[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương III: Tạo ra thịnh vượng và đói nghèo (Phần 3)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương III: Tạo ra thịnh vượng và đói nghèo (Phần 3)

NỖI KHỔ TRIỀN MIÊN CỦA CONGO

Khi bàn về những áp lực khiến thịnh vượng kinh tế trở nên vô cùng hiếm hoi trong các thể chế chiếm đoạt, hay để minh họa cho sự hòa hợp giữa các thể chế kinh tế và chính trị chiếm đoạt, chắc là khó có thể tìm thấy ví dụ nào điển hình hơn và nản lòng hơn Congo. Du khách Bồ Đào Nha và Hà Lan đến Kongo vào thế kỷ 15 và 16 đã nhận xét về sự “nghèo khổ bất hạnh” ở đó. Công nghệ còn thô sơ theo chuẩn mực châu Âu, người Kongo không có chữ viết, bánh xe hay cày bừa. Lý do của sự đói nghèo này, và sự miễn cưỡng không muốn áp dụng các công nghệ tốt hơn khi họ nhận thức về chúng thể hiện rõ ràng trong các tư liệu lịch sử hiện có. Đó là do bản chất chiếm đoạt của các thể chế kinh tế của đất nước.

Như ta đã thấy, Vương quốc Kongo được cai trị bởi nhà vua ở Mbanza, sau này là São Salvador. Những vùng đất ở xa kinh đô được cai trị bởi giới quyền thế đóng vai trò thống sứ của các vùng đất khác nhau trong vương quốc, của cải của giới quyền thế này dựa vào các đồn điền nô lệ xung quanh São Salvador và bòn rút thuế khóa từ phần còn lại của đất nước. Chế độ nô lệ đóng vai trò trung tâm trong nền kinh tế, được giới quyền thế sử dụng để cung cấp nô lệ cho các đồn điền riêng của họ và được người châu Âu sử dụng ở ven biển. Thuế khóa có tính chất tùy tiện; thuế thậm chí được thu mỗi khi chiếc mũ của nhà vua rơi xuống. Để trở nên thịnh vượng hơn, dân chúng Kongo sẽ phải tiết kiệm và đầu tư, ví dụ như thông qua việc mua cày bừa. Nhưng họ sẽ cảm thấy không đáng để làm thế, vì bất kỳ sản lượng dôi dư nào họ sản xuất ra bằng công nghệ tốt hơn cũng đều bị nhà vua và giới quyền thế chiếm đoạt. Thay vì đầu tư để gia tăng năng suất và bán sản phẩm ra chợ, người Kongo dời làng ra xa chợ; họ cố gắng càng ở xa đường càng tốt, để đỡ bị cướp bóc và trốn khỏi tầm tay của những kẻ buôn nô lệ.

Do đó, đói nghèo của Kongo là hậu quả của những thể chế kinh tế chiếm đoạt đã ngăn chặn các động cơ của thịnh vượng và thậm chí còn làm cho những động cơ này quay theo chiều ngược lại. Chính phủ Kongo cung cấp rất ít dịch vụ công cho dân chúng, thậm chí không có cả những dịch vụ cơ bản như các quyền sở hữu bảo đảm hay luật pháp và trật tự. Thậm chí ngược lại, bản thân chính phủ còn là mối đe dọa lớn nhất đối với tài sản và nhân quyền của dân chúng. Thể chế nô lệ có nghĩa là thị trường cơ bản nhất, thị trường lao động có tính dung hợp - trong đó dân chúng có thể chọn nghề nghiệp hay việc làm phù hợp nhất để mang lại một nền kinh tế thịnh vượng, không hề tồn tại. Hơn nữa, các hoạt động thương mại và trao đổi hàng hóa đường dài được nhà vua kiểm soát và chỉ dành cho những kẻ liên kết với nhà vua. Cho dù giới quyền thế nhanh chóng trở nên biết chữ sau khi người Bồ Đào Nha du nhập chữ viết, nhà vua không cố gắng truyền bá chữ viết cho đại đa số dân chúng.

Tuy nhiên, cho dù “nghèo khổ bất hạnh” lan tràn khắp nơi, các thể chế chiếm đoạt của Kongo có lôgic hoàn hảo riêng của chúng: các thể chế đó làm cho một số ít người, những người có quyền lực chính trị, trở nên rất giàu có. Vào thế kỷ 16, vua Kongo và giới quý tộc có thể nhập khẩu hàng hóa xa xỉ của châu Âu và được hầu hạ bởi nhiều tùy tùng và nô lệ.

Gốc rễ của các thể chế kinh tế của xã hội Kongo nằm ở sự phân phối quyền lực chính trị trong xã hội và vì thế cũng nằm ở bản chất của các thể chế chính trị. Ngoài mối đe dọa bạo loạn, không có gì ngăn chặn nhà vua chiếm đoạt tài sản hay ngay chính thân xác của dân chúng. Cho dù mối đe dọa này là thực tế, nó vẫn không đủ để làm dân chúng hay tài sản của họ được đảm bảo. Các thể chế chính trị của Kongo thật sự chuyên chế nên quyền lực của nhà vua và giới quyền thế thực chất là vô hạn, và cách tổ chức xã hội đã khước từ mọi thứ đối với dân chúng.

Lẽ dĩ nhiên, không khó để thấy rằng các thể chế chính trị của Kongo tương phản rõ rệt với các thể chế chính trị dung hợp, trong đó quyền lực được giới hạn và được phân phối rộng rãi. Các thể chế chuyên chế của Kongo được duy trì bằng quân đội. Nhà vua có lực lượng quân đội thường trực gồm 5.000 quân vào giữa thế kỷ 17, với lực lượng nòng cốt 500 lính ngự lâm - một lực lượng đáng gờm lúc bấy giờ. Thật dễ hiểu tại sao vua và giới quyền thế nôn nóng sử dụng súng ống của châu Âu như thế.

Không có cơ hội cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong hệ thống thể chế kinh tế này và thậm chí các động cơ khuyến khích tạo ra tăng trưởng nhất thời cũng hết sức hạn chế. Cải cách thể chế kinh tế để cải thiện quyền sở hữu tài sản cá nhân sẽ làm cho tổng thể xã hội Kongo trở nên thịnh vượng hơn. Nhưng không chắc rằng giới quyền thế sẽ hưởng lợi từ sự thịnh vượng rộng rãi này. Thứ nhất, cải cách sẽ làm cho giới quyền thế trở thành những người thiệt thòi về kinh tế, vì nó làm xói mòn những của cải mà việc mua bán nô lệ và các đồn điền nô lệ mang lại cho họ. Thứ hai, cải cách chỉ có thể xảy ra nếu quyền lực chính trị của nhà vua và giới quyền thế bị cắt giảm. Ví dụ, nếu vua tiếp tục chỉ huy 500 lính ngự lâm, ai sẽ tin vào một thông báo rằng chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ? Điều gì sẽ ngăn nhà vua không đổi ý sau này? Sự bảo đảm thực tế duy nhất là sự thay đổi thể chế chính trị sao cho dân chúng giành được phần nào quyền lực chính trị hiện hành, cho họ có tiếng nói đối với việc thu thuế hay những gì lính ngự lâm được làm. Nhưng trong trường hợp này, ta ngờ rằng trong danh sách ưu tiên cao của dân chúng hẳn sẽ không còn lối sống và sự tiêu dùng xa hoa của nhà vua và giới quyền thế. Trong bối cảnh đó, những thay đổi tạo ra các thể chế kinh tế tốt hơn trong xã hội sẽ làm cho vua và giới quý tộc trở thành người thua cuộc cả về chính trị cũng như kinh tế.

Sự tương tác giữa các thể chế kinh tế và chính trị 500 năm trước đây vẫn phù hợp để ta tìm hiểu lý do khiến nhà nước Congo hiện đại vẫn nghèo khổ bất hạnh mãi cho đến ngày nay. Sự thống trị của châu Âu ở vùng đất này và sâu hơn trong lưu vực sông Congo vào thời kỳ “cướp bóc châu Phi” cuối thế kỷ 19 đã dẫn đến tình trạng không đảm bảo nhân quyền, và quyền sở hữu tài sản thậm chí còn quá đáng hơn so với Kongo thời trước thuộc địa. Thêm vào đó, thời kỳ này cũng tái diễn các thể chế chiếm đoạt và chế độ chuyên chế chính trị, trao quyền và làm giàu cho một ít người bằng tổn thất của đại đa số dân chúng, cho dù số ít người bây giờ là thực dân Bỉ, nổi tiếng nhất là vua Leopold II.

Khi Congo trở nên độc lập vào năm 1960, diễn biến thể chế kinh tế, động cơ khuyến khích và kết quả hệt như thế vẫn tái diễn. Các thể chế kinh tế chiếm đoạt của Congo một lần nữa vẫn được hỗ trợ bởi các thể chế chính trị mang tính chiếm đoạt cao độ. Tình hình còn trở nên tồi tệ hơn bởi thực dân châu Âu đã tạo ra chính thể Congo từ nhiều bang và xã hội tiền thuộc địa khác nhau mà nhà nước quốc gia được điều hành từ Kinshasa gần như không có thực lực kiểm soát. Cho dù tổng thống Mobutu sử dụng nhà nước để làm giàu cho bản thân và giới thân hữu của ông - ví dụ như thông qua chương trình “Zaire hóa” vào năm 1973, liên quan đến sự sung công quyền lợi kinh tế nước ngoài - ông đứng đầu một nhà nước phi tập trung, gần như không có thẩm quyền đối với phần lớn đất nước, và phải kêu gọi sự hỗ trợ của nước ngoài để ngăn chặn các tỉnh Katanga và Kassai ly khai vào thập niên 1960. Tình trạng thiếu tập trung chính trị này, gần như đến mức làm nhà nước hoàn toàn sụp đổ, là đặc điểm chung của Congo và phần lớn vùng hạ Sahara của châu Phi.

Đất nước Cộng hòa Dân chủ Congo hiện đại vẫn nghèo vì dân chúng không có những thể chế kinh tế tạo ra những động cơ khuyến khích cơ bản để làm cho xã hội thịnh vượng. Không phải yếu tố địa lý, văn hóa hay tình trạng thiếu hiểu biết của dân chúng hay các chính khách khiến cho Congo nghèo, mà chính là các thể chế kinh tế chiếm đoạt. Suy cho cùng, những thể chế này vẫn tồn tại qua hàng thế kỷ bởi vì quyền lực chính trị vẫn tiếp tục tập trung hạn hẹp trong tay giới quyền thế, những người không có động cơ bảo đảm các quyền sở hữu cho dân chúng, cung cấp các dịch vụ cơ bản giúp cải thiện chất lượng sống, hay khuyến khích tiến bộ kinh tế. Nói đúng hơn, họ chỉ quan tâm đến việc chiếm đoạt thu nhập và duy trì quyền lực. Họ không sử dụng quyền lực này để xây dựng một nhà nước tập trung, vì làm như thế sẽ tạo ra sự chống đối và thách thức chính trị giống như việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có thể tạo ra. Hơn nữa, cũng giống như phần lớn hạ Sahara châu Phi còn lại, tình trạng đấu đá nội bộ được châm ngòi bởi các nhóm kình địch ra sức tranh giành quyền kiểm soát các thể chế chiếm đoạt đã tàn phá sự tập trung chính trị nhà nước mà lẽ ra đã có thể tồn tại.

Lịch sử của Vương quốc Kongo, và lịch sử gần đây hơn của đất nước Congo minh họa sống động cho cách thức các thể chế chính trị quyết định các thể chế kinh tế và qua đó cũng quyết định các động cơ kinh tế và phạm vi của tăng trưởng kinh tế như thế nào. Lịch sử Congo cũng minh họa mối quan hệ cộng sinh giữa chế độ chuyên chế chính trị và các thể chế kinh tế trao quyền và làm giàu cho một số ít người bằng tổn thất của đa số.

TĂNG TRƯỞNG TRONG CÁC THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ CHIẾM ĐOẠT

Congo ngày nay là một ví dụ cực đoan, với tình trạng vô luật pháp và các quyền sở hữu cực kỳ không bảo đảm. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, chủ nghĩa cực đoan không phục vụ cho quyền lợi của giới quyền thế, vì nó sẽ phá hủy toàn bộ các động cơ kinh tế và gần như không còn tạo ra nguồn lực để chiếm đoạt. Chủ đề trọng tâm của quyển sách này là: tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng đi kèm với các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp, trong khi các thể chế chiếm đoạt thường dẫn đến đình trệ và đói nghèo. Nhưng điều này không có nghĩa là các thể chế chiếm đoạt không bao giờ tạo ra tăng trưởng, mà cũng không có nghĩa là mọi thể chế chiếm đoạt được tạo ra đều như nhau.

Có hai phương thức khác nhau nhưng bổ trợ lẫn nhau, qua đó tăng trưởng vẫn có thể xảy ra trong các thể chế chính trị chiếm đoạt. Thứ nhất, ngay cả nếu các thể chế kinh tế có tính chất chiếm đoạt, tăng trưởng vẫn có thể xảy ra khi giới quyền thế có thể trực tiếp phân bổ nguồn lực vào những hoạt động có năng suất cao do chính họ kiểm soát. Một ví dụ nổi bật về kiểu tăng trưởng này trong các thể chế chiếm đoạt là vùng đảo Caribê từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18. Hầu hết dân chúng đều là nô lệ làm việc trong điều kiện khắc nghiệt ở các đồn điền, cuộc sống chỉ ở ngay trên mức tồn tại tối thiểu. Nhiều người chết vì suy dinh dưỡng và kiệt sức. Ở Barbados, Cuba, Haiti và Jamaica thế kỷ 17 và 18, chỉ có một nhóm thiểu số, giới quyền thế chủ đồn điền, kiểm soát toàn bộ quyền lực chính trị và sở hữu toàn bộ tài sản, trong đó có toàn bộ nô lệ. Trong khi nhóm đa số không có quyền hạn gì thì của cải và tài sản của giới quyền thế chủ đồn điền được bảo vệ chặt chẽ. Bất chấp các thể chế kinh tế chiếm đoạt bóc lột đại đa số dân chúng một cách dã man, những hòn đảo này vẫn nằm trong số những nơi giàu có nhất thế giới, vì họ có thể sản xuất ra đường và bán trên thị trường thế giới. Nền kinh tế đảo chỉ đình trệ khi có nhu cầu chuyển sang các hoạt động kinh tế mới, đe dọa cả thu nhập và quyền lực chính trị của giới quyền thế chủ đồn điền.

Một ví dụ khác là sự tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa của Liên Xô từ Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất năm 1928 cho đến thập niên 1970. Các thể chế chính trị và kinh tế có tính chiếm đoạt cao độ, và các thị trường bị ngăn cấm nghiêm ngặt. Tuy nhiên, Liên Xô vẫn có thể đạt được sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng vì có thể sử dụng quyền lực nhà nước để dịch chuyển nguồn lực đang được sử dụng một cách phi hiệu quả trong hoạt động nông nghiệp sang công nghiệp.

Kiểu tăng trưởng thứ hai trong các thể chế chính trị chiếm đoạt phát sinh khi thể chế chính trị vẫn cho phép phát triển phần nào các thể chế kinh tế dung hợp, mặc dù không hoàn toàn. Nhiều xã hội với các thể chế chính trị chiếm đoạt sẽ tránh xa các thể chế kinh tế dung hợp do lo sợ sự phá hủy sáng tạo. Nhưng mức độ nắm giữ quyền lực một cách độc quyền của giới quyền thế thì mỗi nơi mỗi khác, ở một vài xã hội, vị thế của giới quyền thế được bảo đảm đủ để họ có thể cho phép sự dịch chuyển phần nào sang các thể chế kinh tế dung hợp khi họ khá chắc chắn rằng điều này sẽ không đe dọa quyền lực chính trị của họ. Một cách khác, có thể xảy ra tình huống lịch sử trong đó một chế độ chính trị chiếm đoạt thừa kế những thể chế kinh tế tương đối dung hợp, mà họ quyết định không ngăn chặn. Bối cảnh này sẽ mở ra con đường thứ hai trong đó tăng trưởng có thể xảy ra trong các thể chế chính trị chiếm đoạt.

Công nghiệp hóa nhanh chóng của Nam Triều Tiên dưới thời tướng Park là một ví dụ. Park lên cầm quyền thông qua một vụ đảo chính quân sự vào năm 1961, nhưng ông làm điều đó trong một xã hội được Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ và với một nền kinh tế có các thể chế kinh tế thực chất là dung hợp. Cho dù chế độ của Park có tính độc đoán, họ vẫn cảm thấy đủ đảm bảo để đẩy mạnh tăng trưởng, và trên thực tế họ đã làm điều đó hết sức chủ động - có lẽ một phần là do chế độ không trực tiếp được nâng đỡ bởi các thể chế kinh tế chiếm đoạt. Khác với Liên Xô và hầu hết các trường hợp tăng trưởng trong thể chế chiếm đoạt khác, Nam Triều Tiên chuyển đổi từ các thể chế chính trị chiếm đoạt sang các thể chế chính trị dung hợp vào thập niên 1980. Sự chuyển đổi thành công này là do sự hội tụ của nhiều yếu tố.

Cho đến thập niên 1970, các thể chế kinh tế ở Nam Triều Tiên đã trở nên đủ dung hợp để có thể làm giảm một trong những lý do cơ bản của các thể chế chính trị chiếm đoạt - giới quyền thế kinh tế không được lợi gì từ sự chi phối chính trị riêng của họ hay của quân đội. Sự công bằng tương đối về thu nhập ở Nam Triều Tiên cũng có nghĩa là giới quyền thế không có gì để lo sợ từ tính đa nguyên và dân chủ. Ảnh hưởng then chốt của Hoa Kỳ, nhất là ứng với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, cũng có nghĩa là người ta không thể đàn áp phong trào dân chủ mạnh mẽ đang thách thức chế độ độc tài mãi được. Cho dù vụ ám sát tướng Park năm 1979 được tiếp nối bằng một vụ đảo chính quân sự khác dưới sự lãnh đạo của Chun Do-hwan, nhưng người kế nhiệm được chọn của Chun, Roh Tae-woo, đã phát động một quá trình cải cách chính trị dẫn đến sự củng cố nền dân chủ đa nguyên sau năm 1992. Lẽ dĩ nhiên, kiểu chuyển đổi này không diễn ra ở Liên Xô. Vì thế, sự tăng trưởng của đất nước Xô viết trở nên kiệt lực, và nền kinh tế bắt đầu sụp đổ vào thập niên 1980 rồi Liên bang Xô viết hoàn toàn giải tán vào thập niên 1990.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ngày nay cũng có một vài điểm chung với kinh nghiệm của cả Liên Xô và Nam Triều Tiên. Trong khi những giai đoạn tăng trưởng ban đầu của Trung Quốc được dẫn dắt bằng cải cách thị trường triệt để trong lĩnh vực nông nghiệp, cải cách trong hoạt động công nghiệp im ắng hơn. Thậm chí ngày nay, nhà nước và Đảng đóng vai trò trung tâm trong việc quyết định lĩnh vực nào và công ty nào sẽ nhận thêm vốn và sẽ phát triển - trong quá trình đó họ dựng lên rồi lại phá vỡ cơ đồ. Cũng như ở Liên Xô trong những ngày hoàng kim, Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh chóng, nhưng đó vẫn là sự tăng trưởng trong các thể chế chiếm đoạt, dưới sự kiểm soát của nhà nước, gần như không có dấu hiệu chuyển đổi sang các thể chế chính trị dung hợp. Sự kiện các thể chế kinh tế Trung Quốc vẫn còn xa mức độ dung hợp hoàn toàn cũng cho thấy rằng sự chuyển đổi theo kiểu Nam Triều Tiên ít có khả năng xảy ra, dù vậy, lẽ dĩ nhiên không phải là bất khả thi.

Cũng đáng lưu ý rằng sự tập trung chính trị là yếu tố then chốt cho cả hai phương thức tăng trưởng trong các thể chế chính trị chiếm đoạt. Nếu không có một mức độ tập trung chính trị nhất định, giới quyền thế chủ đồn điền ở Barbados, Cuba, Haiti và Jamaica chắc hẳn đã không thể duy trì luật pháp và trật tự cũng như bảo vệ của cải và tài sản riêng của họ. Nếu không có sự tập trung chính trị đáng kể và sự kiểm soát chặt chẽ quyền lực chính trị, giới quyền thế quân đội Nam Triều Tiên và Đảng Cộng sản Trung Quốc chắc sẽ không cảm thấy đủ an toàn để thực hiện những cuộc cải cách kinh tế đáng kể và vẫn xoay sở để giữ vững quyền lực. Và nếu không có sự tập trung chính trị như vậy, nhà nước ở Liên Xô hay Trung Quốc chắc không thể điều phối hoạt động kinh tế để đưa nguồn lực hướng tới những lĩnh vực có năng suất cao. Do đó, ranh giới phân chia chính giữa các thể chế chính trị chiếm đoạt là mức độ tập trung chính trị. Những thể chế nào không có sự tập trung chính trị, như ở vùng hạ Sahara của châu Phi, sẽ thấy khó lòng đạt được ngay cả một sự tăng trưởng hạn chế.

