![[Kinh tế học cấm đoán] Chương 2: Nguồn gốc của cấm đoán (Phần 7)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k25003.15_(1).jpg)
[Kinh tế học cấm đoán] Chương 2: Nguồn gốc của cấm đoán (Phần 7)
CẤM CẦN SA TRÊN TOÀN QUỐC
Biện pháp cấm đoán dường như không phù hợp với ý nghĩa kinh tế, văn hóa và lịch sử của cần sa. Như Ernest L. Abel ghi nhận: “Cần sa chắc chắn là một trong những loại cây đáng chú ý nhất trên thế giới. Lúc này hay lúc khác, hầu như tất cả các phần của loài cây này đều đã từng được sử dụng và đánh giá cao. Rễ của nó được nấu để làm thuốc; quả của nó được cả người lẫn súc vật dùng như một loại lương thực, được ép làm dầu công nghiệp và ném vào lửa để lấy ra chất nhựa cần sa; sợi dọc theo thân cây của nó được đánh giá cao hơn tất cả các loại sợi vì chắc và bền; còn lá của nó thì dùng để nhai, bỏ vào nước sôi hay hút như một loại thuốc chữa bệnh tạo ra cảm giác say sưa” (1980, 269-70). Cấm cần sa còn kì quặc ở chỗ nó có hiệu lực trước khi việc sử dụng cần sa như một thú tiêu khiển trở nên thịnh hành. Những câu hỏi này và tầm quan trọng hiện nay của cần sa trong nền kinh tế ngầm đã buộc những nhà nghiên cứu phải tìm hiểu nguồn gốc của những biện pháp cấm đoán cần sa.
Hai giả thuyết từng chiếm ưu thế trong thảo luận về nguồn gốc của việc cấm đoán cần sa. Giả thuyết thứ nhất có tên là “Giả thuyết Anslinger” do Howard Becker đưa ra trong những năm 1950. Howard Becker (1963) khẳng định rằng Cục ma túy liên bang, do cựu Cao ủy về những biện pháp cấm đoán, ông Harry Anslinger, đứng đầu, có vai trò con buôn trong việc hướng dư luận xã hội vào cần sa. Thí dụ, Anslinger là người chịu trách nhiệm về việc phát triển khái niệm “cỏ giết người” và hầu như l tất cả những bài báo được nhiều người thích, xuất bản trước khi thông qua Luật thuế đánh vào cần sa (1937) đều công nhận s trợ giúp của Cục ma túy và những xuất bản phẩm của Cục này.
Becker không nói rằng Cục ma túy liên bang đã tìm cách thông qua đạo luật này hay vì sao họ lại làm như thế trong thời gian đó. Joel Fort (1969) khẳng định rằng Cục tìm cách làm cho mình thành nổi tiếng, còn Erich Goode (1972) thì nói rằng Cục tìm cách áp đặt đạo đức của mình lên toàn xã hội. Donald T. Dickson (1968) lại khẳng định rằng Cục chỉ theo đuổi quyền lợi riêng của mình bằng cách phình to thêm bộ máy quản lí và sống sót sau vụ cắt giảm ngân sách do cuộc Đại Suy Thoái gây ra. Jerome L. Himmelstein (1983) lại khẳng định rằng Cục cố gắng duy trì bằng cách giới hạn trách nhiệm và chỉ giữ vai trò lập chính sách mà thôi. Tất cả những giả thuyết này đều có một số giá trị nào đó, nhưng không giả thuyết nào hay bất kì sự kết hợp nào có thể giải thích một cách đầy đủ nguồn gốc của luật cấm cần sa.
“Giả thuyết Mexico” do David F.Musto (1973) và John Helmer (1975) đưa ra, ám chỉ rằng luật cấm cần sa là phản ứng nhằm chống lại người di cư từ Mexico và những người khác, thí dụ như người da đen và thị dân lớp dưới. Giả thuyết này dựa trên cơ sở là việc sử dụng tràn lan cần sa trong những năm 1920 và đầu 1930, thái độ thù địch cố chấp đối với người Mexico và trên thị trường lao động trong giai đoạn Đại Suy Thoái người Mexico sẵn sàng nhận mức lương thấp hơn người da trắng.
Có những bằng chứng chứng tỏ rằng dường như thái độ thù địch cố chấp đóng vai trò quan trọng trong việc đòi phải thông qua luật cấm. Người Hoa, người Đức và người Ireland là thí dụ nổi bật của tình trạng kì thị do luật cấm này gây ra. Từ những bằng chứng do Richard J. Bonnie và Charles Whitebread II (1974) đưa ra, có thể thấy rõ ràng là trong năm 1937 xã hội không quá lo lắng về hiện tượng sử dụng cần sa, cũng không có lời kêu gọi nào về luật cấm cần sa mà không liên quan, theo một cách nào đó, với Cục ma túy hay xuất bản phẩm của Cục này.
Việc thông qua Luật Thuế cần sa diễn ra mà không thấy người ta nói nhiều và đã không trở thành chính sách quan trọng cho đến khi có nhiều người sử dụng cần sa trong những năm 1960. Giả thuyết Anslinger và giả thuyết Mexico là những giả thuyết bổ sung cho nhau; cả hai giả thuyết này cùng giúp nâng cao nhận thức của chúng ta về nguyên nhân, sự biện hộ và mục đích của những biện pháp cấm cần sa. Đồng thời, hai cách giải thích này dường như chưa phải là câu trả lời đầy đủ cho câu hỏi về nguồn gốc của việc cấm cần sa. Có thể tìm được lời giải thích đầy đủ hơn bằng cách đặt hai giả thuyết cạnh tranh với nhau này trong bối cảnh lịch sử, có tính đến những biện pháp cấm đoán trước đó.
Thứ nhất, Anslinger là Cao ủy viên của Ủy ban cấm đoán trong giai đoạn Cấm Rượu trong toàn quốc. Khi Luật cấm rượu bị bãi bỏ, cuộc Đại Suy Thoái đã tạo ra áp lực về ngân sách, và Cục ma túy liên bang đòi hỏi những lí lẽ biện minh bổ sung cho sự tồn tại của nó.
Trong giai đoạn Cấm Rượu, Anslinger đã học được những bài học quan trọng. Thứ nhất, những cơ quan quản lí khó tìm được đủ tiền để thực thi nhiệm vụ của mình, cuối cùng đã được chứng minh là không hiệu quả. Thứ hai, Anslinger thúc đẩy ý tưởng về việc xử phạt người tiêu dùng, cũng như người sản xuất và người phân phối. Ông tin rằng nếu trước đây áp dụng những biện pháp trừng phạt như vậy thì Luật cấm rượu đã có hiệu quả rồi. Luật cấm cần sa tạo cho ông cơ hội kiểm tra cách tiếp cận của mình. Thứ ba, Anslinger tin rằng sự công khai và ủng hộ của xã hội là quan trọng và phải sử dụng mọi phương tiện để giành lấy sự ủng hộ như thế.
Trong mô hình cấm đoán của Anslinger, đa số tuyệt đối phải chiến đấu với thiểu số nhỏ bé và thiếu tự tin. Điều đó sẽ tạo ra mức độ ủng hộ ổn định của xã hội và nguồn tài trợ thường xuyên cho bộ máy quản lí. Bộ máy hành chính liên bang cần phải chịu trách nhiệm về việc thực thi những biện pháp cấm đoán. Bộ máy hành chính liên bang chỉ có vai trò thiết lập chính sách và thiết lập sự hỗ trợ của xã hội đối với những biện pháp cấm đoán mà thôi. Khi chuyển việc thực thi về địa phương, những vấn đề phát sinh và thất bại sẽ ít bị nhòm ngó hơn là khi còn ở cấp liên bang.
Những biện pháp cấm rượu có ảnh hưởng đến thị trường cần sa. Vì trong thời gian thi hành Luật cấm rượu, giá rượu tăng so với giá rượu thì giá cần sa giảm và tiêu thụ bắt đầu tăng lên. Nó trở thành món hàng đặc biệt thông dụng với những tầng lớp có thu nhập thấp, không đủ tiền mua rượu. Ở vùng Trung Tây và Tây Nam việc sử dụng cần sa lan tràn nhanh hơn những khu vực khác. Trong những khu buôn rượu lậu ở những thành phố lớn, nó còn được bán dưới dạng thuốc vấn (hashish) nữa. Nếu Luật cấm rượu không phơi bày ra những hiện tượng như thế thì cần sa rất có thể đã không trở thành vấn đề được dư luận hoặc quốc hội quan tâm vào năm 1937. Ngoài ra, luật cấm ma túy mang tên Harrison năm 1914, đã trở thành đạo luật có giá trị cho ủy ban. Trước khi luật Harrison được ban hành, những biện pháp cấm đoán khó mà giữ được trong khuôn khổ của hiến pháp. Tiền lệ sử dụng quyền lực của cơ quan thuế liên bang và những thách thức của những phiên tòa trong quá khứ với đạo luật Harrison đã giúp hình thành tính hợp pháp của những biện pháp cấm cần sa.
Quan điểm mang tính lịch sử-lí thuyết như thế về nguồn gốc của những biện pháp cấm đoán cần sa chứa đựng lời giải thích toàn diện cả giả thuyết của Anslinger lẫn giả thuyết Mexico. Giả thuyết Mexico (phân biệt đối xử) cũng đúng một phần. Phần lớn các biện pháp cấm đoán là do cố chấp, và sự phân biệt đối xử giúp giải thích, ví dụ, việc giảm bớt hình phạt đối với việc sử dụng cần sa trong những năm 1970, đấy là khi nhiều thanh thiếu niên da trắng trung lưu đã bị bắt giữ vì sở hữu cần sa. Giả thuyết của Anslinger (quan liêu) giúp giải thích việc mở rộng những biện pháp cấm đoán sang cần sa và cách thức thực hiện những biện pháp này. Nhưng hàm ý lịch sử và thực tiễn của hai luật cấm trước đó thực sự cần thiết trong việc giải thích đầy đủ về nguồn gốc của những biện pháp cấm đoán cần sa.
Cách giải thích theo lối truyền thống hơn, thông qua việc tìm kiếm lợi nhuận độc quyền, cũng giúp chúng ta hiểu biết hơn về những biện pháp cấm đoán cần sa. Cần sa (cây gai dầu) đã từng là một trong những cây trồng quan trọng nhất trong nền văn minh của loài người. Nó được sử dụng rộng rãi để làm sợi, làm thức ăn gia súc, thuốc chữa bệnh, dầu, và trong nhiều lĩnh vực khác trên toàn thế giới. Trước thế kỷ XX, cây gai dầu là nguồn thay thế số một cho dầu hỏa và bông. Tuy nhiên, loại bỏ cây gai dầu như là vật liệu thay thế sẽ nhất quán với hoạt động nhằm tìm kiếm lợi nhuận độc quyền. Ví dụ, ngành công nghiệp hóa chất và những công ty như EI du Pont de Nemours, tức là những ngành sản xuất sợi nhân tạo và dầu khô từ dầu mỏ (sử dụng trong các loại sơn và shellac – dùng để sản xuất vec-ni) có khả năng sẽ được lợi từ việc cấm cần sa. Cấm cần sa sẽ mang lại l lợi thế kinh tế cho ngành hóa chất và những nguồn thay thế t nhiên khác của dầu và sợi. Mặc dù gia đình Du Pont tham tích cực vào phong trào chống Luật cấm rượu, công ty của họ đã nhận được bằng sáng chế mới về qui trình sản xuất bột giấy từ gỗ, nếu cần sa không bị cấm vào năm 1937 thì loại giấy này sa phải cạnh tranh với giấy sản xuất từ cây gai dầu. (Tìm đọc thêm Larry Sloman (1979) về bối cảnh lịch sử của vấn đề cần sa).
Cấm đoán là một hiện tượng kì quặc, nhưng không còn là hiện tượng bí ẩn nữa. Có thể thấy nguồn gốc của nó trong những ý định tốt đẹp của những người Tin Lành theo phái Phúc âm và sự kì thị đối với những nhóm thiểu số. Chính trị cung cấp cho các các thành viên thiếu kiên nhẫn của phong trào vận động ôn hòa phương pháp trực tiếp và ít tốn kém nhằm đạt cho bằng được mục tiêu của họ – kết quả là làm mất bản chất tự nguyện và phục vụ xã hội của phong trào.
Chủ nghĩa cấm đoán đã trở thành phong trào của những người theo đuổi những quyền lợi đặc thù đầy cơ hội trong liên minh được thiết lập bởi các nhóm thương gia và những tổ chức chuyên nghiệp. Trong khi ít người để ý đến cách giải thích cấm đoán theo lối tìm lợi nhuận độc quyền thì không nghi ngờ gì rằng, đây là một nhân tố quan trọng. Việc thành lập các nhóm lợi ích đầy quyền lực trong lĩnh vực y tế là một trong số những ảnh hưởng lâu dài của chủ nghĩa cấm đoán. Hiệp hội Y khoa Hoa Kì đã trở thành lực lượng luôn chiếm ưu thế trong xu thế cấm đoán. Sức mạnh độc quyền của họ tạo điều kiện cho họ đóng cửa một số trường y, kiểm soát các trường còn lại và hạn chế thành lập trường mới. Nhiều bác sĩ (homeopaths – chữa theo phép vi lượng đồng căn, người sử dụng phương tiện điều trị ít tốn kém) đã bị đuổi ra khỏi ngành. Rubin A. Kessel (1958, 1970, 1972, 1974) chỉ ra một số hậu quả tiêu cực từ việc thiết lập sự độc quyền như thế. Burrow (1977) và John B. Blake (1970) cũng cho thấy các tổ chức y tế và dược phẩm đã giành được quyền kiểm soát đối với ngành y tế thông qua việc cấp phép hành nghề và kiểm soát việc bào chế thuốc trong thời gian diễn ra phong trào ủng hộ lệnh cấm. Các tổ chức, hoặc sự độc quyền của ngành y tế đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, sự cách tân, cạnh tranh về giá và phân phối thu nhập.
Một trong những kết luận quan trọng nhất của công trình nghiên cứu này là cấm đoán không được áp dụng cho những sản phẩm trước đó không bị kiểm soát mà áp dụng cho những sản phẩm đã là đối tượng của sự can thiệp thô bạo của chính phủ. Những vấn đề tồi tệ nhất liên quan tới rượu, thí dụ như những vấn đề xuất hiện trong các nhà trọ và quán rượu, hoặc trong trường hợp ma tuý, thuốc chữa bệnh có bằng sáng chế, là hậu quả không lường trước được của những biện pháp can thiệp, chứ không phải của thị trường tự do.
Người ta đã tìm ra rằng, bộ máy quan liêu – một khi đã được thành lập – sẽ thúc đẩy và khuếch trương các chính sách cấm đoán. Điều này đặc biệt đúng đối với luật cấm ma tuý và cấm cần sa. Những cuộc chiến tranh (Phong trào cách mạng, Cuộc chiến năm 1812, Nội chiến, Chiến tranh Tây Ban Nha-Mĩ, và nhất là Thế chiến I) được người ta chỉ ra là tác nhân khuyến khích việc uống rượu và sử dụng ma tuý và đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập những biện pháp cấm đoán.
Nguồn: Mark Thorntom (2016). Kinh tế học cấm đoán. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Economics of Prohibition