[Tinh thần dân chủ] Chương 15: Thầy thuốc, hãy tự chữa bệnh (Phần 7)

[Tinh thần dân chủ] Chương 15: Thầy thuốc, hãy tự chữa bệnh (Phần 7)

VƯỢT QUA CHIA RẼ ĐẢNG PHÁI (1/3)

Sự phân cực và thù hận trong nền chính trị đảng phái cũng góp phần bóp nghẹt chế độ dân chủ Hoa Kỳ trong mấy năm gần đây. Sự khác biệt rõ ràng giữa các đảng phái chính trị là chất kích thích của chế độ dân chủ đầy sinh khí của Hoa Kỳ, nhưng khi hố ngăn cách giữa các đảng phái trở thành quá mức và tràn lan – thâm nhập vào mọi vấn đề – thì nó có thể trở thành rào cản cho việc tìm kiếm những giải pháp mang tính thực tiễn cho những vấn đề cấp bách và làm giảm sự tin tưởng của xã hội vào các đảng phái và các chính trị gia. Có nhiều tín hiệu đáng lo ngại. Một trong những tín hiệu đó là giảm những khu vực đầu phiếu cho hai đảng, tức là khu vực bầu cho một trong hai đảng vào quốc hội và bầu cho đại diện đảng kia làm tổng thống. Năm 1972, hơn 40% các khu vực (192) chia phiếu theo cách này, năm 1996 tỉ lệ giảm chỉ còn một phần tư (110 khu vực) và những cuộc bầu cử năm 2004 và năm 2006 chỉ còn khoảng 15% (59 và 69 khu vực.)1 Còn có vấn đề gọi là “ngoại vi biến mất” – tức là các ghế trong hạ viện Hoa Kỳ được bỏ ngỏ cho một trong hai đảng lớn.2

Với ít điểm sáng, tỉ lệ tính bằng phần trăm những ghế có tính cạnh tranh đang ngày càng giảm dần trong suốt một thế kỉ qua, từ khoảng 50% hồi đầu thế kỉ xuống còn 25% trong những năm 1920, hơn 20% một chút trong những năm 1940 đến những năm 1960, và khoảng 10% trong những cuộc bầu cử trong thời gian gần đây.3 Kết quả là, tỉ lệ cử tri đi bầu cử hạ viện thấp hơn trước kia. Trong 30 năm vừa qua, trung bình, trong mỗi cuộc bầu cử chưa đến 10% số ghế được chuyển từ quyền kiểm soát của đảng này sang quyền kiểm soát của đảng khác, trong khi nửa đầu thế kỉ XX là khoảng một phần ba. Cái thòng lọng đó làm cho việc thay thế những người tại chức trong cơ quan lập pháp trở nên ngày càng khó khăn hơn. Trong giai đoạn từ năm 1946 đến 1950, 87% những người tại chức được bầu lại, tỉ lệ này nhảy lên thành 94% trong giai đoạn từ năm 1952 đến năm 1980 và trong giai đoạn từ năm 1982 đến năm 2000 là 97%, và 99% trong giai đoạn 2002 – 2004. Sự thất bại thảm hại của 22 đại biểu hạ viện đương chức của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2006 phải được coi là sự từ bỏ mang tính lịch sử khỏi xu hướng mang tính lịch sử này.

Trong khi lòng trung thành với đảng của các khu vực bầu cử quốc hội có thể dẫn đến thay đổi mô thức của khu vực bầu cử tổng thống, trong đó có hiện tượng cử tri có xu hướng tự phân loại mình theo khu vực cũng như theo ý hệ, điều này còn được thúc đẩy bởi những lợi thế lớn lao của người đương chức. Lợi thế này còn gia tăng mạnh mẽ bởi ưu thế rất lớn của người đương chức trong việc gây quỹ và việc phân chia khu vực (gerrymandering)4 ngày càng trắng trợn hơn, bởi việc vẽ những khu vực bầu cử với các đường biên giới bị biến dạng nhằm bảo vệ những người đương chức và làm lợi cho đảng.5 Đặc biệt là các bang đông dân – nơi đường biên các khu vực bỏ phiếu được vẽ sao cho có nhiều khả năng nhất trong việc đẩy ghế cho một đảng và củng cố thêm cho những người đương chức – quá trình phân chia lại khu vực bầu cử càng làm gia tăng hiện tượng phân cực trong đời sống chính trị, những bước nhảy về công nghệ trong việc lập trình máy tính, quá nhiều và ngày càng nhiều hơn số liệu điều tra dân số theo vùng cũng làm gia tăng đáng kể khả năng dự đoán xu hướng của cử tri. Trong hai cuộc bầu cử đầu tiên trên toàn bang sau khi chia lại khu vực bầu cử ở bang California vào năm 2001, không có ghế nào trong 80 ghế hạ viện hay 40 ghế nào trong thượng viện chuyển từ tay đảng nọ sang đảng kia.

