Sự mòn mỏi của nhà nước phúc lợi Hòa Kỳ (Phần 1/3)
Cuộc sống sẽ như thế nào khi trách nhiệm cho hạnh phúc cá nhân của mỗi người sẽ do nhà nước giành quyền kiểm soát? Con người sẽ tận hưởng được bao nhiêu phần tự do khi phải tuân thủ việc kiểm soát tiêu thụ rượu, kiểm tra ma tuý, hay những xét nghiệm thai sản bắt buộc? Điều gì xảy ra với sự mưu cầu hạnh phúc khi mà mưu cầu ấy lại được định đoạt bởi những mệnh lệnh công quyền. Lisa Conyers là giám đốc nghiên cứu chính sách cho dự án DKT Liberty và cùng với Phil Harvey là đồng tác giả của cuốn sách The Human Cost of Welfare: How the System Hurts the People It’s Supposed to Help [Cái giá con người phải trả cho Phúc lợi: Hệ thống này đã làm tổn thương những người dân mà nó đáng ra cần phải giúp đỡ như thế nào?] (Santa Barbara: Praeger, 2016), và để hoàn thành các công việc này bà đã tiến hành phỏng vấn các chuyên gia về phúc lợi cùng với nhiều người đàn ông và phụ nữ đang phụ thuộc vào phúc lợi ở khắp nước Mỹ, trên những con phố, trong những cửa tiệm giặt là tự động, những căn nhà tạm trú, trạm dừng xe buýt, thành phố lều của người vô gia cư và cả lãnh địa của thổ dân da đỏ.
Vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, và sau đó là từ 2012 đến 2014, tôi đã đi khắp nước Mỹ phỏng vấn một mẫu lớn những người đang sống dựa vào chương trình trợ cấp công cộng dựa trên thẩm định tài sản (means-tested public assistance programs), được biết với cái tên “phúc lợi”. Tôi muốn biết liệu có phải sự phụ thuộc vào phúc lợi đã tác động đến tự do mưu cầu hạnh phúc của người nhận và liệu có phải việc xoá bỏ trách nhiệm kiếm tiền của một ai đó sẽ làm thay đổi nhận thức về cuộc sống của họ. Sống hạnh phúc mà không có sự đóng góp để nuôi chính bản thân mình, tôi tự hỏi, liệu có thể không?
Thế còn mối quan hệ cốt yếu giữa tự do và trách nhiệm thì sao – Điều gì xảy ra khi con người từ bỏ sự tự do của mình để đổi lấy một cuộc sống bị kiểm soát bởi bộ máy quan lại giấu mặt? Ý thức trách nhiệm cá nhân của họ có bị mất đi không? Họ liệu có quên mất cảm giác của sự tự do và cả ý nghĩa của nó?
Tất nhiên, cuộc sống dựa vào phúc lợi không phải là không có trách nhiệm, kể cả với những người đề nghị được xét tiêu chuẩn cũng như những người đề nghị xét lại, ở rất nhiều các chương trình khác nhau, của liên bang, nhà nước và địa phương, có cung cấp trợ cấp công cộng. Nhưng đây không phải là một việc làm có ý nghĩa, có thể đem đến cho người nhận sự giàu có, kĩ năng hay lòng tự trọng.
Khi tôi nghiên cứu về mối liên kết giữa trợ cấp với việc làm, với tự do và với hạnh phúc, điều làm cho tôi ngạc nhiên nhất là những thứ mình khám phá được về chuyện làm thế nào mà hệ thống phúc lợi lại đưa đến những kết quả phản tác dụng – thực tế là làm tổn hại đến những người dân mà nó đáng ra phải giúp đỡ. Hoá ra những khía cạnh làm mòn mỏi những người lệ thuộc vào phúc lợi nhiều nhất lại nằm ở chỗ hệ thống này có xu hướng kìm giữ người dân sống trong nghèo nàn (và đôi lúc còn làm cho họ nghèo túng hơn), và điều đó khiến cho lao động trở thành tiền đề làm cho người ta bị thiệt thòi thay vì đáng lẽ ra phải là sự tưởng thưởng. Nhưng với tôi, bi kịch thương tâm nhất là tổn thất mà sự phụ thuộc vào phúc lợi xã hội đã lấy đi của người ta là cảm giác về phẩm giá và lòng tự trọng, cùng với hậu quả kéo theo đó là ý thức về việc mất đi khả năng kiểm soát cuộc sống và số phận của chính mình.
Theo sau đây là một vài điều tôi đã tìm hiểu được trong những chuyến đi của mình về những cách thức khác nhau ảnh hưởng đến đời sống của những con người đang dần trở nên bị phụ thuộc vào chính phủ do bị tước đoạt trách nhiệm trong chính phúc lợi của họ. Tuy nhiên trước hết tôi sẽ trình bày tóm tắt về con đường đã đưa người Mỹ tiến đến việc có một nhà nước phúc lợi bành trướng như vậy, và cách mà nó đã vận hành khiến cho người dân bị mắc kẹt vào trong hệ thống.
