[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp] Chương 14: Sự lạm dụng và suy tàn của lý tính
Sự chia cắt của thế giới trước và sau Thế chiến II mới thật sâu sắc làm sao – từ phương diện cảm xúc, tư duy, cho đến tinh thần – tới mức mà những người trưởng thành sau chiến tranh vẫn thường khó nhận ra mức độ của nó. Nền văn minh nhân loại có thể đã đi theo một hướng khác. Đối với những thế hệ hậu chiến, Thế chiến II luôn là “chiến tranh,” bất kể những cuộc xung đột với quy mô nhỏ hơn khác và cho dù thế hệ từng sống và chiến đấu trong cuộc chiến đó nay hầu như không còn nữa. Hơn năm mươi năm qua, những sự kiện nổi bật đều được đóng khung trong sự liên hệ với trước hoặc sau cuộc chiến.
Từ những góc nhìn nhất định, giờ đây người ta thấy cái bóng đen lồ lộ của Thế chiến II lớn hơn mức độ mà nó được cảm nhận vào thời điểm diễn ra. Cho dù bản chất xấu xa của bọn Quốc xã đã bị phơi bày ngay tức thời, thì cũng chỉ đến khi kết thúc cuộc chiến người ta mới hiểu được đầy đủ sự tối tăm quái quỷ mà chúng lao đầu vào, khi những khám phá rộng rãi (bên ngoài nước Đức và giới quân sự, chính trị cấp cao) về những trại tập trung chết người mãi mãi hướng sự chú ý vào bộ mặt đen tối ấy của chế độ Quốc xã. Sự mở màn của vũ khí hạt nhân vào cuối cuộc chiến là đỉnh điểm của lò lửa chiến tranh. Lần đầu tiên nhân loại có khả năng tự huỷ diệt mình.
Nếu như Thế chiến II đi tới hồi kết với những nốt nhạc choáng váng – nạn diệt chủng người Do Thái của chế độ Quốc xã (Holocaust) và việc sử dụng bom nguyên tử – thì nó cũng từng mở màn với những âm hưởng bàng hoàng. Hitler lên nắm quyền theo sau cuộc bầu cử năm 1932, trong đó hơn 60% người Đức ủng hộ đảng Quốc xã và các đảng phái liên minh. Sau cuộc bầu cử tháng 3 năm 1933 mà bọn Quốc xã (thuộc các đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc, và Đảng Trung tâm Cơ đốc giáo La Mã) giành trên hai phần ba số ghế ở Reichstag (Quốc hội Đức), Hitler, lúc này là thủ tướng, đã đoạt được quyền lực độc tài. Mọi thực thể chính trị không thuộc Đảng Quốc xã đều bị đặt ngoài vòng pháp luật. Các đảng phái chính trị khác bị cấm hoạt động, Đảng Cộng sản bị đàn áp, các liên đoàn lao động bị bãi bỏ, công nhân buộc phải gia nhập Mặt trận Lao động Đức dưới sự lãnh đạo của Đảng Quốc xã, các lãnh đạo liên đoàn bị bắt, và toàn bộ nền công nghiệp, chính phủ, bộ máy dân sự và tư pháp của Đức được đặt dưới sự thống trị của Đảng Quốc xã. Đạo luật Nuremberg năm 1935 tước bỏ quyền công dân của người Do Thái và cấm hôn nhân giữa người Do Thái với người phi Do Thái.
