Phỏng vấn Robert Barro (Phần 1/2)

Phỏng vấn Robert Barro (Phần 1/2)

Giáo sư bắt đầu học vật lí tại Cal Tech. Điều gì đã khiến giáo sư quyết định tiếp tục học kinh tế tại Harvard?

Tôi nghĩ là tại tôi thích việc kết hợp phân tích định lượng với khoa học xã hội ứng dụng. Tôi bắt đầu bằng việc thu thập những hiểu biết trong lĩnh vực định lượng và do đó việc chuyển đổi là dễ dàng, có thể là quá dễ dàng, vì thời bấy giờ, nếu bạn làm chủ một tí kĩ thuật thì bạn có thể làm hơn những gì người ta chờ đợi ở bạn trong chương chình cao học kinh tế ở Harvard.

Theo giáo sư, những bài viết/sách nào đã có tác động chủ yếu đến sự phát triển của kinh tế học vĩ mô từ 25 năm nay?

Để có thể trả lời tốt câu hỏi này, phải tham khảo bảng tra thư mục trong khoa học xã hội và xem những trích dẫn nào xuất hiện thường xuyên nhất. Bảng tra này tương ứng với ý kiến của giới trong nghề, mà gia quyền là số xuất bản. Thật vậy, tôi thấy dường như thiên hạ nhắc đến những công trình, dù cho không thích chúng, khi họ nghĩ rằng những công trình này có một tầm quan trọng nhất định.

Đâu là những ảnh hưởng chính trên các công trình của giáo sư?

Tôi nghĩ đến một công trình, vào đầu thập niên 1970, làm chung với Herschel Grossman [AER, 1971]1 về kinh tế học keynesian. Tôi có cảm tưởng là chúng tôi đã đạt vài tiến bộ, nhưng thật ra đó là một ngõ cụt nếu tính đến khả năng giải thích thực tế của lí thuyết chúng tôi. Sau đó, trong vòng một hay hai năm, tôi đã tự hỏi nên đi hướng nào. Tôi biết chắc là khung phân tích có được lúc đó là sai, nhưng lại không có gì để thay thế nó. Lúc bấy giờ tôi bị công trình của Bob Lucas về kinh tế học những dự kiến duy lí ảnh hưởng nhiều. Công trình này đã tác động sâu sắc đến tôi và đến vừa đúng lúc tôi cảm thấy hẫng hụt đối với loại công trình mà tôi tiến hành trong giới. Những bài của Lucas [1972, 1973 và 1976]2 cũng có nhiều ảnh hưởng. Những bài này thường được dẫn nhiều. Ít lâu sau, công trình của Sargent và Wallace [1975]3 cũng ảnh hưởng đến tôi nhiều.

Lúc đầu giáo sư có xem mình là một nhà kinh tế keynesian không?

Tôi đã không nghĩ mình là một nhà kinh tế keynesian trong nghĩa là tôi không nghĩ rằng những can thiệp tích cực của chính phủ vào chính sách kinh tế là rất có ích. Nhưng có lẽ đó là “thú tiêu khiển” duy nhất của kinh tế học vĩ mô và tôi muốn hiểu cách hoạt động của nó. Thời gian học cao học, hai bài viết đã có một ảnh hưởng đặc biệt: đó là bài của Robert Clower [1965]4, và chương tương ứng trong sách của Patinkin [1965]5. Tôi có cảm giác rằng đó là hai phân tích bổ sung cho nhau về cách mà những dư thừa của cung lan truyền từ thị trường này sang thị trường khác. Tôi nhớ là đã thử tổng hợp hai đóng góp này. Và đó là việc chúng tôi, Herschel và tôi, đã làm, và tôi nghĩ làm một cách thành công. Điều này đã giúp tôi hiểu khuôn khổ keynesian về tính cứng nhắc của giá và lương danh nghĩa, và điều gì ấn định sản xuất và việc làm. Tôi nghĩ là chúng tôi đã giải quyết điểm này rồi. Nhưng kể từ đó, dường như các nhà keynesian đã thoái hoá: mức hiểu biết của kinh tế học keynesian hôm nay là yếu hơn cách đây 20 năm. Thiên hạ đã quên hay không biết đến công trình này, và trong thực tế phạm những sai lầm giống với những sai lầm mà chúng tôi nghĩ là đã sửa chữa lúc đó rồi.