Lược sử nhà nước phúc lợi
Vào đầu những năm 1960, trước khi tổng thống Lyndon Johnson phát động “Cuộc chiến chống đói nghèo”, nước Mỹ đã chi tiêu 6,1% GDP vào phúc lợi xã hội;1 và hiện nay con số đó là gần 14,5%2. Thời điểm năm 1965, khi cuộc chiến chống đói nghèo được phát động, 20% dân số, ước chừng 39 triệu người Mỹ, sống trong nghèo khổ3. Ngày nay, tỉ lệ người Mỹ được phân vào diện nghèo là 14%, một sự cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn đến 44 triệu người Mỹ sống trong khốn khó.4 Thêm nữa, có khoảng 700 tỉ trong số 3.500 tỷ đô la Mỹ của ngân sách liên bang đã được chi vào các chương trình dành cho người nghèo5. Mỗi người đóng thuế phải trả trung bình là 10.000 USD một năm cho số tiền chi vào phúc lợi6. Cứ 5 người Mỹ thì có 1 người sống dựa vào ít nhất một trong các các hình thức hỗ trợ công cộng, và riêng với 46 triệu người Mỹ, thì cứ 6 người lại có gần như 1 người chỉ sống dựa vào tem phiếu thực phẩm7.
Cuộc chiến chống đói nghèo của tổng thống Johnson đòi hỏi một định nghĩa về nghèo để có thể xác định được ai là người đủ tiêu chuẩn được nhận trợ cấp. Kể từ năm 1965, nghèo được định nghĩa là sống ở mức ngang hoặc dưới “chuẩn nghèo” đã được xác lập bởi chính quyền liên bang. Cách tính toán để ra được con số này được Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh cung cấp, sao cho tương đương 3 lần chi phí hàng năm cho việc ăn uống đầy đủ của người Mỹ. Nói một cách khác, nếu thu nhập của bạn ngang bằng hoặc thấp hơn 3 lần số tiền một người Mỹ trung bình một năm phải trả để ăn uống đầy đủ thì bạn là người nghèo. Công thức đó không hề thay đổi trong 50 năm. Vào năm 1965, chuẩn nghèo là 2.000 USD (tương đương 11.600 USD ở thời điểm hiện tại sau khi điều chỉnh theo lạm phát hàng năm).8 Và chuẩn nghèo cho một người sống độc thân vào năm 2015 cũng có con số tương tự, 11.770 USD.9 Cho đến thời điểm năm 2008, bạn được xem như người nghèo và đủ tiêu chuẩn nhận trợ cấp tới chừng nào thu nhập của bạn vẫn ngang hoặc dưới chuẩn nghèo.
Nhưng vào năm 2008, với việc thông qua Đạo luật Phục hồi và Tái đầu tư Hoa Kỳ (ARRA, sự ứng phó của liên bang với khủng hoảng kinh tế 2008), hàng tỷ đô la của liên bang đã được bơm vào nền kinh tế Mỹ dựa trên lý thuyết cho rằng việc làm này là cần thiết để ngăn chặn suy thoái mở rộng. Một phần của đạo luật này cho phép mở rộng trợ cấp phúc lợi xã hội cho người dân – trong một số trường hợp – có thể lên đến 400% chuẩn nghèo.10 Kết quả là một khoản tăng vọt khổng lồ trong chi tiêu phúc lợi xã hội. Chương trình phúc lợi của nước Mỹ giờ đây không chỉ phục vụ người nghèo mà dành cho cả tầng lớp trung lưu nữa.
Trong một bài báo gần đây trên tạp chí National Affairs, Daniel Armor và Sonia Sousa viết:
Hơn một nửa trợ cấp hiện nay được phân bổ thông qua các chương trình, mà chúng ta vẫn nghĩ là nỗ lực “xoá nghèo”, trên thực tế lại dành cho những người có thu nhập trên chuẩn nghèo theo định nghĩa của Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ. Kết quả cho thấy chương trình chống đói nghèo của chúng ta – vốn từng được biện hộ và bào chữa là lưới an sinh cho những người Mỹ thực sự cần đến – lại tồn tại, liên tục mở rộng, để làm cho cuộc sống của tầng lớp trung lưu trở nên an nhàn hơn.11
Trong khi đó, những người trong diện nghèo tột cùng, được định nghĩa là sống với mức thu nhập bằng hoặc thấp hơn 50% chuẩn nghèo, nhận thấy rằng khoản trợ cấp của họ bị giảm xuống trong 5 năm trở lại đây. Bởi vậy, giờ đây, trong khi tầng lớp trung lưu đang được nhận trợ cấp từ các chương trình vốn được thiết kế để giúp đỡ người nghèo, thì những người thực sự cần giúp đỡ lại đang nhận được trợ cấp ngày một ít hơn.12
Một đổi thay tích cực cho những người sống dưới chuẩn nghèo là cuộc sống của họ trở nên bớt thiếu thốn hơn về vật chất. Đa số các hộ nghèo giờ đây đều có lò vi sóng, một chiếc ô tô, truyền hình cáp, và rất nhiều người có điều hoà và/hoặc máy tính cá nhân, khác xa với sự thiếu thốn được miêu tả trong bài báo nổi tiếng năm 1964 trên tạp chí Time về tình cảnh nghèo túng ở Appalachia13, vốn được cho là đã tạo cảm hứng cho tổng thống Johnson phát động cuộc chiến chống đói nghèo. Những người nghèo chắc chắn là bớt túng thiếu hơn so với người nghèo trong quá khứ, người dân rõ ràng là đã có điều kiện vật chất khấm khá hơn bất kể là do chuyển nhượng thu nhập hay đơn giản là từ thực tế tăng trưởng thịnh vượng. Tuy nhiên, tỉ lệ nghèo vẫn cứ duy trì ở mức cao. Như Michael Tanner ở Viện Cato gần đây đã bình luận:
Tỉ lệ nghèo đói đã đứng im trong gần 50 năm, dẫn đến giả thuyết là hệ thống phúc lợi gần như đã không làm được gì để gia tăng tính tự túc trong người nghèo. Về bản chất, các chương trình phúc lợi của chúng ta không chống lại đói nghèo bằng việc giúp đỡ nhóm người nghèo vươn đến tầng lớp trung lưu thông qua lao động và giáo dục; chúng chỉ làm tình trạng tồi tệ của việc sống trong đói nghèo có thể dễ dàng chịu đựng hơn. Chúng ta đưa cho người nghèo một chiếc phao cứu sinh để giữ cho họ nổi nhưng không kéo được họ lên thuyền. Chúng ta đang tạo ra và duy trì hiệu quả một tầng lớp sống phụ thuộc 14. Nói theo cách khác, chúng ta làm cho người nghèo cảm thấy bớt khó chịu với sự nghèo túng – một thành tựu đáng ghi nhận - nhưng chúng ta không hề giải quyết được vấn đề.
(Xem tiếp Phần 2)
Nguồn: Tom G. Palmer, Self-Control or State Control? You Decide, Atlas Network 2016
Chú thích:
(1) Romia Boccia, Allison Acosta Fraser, and Emily Goff, “Federal Spending by the Numbers 2013: Government Spending Trends in Graphics, Tables, and Key Points,” Heritage Foundation, no. 140 (2013): 3.
(2) Ibid.
(3) ftichael Harrington, Tfte Otfter America: Poverty in tfte United States (New York: ftacmillan Publishing Co., 1969).
(4) Carmen DeNavas, Bernadette D. Proctor, and Jessica C. Smith, “Income, Poverty, and Health Insurance Coverage in the United States: 2009,” US Census Bureau, Current Population Reports (2010): 3.
(5) Robert Rector, Katherine Bradley, and Rachel Sheffield, “Obama to Spend $10.3 Trillion on Welfare: Uncovering the Full Cost of fteans-Tested Welfare or Aid to the Poor,” Heritage Foundation, SR-67 (2009): 20.
(6) Ibid., 30.
(7) Pam Fessler, “Both Parties Agree the Food Stamp Program Needs To Change. But How?” National Public Radio, last modified ftarch 20, 2015, http://www.npr.org/ sections/thesalt/2015/03/20/394149979/a-push-to-move-food-stamp-recipients-into-jobs.
(8) “Poverty Thresholds,” US Census Bureau (2015), accessed here: https://www.cen- sus.gov/hhes/www/poverty/data/threshld/.
(9) Ibid.
(10) “The Uninsured: A Primer,” Tfte Henry J. Kaiser Family Foundation, #7451-07 (2011).
(11) David J. Armor and Sonia Sousa, “Restoring a True Safety Net,” National Affairs, Issue No. 13 (2012): 4.
(12) Serena Lei, “The Unwaged War on Deep Poverty,” Urban Institute (2015).
(13) Ben Cosgrove, “War on Poverty: Portraits from an Appalachian Battleground, 1964,” Time, last modified January 7, 2014, http://time.com/3878609/war-on-poverty-appalachia-portraits-1964/.
(14) ftichael Tanner, “The War on Poverty Turns 50: Are We Winning Yet?” Cato Institute, Number 761 (2014): 16.