Cho dù có thể tạo ra ít nhiều tăng trưởng, thông thường các thể chế chiếm đoạt sẽ không tạo ra tăng trưởng kinh tế bền vững, và chắc chắn không phải là kiểu tăng trưởng đi kèm với sự phá hủy sáng tạo. Khi cả thể chế chính trị và kinh tế đều có tính chiếm đoạt, sẽ không có các động cơ khuyến khích sự phá hủy sáng tạo và thay đổi công nghệ. Trong một thời gian, nhà nước có thể tạo ra sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng thông qua việc phân bổ nguồn lực và dân chúng bằng mệnh lệnh, nhưng quá trình đó thực chất chỉ có giới hạn. Khi chạm phải giới hạn, tăng trưởng sẽ dừng lại, như đã xảy ra ở Liên Xô vào thập niên 1970. Ngay cả khi đất nước Xô viết đạt được tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, vẫn ít có tiến bộ công nghệ trong hầu hết nền kinh tế, dù vậy, bằng cách rót nguồn lực khổng lồ vào quân đội, họ đã có thể phát triển công nghệ quân sự và thậm chí vượt lên trước Hoa Kỳ trong cuộc đua không gian và vũ khí hạt nhân trong một thời gian ngắn. Nhưng tăng trưởng mà không có sự phá hủy sáng tạo và không có đổi mới công nghệ trên diện rộng sẽ không thể duy trì bền vững và sẽ đi đến một kết thúc đột ngột.

Thêm vào đó, những cách bố trí giúp nâng đỡ tăng trưởng kinh tế trong các thể chế kinh tế chiếm đoạt có bản chất mong manh - chúng có thể sụp đổ hoặc có thể dễ dàng bị phá hủy bởi sự xâu xé nội bộ mà tự các thể chế chiếm đoạt sẽ tạo ra. Trên thực tế, các thể chế chính trị và kinh tế chiếm đoạt tạo ra một xu hướng chung là đấu đá nội bộ, vì chúng dẫn đến sự tập trung của cải và quyền lực vào tay một nhóm quyền thế hẹp. Nếu một nhóm khác có thể lấn lướt và thao túng nhóm quyền thế này và giành quyền kiểm soát nhà nước, họ sẽ là người thụ hưởng của cải và quyền lực này. Vì thế, như thảo luận của chúng ta về sự sụp đổ Đế quốc La Mã và các thành phố Maya sau này sẽ cho thấy, cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát nhà nước quyền lực tuyệt đối sẽ luôn luôn âm ỉ, sẽ gia tăng cường độ một cách định kỳ và làm hủy hoại các chế độ này, khi nó chuyển thành nội chiến và đôi khi thành sự sụp đổ hoàn toàn của nhà nước. Ý nghĩa của điều này là: ngay cả khi một xã hội trong các thể chế chiếm đoạt thoạt đầu đạt được mức độ tập trung nhà nước nhất định, điều đó sẽ không kéo dài. Trên thực tế, đấu tranh nội bộ để giành quyền kiểm soát các thể chế chiếm đoạt thường dẫn đến nội chiến và tình trạng vô luật pháp tràn lan, dẫn đến mất sự tập trung chính trị nhà nước kéo dài như ở nhiều quốc gia hạ Sahara châu Phi cũng như một vài nước châu Mỹ La-tinh và Nam Á.

Cuối cùng, khi tăng trưởng xảy ra trong các thể chế chính trị chiếm đoạt nhưng thể chế kinh tế có những khía cạnh dung hợp, như ở Nam Triều Tiên, luôn luôn có nguy cơ là các thể chế kinh tế sẽ trở nên chiếm đoạt hơn và tăng trưởng sẽ dừng lại. Những người kiểm soát quyền lực chính trị cuối cùng sẽ nhận thấy có lợi hơn khi sử dụng quyền lực để hạn chế cạnh tranh, gia tăng phần chia của họ trong chiếc bánh phúc lợi chung, hay thậm chí đánh cắp và cướp bóc từ những người khác thay vì hỗ trợ tiến bộ kinh tế. Sự phân phối quyền lực và khả năng sử dụng quyền lực cuối cùng sẽ xói mòn chính nền tảng của thịnh vượng kinh tế, trừ phi các thể chế chính trị được chuyển đổi từ chiếm đoạt sang dung hợp.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh