Sự mòn mỏi của nhà nước phúc lợi Hòa Kỳ (Phần 2/3)
(Tiếp theo Phần 1)
Hệ thống phúc lợi hoạt động như thế nào
Một trong những điều đầu tiên mà hệ thống phúc lợi của chúng ta làm là khiến cho người dân nghèo hơn để họ có thể đủ tiêu chuẩn được hưởng trợ cấp. Đủ tiêu chuẩn nhận trợ cấp nghĩa là phải tiêu hết tài sản và các khoản tiết kiệm, bao gồm cả xe cộ và điều này đặc biệt khó hiểu. Có khả năng di chuyển, đặt lịch và giữ các cuộc hẹn - phần lớn cuộc sống hàng ngày của chúng ta xoay quanh các phương tiện đi lại, chủ yếu là ô tô cá nhân nhưng chúng ta lại làm cho việc sở hữu xe ô tô trở nên khó khăn với những người theo đuổi phúc lợi.
“Khi đến đăng ký lấy tem phiếu thực phẩm, tôi phải đưa cho họ toàn bộ các bản sao kê của ngân hàng, cuống ngân phiếu trả lương, thông tin về tiền tiết kiệm, các hoá đơn và xe hơi của tôi – mọi tài sản tôi có, từng đồng xu cũng phải được khai báo”, Ken nói. Anh là một đầu bếp 30 tuổi, làm việc tại dải trung tâm thương mại ngoại ô Los Angeles, là người đã phục vụ bữa trưa cho tôi vào thứ 7. Hàng bán chậm, vì vậy anh ta dừng lại tán gẫu giữa lúc tựa vào quầy thu ngân, lau dọn những mảnh vụn rải rác trên sàn.
“Tôi có một chiếc xe hơi, nó cũng không phải thứ gì xa xỉ cả, nhưng nó có giá khoảng 4.000 USD, và họ nói với tôi rằng tôi không thể vừa có xe, vừa có đủ tiêu chuẩn được nhận tem phiếu thực phẩm. Tổng giá trị tài sản tôi có thể sở hữu là 2.000USD. Tôi cần phải bán chiếc xe đi, chỉ sống dựa vào thu nhập và một khi thu nhập ấy mất đi thì tôi sẽ đủ tiêu chuẩn. Họ muốn bạn phải đến trong tình trạng hoàn toàn túng thiếu – Bạn không thể có tiền tiết kiệm mà phải sống theo kiểu chỉ đủ tiền ăn, không có tiền dư dả. Thoả thuận như vậy.”
Trải nghiệm của Ken không phải là hiếm gặp. Để đủ tiêu chuẩn được nhận trợ cấp phúc lợi, những người đăng ký cần phải khai báo toàn bộ tài sản của mình. Những nhân viên công tác xã hội sau đó sẽ tiến hành thẩm tra tài sản để xác định người đăng ký có thực sự nghèo theo tiêu chuẩn để được nhận hỗ trợ hay không. Rất công bằng. Chúng ta không muốn dành tiền cho những người có tiền, chúng ta muốn giúp người nghèo. Nhưng hệ quả của nó là một hệ thống làm cho người dân nghèo hơn cả mức họ đang sống. Họ không thể nắm giữ những khoản tiết kiệm hay tài sản vật chất có giá trị lớn hơn một số tổng cho trước. Họ phải bán đi những tài sản mà theo một cách khác, họ có thể sử dụng chúng như đồ thế chấp để vay tiền hay khi có nhu cầu khẩn cấp. Điều này có nghĩa là họ mất đi khả năng kiểm soát kế hoạch dự phòng cá nhân của chính mình, chính phủ lúc này mặc định sẽ là lưới an sinh của họ.
Vào một buổi tối tháng 9 nóng nực ở Bronx, tôi đã phỏng vấn Shauna, một người mẹ trẻ có hai con. Chúng tôi ngồi ở trạm dừng xe buýt nằm phía bên kia của con đường từ khu vui chơi của bọn trẻ. Chúng tôi ngắm nhìn những cậu bé đuổi bắt nhau xung quanh khung xếp leo trèo lúc trời nhá nhem tối, nhanh nhẹn đến kinh ngạc, mặc dù những chiếc đèn đường đã bị cháy và bao quanh công viên chỉ là ánh sáng từ những chiếc xe đang chạy và từ tòa nhà bên kia đường. Khi bóng tối bao trùm, tiếng hò hét của bọn trẻ dần nhỏ lại và cuối cùng chúng rời khỏi đó để trở về nhà.
Shauna ngồi đợi xe buýt và kể với tôi trải nghiệm của cô khi ông nội mất đi và để lại cho cô chiếc xe của ông. “Nó là một chiếc xe Cadillac, có giá khoảng 8.000 USD. Không may thay, ông chỉ để lại cho mình tôi, và ngầm hiểu là tôi sẽ chia sẻ nó với các em gái của mình – nhưng điều đó không giúp ích gì cho cuộc sống của tôi. Trong con mắt của văn phòng phúc lợi, tôi có một tài sản trị giá 8.000 USD và điều đó khiến tôi không đạt tiêu chuẩn để hưởng trợ cấp xã hội - Tôi sẽ mất đi trợ cấp gia cư, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, tem phiếu thực phẩm, trợ cấp tiền mặt…., nghĩa là tất cả những khoản trợ cấp phúc lợi”.
Thế là, cô và các em của mình bán chiếc xe đi và chia nhau phần tiền bán được. Một chiếc xe hơi, thứ có thể cung cấp phương tiện di chuyển đến trường, đi làm hay tập luyện cho tất cả mọi người trong gia đình và còn có thể dùng để đưa những người họ hàng đi khám bác sĩ hay những việc lặt vặt khác, thay vào đó lại bị bán đi, tiền được phân chia và chi tiêu hết, tất cả điều đó khiến cho văn phòng phúc lợi tiếp tục trợ cấp cho họ. “Tôi không biết nữa, có thể điều đó hợp lý thôi, nhưng cảm giác ấy giống như thể là tôi sắp có được một chút tự do, một bước tiến nhỏ, và họ không thích điều đó, họ muốn giữ tôi ở đúng cái vị trí mà họ đã có được tôi. Vì vậy, lúc này tôi vẫn ở đây, tại trạm dừng xe buýt và đợi chờ chiếc xe buýt và mất đến 1 tiếng đồng hồ để đưa mình trở về nhà. Chiếc xe kia nếu có sẽ chỉ khiến tôi mất 10 phút thôi.”
Hệ thống này đã tước đi một công cụ dùng để các cá nhân có được chút quyền năng tự kiểm soát và thậm chí là thoát khỏi đói nghèo – một công cụ để tìm kiếm công việc mới ở khu vực địa lý rộng lớn hơn hay mở rộng tìm kiếm cả những công việc có yêu cầu phải có xe ô tô. Hệ thống đã khiến cho Ken và Shauna nghèo hơn.
Đáng chú ý là một số chương trình phúc lợi của Mỹ gần đây bắt đầu cho phép miễn trừ đối với phương tiện cá nhân hoặc gia tăng giá trị tài sản được nắm giữ trong một vài trường hợp, nhưng không phải tất cả các chương trình đều làm thế. Như vậy, trong lúc việc sở hữu một chiếc xe có thể được chấp nhận khi nhận trợ cấp từ một chương trình, người sở hữu xe có thể sẽ không đủ tiêu chuẩn nhận trợ cấp từ các chương trình khác, và việc thông qua những điều luật này hết sức phức tạp. Một khi đã đủ tiêu chuẩn để được hỗ trợ, những người nhận trợ cấp được yêu cầu phải thường xuyên đề nghị tái xét lại tiêu chuẩn. Đây thực sự là một điểm tốt nếu chúng ta cố gắng sử dụng tiền phúc lợi thật đúng đắn và đảm bảo rằng chỉ có người nghèo mới nhận được sự giúp đỡ. Nhưng cách tiếp cận theo kiểu “một cỡ vừa cho tất cả” này có thể đưa đến nhiều gánh nặng.
Một bà mẹ ở Seatle, người có cả 5 đứa con đều đang sống dựa vào trợ cấp, gần đây đã bình luận, “Mỗi khi tôi đến văn phòng, lại có thêm một mẫu đơn khác mà tôi phải hoàn thiện rồi một cái nữa, và lại một cái nữa. Sau đó tôi phải đi dọc thị trấn đến một văn phòng khác, và họ yêu cầu giấy chứng sinh của con tôi để làm gì đó. Bạn biết đấy, họ có đủ loại máy tính ở đó, và tôi biết chẳng khó khăn gì để xét đạt yêu cầu chỉ với một lần, nhưng thay vì thế, tôi cứ chạy cuống cuồng mà không xong việc, cố gắng đảm bảo rằng mình đã làm mọi điều cần phải làm”.
Khi được hỏi về triển vọng công việc, cô ấy tròn mắt ngạc nhiên nói, “Bạn có thể tìm kiếm việc làm bằng cách nào đây khi một tháng có ít nhất 2 đến 3 lần, bạn phải có mặt ở đó, mất hàng giờ xếp hàng, đợi chờ đến lượt của mình để biết được mình cần làm gì tiếp theo? Ông chủ nào mà đồng ý cho bạn nghỉ để làm điều đó cơ chứ?”
Nếu sự phụ thuộc không quá cao thì những quy định dường như cũng không quá phiền hà đến vậy, nhưng việc không tuân thủ bất kỳ nguyên tắc nào cũng có thể dẫn đến mất trợ cấp mà kết quả là xếp hàng lại từ đầu, đăng ký lại, thường là nhận trợ cấp trễ hơn. Đối với những người ở dưới cùng của bậc thang kinh tế, một hoặc hai tháng không có trợ cấp có thể vô cùng thê thảm.
Những người tham gia nhiều nhất vào hệ thống phúc lợi sẽ có nhiều thứ để mất nhất. Nếu một người thụ hưởng vượt quá ngưỡng tài sản hoặc ngưỡng thu nhập, cô ấy hoặc anh ấy có thể sẽ mất tất cả các khoản trợ cấp cùng một lúc. Hiện tượng này thường được biết đến với cái tên “vách đá phúc lợi” (welfare cliff) và nó là thứ ngăn cản rất nhiều bà mẹ theo đuổi công việc. Thử tưởng tượng một người mẹ đơn thân trẻ với hai đứa con. Cô ấy thất nghiệp. Cô ấy sống trong căn nhà được trả bởi phiếu trợ cấp nhà ở, các dịch vụ tiện ích đang được trả bằng phiếu trợ cấp dịch vụ tiện ích, nhu cầu về y tế được Medicaid chi trả, cô ấy có thuốc và thực phẩm bổ sung sức khỏe cho bản thân mình thông qua chương trình Phụ nữ, Trẻ sơ sinh và Trẻ em, được biết đến với cái tên WIC, và cô ấy có tem phiếu thực phẩm. Nếu người phụ nữ đó bỗng dưng rớt khỏi danh sách phúc lợi, cô ấy sẽ phải kiếm gần 40.000 USD một năm mới thay thế được phần giá trị cô đã mất từ trợ cấp. Điều này trở thành một động cơ khuyến khích cô không làm việc, rủi ro của việc mất đi trợ cấp là cực kỳ lớn. Bởi thế, có công ăn việc làm thay vì trở thành con đường thoát nghèo lại là rủi ro cho cô và hạnh phúc gia đình cô.
Janie, một bà mẹ 3 con sống ở Chicago, mô tả như sau: “Tôi đến nói với nhân viên công tác xã hội là mình sẽ nhận một công việc bán thời gian và cô ấy đã nói, ‘Ồ không, không, không, chị không thể nhận công việc đó. Nếu chị nhận, chị sẽ mất mọi thứ - nhà cửa và các loại trợ cấp. Tốt nhất chị nên ở nhà.’ Mọi người nói họ không muốn chúng tôi sống dựa vào hệ thống phúc lợi, nhưng họ làm cho điều đó diễn ra như vậy đấy, nếu bạn có một công việc và bắt đầu cố gắng để thoát khỏi nghèo đói, họ đột nhiên không còn giúp đỡ bạn nữa. Bạn không thể thắng được.”
Và vách đá phúc lợi này cũng ảnh hưởng đến những người làm thuê có thu nhập thấp nữa. Một cô y tá tôi từng gặp, làm việc tại một trung tâm y tế cộng đồng và người di cư thuộc vùng nông thôn Washington, giải thích về tình trạng của cô ấy như sau: “Tôi vừa được đề nghị vị trí giám sát viên điều dưỡng. Thật sự sẽ rất tuyệt vời cho sự nghiệp của tôi nếu nắm lấy vị trí đó. Nhưng tôi không thể, vì ngay lúc này, tôi đang đủ tiêu chuẩn được nhận trợ cấp nhà công cộng do thu nhập thấp và đông con. Và tôi sẽ mất nó nếu tôi kiếm được thêm tiền. Và tôi sẽ mất cả trợ cấp chăm sóc sức khỏe và tem phiếu thực phẩm. Tôi đã tính toán rồi, sự tăng lên trong thu nhập không đủ để bù đắp được giá trị của những trợ cấp trên.” Trong trường hợp của cô ấy, cải thiện sự nghiệp là quá rủi ro và sẽ khiến cô ấy phải trả giá bằng tiền.
Keith, một chàng trai trẻ tôi gặp ở New Oleans, đang làm hai công việc bán thời gian, đã tả lại trải nghiệm của anh ấy khi vô tình không tuân thủ nguyên tắc trợ cấp tem phiếu thực phẩm. “Có một năm các cô của tôi hỏi tôi mong muốn gì cho Giáng sinh, và tôi đã kể với họ việc bạn cùng phòng của tôi mới bỏ đi và làm tôi bị mắc kẹt với nhiều hoá đơn cho các dịch vụ tiện ích. Tôi đề nghị thay vì mua cho tôi món đồ gì đó họ chỉ cần trả hết tiền cho những hoá đơn kia, bởi vậy, họ đã thanh toán hết cho những dịch vụ tiện ích tháng đó và tôi bị vướng vào rắc rối. Tháng sau đó, tôi phải đến để xác nhận lại tiêu chuẩn được hưởng tem phiếu thực phẩm và thuật lại với nhân viên công tác xã hội điều gì đã xảy ra.”
Chàng trai dừng lại, hít một hơi thật sâu và tiếp tục: “Tôi biết. Tôi hiểu điều đó chứ. Họ chỉ làm đúng công việc của mình. Nhưng điều diễn ra lúc đó là họ thu lại tem phiếu thực phẩm của tôi; họ nói rằng quà tặng là thu nhập mà tôi cần phải khai báo và tổng tiền quà đã làm cho tôi bị vượt quá giới hạn thu nhập. Và, trên hết, tôi phải trả lại số tiền trợ cấp thực phẩm từ tháng trước, và điều này khiến tôi phải mất 3 tháng để trở lại như cũ. Tôi thấy cũng dễ hiểu thôi nhưng điều đó thực sự đã tạo ra một mớ rắc rối về tài chính cho tôi”. Trong trường hợp của Keith, cậu ấy đã làm những điều tốt nhất cậu có thể, nắm giữ hai công việc bán thời gian, luôn tìm kiếm một công việc khác nữa, và tem phiếu thực phẩm cũng vừa đủ để đảm bảo cậu ăn uống đàng hoàng phần lớn thời gian. Với những người không có thu nhập khác, những ổ gà trên đường như vậy có thể trở thành những chiếc hố bẫy họ vào sự nghèo đói thê thảm hơn, và làm cho nó thậm chí còn khó khăn hơn để thoát khỏi.
Dora, một người mẹ trẻ ở Georgia tôi gặp khi tiến hành một chương trình đào tạo nghiệp vụ ở văn phòng phúc lợi địa phương, vừa nhận được thông báo cô không được tham gia nữa vì được chẩn đoán mắc bệnh hiếm gặp và dễ gây tử vong. "Tôi ước tôi có thể tới đó và nói, ‘Đây, hãy lấy lại phúc lợi của các anh, tôi không cần đến nó nữa.' Tôi muốn những đứa con của tôi xem tôi như một người mẹ da đen đáng tự hào, làm việc, kiếm ra tiền. Tôi ghét việc hàng tháng chúng nhìn thấy tôi phải trải qua kiểm tra phúc lợi như thế. Bác sĩ của tôi nói rằng tôi không thể làm việc, và bây giờ họ nói tôi không thể tham gia vào chương trình này nữa, nhưng tôi dự định sẽ làm cắt tóc tại nhà, cho đến khi tôi quá ốm yếu không thể tiếp tục làm công việc đó. Hy vọng rằng, khi đó, tôi sẽ kiếm được đủ tiền để thoát khỏi phúc lợi. Điều này sẽ phải được giữ bí mật, bởi vì họ nói rằng tôi không thể làm việc, và tôi biết điều đó là phá vỡ các quy tắc, nhưng tôi chỉ muốn một ngày, khi tôi có thể đi tới và nói với nhân viên công tác xã hội của mình, 'Không, cảm ơn. Tôi không cần đến anh nữa. Tôi ổn cả. Tôi hiểu rõ cả rồi.’ Đó sẽ là ngày tôi lấy lại được lòng tự trọng, có thể ngẩng cao đầu và cảm thấy tự hào. Tôi chỉ hy vọng mình sẽ không chết trước lúc đó."
Chi phí sức khỏe của các chương trình phúc lợi xã hội
Không có việc gì để làm là một điều buồn chán, và thường dẫn đến trầm cảm, rượu, và ma túy. Trong khi nhiều người sống dựa vào phúc lợi vẫn luôn bận rộn, nhiều người lại không. Nhiều bà mẹ tôi gặp ở một công viên địa phương ở Harlem tả lại những gì họ làm trong cả ngày. "Chúng tôi đi chơi với bạn bè của mình. Chúng tôi ăn. Chúng tôi uống rượu", một người nói. "Sau đó, chúng tôi đi chơi thêm một vài chỗ nữa." Người khác thêm vào, "Tôi muốn làm việc, tôi biết điều đó. Đôi khi tôi cảm thấy chán nản và bắt đầu tạo công việc cho bản thân mình, giặt quần áo không cần giặt, buộc cho con những kiểu tóc ngớ ngẩn”. Làm việc, nghĩa là ít nhất được làm những việc cần phải làm.
Trong số những người tôi đã từng phỏng vấn, phần lớn có hút thuốc lá; việc sử dụng và lạm dụng rượu rất phổ biến, và nhiều người thừa nhận có sử dụng ma túy. "Tôi hút thuốc lá, uống rượu và hút cần sa, đúng là vậy đấy”, Julie nói. "Tại sao lại không nhỉ? Kiểu sống lệ thuộc vào việc kiểm tra phúc lợi này là con đường dẫn đến cái chết; với cách này tôi không phải suy nghĩ về nó quá nhiều. Say thuốc, và ngày trôi qua nhanh hơn, bớt căng thẳng hơn. Tôi đã bán tem phiếu thực phẩm của tôi suốt thời gian vừa qua, vì tôi có rất nhiều đồ ăn ở nơi trú ngụ tạm bợ của mình. Đó là loại thuốc lá dở tệ, rượu dở tệ, thuốc phiện dở tệ, nhưng nó vẫn tốt hơn là không có gì."
“Tôi làm việc rất nhiều mỗi ngày”, dẫn lời của Sam, chàng trai trẻ tuổi sống dựa vào tem phiếu thực phẩm, làm hai công việc bán thời gian và vẫn không kiếm đủ tiền để sống. "Bằng cách đó, tôi không phải căng thẳng về nó nữa."
Có thể có một vài sự cảm thông cho những thái độ sống như vậy. Cuộc sống dựa vào phúc lợi có thể rất khó khăn. Bởi tất cả những lý do – lòng tự trọng bị hạ thấp, thường trực nỗi lo mất đi trợ cấp, sự phẫn uất với một hệ thống bảo trợ đang kiểm soát cuộc sống của họ - những người nhận phúc lợi thường xuyên buồn chán và tuyệt vọng. Việc họ tìm kiếm khoảnh khắc vui vẻ hay trốn chạy, thậm chí cả niềm vui, dường như không chỉ tự nhiên mà còn cần thiết.
Nhưng những câu chuyện về việc sử dụng ma túy trái phép, theo dự đoán, sẽ gây ra phản ứng dữ dội. Ít nhất ba mươi sáu cơ quan lập pháp tiểu bang đã bắt đầu cân nhắc các điều luật cho việc kiểm tra ma túy bắt buộc đối với người nhận phúc lợi vào năm 2011.15 Florida đã đi xa đến mức yêu cầu người đăng ký phải tự trả tiền cho việc kiểm tra thử nghiệm ma túy của chính họ; Những người vượt qua thử nghiệm này sẽ được hoàn lại 40 USD tiền lệ phí.16Những điều luật nêu trên, và nhiều điều luật khác đang được thông qua bởi các cơ quan lập pháp tiểu bang, được quảng bá là sự nỗ lực nhằm hướng đến mục tiêu phân bổ nguồn lực hạn chế một cách hiệu quả hơn cho những người cần đến nhất. Những người ủng hộ cho rằng những điều luật như vậy là cần thiết để đảm bảo rằng tiền từ ngân khố nhà nước được sử dụng cho nhu cầu đúng đắn của những người cần đến nó, chứ không phải nhu cầu về những thứ xa hoa. Những người phản đối lại cho rằng những điều luật ấy là một sự xâm phạm bất công khác vào cuộc sống của người nhận trợ cấp, trói buộc người nghèo vào một tiêu chuẩn khác với những người dân Mỹ khác.
Ngoài các thói quen phổ biến như hút thuốc lá, sử dụng ma túy và lạm dụng rượu, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra những hậu quả về sức khỏe bắt nguồn trực tiếp từ việc sống trong đói nghèo.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy người nghèo có tỷ lệ mắc bệnh béo phì cao hơn,17 chết sớm hơn,18 và phải chịu nhiều mức độ căng thẳng thần kinh, mà có thể làm giảm chỉ số IQ của họ.19 Không làm việc đem đến những hậu quả nghiêm trọng hơn bao gồm cả sự gia tăng về tỷ lệ tự sát. Một nghiên cứu gần đây cho thấy trong suốt thời kỳ suy thoái kinh tế mới đây nhất, việc đánh mất lòng tự trọng, sự tự lập, và phẩm giá cá nhân đi kèm với chuyện mất việc đã làm cho hàng ngàn người tự sát.20
(Xem tiếp Phần 3)
Nguồn: Tom G. Palmer, Self-Control or State Control? You Decide, Atlas Network 2016
Chú thích:
(15) “Drug Testing for Welfare Recipients and Public Assistance,” National Conference of State Legislatures (2015).
(16) “Editorial: Drug Testing Welfare Applicants Nets Little,” USA Today, last modi- fied ftarch 18, 2012, http://usatoday30.usatoday.com/news/opinion/editorials/ story/2012-03-18/drug-testing-welfare-applicants/53620604/1.
(17) Julia Griggs and Robert Walker, “The Costs of Child Poverty for Individuals and Society,” Joseph Rowntree Foundation (2008).
(18) Ibid.
(19) Ibid.
(20) Eric Pianin, “20 Percent of Global Suicides Linked to Unemployment,” Tfte Fiscal Times, last modified February 23, 2015, http://www.thefiscaltimes. com/2015/02/23/20-Percent-Global-Suicides-Linked-Unemployment.