôi giới hạn câu trả lời trong trường hợp của Hoa Kì. Những cuộc bành trướng và suy thoái của những năm sau này chỉ giống về mặt hình thức nhưng lại khác hẳn với những cuộc bành trướng và suy thoái của thời kì giữa hai cuộc thế chiến. Tôi cho rằng nếu trong thời kì giữa hai cuộc thế chiến, việc phân bổ những nguồn lực phát sinh từ những chính sách kinh tế không tương hợp với những sở thích thời gian thì sự phân bổ trong thời kì mới đây là không tương hợp với những sở thích bên dưới đối với rủi ro. Trong mỗi trường hợp, cần nhấn mạnh đến thành tố tương ứng của lãi suất tỉ suất đơn giản về ưa thích hiện tại trong giai đoạn giữa hai thế chiến và tiền thưởng rủi ro trong giai đoạn gần đây. Trong giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, những đầu tư được tiến hành quá dài hạn trong lúc gần đây, thì đầu tư lại mang tính quá đầu cơ. Song trong cả hai trường hợp, bành trướng là giả tạo, và do đó suy thoái là không thể tránh được.

Bùng nổ của thập niên 1980 phần lớn được tài trợ bằng nợ nước ngoài. Những thâm hụt ngân sách và thương mại cao và kinh niên sinh ra những bất trắc về những triển vọng trên những thị trường. Thành công của các doanh nghiệp tư nhân trở thành rất phụ thuộc vào khả năng dự báo những tỉ suất hối đoái, lãi suất và lạm phát của chủ doanh nghiệp tất cả những tỉ suất này đều bị tầm quan trọng của thâm hụt ảnh hưởng. Những đối tác thương mại của chúng ta có tiếp tục cho chính phủ vay không? Chính phủ có bắt đầu vay ồ ạt trên những thị trường tín dụng trong nước không? Quỹ dự trữ liên bang có hòa hoãn hơn chăng?

Chỉ một nỗi lo rằng nợ bị tiền tệ hoá đủ để giữ tiền thưởng rủi ro ở mức độ cao đối với trái phiếu của Kho bạc. Điều này giải thích việc sử dụng những trái phiếu rủi ro và những công cụ tài chính khác dựa trên hiệu ứng đòn bẫy để cá cược về tiến hoá trong chiều này hay chiều khác của lạm phát mà việc tiền tệ hoá thật sự của nợ sẽ không tránh khỏi đẩy mạnh. Những bất trắc do thâm hụt tài chính càng trở nên trầm trọng hơn do bảo hiểm của các kí gởi được chính phủ tài trợ và do những bất thường và tác hại gắn với cách thức đặc biệt của việc phi điều tiết hoá những thể chế tài chính vào đầu những năm 1980. Bắt đầu từ 1990, những chính sách sinh ra những rủi ro này bắt đầu được thể hiện bằng những lỗ lã và phá sản của các ngân hàng, chặn đứng sự bành trướng lại. Thị trường những trái phiếu rủi ro sụp đổ. Cơn khủng hoảng những thể chế tài chính tiếp tục. Và thâm hụt ngân sách liên bang vẫn chưa được chặn lại.

Ở đây tôi chỉ muốn đơn giản cho thấy là một kịch bản Áo về tiến hoá gần đây của nền kinh tế Mĩ là hoàn toàn có khả năng đúng. Dù những đặc điểm của kịch bản không phải là hayekian thì việc nhấn mạnh đến những thể chế tài chính, và khái niệm nằm sau kịch bản về một bành trướng giải tạo phát sinh từ chính sách kinh tế chắn chắn làm cho kich bản là một biến thể của luận điểm Áo.

Những chủ đề nghiên cứu hiện nay của trào lưu tư tưởng Áo?

Từ nhiều năm nay rồi, chương trình nghiên cứu riêng của tôi chủ yếu là đưa tư bản vào trong kinh tế học vĩ mô. Còn rất nhiều chuyện phải làm trên mặt trận này. Tôi nghĩ rằng việc phát triển một kinh tế học vĩ mô buộc chặt vào lí thuyết tư bản cho phép một so sánh rất thuận lợi với những mô hình hiện đại về thu nhập và chi tiêu và với những ngụ ngôn của các nhà cổ điển mới.

Gần đây hơn tôi bắt đầu quan tâm đến vấn đề những thâm hụt kinh niên cao. Những dư thừa ngân sách này phải được các nhà kinh tế Áo chú ý hơn vì hai lí do. Một mặt vì, như tôi đã nói, bùng nổ của thập niên 1980 được tài trợ bằng thâm hụt hơn là bằng lạm phát. Trong những điều kiện đó, phân tích thâm hụt là tiên quyết để hiểu tính chất của bành trướng và suy thoái sau đấy. Mặt khác giới kinh tế hình như chia thành những người (vẫn còn!) nghĩ rằng thâm hụt kích thích nền kinh tế (những nhà keynesian) và những người cho rằng thâm hụt là không thích hợp (các nhà cổ điển mới, trọng tiền, kinh tế trọng cung). Thường cuộc tranh luận xoay quanh ý nghĩa của thâm hụt, cách đo nó, nó cao, thấp hay thậm chí là thặng dư. Các nhà kinh tế Áo ở vào vị thế tốt để tham gia vào cuộc thảo luận để bảo vệ quan điểm cho rằng thâm hụt là kinh khủng và là nhân tố làm mất ổn định.

Cuối cùng, tôi nghĩ lịch làm việc của nghiên cứu Áo cần phải ghi chủ đề ngân hàng tự do. Tôi không có nghiên cứu lĩnh vực này ngoại trừ việc ghi chú những tác phẩm do các nhà kinh tế lấy cảm hứng Áo viết. Dù đây là một vấn đề gây tranh cãi trong nội bộ trường phái Áo, theo tôi dường như việc phát hành cạnh tranh tiền giấy tương hợp với nhiều quan điểm Áo. Lập luận với phương trình trao đổi, Hayek ngày xưa cho rằng ổn định tiền tệ chỉ được bảo đảm tốt hơn bằng cách giữ MV không đổi. Qui tắc tiền tệ được suy ra là: tăng M để bù cho sụt giảm của V nhưng cho phép P giảm để tương hợp với gia tăng của Q. Các ngân hàng trung ương vừa thiếu quyết tâm lẫn khả năng thực thi một qui tắc như vậy. Ngược lại trong một hệ thống ngân hàng tự do, ít ra nếu tôi không lầm, chính qui tắc này được những lực cạnh tranh tự động thực hiện.

(Hết)

Nguồn: Conversations with Leading Economists. Interpreting Modern Macroeconomics của Brian Snowdon và Howard R. Vane, nhà xuất bản Edward Elgard, Cheltenham, 1999, UK, trang 270-291

Nguồn bản dịch: Phỏng vấn Roger Garrison. http://www.phantichkinhte123.com/ 

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước