[Luật pháp] - Phần cuối
Lời bạt (Sheldon Richman)
"Nhà nước là câu chuyện tuyệt vời mà ở đó mỗi người đều tìm cách sống bằng chi phí do tất cả những người khác trả" (Frederic Bastiat)
Frederic Bastiat có địa vị đặc biệt trong trái tim và khối óc của những người bạn của tự do. Không có bí mật gì ở đây hết. Bastiat hấp dẫn trước hết là do tính chính trực và tao nhã của thông điệp của ông. Văn phong của ông thể hiện sự trong sáng và niềm say mê được trình bày một cách chặt chẽ, hiếm có trong thế giới hiện đại. Ông luôn viết để cho người ta hiểu, để thuyết phục người đọc chứ không phải để gây ấn tượng hay làm người ta bối rối.
Thông qua câu chuyện ngụ ngôn, Bastiat đã khéo léo đánh tan những quan niệm sai lầm về kinh tế học của những người Pháp sống cùng thời với ông. Hiện nay, ở nước Mĩ hiện đại, các nhà trí thức cũng như các chính trị gia vẫn tiếp tục nói với chúng ta rằng, để hàng hóa do nước ngoài sản xuất tự do xâm nhập sẽ làm chúng ta nghèo đi hay những vụ động đất và những cơn cuồng phong gây nhiều thiệt hại tạo ra thịnh vượng vì chúng tạo ra nhu cầu tái thiết, thì chúng ta mới nhận ra kết cục của một nền văn hóa không biết đến Frederic Bastiat.
Nhưng nếu nghĩ Bastiat chỉ là một nhà kinh tế học là đánh giá còn thiếu sót. Bastiat là triết gia luật pháp hàng đầu. Chính tác phẩm Luật Pháp đã đưa đến cho ông vị trí, vai trò như thế. Trước tác trong giai đoạn nước Pháp đang bị những lời hứa sai lầm của chủ nghĩa xã hội quyến rũ, Bastiat quan tâm tới luật pháp theo nghĩa cổ điển của từ này, ông dùng lí trí để tìm cho ra những nguyên lí tổ chức xã hội phù hợp nhất với con người.
Ông bắt đầu bằng cách công nhận rằng, các cá nhân phải hành động nhằm duy trì đời sống của mình. Họ làm thế bằng cách áp dụng các năng lực của mình vào thế giới tự nhiên và biến những thành phần của thế giới tự nhiên thành các sản phẩm có ích. “Đời sống, năng lực, sản xuất - nói cách khác, cá tính, tự do, tài sản - chính là con người”, Bastiat viết. Và vì là cốt lõi của bản chất của con người cho nên chúng “có trước và đứng trên luật lệ do con người đặt ra”. Rất ít người hiểu được điểm này. Chủ nghĩa thực chứng trong lĩnh vực luật pháp, tức là khái niệm cho rằng không có đúng và sai trước khi luật pháp được ban hành đã có tác động tiêu cực ngay cả đối với một số người ủng hộ tự do cá nhân (ví dụ như các hậu duệ theo trường phái công lợi của Bentham). Nhưng, Bastiat nhắc nhở chúng ta: “Cuộc sống, quyền tự do và tài sản tồn tại trên đời không phải vì con người đã làm ra luật pháp. Ngược lại, cuộc sống, quyền tự do và tài sản đã có từ trước, và điều đó buộc người ta phải coi luật pháp là tối thượng”.
Đối với Bastiat, luật pháp là phủ định. Ông đồng ý với một người bạn khi người này chỉ ra rằng sẽ là không đúng khi nói rằng luật pháp tạo ra công lí. Sự thực là, luật pháp phải ngăn chặn bất công. “Chỉ có công lí khi không còn bất công”. Điều này có thể làm cho một số độc giả khó hiểu. Nhưng nếu suy nghĩ kĩ thì sẽ thấy rằng xã hội tự do và công chính là xã hội mà ở đó không có những can thiệp bằng vũ lực nhằm chống lại các cá nhân, ở đó các cá nhân được để yên.
Mục đích của luật pháp là bảo vệ cuộc sống, quyền tự do và tài sản. Luật pháp là, Bastiat nói, “tổ chức tập thể quyền bảo vệ một cách hợp pháp các quyền của cá nhân”. Mỗi cá nhân có quyền bảo vệ cuộc sống, quyền tự do và tài sản của mình. Do đó, có thể nói một nhóm người có “quyền tập thể” tập trung các nguồn lực của mình để tự bảo vệ. “Do đó, nguyên tắc của quyền tập thể - lí do cho sự tồn tại và tính hợp pháp của nó - là dựa trên quyền của cá nhân. Và lực lượng chung nhằm bảo vệ quyền tập thể này về mặt logic không có bất kì mục đích nào khác hay bất cứ nhiệm vụ nào khác ngoài nhiệm vụ và mục đích mà nó hành động như lực lượng thay thế”. Nếu mục đích của luật pháp là bảo vệ các quyền cá nhân, thì không thể sử dụng luật pháp để làm những việc mà cá nhân không có quyền làm: “Sử dụng sai vũ lực như thế… trái với tiền đề của chúng ta”. Kết quả sẽ là luật pháp bất chính.
Xã hội dựa trên quan niệm đúng đắn về luật pháp sẽ là xã hội có trật tự và thịnh vượng. Nhưng thật không may, một số người sẽ chọn cướp bóc chứ không sản xuất nếu cái trước cần ít nỗ lực hơn cái sau. Nguy hiểm nghiêm trọng sẽ xuất hiện khi những người ban hành luật pháp (lập pháp) quay sang cướp bóc. Kết quả, Bastiat viết, là “cướp bóc hợp pháp”. Lúc đầu, chỉ có một nhóm nhỏ những người làm luật cướp bóc hợp pháp mà thôi. Nhưng điều đó có thể làm khởi động một quá trình, trong đó, các giai cấp bị cướp bóc không những không tìm cách xóa bỏ hiện tượng luật pháp bị xuyên tạc mà lại tìm cách trở thành những người ban hành luật pháp. “Trước khi vương quốc của công lí xuất hiện, dường như mỗi người đều bị báo thù một cách tàn nhẫn - một số, vì sự độc ác của họ, còn số khác thì vì sự thiếu hiểu biết của họ”.
Kết quả khi cướp bóc hợp pháp trở thành phổ biến là hỗn loạn vì luật pháp và đạo đức trở nên mâu thuẫn với nhau. “Khi luật pháp và đạo đức mâu thuẫn với nhau thì người công dân đứng trước lựa chọn khắc nghiệt: đánh mất ý thức về đạo đức hoặc không tôn trọng luật pháp nữa”. Bastiat chỉ ra rằng đối với nhiều người, cái gì phù hợp với luật pháp thì cũng là chính danh. Vì vậy mà họ bị lẫn lộn. Và xung đột.
Khi thừa nhận rằng có thể lái luật pháp ra khỏi mục đích thật sự của nó - nghĩa là có thể xâm phạm quyền sở hữu tài sản chứ không bảo vệ nó - thì tất cả mọi người đều sẽ muốn tham gia vào quá trình ban hành luật pháp, nhằm, hoặc bảo vệ mình trước nạn cướp bóc hoặc dùng luật pháp để cướp bóc. Những câu hỏi mang tính chính trị bao giờ cũng có thể gây tổn hại lại giữ thế thượng phong và bao trùm lên tất cả.. Sẽ có những vụ đấu tranh ngay trước cửa Lâu đài Lập pháp, và cuộc đấu tranh ở bên trong tòa nhà cũng sẽ không kém phần quyết liệt.
Nghe có vẻ quen?
Bastiat còn phát hiện ra một động lực nữa - ngoài ước muốn chiếm đoạt - nằm đằng sau cướp bóc hợp pháp: “lòng từ bi sai lầm”. Một lần nữa, ông đã nhận ra mâu thuẫn. Nếu hoạt động từ thiện không phải là tự nguyện thì nó phá hủy tự do và công lí. Luật pháp chẳng thể mang cho người ta cái gì mà trước đó không lấy những thứ đó từ chính chủ nhân của chúng. Ông áp dụng phân tích như thế cho tất cả các hình thức can thiệp của chính phủ, từ thuế xuất nhập khẩu tới cái gọi là giáo dục công lập.
Ngôn từ của Bastiat còn tươi mới, như thể mới được viết ngày hôm nay vậy. Ông giải thích rằng người ta có thể xác định cướp bóc hợp pháp bằng cách tìm kiếm những đạo luật cho phép lấy tài sản của người này cho người khác. Những đạo luật như thế phải bị bãi bỏ “ngay lập tức”. Nhưng ông cũng cảnh báo, “người được hưởng lợi từ bộ luật này sẽ tiếp tục phàn nàn trong khi bảo vệ những quyền mà anh ta vừa nhận được”, bảo vệ đặc quyền của anh ta. Bastiat nói thẳng: “Đừng nghe những lời nguỵ biện như thế của những nhóm lợi ích. Chấp nhận những luận cứ như thế là biến cướp bóc thành hệ thống. Trên thực tế, điều đó đã xảy ra rồi. Ảo tưởng hiện nay là có thể làm cho mỗi người đều giàu lên trong khi người khác phải trả giá”.
