Những tiêu chí của tính khoa học trong kinh tế (Phần 3)
5. Quan điểm của Milton Friedman: chủ nghĩa thực nghiệm và chủ nghĩa công cụ
Cuộc tranh luận về học thuyết cận biên ít nhất đã có công cho thấy tính chất then chốt của những vấn đề phương pháp luận và cũng nhờ nó ta có một tiểu luận của Milton Friedman, một tiểu luận đã trở thành cổ điển dù cho những kết luận của nó là nhập nhằng: Essays in Positive Economics (1953).
Trước những nhà tiên nghiệm chủ nghĩa, M. Friedman thẳng thắn nhắc nhở rằng thiên hướng của kinh tế học là một khoa học thực nghiệm, tức là một khoa học phải được đối chiếu với “tính hiển nhiên của sự kiện” (factual evidence). Do đó để cho kinh tế học thực chứng (ở đây được đối lập với kinh tế học chuẩn tắc) tiến triển cần phải định nghĩa những tiêu chí phê chuẩn tính hiệu lực hay không, tương tự như những tiêu chí của những khoa học tự nhiên (vì Friedman ủng hộ tính thống nhất của phương pháp).
Bởi thế phải xét lí thuyết trên “khả năng dự báo lớp những hiện tượng mà lí thuyết được xem là có thể giải thích”. Chỉ có chứng cứ hiển nhiên thực nghiệm của sự kiện mới phê chuẩn hay không một lí thuyết.
Nhưng quan niệm độc đáo của Friedman hiện rõ khi ông cho rằng kiểm định duy nhất thích đáng để phê chuẩn hiệu lực của một lí thuyết là việc so sánh những dự báo của lí thuyết với thực nghiệm. “Kiểm định những tiên đề (hay giả thiết cơ bản) là một ý sai lầm và từng gây tác hại lớn. Những giả thiết cơ bản không nhất thiết phải thực tế, mà còn có lợi nếu chúng là không thực tế”. Một lí thuyết muốn được coi là quan trọng phải giải thích được nhiều hiện tượng bằng một số ít yếu tố, nghĩa là phải làm hiện ra, bằng một quá trình trừu tượng hoá, những yếu tố then chốt trong vô số những hoàn cảnh bao quanh hiện tượng phải giải thích. Như thế để có được tính sâu sắc và tính giải thích, một lí thuyết, về mặt mô tả, phải có những tiên đề sai.
Friedman, chủ yếu nghĩ đến cuộc tranh luận về tổng chi phí và chi phí cận biên, dễ dàng chứng minh là những giả thiết cơ bản không thể là thực tế trong nghĩa mô tả của từ này vì chúng phải tính đến tất cả những biến của bối cảnh mà không để sót một biến nào. Ngược lại lí thuyết phải đơn giản hoá hành vi của những tác nhân và những điều kiện ban đầu: do đó lí thuyết nhất thiết phải là “phi thực tế”.
Tuy nhiên, có thể hiểu tính phi thực tế này theo nhiều cách:
– Trong một nghĩa đầu, lí thuyết, theo logic friedmanian, có thể so sánh với loại hình lí tưởng weberian (dựa trên việc đơn giản hoá và sơ lược hoá) mà tính hiệu lực có thể được phê chuẩn bằng những kiểm định các dự báo của lí thuyết. Trong nghĩa này lập luận là có thể chấp nhận được mặc dù không thấy rõ vì sao những giả thiết cơ bản phải là phi thực tế.
– Trong một nghĩa thứ nhì, có thể hiểu phi thực tế một cách triệt để hơn: ta chấp nhận, ví dụ, rằng hành vi thực tế của các tác nhân khác một cách sâu sắc với những giả thiết cơ bản. Đó là điều xảy ra trong cuộc tranh luận về chủ nghĩa cận biên khi nhận thấy rằng các doanh nghiệp ấn định giá, mà không qui chiếu về chi phí cận biên và cầu trên thị trường nhưng lại áp dụng qui tắt tổng chi phí hay bất kì quy tắc nào khác theo tập quán.
Trường hợp này dẫn đến phương pháp luận “như thể”1, nghĩa là đến chủ nghĩa công cụ. Lí thuyết không có tham vọng biểu trưng hành vi thực tế của các tác nhân: lí thuyết chỉ khẳng định là tất cả diễn ra “như thể” các tác nhân tuân thủ qui tắc ấn định giá theo chi phí cận biên. Friedman thừa nhận là các doanh nghiệp không có những thông tin cần thiết để tính chi phí cận biên hay đường cầu nhưng ông bổ sung một lập luận kiểu tiến hoá luận theo đó thì trong một thời gian ít nhiều dài, nếu hành vi của các doanh nghiệp không tương hợp với việc tối đa hoá doanh thu thì doanh nghiệp không sống sót được. Quá trình đào thải tự nhiên do đó giúp phê chuẩn hiệu lực của lí thuyết hay đúng hơn lí thuyết tóm tắt một cách thích hợp những điều kiện sống còn của doanh nghiệp.
Phương pháp luận công cụ cũng chịu phải những phản bác của Popper mà những nét chủ yếu là như sau:
1. Nếu như Friedman nghĩ, kiểm định duy nhất để cho một lí thuyết có hiệu lực là sự phù hợp của những dự báo của lí thuyết với thực nghiệm thì lí thuyết hoạt động mà không có một giải thích nhân quả nào về hiện tượng được nghiên cứu. Trong thực tiễn điều này làm biến mất khỏi lĩnh vực khoa học tính nhân quả. Nhưng như thế cũng là làm biến mất, cùng với chủ nghĩa hiện thực khoa học, sự qui chiếu về chân lí. Mặt khác, do lí thuyết không được coi là cung cấp một hình ảnh xấp xỉ đúng về những hiện tượng được phân tích nên thành công của những dự báo là không thể giải thích được.
2. Phương pháp luận công cụ biến những lí thuyết thành đơn thuần là những công cụ tính toán (Popper, 1972), nhưng đồng thời nó cũng che khuất vị trí trung tâm của nguyên lí phản bác trong việc xây dựng khoa học. Popper cho là “một công cụ chỉ để đơn giản làm dự báo không thể là đối tượng của sự phản bác”. Cách kiến giải công cụ chủ nghĩa như thế bất lực trong việc tính đến những kiểm định thực sự là những mưu toan phủ nhận: qua đấy đến lượt tiến bộ của những lí thuyết khoa học cũng trở nên không giải thích được. Chủ nghĩa công cụ hiện ra như một thái độ dễ dãi và bảo thủ.
Bởi thế cách kiến giải công cụ chủ nghĩa của quan điểm của Friedman là không thể chấp nhận được (xem ví dụ Meidinger, 1987: 129-153).
Nếu muốn cứu vớt phần nào quan điểm này thì phải gán cho nó một nghĩa thứ ba bằng cách thêm vào khái niệm lĩnh vực ứng dụng. Trong nghĩa này, mệnh đề friedmanian đưa đến việc “phát biểu lại những tiên đề sai như những mệnh đề đúng trong một lĩnh vực nhất định”. Hình như thái độ này ứng với nỗi hoài nghi và thế phòng thủ của Friedman, ít ra là đối với lí thuyết tân cổ điển về doanh nghiệp mà có vẻ là ông không tin rằng “một ngày nào đó nó phải nhường chỗ cho một lí thuyết bao quát hơn”.
Dù có chọn cách kiến giải nào đi nữa thì phương pháp luận friedmanian vẫn sai trái và dẫn đến những hậu quả tiêu cực trong cách thực hành của các nhà kinh tế: trước hết, nó mâu thuẫn vì tuy vẫn chủ trương thực nghiệm và kiểm định, phương pháp này tước đi tính hiệu quả phương pháp luận. Và mặc dù kính cẩn ngã mũ trước Popper, phương pháp luận friedmanian là phản Popper.
Hơn nữa việc tấn công vào tính thực tế của những tiên đề đã phát sinh một thái độ có hại hơn nữa cho việc sửa sai những phương pháp thường được các nhà kinh tế dùng. Đi theo Friedman, các nhà kinh tế không quan tâm đến việc sửa sai những tiên đề trên đó họ xây dựng những mô hình hình thức hoá. Như Leontief2 (1974) đã nhấn mạnh: “khi một mô hình mới được ra mắt, người ta thường chú trọng đến việc phát sinh từng bước các đặc tính hình thức của mô hình [...] Khi đến lúc giải thích các kết luận trọng yếu, người ta đã đủ thì giờ để quên các giả thiết trên cơ sở đó mô hình được xây dựng lên” . Và ông tiếp: “điều mà người ta thật sự cần là vệc xác định và kiểm tra các giả thiết với các hiện tượng quan sát được; một việc rất khó và hiếm khi được làm tốt”.
Phương pháp luận “như thể” do đó hiện ra như sự biện minh cho một nền kinh tế hoàn toàn giả định, hay đúng hơn là tư biện. Nó trở thành phương sách cuối cùng để các nhà kinh tế bám vào, do không có khả năng xây dựng những giả thiết thực tế nên đành tự bằng lòng với một kiểm định thực nghiệm và tiềm tàng những kết luận của mô hình của họ.
Điều lí thú cần ghi nhận là quan điểm của Friedman trái ngược với phương pháp của Alfred Marshall, nhà kinh tế cho đến giữa thế kỉ XX vẫn là điểm qui chiếu của tất cả những nhà kinh tế anglo-saxon, và là người hoàn toàn cố ý đi tìm tính thực tiễn của những giả thiết bằng sự hiểu biết cụ thể những điều kiện của nền công nghiệp. Có thể nhắc lại rằng là nhờ ông nên đã có những nghiên cứu về năng suất trong doanh nghiệp, sự phân biệt ngắn, trung và dài hạn, những khái niệm tính kinh tế theo quy mô (bên ngoài và trong nội bộ), và do đó nhiều phát triển lí thuyết tiếp đấy mà, theo tôi, chứng minh cho tính phong phú của những giả thiết thực tế.
6. Lịch sử các khoa học3 và những tiêu chí đánh giá của Kuhn
Không thể đề cập đến vấn đề đánh giá những lí thuyết trong kinh tế học mà không xem xét đóng góp của Th. Kuhn (1983), nhà sử học và triết gia khoa học, người đã đề xướng những cách nhìn hoàn toàn mới, mà ngày nay ta không thể bỏ qua, trong quan niệm về tiến hoá của các khoa học. Theo Kuhn, tiến trình của một khoa học gồm có bốn giai đoạn tiếp nhau: khoa học chuẩn định, khủng hoảng, cách mạng khoa học, và trở lại một khoa học mới (Có thể tìm thấy một tóm tắt và bàn luận đặc biệt xác đáng những mệnh đề của Kuhn trong Hacking, 1989. Tác phẩm này là một trình bày tốt nhất tôi biết được về những vấn đề hiện nay của triết học về những khoa học thực nghiệm).
Khoa học “chuẩn định” tượng trưng cho giai đoạn phát triển khoa học trong đó một hệ chuẩn hoạt động một cách thỏa đáng. Thuật ngữ hệ chuẩn4 (paradigme) được Kuhn biến thành thời thượng, lúc đầu có nghĩa là lược đồ hay mô hình. Kuhn sử dụng nó một cách lỏng lẻo và người ta đã đếm trong The Structure of Scientific Revolutions đến hai mươi mốt nghĩa khác nhau. Tuy nhiên có thể giới hạn thuật ngữ ở hai nghĩa chính. Nghĩa thứ nhất liên quan đến hệ chuẩn như sự hoàn thành. Thật vậy khoa học mang dấu ấn của một vài thành tựu mẫu mực như là lời giải của một vấn đề cổ điển bằng những khái niệm và phương pháp mới. Thành tựu này là khuôn mẫu cho những nhà nghiên cứu mới và là một tấm gương để xây dựng khoa học chuẩn định.
Trong nghĩa thứ nhì, hệ chuẩn là một tập hợp những khái niệm và giá trị chung cho một nhóm những nhà nghiên cứu. Nhóm này cùng chia sẻ một số phương pháp, chuẩn hành vi và giả thiết cơ bản. Những phương pháp, chuẩn hành vi và giả thiết cơ bản này được truyền cho sinh viên qua sách giáo khoa và hợp thành chuẩn mực tham chiếu để từ đấy xác định loại nghiên cứu phải tiếp tục theo đuổi và tổ chức việc nghiên cứu này. Sự “hoàn thành” là một trong những giá trị chung. Nó áp đặt một chuẩn thành tựu và xác định những “bất thường” mà việc thử thách dường như hứa hẹn những thành tựu khoa học.
Thật vậy, trong những giai đoạn khoa học chuẩn định, các nhà nghiên cứu làm việc trong một lĩnh vực được xác lập vững chắc và chỉ có những đụng độ nhỏ với lí thuyết hiện hành. Họ lí giải những “câu đố”, tức tìm những thay đổi thứ yếu của lí thuyết cho phép bác bỏ những phản bác vụn vặt hay để hợp nhất những sự kiện mới vào mô hình. Nhóm khoa học cũng quan tâm đến hình thức hoá toán học để cho lí thuyết trở thành hiển nhiên hơn và phù hợp hơn với thực tế, và cuối cùng là tinh chế những đo đạc định lượng được xem là quan trọng.
Nhưng khoa học chuẩn định hoàn toàn không lo đến việc xác minh, kiểm tra hay phản bác.
Tuy nhiên đôi lúc, những “câu đố” vốn là món ăn hằng ngày của khoa học chuẩn định trở thành những điều “bất thường”. Những bất thường này chồng chất và huy động công sức của nhiều nhà nghiên cứu nhưng vẫn không có giải pháp: thất bại của lí thuyết nối tiếp nhau và cả bộ môn bị khủng hoảng. Thường giải pháp nằm ở trong một cách tiếp cận hoàn toàn mới, dựa trên một cách đặt vấn đề và những khái niệm mới. Những hiện tượng trước đó là những trở ngại cho lí thuyết cũ đột nhiên, dưới ánh sáng của những ý mới, trở thành dễ hiểu. Những ý mới này ngày càng được nhiều nhà nghiên cứu chấp nhận. Có thể nói là một cuộc cách mạng khoa học vừa hoàn thành và một khoa học chuẩn định mới đã ra đời.
Điểm mới trong cách nhìn của Kuhn là ông quan niệm những thay đổi của các hệ chuẩn như những cuộc cách mạng hay những cuộc cải đạo. Ông nhấn mạnh đến những yếu tố tâm lí hay xã hội làm những nhà nghiên cứu đảo từ một niềm tin này sang một niềm tin khác: việc thay đổi niềm tin là không duy lí, dù cho nó đánh dấu bước chuyển từ một học thuyết ít hợp lí sang một học thuyết hợp lí hơn. Như thế Kuhn mời gọi chúng ta xét lại quan niệm về sự phát triển của khoa học chỉ phụ thuộc vào những chuẩn mực của lí tính và logic. Sau một sự thay đổi hệ chuẩn, theo ông chúng ta sống “trong một thế giới khác”.
Nếu hệ chuẩn mới về mọi mặt là ưu việt hơn hệ chuẩn cũ thì chúng ta có thể thừa nhận là ta đã theo một quan điểm rất popperian và rằng cuộc cách mạng khoa học là khá giống với sự phản bác. Nhưng đối với Kuhn không thể diễn tả những ý của lí thuyết trước trong ngôn ngữ của lí thuyết mới: hai hệ chuẩn là “không thể so sánh được”. Thường không thể tìm ra một ngôn ngữ trung lập cho phép so sánh những hệ chuẩn. Như vậy quan niệm popperian về những lí thuyết ngày càng bao phủ nhường chỗ cho một cách nhìn ít duy lí hơn theo đó tri thức tiến triển không bằng tích lũy nhưng bằng những cách kiến giải lại và tiêu hủy.
Ta nhận xét là quan niệm của Kuhn không chỉ là một tiến công vào lí tính trong sự phát triển của tri thức: nó còn nhắm vào chủ nghĩa hiện thực khoa học. Vì nếu sự thay đổi hệ chuẩn kéo theo một thay đổi của cách nhìn thế giới, thì không nhất thiết là đã có một tiến bộ đến chân lí, một bước tiến đến hình ảnh thật sự của thế giới vì không có một hình ảnh như thế (Hacking, 1989: 119). Chỉ có cải tiến công nghệ và tiến bộ trong hướng tiêu cực: trong chừng mực là ta từ bỏ những ý tưởng mà ta có lẽ sẽ không bao giờ bị quyến rũ để lấy lại chúng nữa. Đây là một điểm Kuhn đến gần với Popper.
Chú thích
(1) Xem mục “Như thể” trong Từ điển phân tích kinh tế của Guerrien, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).↩
(2) Xem bài Giả thiết lí thuyết và sự kiện không quan sát (ND).↩
(3) Có thể tham khảo thêm phần “phương pháp luận lịch sử” (trang 594-598) trong Lịch sử triết học (Nguyễn Hữu Vui chủ biên), nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998 (ND).↩
(4) Trong những ấn phẩm tiếng Việt, còn được dịch là hệ ý, hệ hình, phạm thức, v.v. (ND).↩
Nguồn: “Critères de scienticifité en économie” của Hubert Brochier trong Encyclopédie économique (Bách khoa kinh tế), nhà xuất bản Economica, Paris, 1990, trang 25-54.
Nguồn dịch: Phantichkinhte123:Những tiêu chí của tính khoa học trong kinh tế