Ngay sau khi lên nắm quyền năm 1933, Hitler rút khỏi Liên đoàn các Quốc gia (League of Nations) cùng các cuộc đàm phán giải trừ quân bị. Ông ta triển khai chương trình tái quân sự hoá và nhập ngũ bắt buộc, và năm 1936 tiến hành chiếm đóng quân sự vùng Rhineland (giáp biên giới với Pháp) mà theo Hiệp ước Versailles là vùng dự kiến tiếp tục phi quân sự. Cùng năm 1936, nội chiến ở Tây Ban Nha và cuộc xâm lược Ethiopia của Italia đã đưa đến sự ra đời Trục Roma-Berlin, tiếp theo đó là liên minh với Nhật Bản. Tháng 3 năm 1938, Anschluss – sự thống nhất Đức-Áo, vốn cũng bị cấm theo Hòa ước Versailles – được hoàn tất, và tại Hội nghị Munich tháng 9 năm 1938, Czechoslovakia bị Anh và Pháp bỏ rơi khi để cho Hitler xâm chiếm vùng Sudetenland của Czech. Sự nhượng bộ của Anh-Pháp chấm dứt vào tháng 3 năm 1939 khi Hitler chiếm nốt thẻo đất còn lại của Czechoslovakia. Thế chiến II cuối cùng nổ ra vào tháng 9 năm 1939, sau Hiệp ước Đức-Xô ngày 24 tháng 8 và cuộc xâm lược Ba Lan của Đức-Nga ngày 1 tháng 9.
Hayek nhập quốc tịch Anh năm 1938 và ông giữ nguyên địa vị ấy cho đến hết đời. Không như phần lớn đồng nghiệp của mình, ông không thể đảm nhận bất kỳ vai trò nào trong chính phủ nào suốt Thế chiến II bởi nguồn gốc Áo, và có lẽ, bởi những chuyến qua lại thường xuyên của ông sang Châu Âu lục địa những năm 1930. Ông nỗ lực đáng kể để được phục vụ tình nguyện cho Bộ Thông tin, nơi ông nghĩ là với “kinh nghiệm ngoại lệ,” như ông viết trong một bức thư, ông có thể “khá hữu ích cho những công việc liên quan đến tổ chức của bộ máy tuyên truyền ở Đức,” nhưng đề nghị của ông đã bị khước từ.
Nhờ tấm hộ chiếu Anh, ông có thể đi đây đi đó cho tới khi chiến tranh nổ ra. Ông còn qua thăm người vợ tương lai ở Áo “tới tận tháng 7 hay tháng 8 năm 1939, với ý thức rất rõ là mình có thể gặp rủi ro, bất chấp khả năng chiến tranh chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.” Ông tỏ tường vùng núi đến mức nếu bị kẹt lại ở Áo (lúc bấy giờ thuộc Đức) vì chiến tranh, thì ông có thể “dễ dàng tìm ra lối thoát.”
Tiếp theo sự kiện Đức và Liên bang Xô Viết chiếm đóng Ba Lan tháng 9 năm 1939 là tám tháng của cái gọi là Sitzkrieg hay “trận giả chiến,” thỉnh thoảng nó cũng bị chế nhạo với cái tên đó, kéo dài cho tới cuộc xâm lược chớp nhoáng của Hitler đối với Đan Mạch và Na Uy tháng 4 năm 1940. Sau đấy Đức xâm chiếm Hà Lan, Bỉ và Pháp ngày 10 tháng 5. Robbins thuật lại, sau khi hay tin các cuộc xâm lược của Đức, hoạt động học thuật bắt đầu “xấu đi quá mức chịu đựng. Sáng sáng tin tức từ những đợt thất thủ và đảo ngũ lại dội về; và chúng tôi, với tất cả tiềm năng còn chưa khai thác, vẫn nhai đi nhai lại những bài giảng mà xem ra bỗng chốc đã trở nên lạc lõng.” Nước Anh và sự tồn vong của nền văn minh phương Tây đứng trước tình thế lâm nguy.
Churchill trở thành thủ tướng ngày 10 tháng 5 sau khi Neville Chamberlain từ chức. Ông phát biểu trước hạ viện ngày 13 tháng 5 là mình “không có gì ngoài sự tận tụy, máu, mồ hôi và nước mắt,” và đúng như thế. Hayek đã cân nhắc việc đưa con cái ra nước ngoài. Khi quân Đức bắt đầu không kích nước Anh mùa hè năm 1940, gia đình ông không thể sống ở London. Niên khoá 1939-1940, Trường Kinh tế và Chính trị London sơ tán tới trường Peterhouse College1 ở Cambridge và ở đây cho đến khi cuộc chiến kết thúc. Hayek vất vả tìm kiếm nơi trú ngụ tại Cambridge và gia đình ông đã sống cùng gia đình Robbins một năm tại một ngôi nhà trệt vùng ngoại vi London trong khi ông sống trong các căn phòng của trường King’s College ở Cambridge do Keynes thu xếp.
Cuối cùng Hayek cũng tìm ra một kho lương thực được cải tạo lại ở Cambridge và ông sống cùng gia đình tại đây cho đến khi chiến tranh kết thúc. Căn phòng nơi ông nghiên cứu cao khoảng hai tầng và sau đó được sử dụng như là khán phòng dành cho sinh hoạt kịch nghệ nghiệp dư. Con trai Hayek còn nhớ những căn phòng mà Keynes dành cho cha mình ở trường King’s College là “rất tiện nghi nhưng lạnh lẽo.”5
“Sự thay đổi diễn ra đến chóng mặt,” là nhận xét của Norman MacKenzie, sinh viên thời chiến tại LSE và sử gia Hội Fabian. Trong khi ở London trường có 3.000 sinh viên (một nửa số đó theo học bán thời gian) cùng chín mươi viên chức, thì tại Cambridge chỉ còn lại 500 sinh viên đại học (không có ai học bán thời gian) và khoảng một nửa số giảng viên, trong đó chỉ có chín giáo sư. MacKenzie còn nhớ, “Đặc điểm của trường cũng thay đổi.” ở London cứ khoảng ba sinh viên nam thì có một sinh viên nữ. Ở Cambridge, ban đầu tỷ lệ là ngang nhau, nhưng đến giữa cuộc chiến thì số nữ sinh gấp đôi nam. “Thay đổi có tính quyết định là việc chuyển từ ngôi trường với những thành viên ngoại trú sang một cộng đồng nội trú.”6
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là Thế chiến II cùng quá trình dẫn tới nó đã làm thay đổi mạnh mẽ thế giới quan của hầu hết mọi người ở Châu Âu và Châu Mỹ. Rất ít ai lường trước là cuộc chiến tranh với quy mô như thế hay với tính chất khủng khiếp đến vậy lại sớm xảy ra. Tương lai là bất định.
Trong bài viết có tính lịch sử được ông chuẩn bị nhân kỷ niệm năm mươi năm ngày thành lập LSE, Hayek lưu ý là mặc dù cuộc chiến xảy ra vào tháng 9 năm 1939 đã làm giảm lượng viên chức và sinh viên của LSE ở Cambridge, thì chương trình học hầu như vẫn không có sự thay đổi lớn nào cho đến mùa xuân năm 1940, khi cuộc chiến với nước Anh thực sự bắt đầu. Dù vậy, sau khi Pháp đầu hàng và các cuộc oanh kích London bắt đầu, việc huy động triệt để sức mạnh chất xám sẵn có nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan chính phủ đã lấy đi phần lớn số viên chức còn lại của nhà trường.”7 Robbins, Plant cùng nhiều người khác chuyển sang phục vụ trong chính phủ.
Hayek có quan hệ cá nhân gần gũi nhất với Keynes ở Cambridge thời gian chiến tranh, khi Keynes đều đặn lui về đây vào mỗi dịp cuối tuần từ văn phòng làm việc trong chính phủ ở London. Hayek hồi tưởng là chính trong giai đoạn này,
“vì ông đang tìm sự khuây khoả ngoài công việc nặng nề của mình, hoặc giả mọi thứ liên quan đến công việc của ông đều thuộc về bí mật, nên tất cả quan tâm khác của ông đều phát lộ rõ ràng nhất. Tôi đặc biệt nhớ một dịp, dường như là điển hình hơn cả, khi Keynes vừa trở về từ một phái vụ chính thức tới Washington. Chuyến đi liên quan đến một vấn đề có ý nghĩa hết sức trọng đại mà ai cũng phải thừa nhận là nó hẳn đã tiêu hao hết sinh lực của ông. Ấy vậy mà ông lại dành luôn một phần buổi tối để mô tả chi tiết tình trạng bộ sưu tập sách thời Elizabeth Đệ nhất ở Mỹ cho chúng tôi, như thể việc nghiên cứu này mới là mục đích duy nhất của chuyến đi.” 8
Larry Hayek còn nhớ cha ông và Keynes tham gia cùng nhau trong kíp theo dõi hoả lực buổi tối từ tầng cao nhất của trường King’s College.
Hayek ca ngợi đề xuất của Keynes về Phương sách trang trải cuộc chiến (How to Pay for the War), tiêu đề cuốn sách mỏng năm 1940 do Keynes biên soạn, trong đó có đề nghị của Hayek về việc đánh thuế tư bản sau chiến tranh. Hayek không tiếp tục phần thứ hai cuốn Lý thuyết thuần túy về tư bản, mà lời đề tựa phần thứ nhất đã được viết vào tháng 6 năm 1940, một phần là vì trong phần thứ hai ông sẽ phê phán Keynes. Hayek giải thích,
“có một tình huống rất kỳ lạ xuất hiện. Lúc này chiến tranh đã nổ ra. Và Keynes hầu như là người có đầu óc xét đoán duy nhất sẵn sàng và có khả năng bảo vệ chúng tôi khỏi lạm phát. Vì thế trong thời gian chiến tranh, về những vấn đề chính trị thực tiễn, tôi đã ở cạnh Keynes, và không muốn làm ông mất uy tín. Một sự công kích nhằm vào Keynes thời gian chiến tranh sẽ đi ngược lại những gì mà mình từng tin là đúng. Tôi chịu ơn vì sự hiện hữu của ông.” 9
Hayek kể là khi ở Cambridge, “khối lượng công việc giảng dạy nhẹ nhàng” cộng với khoảng cách đến lớp học gần đã đem lại cho ông nhiều thời gian nghiên cứu hơn bao giờ hết so với trước đấy. Trong quá trình hoàn thiện công trình dở dang của mình về lý thuyết tư bản và tiền tệ, ông đã chuyển hướng sang khám phá những lĩnh vực xã hội rộng hơn. Dù ông không có ý định từ bỏ lĩnh vực kinh tế học kỹ thuật, thì sự nghiệp của ông cũng phát triển theo hướng đó.
Trong Thế chiến II, ông trở thành quyền biên tập tạp chí Economica của LSE khi những đồng nghiệp trước đấy của ông được mời đảm nhiệm các công việc trong chính phủ. Từ năm 1941 đến 1944, ông công bố sáu bài viết trên tờ Economica mà sau này được tái bản năm 1952 dưới tiêu đề Cuộc cách mạng ngược trong khoa học (The Counter-Revolution of Science). Ông mô tả bối cảnh ra đời của công trình mới này: một “tình huống hết sức đặc biệt xuất hiện ở Anh khi mọi người tin tưởng nghiêm túc rằng chủ nghĩa quốc xã là phản ứng của chủ nghĩa tư bản trước chủ nghĩa xã hội. Vì thế tôi đã viết một bài báo cáo về chủ đề này, rồi biến nó thành một bài luận, và sau đó lại tranh thủ chiến tranh để viết ra một cuốn sách ưu thời dành cho đại chúng [Đường về nô lệ] về thứ mà tôi từng hình dung sẽ là một tác phẩm vĩ đại liên quan đến sự lạm dụng và suy tàn của lý tính.” Ông viết về “một chủ đề xa lạ trong trạng thái tập trung cao độ nhằm chống lại sự bất lực của mình trước sự đan xen của tiếng bom rơi không ngớt.” Bài viết đầu tiên của ông, “Tự do và hệ thống kinh tế” (Freedom and the Economic System), công bố tháng 4 năm 1938 và về sau trở thành Đường về nô lệ, dù Hayek đã bắt tay vào lĩnh vực này một số năm trước đó.
Hai phần của luận thuyết Sự lạm dụng và suy tàn của lý tính lần lượt ra đời với tựa đề “Sự ngạo mạn của lý tính” (The Hubris of Reason) và “Sự trừng phạt của xã hội kế hoạch hoá” (The Nemesis of the Planned Society), trong đó phần thứ hai được phát triển thành ấn bản ưu thời dành cho đại chúng, Đường về tới nô lệ. Hàng thập kỷ sau, trong bản lược thảo đầu tiên của cuốn Sự tự phụ chết người (The Fatal Conceit), ông nói rằng ý định khi chấp bút viết Sự lạm dụng và suy tàn của lý tính là nhằm phê bình tư tưởng hiện đại. Theo dự định thì phần thứ nhất là bản mô tả lịch sử về tư tưởng hiện đại nhưng rồi lại không được hoàn thiện, và phần thứ hai – về sau trở thành Đường về nô lệ – lẽ ra là những đúc kết thực tiễn từ những ý tưởng lịch sử đáng ra đã được ông phác hoạ ở phần thứ nhất. Mục đích tác phẩm Sự lạm dụng và suy tàn của lý tính là nhằm cho thấy làm thế nào mà một quan niệm lạm dụng về những gì lý tính có thể đạt được trong xã hội lại dẫn đến sự tàn phá, thông qua xã hội kế hoạch hoá, những gì mà nó thực sự có thể đạt được. Quan niệm sai lầm về lý tính dẫn đến sự suy tàn của chính nó.
Ông phân biệt hai loại chủ nghĩa cá nhân: thật – bắt nguồn từ Anh và Scotland – nhấn mạnh tính chất không quan trọng của lý tính cá nhân; và giả – có gốc rễ từ chủ nghĩa duy lý Descartes2 – nhấn mạnh tầm quan trọng của lý tính cá nhân. Theo Hayek, về chủ nghĩa cá nhân chân chính,
“điều đầu tiên cần phải nói là trước hết nó là một lý thuyết xã hội, một nỗ lực nhằm hiểu được những lực lượng quyết định đời sống xã hội của con người, và chỉ sau đó người ta mới rút ra tập hợp những tiên đề chính trị từ quan niệm xã hội ấy. Luận điểm cơ bản của nó là không có cách hiểu hiện tượng xã hội nào khác ngoài hiểu biết của chúng ta về các hành động của cá nhân… Bước tiếp theo của sự phân tích cá nhân chủ nghĩa về xã hội là lập luận, thông qua việc lần theo những hiệu ứng gộp của các hành động cá nhân, chúng ta khám phá ra rằng nhiều thiết chế xã hội vốn là cơ sở cho những thành tựu của con người lại từng ra đời và đang vận hành mà không do một trí tuệ nào thiết kế và điều khiển. Sự hợp tác tự phát giữa những con người tự do thường tạo nên những thành quả vĩ đại hơn những gì mà mỗi một cá nhân ấy từng khả dĩ thấu hiểu đầy đủ.”
Quan điểm của ông có tính thực nghiệm và đạo đức như nhau. Theo ông không một bộ óc nào có thể biết được tương lai sẽ hay cần tiến theo chiều hướng nào, và vì thế việc cố gắng xây dựng xã hội dựa trên giả thuyết đó là phản tác dụng.
Năm 1941, trong bài viết đăng trên tờ Economica mà về sau trở thành Cuộc cách mạng ngược trong khoa học, ông mở đầu với nhận định, “sai lầm mà con người mắc phải khi tiếp tục theo đuổi con đường đã dẫn anh ta tới đỉnh vinh quang là thứ sai lầm tai hại nhất.” Ông nhận thấy nguồn gốc của chủ nghĩa xã hội là niềm tin sai lầm theo đó sự chính xác mà lý tính có khả năng đạt được trong khoa học tự nhiên lại có thể đạt được trong công cuộc kế hoạch hoá xã hội. Ông phát hiện nỗ lực khờ khạo này lại thể hiện sâu sắc nhất ở nơi mà lý tính mang đậm nét văn hoá hơn cả: Paris. Nước Pháp thế kỷ mười tám là nơi đầy rẫy niềm tin vào tương lai nhân loại. Hơn thế, người ta còn cho rằng tiến bộ nhân loại sẽ không dựa trên quá trình tiến hoá mò mẫm mà là dựa trên mưu đồ cách mạng và kiến dựng trí tuệ.
Dẫn chứng về mối quan hệ giữa chủ nghĩa duy lý Pháp và chủ nghĩa cá nhân chân chính, Hayek viết, “Việc dẫn ra đây một trích đoạn nổi tiếng từ Phần II tác phẩm Bàn về phương pháp (Discourse on Method) sẽ giúp tôi minh hoạ rõ nét hơn sự tương phản giữa ‘chủ nghĩa cá nhân’ Descartes hay duy lý và quan điểm này [chủ nghĩa cá nhân chân chính]. Theo Descartes, “hiếm khi có một công trình nào được tạo nên từ những bộ phận tách rời lại hoàn hảo hơn so với công trình chỉ do một bậc thầy duy nhất làm nên.” Chủ nghĩa cá nhân giả tạo đề cao những gì mà trí tuệ cá nhân có thể đạt được trong trường hợp cụ thể. Chủ nghĩa cá nhân chân chính là một hệ thống khiêm nhường hơn.
Hayek quy cho Henri de Saint-Simon3 và Auguste Comte4 là những người đóng vai trò chủ chốt đưa tới sự xuất hiện của chủ nghĩa xã hội. Saint-Simon tìm kiếm một mô hình tổ chức xã hội mới, dựa trên khoa học (như ông tin tưởng). Hệ thống do ông ta đưa ra không đáng tin cậy, và những hình thức tổ chức cụ thể cùng vị trí của chính ông trong đó thật không tưởng – chẳng hạn như Hội đồng Newton, do hai mươi mốt học giả và nghệ sỹ chủ tọa sẽ điều khiển thế giới. Dù vậy, Saint-Simon vẫn để lại cho đời sau nhiều di sản xã hội chủ nghĩa. Trong khi cách thức tổ chức loài người của ông thật đáng bị nhạo báng, thì riêng khái niệm tổ chức theo đúng thực chất lại được người ta bảo lưu. Hayek trích dẫn một ý tưởng có ảnh hưởng đặc biệt của Saint-Simon,
“Tất cả mọi người sẽ làm việc; họ sẽ tự coi mình như những người lao động gắn với công xưởng mà nỗ lực của nó sẽ được định hướng nhằm dẫn dắt trí thông minh của con người dựa trên sự tiên liệu siêu phàm của tôi. Hội đồng Newton tối cao sẽ định hướng công việc của họ.” Điều quan trọng là, “bất cứ ai không tuân thủ mệnh lệnh sẽ bị người khác đối xử như lũ động vật bốn chân."
Học thuyết Saint-Simon không phải là một trào lưu dân chủ. Trong tác phẩm Đường về nô lệ, Hayek viết rằng chủ nghĩa xã hội “khởi đầu như một sự phản ứng trước chủ nghĩa tự do của cuộc Cách mạng Pháp… Chủ nghĩa xã hội ngay từ đầu đã mang tính độc đoán rõ rệt. Các tác gia người Pháp đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội cận đại không nghi ngờ gì về khả năng những ý tưởng của họ có thể được một chính phủ độc tài vững mạnh nào đó áp dụng trong thực tiễn. Đối với họ, chủ nghĩa xã hội là nỗ lực nhằm ‘chấm dứt cuộc cách mạng’ bằng việc chủ định tái tổ chức xã hội theo những đường lối có thứ bậc và bằng sự áp chế ‘sức mạnh tinh thần’ mang tính cưỡng bức.” Học trò của Saint-Simon không ủng hộ các quyền cá nhân. Trào lưu này nhằm hướng tới việc tổ chức toàn bộ xã hội theo đường lối độc tài, vì lợi ích của tất cả mọi người, nhưng lại dựa trên một trí tuệ và một ý chí. Hơn thế, chiều hướng này còn được nhìn nhận là không thể tránh khỏi cũng như là đáng mong muốn. Hayek không suy xét nhiều về chủ nghĩa xã hội duy tâm Anh, phi Châu Âu lục địa, là truyền thống khác với chủ nghĩa xã hội ở Châu Âu lục địa.
Hayek coi đóng góp của Comte đối với chủ nghĩa xã hội chủ yếu là trong lĩnh vực triết học thực chứng, nơi Comte bắt đầu khám phá với tư cách một người sùng tín Saint-Simon, người mà về sau chính ông lại phản bác. Quan niệm của Comte về chủ nghĩa thực chứng là quan niệm khoa học về lịch sử. Lịch sử sẽ không còn được nhìn nhận là do ý chí siêu phàm hay tình huống ngẫu nhiên quyết định, mà là tuân theo những quy luật nhất quán, không thay đổi, có thể được khám phá thông qua lý tính cá nhân của con người. Ý tưởng ở đây là xã hội có thể được vận hành dựa theo những nguyên tắc khoa học như đang xuất hiện trong quá trình nghiên cứu có hệ thống về tự nhiên.
Theo Comte, lịch sử trải qua ba giai đoạn – tín ngưỡng, siêu hình, và khoa học – trong đó giai đoạn khoa học là cuối cùng và vĩ đại nhất. Giống như Saint-Simon, ông ít vận dụng các lý thuyết cá nhân chủ nghĩa về chính trị học, kinh tế học, và triết học. Ông lập luận, “‘ý tưởng mơ hồ và siêu hình về tự do’ ‘cản trở hành vi của quần chúng đối với cá nhân’ và ‘đi ngược lại sự phát triển của văn minh cũng như việc tổ chức một hệ thống có trật tự tốt.’”
Quan niệm của Hayek về Hegel cũng tương tự như đối với Comte. Ông nhận thấy có sự nghịch lý trong việc ghép Hegel với Comte, vì Hegel thường được coi là nhà duy tâm còn Comte lại là nhà thực chứng chủ nghĩa (duy vật). Tuy nhiên, ở đây lại ít có sự khác biệt về mặt thực tiễn. Đối với cả hai người, lịch sử vận động theo những giai đoạn vượt lên trên cá nhân và vượt ra ngoài ý chí cá nhân. Cái mà Hayek gọi ‘chủ nghĩa duy sử’ (historicism) là niềm tin sai lầm cho rằng các quy luật lịch sử cũng tồn tại giống như các quy luật tự nhiên. Hầu như theo định nghĩa thì chủ nghĩa lịch sử khước từ những chuẩn mực luân lý, vì nó khước từ ý chí tự do. Thuyết tiền định của Comte và của Hegel bắt nguồn từ “phương pháp tiếp cận lịch sử mang tính phi lịch sử kỳ lạ,” hình dung ra thuyết tiền định ở nơi mà nó không tồn tại. Tương lai tùy thuộc vào ý chí con người.
Chú thích:
(1) Peter House College: Trường cao đẳng đầu tiên của Đại học Cambridge, thành lập năm 1284. (N.D.)
(2) René Descartes (1596-1650): Nhà toán học và triết gia người Pháp, cha đẻ của hình học phân tích, phát minh hệ tọa độ Descartes. Triết học của ông dựa trên tiên đề duy lý “Tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại.” (N.D.)
(3) Henri de Saint-Simon (1760-1825): Triết gia người Pháp. Ông chủ trương một xã hội kỹ trị mà ở đó nghèo đói sẽ bị xoá bỏ và tôn giáo sẽ được thay thế bằng chủ nghĩa duy lý. (N.D.)
(4) Auguste Comte (1798-1857): Triết gia người Pháp, cha đẻ của chủ nghĩa thực chứng. Ông cũng là người xác lập xã hội học với tư cách một chuyên ngành có hệ thống. (N.D.)
Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần III, Chương 14, Nhà xuất bản Tri Thức 2007