[Nhật Bản duy tân 30 năm] - Mở Cuộc Duy Tân (Phần 1)
Từ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, nào là chính trị giáo dục, nào là văn hóa võ bị, nào là công thương, lý tài, nào là cơ khí, nghệ thuật, cho đến những chuyện y phục tầm thường, tập quán lặt vặt, chẳng sót một vấn đề nào hay một phương diện nào mà không hóa xưa theo nay, đổi cũ ra mới.
Sự đổi thay vận mạng của một dân tộc quốc gia, đã đành trước hết phải nhờ có bọn đương quyền khôn ngoan sáng suốt và bọn chí sĩ thức thời làm hướng đạo tiên phong, nhưng cũng phải nhờ nơi dân tâm dân khí có biết hăm hở tấn hóa tự cường mới được. Đó là hai sự cần dùng cho cuộc tấn hóa, phải nương dựa lấy nhau và cùng đi với nhau.
Nếu có bọn đương quyền và chí sĩ sốt sắng cải cách song bị phần đông người ta còn quá ngu si thủ cựu, tự họ không muốn khôn, muốn mạnh, hay là họ tưởng mình đã khôn lắm mạnh lắm rồi, như vậy thì việc quốc gia lợi ích, khó lòng trông mong thi thố thành tựu gì được. Trái lại nếu chí sĩ có, dân tâm có, nhưng vô phước mà bị đám người cầm quyền là lũ đầu óc ngu dại, cứ ngồi lỳ trên cao, lấy quyền to sức mạnh của chúng để đè ép cản trở ý muốn tấn hóa của dân, thì việc quốc gia đại kế cũng không trông mong gì làm nổi. Dân tộc nào gặp cảnh ngộ thế ấy, kết quả đố khỏi hoặc là trong nước nổi lên một phen cách mạng đổ máu gớm ghê, hoặc là bị mất nước với người ta, nếu không cũng bị lợi dụng và yếu hèn mãi; chắc ai cũng ngó thấy nhiều quốc gia bị lôi kéo đắm chìm vào trong cảnh dưới đó cảnh vong quốc nhiều hơn. Nhật Bản đã có dân khá, lại không bị quan ngu, thành ra họ tấn hóa tự cường được là phải lắm.
Tuy ban đầu Mạc phủ nhất định chủ trương khai quốc mà dân tâm xôn xao phản đối; chẳng qua chỉ là sự hiểu lầm chốc lát đó thôi; tới chừng có mấy hiệp súng ở Lộc Nhi đảo 鹿児 島 [Kagoshima] và Hạ quan 下関 [Shimonoseki] thì cả nước tỉnh ngộ như chớp nhoáng và mạnh bạo thay đổi tư tưởng ngay. Chớ không cố chấp. Bao nhiêu tâm lực trước kia để vào chủ nghĩa “tỏa quốc nhương di”, nay dồn cả về một mục đích “văn minh cải cách”, vậy rồi nền duy tân dựng lên.
ĐỨC XUYÊN MẠC PHỦ DÂNG TRẢ CHÍNH QUYỀN
ĐỨC XUYÊN KHÁNH HỈ 徳川慶喜 [Tokugawa Yoshinobu] (1837-1913) - Người kết thúc chế độ Mạc Phủ, năm 1867.
Sau khi các nước ra oai bắn phá thành trì của hai cường phiên Tát, Trường rồi, thì cái tư tưởng “tỏa quốc nhương di” của bọn thủ cựu khắp trong nước đều theo làn khói thần công đại bác của ngoại nhân mà tiêu tan đi liền. Cuộc biến đổi tư tưởng này phát khởi từ cuối năm 1864, chính lúc Hạ Quan vừa mới bị đoàn tàu bốn nước hợp lại ra oai bắn phá, làm cho đảng “nhương di” giật mình hoảng vía, biết ngoại nhân có sức mạnh ghê, nước mình không sao chống cự nổi; chống cự thì chỉ hiểm nguy thiệt hại cho mình.