Thế giới quan làm cơ sở cho việc bóp méo luật pháp, Bastiat viết, là coi nhân dân là thực thể thụ động, không có động cơ của chính mình và đang chờ đợi bàn tay và kế hoạch của các nhà lập pháp thông thái. Ông trích dẫn Rousseau: “Các nhà lập pháp là thợ cơ khí, người phát minh ra máy móc”. Saint-Just: “Các nhà lập pháp lãnh đạo tương lai. Ông ta là người thể hiện lợi ích của nhân loại. Ông ta là người làm cho dân chúng trở thành những người mà ông ta muốn họ trở thành”. Và những lời nói sắc như dao cạo của Robespierre: “Chức năng của chính phủ là hướng sức mạnh vật chất và tinh thần của dân tộc đến mục tiêu mà cộng đồng phải hướng tới”.
Bastiat nhắc lại lời kết án của Adam Smith “về những con người của hệ thống”, tức là những người coi nhân dân chỉ là các con tốt đen, bị người ta di chuyển trên bàn cờ mà thôi. Để thực hiện mục tiêu của mình, các nhà lập pháp phải xóa bỏ sự đa dạng của con người, vì sự đa dạng sẽ cản trở những kế hoạch mà họ đặt ra. Sự tuân phục ép buộc (còn có cách nào khác?) là việc cần làm ngay. Bastiat trích dẫn một số người cầm bút theo xu hướng này, rồi trả lời:
Ôi, những người cầm bút, những con người cao quý! Hãy nhớ rằng đôi khi đất sét, cát, và phân bón mà quý vị nắm trong tay một cách tùy tiện lại chính là những con người! Chúng là những con người như quý vị! Chúng cũng là những con người thông minh và tự do chẳng khác gì quý vị! Cũng như quý vị, chúng cũng được Chúa ban cho năng lực để quan sát, để lập kế hoạch, suy nghĩ và tự đánh giá!
Sau khi trích dẫn một số người cầm bút sẵn sàng cống hiến sức mình nhằm cải tạo nhân dân, Bastiat không thể kìm hãm được sự phẫn nộ của mình: “Ôi, quý vị là những người khốn khổ! Quý vị nghĩ rằng mình là người vĩ đại đến mức như thế ư! Quý vị đánh giá nhân loại thấp như vậy ư! Quý vị muốn cải cách tất cả mọi thứ! Tại sao quý vị không tự cải cách chính mình? Nhiệm vụ này cũng quá đủ rồi!”
Bastiat cũng không để cho dân chủ vô hạn độ thoát khỏi tay mình. Ông đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề với sự trang nhã thường thấy của mình. Các nhà dân chủ ca ngợi trí tuệ của nhân dân. Trí tuệ bao gồm những gì? Khả năng chọn ra những nhà lập pháp toàn năng - tất cả chỉ có thế thôi. “Nhân dân, trong khi bầu cử là những người rất khôn ngoan, rất đức hạnh và rất hoàn hảo, nhưng bây giờ chẳng có bất cứ khuynh hướng gì; hoặc nếu có thì đấy là những khuynh hướng dẫn đến thoái hóa... Nếu nhân dân không có khả năng, vô đạo đức và dốt nát như các chính trị gia đã chỉ ra, thì tại sao quyền bầu cử của chính những người dân đó lại được bảo vệ với sự nhiệt tình đến như vậy?” Và “Nếu những khuynh hướng tự nhiên của nhân loại là xấu đến mức cho rằng việc để người dân được tự do là không an toàn thì làm sao mà các khuynh hướng của những người tổ chức lại luôn là tốt?”
Bastiat kết thúc tác phẩm bằng lời kêu gọi khẩn thiết cho tự do và vứt bỏ mọi đề nghị nhằm áp đặt những sắp xếp xã hội phi tự nhiên lên đầu lên cổ nhân dân. Ông cầu xin “tất cả các nhà lập pháp và những nhà cải cách nhiệt tình từ bỏ tất cả các hệ thống và nếm trải tự do”.
Trong thời gian kể từ khi Luật Pháp được xuất bản lần đầu, ít có tác phẩm nào được viết theo truyền thống tự do cổ điển có thể sánh được với độ trong sáng, sức thuyết phục và tính chất gần như thi ca của nó. Than ôi, thế giới chẳng học được mấy từ những bài học của tác phẩm Luật Pháp. Nếu còn sống chắc chắn là Bastiat sẽ buồn vì thấy nước Mĩ như hiện nay. Ông đã cảnh báo chúng ta. Ông đã chỉ ra những nguyên lí tuyệt đối cần thiết cho xã hội loài người và làm cho mọi người đều hiểu. Còn có thể đòi hỏi gì hơn từ một con người cho cuộc đấu tranh nhằm chấm dứt nạn cướp bóc của tư tưởng sùng bái nhà nước và bảo vệ tự do cá nhân?
Sheldon Richman là biên tập viên The Freeman: Ideas on Liberty
Dịch theo bản tiếng Anh The Law do Dean Russell dịch, Foundation for Economic Education, Irvington-on-Hudson, New York; tham khảo bản dịch tiếng Nga của S. A. Nikolaev.
Nguồn bản dịch: https://phamnguyentruong.blogspot.com/2017/09/luat-phap-frederic-bastiat-13.html