[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương IX: Đảo ngược sự phát triển (Phần 3)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương IX: Đảo ngược sự phát triển (Phần 3)

TẠO DỰNG NỀN KINH TẾ ĐỐI NGẪU

Mô hình nền “kinh tế đối ngẫu” hay “nền kinh tế hai khu vực” (dual economy), lần đầu tiên được Arthur Lewis đưa ra vào năm 1955, vẫn còn ảnh hưởng quan điểm của hầu hết các nhà khoa học xã hội về các vấn đề kinh tế của các quốc gia kém phát triển. Theo Lewis, nhiều nền kinh tế kém phát triển hay chậm phát triển có cấu trúc đối ngẫu, được chia thành khu vực kinh tế hiện đại và khu vực kinh tế truyền thống. Khu vực hiện đại, tức là phần phát triển hơn trong nền kinh tế, gắn liền với đời sống đô thị, công nghiệp hiện đại và sử dụng công nghệ tiên tiến. Khu vực kinh tế truyền thống gắn liền với đời sống nông thôn, nông nghiệp, với công nghệ và thể chế “lạc hậu”. Thể chế nông nghiệp lạc hậu bao gồm sở hữu đất đai theo cộng đồng, đồng nghĩa với việc thiếu quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Theo Lewis, lao động được sử dụng rất kém hiệu quả trong khu vực kinh tế truyền thống đến mức có thể phân bổ lực lượng lao động sang khu vực kinh tế hiện đại mà không hề làm sụt giảm sản lượng của khu vực kinh tế nông thôn. Đối với những thế hệ các nhà kinh tế học phát triển đi theo lý thuyết của Lewis, thì những “vấn đề về phát triển” đồng nghĩa với việc chuyển dịch con người và nguồn lực ra khỏi khu vực kinh tế truyền thống, nông nghiệp và nông thôn sang khu vực kinh tế hiện đại, công nghiệp và thành phố.

Năm 1979 Lewis nhận giải thưởng Nobel cho công trình của ông về kinh tế học phát triển.

Lewis và các nhà kinh tế học phát triển dựa vào công trình của ông đã hoàn toàn đúng khi phát hiện ra nền kinh tế đối ngẫu. Nam Phi là một trong những ví dụ rõ nhất, chia đôi thành khu vực kinh tế truyền thống, lạc hậu và nghèo và khu vực hiện đại, năng động và phát đạt. Thậm chí đến ngày nay, nền kinh tế đối ngẫu mà Lewis đã chỉ ra cho thấy vẫn còn hiện diện khắp mọi nơi ở Nam Phi. Một trong những cách ấn tượng nhất để nhận thấy hiện tượng này là lái xe xuyên biên giới giữa KwaZulu-Natal, trước đây là nước Natal, và Transkei. Đường biên giới giữa hai nước chạy dọc theo con sông Kei Vĩ đại. Phía đông của con sông nằm trong phạm vi biên giới Natal, dọc theo bờ là những tòa nhà hướng ra biển trên những bãi cát tuyệt đẹp. Bên trong nội địa là những đồn điền mía xanh mướt. Đường sá đẹp và toàn bộ khu vực toát lên sự thịnh vượng. Phía bên kia con sông dường như thuộc về một thời đại và một quốc gia hoàn toàn khác. Toàn bộ khu vực gần như hoang phế. Không thấy bóng cây xanh, chỉ thấy đất màu nâu trơ trọi và hoang vắng. Thay vì nhà hiện đại với hệ thống nước máy, nhà vệ sinh và các đồ dùng hiện đại, người dân nơi đây sống trong những nhà lều tạm bợ và nấu nướng bằng củi đốt trên mặt đất. Cuộc sống hoàn toàn mang tính truyền thống, khác xa với đời sống hiện đại ở phía đông của dòng sông. Khi chứng kiến những sự khác biệt này, bạn sẽ không ngạc nhiên khi biết chúng bắt nguồn từ những khác biệt về thể chế kinh tế giữa hai khu vực cách nhau chỉ một con sông.

Ở phía đông, Natal có quyền sở hữu tư nhân, có hệ thống luật pháp hữu hiệu, nông nghiệp thương mại và công nghiệp. Ở phía tây, Transkei có quyền sở hữu đất tập thể và mãi gần đây vẫn còn duy trì vai trò của những tù trưởng truyền thống đầy quyền lực. Nhìn qua lăng kính lý thuyết kinh tế đối ngẫu của Lewis, sự tương phản giữa Transkei và Natal minh họa cho những vấn đề phát triển của châu Phi. Thậm chí chúng ta có thể đi xa hơn nữa và nhận xét rằng về mặt lịch sử, toàn bộ lục địa châu Phi đều giống như Transkei: nghèo, với thể chế kinh tế tiền hiện đại, công nghệ lạc hậu và được cai trị bởi các tù trưởng. Theo quan điểm này thì phát triển kinh tế đơn giản chỉ là làm cách nào đó để chuyển đổi Transkei thành Natal.