Theo giáo sư đâu là điểm yếu chính của mô hình keynesian của thập niên 1970?

Tôi nghĩ chủ yếu là việc mô hình đó không có khả năng giải thích việc ấn định giá, cũng như không có khả năng tính đến cung. Đó là một mô hình hoàn toàn hướng về cầu. Do dó, năng suất, tiến bộ công nghệ và những kích thích để lao động ngay từ đầu đã bị loại khỏi khung phân tích. Cú sốc dầu lửa làm hiện rõ sự cần thiết phải tính đến những yếu tố này.

Trong chừng mực nào việc đặt những mô hình kinh tế vĩ mô trên cơ sở lí thuyết tân cổ điển những lựa chọn là một điều quan trọng?

Đối chọn của mô hình keynesian dường như gồm có một khung điều chỉnh của thị trường, và tất cả những gì xoay quanh cung và cầu đều có cơ sở là lí thuyết thông thường về giá cả. Tôi không chắc rằng điều thiết yếu là phải có một lí thuyết toán học rất kĩ thuật. Nhưng điều quan trọng là phải có một mô hình nhất quán với việc tối đa hoá lợi ích và lợi nhuận, việc tối đa hoá này suy ra từ những tiên đề về hành vi các tác nhân của mô hình. Điều này không đòi hỏi một kĩ kĩ thuật tinh vi cho lắm.

Giáo sư được xem là một trong những nhà kinh tế vĩ mô cổ điển mới hàng đầu. Nhãn hiệu cổ điển mới có làm vừa lòng giáo sư không?

Tôi nghĩ là một điều tốt nếu điều này hàm ý là phải mang đến những cơ sở vi mô cho kinh tế học vĩ mô, và suy nghĩ bằng sự điều chỉnh các thị trường.

Giáo sư có xem kinh tế học cổ điển mới là một trường phái tư tưởng khác với học thuyết trọng tiền không?

Tôi chưa bao giờ hiểu thật sự thuật ngữ “học thuyết trọng tiền” cả. Thuật ngữ này được dùng một cách mâu thuẫn. Đối với Friedman đây là qui chiếu về lí thuyết định lượng về tiền tệ, như một nguyên lí tổ chức, về lí thuyết ấn định giá cả và lạm phát, và như thế là tốt. Có lẽ điều này kéo theo những hiệu ứng thực tế quan trọng của những nhiễu loạn tiền tệ trên nền kinh tế trong ngắn hạn. Nhưng khuôn khổ được Milton đặt ra năm 1970 thật ra là keynesian hơn nó không khác mấy mô hình IS-LM truyền thống. Trong một số trường hợp khác, người ta qui về học thuyết trọng tiền để ngầm hiểu là không muốn Nhà nước can thiệp quá nhiều vào nền kinh tế, là việc này chỉ làm rối thêm. Nhưng khung phân tích đưa đến những kết luận này không được đặt rõ ràng.

Theo giáo sư đâu là những khẳng định trung tâm của kinh tế học cổ điển mới?

