Phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể (Phần 1)

Phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể (Phần 1)

Kể từ thế kỉ XIX, những phương pháp được các khoa học xã hội triển khai đã là đối tượng của những cuộc bàn luận sôi nổi. Những cuộc bàn luận này đã được xem xét lại suốt các thập niên trước trong khuôn khổ của một cuộc tranh luận xuyên suốt bởi sự căng thẳng giữa phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể. Tính đa dạng của những ý nghĩa được gán cho hai thuật ngữ này, và đặc biệt cho thuật ngữ đầu, là cội nguồn của những nhầm lẫn hay hiểu lầm góp phần làm cho cuộc tranh luận có một chiều hướng ý thức hệ.

“Cuộc tranh luận về các phương pháp”

Việc xuất bản vào năm 1883 tác phẩm Những nghiên cứu về phương pháp của các khoa học xã hội và đặc biệt của kinh tế chính trị học của Carl Menger là thời điểm đánh dấu điều được gọi là “cuộc tranh luận về phương pháp luận” (Methodenstreit). Nằm trong sự tiếp nối của cuộc xung đột truyền thống đối lập giữa, một mặt, phương pháp trừu tượng và suy diễn của các nhà cổ điển và, mặt khác, cách tiếp cận cụ thể và quy nạp của các nhà duy sử luận, cuộc tranh luận này là sự đối đầu giữa các lí thuyết gia Áo của cuộc cách mạng cận biên - chủ yếu là Menger - với các tác giả đại diện cho trào lưu “duy sử luận” đặc biệt là Gustav Schmoller. Chống lại Schmoller, người bảo vệ một cách tiếp cận tổng thể, tác giả của Principes d’économie politique (Các nguyên lí chính trị học) ([1871] 1907) nhấn mạnh rằng có thể phát biểu những quy luật kinh tế tổng quát, cho dù chúng chỉ áp dụng cho những hiện tượng xã hội đặc biệt, và nói rõ là các quy luật này chỉ có ý nghĩa khi xuất phát từ hành vi duy lí của các tác nhân. Bác bỏ đồng thời duy sử luận và thuyết duy cơ quan, Menger cũng nói đến “những hệ quả không chờ đợi của các hành động tự nguyện”.

Sự cần thiết mở rộng sang xã hội học của kiểu lập luận này, vốn là điểm xuất phát của kinh tế học “tân cổ điển”, đã được Max Weber trình bày. Trong một bức thư năm 1920, ông nhận xét là “xã hội học cũng thế chỉ có thể bắt nguồn từ hành động của một, vài hay nhiều cá thể tách biệt. Đó là lí do vì sao xã hội học phải vận dụng những phương pháp thuần tuý mang tính cá thể”. Ta gặp lại ở Karl R. Popper phê phán ngầm ẩn này đối với tham vọng tính đến các hiện tượng xã hội mà không màng đến chiến lược của các tác nhân. Được tập hợp trong Sự khốn cùng của duy sử luận (1991)1, ba bài viết trong tạp chí Economica các năm 1944-1945 những giới hạn của kiểu giải thích - được gọi là “theo phương pháp luận tổng thể” (holistic) và “có tính phổ cập” - thống trị trong các khoa học xã hội. Đoạn tuyệt với một phương pháp luận theo thuyết bản chất dẫn đến việc quy một biến cố hay hành động nào cho những nguyên nhân tổng quát và việc viện đến những thực thể xã hội học khác nhau, điều được đặt thành tiên đề là “một biến cố xã hội được thấu hiểu khi nó được phân tích bằng những khái niệm của những lực đã tạo ra nó, nghĩa là khi biết được các cá thể và các nhóm có liên quan, những ý đồ hay quyền lợi của họ, và quyền lực mà họ có được”.

Chủ trương, trong khoa học xã hội, nghiên cứu có chọn lọc những khía cạnh trừu tượng bằng những mô hình, Popper đặc biệt làm rõ mục tiêu theo đuổi: đó là “xây dựng và phân tích cẩn thận các mô hình xã hội học của chúng ta bằng những khái niệm mô tả hay duy danh, nghĩa là bằng những cá nhân với các thái độ, dự kiến, quan hệ, v.v. của họ - tiên đề mà ta có thể gọi là phương pháp luận cá thể”. Không bị ràng buộc bởi bất kì cam kết tâm lí học nào, cách tiếp cận tự xưng là “không thể bác bỏ” này do đó quy “tất cả những hiện tượng tập thể về những hành động, tương tác, mục đích, hi vọng và tư tưởng của các cá nhân”. Song song đó, nhưng mệnh đề tương tự được Friedrich A. Hayek trình bày trong Scientisme et sciences sociales ([1952] 1991)2. Phải luôn luôn bắt đầu từ những gì các cá nhân nghĩ và muốn làm và “do hành động của các cá nhân được hướng dẫn bởi một sự phân loại sự vật và biến cố được xác lập theo một hệ thống cảm giác và khái niệm có một cấu trúc chung (...). Đây là nét đặc trưng của phương pháp luận cá thể này gắn chặt với chủ nghĩa chủ quan của các khoa học xã hội”.

Như vậy, một phương pháp luận cá thể được ca tụng để đối lập với một quan niệm tổng thể về xã hội mà không được làm rõ và quy tắc hoá. Phương pháp luận tổng thể bị lên án nặng nề, và việc viện đến những thực thể siêu hình như Nhà nước, thị trường, chủ nghĩa tư bản trong việc giải thích của các bộ môn có liên quan bị bài trừ. Liên quan một cách tổng quát đến khoa học luận của các khoa học nhân văn và xã hội, phiên toà này, chủ yếu được dựng lên để chống lại giá trị của những giải thích do chủ nghĩa duy vật lịch sử và phép biện chứng cung cấp, đã có những phát triển độc đáo ở Pháp.

Sự tiếp nối của cuộc tranh luận

Việc thiết lập những quan hệ trực tiếp giữa những hiện tượng xã hội vĩ mô và làm rõ những quy luật thuộc về một quan niệm tổng thể luận về xã hội. Một trong Các quy tắc của phương pháp xã hội học ([1895] 2004) quy định rằng “phải tìm nguyên nhân có tính quyết định của một sự kiện xã hội trong số những sự kiện trước đó chứ không trong các trạng thái của ý thức cá nhân”. Tác phẩm Le suicide (Tự tử) ([1897] 2004) chứng minh rằng hành động này “biến đổi theo chiều nghịch lại với sự hội nhập vào xã hội tôn giáo, gia đình và chính trị”. Như thế, Louis Dumont ([1983] 1991), mà chúng ta thừa hưởng những ứng dụng ([1967] 1979, 1977) của quan niệm trên, xác đáng hơn định nghĩa của ông về phương pháp luận tổng thể, có cơ sở để tự nhận mình thuộc về truyền thống tư tưởng này khi quy chiếu về “sự kiện xã hội toàn bộ” được Marcel Mauss khái niệm hoá. Ông cho rằng nếu có một truyền thống xã hội học xuất phát từ những cá nhân để rồi sau đó nhìn thấy họ trong xã hội thì cũng có một truyền thống khác “theo đó người ta khẳng định rằng sự kiện tổng thể của xã hội là không thể quy giản (...) Khi đã nói đến phương pháp luận cá thể cho trường hợp đầu, thì cũng có thể nói đến phương pháp luận tổng thể cho trường hợp sau”.

Khuôn khổ phân tích tổng quát này đã chiếm ưu thế trong hầu hết các khoa học xã hội trong nửa sau thế kỉ XX: trong ngôn ngữ học, với sự tiếp nối cuộc cách mạng của Saussure, trong nhân học, với Claude Lévi-Strauss nêu bật một số điểm bất biến được tổ chức thành hệ thống biểu đạt khi bàn đến quan hệ thân thuộc, các huyền thoại, cũng như với những nhà tiên phong của một “Lịch sử mới” mà đối tượng là xã hội được xem xét như một tổng thể. Như vậy, các tác phẩm của Fernand Braudel, Georges Duménil, Michel Foucault đề cập đến những khía cạnh khác nhau của một xã hội toàn diện - toàn bộ xã hội là một phương thức lí tưởng, có trước và cao hơn những bộ phận cấu thành nó, có thứ bậc - mỗi phần tử được nối kết toàn bộ với nhau. Các học giả, không phân biệt là theo cấu trúc luận, chức năng luận hay văn hoá luận có thể chấp nhận định nghĩa của Dumont ([1983] 1991) về phương pháp luận tổng thể: “được xem là phương pháp luận tổng thể một hệ tư tưởng công nhận giá trị của tổng thể xã hội, coi nhẹ và cho là thứ yếu cá nhân con người”. Khi thêm rằng “nói rộng ra, một xã hội học có tính tổng thể luận nếu nó xuất phát từ toàn bộ xã hội chứ không từ cá nhân được giả định là cho trước một cách độc lập”, tác giả của Essais sur l’individualisme (Các tiểu luận về chủ nghĩa cá nhân) chuyển từ một đối tượng nghiên cứu sang một phương pháp của bộ môn bằng cách lẫn lộn chủ nghĩa cá nhân xã hội họcphương pháp luận cá thể

Tuy nhiên, Joseph Schumpeter ([1954] 2004) đã phân biệt hai kiểu chủ nghĩa cá nhân này, được Piere Birbaum và Jean Leca nhận diện rõ ràng (Sur l’individualisme [1986] 2000).

Kiểu chủ nghĩa thứ nhất gắn kết với quá trình đặc trưng hoá các thể chế hay hành vi xã hội, hay chính đáng hoá các chuẩn mực và giá trị chính trị (Mac Pherson [1962] 2004). Nguyên lí của kiểu chủ nghĩa thứ hai cho rằng giải thích một hiện tượng tập thể là phân tích nó như là kết quả của những hành động và tin tưởng cá nhân. Trong một loạt các cuốn sách ([1979] 2001; 1982) và bài viết ([1986] 2000; 1988), Raymond Boudon đã khái niệm hoá và hệ thống hoá phương pháp mà ông chủ trương. Đi liền với mệnh đề đặt cơ sở cho phương pháp, theo đó giải thích được gọi có tính cá thể “khi ta cho rằng hiện tượng xã hội P là hệ quả của hành động của những cá nhân thuộc về hệ thống trong đó P được quan sát”, là ý niệm hiệu ứng gộp hay cấu thành mà tác dụng tai ác - hệ quả không mong muốn của những hành động cá nhân - là một trường hợp tới hạn.

Ý nghĩa và giá trị của sự đối lập

Bằng những ví dụ mượn ở những lĩnh vực nghiên cứu khác nhau - thay đổi xã hội, vận động tập thể, các cuộc xung đột, v.v - R. Bourdon chỉ ra tính xác đáng của phương pháp luận cá thể và những thiếu sót của phương pháp luận tổng thể trong việc xử lí các hiện tượng xã hội. Ông cũng đã xử lí thoả đáng sự tương ứng được xác lập một cách sơ lược giữa xã hội truyền thống và phương pháp luận tổng thể, “xã hội của các cá nhân” và phương pháp luận cá thể: Tocqueville (L’Ancien régime et la révolution [1856] 1993) có tính đến chiến lược của các tác nhân, và do đó qua trung gian của những hành động cá nhân để giải thích sự trì trệ của nền nông nghiệp Pháp trong thế kỉ XVIII; bản thân Boudon cũng nhận xét nhân những vấn đề liên quan đến Ấn Độ là “dù cho xã hội Ấn Độ bị nguyên lí homo hierarchicus thống trị ta cũng phát hiện ở đất nước này những quá trình có tầm quan trọng xã hội to lớn không mấy khác với những quá trình mà các nhà xã hội học đã làm rõ trong những xã hội mà homo aequalis ngự trị”. Cuối cùng R. Boudon đã ghi nhận trong tư liệu xã hội học cổ điển nhiều mẫu của phương pháp mà ông đã gắn liền tên tuổi của mình: Tocqueville liên tục vận dụng phương pháp luận cá thể; phân tích các quá trình lịch sử của Marx được tiến hành bằng phương pháp luận cá thể và quy luật tỉ suất lợi nhuận có xu hướng giảm xuống là một minh hoạ hoàn hảo của hiệu ứng gộp; sự tương quan được Durkheim xác lập giữa thịnh vượng kinh tế và sự gia tăng của tự tử thuộc về logic của những hành động cá nhân nằm bên dưới.

Mặc dù có những nhắc nhở không ngừng nghỉ rằng những hành động cá nhân chỉ có ý nghĩa trong một bối cảnh xã hội nhất định và các cá nhân đánh giá, quyết định và hành động tùy theo vị thế xã hội của họ, phương pháp luận cá thể, được kinh tế học chấp nhận không mấy khó khăn, vẫn không được xã hội học đón nhận tốt. Giải thích tình hình này là do quan niệm cực kì xã hội hoá về cá nhân chiếm ưu thế trong truyền thống xã hội học ở Pháp, với những kiến giải bao quát lấn át các phân tích về quá trình, việc truy tìm các nền tảng vi mô và thiết kế các mô hình hình thức. Thêm vào đó là ảnh hưởng mạnh mẽ của lối tư duy bị chủ nghĩa duy vật lịch sử và biện chứng định hướng. Kết quả là cực đoan hoá sự đối lập phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể. Một mặt, sự lẫn lộn giữa phương pháp luận cá thể, chủ nghĩa cá nhân xã hội học và hệ tư tưởng tự do được duy trì, mặt khác, việc lạm dụng khái niệm cấu trúc bị tố cáo và việc ráp nối những thuật ngữ sáo rỗng như, ví dụ, “xã hội cổ truyền” và “xã hội hiện đại” bị gạt bỏ.

Hiệu quả của phương pháp luận cá thể - gắn liền với các khái niệm hành động, tương tác và gộp - không chỉ được nhiều nghiên cứu xử lí các chủ đề khác nhau chứng thực. Nó đã tạo cảm hứng cho R. Boudon (1984) đọc lại lịch sử các ý tưởng trong khoa học xã hội, người đã tìm cách chứng minh rằng đóng góp của Durkheim chưa được đánh giá đúng. Tác giả của La division du travail há chẳng đã khẳng định rằng “chủ nghĩa cá nhân không bắt đầu từ đâu cả”? Đối với nhà bình luận này, điều này có nghĩa là “trong mọi xã hội, cá nhân quan tâm đến bản thân và tự cho mình có quyền và khả năng đánh giá các thể chế hiện hành”. Người ta cũng đã sai lầm cho là Durkheim “có một tầm nhìn nhân quả về hành vi thừa nhận rằng hành vi được giải thích bằng những lực chi phối ở sau lưng tác nhân”. Ở đây đồng thời với việc phủ nhận rằng Durkheim có một quan niệm tổng thể về xã hội là việc xoá nhoà sự phân biệt giữa phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể.

Cuối cùng, phải chăng là không thể hoà giải phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể? Liệu phương pháp mà các thuật ngữ này biểu thị đúng hơn là bổ sung nhau, và do đó là tương thích với nhau? Được phân tích bằng những xấp xỉ hoá liên tiếp, một hiện tượng xã hội có thể, trong một bước đầu kiến giải một cách tổng quát, trước khi được hiểu từ những “lí do chính đáng” của các tác nhân. Tuy nhiên không hiếm trường hợp vì thiếu thông tin nên không cho phép nhận diện các trung gian cá nhân. Mặt khác, phương pháp luận tổng thể có giá trị riêng của nó. Những quan hệ nhân quả được xác lập giữa những hiện tượng xã hội vĩ mô có thể có một cơ sở thực tế và việc giải thích khái quát các cấu hình xã hội một lợi ích rõ ràng: chẳng hạn sự đặc trưng hoá, của Ruth Benedict, một văn hoá theo kiểu Appollon (cân bằng và chừng mực - ND) và một văn hoá theo kiểu Dionysos (nguyên tác là Faust - ND) cho phép chúng ta hiểu những bố trí xã hội mà không đòi hỏi đào sâu bằng phương pháp luận cá thể.

(Còn nữa)

Chú thích

(1) Bản dịch tiếng Việt của Chu Lan Đình: Sự nghèo nàn của thuyết sử luận, Hà Nội, 2012, NXB Tri thức (ND).

(2) Bản dịch tiếng Việt của Đinh Tuấn Minh và các cộng sự: “Chủ nghĩa duy khoa học và nghiên cứu xã hội” trong Cuộc cách mạng ngược trong khoa học, Hà Nội, 2017, NXB Tri thức (ND).

Nguồn: Dictionnaire critique de la sociologie, Raymond Boudon và François Bourricaud, Paris, PUF, 1982.

Nguồn dịch: Phân tích kinh tế 123: Phương pháp luận cá thể và phương pháp luận tổng thể

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước