TS. Phạm Thế Anh: Trong dịch Covid-19, nên thận trọng với trào lưu nới lỏng tiền tệ

TS. Phạm Thế Anh: Trong dịch Covid-19, nên thận trọng với trào lưu nới lỏng tiền tệ

Theo chuyên gia Phạm Thế Anh, vội vã thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng lúc này là không cần thiết. Điều tốt nhất Việt Nam có thể làm lúc này là kiểm soát chặt chẽ bệnh dịch, đồng thời tìm kiếm đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước.

 

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR. Ảnh: Quốc Thịnh / Kinh tế Tiêu dùng

PGS.TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đưa ra những nhận định về xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ đang diễn ra trên thế giới trước dịch bệnh do virus corona (Covid-19).

Theo chuyên gia, bệnh dịch đang diễn biến xấu ở Trung Quốc và lan cả sang một số nước khác, trong đó có Việt Nam, vừa làm giảm cầu tiêu thụ, vừa làm đình trệ sản xuất trong một số lĩnh vực (do sản xuất phụ thuộc vào nguyên vật liệu từ Trung Quốc hoặc do tâm lý lo sợ và chi phí phòng bị tăng cao). 

Điều đó có nghĩa là nó tác động đồng thời tới cả tổng cầu lẫn tổng cung theo hướng tiêu cực. 

Cú sốc cung sẽ làm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gặp khó khăn hơn bởi khi đó họ phải đối mặt với sự đánh đổi giữa hỗ trợ tăng trưởng hay kiểm soát lạm phát. Đặc biệt, sẽ càng khó khăn hơn với NHNN trong bối cảnh lạm phát Việt Nam đang có xu hướng tăng cao những tháng gần đây. CPI tháng 1/2020 tăng 6,43% so với cùng kỳ và dư địa tài khóa gần như không có.

Hiện nay, một số nước châu Á có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc đã thực hiện nới lỏng (Thái Lan) hoặc sẵn sàng nới lỏng tiền tệ để giảm bớt tác động của bệnh dịch. 

Tuy nhiên theo PGS. TS Phạm Thế Anh, ở Việt Nam do những đặc điểm riêng biệt của hệ thống tiền tệ, việc hạ các lãi suất điều hành hầu như chỉ mang tính hành chính, biểu trưng, và ít tác động tới thị trường. Việc nâng hay hạ hạn mức tăng trưởng tín dụng (cung tiền) mới xác định chính sách tiền tệ là nới lỏng hay thắt chặt. 

Việt Nam nên thận trọng với trào lưu nới lỏng tiền tệ hiện nay bởi một số lý do sau đây:

Thứ nhất, một trong những cơ sở quan trọng để cân nhắc có hay không thực hiện biện pháp nới lỏng tiền tệ đó là phải xác định xem cú sốc đó mang tính tạm thời hay lâu dài. Cú sốc covid-19 nhiều khả năng chỉ là tạm thời. Với sự tiên tiến và những nỗ lực không mệt mỏi của ngành y tế thế giới hiện nay thì chúng ta có thể kỳ vọng rằng nó chỉ kéo dài trong một vài tháng tới. 

Nếu đúng như vậy thì cú sốc covid-19 sẽ không ảnh hưởng đến thu nhập tiềm năng, và ít tác động tới tổng cầu của nền kinh tế. Khi bệnh dịch qua đi, mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Vội vã thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng lúc này là không cần thiết.

Thứ hai, bệnh dịch covid-19 tác động nhiều hơn tới cầu từ nước ngoài đối với hàng hóa và dịch vụ trong nước, cụ thể là nông sản xuất khẩu và du lịch. Cầu về những hàng hóa và dịch vụ này chủ yếu phụ thuộc vào thu nhập của người nước ngoài. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ không thể kích thích việc tiêu thụ chúng. 

Điều tốt nhất Việt Nam có thể làm lúc này là kiểm soát chặt chẽ bệnh dịch, đồng thời tìm kiếm đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước.

Hơn nữa, trong một thế giới nhiều bất ổn thì chính sách tiền tệ lại càng cần phải kiên quyết với mục tiêu kiểm soát lạm phát để có được sự tin cậy từ công chúng (credibility). Khi có lòng tin vào chính sách tiền tệ thì kỳ vọng lạm phát sẽ được neo một cách chắc chắn vào mục tiêu mà NHNN đã đề ra. 

Khi đó, ngay cả khi nền kinh tế gặp phải các cú sốc bất lợi thì doanh nghiệp sẽ không, hoặc ít tăng giá bởi họ không kỳ vọng lạm phát sẽ tăng. Ngược lại, nếu chính sách tiền tệ trở nên thiếu nhất quán, rất có thể hiện tượng ''tát nước theo mưa'' đối với sự tăng giá sẽ xảy ra ngay cả khi sự mở rộng tiền tệ chỉ là tạm thời. Khi đó, cái giá của việc giảm lạm phát sẽ lớn hơn rất nhiều.

Chuyên gia cho biết Việt Nam vốn đã và đang thực hiện nới lỏng tiền tệ liên tục trong nhiều năm gần đây. Tỉ lệ cung tiền/GDP và tín dụng/GDP đã tăng lần lượt từ khoảng 120% và 110% trong năm 2013, lên tới 170% và 150% hiện nay. Đây là những con số rất cao so với các nước khác trên thế giới. 

Trong bối cảnh lạm phát đang có nguy cơ tăng nhanh hiện nay thì không nên đặt thêm gánh nặng thúc đẩy tăng trưởng cho chính sách tiền tệ. NHNN nên ưu tiên tiếp tục thực hiện những cải cách mang tính cấu trúc nhằm hướng tới một hệ thống tiền tệ lành mạnh hơn trong tương lai. 

Những ''hỗ trợ'' về lãi suất, nếu có, chỉ nên giới hạn ở những doanh nghiệp trực tiếp chịu tác động của bệnh dịch theo hướng ''giảm lãi'' hay ''chia sẻ khó khăn'' từ ngành ngân hàng, chứ không phải tăng mở rộng tiền tệ hay tín dụng vào nền kinh tế.

Bài học nới lỏng tiền tệ một cách thái quá trong năm 2009 – 2010 nhằm đối phó với suy giảm kinh tế toàn cầu vẫn còn nguyên giá trị khi những năm sau đó Việt Nam phải trải qua những đợt lạm phát hai con số trong khi không tránh khỏi đình trệ kinh tế trong nhiều năm. Hậu quả của việc kích thích tổng cầu khi đó lớn hơn rất nhiều so với lợi ích tạm thời mà nó đem lại.

Những vấn đề nội tại của nền kinh tế đáng ngại và có tính lâu dài hơn nhiều so với bệnh dịch covid-19. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế có thể được hỗ trợ bằng việc kiên trì tháo gỡ những rào cản thể, cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ giải ngân những dự án đầu tư công đã được phê duyệt. 

''Đệm'' hay dư địa tài khóa (để tăng chi tiêu công hoặc giảm thuế) là rất cần thiết cho những cú sốc tạm thời như covid-19. Nhưng tiếc thay Việt Nam lại không có nhiều.

Nguồn: Diệp Bình, PGS.TS Phạm Thế Anh: Trong dịch covid-19, nên thận trọng với trào lưu nới lỏng tiền tệ, Kinh tế Tiêu dùng, 17/2/2020