Điều này có quan hệ mật thiết với chất lượng của dân chủ theo ba cách. Thứ nhất, cạnh tranh chính trị không chỉ là sự quan tâm mang tính tự ái vào kết quả bầu cử, tự nó đã là giá trị quan trọng trong chế độ dân chủ và là biện pháp để buộc các quan có trách nhiệm giải trình. Khi những người đại diện dân cử xuất thân từ những khu vực bầu cử quá “an toàn”, đến mức đảng đối lập không thể giành chiến thắng, trách nhiệm giải trình trở thành vô nghĩa. Thứ hai, lòng nhiệt tình và sự tham gia của cử tri sẽ nhạt nhòa khi kết quả cuộc bầu cử dường như đã được quyết định từ trước. Khi một đảng nào đó luôn luôn thắng hay thua với cách biệt quá lớn trong một khu vực bầu cử, tại sao còn mất công đi bầu? Cuối cùng, cạnh tranh suy giảm còn làm gia tăng sự phân cực trong chính trị và chính sách công. Những khu vực bầu cử có tính cạnh tranh, với sự cân bằng hơn giữa Cộng hòa và Dân chủ, thường có những đại diện được bầu với tỉ lệ cách biệt vừa phải hơn so với những khu vực bầu cử an toàn.6 Những người đại diện phải có sức hấp dẫn (hay có trách nhiệm giải trình) đối với cử tri ở trung tâm thì mới được tái cử.

Trong “giới chính trị” ăn trên ngồi trốc của Mỹ – kể cả trong các quan chức nhà nước, các nhà hoạt động đảng phái, các nhà tài trợ và các nhà lãnh đạo các nhóm lợi ích, sự phân cực mang tính đảng phái còn nghiêm trọng hơn là trong quần chúng cử tri nói chung. Nhưng đấy là vấn đề lớn hơn người ta vẫn nghĩ. Hai đảng lớn đã tự thể hiện như là bản sắc mang tính bộ lạc, trong đó đỏ (các bang mà đa số dân cư bỏ phiếu cho ứng viên Cộng hòa gọi là “đỏ” – ND), và xanh (các bang mà đa số dân cư bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ gọi là “xanh” – ND) đẩy đen, nâu và trắng như là những thành phần cử tri đoàn của sự chia rẽ mang tính màu sắc trên toàn quốc ra rìa. Cơ cấu các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng là nguyên nhân chính của sự “xa cách” giữa nhân dân và giới chính trị. Với tỉ lệ cử tri đi bầu trong các cuộc bầu cử sơ bộ còn thấp hơn hẳn, những người hoạt động gắn bó hơn với ý hệ còn có ảnh hưởng mạnh hơn đối với những người được đảng chỉ định. Những người được đảng chỉ định đứng ra tranh cử ngày càng phân cực hơn và sau khi được bầu, những người nắm chức vụ ngày càng gắn bó hơn với mô hình bầu cử mang tính ý hệ nhằm đẩy lui được những người thách thức trong cuộc bầu cử sơ bộ sau.7 Trong các cuộc tổng tuyển cử, đầu phiếu khối (bloc voting, tức là mỗi cử tri bỏ phiếu cho N ứng viên và N ứng viên có nhiều phiếu nhất sẽ thắng cử – ND) trong cử tri đoàn ở nhiều bang càng làm tăng sắc thái địa lí cho sự chia rẽ theo màu sắc, tạo ra nhiều bang “đỏ” Cộng hòa và “xanh” Dân chủ .

Chú thích:

1. Nivola and Galston, “Toward Depolarization”, p. 236.
2. Điều này được thể hiện bằng phân bố khu vực bỏ phiếu quốc hội bầu cho hai đảng lớn nằm trong khoảng 45 đến 55%. Xin đọc Thomas E. Mann, “Polarizing the House of Representatives: How Much Does Gerrymandering Matter?” in Pietro S. Nivola and David W. Brady, eds., Red and Blue Nation? Characteristics and Causes of America’s Polarized Politics (Stanford Calif,: Hoover Institution, and Washington D. C.,: Brrooking Institution, 2006), p. 268.

3. Ibid., p. 269, hình 6.1.
4. Gerrymandering là thuật ngữ nhằm chỉ việc cố ý tạo ra các khu vực bầu cử để chắc chắn đạt được những mục đích chính trị nào đó, đây là một thực tiễn lâu đời ở Mỹ. Nó có tên như thế là do ông Elbridge Gerry, chúng ta đã gặp tên ông này vì ông ta là đại biểu của Hội nghị Lập hiến Mỹ. Sau khi được bầu làm thống đốc bang Massachusets, năm 1812 Gerry đã tìm cách phân chia lại khu vực bầu cử đại biểu cho cơ quan lập pháp bang nhằm giúp Đảng Cộng hoà luôn duy trì được đa số. Sau đó có người nhận thấy bản đồ khu vực bầu cử đó có hình thù như con kì nhông (salamander) thì một nhà phê bình liền nói rằng nó giống con “Gerrymander” hơn. Thuật ngữ gerrymander, bao gồm cả động từ to gerrymander, sau này đã được đưa vào từ điển của nước Mỹ – ND.
5. Mặc dù năm 2006, thất bại khá lớn của đảng Cộng hòa (31 ghế tất cả) cho thấy khả năng cạnh tranh đã được phục hồi trong hệ thống hiện hành, đảng Dân chủ đã có thể giành chiến thắng lớn hơn nếu không có việc chia lại khu vực bầu cử sau cuộc điều tra dân số năm 2000, và đảng Dân chủ đã giành được thắng lợi tốt nhất năm 2006 trong các bang như New York, Indiana và Arizona, những bang mà việc phân chia lại vào năm 2002 được thực hiện trên cơ sở lưỡng đảng hay phi đảng phái. J. Gerald Hebert, “Gerrymandering is Alive and Well: Why We Need Redistricting Reform”, Campaign Legal Center Blog, December 20, 2006, http://www.clcblog.org/blog_item-99.html.

6. Mann, “Polarizing the House of Representatives”, pp. 275-76.

7. Morris P. Florina and Matthew S. Levendusky, “Disconnected: The Political Class versus the People”, in Nivola and Brady, eds., Red and Blue Nation?, pp. 49-71.

Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường