[FA. Hayek Cuộc đời và sự nghiệp] Chương 28: Tự do và Luật pháp
Các chủ đề mà Hayek theo đuổi trong tác phẩm Luật pháp, luật pháp và tự do (Law, Legislation and Liberty) nằm trong số những chủ đề sâu sắc và cơ bản nhất của triết học chính trị. John Locke, triết gia chính trị tự do vĩ đại người Anh, lý giải vai trò của chính phủ là do thái độ thiên kiến của con người đối với bản thân cùng các đồng minh của mình: “Việc con người trở thành quan tòa trong những sự vụ của chính mình là không hợp lý, lòng tự ái sẽ khiến họ thiên vị bản thân và bạn bè; mặt khác, bản tính xấu xa, sự công phẫn và lòng thù hận sẽ khiến họ đi quá xa khi trừng phạt người khác; vì thế chắc chắn Chúa đã chỉ định chính phủ nhằm kiềm chế sự thiên vị và sự xâm hại của con người. Chính phủ dân sự là phương thuốc đúng đắn cho tình trạng tự nhiên (the state of nature).”1
Hayek hoàn toàn theo Locke. Tự do chân chính, không hề không nhất quán với luật pháp, mà trên thực tế phụ thuộc vào luật pháp. luật pháp đích thực là hiện thân của tự do. luật pháp là nhân tố cốt lõi của tự do. Nếu không có luật pháp thì không thể có tự do. luật pháp đúng đắn (orthonomos) là tự do.
Ý tưởng theo đó, tự do được định nghĩa một cách đúng đắn là luật pháp, có thể lạ lẫm với những người vốn coi tự do hoặc là sự biến mất hoàn toàn của chính phủ, hoặc là một tiêu chuẩn cuộc sống vật chất nhất định. Trong số những người coi tự do là sự biến mất hoàn toàn của chính phủ, có sự khác biệt to lớn giữa chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarianism) và chủ nghĩa vô chính phủ (anarchism). Hayek nhận xét, sự khác biệt giữa quan điểm của ông với “một số những quan điểm của các bạn tôi, những người thiên về phái vô chính phủ, là ở chỗ: trong phạm vi lãnh thổ tôi đang sống, tôi có thể giả thiết bất cứ người nào mà mình gặp đều bị ràng buộc phải tuân thủ những nguyên tắc tối thiểu. Tôi không thể thành lập được những nhóm tự nguyện gồm những người cùng tuân theo những nguyên tắc như nhau trong khi vẫn tồn tại một xã hội mở (open society2). Tôi phải biết trong phạm vi lãnh thổ tôi đang sống, bất cứ một người vô danh nào mà tôi gặp đều bị ràng buộc phải tuân theo những quy tắc nhất định mà tôi biết. Chủ nghĩa tự do cá nhân hoàn toàn dễ sa vào chủ nghĩa vô chính phủ, và điều quan trọng là vạch ra ranh giới. Một xã hội mở mà ở đó tôi có thể đối phó với bất cứ người nào tôi gặp là xã hội giả định trước những luật lệ cơ bản cho mọi người.”3
Các nhà vô chính phủ không đặt niềm tin vào chính phủ và luật pháp. Họ mong muốn được sống trong một xã hội mà Locke gọi là “tình trạng tự nhiên” (the state of nature). Trái lại, các nhà tự do cá nhân chủ nghĩa tin rằng luật pháp tạo ra tự do bởi luật pháp cho phép các cá nhân tương tác hiệu quả nhất về mặt vật chất. Nếu luật pháp không hữu hiệu và tối ưu, cơ hội tương tác của con người sẽ bị bó hẹp. Trong xã hội không có luật pháp, cuộc sống con người, theo lời Thomas Hobbes, sẽ trở nên “đơn độc, nghèo nàn, thô tục, hung ác, và ngắn ngủi.”4 Sự đòi hỏi về luật pháp đối với cuộc sống cá nhân không nhiều như cuộc sống tập thể, và theo quan điểm tự do cá nhân, đối với cuộc sống tập thể thì đó là cách có hiệu quả về mặt vật chất cao nhất.
Hayek phản bác việc hợp nhất tự do với một mức sống vật chất nhất định. Mặc dù tự do và mức sống vật chất cao đều đáng mong muốn, thì điều này vẫn không hàm ý tự do và mức sống vật chất cao là một. Theo Hayek, tự do trong xã hội đề cập đến một thứ và duy nhất một thứ. Tự do là xã hội mà ở đó sự cưỡng bức bị giảm thiểu tới mức có thể thông qua những luật lệ chung đã biết, áp dụng cho tất cả mọi người với mục đích tối thiểu hoá cưỡng bức. Tự do là sự thống trị của luật pháp.
Hayek ủng hộ việc chính phủ tạo ra pháp luật rõ ràng và việc xã hội áp đặt những nguyên tắc phi cưỡng bức mới. Ông thể hiện rõ ràng ở điểm này. Ông là một người cấp tiến tìm cách thay đổi những pháp luật và thiết chế hiện hành chừng nào chúng còn chưa dẫn đến mức độ cạnh tranh cao nhất có thể. Mặc dù ông cũng khẳng định là sự sáng suốt có thể hiện hữu trong các luật được thừa hưởng cũng như trong những quy tắc khác của các thế hệ trước, thì cam kết có tính quyết định của ông vẫn là vì sự thay đổi, chứ không phải vì sự cân bằng tĩnh tại. Triết học của ông là một chủ thuyết năng động, tiến bộ, nhấn mạnh tính chất đáng mong muốn của những biến đổi to lớn trong lòng xã hội. Ông rõ ràng không phải là một nhà bảo thủ.
Thập niên 1960 và 1970, Hayek đề xuất một số sửa đổi đáng kể trong những dàn xếp về mặt lập pháp và tiền tệ, mà ông mô tả là có tính “triệt để” và là “sự thay đổi sâu rộng trong các thiết chế chính trị của chúng ta.”5 Đáp lại gợi ý của một số người cho rằng những đề xuất tiền tệ sau này của ông không nhất quán với việc ông nhấn mạnh quá trình phát triển tiến hoá trong xã hội, Hayek lập luận, “người ta nói đề xuất của tôi nhằm ‘xây dựng’ những thiết chế tiền tệ hoàn toàn mới là mâu thuẫn với quan điểm triết học chung của tôi. Tôi chưa hề nghĩ tới bất kỳ mong muốn tạo nên những thiết chế mới nào. Điều tôi đề xuất chỉ đơn giản là loại bỏ những trở ngại hiện nay vốn từ lâu đời đã ngăn cản quá trình tiến hoá của các thiết chế tiền tệ đáng mong muốn.”6 Ông tìm cách loại bỏ trở ngại đối với những thiết chế mới, tối đa hoá cạnh tranh, chứ không phải tự mình lập nên chi tiết của những thiết chế như vậy.
Mặc dù lên án “chủ nghĩa duy lý theo thuyết kiến dựng” (constructivist7 rationalism), Hayek vẫn tìm kiếm sự thay đổi lớn lao trong các thiết chế vĩ mô của xã hội. Trong đoạn áp cuối tác phẩm Luật pháp, pháp luật và tự do (khi viết ông dự định đây sẽ là tác phẩm cuối cùng của mình) ông nói, “chính phủ nhất thiết phải là sản phẩm của ý đồ trí tuệ. Nếu chúng ta có thể tạo cho chính phủ một hình thù để qua đó nó đem lại khuôn khổ hữu ích cho sự tăng trưởng tự do của xã hội… thì rất hy vọng có thể chúng ta sẽ được chứng kiến sự tiếp tục phát triển của nền văn minh.”8 Theo ông, các ý tưởng định hướng hoạt động của chính phủ, cùng với việc triển khai thiết thực hoạt động của nó, là những yếu tố có vai trò sống còn. Tuy nhiên, không giống như các nhà xã hội chủ nghĩa, vốn tìm cách quản lý toàn bộ chi tiết hoạt động kinh tế trong xã hội, mục tiêu của Hayek là tạo dựng một khuôn khổ triết học nhằm định hướng trật tự xã hội tương lai. Ông tìm kiếm những thiết chế mới, tối đa hoá cạnh tranh, theo ông chúng sẽ đòi hỏi sự thay đổi to lớn đối với những thiết chế hiện hành. Về những đề xuất tiền tệ cấp tiến sau này của mình, Hayek nói, nếu ông là người “chịu trách nhiệm trước vận mệnh đất nước thân yêu” của mình, ông sẽ “sung sướng chấp nhận rủi ro trong lĩnh vực mà tôi đang xem xét ở đây.”9
Ông chủ trương hoạt động chính phủ trong các lĩnh vực vẫn thường được coi là các chủ đề về môi trường và “chất lượng cuộc sống” ở địa phương. Theo Hayek, “thông thường việc giới hạn những hiệu ứng mà một người thực hiện trên đất của mình trong phần đất cụ thể ấy là không khả thi; và từ đó nảy sinh những “hiệu ứng láng giềng” (neighbourhood effects) và chúng sẽ chưa được tính đến chừng nào mà vị chủ nhân đó vẫn chỉ phải xem xét những hiệu ứng trên tài sản của mình. Từ đó cũng nảy sinh những vấn đề liên quan đến ô nhiễm không khí hay nước và tương tự thế.”10 Sau khi nhận Giải Nobel, ông đề nghị Quỹ Thiên nhiên Hoang dã Thế giới (World Wildlife Fund)11 sử dụng tên mình nhằm mục đích quảng bá. Một số tổ chức môi trường khác mà ông tán thành là Hội Audobon (Audobon Society)12 ở Mỹ và Quỹ Tự nhiên (Natural Trust) ở Anh.
Hayek liệt “vũ khí” vào loại những “hàng hóa nguy hiểm” mà trong tác phẩm Luật pháp, pháp luật và tự do ông xác định là phải tuân thủ những “hạn chế mua bán”13, và viết, “một thực tế có lẽ không thể chối cãi là ở những nơi liên quan đến buôn bán vũ khí, việc chỉ những người nào thỏa mãn một số phẩm chất trí tuệ và đạo đức nhất định mới nên được phép tiến hành các hoạt động buôn bán như thế là một điều vừa đáng mong muốn vừa không thể phản đối.”14 Ông không phải là kiểu người mà ở Mỹ sẽ được coi là kẻ ủng hộ mạnh mẽ việc sửa đổi Tu chính án thứ 2 của Hiến pháp Mỹ. Ông tán thành nhập ngũ bắt buộc.
Về vấn đề tình dục đồng tính, ông nói, “thói quen cá nhân của người lớn, dù ghê tởm tới mức nào đối với số đông, vẫn không phải là đối tượng thích đáng cho hành động cưỡng bức của một nhà nước mà mục đích của nó là giảm thiểu cưỡng bức.”15 Ông đề cập đến Báo cáo của Uỷ ban về Vi phạm Tình dục và Mại dâm Đồng tính (Report of the Committee on Homosexual Offences and Prostitution) của Anh, và tuyên bố tán thành với lập luận logic đã dẫn Uỷ ban này đi đến việc đề nghị hợp pháp hóa những hành động ấy. Vấn đề nằm ở chỗ, “liệu có phải sự tồn tại của những phán quyết có tính chất luân lý sâu rộng trong bất cứ vấn đề nào là tự nó đã biện minh cho việc thi hành những phán quyết đó hay không. Câu trả lời xem ra là: Trong phạm vi một trật tự tự phát, việc sử dụng hành động cưỡng bức chỉ có thể được biện minh ở những nơi mà điều này là cần thiết nhằm đảm bảo phạm vi riêng tư của cá nhân không bị những người khác can thiệp, tuy nhiên không nên sử dụng sự cưỡng bức ấy để can thiệp vào phạm vi riêng tư đó, nơi mà việc bảo vệ những người khác là không cần thiết.”16 Tự do thể hiện trong hành động cá nhân và sự liên kết cá nhân, do luật pháp tạo ra.
Chú thích:
(1) William Ebenstein, Great Political Thinkers, 391.
(2) Xã hội mở là khái niệm đầu tiên do triết gia Henry Bergson (1859-1941) người Pháp, đoạt giải Nobel Văn học năm 1927, đề ra. Trong một xã hội như thế, chính phủ tiến hoá không ngừng và thể chế chính trị của nó chịu sự phê phán và thay đổi. Chính phủ hoạt động công khai, minh bạch trước mắt công chúng; đây là một xã hội phi độc đoán trong đó tất cả mọi người đều được biết hết thông tin. Nền tảng của xã hội mở là quyền tự do đi lại và quyền con người. (N.D.)
(3) UCLA, 457-458.
(4) William Ebenstein, Great Political Thinkers, 364.
(5) DM, 84.
(6) Sđd, 132.
(7) Trong triết học, thuyết kiến dựng (constructivism) là quan điểm cho rằng thực tại, hay chí ít hiểu biết của chúng ta về nó, là một cấu trúc chủ quan chứa đầy giá trị (value-laden subjective construction) thay vì là quá trình thu nhận các đặc điểm chủ quan một cách thụ động. Thuyết kiến dựng coi toàn bộ tri thức của chúng ta như được “kiến dựng” (constructed), không phản ảnh bất kỳ một thực tại “siêu nghiệm” bên ngoài nào, nhưng lại tuỳ thuộc vào quy ước (convention), nhận thức của con người, và kinh nghiệm xã hội. (N.D.)
(8) LLL III, 152.
(9) DM, 132-133.
(10) LLL III, 43.
(11) Sau đổi tên thành World Wide Fund for Nature. (N.D.)
(12) Còn gọi là National Audobon Society, một tổ chức bảo tồn tư nhân nhằm thúc đẩy nhận thức của xã hội về sự cần thiết phải bảo tồn đất đai, nước, thực vật, và đời sống hoang dã. (N.D.)
(13) LLL III, 62.
(14) CL, 22.
(15) Sđd, 451.
(16) LLL II, 57.
Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần V, Chương 28, Nhà xuất bản Tri Thức 2007