Quan điểm này có nhiều điểm đúng nhưng không thấy được toàn bộ lôgic nguồn gốc xuất phát của nền kinh tế đối ngẫu và mối quan hệ của nó với nền kinh tế hiện đại. Sự lạc hậu của Transkei không đơn giản chỉ là tàn tích lịch sử của sự lạc hậu tự nhiên của châu Phi. Thực tế thì nền kinh tế đối ngẫu tồn tại giữa Transkei và Natal chỉ mới xuất hiện rất gần đây, và hoàn toàn không hề mang tính tự nhiên chút nào. Nó được tạo ra bởi tầng lớp người da trắng cai trị Nam Phi để thu được một nguồn lao động rẻ tiền phục vụ cho các cơ sở kinh doanh của họ và để giảm sự cạnh tranh từ những người châu Phi da đen. Nền kinh tế đối ngẫu là một ví dụ khác cho thấy hiện tượng kém phát triển được tạo ra, chứ không phải là sự kém phát triển tự nhiên xuất hiện và tồn tại kéo dài qua nhiều thế kỷ.

Nam Phi và Botswana, như chúng ta sẽ thấy ở một chương sau, tránh được hầu hết những ảnh hưởng tai hại của ngành buôn bán nô lệ và những cuộc chiến do nó gây ra. Những giao tiếp quan trọng đầu tiên giữa Nam Phi và người châu Âu xảy ra khi Công ty Đông Ấn Hà Lan thành lập một căn cứ ở vịnh Table, giờ là cảng Cape Town, vào năm 1652. Vào lúc bấy giờ, vùng đất phía tây của Nam Phi rất hoang vắng và ít dân cư, hầu hết những người sống ở đây là những người săn bắn hái lượm gọi là người Khoikhoi. Xa hơn về phía đông, ở vùng đất là Ciskei và Transkei ngày nay, có những cộng đồng dân cư châu Phi đông đúc chuyên sống bằng nghề nông. Ban đầu họ không giao tiếp gì nhiều với vùng thuộc địa mới của Hà Lan, và cũng không tham gia vào việc buôn bán nô lệ. Vùng ven biển Nam Phi nằm cách xa các chợ nô lệ và cư dân của Ciskei và Transkei, gọi là người Xhosa, nằm đủ sâu trong đất liền để tránh thu hút sự chú ý của bất kỳ ai. Kết quả là, những xã hội này không phải hứng chịu những cơn sóng độc hại đổ ập vào Tây và Trung Phi.

Vào thế kỷ 19, sự cô lập của hai vùng đất này bắt đầu thay đổi. Người châu Âu cảm thấy khí hậu và môi trường sức khỏe của Nam Phi có điều gì đó quyến rũ. Chẳng hạn, không giống như Tây Phi, Nam Phi có khí hậu ôn hòa và không có những chứng bệnh nhiệt đới như sốt rét và sốt vàng da, hai căn bệnh đã biến những vùng đất khác ở châu Phi thành “nơi chôn thây của người da trắng” và ngăn không cho họ lập cư hoặc thậm chí thiết lập trạm tiền đồn. Nam Phi hứa hẹn nhiều triển vọng thuận lợi hơn cho sự định cư của người châu Âu. Người châu Âu bắt đầu tiến sâu vào bên trong vùng đất nội địa châu Phi ngay sau khi người Anh tiếp quản Cape Town từ người Hà Lan trong thời gian cuộc chiến Napoleon nổ ra ở châu Âu. Điều này dẫn đến một chuỗi những cuộc chiến kéo dài với người Xhosa khi người da trắng định cư mỗi lúc càng nhiều hơn trong vùng đất nội địa và đỉnh điểm của sự xâm lấn này là vào năm 1835, khi những người người châu Âu gốc Hà Lan còn sót lại ở châu Phi, về sau được gọi là người Nam Phi gốc Âu hay người Boer, bắt đầu cuộc di dân hàng loạt của họ (được gọi là Cuộc Di cư Vĩ đại) ra khỏi vùng ven biển nằm trong sự kiểm soát của người Anh và vùng Cape Town. Những người Nam Phi gốc Âu này tiếp sau đó đã thành lập hai quốc gia độc lập trong vùng nội địa châu Phi, là Orange Free State và Transvaal.

