Nhà nước phúc lợi như là một hệ thống kim tự tháp
Tài trợ vốn theo phương thức PAYGO (Pay-As-You-Go) (dùng nguồn ngân sách hiện tại để đáp ứng cho nhu cầu tài chính hiện tại –ND) là một lựa chọn hấp dẫn đối với các chính trị gia nhận thức được rằng họ sẽ nghỉ hưu trước khi hệ thống sụp đổ. Khi hệ thống phát triển đến một thời điểm mà số lượng những người hưởng lợi tăng lên và số lượng người lao động chi trả cho hệ thống giảm xuống, sẽ có chênh lệch lớn dần giữa nguồn thu và chi tiêu của nhà nước. Những hệ thống trợ cấp hưu trí trực thuộc chính phủ và hệ thống tài trợ vốn hoặc quản lý chăm sóc sức khỏe trực thuộc chính phủ trên toàn thế giới đang tiến gần đến điểm sụp đổ. Những khoản nợ không thể chi trả sẽ đặt gánh nặng to lớn lên vai của thanh niên ngày nay.
Margaret Thatcher đã từng châm biếm vấn đề mà nhà nước phúc lợi xã hội hiện đại đang phải đối mặt: "Họ luôn làm cạn kiệt tiền bạc của người khác”. Ngày nay, hết nước này đến nước khác, chúng ta đang thấy lời nhận xét mang tính tiên tri đó trở thành sự thật. Các tít báo đang bị ngự trị bởi những vấn đề của các nước "PIIGS" (Bồ Đào Nha, Ai-len, Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha), nơi đang đối mặt với những khủng hoảng kinh tế cận kề. Tuy nhiên, ngay cả các quốc gia với nền kinh tế tương đối khỏe mạnh, như Pháp hay Đức, cũng đang đối mặt với những mức nợ chưa từng thấy. Năm 2010, Pháp đã thâm hụt 7,1% GDP, trong khi thâm hụt ở Đức chiếm 4,3% GDP, mặc dù hai nước này không tiến hành những biện pháp kích thích tăng trưởng tốn kém như các nước khác để chống suy thoái. Thâm hụt làm gia tăng thêm khoản nợ chính phủ phải chi trả hàng năm. Khoản nợ của Pháp lên tới 81,7% GDP; của Đức là 83,2%. Khoản nợ của Anh đã vượt qua 68% GDP.Thực tế, khoản nợ của Anh tăng nhanh đến nỗi vào năm 2040, các khoản trả lãi từ nợ sẽ chiếm 27% của GDP quốc gia.
Để hình dung một cách chính xác, tất cả những người làm việc ở Đức mang trên vai khoản nợ €42.000 ($52.565). Với nước Anh, con số đó lên tới £90.000 ($140.322) trên mỗi hộ dân. Mỗi người đàn ông, phụ nữ, và trẻ em ở Pháp đang phải gánh lên vai khoản nợ €24.000 ($30.037).
Tất cả các số liệu này đều chưa phản ánh xác đáng mức độ nợ mà các nước này thực sự đang phải đối mặt, bởi nó không tính đến các khoản nợ không có nguồn chi trả (unfunded liabilities) trong hệ thống trợ cấp (hay là an sinh xã hội) quốc gia. Trung bình ở EU, những khoản nợ không có nguồn chi trả lên tới 285% GDP. Ở một số nước, khoản nợ tương lai đã lớn vượt quá sức tưởng tượng. Ví dụ, giả sử Hy Lạp buộc phải kê khai các khoản nợ lương hưu tương lai chưa có nguồn thanh toán, thì mức nợ của nước này có thể vượt quá 875% GDP, gần chín lần giá trị của tất cả mọi thứ được sản xuất hàng năm tại đất nước này. Ở Pháp, tổng nợ lên tới 549% khi gộp thêm tất cả hứa phiếu hưu trí (pension promises) hiện thời của quốc gia này. Trong khi đó ở Đức, tổng nợ có thể lên tới 418% nếu kê khai khoản nợ trợ cấp hưu trí chưa có nguồn thanh toán.
"Sự mất cân đối ngân sách" như kể trên (giá trị hiện tại của chênh lệch giữa các khoản chi dự trù của chính phủ và các khoản thu nhập ước tính được nhận lại) sẽ dẫn đến việc đánh thuế tăng vọt, thoái thác giao ước (trong việc trả nợ hoặc những khoản phúc lợi đã hứa trước, hay cả hai), hoặc từ chối gián tiếp qua thông qua các đợt lạm phát, khi các ngân hàng trung ương cung cấp thêm tiền để lấp đầy mức chênh lệch và từ đó làm hao mòn dần giá trị của khoản nợ và các nghĩa vụ thanh toán. (Lạm phát tạo ra do nguyên nhân trên để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, bên cạnh việc đặt quá nhiều gánh nặng lên vai người nghèo, những người ít khả năng tự bảo vệ bản thân nhất trước "thuế lạm phát.") Richard Disney của đại học Nottingham ước tính rằng nếu các chính sách của nhà nước phúc lợi xã hội tiếp tục được duy trì, các nước Châu Âu sẽ buộc phải tăng thuế từ 5 đến 15 điểm phần trăm của GDP (không phải 5 đến 15% của mức hiện tại, mà là 5 đến 15 điểm phần trăm của GDP) để tránh cho các khoản nợ tăng lên. Điều này có nghĩa là mức thuế sẽ nhảy vọt từ 45 đến 60% GDP. Và điều này đơn giản sẽ giúp tránh các khoản nợ mới, nhưng không giúp thanh toán các khoản nợ còn tồn đọng.
Tóm lại, các nước châu Âu sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng này bằng chính sách thuế.
Mặc dù các con số kia thực sự đáng lo ngại, việc tập trung vào thuế và nợ cũng tương tự như nhầm lẫn triệu chứng với bệnh tật. Như Milton Friedman vẫn thường nói, bản chất của vấn đề không nằm ở cách thức bạn thanh toán cho các khoản chi của chính phủ – từ nợ hay từ các loại thuế – mà là chính các khoản chi đó.
Ngày nay, một chính phủ thuộc khối EU trung bình sẽ chi hơn 52% GDP quốc gia. Trong khi chi tiêu chính phủ không hoàn toàn tương đồng với nhà nước phúc lợi – suy cho cùng, chính phủ thi hành nhiều chức năng khác nhau – nhưng tỷ lệ chi tiêu cho phúc lợi xã hội đang tăng lên ở hầu hết chính phủ ở các nước Châu Âu. Chi trả trợ cấp xã hội hiện nay đã trở thành khoản mục chi tiêu kinh tế lớn nhất ở hầu hết các nước EU, và toàn bộ chi tiêu dành cho phúc lợi xã hội chiếm hơn 42% chi tiêu chính phủ của toàn bộ khối EU. Các khoản nợ chỉ là triệu chứng và nhà nước phúc lợi mới chính là căn nguyên.
Tình trạng của Mỹ cũng không khả quan hơn chút nào. Trên thực tế, chỉ có hai nước châu Âu, Hy Lạp và Ai-len, là có thâm hụt ngân sách lớn hơn tỷ lệ tăng trưởng GDP. Mọi thứ chỉ khả quan hơn một chút khi bạn nhìn vào tổng nợ liên bang của Mỹ, mà hiện tại đã vượt trên 15,3 nghìn tỉ USD, tương đương 102% GDP nước Mỹ. Chỉ có bốn nước Châu Âu có nợ quốc gia lớn hơn Mỹ, đó là Hy Lạp, Ai-len, Bồ Đào Nha, và Ý. Nếu gộp các khoản nợ không có nguồn chi trả đối với hệ thống An sinh xã hội và chăm sóc y tế (Medicare) vào khoản nợ quốc gia chính thức, thì nước Mỹ thực chất nợ 72 nghìn tỉ đô la, theo các số liệu khá khiêm tốn từ ước tính khoản tiết kiệm từ Chương trình chăm sóc y tế (Medicare) của chính phủ Obama dưới điều luật Obamacare. Tuy vậy, theo các ước tính xác thực hơn, con số này có thể lên tới 137 nghìn tỉ đô la. Thế nên ngay cả trong tình huống tích cực nhất, nợ có thể lên tới hơn 480% GDP. Và dựa trên những ước tính thực tế hơn, sự mất cân đối ngân sách của Mỹ có thể lên tới 911% GDP. Vậy là tình trạng ở Hy Lạp và Mỹ, suy cho cùng, thực chất không khác nhau là mấy.
Và ngay cả khi Mỹ không bị nhà nước phúc lợi kìm kẹp nặng nề như các nước châu Âu, thì xu hướng này đang ngày một gia tăng. Hiện tại, chính phủ liên bang Mỹ chi tiêu hơn 24% GDP. Con số này được ước tính sẽ lên tới 42% GDP vào năm 2050. Khi gộp cả chi tiêu của chính phủ liên bang và tiểu bang, cùng với chi tiêu của chính phủ ở mọi cấp bậc sẽ lên đến hơn 59% của GDP, cao hơn bất kì nước nào ở châu Âu hiện nay.
Tuy vậy, nhà kinh tế học Herbert Stein đã có một nhận định nổi tiếng, "Khi một điều nào đó không thể tiếp tục mãi mãi, nó sẽ phải dừng lại." Nhà nước phúc lợi hiện đại không thể tiếp tục việc chạy đuổi theo chi tiêu cao vút bằng mức thuế chót vót. Các quốc gia như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ý và Tây Ban Nha cũng không thể phụ thuộc mãi vào các khoản cứu trợ tài chính từ các nước phát triển hơn như Pháp, Đức, bởi suy cho cùng, các nước này cũng phải đối mặt với nhiều khoản nợ chất cao và những nghĩa vụ nợ chưa có nguồn chi trả.
May mắn thay, có nhiều hình thức nhà nước thay thế cho nhà nước phúc lợi. Hãy nhìn vào ba bộ phận cấu thành lớn nhất của nhà nước phúc lợi: lương hưu cho người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe, và chăm sóc cho người nghèo. Thị trường tự do cung cấp những cách thức hiệu quả và hợp túi tiền hơn để đạt được những điều đó.
Lấy một ví dụ, những chương trình hưu trí trực thuộc chính phủ, mà chuyển tiền từ những người đang đi làm sang cho những người đã nghỉ hưu, đang trở nên không thể chi trả được trong một xã hội đang dần lão hoá. Những hệ thống như vậy thường được lòng dân khi nó mới được thành lập bởi chúng được cấp vốn bằng phương thức PAYGO và có cấu trúc tài chính giống "hệ thống kim tự tháp." Khi số lượng người nghỉ hưu nhận phúc lợi tăng lên, và số lượng người lao động giảm xuống thì hệ thống sẽ sụp đổ. Để tránh sự sụp đổ như vậy, chính phủ có thể dời bỏ các chương trình trợ cấp theo phương thức PAYGO để chuyển sang những hệ thống trong đó các cá nhân chủ động tiết kiệm tiền để chuẩn bị khi về hưu bằng cách tự đầu tư vào nền kinh tế sản sinh ra của cải.
Người Mỹ được cả quyết rằng các khoản thuế đánh vào lương được “đầu tư” vào một “quỹ tín thác”, nhưng nó không khác gì tờ giấy ghi nợ (IOU) từ chính quyền liên bang rằng sẽ chi trả cho phúc lợi trong tương lai bằng các khoản thuế trong tương lai. Thực chất không có một sự “đầu tư” nào cả; khi hệ thống có thặng dư ngân sách, nguồn thu sẽ được "mượn" để thanh toán cho các khoản chi tiêu của chính phủ và một lượng trái phiếu chính phủ tương ứng – một loại giấy ghi nợ để đánh thuế người lao động tương lai – sẽ được phát hành. "Ngày đền tội", khi mà mức chi tiêu vượt quá mức thu, sẽ chỉ còn cách chúng ta một vài năm nữa mà thôi.
Ngày càng nhiều chính phủ nhận ra rằng kế hoạch trợ cấp hưu trí hiện tại thật bất công, thiếu căn cứ và không bền vững. Ngày nay, hơn 30 quốc gia đã bắt đầu cải cách chương trình trợ cấp hưu trí của họ bằng cách cho phép người lao động tiết kiệm và đầu tư ít nhất một phần của số tiền họ trước đây đã phải nộp cho các khoản thuế đánh vào lương.
Ngày càng có nhiều quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia đang có xu hướng giải thoát khỏi cơ chế quản lý tập trung của chính phủ, vốn gây ra tình trạng xếp hàng, gia tăng chi phí, hạn chế tiếp cận, và phân phối, và chuyển sang các giải pháp tích hợp thêm nhiều hơn các yếu tố thị trường, như tăng cường cạnh tranh, chú trọng vào lựa chọn khách hàng và huy động nguồn vốn ngoài thuế. Các quốc gia như Thuỵ Sĩ, hay Hà Lan và Pháp, đang nới lỏng dần sự quản lý của chính phủ và xen vào các cơ chế thị trường, bao gồm việc chia sẻ chi phí giữa các bệnh nhân, định giá theo thị trường cho hàng hoá và dịch vụ, và tăng cường cạnh tranh giữa các nhà bảo hiểm và các nhà cung cấp dịch vụ.
Các chương trình hỗ trợ dành cho người nghèo vẫn là khu vực mà hầu hết các chính phủ chưa bắt đầu tiến hành cải cách. Dĩ nhiên, một số chương trình bị buộc phải cắt giảm mức hỗ trợ, và một số đã bắt đầu cung ứng phúc lợi kèm theo điều kiện, như yêu cầu người nhận trợ cấp phải đang làm việc hoặc ít nhất đang tìm kiếm công ăn việc làm. Tuy nhiên, ít người thực sự suy ngẫm lại về tính ưu việt của chính phủ trong việc đáp ứng nhu cầu của những người cần.
Tuy vậy, cải cách thực sự cần thiết. Đây không chỉ là vấn đề liên quan tới cung cấp tài chính cho các chương trình đó ở một thời điểm mà chính phủ không có ngân sách. Bên cạnh chi phí về tiền tệ, các chương trình đó đang làm héo mòn các cơ chế xã hội cần thiết cho một xã hội thịnh vượng và hợp tác. Thay vì xóa đói giảm nghèo, hậu quả của việc chuyển nhượng thu nhập, cung cấp nhà ở trực thuộc chính phủ, và các chương trình trợ cấp (dựa trên cơ sở kiểm tra năng lực tài chính) là kìm hãm và duy trì những tầng lớp thấp trong xã hội, những người không có khả năng tự trang trải cho bản thân, mãi ở tình trạng như vậy. Những tầng lớp này không thể đóng góp vào sự phát triển cần thiết để tạo ra nguồn vật chất nhằm cấp vốn cho các chương trình mà họ đang dựa vào.
Dần dà, trọng trách của phúc lợi nên được chuyển từ chính phủ sang cho xã hội dân sự, đặc biệt là các hội viện trợ tương hỗ, tự lực và các tổ chức từ thiện cho những người thực sự cần sự giúp đỡ. Các hội tương trợ và tổ chức từ thiện đã và đang hoàn thành tốt hơn nhiều việc giúp đỡ cho người đang đối mặt với hoàn cảnh bất hạnh, trau dồi kĩ năng cần thiết và thoát khỏi nghèo đói.Việc những tổ chức như vậy bị kìm kẹp và bị thay thế bởi nhà nước là một bi kịch của nhà nước phúc lợi hiện đại.
Bạn có thể lập luận rằng sự thành công hay thất bại của nhà nước phúc lợi nằm ở việc đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy vậy, có một điều không thể tranh cãi được là: nhà nước phúc lợi không còn khả năng chi trả được nữa rồi. Đã đến lúc cần tìm ra những giải pháp để ngăn ngừa sự phá sản của thế hệ tương lai. May mắn thay, vẫn còn tồn tại những giải pháp tốt hơn, dựa trên tinh thần tự nguyện để làm công việc bảo vệ một xã hội dễ tổn thương của chúng ta. Các công dân và chính phủ khắp mọi nơi nên khởi động quá trình chuyển đổi từ những nhà nước phúc lợi đàn áp, gia trưởng, thao túng, và thiếu tính bền vững sang những giải pháp dựa trên tinh thần tình nguyện, hiệu quả, công bằng, tối ưu, và bền vững.
* Michael Tanner là cố vấn cao cấp ở Viện Cato và là tác giả của một vài cuốn sách, bao gồm Leviathan on the Right: How Big Government Brought Down the Republican Revolution [Những Người Có Uy Quyền Theo Cánh Hữu: Chính Phủ Lớn Đã Hạ Bệ Cuộc Cách Mạng Cộng Hoà Như Thế Nào – ND] và The Poverty of Welfare: Helping Others in Civil Society [Sự Nghèo Nàn của Phúc Lợi: Giúp Đỡ Lẫn Nhau Trong Xã Hội Dân Sự – ND].
Nguồn: Tom G. Palmer, After the Welfare State, Jameson Books, Inc., 2016