[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương II: Những lý thuyết không thuyết phục (Phần 4)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương II: Những lý thuyết không thuyết phục (Phần 4)

GIẢ THUYẾT VÔ MINH

Lý thuyết phổ biến cuối cùng giải thích tại sao một số nước thì nghèo trong khi một số khác lại giàu là giả thuyết vô minh, khẳng định rằng sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới tồn tại bởi vì bản thân chúng ta hoặc các nhà lãnh đạo của chúng ta không biết cách làm thế nào để biến một nước nghèo trở nên giàu có. Ý tưởng này được chấp nhận bởi hầu hết các nhà kinh tế học tin vào định nghĩa nổi tiếng của nhà kinh tế học người Anh Lionel Robbins vào năm 1935, rằng “kinh tế học là một khoa học nghiên cứu hành vi của con người như một mối quan hệ giữa các mục tiêu và phương tiện khan hiếm có công dụng thay thế nhau”.

Bước thêm một bước nhỏ từ định nghĩa này sẽ dẫn tới kết luận rằng khoa học kinh tế nên tập trung vào việc sử dụng tốt nhất các phương tiện khan hiếm để thỏa mãn các mục tiêu của xã hội. Thật vậy, kết quả lý thuyết nổi tiếng nhất trong kinh tế học - Định lý thứ nhất của kinh tế học phúc lợi - chỉ ra các điều kiện để sự phân bổ các nguồn lực trong một “nền kinh tế thị trường” đem lại kết quả mong đợi cho xã hội từ quan điểm kinh tế. “Kinh tế thị trường” là một thuật ngữ trừu tượng, hàm ý tình trạng trong đó tất cả các cá nhân và công ty có thể tự do sản xuất, mua và bán bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ muốn. Khi những điều kiện này không hội đủ thì xuất hiện “thất bại thị trường”. Những thất bại thị trường này là cơ sở cho lý thuyết về sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới, bởi vì khi càng nhiều thất bại thị trường không được giải quyết thì quốc gia sẽ càng nghèo. Giả thuyết vô minh cho rằng các nước nghèo vốn dĩ nghèo bởi vì họ có rất nhiều thất bại thị trường và bởi vì các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách không biết làm thế nào để giải quyết chúng và đã bị vướng vào những lời khuyên sai lầm trong quá khứ. Các nước giàu sở dĩ giàu vì họ đã tìm ra chính sách tốt hơn thành công trong việc giải quyết các thất bại thị trường này.

Liệu giả thuyết vô minh có thể giải thích sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới? Liệu có phải các nước châu Phi nghèo hơn so với phần còn lại của thế giới bởi vì các nhà lãnh đạo có xu hướng lặp lại cùng một quan điểm sai lầm về cách thức điều hành quốc gia của họ, và do vậy dẫn đến nghèo đói, trong khi các nhà lãnh đạo Tây Âu có thông tin hay lời khuyên tốt hơn, nhờ đó thành công hơn? Mặc dù có những ví dụ nổi tiếng về việc các nhà lãnh đạo áp dụng các chính sách tai hại bởi vì họ không biết hậu quả của chúng, sự vô minh chỉ có thể giải thích một phần nhỏ cho sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới.

Trên bề mặt, sự suy giảm kinh tế triền miên ở Ghana xảy ra ngay sau khi giành lại độc lập từ nước Anh là do sự thiếu hiểu biết. Nhà kinh tế học người Anh Tony Killick, vào thời điểm đó làm cố vấn cho chính phủ của Kwame Nkrumah, ghi lại nhiều vấn đề một cách rất chi tiết. Chính sách của Nkrumah tập trung vào phát triển công nghiệp nhà nước hóa ra rất kém hiệu quả. Killick nhớ lại:

Nhà máy sản xuất giày dép… kết nối nhà máy sản xuất thịt ở miền bắc với một xưởng thuộc da (hiện không còn nữa) ở miền nam cách xa hơn 500 dặm bằng cách vận chuyển da sống từ nhà máy thịt đến xưởng thuộc da; da sau khi thuộc xong được chuyển ngược lại nhà máy sản xuất giày dép tại Kumasi, trung tâm của đất nước và cách nhà máy thuộc da khoảng 200 dặm về phía bắc. Vì thị trường giày chủ yếu nằm ở khu vực thủ đô Accra, nên những đôi giày sau đó sẽ phải được vận chuyển thêm 200 dặm nữa để trở lại miền nam.

Ở chừng mực nào đó, Killick đã nhận xét sai khi viết rằng “vị trí bất lợi đã làm xói mòn khả năng đứng vững của nhà máy”. Nhà máy sản xuất giày dép này chỉ là một trong nhiều dự án như vậy, bên cạnh đó còn có nhà máy xoài đóng hộp tọa lạc ở nơi không trồng xoài, và có công suất dự kiến lớn hơn toàn bộ nhu cầu của thế giới cộng lại. Dòng bất tận các chương trình phát triển kinh tế phi lý không phải do Nkrumah hay các quân sư của ông thiếu thông tin hay không hiểu biết về các chính sách kinh tế phù hợp. Họ đã có những người như Killick và thậm chí cả người từng đoạt giải Nobel như Ngài Arthur Lewis, những người biết rõ rằng các chính sách là không tốt. Động cơ nằm đằng sau những chính sách kinh tế của Nkrumah chính là việc Nkrumah cần sử dụng những chính sách này để mua sự ủng hộ chính trị và duy trì chế độ phi dân chủ của mình.

Kết quả đáng thất vọng của Ghana sau khi độc lập cũng như vô số các trường hợp quản lý kinh tế yếu kém mười mươi không thể đơn giản chỉ do sự thiếu hiểu biết. Suy đến cùng, nếu sự thiếu hiểu biết là vấn đề, thì những nhà lãnh đạo có thiện chí cũng sẽ nhanh chóng tìm ra những chính sách giúp tăng thu nhập và phúc lợi cho công dân của họ, và sẽ chuyển hướng sang các chính sách đó.

Hãy xem xét sự phân hóa của Hoa Kỳ và Mexico. Việc đổ lỗi sự cách biệt này cho sự thiếu hiểu biết của các nhà lãnh đạo là rất vô lý. Không phải sự khác biệt trong kiến thức hay ý định của John Smith và Cortés đã là mầm mống cho sự phân hóa trong thời kỳ thuộc địa, và cũng không phải là sự khác biệt về kiến thức giữa tổng thống Mỹ sau này, chẳng hạn như giữa Teddy Roosevelt hay Woodrow Wilson với Porfirio Díaz đã khiến Mexico lựa chọn các thể chế kinh tế giúp giới quyền thế làm giàu trên lưng phần còn lại của xã hội vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, trong khi Roosevelt và Wilson đã làm điều ngược lại. Thay vào đó, sự khác biệt nằm ngay trong những giới hạn thể chế mà tổng thống và giới quyền thế phải chịu. Tương tự như vậy, các nhà lãnh đạo của các quốc gia châu Phi bị suy yếu trong nửa thế kỷ trước trong điều kiện quyền tài sản và thể chế kinh tế bấp bênh, đã bần cùng hóa phần lớn dân số của mình, đã để tất cả những điều này xảy ra không phải vì họ nghĩ rằng chúng là những chính sách kinh tế tốt. Họ đã làm thế bởi vì họ có thể dễ dàng phủi tay và làm giàu cho chính bản thân mình trên lưng của những kẻ khác, hoặc bởi vì họ nghĩ rằng đây là những kế sách chính trị tốt, giúp họ giữ được quyền lực bằng cách mua sự ủng hộ của các nhóm hoặc tầng lớp quyền thế.

Kinh nghiệm của thủ tướng Ghana, Kofi Busia, vào năm 1971 là một ví dụ minh họa cho mức độ lệch lạc của giả thuyết vô minh. Vào thời điểm đó, Busia đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nguy hiểm. Sau khi lên nắm quyền vào năm 1969, giống như người tiền nhiệm Nkrumah, Busia theo đuổi các chính sách kinh tế mở rộng không bền vững và duy trì nhiều biện pháp kiểm soát giá thông qua một ủy ban tiếp thị và bằng cách định giá đồng tiền quá cao. Mặc dù Busia là đối thủ của Nkrumah và lãnh đạo một chính quyền dân chủ, nhưng ông vẫn phải đối mặt với nhiều ràng buộc chính trị như dưới thời Nkrumah. Tương tự như Nkrumah, chính sách kinh tế của Busia được thực hiện không phải vì ông “dốt nát” hay “vô minh”, hay ông tin rằng chúng là những chính sách kinh tế tốt và là phương cách lý tưởng để phát triển đất nước. Các chính sách này đã được lựa chọn bởi vì chúng là những kế sách chính trị tốt, cho phép Busia chuyển giao nguồn lực cho các nhóm có thế lực về mặt chính trị, chẳng hạn như ở thành thị, nơi sự hài lòng cần được bảo đảm. Việc kiểm soát giá đã vắt kiệt sức nông nghiệp nhằm cung cấp thực phẩm giá rẻ cho các cử tri đô thị và tạo ra doanh thu để tài trợ cho chi tiêu của chính phủ. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát này không bền vững. Ghana đã sớm rơi vào một loạt khủng hoảng cán cân thanh toán và khan hiếm ngoại hối. Đối mặt với những tình thế tiến thoái lưỡng nan này, ngày 27/12/1971, Busia đã ký một thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) qua đó chấp nhận phá giá mạnh đồng nội tệ.

IMF, Ngân hàng Thế giới và toàn thể cộng đồng quốc tế gây áp lực buộc Busia thực hiện những cải cách trong bản thỏa thuận. Trong khi các tổ chức quốc tế hồn nhiên không biết, Busia hiểu rất rõ rằng ông đang chơi một canh bạc chính trị khổng lồ. Hậu quả ngay lập tức của việc phá giá đồng tiền là bạo loạn và bất mãn dâng cao ở thủ đô Accra đến mức không thể kiểm soát, cho đến khi Busia bị quân đội do Trung tá Acheampong lật đổ, và ngay sau đó chính sách phá giá đồng tiền được đảo ngược.

Giả thuyết vô minh khác với giả thuyết địa lý và giả thuyết văn hóa ở chỗ giả thuyết này đi kèm với một giải pháp dễ dàng để “giải quyết” các vấn đề đói nghèo: nếu sự vô minh và thiếu hiểu biết đưa chúng ta đến nông nỗi này thì những bậc cai trị và hoạch định chính sách minh triết và giàu thông tin sẽ có thể giải thoát cho chúng ta, và chúng ta sẽ phải có khả năng “thiết kế” sự thịnh vượng trên toàn thế giới bằng cách đưa ra những lời khuyên đúng và bằng cách thuyết phục các chính trị gia áp dụng các chính sách kinh tế tốt. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Busia nhấn mạnh một thực tế là trở ngại chính cho việc thông qua các chính sách giảm bớt thất bại thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không phải là sự thiếu hiểu biết của các chính trị gia mà là những khuyến khích và ràng buộc mà họ phải đối mặt từ các thể chế chính trị và kinh tế trong xã hội của họ.

Mặc dù giả thuyết vô minh vẫn chiếm vị trí tối cao trong đầu của hầu hết các nhà kinh tế học và trong giới hoạch định chính sách phương Tây - những người mà ưu tiên lớn nhất là tập trung vào việc làm thế nào để thiết kế sự thịnh vượng - nhưng nó vẫn chỉ là một giả thuyết vô dụng. Nó không giúp giải thích cả nguồn gốc của sự thịnh vượng trên thế giới lẫn tình trạng cách biệt giàu nghèo xung quanh chúng ta, chẳng hạn như tại sao một số quốc gia như Mexico và Peru, chứ không phải là Mỹ hoặc Anh, chọn các thể chế và chính sách làm bần cùng hóa phần lớn công dân của họ, hay tại sao hầu như tất cả các vùng hạ Sahara ở châu Phi và Trung Mỹ nghèo hơn so với Tây Âu và Đông Á.