Giai đoạn kế tiếp trong quá trình phát triển của Nam Phi xảy ra cùng với sự phát hiện những trữ lượng kim cương khổng lồ ở Kimberly vào năm 1867 và những mỏ vàng ở Johannesburg vào năm 1886. Sự giàu có về khoáng sản trong vùng đất nội địa của châu Phi ngay lập tức thuyết phục người Anh mở rộng sự kiểm soát của họ ra khắp Nam Phi. Sự chống cự của Orange Free State và Transvaal đưa đến Cuộc chiến Boer nổi tiếng trong thời kỳ 1880-1881 và 1899-1902. Sau sự thất bại bất ngờ lúc ban đầu, cuối cùng người Anh cũng sáp nhập các quốc gia của người Nam Phi gốc Âu với Cape Province và Natal, để thành lập Liên hiệp Nam Phi vào năm 1910. Ngoài xung đột vũ trang giữa người Nam Phi gốc Âu và người Anh, sự phát triển ngành khai thác khoáng sản và việc mở rộng khu định cư của người châu Âu còn có những ảnh hưởng khác đối với sự phát triển của khu vực. Đáng chú ý nhất là chúng tạo ra nhu cầu thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp khác và những cơ hội kinh tế mới cho người châu Phi bản địa cả trong lĩnh vực nông nghiệp lẫn thương mại.

Người Xhosa, ở Ciskei và Transkei, nhanh chóng đáp ứng những cơ hội kinh tế này, như nghiên cứu của sử gia Colin Bundy cho thấy. Vào năm 1832, thậm chí trước khi có sự bùng nổ khai thác khoáng sản, một nhà truyền giáo người Moravia ở Transkei đã nhận thấy sự năng động kinh tế mới trên những vùng đất này và ghi nhận rằng người châu Phi bắt đầu có nhu cầu mua những món hàng tiêu dùng mới do làn sóng người châu Âu di cư giới thiệu cho họ. Ông viết: “Để có được những món đồ này, họ… kiếm tiền bằng công sức lao động tay chân và mua quần áo, xẻng, cày, xe bò kéo và những vật dụng hữu ích khác”.

Những gì Ủy viên dân sự John Hemming mô tả về chuyến viếng thăm của ông đến Fingoland ở Ciskei vào năm 1876 cũng cung cấp cho ta nhiều thông tin rất hữu ích. Ông viết rằng ông “bất ngờ trước sự tiến bộ vượt bậc của người dân Fingo chỉ trong vòng một vài năm… Bất cứ nơi nào tôi đi cũng đều thấy những ngôi nhà gỗ lớn và cả những ngôi nhà xây bằng gạch hay đá. Trong nhiều trường hợp, một số nhà gạch đồ sộ đã được xây dựng… và cây ăn trái đã được trồng; bất cứ nơi nào người ta có thể lấy nước khỏi mặt đất để phục vụ cho việc tưới tiêu thì đất canh tác được mở rộng đến đấy; đất sườn đồi và thậm chí đỉnh núi cũng được canh tác ở bất cứ nơi nào cho phép dùng cái cày. Quy mô đất được khai thác làm tôi rất ngạc nhiên; đã bao nhiêu năm rồi tôi chưa từng thấy một diện tích đất canh tác lớn đến như vậy”.

Cũng giống như ở những khu vực khác ở châu Phi hạ Sahara, việc sử dụng cày là hoàn toàn mới trong nông nghiệp, nhưng khi có cơ hội, người nông dân châu Phi dường như rất sẵn sàng áp dụng công nghệ mới. Họ cũng sẵn sàng đầu tư cho xe bò và các công trình tưới tiêu.

Khi kinh tế nông nghiệp phát triển, các thể chế bộ lạc cứng nhắc bắt đầu thay đổi. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy những thay đổi về quyền sở hữu đất đai bắt đầu xuất hiện. Vào năm 1879, vị quan tòa ở Umzimkulu thuộc Đông Griqualand, Transkei, nhận thấy “người dân địa phương ngày càng mong muốn trở thành chủ sở hữu đất - họ đã mua 38 nghìn mẫu Anh”. Ba năm sau, sổ sách của ông cho thấy khoảng 8 nghìn nông dân châu Phi trong vùng đã mua và bắt đầu khai thác 90 nghìn mẫu Anh.

Dĩ nhiên điều này không có nghĩa châu Phi đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc Cách mạng công nghiệp, nhưng những thay đổi thật sự đang diễn ra. Sở hữu tư nhân về đất đai đã làm lung lay vị trí của các tù trưởng và cho phép có nhiều người khác được mua đất và làm giàu, một điều dường như là không tưởng chỉ vài thập niên trước. Đồng thời nó cũng minh họa cho thấy sự suy yếu của các thể chế chiếm đoạt và các hệ thống quyền lực chuyên chế có thể nhanh chóng tạo ra những động lực kinh tế mới. Một trong những ví dụ về sự thành công là Stephen Sonjica ở Ciskei, một nông dân từ hai bàn tay trắng làm nên sự nghiệp. Trong một lần phát biểu vào năm 1911, Sonjica kể lại lần đầu tiên khi ông bày tỏ nguyện vọng muốn mua đất của mình cho cha nghe, cha ông đã đáp lại rằng: “Mua đất? Làm cách nào con lại muốn mua đất? Con không biết rằng tất cả đất đai đều là của Thượng đế, và người chỉ giao nó cho các tù trưởng thôi hay sao?” Phản ứng của cha Sonjica là hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng Sonjica không vì vậy mà thối chí. Ông tìm được một việc làm ở thị trấn King William và ghi lại như sau:

Tôi đã khôn khéo mở một tài khoản riêng và bỏ vào đó một phần tiền tiết kiệm… cho đến khi tôi để dành được 8 nghìn bảng… [Tôi mua] một cặp bò cùng với ách, bộ cương, cái cày và những vật dụng nông nghiệp khác… Hôm nay tôi mua một nông trại nhỏ… Tôi không dám nhiệt tình giới thiệu [nông nghiệp] như là một nghề cho người dân xứ tôi… Tuy nhiên họ cần áp dụng những phương pháp kiếm lời hiện đại.

Một bằng chứng đáng chú ý khác xác nhận tính năng động kinh tế và sự phát đạt của nông dân châu Phi trong giai đoạn này được tìm thấy trong một bức thư của một nhà truyền đạo thuộc giáo phái Giám Lý, W.J Davis, viết năm 1869. Trong bức thư gửi về Anh, ông hài lòng ghi rằng ông đã quyên được 46 bảng tiền mặt “cho hội Cứu tế Nhà máy đay Lancashire”. Trong giai đoạn này những nông dân thành đạt châu Phi gửi tiền cứu trợ cho công nhân nghèo làm việc trong ngành dệt ở Anh!

Không có gì ngạc nhiên khi sự năng động kinh tế mới này không làm cho các tù trưởng truyền thống hài lòng, họ xem những thay đổi này như mối đe dọa làm suy yếu quyền lực và tài sản của họ - một kiểu phản ứng giờ đã quá quen thuộc với chúng ta. Vào năm 1879 Matthew Blyth, quan tòa tối cao của Transkei, nhận xét rằng việc khảo sát đất nhằm mục đích chia đất cho tư nhân gặp phải sự chống đối. Ông ghi chép rằng “một số tù trưởng… phản đối, nhưng hầu hết người dân đều hài lòng… những tù trưởng coi việc trao quyền sở hữu cá thể cho người dân sẽ phá hủy ảnh hưởng của các tộc trưởng”.

Các tù trưởng cũng phản đối những phương pháp canh tân đất đai, ví dụ như đào các mương rãnh tưới tiêu hay dựng hàng rào. Họ nhận ra rằng những thay đổi này là bước mở đầu cho quyền sở hữu đất đai cá thể, và là sự mở đầu đánh dấu sự kết thúc của họ. Những nhà quan sát châu Âu thậm chí để ý thấy rằng các tù trưởng và giới lãnh đạo truyền thống, như thầy cúng, cố gắng cấm đoán mọi “cách thức châu Âu”, bao gồm những loại cây trồng mới, công cụ mới như lưỡi cày và các mặt hàng thương mại. Nhưng việc sáp nhập Ciskei và Transkei vào chính phủ thuộc địa Anh làm suy yếu quyền lực của tù trưởng và giới lãnh đạo truyền thống, và sự chống đối của họ không đủ để ngăn cản sự năng động kinh tế mới ở Nam Phi. Ở Fingoland vào năm 1884, một nhà quan sát châu Âu ghi nhận rằng người dân đã “chuyển lòng trung thành của họ sang cho chúng ta. Các tù trưởng của họ đã trở thành một tầng lớp địa chủ có tước vị… mà không có quyền lực chính trị. Không còn sợ sự ganh ghét của các tù trưởng hay vũ khí chết người… hay thầy mo, những thứ quật ngã những chủ gia súc giàu có, luật sư có năng lực, người áp dụng những phương pháp mới, nhà nông nghiệp giàu kỹ năng, đánh đồng tất cả bọn họ xuống cùng một trình độ năng lực tầm thường. Khi không còn lo sợ những điều này nữa, người Fingo… trở thành người cấp tiến. Mặc dù vẫn còn là một nông dân… anh ta sở hữu xe bò và cày; anh ta mở đường dẫn nước để tưới tiêu; anh ta là chủ nhân của một đàn cừu”.

Thậm chí chỉ cần có một số ít thể chế dung hợp, cộng với sự suy yếu quyền lực và khả năng áp đặt của các tù trưởng, cũng đủ để khơi mào một sự bùng nổ kinh tế mạnh mẽ ở châu Phi. Không may, điều này chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn ngủi. Giữa năm 1890 và 1913, sự bùng nổ kinh tế bất ngờ chấm dứt và bắt đầu bị đảo ngược. Trong giai đoạn này có hai thế lực phá hủy sự thịnh vượng ở nông thôn và sự năng động mà châu Phi đã tạo ra trong 50 năm trước đó. Thế lực thứ nhất là sự thù địch của người nông dân châu Âu đang phải cạnh tranh với châu Phi. Những người nông dân châu Phi đã làm giảm giá vụ mùa mà người châu Âu trồng trọt. Phản ứng của người châu Âu là loại bỏ người châu Phi ra khỏi thị trường. Thế lực thứ hai thậm chí còn độc ác hơn. Người châu Âu muốn có một nguồn lao động rẻ để sử dụng trong ngành khai thác khoáng sản đang phát triển mạnh của họ, và họ chỉ có thể duy trì nguồn lao động giá rẻ này bằng cách luôn giữ cho châu Phi trong tình trạng nghèo đói. Và họ theo đuổi mục tiêu này một cách có phương pháp trong những thập niên sau đó.

Lời khai vào năm 1897 của George Albu, chủ tịch Hiệp hội Hầm mỏ, trước Ủy ban Điều trần mô tả một cách chính xác lôgic của việc làm nghèo châu Phi để thu được nguồn lao động rẻ. Ông giải thích rằng ông đã đề nghị làm rẻ sức lao động “đơn giản bằng cách nói cho bọn chúng biết rằng lương của chúng đã bị cắt giảm”. Buổi lấy lời khai của ông diễn ra như sau:

Ủy ban: Giả sử bọn châu Phi da đen quay trở lại kraal [trại súc vật] của chúng? Ông có ủng hộ việc đề nghị chính phủ cưỡng bức lao động?

Albu: Dĩ nhiên… tôi sẽ bắt chúng phải làm việc… Tại sao ta lại cho phép một tên mọi đen không làm gì hết? Tôi nghĩ rằng chúng ta phải bắt bọn da đen châu Phi làm việc để kiếm sống.

Ủy ban: Nếu một người có thể sống mà không cần làm việc, làm cách nào ông có thể buộc anh ta làm việc?

Albu: Đánh thuế hắn ta, sau đó…

Ủy ban: Sau đó ông không cho phép hắn được sở hữu đất đai nhưng phải làm việc cho người da trắng để làm giàu cho người đó?

Albu: Hắn ta phải làm phần việc của mình để giúp đỡ những người hàng xóm của hắn ta.

Cả hai mục tiêu: thủ tiêu sự cạnh tranh với người nông dân da trắng và phát triển một nguồn nhân công lớn giá rẻ, cùng đạt được thông qua Đạo luật Đất đai cho người bản xứ năm 1913. Đạo luật này, dường như tiên đoán trước được khái niệm nền kinh tế đối ngẫu của Lewis, đã chia Nam Phi thành hai phần, một phần hiện đại, thịnh vượng và một phần truyền thống, nghèo đói, ngoại trừ thực tế là sự phát đạt và nghèo đói là do chính đạo luật trên gây ra. Đạo luật tuyên bố rằng 87% đất đai phải thuộc về người châu Âu, chiếm khoảng 20% dân số, 13% đất còn lại thuộc về 80% người châu Phi. Dĩ nhiên trước đạo luật này đã có những tiền lệ tương tự bởi vì trong một thời gian dài người châu Âu đã dần dần đẩy người châu Phi vào chỗ sinh sống trên những vùng đất dành riêng cho họ với diện tích ngày càng nhỏ lại. Nhưng đạo luật 1913 đã chính thức hóa thực trạng này thông qua luật pháp và đặt nền tảng cho việc thành lập chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, cho phép người da trắng thiểu số nắm quyền chính trị, kinh tế và loại bỏ người da đen đại đa số ra khỏi đời sống chính trị và kinh tế. Đạo luật nêu rõ rằng một số vùng đất dành riêng cho người châu Phi, bao gồm Transkei và Ciskei, sẽ trở thành “Quê hương” của người châu Phi. Những người này sau đó bị chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi gọi là người Bantust, bởi vì chính quyền người da trắng cho rằng người châu Phi sinh sống ở Nam Phi không phải là người dân bản địa mà có nguồn gốc từ nhóm người Bantu đã di cư ra khỏi Đông Nigeria khoảng 1.000 năm trước đó. Vì vậy họ không có quyền sở hữu đất gì nhiều hơn - và dĩ nhiên trên thực tế là ít hơn - người da trắng châu Âu.

Bản đồ 16: Diện tích đất đai do chế độ người da trắng thiểu số phân bổ cho người châu Phi ở Nam Phi và Zimbabwe (p. 355)

Bản đồ 16 cho thấy phần diện tích đất khôi hài được phân cho người châu Phi theo Đạo luật 1913 và đạo luật tiếp theo năm 1936. Nó cũng ghi lại thông tin năm 1970 cho thấy có một sự phân bổ đất đai tương tự xảy ra ở Zimbabwe trong giai đoạn tạo ra nền kinh tế đối ngẫu ở đó, mà chúng ta sẽ thảo luận ở chương 13.