Trông người rồi ngẫm lại ta mà cảm! Chẳng những người Nhật đã tỉnh ngộ không nên “tỏa quốc nhương di” mà thôi, đồng thời họ lại tỉnh ngộ về chỗ sinh tử tồn vong của họ, tất nhiên phải tấn hóa duy tân cho bằng những kẻ đã tới bắt buộc họ mở cửa thông thương và đã giơ súng ra hăm dọa nọ kia mới được. Giờ họ xoay ra cái tư tưởng “đảo Mạc tôn Vương” 倒幕尊 王 [Sonnou Toubaku], để làm cơ sở cho cuộc duy tân cải cách.
Năm 1866, tướng quân Đức Xuyên Gia Mậu qua đời. Đức Xuyên Khánh Hỉ 徳川慶 喜 [Tokugawa Yoshinobu] vô ngồi Mạc phủ để nối nghiệp nhà, cầm quyền nước.
Qua năm sau 1867, Hiếu Minh Thiên hoàng 孝明天皇 [Koumei Tennou] thăng hà, thái tử mới có 15 tuổi, lãnh ba món truyền quốc thần khí 2500 năm mà lên nối ngôi báu. Tân quân lên kế vị năm 1867, qua năm sau 1868 đổi niên hiệu là Minh Trị nguyên niên, ấy là Minh Trị Thiên hoàng 明治天皇 [Meiji Tennou]. Viết tới đây, tôi chợt nhớ lại câu thơ truyền tụng của Corneille13: “Giá cao chẳng đợi tuổi già mới nên” (La valeur n’attend pas le nombre des années), thật đúng hết sức. Vua Minh Trị lên ngôi tuy còn nhỏ tuổi mặc lòng, nhưng đã có tài cao trí lớn, chính ngài ra tay cải cách duy tân, mở ra kỷ nguyên mới cho nước Nhật, đưa nước Nhật lên cõi phú cường hạnh phúc vậy.
Trong khoảng ba bốn năm đang nói đây, nhân tâm quốc luận hăm hở kêu gào chủ nghĩa “đảo Mạc tôn Vương” dữ lắm. Ai cũng bảo chế độ phong kiến trên 680 năm nay là chế độ Mạc phủ cầm quyền, bây giờ phải đến ngày kết thúc rồi. Ở đời này mà trong nước Nhật Bản còn có hai chính phủ: Một nơi chỉ giữ lấy danh phận hư không, một nơi thì nắm trọn thực quyền chính trị, khiến cho phép tắc chính lệnh tách ra hai ngả, thể thống quốc gia coi chẳng ra sao. Hồi nước nhà còn khóa cửa sống riêng một mình, tuy không hại gì cho công việc quốc gia, chớ một mai đây khai quốc tự tân, thì việc bang giao tất phải lấy danh nghĩa Thiên hoàng để tỏ ra với liệt quốc mới được. Có hai chính phủ cùng đứng trong một xứ, lấy danh nghĩa mà nói, là sự trái ngược không thể nào dung. Vậy nay muốn lo quốc gia đại kế thì trước hết Mạc phủ nên đem chính quyền dâng nạp lại triều đình, và xóa bỏ cái chế độ phong kiến bảy trăm năm nay đi, để Thiên hoàng chủ trương, quốc gia thống nhất, có vậy thì việc lớn mới có thể kết quả thành công được.
Ban đầu, do những nhà chí sĩ có thanh danh kiến thức đứng lên hô hào xướng xuất chủ nghĩa “tôn Vương đảo Mạc”, sau có nhiều ông Chúa phiên 藩主 [Hanshu] (cũng tức là chư hầu) hùng cường trong nước nghe lấy làm phải, bèn ra sức tán thành. Tháng 4 năm 1867, triều đình vời các Chúa phiên về kinh, nhóm hội chư hầu, để hỏi ý kiến về quốc sự, thì mấy ông Chúa phiên thế lực đều tâu nên bãi Mạc phủ. Rồi đó mấy ông sai sứ tới khuyên tướng quân Khánh Hỉ dâng nạp quyền chính về Thiên hoàng.
Khánh Hỉ là bậc anh hùng quyết đoán, yêu nước kính vua, tự trong bản tâm đã có chí muốn bỏ ngôi tướng quân của mình lâu rồi, song còn sợ giữa lúc quốc bộ gian nan mà mình bỏ chức thì trên vua dưới dân cho là mình trốn lánh trách nhiệm chăng; nay thấy dân tâm sôi nổi, quốc sự dập dồn, tất phải có cái quyền tôn nghiêm thống trị của đức Thiên hoàng mới có thể sửa sang đại cuộc, lo việc duy tân được. Bởi vậy khi nghe lời khuyên rất phải, thì Khánh Hỉ vui mừng nhận theo liền. Rồi đó Khánh Hỉ viết biểu dâng lên triều đình, lời lẽ rất trung thành thống thiết, xin nạp lại quyền chính về Thiên hoàng; tự mình lui về ở ẩn tại Tỉnh Cương, như là một tên dân thường vậy.
Ấy là việc ngày 14 tháng 10 năm 1867.
Thử hỏi thế gian có mấy người ở ngôi cao chức trọng, có oai lớn quyền to, biết vì quốc gia đại kế mà bỗng chốc lui bước từ ngôi được một cách thái nhiên quân tử như Đức Xuyên Khánh Hỉ (徳川慶喜 Tokugawa Yoshinobu] vậy không? Nghĩ lại có lắm quốc gia đến lúc ngửa nghiêng hầu mất, mà bọn quyền thần ngu dại, quan trưởng hư hèn, còn ngồi lỳ bám chặt lấy cái danh vị hư vinh của chúng, không để cho những người có tài đức thế vào, có lẽ cứu chữa được cơn nguy cuộc rối. Than ôi! Quốc gia nguy vong mà bọn ngu hèn cố vị tham quyền, thật là đáng giận, đáng bỉ!
Khánh Hỉ trả quyền lui bước, thế là cái gia nghiệp tướng quân của họ Đức Xuyên trải 250 năm đến đây hạ màn, mà cả cái chế độ Mạc phủ ở Nhật Bản dựng lên từ cuối thế kỷ XII đến đây cũng chung cuộc.
Từ đó, toàn quốc về đức Thiên hoàng thống trị, chính phủ mới thành lập, kỷ nguyên mới bắt đầu.
Nhân nói về chung cuộc Mạc phủ, tưởng nên xét qua ảnh hưởng luôn thể, cho tiếp câu chuyện, rồi sẽ trở lại công cuộc Minh Trị duy tân.
Một cái chính thể lâu đời bền gốc, có quan hệ thâm thiết với lịch sử, với chủng tộc, với quốc gia, như là Mạc phủ ở nước Nhật, nay bỗng dưng xóa bỏ đi, mặc dầu Khánh Hỉ tướng quân là bực quân tử cao nhân, tự mình vui vẻ ngôi phú quý nhất đời như là thảy chiếc giày hư vớ rách đi nữa, nhưng bề nào việc đó cũng là một việc đại biến, không có lẽ nào không có ảnh hưởng tới thế đạo nhân tâm và quốc gia chính trị ít nhiều. Chắc hẳn trong trí Khánh Hỉ [Yoshinobu] tưởng ai cũng kính vua, yêu nước và có độ lượng quân tử như mình, cho nên khi thấy sự mình thoái vị là sự chính đáng cần kíp, thì vội vàng dâng biểu phụng hoàn đại chính rồi thì xuống ngôi tìm chỗ đi ẩn ngay, chẳng có liệu trước tương lai và sắp đặt hậu sự gì cả, vì đó mà xảy ra có nội loạn rắc rối một hồi.
Bấy giờ trong nước chia ra làm hai phái đông tây, một phái tôn Vua, một phái phò Mạc, xung đột nhau để giành lại quyền thế. Phái phò Mạc là một số chư hầu ở miền đông, không muốn khai quốc duy tân, vả lại có mang ơn Mạc phủ đã phong hầu chia đất cho, ngoài ra còn tám muôn tướng sĩ là gia thần bộ hạ của Mạc phủ, bấy lâu họ chịu ơn cơm áo tướng quân, tự nhiên họ phải dốc lòng trung thành ủng hộ tướng quân đến cùng. Sau lúc Khánh Hỉ bỏ ngôi lui bước rồi, thì cả bọn chư hầu và tướng sĩ phò Mạc nổi lên làm loạn ở nhiều nơi, nhất là ở Quan Đông 関東 [Kantou], Áo Vũ 奥羽 [Auu], và Sương Quán 箱館 [Hakodate], ra mặt chống cự với triều đình. Ban đầu loạn đảng ép Khánh Hỉ trở về Giang Hộ một lúc để dựng Mạc phủ lại như cũ, nhưng Khánh Hỉ không chịu. Công sứ Pháp quốc muốn lấy binh lực giúp cho Khánh Hỉ thu hồi đại vị, Khánh Hỉ cũng không nghe, chỉ khăng khăng giữ vững cái chí tôn Vua trả quyền, và lại ăn năn việc mình sơ sót ban đầu khiến nên có loạn. Song, loạn đảng không có bao nhiêu người và chí hướng của họ cũng trái nghịch với nhân tâm thời thế, thành ra không có thực lực gì. Binh triều đình chỉ mất công đánh dẹp có hơn một năm, từ 17 tháng 1 năm 1868 tới 27 tháng 6 năm 1869, thắng luôn bốn trận, thế là bình định được nội loạn, càng tôn thêm oai quyền của triều đình.
Hồi đó Khánh Hỉ vẫn ở yên tại Tỉnh Cương, lấy thú gảy đàn xem sách làm vui, trải 30 năm mới dời về Đông Kinh; đến năm 1902, tức là năm Minh Trị thứ 35, đức Thiên hoàng triệu vô bệ kiến và phong cho Công tước. Hình như lối 1910 hay 1911, Khánh Hỉ mới qua đời14. Người Nhật đối với Khánh Hỉ rất tôn kính nhớ thương, vì cái cử chỉ cao minh quân tử của Khánh Hỉ đã từ bỏ quyền hành, phụng hoàn đại chính, kể ra cũng là người có công với lịch sử duy tân của nước Nhật vậy. Nếu như lúc đó Khánh Hỉ không chịu kết thúc Mạc phủ, thì nhân tâm không khỏi chia lìa, quốc thế chẳng chịu ảnh hưởng, chẳng những là cuộc duy tân e chậm trễ khó khăn, mà lại còn sợ có một phen cách mạng biến động gớm ghê, không tránh khỏi được.
NĂM LỜI THỀ VỚI TRỜI ĐẤT THÁNH THẦN
Minh Trị Thiên hoàng lên kế vị ngày 14 tháng 2 năm 1867, đến ngày 14 tháng 10 năm đó, tướng quân Khánh Hỉ dâng biểu xin trả lại Thiên hoàng tất cả đại chính quốc gia, để ngài thống nhất toàn quốc, thực hành duy tân. Trong tờ biểu có câu nói như vầy, tỏ ra tấc lòng Khánh Hỉ yêu nước kính vua rất là thành thật.
“Hiện nay việc ngoại giao càng ngày bề bộn khó khăn, trừ phi quyền chính triều đình tóm thâu về một đường, thì mối giềng phép tắc khó lòng mà dựng lên được.
Hạ thần trộm nghĩ ngày nay tất phải sửa hẳn lệ xưa đi, đem chính quyền dâng lại triều đình, rộng cho quốc dân cạn lời công nghị, và muôn việc đều trông thánh thượng xem xét quyết đoán, rồi cả nước đồng lòng hiệp sức, cùng nhau bảo hộ hoàng quốc, như thế thì nước nhà có thể tấn tới ngang hàng với vạn bang trong thế giới đặng. Khánh Hỉ tôi tận trung hy vọng cho quốc gia chỉ có một việc đó.”
Triều đình chuẩn y lời tâu, liền ra tờ đại hiệu lệnh, bá cáo trong nước về việc vương chính phục cổ (王政復古 quyền vua trở lại như xưa), tóm tắt lời cốt yếu như sau này:
“Đức Xuyên Mạc phủ tâu xin trả lại quyền chính của triều đình đã giao phó cho từ xưa nay.
Triều đình y theo lời tâu đó.
Vậy từ nay trở đi, chức Nhiếp quan cùng là Mạc phủ đều bỏ dứt hẳn. Bây giờ triều đình trước hết tạm đặt ra 3 chức Tổng tài, Nghị định và Tham dự để trông coi liệu định các việc, lấy cái tôn chỉ của đức Thần Võ lập quốc ngày xưa làm gốc. Không kể là thế tộc võ biền, kẻ trên người dưới, phàm là quốc dân, thì ai nấy đều phải đồng lòng ra sức lo tính việc chung.
Triều đình khuyên hết thảy dân chúng từ đây đều nên gắng gổ tự tân, rửa cho sạch những cái thói hư tật xấu, đem lòng sốt sắng tận trung, đặng làm việc công, giúp nhà nước…”
Ấy là mấy lời đầu hết của Minh Trị Thiên hoàng ra hiệu lệnh duy tân vậy.
Một nước ôm giữ những phép xưa thói cũ từ mấy ngàn năm, ngày nay bỗng chốc thay đổi sửa sang nhất thiết, cho hợp thời thế và kịp Tây phương, thật là một việc quan hệ lớn lao hết sức. Muốn bày tỏ chỗ quan hệ đó ra, và muốn cho dân biết những cái tôn chỉ duy tân ra thế nào, nên chi tháng 3 năm 1868, Minh Trị Thiên hoàng bèn dẫn hết thảy triều thần văn võ, cùng là các bậc phiên chúa chư hầu (lúc này cũng đang còn chư hầu, hai năm sau mới bãi hẳn) làm lễ rất nghiêm trang long trọng, tế cáo trời đất tổ tiên, đọc lời thề gồm có 5 khoản:
Mở ra hội nghị rộng rãi, trăm công ngàn việc đều lấy theo công luận mà quyết định;
Trên dưới một lòng, ra sức sửa sang việc nước.
Văn võ một đường, từ công khanh đến thứ dân, đều được toại chí, khiến cho lòng người hăm hở sốt sắng.
Thảy bỏ hết những thói hư mối tệ chất chứa lâu đời, từ đây gắng gổ duy tân tự cường, hợp theo công đạo của trời đất.
Cầu trí thức ở thế giới, làm cho nước nhà trở nên mạnh lớn vẻ vang.
Rồi thề sao làm vậy, 5 lời thề này chính là chí nguyện, quy mô và chính sách của vua Minh Trị sửa sang thay đổi nước Nhật, trước sau có chừng 30 năm, là trở nên một quốc gia văn minh, một dân tộc hùng cường, đứng ngang hàng với các nước Âu Mỹ. Vua Minh Trị là người sáng tạo ra nước Nhật mới vậy.
Nguồn: trích từ Chương 4, tác phẩm "Nhật Bản duy tân 30 năm", Nhà xuất bản Thế Giới và Alphabooks phát hành đầu năm 2015. Xuất bản lần đầu năm 1936 tại Sài Gòn.