Thứ nhất, những kết quả tích cực về điều gì được xem là quan trọng cho những biến động kinh tế và, thứ hai, những hệ quả quan trọng cho chính sách kinh tế sự can thiệp của Nhà nước là có ích và thích đáng không? Một số những kết quả của Lucas về những yếu tố quyết định những chu kì kinh tế là không mấy thuyết phục. Lúc đầu, người ta quan tâm nhiều đến những nhiễu loạn tiền tệ, ngay cả trong một bối cảnh cân bằng. Thật ra đây là điều làm cho mọi chuyện là khó nhọc. Rất khó có được những hiệu ứng nhất quán của những cú sốc tiền tệ vì hình như chúng gần như là trung lập. Lucas chấp nhận ý rằng tiền tệ là quan trọng trong thực tế và ông muốn thiết lập khung lí thuyết theo đúng ý đó. Đó là một thành tựu trí tuệ lớn. Nhưng trên vấn đề này, tôi đã biến chuyển và bây giờ tôi nghĩ rằng những cú sốc tiền tệ, ở cương vị là những lực hướng dẫn các chu kì, là không mấy quan trọng trên phương diện thực nghiệm. Do đó tôi thấy là kiểu rèn luyện trí tuệ này là không đúng chỗ. Có ích gì khi chấp nhận thách thức to lớn để giải thích vì sao tiền tệ là quan trọng đến thế và làm cho nó tương thích với một khung phân tích cân bằng khi nó tỏ ra là không mấy quan trọng?

Trong cuốn giáo trình của giáo sư về kinh tế học vĩ mô [1993]6, giáo sư bảo vệ cách tiếp cận bằng điều chỉnh của thị trường, giải thích rằng nó tránh những thiếu nhất quán nội tại và cho phép hiểu tốt hơn hiện thực. Ảnh hưởng của kinh tế học vĩ mô cổ điển mới có tăng hơn trong những giáo trình khác không?

Tôi nghĩ là có. Mẻ giáo trình cuối có nhiều yếu tố về những nhà cổ điển mới và những chu kì thực tế hơn bất cứ mẻ nào trước đấy. Nhưng khi người ta làm một cuốn sách về kinh tế học vĩ mô, tôi nghĩ là chỉ cần một cách tiếp cận cơ bản duy nhất. Dành một tầm quan trọng như nhau cho tất cả những lí thuyết là không có kết quả. Sinh viên sẽ bị rối: họ thích đọc một câu chuyện duy nhất và nhất quán. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với sách của các bạn, nhưng đó là điều xưa nay tôi vẫn nghĩ [Cười]. Các nhà xuất bản luôn đòi hỏi thêm vào nhiều mánh keynesian chính thống kiểu IS-LM, v.v.. Nhưng mục đích chính của một sách kinh tế học vĩ mô là đánh giá những biến cố và chính sách, và tôi không nghĩ rằng làm được điều này một cách thỏa đáng bằng cách trình bày nhiều cách tiếp cận.

Giáo sư có nghĩ là tốt hơn nên trình bày những cách tiếp cận khác nhau cho sinh viên, ngay cả ở mức vỡ lòng, để họ thấy rằng có nhiều cuộc tranh luận trong bộ môn không?

Có lẽ. Bạn có thể làm một khi đã nghiên cứu thật sâu một mô hình và sau đấy trình bày một phiên bản song song. Nếu không sinh viên sẽ lẩn tránh vấn đề ít ra là các sinh viên Mĩ. Tôi có thể nhầm lẫn. Nhưng tôi không biết cách làm thỏa đáng nào khác.

Alan Blinder [1987]7 khẳng định là sức nặng của những sự kiện chống lại giả thiết những dự kiến duy lí là áp đảo. Giáo sư phản ứng như thế nào trước kiểu phê phán này?

Đúng là chúng ta không có những lí thuyết tốt về cách mà thiên hạ khám phá thế giới. Nhưng không có lí thuyết thỏa đáng nào khác về những dự kiến. Trong trò chơi này chỉ có một người cạnh tranh. Điều này khiến cho nó kì lạ đến thế. Thật ra, những dự kiến duy lí đã chinh phục lí thuyết kinh tế vĩ mô. Hầu hết những nhà keynesian sử dụng khái niệm này. Tất nhiên, quả đúng là bạn luôn có thể có được những kết quả keynesian ngay cả khi vận dụng những dự kiến duy lí. Người ta thường nghĩ là những dự kiến trong kinh tế học vĩ mô đồng nghĩa với kinh tế học cổ điển mới. Điều này không đúng vì bạn có thể đưa những dự kiến duy lí vào những mô hình kiểu keynesian. Tuy nhiên, điều này có vẻ không nhất quán, vì khái niệm dự kiến duy lí kéo theo việc các tác nhân phát biểu một cách duy lí những cung và cầu của họ. Do đó sẽ là ngược đời khi có một phương thức lấy quyết định có hiệu quả một bên và mặt khác cho rằng giá cả là cứng nhắc.

Những lí thuyết về chu kì thực tế xử lí tiền tệ như thế nào?

Tiền tệ có một vai trò thứ yếu trong những mô hình này. Nhưng mặt khác, những mô hình này buộc phải nhất quán với một số đều đặn thực nghiệm, trong số đó có tính thuận chu kì của những đại lượng tiền tệ. Để làm cho các mô hình này nhất quán với những sự kiện đó, dù cho tiền tệ không có một vai trò lớn, thì phải có một lí thuyết nội sinh về tiền tệ, có tính đến hệ thống ngân hàng hay phương thức hành động của những giới chức tiền tệ. Điều này cho phép sinh ra một dạng mà tiền tệ và sản xuất cùng tiến hoá và có lẽ trong đó tiền tệ đi trước chu kì. Rõ ràng là người ta đã chấp nhận ý này trong một vài hoàn cảnh. Ví dụ, gần đến lễ Giáng sinh, có một cầu tiền lớn và những giới chức tiền tệ cung cấp nó, và như thế thích nghi với nền kinh tế. Tính nội sinh của tiền tệ trong bối cảnh này được chấp nhận hoàn toàn. Người ta chấp nhận ý là nếu những giới chức tiền tệ ấn định những lãi suất thì sẽ có một tiến hoá nội sinh của những đại lượng tiền tệ, để phản ứng lại với sản xuất và những biến khác chi phối cầu tiền.

Điều được gọi là kinh nghiệm trọng tiền, tại Vương quốc Anh cũng như ở Hoa Kì, trong thời gian 1970-82, là một nguồn tranh luận vô tận. Giáo sư kiến giải như thế nào những gì đã xảy ra trong giai đoạn đó?

Tôi chưa bao giờ dám chắc, đặc biệt là trong trường hợp của Hoa Kì, là bạn có thể thực sự xem giai đoạn này như một giai đoạn trong đó “đích nhắm” là những đại lượng tiền tệ. Tôi đã làm một nghiên cứu dài về tính chất của cung tiền, những lãi suất và mức giá tại Hoa Kì, và đã không phát hiện, trong công trình thống kê này, một điều gì khác lạ một cách sâu sắc trong giai đoạn này. Tôi không nghiên cứu trường hợp của Vương quốc Anh.

(Còn nữa)

Chú thích:

(1)“A General Disequilibrium Model of Income and Employment”, American Economic Review, March 1971.

(2) “Expectations and the Neutrality of Money”, Journal of Economic Theory, April 1972.

“Some International Evidence on Output-Inflation Tradeoffs”, American Economic Review, June 1973.

“Econometric Policy Evaluation: A Critique” in K. Brunner and A. Meltzer (eds.), The Phillips Curve and Labor Markets, Amsterdam, North Holland, Carnegie Rochester Series on Public Policy.

(3) “Rational Expectations, the Optimal Monetary Instrument and the Optimal Money Supply Rule”, Journal of Political Economy, April 1975.

(4) “The Keynesian Counter-Revolution: A Theoretical Appraisal” in F. H. Hahn and F. P. R. Breckling (eds.), The Theory of Interest Rates, London, Macmillan.

(5) Money, Interest and Prices, 2nd edn, New York, Harper and Row.

(6) Macroeconomics, 4th edn, New York, John Willey.

(7) “Keynes, Lucas and Scientific Progress”, American Economic Review, May 1987.

Nguồn: A Modern Guide to Macroeconomics. An Introduction to Competing Schools of Thought của Brian Snowdon, Howard Vane và Peter Wynarczyk, Edward Elgar Publishing Limited, Hants, UK.

 

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước