[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương IX: Những nguyên nhân chính dẫn đến việc duy trì nền cộng hoà dân chủ ở Hoa Kỳ (Phần 3)
ẢNH HƯỞNG GIÁN TIẾP CỦA TÍN NGƯỠNG ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ Ở HOA KÌ
Tinh thần Ki Tô giáo bắt gặp trong mọi giáo phái. − Ảnh hưởng của tôn giáo đến tập tục của người Mĩ. − Sự tôn trọng quan hệ hôn nhân. − Vì sao tôn giáo bó tròn đầu óc tưởng tượng của người Mĩ trong những giới hạn nhất định và làm giảm đam mê đổi mới ở họ. − Ý kiến và dư luận của người Mĩ đối với lợi ích chính trị của tôn giáo. − Những nỗ lực của người Mĩ để mở rộng và bảo đảm quyền năng của tôn giáo.
Tôi vừa mới chỉ ra rằng ở Hoa Kì tôn giáo trực tiếp hành động vào chính trị như thế nào. Song hình như hành động không trực tiếp của nó còn mạnh hơn nhiều và chính là khi tôn giáo chẳng nói gì đến tự do là lúc nó dạy cho người Mĩ nhiều nhất thế nào là nghệ thuật sống tự do.
Ở Hoa Kì có vô thiên lủng các giáo phái. Tất cả đều khác nhau trong các nghi thức thờ cúng Đấng Sáng thế, nhưng tất cả đều thống nhất với nhau về những nghĩa vụ của mỗi con người đối với con người. Vậy là mỗi giáo phái sùng bái Chúa Trời theo cách riêng, nhưng tất cả đều nhân danh Chúa Tròi mà rao giảng cùng một đạo lí. Nếu với mỗi cá nhân con ngươi điều đó càng có ích một khi tôn giáo của anh ta là đúng, thì với toàn xã hội sự tình lại không như vậy. Xã hội chẳng có gì mà e ngại cũng chẳng có gì mà hi vọng trong cuộc sống chốn mai hậu. Điều quan trọng hơn hết với xã hội không phải là việc mọi công dân cùng theo một tôn giáo đúng, chỉ cần họ có một tôn giáo là đủ. Vả chăng tất cả các giáo phái ở Hoa Kì đều gặp nhau trong đại cộng đồng Ki Tô giáo, và đạo đức của đạo này thì đâu đâu cũng như nhau cả.
Ta có quyền nghĩ rằng, trong việc thờ phụng Chúa Trời, một số lượng nhất định người Mĩ làm là vì thói quen hơn là vì niềm tin. Vả chăng ở Hoa Kì, chủ quyền là tôn giáo, do đó sự đạo đức giả phải ở khắp nơi; nhưng nước Mĩ cũng lại là địa điểm trên thế giới này ở đó Ki Tô giáo đã duy trì được những quyền năng chân chính hơn cả đối với tâm hồn con người. Và chẳng có gì chứng minh rõ hơn điều đó, ấy là nó có ích và nó diễn ra tự nhiên cho con người, vì cái xứ sở nơi tôn giáo đó đang tác động ngày nay là một xứ sở sáng láng hơn cả và tự do hơn cả.
Tôi đã nói rằng các linh mục Mĩ nói chung đều tuyên ngôn vì nền tự do dân sự, trong đó kể cả những vị chưa chịu chấp nhận tự do tôn giáo; nhưng ta lại chẳng thấy các vị đó ủng hộ bất kì hệ thống chính trị riêng rẽ nào. Họ chủ tâm đứng ngoài mọi công việc và không xen vào những trù liệu của các phe phái, vì vậy ta chẳng thể nào nói được là ở Hoa Kì tôn giáo tác động lên luật pháp cũng như đến từng quan điểm chính trị, nhưng tôn giáo lại điều khiển tập tục, và nói chung bằng cách tác động đến gia đình mà nó tạo tác động đến nhà nước.
