![[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương I: Tại sao Mises lại là người quan trọng?](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k25001.1_(1).jpg)
[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương I: Tại sao Mises lại là người quan trọng?
TẠI SAO MISES LẠI LÀ NGƯỜI QUAN TRỌNG
Ludwig von Mises (1881-1973) là một trong những nhà kinh tế học và chính trị học nổi bật nhất của thế kỉ XX. Ông là người đứng đầu, đồng thời là người củng cố và hệ thống hóa “Trường phái kinh tế học Áo”.
Mises cho rằng các nhà kinh tế học phải công nhận là mọi việc họ xử lí đều có nguồn gốc từ cách đánh giá và hành động của những con người khác nhau. Nếu các nhà kinh tế học cũng làm như các nhà khoa học tự nhiên, tức là tìm kiếm những mối liên kết có tính cơ học giữa các số liệu như cầu và cung gộp, thì đấy là việc làm vô ích vì chúng đơn thuần chỉ là những con số thống kê, không tính đến sự đa dạng của con người và những giá trị thúc đẩy hoạt động kinh tế của những con người đó. Hơn nữa, ông khẳng định rằng kinh tế học là khoa học diễn dịch: các nguyên tắc của nó có thể được suy ra từ chính sự tồn tại và bản chất của những mục đích và hành động của con người.
Mises còn biện luận rằng thị trường tự do không bị làm cho méo mó đi là hệ thống kinh tế duy nhất có thể hoạt động được. Chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ] không thể thành công được vì không có giá cả, nó không thể tính toán đúng được giá thành của bất cứ hành động nào. Vì vậy mà ông coi tất cả những cố gắng của chính phủ nhằm “cải thiện” nền kinh tế thị trường đều chắc chắn những hành động phá hoại. Thực vậy, bằng việc bác bỏ một cách quyết liệt tất cả các loại thuế nhập khẩu và tài trợ, bãi bỏ việc kiểm soát giá cả và tiền lương, bãi bỏ hạn chế việc luân chuyển tự do người và hàng hóa và sự can thiệp của chính phủ vào đời sống cá nhân, Mises đã đặt ra tiêu chuẩn cho thị trường tự do cấp tiến, cho chính sách laissez-faire và chủ nghĩa tự do1.
Sau khi trở thành hội viên của Hiệp hội các nhà kinh tế học Mĩ năm 1969, Mises đã viết chín cuốn sách, đa số là những cuốn dày và rất có ảnh hưởng. Số lần in và tái bản ở nước ngoài đạt tới con số 46. Sau khi ông mất ở tuổi 93 vào năm 1972, số lần dịch, tái bản các tác phẩm và tuyển tập của ông còn nhiều hơn nữa2.
Đóng góp về mặt trí tuệ
Thật là một sự xúc phạm nếu ta muốn lựa ra một vài đóng góp có giá trị nhất từ di sản to lớn và đa dạng như thế. Nhưng dù sao sáu tiêu đề dưới đây có thể giúp chỉ rõ cả chiều rộng lẫn chiều sâu thành quả tri thức của ông.
Kinh tế học là nghiên cứu cá nhân
Trước hết, Mises phát triển và hệ thống hóa cách tiếp cận kinh tế học gọi là chủ nghĩa chủ quan. Nghĩa là, muốn hiểu kinh tế học một cách đúng đắn ta phải quay trở lại với hành động và động cơ của các cá nhân khi họ lựa chọn, họ bán và mua. Các nhà kinh tế học dòng chính bàn về ảnh hưởng của một biến số kinh tế vĩ mô (ví dụ như mức giá) lên một biến số khác (ví dụ như cầu gộp).
Nhưng Mises cho rằng như thế là bỏ qua ngay chính lực đẩy của toàn bộ hệ thống, tức là bỏ qua động cơ và hành động của những người có liên quan. Trên thực tế, không có cái gọi là “mức giá” - giá cả trên thị trường không dâng lên và hạ xuống đồng loạt như nước trong bồn tắm - làm tiêu chuẩn cho thị trường tự do. Ngược lại, có hàng triệu giá cả riêng biệt, tất cả đều lên xuống từng giây từng phút. Thật khó mà tưởng tượng được là ta có thể nắm bắt và ghi được tất cả các giá cả đó tại một thời điểm nào đó; thêm nữa, việc tính giá trị trung bình của chúng cũng chẳng giúp ích gì: ngay sau đó tất cả đều đã thay đổi. Tương tự, cầu là số lượng một loại hàng hóa cụ thể nào đó mà dân chúng quyết định mua - cộng gộp số táo, gạch, số người đi cắt tóc, pho mát, giày, các chuyến đi du lịch, máy khâu, kính, máy đếm tiền hay thuốc diệt cỏ mà dân chúng mua cũng chẳng cho ta số liệu thống kẻ hữu ích nào. Cầu về táo có thể ảnh hưởng đến giá táo, nhưng dường như không ảnh hưởng nhiều đến giá máy khâu chẳng hạn. Những món hàng cụ thể, đặc thù nào đó, có thể ảnh hưởng đến những món hàng khác, nhưng số liệu trung bình và cộng gộp của các nhà kinh tế học dòng chính chỉ là kết quả thống kê của quá trình chứ không phải là cái tạo ra quá trình đó.
Xin nhớ, Mises nói, cách chúng ta phản ứng với các sự thực như giá cả là không thể dự đoán được, bởi xét cho cùng, chúng ta cũng chỉ là con người mà thôi. Giá cả của một món hàng cụ thể thay đổi chắc chắn là có làm cho người ta cân nhắc khi chi tiêu; nhưng những người khác nhau - thậm chí vẫn những người ấy trong những thời điểm khác nhau - có thể sẽ phản ứng hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, giá đường tăng có thể làm cho một số người cuống quýt mua vì sợ hết hàng, trong khi những người khác có thể coi đây là cơ hội giảm ăn đường để chuyển sang những món ăn có lợi cho sức khoẻ hơn.
Cho nên không thể có mối liên kết mang tính cơ học nào giữa các số liệu chung chung của các nhà kinh tế học dòng chính. Tất cả đều phụ thuộc vào sự lựa chọn khác nhau và không thể dự đoán được của các cá nhân, những người có những ưu tiên luôn thay đổi và khác nhau. Điểm xuất phát của đời sống kinh tế hoàn toàn mang tính chủ quan và cá nhân như thế gây khó khăn cho các nhà kinh tế học vĩ mô, việc tìm kiếm mối tương quan không thay đổi giữa các số liệu thống kê của họ chắc chắn là sai lầm. Và nó cũng tạo ra cho các nhà toán kinh tế, những người cố gắng đưa những con số này vào trong một mối tương quan đầy ảo tưởng, rất nhiều vấn đề không thể giải quyết được.
Mises không phải là người đầu tiên đưa ra cách tiếp cận như thế. Nguyên tắc này được Carl Menger trình bày trong tác phẩm Các nguyên lí của kinh tế học (Principles of Economics), xuất bản năm 1871, và đã trở thành điểm đặc trưng cốt lõi của Trường phái Áo do chính Menger sáng lập. Đóng góp chủ yếu của Mises là ông đã áp dụng tư tưởng này một cách triệt để và có hệ thống xuyên suốt tất cả các vấn đề kinh tế. Trong quá trình đó ông đã giải quyết được nhiều vấn đề mà trước đó người ta cho là không thể và đã chỉ ra những sai lầm căn bản của môn kinh tế học dòng chính.
Bản chất và hoạt động của đồng tiền
Ví dụ như cách Mises khám phá ra bản chất thực sự và vai trò của đồng tiền, tác nhân cực kì quan trọng đối với đời sống kinh tế. Các nhà kinh tế học dòng chính coi tiền chỉ là phương tiện trao đổi. Nó không phải là “hàng hóa kinh tế" mà người ta “cần” hay người ta “tiêu thụ” vì nhu cầu tự thân của nó (ngoại trừ những kẻ keo kiệt bẩm sinh). Vì vậy mà dường như nó chỉ là thước đo mang tính tiêu chuẩn của giá trị chứ không phải là một cái gì đó có giá trị, mà giá trị của nó lại phụ thuộc vào cách đánh giá của các cá nhân.
Nhưng Mises còn chỉ ra rằng chính các lực lượng của thị trường, tức là những lực lượng quyết định giá cả của tất cả các loại hàng hóa đồng thời cũng quyết định luôn “giá cả” của đồng tiền. Ví dụ, số tiền mà người ta cần - họ muốn giữ một số tiền nào đó trong ví, trong ngăn kéo hay tài khoản ngân hàng - phụ thuộc vào suy nghĩ của người ta về lợi ích mà đồng tiền có thể mang lại cho họ trong những vụ trao đổi trong tương lai. Nhưng cũng giống như nhiều hàng hóa khác, tiền là của hiếm người ta càng đánh giá cao lợi ích của nó trong việc trao đổi thì người ta càng cần nhiều tiền, và như thế giá trị của đồng tiền lại càng cao - đấy là cái mà ta gọi là sức mua của đồng tiền.
Việc phân tích một cách triệt để như thế là một thành tựu làm người ta phải ngạc nhiên, nhất là Mises viết về vấn đề này khi mới ngoài ba mươi tuổi. Ông chỉ ra rằng tiền không phải là một cái gì đó tách biệt và phi cá nhân, mà nó thể hiện cách đánh giá của con người; ông đã đưa đồng tiền vào lĩnh vực phân tích thị trường.
Chu kì kinh tế
Quan niệm thấu triệt như thế đã giúp Mises giải thích vấn đề đã từng làm các nhà kinh tế học lúng túng trong một thời gian dài, đấy là chu kì kinh tế - sự lên xuống của giá cả và thu nhập, sự thăng giáng theo chu kì trong hoạt động kinh tế đã được người ta ghi nhận trong những năm qua. Ông chỉ ra rằng tín dụng gia tăng một cách đột biến chính là nguyên nhân cơ bản của các chu kì - mà bao giờ cũng do ngân hàng trung ương và các nhà chính trị khởi xướng cả.
Ít nhất là từ thế kỉ XVIII, các nhà kinh tế học đã biết rằng vì lí do nào đó, khi lượng tiền mặt lưu hành tăng lên thì dân chúng sẽ cảm thấy giàu có hơn và chi tiêu nhiều hơn; nhưng tiêu thêm thì lại đẩy giá lên, chẳng ai được lợi lộc gì. Đấy là câu chuyện về lạm phát. Nhưng Mises và đồng nghiệp của ông là Friedrich Hayek thấy rằng vấn đề còn tồi tệ hơn thế. Sự bùng nổ chi tiêu làm cho các doanh nhân tin rằng nhu cầu đối với sản phẩm của họ thực sự gia tăng. Trong khi đó nới lỏng tín dụng làm cho lãi suất vốn vay giảm đi. Cho nên các doanh nghiệp vay nhiều hơn để đầu tư và sản xuất ra nhiều hơn.
Nhưng đấy là đầu tư sai lệch: đầu tư quá nhiều hoặc quá ít, vì nó dựa trên tín hiệu sai lầm về giá cả. Chẳng bao lâu sau, việc chi tiêu vung tay quá trán của xã hội sẽ dừng lại do giá cả leo thang. Và do lãi suất thấp, người ta không còn muốn tiết kiệm tiền để đầu tư cho những dự án đầu tư mới của doanh nghiệp nữa. Các doanh nhân lúc đó mới nhận ra rằng họ như đang nằm trên đe dưới búa: nhu cầu thì giảm nhưng lãi suất vốn vay lại tăng. Các dự án đầu tư mới của họ sẽ phải thanh lí, còn nguồn lực thực sự thì bị mất trắng. Giai đoạn bùng nổ kinh doanh sai lầm dẫn đến hậu quả là một giai đoạn sụp đổ đầy đau đớn. Theo Mises, phải hạn chế một cách nghiêm khắc việc in tiền - sử dụng vàng làm tiêu chuẩn - mới có thể ngăn chặn được các chu kì kinh tế và những thiệt hại mà chúng gây ra. Các nhà kinh tế học trước Mises đã từng nghĩ đến chu kì kinh tế. Nhưng Mises đã tạo nên một cú đột phá bằng cách liên kết những tư tưởng khác nhau - về tín dụng, về cơ cấu sản xuất và về lãi suất - vào một lí thuyết thống nhất về tăng trưởng nóng và suy thoái kinh tế. Đấy là một thành tựu đáng kinh ngạc nữa.
Vốn, tiền lãi và thời gian
Mises còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn bản chất của vốn và tiền . Tiền lãi, ông khẳng định, không phải là một thứ sự thực hiển nhiên giống như cái , không phải là sự “đền đáp” một cách tự động cho số tiền tiết kiệm được. Đúng ra, tiền lãi phụ thuộc vào cách mà các cá nhân liên quan đánh giá tương lai - đặc biệt là liệu họ có nghĩ rằng nên hoãn chi tiêu ngày hôm nay để mua lưới đánh cá, mua cày và máy móc, tức là những thứ sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hơn vào ngày mai hay không. Và sự thỏa hiệp giữa tiêu dùng ngày hôm nay và tiêu dùng nhiều hơn vào ngày mai cho ta thấy tầm quan trọng quyết định của thời gian trong tất cả các tính toán kinh tế - các cuốn sách giáo khoa kinh tế dòng chính đã bỏ qua hoặc hiểu sai điều này.
Nhưng, trong khi cố gắng đơn giản hóa các vấn đề, những cuốn sách giáo khoa đó còn phạm phải một sai lầm chết người nữa. Mises (trên cơ sở công trình khoa học của một nhà kinh tế học tiền bối Trường phái Áo tên là Eugen von Böhm-Bawerk) khẳng định rằng vốn chỉ tồn tại trong những hàng hóa đặc thù, không cái nào giống cái nào. Ví dụ như cái búa hơi nước khác hẳn với cái đe và cái vồ, đấy là nói theo nghĩa giá cả, chức năng mức độ dễ dàng trong sử dụng và vận chuyển. Như vậy là, phân loại một cách chính xác hàng hóa vốn mà ta có có thể có ý nghĩa tối quan trọng đối với sự tiến bộ của nền kinh tế chúng ta. Bằng cách dồn tất cả các loại hàng hóa vốn khác nhau vào một phạm trù đơn giản là “vốn”, các nhà kinh tế học vĩ mô đã bỏ qua khả năng là dân chúng đang đầu tư vào các loại hàng hóa vốn không cần thiết, tức là đầu tư không đúng hướng, như Mises đã chỉ rõ trong công trình viết về chu kì kinh tế của mình, chắc chắn sẽ dẫn đến những mất mát trên thực tế.
Tính toán kinh tế trong chủ nghĩa xã hội (theo mô hình Liên Xô cũ) là việc làm bất khả thi
Bác bỏ chủ nghĩa xã hội (theo mô hình Liên Xô cũ] trên cơ sở cho rằng không còn thị trường thì mọi tính toán trong lĩnh vực kinh tế đều là việc làm bất khả thi là đóng góp quan trọng thứ năm của Mises. Khi mà tất cả các phương tiện sản xuất đều nằm trong tay nhà nước, nghĩa là không bao giờ có chuyện mua và bán chúng thì cũng không có cách nào định giá được chúng. Vì vậy mà chúng ta cũng không thể biết được rằng trong số những quy trình sản xuất khả dĩ, quy trình nào là rẻ nhất và như vậy sẽ không thể tiến hành lựa chọn quy trình sản xuất theo lối duy lí được. Chắc chắn là quy trình sản xuất đắt hơn sẽ được chọn, và nguồn lực sẽ bị phí phạm. Ngược lại, nền kinh tế thị trường tạo áp lực cạnh tranh lên các nhà sản xuất, buộc họ phải lựa được quy trình sản xuất hiệu quả nhất về mặt giá cả - như vậy là giảm được mất mát và giữ được các nguồn lực quan trọng sống còn cho những mục đích khác.
Đấy là luận cứ đặc biệt có giá trị trong những cuộc tranh luận dữ dội về chủ nghĩa xã hội ở châu Âu trong suốt những năm đầu thế kỉ XX. Đáp lại, các lí thuyết gia theo trường phái xã hội chủ nghĩa đề xuất mô hình “chủ nghĩa xã hội thị trường"; trong đó, các nguồn lực sẽ được phân phối “như thể" thị trường có tồn tại, họ còn khẳng định rằng vấn đề lựa chọn giữa những khả năng sản xuất khác nhau thực ra chỉ là giải một bài toán gồm rất nhiều phương trình mà thôi.
Nhưng Mises phản bác rằng chủ nghĩa xã hội thị trường chỉ có thể hoạt động được khi tồn tại giá thị trường thực sự để cho nó bắt chước, cho nên nó không thể mở rộng được; hoặc sẽ chẳng còn giá thị trường nào mà bắt chước nữa. Nói về ý tưởng lập kế hoạch bằng cách tính toán, thì ở đây người ta đã bỏ qua sự thực là hoàn cảnh chắc chắn sẽ thay đổi trong khi kế hoạch đang được tiến hành: các nhà toán học sẽ chẳng bao giờ có các số liệu “cùng một lúc” để mà giải quyết - trước hết là không thể nào thu thập và xử lí nối nhiều số liệu đến thế. Nói cách khác, chủ nghĩa xã hội (theo mô hình Liên Xô cũ] là một dự án phi logic.
Giảng dạy và ảnh hưởng
Mises có tầm ảnh hưởng sâu rộng cho đến tận ngày nay. Friedrich Hayek, người học trò nổi tiếng nhất của ông đã giành được giải Nobel vì những công trình nghiên cứu của hai người về chu kì kinh doanh. Một người ngưỡng mộ ông tên là Lionel Robbins (sau này được phong danh hiệu Huân tước), trở thành cố vấn cho chính phủ Anh; một người nữa là Jacques Rueff, trở thành cố vấn kinh tế cho tướng de Gaulle ở Pháp, và người thứ ba là Luigi Einaudi, trở thành tổng thống nước Italy.
Trên thực tế, Mises có ảnh hưởng đối với cả một thế hệ những nhà kinh tế học theo đường lối thị trường tự do và những nhà tư tưởng theo đường lối xã hội tự do, trong đó có Fritz Machlup (người mở đường cho kinh tế học của xã hội thông tin), Gottfried Haberler (người đã viết những tác phẩm có ảnh hưởng về thương mại quốc tế, cơ hội, tỉ giá và hiệu quả sản xuất), Israel Kirzner (nổi tiếng vì công trình nghiên cứu về khởi lập nghiệp), Murray Rothbard (tác giả cuốn Con người, Kinh tế và Nhà nước – Man, Economy and State), một cuốn sách được coi là kinh điển của trường phái tự do cá nhân), và rất nhiều người khác nữa. Ở cả châu Âu và Mĩ đều có những viện nghiên cứu mang tên ông. Sách của ông được các trường đại học và cao đẳng trên khắp thế giới sử dụng. Và những tư tưởng không hề biết đến bất kì tín điều nào của ông tiếp tục được truyền bá.
Chú thích:
(1) Chủ nghĩa tự do được dùng theo nghĩa mà Mises vẫn dùng, tức là theo cách hiểu của châu Âu về quyền tự do cá nhân và nhà nước có giới hạn.
(2) Về cuộc đời và sự nghiệp của Mises, xin đọc thêm tác phẩm E. Butler, Ludwig von Mises: Fountainhead of the Modern Microeconomics Revolution, Gower, Brookfield, VT and Aldershot, 1988.
Nguồn: Eamonn Butler (2014). Lược khảo Ludwig von Mises. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: Ludwig Von Mises―A Primer (2014)