Chủ nghĩa duy khoa học và nghiên cứu về xã hội: Khách quan luận trong chủ nghĩa duy khoa học (phần 5)
Những khác biệt cơ bản giữa các phương pháp nghiên cứu đặc trưng của nhóm các ngành khoa học tự nhiên và của nhóm các ngành khoa học xã hội lý giải tại sao một nhà khoa học tự nhiên khi chuyển sang nghiên cứu các hiện tượng xã hội lại thường cảm thấy rằng, anh ta đang làm việc với đám người luôn mắc phải tất cả các lỗi chết người mà anh ta thường cố gắng tránh, và vì thế một bộ môn khoa học về xã hội theo các chuẩn mực của anh ta vẫn chưa tồn tại. Từ suy nghĩ này cho tới nỗ lực tạo ra một ngành khoa học mới về xã hội thỏa mãn các tiêu chí nhận thức của mình về Khoa-Học chỉ còn là một bước. Trong bốn thế hệ gần đây, những nỗ lực theo hướng này liên tục được thực hiện; dù là chúng chưa bao giờ đưa ra được các kết quả như mong đợi, và dù là chúng thậm chí chẳng tạo ra được một truyền thống có kế thừa – một biểu hiện của một bộ môn khoa học thực thụ – thì những cố gắng kiểu này vẫn cứ lặp lại hầu như hàng tháng bởi một ai đó có tham vọng tạo ra một cuộc cách mạng trong tư duy xã hội. Thêm nữa, dù là những nỗ lực này hầu như không diễn ra liên tục, chúng vẫn thường có chung các nét đặc trưng như chúng ta xem xét ngay dưới đây. Để thuận tiện, chúng ta có thể phân tích những nét đặc trưng về phương pháp luận này dưới các chiều kích “khách quan luận”, “tập thể luận” và “duy sử luận”, đối ứng với “chủ quan luận”, “cá thể luận” và cách tiếp cận lý thuyết của các bộ môn khoa học xã hội đã phát triển hoàn chỉnh.
Loại thái độ mà chúng tôi gọi bằng cái tên “khách quan luận” trong cách tiếp cận duy khoa học đối với việc nghiên cứu con người và xã hội đã hé lộ điểm đặc trưng của mình qua nhiều nỗ lực nghiên cứu với ý đồ loại bỏ loại tri thức chủ quan của chúng ta gắn với cơ chế hoạt động của tâm trí con người; những cố gắng này tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau và chúng đã tác động tới hầu hết tất cả các bộ môn nghiên cứu về xã hội. Từ sự khước từ của Auguste Comte về khả năng của phương pháp nội quan (instrospection) tới rất nhiều cố gắng nghiên cứu để xây dựng một bộ môn “tâm lý khách quan”, đến hành vi luận (behaviorism) của J.B. Watson và “chủ nghĩa duy vật lý” của O. Neurath, là một danh sách dài các tác giả đã cố gắng nghiên cứu mà không cần trông cậy vào loại tri thức rút ra từ “quá trình nội quan”. Nhưng chúng ta có thể dễ dàng chỉ ra được là: những cố gắng nghiên cứu hòng tránh sử dụng loại tri thức mà chúng ta vốn dĩ đã sở hữu đang trên đà phá sản.
Một người theo hành vi luận hay chủ nghĩa duy vật lý, để đảm bảo tính nhất quán, nhất thiết không được phép bắt đầu công việc nghiên cứu bằng việc quan sát các phản ứng của những người khác nhau đối với những cái mà các giác quan của chúng ta mách bảo là những đối tượng tương tự; anh ta có nghĩa vụ phải tự bó mình vào việc nghiên cứu phản ứng của mọi người đối với các kích thích đồng nhất thuần túy về mặt vật lý. Chẳng hạn, anh ta không được phép tiến hành nghiên cứu các phản ứng của những người khác nhau khi thấy một vòng tròn đỏ hay nghe một âm thanh nhất định, mà chỉ nghiên cứu các ảnh hưởng của một sóng ánh sáng với một tần suất nhất định lên một điểm cụ thể của võng mạc của con người v.v. và v.v. Tuy nhiên, không thấy có người theo chủ nghĩa hành vi nào có ý định làm như thế trên thực tế. Tất cả họ đều đơn giản coi chuyện những cái xuất hiện đối với chúng ta cũng sẽ xuất hiện giống như thế với những người khác là điều mặc nhiên. Dù là họ chẳng có ý định làm thế nhưng họ lại liên tục sử dụng cách thức các giác quan và tâm trí của chúng ta tiến hành phân loại các kích thích bên ngoài vào các nhóm giống nhau hoặc khác nhau, cách thức phân loại mà chúng ta biết tới chỉ từ kinh nghiệm cá nhân của chúng ta trong quá trình sử dụng nó và không dựa trên bất kỳ kiểm nghiệm khách quan nào nhằm chứng tỏ việc các kích thích bên ngoài này cũng biểu hiện hành vi theo cách tương tự nhau trong mối quan hệ với nhau. Điều này ứng dụng khá nhiều cho cái mà chúng ta vẫn thường xem là các chất liệu cảm giác đơn giản, như màu sắc, cường độ âm thanh, mùi v.v. cho tới nhận thức của chúng ta về các cấu hình (Gestalten) mà giúp chúng ta phân loại về mặt vật lý các vật rất khác nhau như các mẫu vật có một “hình dáng” cụ thể, ví dụ như một vòng tròn hay một giai điệu nhất định. Đối với người theo chủ nghĩa hành vi hay duy vật lý, việc chúng ta nhận thức được tính chất tương tự của những vật này là không đáng quan tâm.
Tuy nhiên, không thể biện minh thái độ ngây thơ này bằng những điều mà bản thân quá trình phát triển của khoa học vật lý dạy bảo chúng ta. Như chúng ta đã biết1, một trong những thành tựu chính của quá trình phát triển này là những sự vật xuất hiện giống nhau với chúng ta có thể lại không thuộc cùng loại với nhau theo nghĩa khách quan, tức là, chúng không có các thuộc tính chung. Tuy nhiên, một khi chúng ta thừa nhận là những sự vật khác nhau xét trên khía cạnh gây ra các tác động đối với các giác quan của chúng ta không nhất thiết phải giống với việc chúng khác nhau xét trên khía cạnh gây ra các tác động lẫn nhau, chúng ta sẽ không còn có cái quyền xem chuyện, rằng thứ đối với chúng ta thuộc về cùng một loại hay khác loại lại cũng là như thế đối với người khác, là một cái gì đó đương nhiên. Việc coi đây như là một quy tắc là một cơ sở thực nghiệm quan trọng, cái cơ sở một mặt đòi hỏi chúng ta phải giải thích (một nhiệm vụ của tâm lý học), nhưng mặt khác đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận như là một dữ liệu cơ bản trong nghiên cứu của chúng ta về hành xử của thiên hạ. Việc những đối tượng khác nhau được những người khác nhau xếp vào cùng một loại sự vật, và việc những người khác nhau nhìn nhận cùng một sự vật theo các biểu hiện khác nhau là những sự thực đáng lưu ý dù cho khoa học vật lý có thể chỉ ra là những đối tượng này hay những biểu hiện này chẳng có thuộc tính chung nào cả.
Tất nhiên, đúng là chúng ta chẳng biết gì về tâm trí của những người khác nhau ngoài những điều biết được thông qua các nhận biết bằng giác quan, nghĩa là, qua việc quan sát các dữ kiện vật lý. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta chẳng biết gì hơn nữa ngoài các dữ kiện vật lý. Loại dữ kiện mà chúng ta phải xử lý trong một bộ môn nào đó không phải hình thành từ tất cả các thuộc tính của các đối tượng trực quan mà bộ môn đó đụng chạm đến, mà chỉ từ những thuộc tính mà chúng ta lựa chọn vì mục đích nghiên cứu của bộ môn đó. Lấy một ví dụ từ nhóm các ngành khoa học vật lý: tất cả các loại đòn bẩy hay con lắc mà chúng ta biết đều có các thuộc tính hóa học và quang học; nhưng khi chúng ta đề cập đến đòn bẩy và con lắc thì chúng ta lại không nói gì tới các hiện tượng hóa học hay quang học. Yếu tố quyết định một số các hiện tượng đơn lẻ trở thành các dữ kiện thuộc về một chủng loại này khác chính là những tính chất (attributes) mà chúng ta lựa chọn để sắp xếp các hiện tượng đó thành các phần tử của một nhóm. Và dù rằng tất cả các hiện tượng xã hội mà chúng ta có khả năng suy xét đều chứa đựng các tính chất vật lý thì điều này không có nghĩa là chúng ta phải coi các hiện tượng đó là các dữ kiện vật lý trong chuyên ngành của chúng ta.
Có một điểm quan trọng về các đối tượng của hoạt động con người mà chúng ta quan tâm trong lĩnh vực khoa học xã hội cũng như bản thân các hoạt động con người là: để lý giải các hoạt động con người chúng ta phân loại một cách tự nhiên và vô tình một số các hiện tượng vật lý nào đó vốn chẳng có một thuộc tính vật lý chung nào trong một mẫu lớn các hiện tượng vật lý thành các phần tử của của cùng một đối tượng hoặc cùng biểu hiện cần nghiên cứu. Chúng ta biết rằng những người khác nhau, giống như bản thân chúng ta, coi bất kỳ một phần tử nào trong một tập hợp lớn các sự vật, a, b, c, d… v.v., vốn dĩ khác nhau về mặt vật lý thuộc cùng một nhóm; và chúng ta biết điều này là bởi vì những người khác kia, cũng như chúng ta, phản ứng lại với bất kỳ sự vật nào trong nhóm những sự vật này qua bất kỳ biểu hiện nào trong số các biểu hiện α, β, γ, δ… mà cũng lại chẳng có một thuộc tính vật lý chung nào. Dù thế thì loại tri thức này – loại tri thức mà chúng ta liên tục sử dụng, và được giả định là phải có trước để giao tiếp với người khác – vẫn không phải là tri thức do ý thức mà có (conscious knowledge) theo nghĩa chúng ta có khả năng liệt kê chi tiết tất cả các hiện tượng vật lý khác nhau và rồi không ngần ngại sắp xếp chúng thành các phần tử thuộc các nhóm nhất định, bởi một lẽ chúng ta không biết những tổ hợp nào trong rất nhiều các tổ hợp khả thể các thuộc tính vật lý cần được chúng ta nhìn nhận như là một từ, hay một “khuôn mặt thân quen” hay là một “cử chỉ hăm dọa”. Có lẽ vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu thực nghiệm nào thành công trong việc xác định chính xác phạm vi các hiện tượng khác nhau mà được chúng ta không ngần ngại coi là ám chỉ cùng một thứ theo chủ kiến của chúng ta cũng như của những người khác; tuy thế, chúng ta lại tiến hành việc này liên tục và thành thục dựa trên giả thiết là chúng ta phân loại những thứ đó theo cùng một cách thức giống như những người khác làm. Chúng ta không có khả năng – và có lẽ không bao giờ có được cái khả năng – thay thế các phạm trù tâm trí (mental categories) vốn được chúng ta sử dụng thường xuyên để diễn tả hành động của những người khác bằng các khách thể được xác định dưới góc độ vật lý2. Bất kỳ khi nào chúng ta làm như thế thì các dữ kiện vật lý mà chúng ta đề cập đến lại mang nội dung không phải là các dữ kiện vật lý, tức là không phải là các phần tử thuộc một nhóm vốn cùng mang một số các thuộc tính vật lý chung nhất định, mà là các phần tử của một nhóm mà có thể chứa những thứ chẳng có bất kỳ thuộc tính vật lý nào chung nhưng lại “ám chỉ” đến cùng một sự vật đối với chúng ta.
Đã tới lúc cần phải làm rõ một điều được ngụ ý trong toàn bộ lý lẽ của chúng ta về luận điểm này – điều mà, dù có lẽ là hệ quả từ quan niệm hiện đại về đặc điểm của nghiên cứu vật lý, vẫn còn khá lạ lẫm. Đó là: không chỉ các thực thể tâm trí (mental entities), chẳng hạn “các khái niệm” hay “các ý tưởng”, những thứ vẫn thường được xem là “các thứ trừu tượng”, mà là tất cả các hiện tượng tâm trí, các nhận biết thông qua giác quan và các hình ảnh cũng như “các khái niệm” và “ý tưởng” trừu tượng hơn, đều phải được xem như là các biểu hiện của quá trình phân loại do não bộ thực hiện3. Tất nhiên, đây đơn thuần chỉ là một cách biểu đạt khác cho hiện tượng rằng các chất liệu mà chúng ta nhận biết được không phải là thuộc tính của các khách thể mà là cách thức mà chúng ta (từng cá nhân hay theo chủng tộc) dần học được để phân nhóm hay phân loại các kích thích bên ngoài. Nhận biết là hành động xếp [một cái gì đó] vào một phạm trù (hay những phạm trù) quen thuộc: chúng ta không thể nhận biết được bất kỳ cái gì hoàn toàn khác biệt so với các thứ khác mà chúng ta đã từng biết trước đây. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi thứ chúng ta xếp vào một nhóm trong thực tế phải mang cùng những thuộc tính chung chỉ vì lẽ trên thực tế chúng ta phản ứng lại với những thứ này theo cùng một cách thức. Có một sai lầm chung nhưng khá nguy hiểm khi tin rằng mọi sự vật mà các giác quan hay tâm trí của chúng ta đối xử như là các phần tử của cùng một nhóm phải có một cái gì đó chung vì lẽ rằng chúng được tâm trí của chúng ta ghi nhận theo cùng một cách thức. Mặc dù thường sẽ tồn tại một biện minh khách quan nào đó để lý giải tại sao chúng ta lại xem một số sự vật nhất định là tương tự nhau, thì điều này không nhất thiết hàm ý rằng đây là lý giải đúng. Nhưng, trong khi trong nghiên cứu về tự nhiên, nếu các phân loại không dựa trên bất kỳ nét tương tự nào liên quan đến hành vi của các khách thể đối với nhau, chúng sẽ bị xem như là hành vi “lừa gạt” – điều mà chúng ta bắt buộc phải tránh –, thì chúng lại có ý nghĩa tích cực trong việc tìm hiểu hành động con người. Sự khác biệt quan trọng về vai trò của các phạm trù tâm trí này trong hai lĩnh nghiên cứu tự nhiên và nghiên cứu xã hội là ở chỗ khi chúng ta nghiên cứu sự vận hành của thế giới tự nhiên bên ngoài thì các cảm giác và suy nghĩ của chúng ta không phải là các mảnh ghép trong chuỗi các sự kiện quan sát được – chúng đơn thuần chỉ là các biểu tả về các mảnh ghép; còn trong cơ cấu vận hành của xã hội thì các cảm giác và suy nghĩ của chúng ta lại tạo nên một mảnh ghép cốt yếu, các lực lượng thường trực trong cơ cấu này vận động thông qua các thực thể tâm trí này, những thứ chúng ta trực tiếp biết đến: trong khi những sự vật nhất định ở trong thế giới tự nhiên không thể hiện hành vi giống nhau hoặc khác nhau bởi vì chúng xuất hiện giống nhau đối với chúng ta, thì chúng ta lại thể hiện hành vi theo một cách thức tương tự nhau hoặc khác nhau bởi vì những sự vật nhất định xuất hiện giống nhau hoặc khác nhau đối với chúng ta.
Người theo hành vi luận hay chủ nghĩa duy vật lý kiên định – người thực sự muốn tránh sử dụng các phạm trù vốn có sẵn trong tâm trí của chúng ta trong công việc nghiên cứu về hành vi con người, và cũng muốn giới hạn công việc nghiên cứu của mình một cách rõ ràng vào các vấn đề về phản ứng của con người đối với các đối tượng được định nghĩa dưới góc độ vật lý thuần túy – nhất định sẽ từ chối bình luận về bất cứ điều gì liên quan đến các hành động con người cho tới khi anh ta đã thiết lập xong trên phương diện thí nghiệm quá trình mà các giác quan và tâm trí của chúng ta gộp các kích thích bên ngoài vào các nhóm giống nhau và khác nhau. Anh ta sẽ phải trả lời câu hỏi rằng những đối tượng vật lý nào xuất hiện giống nhau cũng như khác nhau đối với chúng ta (và tại sao chúng lại xuất hiện như thế) trước khi anh ta có thể bắt tay vào nghiên cứu hành vi con người hướng tới các đối tượng đó.
Một điểm cần lưu ý: chúng ta không đưa ra luận điểm rằng việc giải thích nguyên lý về cách thức mà tâm trí hay não bộ của chúng ta chuyển biến các dữ kiện vật lý thành các thực thể tâm trí là bất khả. Một khi chúng ta nhận ra rằng đây là một quá trình phân loại thì không có lý do gì lại khiến chúng ta không thể biết cách lĩnh hội được nguyên lý điều phối hoạt động của nó. Sự phân loại rốt cuộc chỉ là một quá trình cơ học, nghĩa là, một quá trình mà có thể thực hiện bằng máy móc nhằm “sắp xếp” các đối tượng thành các nhóm dựa trên các tính chất nhất định4. Thay vì thế, luận điểm của chúng ta là: thứ nhất, việc giải thích sự hình thành các thực thể tâm trí và các mối quan hệ giữa các thực thể này với các thực tế vật lý mà chúng đại diện là thứ công việc không cần thiết, nghĩa là nó chẳng giúp ích gì cho công việc nghiên cứu xã hội của chúng ta; và thứ hai, một giải thích như thế, dù là có thể hình dung ra được, không những chưa tồn tại ở thời điểm hiện tại và có lẽ cả trong dài hạn nữa, mà còn mãi chỉ không gì khác hơn là một “sự giải thích về nguyên lý”5 về sự vận hành của bộ máy phân loại này. Dường như mọi bộ máy phân loại luôn ẩn chứa một mức độ phức tạp lớn hơn so với bất kỳ thứ gì khác mà nó phân loại; và nếu điều này đúng thì hệ quả tiếp theo sẽ là não bộ của chúng ta sẽ không thể đưa ra được một lời giải thích trọn vẹn (tức phân biệt với một lời giải thích thuần túy về nguyên lý) về những cách thức cụ thể mà bản thân não bộ dùng để phân loại các kích thích bên ngoài. Sau này chúng ta sẽ xem xét ý nghĩa của cái nghịch lý liên quan, rằng để giải thích tri thức của chính chúng ta thì chúng ta nhất thiết phải biết nhiều hơn điều mà chúng ta thực sự biết; tất nhiên, đây là một mệnh đề có mâu thuẫn nội tại.
Nhưng hãy tạm giả thiết là chúng ta thành công trong việc quy tất cả các hiện tượng tâm trí về các quá trình vật lý. Giả sử chúng ta đã biết cơ chế mà hệ thần kinh trung ương của chúng ta dựa vào để gộp bất kỳ một trong những kích thích bên ngoài (cơ sở hay tổ hợp), a, b, c … hay l, m, n…. hay r, s, t… vào các nhóm xác định, sao cho khi tiếp xúc với bất kỳ một phần tử nào của một nhóm kích thích chúng ta cũng sẽ phản ứng lại bằng bất kỳ một trong những phản ứng của nhóm phản ứng tương ứng trong các nhóm α, β, γ… hay ν, ξ, ο… hay φ, χ, ψ… Giả thiết này có hai ngụ ý: thứ nhất, chúng ta không chỉ đơn thuần tỏ tường về hệ thống này như là cách thức mà tâm trí của chính chúng ta vận hành, mà chúng ta còn biết một cách tường minh tất cả các mối quan hệ xác định hệ thống đó; và thứ hai, chúng ta cũng biết cơ chế thực sự ảnh hưởng đến quá trình phân loại. Sau đó, chúng ta có thể xây dựng mối tương quan chặt chẽ giữa các thực thể tâm trí với các nhóm các dữ kiện vật lý xác định. Do vậy, chúng ta đã “thống nhất” được khoa học, nhưng có lẽ chúng ta vẫn sẽ không có được một vị thế tốt hơn để giải quyết nhiệm vụ cụ thể của lĩnh vực khoa học xã hội so với cái vị thế hiện có của chúng ta. Chúng ta sẽ vẫn phải tiếp tục sử dụng các phạm trù cũ, dẫu rằng chúng ta có khả năng giải thích sự hình thành chúng và dẫu rằng chúng ta biết các dữ kiện vật lý “đằng sau” chúng. Mặc dù chúng ta biết là một sự bố trí các dữ kiện tự nhiên khác đi sẽ phù hợp hơn cho việc giải thích các sự kiện ngoại cảnh, nhưng trong việc lý giải các hành động con người thì chúng ta vẫn phải sử dụng cách phân loại theo đó các dữ kiện này thực sự xuất hiện trong tâm trí của những người hành động. Vì thế, khác hẳn với thực tế là chúng ta có lẽ nên tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi cho tới khi nào chúng ta có khả năng thay thế các dữ kiện vật lý cho các thực thể tâm trí, thì, ngay cả nếu như điều này thành công, chúng ta cũng vẫn không có được một công cụ tốt hơn để giải quyết vấn đề mà chúng ta theo đuổi trong nhóm các ngành khoa học xã hội.
Do vậy ý tưởng, vốn được ngụ ý trong hệ thống phân cấp khoa học của Comte6 cũng như trong nhiều lập luận khác nữa, rằng lĩnh vực khoa học xã hội ở một mức độ nhất định nhất thiết phải dựa trên lĩnh vực khoa học vật lý, rằng chúng chỉ có thể hy vọng có được thành công sau khi có sự thành công của lĩnh vực khoa học vật lý – cái lĩnh vực cho phép chúng ta xem xét các hiện tượng xã hội dưới các góc độ vật lý, bằng “ngôn ngữ vật lý” – là thứ ý tưởng hoàn toàn sai lầm. Việc giải thích các quá trình tâm trí bằng các công cụ vật lý hoàn toàn xa lạ với nhóm các ngành khoa học xã hội, và đấy là vấn đề của khoa tâm sinh lý (physiological psychology). Dù vấn đề này có thể giải quyết được hay không, thì đối với lĩnh vực khoa học xã hội, các thực thể tâm trí nhất thiết cần phải được xem là điểm khởi đầu, bất kể sự hình thành chúng có được giải thích ngọn ngành hay không.
Ở đây chúng ta không thể xem xét mọi biểu hiện đặc trưng của “khách quan luận” trong cách tiếp cận duy khoa học, thứ luận thuyết đã tự rơi vào ngõ cụt và đã gây ra sai lầm trong lĩnh vực khoa học xã hội. Trong phần khảo cứu lịch sử ở phần sau, chúng ta sẽ phát hiện thấy nhiều hình thức khác nhau của khuynh hướng này trong nỗ lực tìm hiểu các tính chất “thật” của các đối tượng thuộc về hoạt động con người, vốn bị các quan niệm này khác về chúng che lấp. Ở đây chúng tôi chỉ trình bày một khảo cứu sơ lược.
Một khuynh hướng chung trong nghiên cứu các hiện tượng xã hội, song song với các trào lưu dựa trên hành vi luận và các chủ thuyết tương tự, là việc gạt bỏ mọi hiện tượng “thuần túy” định tính và tập trung vào các khía cạnh định lượng, vào những thứ có thể đo đếm được, theo kiểu của lĩnh vực khoa học tự nhiên. Ở phần trước7, chúng ta đã trình bày vì sao xu hướng này trong nhóm các ngành khoa học tự nhiên lại là một kết cục tất yếu xuất phát từ một nhu cầu cụ thể của lĩnh vực này: đó là nhu cầu thay thế bức tranh về thế giới quan sử dụng các giác chất bằng bức tranh hình thành từ các đơn vị được tách biệt bởi các mối quan hệ tường minh. Thành công của phương pháp này trong lĩnh vực khoa học tự nhiên đã khiến nó có xu hướng được xem như là chuẩn mực của mọi quy trình nghiên cứu khoa học đúng đắn. Nhưng raison d’être (lý do tồn tại) của khuynh hướng này, tức nhu cầu thay thế việc phân loại các sự kiện mà các giác quan cũng như tâm trí của chúng ta đưa ra bằng một cách phân loại khác phù hợp hơn, sẽ không có chỗ đứng ở nơi chúng ta cố gắng khám phá hoạt động của con người, và ở nơi mà sự nhận thức này có thể tiến hành nhờ một thực tế là chúng ta cũng có một tâm trí giống như của những người khác, và từ các phạm trù tâm trí mà chúng ta cũng có như của những người khác kia chúng ta có thể tái dựng lại các hiện tượng phức của xã hội mà chúng ta quan tâm. Nỗ lực bắt chước mù quáng phương pháp định lượng8 vào một lĩnh vực, nơi không tồn tại các điều kiện xác định vốn được xem như là những thứ hết sức quan trọng để áp dụng nó trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, là hậu quả của một định kiến hoàn toàn vô căn cứ. Đây có lẽ là những lầm lạc tồi tệ nhất mà chủ nghĩa duy khoa học gây ra cho lĩnh vực khoa học xã hội. Nó khiến các nhà khoa học xã hội thường chỉ chọn nghiên cứu các khía cạnh hầu như chẳng có liên quan gì đến các hiện tượng xã hội do đòi hỏi chúng phải có thể định lượng. Hơn thế, nó còn sản sinh ra những “đại lượng” (measurements) và những trị số hoàn toàn vô nghĩa. Điều mà một triết gia danh tiếng phát biểu trong lĩnh vực tâm lý học cũng hoàn toàn đúng trong toàn bộ nhóm các ngành khoa học xã hội là: không có gì vô bổ hơn việc “tiến hành đo đạc một cái gì đó mà chẳng cần đếm xỉa gì đến cái mà chúng ta đang đo đạc là gì, hay điều mà chúng ta đo được có ý nghĩa gì. Theo nghĩa này, một số các đại lượng gần đây thuộc cùng nhóm logic theo kiểu mà Plato xác định, rằng một người cầm quyền công bằng mang lại hạnh phúc bằng 729 lần so với người cầm quyền thiếu công bằng”9.
Quan hệ mật thiết với khuynh hướng vốn xem xét các đối tượng của hoạt động con người dựa trên các đặc tính “thật” của chúng thay vì các biểu hiện mà chúng thể hiện ra đối với người đang hành động là khuynh hướng coi người nghiên cứu xã hội là người sở hữu một loại trí tuệ siêu đẳng, được trang bị loại tri thức tuyệt đối, khiến cho anh ta không cần thiết phải bắt đầu nghiên cứu của mình từ những thứ mà những người trong cuộc – những người có các hành động mà anh ta đang quan tâm nghiên cứu – biết đến. Các hình thức đặc trưng của khuynh hướng này là các biến thể khác nhau của ngành “năng lượng học” về xã hội (social “energetic”), được khởi xướng từ Ernest Solvay, Wilhelm Ostwald và F. Soddy và kéo dài tới tận ngày nay10; chúng liên tục được các các nhà khoa học và các kỹ sư trưng đi trưng lại khi họ chuyển sang nghiên cứu các vấn đề về tổ chức xã hội. Ý tưởng chủ đạo của các lý thuyết này là, do khoa học được giả định là phải chỉ ra rằng mọi thứ có thể tối giản về các lượng năng lượng khác nhau, nên con người sẽ coi mọi thứ trong các kế hoạch của mình không phải theo tính hữu dụng trực quan mà chúng mang lại cho các mục đích có thể đạt được theo cách thức sử dụng mà anh ta biết đến, mà là theo các đơn vị năng lượng trừu tượng có khả năng hoán đổi, “thực sự” tương đương với những thứ đó.
Một ví dụ khác, không kém phần thô thiển và thậm chí lại còn phổ biến hơn, của khuynh hướng này, là khái niệm về các khả năng sản xuất “khách quan”, về lượng sản lượng xã hội, những thứ có thể tạo dựng được từ các dữ kiện vật lý, một ý tưởng mà thường thấy trong các ước tính định lượng về “năng lực sản xuất” giả định của xã hội, với xã hội là một tổng thể. Những ước tính này thường đề cập, không phải tới cái mà con người có thể sản xuất được nhờ bất kỳ phương thức tổ chức đã biết nào, mà là tới cái, theo một cái nghĩa khách quan không xác định nào đó, “có thể” được sản xuất từ các nguồn lực sẵn có. Hầu hết các khái niệm này không chứa đựng bất kỳ một nội dung xác tín nào. Chúng không mang nghĩa là x hay y hay bất kỳ một cách thức tổ chức con người cụ thể nào có thể đạt được những thứ đó. Điều mà chúng muốn truyền tải là nếu như tất cả tri thức được phân tán cho nhiều người có thể sở hữu bởi một bộ óc đơn nhất, và nếu như bộ óc siêu đẳng này có thể khiến cho mọi người hành động ở bất kỳ thời điểm nào theo hướng mà hắn mong muốn, thì sẽ có thể đạt được những kết quả nhất định; nhưng tất nhiên có thể chẳng ai biết đến những kết quả này trừ bộ óc siêu việt kia. Chúng ta hầu như chẳng cần phải chỉ ra là một nhận định về một “khả năng” dưới các điều kiện như thế lại tồn tại trong thực tế. Không có cái gọi là khả năng sản xuất của xã hội dưới dạng trừu tượng – tách rời khỏi các dạng thức tổ chức xã hội cụ thể. Chỉ có một dữ kiện mà chúng ta có thể coi là có sẵn, đó là có những con người cụ thể sở hữu những lượng tri thức trực quan nhất định về cách thức sử dụng những thứ cụ thể để đạt được các mục đích cụ thể. Thứ tri thức này chưa khi nào tồn tại dưới dạng một tổng thể hợp nhất hay trong một bộ óc đơn lẻ, và loại kiến thức duy nhất mà chúng ta có thể nói rằng tồn tại theo bất kỳ nghĩa nào là những quan điểm riêng rẽ, thường không nhất quán, và thậm chí đối nghịch nhau, do những người khác nhau sở hữu.
Những nhận định thường xuyên được đưa ra về các nhu cầu khách quan của một cộng đồng nào đó mang cùng bản chất; ở đây nhu cầu khách quan đơn thuần chỉ là một cái tên mà một ai đó gán cho cái mà cộng đồng buộc phải mong muốn. Chúng ta sẽ gặp lại các biến tướng của luận thuyết khách quan này ở chương cuối của phần này khi xem xét chủ nghĩa duy khoa học cận cảnh hơn về các ảnh hưởng của nhãn quan tiêu biểu của tầng lớp kỹ sư, các quan niệm về “tính hiệu quả” của họ trở thành một trong những nhân tố có sức mạnh nhất khiến cho luận thuyết khách quan này tác động đến các quan niệm hiện tại về các vấn đề xã hội.
Chú thích:
(1) Xem phần trước tại cuốn sách này, trang 25 và tiếp.
(2) Sự lảng tránh khó khăn này bằng việc liệt kê chi tiết một số trong số các thuộc tính vật lý dùng để nhận ra đối tượng thuộc về một trong các phạm trù tâm trí này chỉ là những nỗ lực gây thêm nghi vấn. Việc sử dụng các triệu chứng vật lý nhất định để mô tả sự cáu giận của một con người chẳng giúp được gì mấy cho chúng ta trừ khi chúng ta có thể liệt kê tỉ mỉ tất cả các triệu chứng giúp chúng ta nhận biết được, và luôn hàm ý khi chúng xuất hiện, rằng người mang triệu chứng đó đúng là tức giận. Chỉ khi chúng ta có thể làm được như thế thì mới đủ hợp lệ để nói rằng khi chúng ta sử dụng thuật ngữ này chúng ta không hàm ý gì khác ngoài các hiện tượng vật lý nhất định kia.
(3) Đây cũng phải được coi như là một biện minh cho những khái niệm khá thiếu chuẩn xác mà chúng ta dùng ở mọi nơi, trong những kể lể minh họa cho các thực thể tâm trí, vốn thường gắn chặt vào nhau đến mức không thể tách rời, chẳng hạn các khái niệm: cảm giác, nhận biết, các khái niệm và các ý tưởng. Các loại thực thể tâm trí này đều mang đặc điểm chung: chúng là [kết quả của] các phân loại các kích thích bên ngoài nào đó (possible external stimuli) (hay các tổ hợp của các kích thích như thế). Nhận định này có lẽ giờ đây không còn quá xa lạ so với năm mươi năm trước đây, bởi lẽ trong các cấu hình (hay các chất liệu Gestalt) chúng ta đã làm quen với một cái gì đó nằm giữa các giác chất “cơ sở” đã có và các khái niệm. Tuy vậy, cần phải nói thêm là, trong quan điểm này, dường như không có biện minh nào cho các kết luận bản thể thiếu chặt chẽ được rất nhiều thành viên của trường phái Gestalt rút ra từ các quan sát thú vị của họ; không có lý do gì để giả thiết rằng “các tổng thể” mà chúng ta nhận biết được lại là các tính chất của thế giới bên ngoài chứ không phải đơn thuần là các cách thức mà tâm trí của chúng ta phân loại các tổ hợp các kích thích; giống như các trừu tượng hóa khác, những mối quan hệ giữa các bộ phận vốn được tách riêng rẽ có thể có ý nghĩa hoặc chẳng có ý nghĩa gì cả.
Có lẽ cũng cần phải nói thêm ở đây là: không có lý do gì để coi các giá trị như là các phạm trù tâm trí thuần tuý duy nhất, những thứ mà vì thế không có mặt trong bức tranh của chúng ta về thế giới vật lý. Mặc dù các giá trị nhất thiết phải chiếm một vị trí trung tâm ở bất kỳ nơi nào mà chúng ta quan tâm tới hành động hướng đích, chúng tất nhiên không chỉ là loại phạm trù tâm trí thuần tuý duy nhất mà chúng ta phải dùng để diễn giải các hoạt động con người: sự phân biệt giữa chân và giả, mà rất có ý nghĩa ở đây, ít nhất cung cấp một minh chứng khác về một loại thuộc các phạm trù tâm trí thuần tuý như thế. Về luận điểm liên quan đến vấn đề rằng các cân nhắc giá trị không nhất thiết phải là yếu tố định hướng chúng ta trong việc lựa chọn các khía cạnh của đời sống xã hội để nghiên cứu, xin xem chú thích 7, chương 7, dưới đây.
(4) Như chúng ta đã biết, điều này tất nhiên không hàm ý là sự phân loại sẽ chỉ luôn xếp các phần tử có các tính chất chung thành các thành viên của cùng một nhóm.
(5) Xem các trang 73-74 tại cuốn sách này.
(6) Xem bình luận của Carl Menger về vấn đề này, trong trích đoạn ở chú thích 3, chương 4, tại cuốn sách này.
(7) Xem tại cuốn sách này, các trang 32-33.
(8) Có lẽ cần phải nhấn mạnh rằng không nhất thiết phải tồn tại mối quan hệ giữa việc sử dụng toán học trong các ngành khoa học xã hội với các nỗ lực đo lường các hiện tượng xã hội – như những người vốn chỉ có trình độ toán học sơ cấp thường tin vào. Toán học có thể – và có lẽ đúng thế trong kinh tế học – là công cụ hoàn toàn không thể tách rời để mô tả các thể loại nhất định các mối quan hệ có cấu trúc phức tạp, dù rằng có thể chúng ta không có cơ hội để biết được các trị số của các tham số (magnitudes) cụ thể (được gọi bằng một cái tên gây nhầm lẫn là “hằng số”) có mặt trong các công thức mô tả các cấu trúc đó.
(9) M. R. Cohen, Reason and Nature, p. 305.
(10) Cf., L. Hogben (trong Lancelot Hogben’s Dangerous Thoughts [1939], p. 99): “Lượng năng lượng tự do vượt quá lượng calo chung mà nỗ lực con người cần để đảm bảo cho các nhu cầu chung của tất cả mọi người là một sự phí phạm”.
Nguồn: Friedrich A. Hayek, Cuộc cách mạng ngược trong khoa học: Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý tính, NXB Tri Thức, 2007