Tôi không mảy may nghi ngờ về nguồn gốc sự ngặt nghèo vô cùng của tập tục ở Hoa Kì là do các tín ngưỡng. Tôn giáo ở đó thường khi bất lực trong việc kìm giữ con người giữa vô vàn cám dỗ trước những cơ may lập nghiệp. Tôn giáo chẳng biết làm cách nào làm dịu bớt cái nhiệt tình làm giàu lại được mọi điều kiện mài giũa cho sắc nhọn của con người, nhưng tôn giáo ngự trị như một quyền uy trong tâm hôn người phụ nữ, và phụ nữ chính là người làm ra tập tục. Chắc chắn nước Mĩ là xứ sở trên thế giới này tôn trọng hơn hết mối liên hệ hôn nhân và là nơi con người có tinh thần coi trọng hạnh phúc gia đình ở mức cao nhất và đúng đắn nhất.
Ở châu Âu, hầu hết những nhộn nhạo xã hội đều bắt nguồn xung quanh mái ấm gia đình và không xa bao nhiêu với chiếc ổ cưới. Chính đó là nơi nảy sinh ở người đàn ông sự khinh rẻ những mối dây liên hệ tự nhiên và những thú vui được phép hưởng, nơi sinh ra ở họ sự thích thú cái hỗn độn, cái âu lo của tình cảm, cái bấp bênh của các thèm muốn. Bị khuấy động vì những đam mê hỗn độn thường làm lung lạy chính mái nhà ấm của mình, người châu Âu khó khăn lắm mới chịu theo được quyền lực lập pháp của nhà nước. Còn người Mĩ, sau khi thoát ra khỏi những khuấy động của thế giới chính trị, anh ta trở về trong lòng gia đình, ngay ở đó anh ta gặp được trật tự và bình yên. Ở nơi đó, mọi thú vui của anh ta đều giản dị và tự nhiên, các niềm vui của anh ta đều vô tư và yên lành; và trong khi anh ta đạt tới hạnh phúc bằng cuộc đời nền nếp, anh ta cũng dễ dàng quen nếp với việc điều chỉnh ý kiến của mình cũng như thị hiếu của mình.
Trong khi người châu Âu tìm cách thoát khỏi những nỗi sầu gia cảnh bằng cách gây lộn với xã hội, thì người Mĩ tìm thấy trong tổ ấm gia đình mình tình yêu trật tự, cái rồi sẽ được anh ta mang vào trong công việc nhà nước.
Ở Hoa Kì, tôn giáo không chỉ điều chỉnh tập tục, nó mở rộng quyền lực đến tận trí khôn con người.
Với những người Mĩ gốc Anh, có những người rao giảng các tín điều Ki Tô giáo vì họ có lòng tin, còn có những người khác thì lại lo lắng vì mình có vẻ như không tin gì cả. Vì thế mà Ki Tô giáo ngự trị không trở ngại gì, mọi người đều thú nhận với nhau hết. Kết quả là, như tôi từng nói đến ở một đoạn khác, về phương diện đạo đức thì mọi sự đều rành rọt và cố định, còn trên phương diện chính trị hình như vẫn còn bỏ mặc cho con người thảo luận và làm thử. Vì thế mà tinh thần của con người không khi nào cảm thấy phía trước mình là một cánh đồng vô giới hạn: liều mạng đến đâu thì thỉnh thoảng con người vẫn phải dừng chân trước những vật cản không thể vượt qua. Trước khi sáng tạo điều gì mới, con người bị buộc phải chấp nhận một số những dữ liệu cơ bản đã có và đưa những niềm tin mãnh liệt nhất của mình vào một số khuôn khổ có sức kìm chế và hãm chân nó.
Đầu óc tưởng tượng của người Mĩ, khi được trải rộng hết sức, cũng chỉ giống như người đang bước đi dò dẫm và vô định. Người Mĩ khi làm mọi việc bằng tưởng tượng đều lúng túng và không hoàn thiện. Những thói quen dè dặt ấy có cả trong đời sống chính trị, chúng đặc biệt tạo thuận lợi cho sự phẳng lặng của người dân cũng như sự tồn tại bền lâu của các thiết chế đã có. Thiên nhiên và hoàn cảnh đã khiến cho cư dân Hoa Kì thành những con người táo gan; dễ dàng thấy điều đó khi xem xét cách thức họ xây dựng cơ nghiệp. Nếu như đầu óc người Mĩ được tự do không bị ngáng trở, hẳn ta sẽ thấy xuất hiện ở nơi đây những con người sáng tạo xông xáo nhất hạng và những nhà logic vững chãi nhất thế giới. Nhưng các nhà cách mạng của nước Mĩ lại bị bó buộc phải tôn trọng tuyệt đối cái đạo lí và sự công bằng Ki Tô giáo, là điều không cho phép họ dễ dàng vi phạm những luật lệ mà họ phản đối việc đem thực thi vì chúng trái ngược với ý muốn của họ. Và nếu có khi nào họ cả gan vượt khỏi mọi nỗi e dè thì họ vẫn còn cảm thấy bị ngăn trở vì sự e dè của những người cùng như mình. Cho tới bây giờ ở Hoa Kì ta vẫn chưa bắt gặp một ai dám đưa ra châm ngôn này: mọi thứ đều được phép làm nếu đó là vì lợi ích xã hội. Đó là một châm ngôn vô đạo dường như được phát minh vào một thời đại tự do nhằm chính thống hoá những kẻ bạo chúa sắp ra đời.
Vì vậy mà, trong khi luật pháp cho phép người Mĩ làm tất cả, thì tôn giáo lại ngăn trở họ nghĩ ra mọi điều và cấm họ dám thử sức trong mọi việc.
Tôn giáo ở Mĩ, là cái không khi nào trực tiếp xen vào việc cai quản xã hội, đã được coi như thiết chế hàng đầu trong các thiết chế chính trị. Vì nếu như tôn giáo không đem lại cho nhân dân hứng thú tự do, thì nó lại đặc biệt ủng hộ nhân dân sử dụng quyền tự do ấy.
Chính các cư dân Hoa Kì tự xem xét các tín ngưỡng của mình theo quan điểm ấy. Tôi không rõ liệu tất cả mọi người Mĩ đều có niềm tin tôn giáo, vì nào ai đọc được rành rọt mọi điều ẩn kín trong lòng người? Nhưng tôi biết chắc rằng họ coi tín ngưỡng là cần thiết để duy trì các thiết chế cộng hoà. Quan niệm này không phải là của một tầng lớp công dân nào hoặc một đảng nào, nó là của cả đất nước, ta bắt gặp quan niệm đó ở mọi tầng bậc người dân.
Ở Hoa Kì, khi một chính khách công kích một giáo phái, đó không phải là một cái cớ để ngay cả những người đi theo giáo phái đó không ủng hộ ông ta. Nhưng nếu chính khách đó công kích tất cả các giáo phái, thì mọi người xa lánh ông ta, và ông ta chỉ còn lại một thân một mình thôi.
Khi tôi còn ở Mĩ, có lần một nhân chứng ra trước toà đại hình quận Chester (Bang New York) và khai rằng ông ta không tin là có Chúa Trời và sự bất tử của linh hồn. Chủ toạ phiên toà từ chối nhận lời khai đó, ông nói, vì lí do nhân chứng này trước đó đã xoá sạch toàn bộ niềm tin của mọi người vào mọi lời anh ta nói rồi. Báo chí đăng tin đó và không bình luận gì hết.
Trong tư tưởng của họ, người Mĩ lẫn lộn hoàn toàn đạo Ki Tô và Tự do, và hầu như không thể nào làm cho họ quan niệm được là có cái này mà lại thiếu cái kia. Và đối với người Mĩ, đó không phải là những tín ngưỡng khô cằn do lịch sử truyền lại tới ngày nay, ít sức sống thật, mà chỉ sống vật vờ trong sâu kín tâm hồn con người.
Tôi từng thấy người Mĩ họp nhau lại tìm linh mục để cử tới các bang mới thành lập ở miền Tây và để xây dựng nhà trường và nhà thờ ở các vùng đó. Họ e ngại rằng tôn giáo có thể bị tàn lụi giữa vùng rừng, và những con người đang lớn lên sẽ không được tự do như những người đã sinh ra chúng. Tôi đã gặp những cư dân giàu có của New England, họ bỏ xứ sở đã sinh ra họ để đi vào mãi đôi bên bờ sông Missouri hoặc tới những đồng cỏ xứ Illinois để tạo lập những nền tảng của đạo Ki Tô và Tự do. Đó là cái nhiệt tình tôn giáo không ngừng đốt cháy trung tâm lòng ái quốc ở Hoa Kì. Bạn hẳn sẽ nghĩ là người ta hành động như vậy duy nhất chỉ vì coi trọng cuộc sống mai hậu (nơi thiên đàng), nhưng bạn đã nhầm: chốn vĩnh hằng chỉ là một trong nhiều mối bận tâm của người Mĩ. Nếu bạn nêu câu hỏi với các nhà truyền giáo kia về nền văn minh Ki Tô giáo, bạn sẽ hoàn toàn ngạc nhiên nghe họ nói nhiều về những niềm vui chốn trần thế này, bạn bắt gặp những nhà chính trị khi bạn trông đợi bắt gặp những tu sĩ. “Tất cả các nước cộng hoà Mĩ đều đoàn kết với nhau,” các tu sĩ đó sẽ nói với bạn như vậy, “nếu các nước cộng hoà miền Tây rơi vào vô chính phủ hoặc rơi vào ách của chính quyền chuyên chế, các thiết chế cộng hoà đang nở rộ bên bờ Đại Tây Dương này sẽ gặp nguy cơ lớn. Vì thế mà chúng tôi quan tâm đến việc các bang mới lập phải có tín ngưỡng để chúng tôi có thể sống trong tự do.”
Đó là ý của người Mĩ. Song rõ ràng là họ sai lầm: vì ngày nào tôi cũng được nghe người ta chứng minh khá uyên bác rằng ở Mĩ mọi việc đều tốt đẹp, ngoại trừ chính cái tinh thần tôn giáo mà tôi rất chiêm ngưỡng. Và tôi học được một điều là, ở bên kia Đại Tây Dương, Tự do và Hạnh phúc của giống người chỉ còn thiếu niềm tin vào Sự vĩnh cửu của thế giới của nhà đạo đức học Spinoza và còn thiếu việc cùng tin với Cabanis rằng não là nơi tiết ra tư tưởng. Thực ra, tôi chẳng biết đáp lại những thứ đó ra sao, nếu không nói rằng, những ai suy nghĩ kiểu đó đều chưa từng đến nước Mĩ và họ cũng chưa được nhìn thấy những con người sùng đạo cũng như những con người tự do. Các vị đó qua Mĩ đi, tôi sẽ đợi các vị khi trở về.
Ở Pháp có những người coi các thiết chế cộng hoà như là thứ công cụ tạm thời chứng tỏ sự vĩ đại của họ. Họ dùng mắt thường để đo cái không gian mênh mông ngăn cách các tật xấu và sự khốn cùng của họ với quyền lực và giàu sang, và họ định vun các hoang tàn xuống vực thẳm ấy để cố sức lấp cho đầy. Những con người ấy sử dụng nền tự do y hệt như các nhà vua thời Trung cổ cư xử với các công ti tự do được miễn thuế. Họ gây ra chiến tranh vì quyền lợi riêng, mặc dù có khi chiến tranh lại mang sắc cờ: song nền cộng hoà sẽ vẫn sống đủ lâu trong tương lai để lôi họ ra khỏi cảnh đê hèn hiện tại. Tôi chẳng đếm xỉa tới những hạng người đó đâu; nhưng tôi phải nói là bởi vì vẫn có những người khác nhìn nền cộng hoà như một trạng thái bất biến và thanh bình − một mục tiêu cần thiết được các tư tưởng và tập tục ngày ngày cuốn hút các xã hội hiện đại vào − và bởi vì họ cũng thành thực muốn chuẩn bị cho con người được sống tự do. Khi những con người này công kích niềm tin tôn giáo, đó là họ bị cuốn theo các đam mê chứ không phải vì lợi ích. Đó là nền chuyên chế bất cần đến niềm tin, chứ đó không phải là tự do. Tôn giáo cần thiết hơn rất nhiều cho một nền cộng hoà được họ xưng tụng, hơn là cho một nền quân chủ bị họ công kích, cần rất nhiều cho các nền cộng hoà dân chủ hơn hẳn mọi thứ khác. Làm sao xã hội lại có thể không bị huỷ diệt nếu như trong khi mối dây liên hệ chính trị đang bị doãng ra thì mối dây liên hệ đạo đức lại không được thắt chặt lại? Và ta biết làm gì đây khi một quốc gia làm chủ được bản thân mà lại không chịu thuận theo quyền lực của Chúa?
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)