Đạo luật năm 1913 còn bao gồm những điều khoản nhằm ngăn không cho những người cấy rẽ (theo chế độ phát canh thu tô) và những người vô cư da đen được quyền canh tác trên đất do người da trắng sở hữu với bất cứ tư cách gì ngoài tư cách người làm thuê. Theo lời thư ký văn phòng phụ trách sự vụ liên quan đến người bản xứ giải thích: “Mục đích của đạo luật là nhằm cấm đoán tất cả những giao dịch trong tương lai công nhận quan hệ mua bán giữa người châu Âu và người bản xứ liên quan đến đất đai hay hoa màu trên đất đai. Tất cả những hợp đồng mới ký kết với người bản xứ phải là hợp đồng thuê mướn dịch vụ. Giả sử thật sự có một hợp đồng thành ý loại như vậy thì cũng không có gì có thể ngăn người thuê trả công cho người bản xứ bằng hiện vật, hoặc bằng cách cho phép anh ta canh tác trên một mảnh đất nhất định… Nhưng người dân bản xứ không thể trả cho người chủ bất cứ thứ gì để có được quyền sở hữu đất”.

Đối với các nhà kinh tế học phát triển đến thăm Nam Phi vào thập niên 1950 và 1960, khi bộ môn này đang dần thành hình và những ý tưởng của Arthur Lewis đang lan rộng, sự tương phản giữa khu vực sinh sống của người da đen và nền kinh tế thịnh vượng, hiện đại của người châu Âu da trắng dường như phản ánh chính xác nội dung lý thuyết kinh tế đối ngẫu. Những người châu Âu trong nền kinh tế hiện đại thì sống ở đô thị, có giáo dục và sử dụng công nghệ hiện đại. Vùng sinh sống của người da đen thì nghèo, ở nông thôn và lạc hậu; mức sinh lợi của sức lao động rất kém; còn người dân thì thiếu giáo dục. Dường như đó là bản chất cố hữu của một châu Phi vĩnh viễn lạc hậu.

Ngoại trừ một điểm quan trọng là nền kinh tế đối ngẫu không hề tự nhiên mà cũng chẳng hề bất di bất dịch. Nó được chủ nghĩa đế quốc châu Âu tạo ra. Phải, vùng đất “Quê hương” thì nghèo, công nghệ thì lạc hậu, và người dân thì thiếu giáo dục. Nhưng tất cả những điều này là kết quả của một chính sách dùng vũ lực chặn đứng sự phát triển kinh tế của châu Phi và tạo ra một lực lượng lao động châu Phi kém giáo dục giá rẻ để tuyển dụng họ làm việc trong các hầm mỏ và nông trang do người châu Âu nắm giữ. Sau năm 1913, một số lượng khổng lồ người châu Phi bị đuổi ra khỏi đất đai của mình. Đất của họ sau đó được chuyển sang cho người da trắng nắm giữ, còn chính họ thì bị dồn vào sống trong vùng “Quê hương”, một khu vực quá nhỏ để họ có thể kiếm được kế sinh nhai độc lập. Vì vậy, theo đúng như kế hoạch của người da trắng, họ buộc phải tìm sinh kế trong nền kinh tế của người da trắng bằng cách bán sức lao động với giá rẻ. Khi động cơ phát triển kinh tế của người châu Phi sụp đổ, tất cả những tiến bộ đạt được trong 50 năm trước đó đều bị đảo ngược. Họ từ bỏ cái cày và quay trở lại dùng xẻng để làm ruộng - nếu họ còn có cơ hội đó. Nhưng thông thường thì họ chỉ là nguồn lao động rẻ tiền, theo đúng dự tính ban đầu của kế hoạch tạo ra vùng đất “Quê hương”.

Không những động cơ kinh tế bị phá bỏ mà ngay cả những thay đổi chính trị đã diễn ra trước đó cũng bị đảo ngược. Quyền lực của các tù trưởng và giới cai trị truyền thống, vốn đã suy giảm trước đó, được củng cố và gia tăng, bởi vì một phần trong dự án tạo ra nguồn nhân công rẻ mạt là xóa bỏ quyền tư hữu đất. Vì vậy quyền kiểm soát đất đai của các tù trưởng được tái lập. Những biện pháp này lên đến đỉnh điểm vào năm 1951, khi chính phủ ban hành Đạo luật Chính quyền Bantu. Vào thời điểm năm 1940, G. Findlay đã sớm nhận ra bản chất của vấn đề một cách hoàn toàn chính xác:

Quyền sở hữu đất đai tập thể theo bộ tộc bảo đảm rằng đất sẽ chẳng bao giờ được canh tác một cách đúng đắn và sẽ chẳng bao giờ thật sự thuộc về người bản xứ. Để có sức lao động rẻ thì cần phải có chỗ sinh con đẻ cái thật rẻ, và vì vậy người châu Phi được cấp cho vùng đất ấy với cái giá quá đắt.

Việc tước đoạt đất khỏi tay người nông dân châu Phi dẫn đến sự nghèo đói khắp nơi. Nó không những tạo ra cơ sở thể chế cho một nền kinh tế lạc hậu, mà còn tạo ra cả những người dân đói nghèo để phục vụ nền kinh tế ấy.

Những bằng chứng có được cho thấy có sự đảo ngược mức sống trong khu “Quê hương” sau khi Luật Đất đai cho người bản xứ được ban hành năm 1913. Hai khu vực Transkei và Ciskei bước vào giai đoạn kinh tế suy thoái kéo dài. Hồ sơ tuyển dụng của các công ty khai thác vàng do sử gia Francis Wilson thu thập cho thấy sự suy giảm xuất hiện trong toàn bộ nền kinh tế của Nam Phi. Theo sau Luật Đất đai cho người bản xứ và những đạo luật khác, lương của nhân công hầm mỏ giảm 30% trong giai đoạn từ 1911 đến 1921. Vào năm 1961, mặc dù kinh tế Nam Phi có sự tăng trưởng tương đối đều đặn, mức lương của công nhân hầm mỏ vẫn thấp hơn 12% so với năm 1911.

Nhưng ngay cả trong những tình huống như thế này, chẳng lẽ người châu Phi không thể tiến thân trong nền kinh tế châu Âu hiện đại, mở một cơ sở kinh doanh, hay theo đuổi học vấn và bắt đầu một sự nghiệp? Chính phủ có những biện pháp để đảm bảo những chuyện này không thể xảy ra. Không một người dân châu Phi nào được phép sở hữu tài sản hay thành lập kinh doanh trong khu vực kinh tế châu Âu - vốn chiếm 87% diện tích đất đai. Chế độ phân biệt chủng tộc cũng nhận ra rằng người châu Phi có giáo dục sẽ cạnh tranh với người da trắng thay vì cung cấp sức lao động rẻ tiền cho các hầm mỏ và các trang trại nông nghiệp do người da trắng làm chủ. Ngay từ năm 1904 một hệ thống bảo vệ việc làm cho người châu Âu đã được áp dụng trong ngành khai thác mỏ. Không một người châu Phi nào được phép làm công việc pha trộn hóa chất, xét nghiệm kim loại, cai mỏ, thợ rèn, thợ đốt lò, thợ đánh bóng đồng thau, thợ nề… danh sách này tiếp tục kéo dài không dứt cho đến tận nghề thợ chế biến gỗ. Chỉ bằng một quyết định của chính phủ, người châu Phi đã bị cấm không được làm những công việc có kỹ năng trong ngành khai thác mỏ. Đây là sự hiện diện đầu tiên của sự “phân biệt màu da”, một trong những phát minh kỳ thị chủng tộc của chế độ Nam Phi. Sự phân biệt màu da được nhân rộng trên toàn bộ nền kinh tế vào năm 1926, và kéo dài mãi đến tận thập niên 1980. Không có gì đáng ngạc nhiên khi người châu Phi da đen không có học; chính phủ Nam Phi không những loại bỏ khả năng người châu Phi có thể hưởng những lợi ích kinh tế nhờ giáo dục mà còn từ chối đầu tư vào trường học cho người da đen và cản trở việc giáo dục cho họ. Chính sách này lên đến đỉnh điểm vào thập niên 1950, khi dưới sự lãnh đạo của Hendrik Verwoerd, một trong những kiến trúc sư của chế độ kỳ thị chủng tộc kéo dài đến tận năm 1994, chính phủ Nam Phi đã thông qua Đạo luật Giáo dục Bantu. Tư tưởng triết lý đằng sau đạo luật này được chính Verwoerd nói toạc ra trong một bài diễn văn năm 1954:

Người Bantu cần được định hướng để phục vụ cho cộng đồng của hắn ta trên mọi phương diện. Hắn ta không có chỗ đứng trong cộng đồng người châu Âu ngoại trừ làm một số công việc lao động tay chân nhất định… Vì lý do đó, không ích lợi gì khi cho hắn được hưởng một nền giáo dục với mục đích gia nhập cộng đồng châu Âu khi hắn không thể và sẽ không được chấp nhận ở đó.

Dĩ nhiên, hình thức kinh tế đối ngẫu được diễn tả trong bài diễn văn của Verwoerd hơi khác với lý thuyết kinh tế đối ngẫu của Lewis. Ở Nam Phi kinh tế đối ngẫu không phải là một kết quả không thể tránh khỏi của quá trình phát triển. Nó được chính phủ Nam Phi tạo ra. Ở Nam Phi, người nghèo không thể di chuyển một cách thuận lợi từ khu vực lạc hậu sang khu vực hiện đại khi nền kinh tế phát triển. Ngược lại, sự thành công của khu vực kinh tế hiện đại phụ thuộc vào sự tồn tại của khu vực kinh tế lạc hậu, điều này cho phép các ông chủ da trắng thu được những khoản lợi nhuận kếch xù bằng cách trả lương rất thấp cho công nhân da đen không kỹ năng. Ở Nam Phi sẽ không bao giờ xảy ra quá trình người lao động không kỹ năng từ khu vực kinh tế truyền thống dần dần tích lũy giáo dục và kỹ năng như trong mô hình của Lewis tiên đoán. Trên thực tế, người ta cố tình ngăn không cho công nhân da đen có kỹ năng và ngăn họ không được tiếp cận những công việc đòi hỏi kỹ năng cao để công nhân da trắng có kỹ năng không gặp phải một sự cạnh tranh nào và được hưởng lương cao. Ở Nam Phi người châu Phi da đen thật sự bị “nhốt” trong khu vực kinh tế truyền thống, trong vùng đất “Quê hương”. Nhưng đây không phải là một vấn đề phát triển mà tăng trưởng kinh tế có thể giải quyết. Vùng đất “Quê hương” chính là điều kiện cần để giúp nền kinh tế của người da trắng phát triển.

Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi hình thức phát triển kinh tế mà người Nam Phi da trắng đạt được suy cho cùng cũng rất giới hạn, dựa vào các thể chế chiếm đoạt mà người da trắng đã xây dựng để bóc lột người da đen. Người Nam Phi da trắng có quyền sở hữu tài sản, họ đầu tư cho giáo dục, có thể khai thác vàng và kim cương và bán chúng để kiếm lời trên thị trường thế giới. Nhưng hơn 80% dân số Nam Phi bị đẩy ra bên lề xã hội và không được tham gia vào hầu hết các hoạt động kinh tế mà họ hằng ao ước. Người da đen không thể sử dụng tài năng của họ; họ không thể trở thành công nhân có tay nghề, doanh nhân, kỹ sư hay nhà khoa học. Các thể chế kinh tế ở đây mang tính chiếm đoạt; người da trắng làm giàu bằng cách chiếm đoạt từ người da đen. Thật vậy, người da trắng Nam Phi có tiêu chuẩn sống ngang bằng tiêu chuẩn sống ở các nước Tây Âu, trong khi người da đen Nam Phi chẳng giàu có gì hơn những người sống trong các khu vực khác của châu Phi hạ Sahara. Tăng trưởng kinh tế theo kiểu này không có sự phá hủy sáng tạo, mà chỉ có người da trắng được hưởng lợi, tiếp tục kéo dài chừng nào doanh thu từ vàng và kim cương tiếp tục tăng. Tuy nhiên vào thập niên 1970, nền kinh tế ngừng tăng trưởng.

Và cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các thể chế kinh tế chiếm đoạt này được xây dựng trên nền tảng một tập hợp các thể chế chính trị mang tính chiếm đoạt cao. Trước khi bị lật đổ vào năm 1994, hệ thống chính trị Nam Phi trao tất cả quyền lực vào tay người da trắng, những người duy nhất được quyền bầu cử và ứng cử. Người da trắng kiểm soát lực lượng cảnh sát, quân đội và tất cả các thể chế chính trị. Những thể chế này được tổ chức dưới sự chi phối quân sự của những người định cư da trắng. Vào thời điểm Liên hiệp Nam Phi được thành lập năm 1910, những thể chế chính trị của người người châu Âu gốc Hà Lan tại Orange Free State và Transvaal mang màu sắc phân biệt chủng tộc rõ rệt, trao quyền bầu cử cho người da trắng và tuyệt đối ngăn cấm người da đen tham gia chính trị. Natal và Cape Colony cho phép người da đen bỏ phiếu nếu họ đáp ứng được tiêu chuẩn về tài sản, mà thông thường thì họ không thể. Hiện trạng của Natal và Cape Colony được giữ nguyên vào năm 1910, nhưng đến thập niên 1930, người da đen ở khắp nơi trên Nam Phi đều không còn quyền bầu cử.

Nền kinh tế đối ngẫu của Nam Phi chấm dứt vào năm 1994, nhưng không phải vì những lý do mà Sir Arthur Lewis đã đưa ra trong lý thuyết của ông. Không phải quá trình kinh tế phát triển tự nhiên đã chấm dứt sự phân biệt màu da và xóa bỏ vùng đất “Quê hương”. Chính người da đen Nam Phi đã phản đối và đứng dậy chống lại một chế độ không công nhận những quyền lợi cơ bản của họ và không chia sẻ những lợi ích tăng trưởng kinh tế với họ. Sau cuộc nổi dậy Soweto vào năm 1976, các cuộc phản đối trở nên có tổ chức hơn, mạnh mẽ hơn và cuối cùng đã lật đổ nhà nước phân biệt chủng tộc. Chính sức mạnh của những người da đen đã dám tổ chức và nổi dậy mà cuối cùng nền kinh tế đối ngẫu Nam Phi đã bị chấm dứt theo cùng một cách thức mà thế lực chính trị của người Nam Phi da trắng đã dùng để tạo ra nền kinh tế đối ngẫu đó lúc ban đầu.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh