[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 16 - Đường về nô lệ (Phần 2)
Lý do Hayek viết tác phẩm Đường về nô lệ không chỉ như ông nói bề ngoài là ông muốn làm sáng tỏ rằng chủ nghĩa quốc xã không phải là sự phản ứng lại chủ nghĩa xã hội mà là hệ quả của nó, và vì không ai “đầy đủ tư cách hơn” để viết về chủ đề này nhờ có đồng nghiệp phục vụ trong chính phủ thời chiến. Cuốn sách là nỗ lực của cá nhân ông dành cho cuộc chiến, điều mà ông nhận thấy là “nghĩa vụ mình không thể lẩn tránh.”Vì không có khả năng tham gia trực tiếp, nên ông gián tiếp đóng góp cho cuộc chiến. Thông điệp sống động của ông qua cuốn sách là sự bất tương thích giữa chủ nghĩa xã hội và tự do. Thông điệp đó tiếp sinh khí cho công trình nghiên cứu, vì nó mở rộng cuộc thảo luận về những thất bại của chủ nghĩa xã hội từ tính phi hiệu quả kinh tế đến sự bài trừ tự do. Phần lớn luận điểm của ông không phải cho rằng chủ nghĩa xã hội không thể vận hành trên phương diện kinh tế (ông và những người khác từng nêu luận điểm này), mà là nó không thể dung hoà với quyền lựa chọn và sự tự do.
Ông bắt đầu sự phê phán của mình đối với chủ nghĩa xã hội bằng việc nhận định nó đầu tiên là một trào lưu phản tiến bộ chống lại chủ nghĩa tự do của cuộc cách mạng Pháp. Dù vậy, theo đà của các cuộc nổi dậy ở Châu Âu năm 1848, các nhà xã hội chủ nghĩa ở Châu Âu lục địa bắt đầu liên kết với các nhà dân chủ. Các nhà xã hội chủ nghĩa ở Châu Âu lục địa đã tiên đoán chính xác rằng dân chủ sẽ là làn sóng trong tương lai và không một phong trào nào theo đuổi quá trình tái định hình toàn bộ xã hội lại có thể kỳ vọng thuyết phục được giai cấp cầm quyền tự nguyện từ bỏ địa vị của mình. Thông qua việc cùng sát cánh với các lực lượng xã hội tiến bộ nhất, những người kêu gọi quyền bầu cử bình đẳng, chủ nghĩa xã hội bắt đầu được nhìn nhận như là bước tiến tiếp theo của nhân loại.
Tuy nhiên, mối ràng buộc giữa chủ nghĩa xã hội và dân chủ còn sâu sắc hơn thủ đoạn chính trị thuần tuý. Hơn thế, các nhà xã hội chủ nghĩa Anh luôn là những nhà dân chủ. Truyền thống xã hội chủ nghĩa ở Anh khác với ở Châu Âu lục địa. Tại Châu Âu lục địa, chủ nghĩa xã hội nhìn chung không có tính dân chủ hay theo Thiên chúa giáo. Marx, nhà xã hội chủ nghĩa Châu Âu lỗi lạc nhất, cũng chỉ coi trọng bầu cử dân chủ chút ít, nếu có, và chủ nghĩa xã hội ở Châu Âu lục địa nhìn chung là độc đoán và vô thần.
Tình hình diễn ra ở Anh lại khác. Tác phẩm Xã hội không tưởng (Utopia) của Thomas More đưa ra ý tưởng về một xã hội cộng sản thực sự, và trong cuộc cách mạng Thanh giáo (Puritan revolution) ở Anh thế kỷ 17, bên cạnh trào lưu chính, ôn hoà hơn đã xuất hiện một nhóm cấp tiến gọi là “Diggers” hay “True Levellers,” những kẻ tìm kiếm sở hữu cộng đồng đối với đất đai. Dù chỉ là một trào lưu ngắn ngủi, thì sự phản đối tư hữu của nó vẫn không bị lãng quên hoàn toàn.
Robert Owen, sinh năm 1771 và mất năm 1858, vẫn được nhìn nhận tiêu biểu là nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội kiểu Anh và người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “xã hội chủ nghĩa.” Ông ủng hộ việc “bãi bỏ và cải biến từng bước” những đạo luật và thiết chế bất công, phản đối sự thay đổi có tính cách mạng. Cuối thế kỷ 19, John Stuart Mill ủng hộ một kiểu chủ nghĩa xã hội khác, chủ trương hợp tác trong phạm vi nơi làm việc và cạnh tranh giữa những nơi làm việc với nhau. Sau Jeremy Bentham1, Mill trở thành người đề xướng và vị thần hộ mệnh vĩ đại của công cuộc cải cách chính phủ ở Anh. Các nhà vị lợi chủ nghĩa Anh muốn sử dụng công cụ chính phủ nhằm thúc đẩy nhiều hạnh phúc nhất cho nhiều người nhất – thực sự là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội duy tâm kiểu Anh, đề cao mục đích hơn là phương tiện cụ thể nào đó.
Thomas Hill Green2, hiệu trưởng Đại học Oxford thập niên 1860 và 1870, là người có ảnh hưởng đáng kể đến giới trí thức Anh cho tới những năm đầu thế kỷ 20. Là một con chiên Cơ đốc giáo ngoan đạo, Green nhấn mạnh vai trò của cộng đồng, tin rằng chỉ khi con người được hiểu như một bộ phận của cộng đồng – với quyền và nghĩa vụ tương hỗ – thì người ta mới có thể hiểu được chút ít hoặc về cá nhân hoặc về xã hội. Chủ nghĩa duy tâm đạo đức và mỹ học (ethical and aesthetic idealism) của các nhà thơ như John Ruskin3 và William Morris4 cũng có ảnh hưởng đến sự phát triển của chủ nghĩa xã hội kiểu Anh suốt những thập niên cuối thế kỷ 19.
Nguồn gốc có ý nghĩa quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội Anh thế kỷ 19 là Hiệp hội Fabian, ra đời năm 1883, với các thành viên đáng kể nhất là Sidney, Beatrice Webb và George Bernard Shaw. Sidney Webb đóng vai trò trọng yếu trong việc thành lập LSE, và đây là nơi mà rất nhiều nhà xã hội chủ nghĩa Anh từng giảng dạy, gồm Attlee, Wallas, Tawney, Dalton, Gaitskell, Durbin, Kaldor, Lerner, và Laski.
Viễn cảnh độc đáo của chủ nghĩa xã hội duy tâm Anh, khác với chủ nghĩa xã hội ở Châu Âu lục địa, là sự tạo dựng một cộng đồng lý tưởng trong đó tình huynh đệ nhân văn sẽ thế chỗ cạnh tranh vì tiền bạc. Mục đích cuối cùng không phải là sự thay đổi bề ngoài số phận con người trong cuộc sống hay trật tự kinh tế của họ mà là sự biến đổi nội tại. Dĩ nhiên, các thập niên 1920 và 1930 có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nội dung và sự phát triển của cuộc thảo luận về chính trị và kinh tế. Thế chiến I cùng cuộc đại suy thoái đã làm tan vỡ giấc mơ tự do vĩ đại thế kỷ 19 về một thế giới thanh bình và hài hoà được thống nhất thông qua hoạt động ngoại thương và thương mại tự do. Hơn thế, Liên bang Xôviết là tấm gương vẫy gọi các nhà trí thức xã hội chủ nghĩa và tái định hướng chủ nghĩa xã hội Anh từ sự hợp tác tình nguyện sang sự chủ động và kiểm soát của nhà nước. Biến thái của chủ nghĩa tự do laissez-faire thế kỷ 19 đã chết, hay chí ít là thực sự ở tình trạng chết lâm sàng.
Xét mức độ mà chủ nghĩa xã hội thuyết pháp về bình đẳng, cả bản chất con người lẫn sự chia sẻ kết quả tương tác giữa người với người, thì hệ quả nhất quán là nó sẽ nhận thấy dân chủ – sự thực hành bình đẳng chính trị – là hình thức chính phủ thích hợp nhất. Cương lĩnh của chủ nghĩa xã hội cổ điển là thông qua các biện pháp dân chủ, chính phủ đi đến sở hữu và quản lý các phương tiện sản xuất kinh tế. Mặc dù như Hayek khẳng định, dự định của các nhà xã hội chủ nghĩa là thuần khiết, mục đích của họ là cao thượng, họ có sự nhìn nhận chủ yếu là bình đẳng về bản chất con người, và họ là những nhà dân chủ, song họ lại ủng hộ việc chính phủ kiểm soát trực tiếp, mang tính cưỡng bức đối với phần lớn nền kinh tế xã hội. Trong tác phẩm Đường về nô lệ, bằng sự so sánh tương phản, Hayek nhấn mạnh “không phải nguồn gốc quyền lực mà chính sự hạn chế quyền lực mới ngăn nó khỏi trở nên độc đoán.” Chủ nghĩa tập thể cũng không kém vậy bởi nó được đa số phê chuẩn. Tiên đề theo đó dân chủ là điều kiện cần thiết để có chính phủ tốt và xã hội tốt vừa không mang tính logic vừa chưa trải qua thử thách của thời gian.
Lập trường dân chủ của Hayek giữ vai trò then chốt trong quan niệm của ông về tính bất hợp lẽ của chủ nghĩa xã hội, thậm chí dù nó có thể được luật hoá một cách dân chủ. Theo ông, dân chủ mang bản tính trung lập, và nhấn mạnh là ông “không có ý định tôn sùng dân chủ quá mức. Thực tế có thể rất đúng là thế hệ chúng tôi đã nói và nghĩ quá nhiều về dân chủ và quá ít về những giá trị mà nó phụng sự. Dân chủ thực chất là một phương tiện, một công cụ vị lợi chủ nghĩa nhằm bảo vệ hoà bình bên trong và và tự do cá nhân. Theo đúng nghĩa, nó không hề là một cái gì đó ‘bất khả sai lầm’ hay chắc chắn. Không có lý do gì để tin rằng một khi quyền lực được trao theo một trình tự dân chủ thì nó không thể chuyên quyền. Sự kiểm soát mang tính dân chủ có thể ngăn quyền lực khỏi trở nên độc đoán, nhưng nó không thực hiện điều đó chỉ bằng sự hiện hữu của mình.” Hayek tin tưởng, dân chủ tự nó không phải là mục đích.
Quan niệm của Hayek về dân chủ không phù hợp với những quan niệm chủ trương quyền lợi thuộc về số đông, bất kể hành động khả dĩ nào của số đông, và ca ngợi bản chất của số đông. Theo John Stuart Mill, thậm chí chỉ một trong số một triệu người có ý kiến riêng của mình, thì việc trấn áp anh ta cũng sẽ là sai; bởi lẽ ý kiến của anh ta có thể đúng. Trong cách thức thể hiện về dân chủ của mình, coi dân chủ là đáng có chủ yếu do tính chất phương tiện của nó, Hayek đã theo bước truyền thống Anh-Mỹ, vốn nhìn nhận dân chủ là “hình thức chính phủ tồi tệ nhất, ngoại trừ tất cả những hình thức khác,” như lời của Churchill. James Madison5 từng đặt câu hỏi, “Chính phủ tự nó là gì, nếu không phải là sự phản ảnh lớn nhất về bản chất con người? Khi dựng lên một chính phủ theo đó nó sẽ được quản lý theo kiểu người cai trị người, vấn đề khó khăn nằm ở chỗ: đầu tiên bạn phải cho phép chính phủ kiểm soát những người chịu sự quản lý; bước tiếp theo là buộc nó kiểm soát chính nó.” Theo Hayek, vấn đề không đơn thuần là vì dân chủ theo đúng bản chất là đáng mong muốn, mà chủ yếu là vì không có một phương án đã biết nào có thể thay thế nó trong việc thúc đẩy tự do cá nhân tương đối, cho phép sự thay đổi chính phủ diễn ra trong hoà bình, phát triển trật tự thị trường, và giáo dục công dân.
Nếu không có mối quan hệ thực chất nào giữa tính tương thích với tự do của chủ nghĩa xã hội và sự luật hoá mang tính dân chủ của nó, thì điều cần suy xét tiếp theo là tại sao chủ nghĩa xã hội lại cứ bất dung hoà với tự do. Không còn nghi ngờ gì, lý do đầu tiên là mức độ quyền lực được giao phó cho chính phủ trong chế độ xã hội chủ nghĩa cổ điển. Không thể có tự do cá nhân trong một xã hội mà cá nhân chỉ chiếm một phần nhỏ bé trong kế hoạch của nhà hoạch định. Trong “Tự do và hệ thống kinh tế,” bài luận sau trở thành tác phẩm Đường về nô lệ, Hayek viết, “đời sống kinh tế là sự quản lý các phương tiện phục vụ toàn bộ những mục đích khác nhau của chúng ta. Bất kỳ ai chịu trách nhiệm về những phương tiện này cũng phải quyết định cần phục vụ những mục đích nào, những giá trị nào sẽ được đánh giá cao hơn, và những giá trị nào thấp hơn, nói tóm lại là những thứ mà con người tin tưởng và phấn đấu vì chúng. Và chính bản thân con người cũng trở thành một thứ gì đó chẳng hơn là bao so với cái vai trò là công cụ phục vụ quá trình hiện thực hoá những lý tưởng vốn có thể dẫn đường cho nhà độc tài.” Trong tác phẩm “Bài toán xã hội chủ nghĩa: ‘Giải pháp’ cạnh tranh” (Socialist Calculation: The Competitive ‘Solution’) ông viết, với nền kinh tế do chính phủ chi phối, “Toàn bộ các vấn đề kinh tế trở thành những vấn đề chính trị.” “Kiểm soát quá trình sản xuất của cải chính là kiểm soát đời sống con người,” là câu mà ông sử dụng như lời đề từ mở đầu chương “Kiểm soát kinh tế và chế độ toàn trị” (Economic Control and Totalitarianism) của cuốn sách. Bản thân ông cũng nói, “Bất cứ ai kiểm soát tất cả hoạt động kinh tế thì cũng kiểm soát mọi phương tiện phục vụ mục đích của chúng ta, và vì thế tất sẽ quyết định cái gì cần phải đáp ứng và không cần phải đáp ứng. Đây thực sự là mấu chốt của vấn đề. Kiểm soát kinh tế không chỉ đơn thuần là kiểm soát một lĩnh vực nào đó của đời sống con người mà có thể tách rời khỏi phần còn lại; nó chính là kiểm soát những phương tiện phục vụ toàn bộ mục đích của chúng ta.”
Trong cuốn Đường về nô lệ, đặc điểm quan trọng nhất của luận điểm mà ông sử dụng để chống lại kế hoạch hoá nhà nước là nó chủ yếu dựa trên tự do, chứ không phải hiệu quả kinh tế. Luận điểm của ông không chỉ đơn thuần là chủ nghĩa tư bản là chính đáng vì nó có hiệu quả kinh tế hơn chủ nghĩa xã hội cổ điển, mà chủ nghĩa tư bản là chính đáng bởi lẽ chủ nghĩa xã hội cổ điển không thân thiện với tự do. Nếu luận điểm sau đúng thì nó xem ra có sức nặng hơn luận điểm kinh tế, vì nếu chủ đề xã hội chủ nghĩa được mô tả là về tự do thì cuộc tranh luận về nó chuyển từ những vấn đề đơn thuần về hiệu quả mang tính kỹ thuật sang phạm vi những giá trị và đạo lý cuối cùng. Thời điểm Hayek viết tác phẩm Đường về nô lệ, nền kinh tế tập thể chủ nghĩa của Liên bang Xôviết và của Đức Quốc xã thường được coi là hiệu quả hơn các nền kinh tế thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa đang suy đốn, vậy nên lúc ấy luận điểm chống chủ nghĩa xã hội cổ điển xuất phát từ quan điểm tự do là thích hợp hơn so với kể từ đó về sau.
Khi mà chủ nghĩa xã hội cổ điển dường như đi ngược lại với cả tự do cũng như hiệu quả kinh tế, thì biến thái của nó trong trường hợp nhà nước quản lý toàn bộ phương tiện sản xuất kinh tế xem ra đã được kết luận. Dĩ nhiên, chủ đề về tính hiệu quả của chủ nghĩa xã hội đã được các nhà xã hội chủ nghĩa nhấn mạnh. Họ thực sự nghĩ rằng chủ nghĩa xã hội sẽ có hiệu quả kinh tế hơn chủ nghĩa tư bản. Chuẩn mực trí tuệ hiện nay là các nhà xã hội chủ nghĩa đã hoàn toàn sai lầm với đánh giá trên, và những dẫn chứng về Liên bang Xôviết cũ cùng với một số quốc gia cộng sản trước đây đã cho thấy sự vô vị của kế hoạch hoá và sở hữu nhà nước đối với những phương tiện sản xuất của xã hội. Nếu như chuẩn mực trí tuệ hiện nay là đúng, nó sẽ chỉ ra rằng chủ nghĩa xã hội cổ điển thật ít có tính hiện thực. Nếu chủ nghĩa xã hội không có hiệu quả vật chất như chủ nghĩa tư bản, thì luận điểm chính ban đầu của nó từ quan điểm của nhiều kẻ cổ suý cũng biến mất.
Chú thích:
(1) Jeremy Bentham (1748-1832): Tác gia, nhà cải cách và triết gia người Anh. Ông phân tích luật và luật pháp một cách có hệ thống và qua đó đặt nền móng cho chủ nghĩa vị lợi (utilitarianism). (N.D.)
(2) Thomas Hill Green (1836-1882): Triết gia và nhà giáo dục người Anh. Ông là người phê phán chủ nghĩa kinh nghiệm (empiricism), thứ triết học chi phối ở Anh cuối thế kỷ 19. Triết lý của ông đã đặt nền tảng cho luật pháp về cải cách xã hội ở Anh. Tác phẩm chính của ông là Lectures on the Principles of Political Obligation (1895). (N.D.)
(3) John Ruskin (1819-1900): Nhà thơ và nhà phê bình nghệ thuật người Anh. (N.D.)
(4) William Morris (1834-1896): Nhà thơ, hoạ sỹ và nhà cải cách xã hội người Anh. (N.D.)
(5) James Madison (1751-1836): Tổng thống thứ tư của Mỹ (1809-1917). (N.D.)