Khi các quốc gia thoát ra khỏi mô thức thể chế khiến họ rơi vào nghèo đói để chuyển sang con đường đưa đến tăng trưởng kinh tế, không phải là vì các nhà lãnh đạo thiếu hiểu biết của họ đột nhiên có đầy đủ thông tin hơn, ít tư lợi hơn, hay nhận được lời khuyên từ các nhà kinh tế giỏi hơn. Trung Quốc là ví dụ về một quốc gia chuyển từ chính sách kinh tế gây ra nghèo khổ và chết đói cho hàng triệu người sang những sách khuyến khích tăng trưởng kinh tế. Nhưng như chúng ta sẽ thảo luận chi tiết hơn ở phần sau, điều này xảy ra không phải vì Đảng Cộng sản Trung Quốc cuối cùng đã hiểu ra rằng quyền sở hữu tập thể đối với đất nông nghiệp và trong ngành công nghiệp đã tạo ra những động cơ kinh tế tệ hại. Mà là vì Đặng Tiểu Bình và các đồng minh của ông, những người tuy không ít tư lợi hơn các đối thủ của họ nhưng lại có các lợi ích và mục tiêu chính trị khác, đã đánh bại các đối thủ hùng mạnh trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc và đã đạo diễn một kiểu cách mạng chính trị làm thay đổi một cách cơ bản sự lãnh đạo và định hướng của đảng. Những cải cách kinh tế của họ đã tạo ra khuyến khích thị trường trong nông nghiệp và sau đó trong công nghiệp, là bước kế tiếp của cuộc cách mạng chính trị này. Chính chính trị, chứ không phải tư vấn chính sách tốt hơn hay hiểu biết cách thức thị trường vận hành tốt hơn, đã quyết định việc chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang khuyến khích thị trường ở Trung Quốc.

CHÚNG TÔI SẼ LẬP LUẬN RẰNG để hiểu sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới, chúng ta phải hiểu lý do tại sao một số xã hội được tổ chức theo những cách rất không hiệu quả và không như mong muốn. Các quốc gia đôi khi xoay sở thành công để có được các thể chế hiệu quả và đạt được sự thịnh vượng, nhưng than ôi, đó là những trường hợp hy hữu. Hầu hết các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách đã tập trung vào việc “ra chính sách đúng”, trong khi điều thực sự cần thiết là một lời giải thích tại sao các quốc gia nghèo đã “ra chính sách sai”. Chính sách sai chủ yếu không phải do văn hóa hay thiếu hiểu biết. Như chúng tôi sẽ chứng minh, các nước nghèo sở dĩ nghèo là vì những người nắm quyền lựa chọn tạo ra đói nghèo. Họ ra chính sách sai không phải do nhầm lẫn hoặc thiếu hiểu biết mà hoàn toàn có chủ đích.

Để hiểu điều này, bạn phải vượt lên trên kinh tế học và tư vấn của các chuyên gia về điều tốt nhất cần làm, và thay vào đó, nghiên cứu cách thức ra quyết định trên thực tế như thế nào, ai là người làm chính sách, và tại sao những người này lại quyết định làm những thứ họ đang làm. Đây là nghiên cứu về chính trị và các quá trình chính trị. Theo truyền thống, các nhà kinh tế đã bỏ qua chính trị, nhưng hiểu biết chính trị là điều kiện thiết yếu để giải thích sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới. Như nhà kinh tế Abba Lerner đã lưu ý trong thập niên 1970: “Kinh tế học đã đạt được danh hiệu Nữ hoàng của các khoa học xã hội bằng cách chỉ lựa chọn các vấn đề chính trị đã được giải quyết làm phạm vi nghiên cứu của nó”.

Chúng tôi sẽ lập luận rằng sự thịnh vượng phụ thuộc vào việc giải quyết một số vấn đề chính trị cơ bản. Chính vì kinh tế học giả định rằng các vấn đề chính trị đã được giải quyết nên nó không thể đưa ra được một lời giải thích thuyết phục cho sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới. Tất nhiên để giải thích sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới chúng ta vẫn cần đến kinh tế học để thấu hiểu cách thức các loại hình chính sách và tổ chức xã hội khác nhau ảnh hưởng đến khuyến khích và hành vi kinh tế như thế nào. Nhưng sự giải thích này cũng cần đến chính trị.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh