[FA. Hayek Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 2: Thế chiến I
CHƯƠNG II. THẾ CHIẾN I
Căn nguyên của Thế chiến I là từ những cơ cấu đồng minh, tham vọng đế quốc chủ nghĩa, sự ngờ vực trên vũ đài chính trị quốc tế, và chủ nghĩa vị kỷ của người Đức. Bối cảnh lịch sử của Đức khác với của Anh-Mỹ, và việc làm sáng tỏ điều này có ý nghĩa quan trọng để có thể nắm bắt được xuất xứ văn hoá của Hayek. Cho dù người La Mã từng chinh phục vùng bờ tây sông Rhine chia cắt Đức và Pháp, nhưng họ vẫn không bao giờ quy phục được những bộ tộc khu trú trên vùng đất thuộc nước Đức ngày nay. Charlemagne, khởi thuỷ là vua của người Frank (những bộ tộc Đức từng tràn qua Gaul, tức nước Pháp sau này), đã khai sinh và trở thành hoàng đế của đế chế La Mã Thần thánh vào năm 800. Cùng năm ấy, ông được Giáo hoàng Leo Đệ tam phong làm thủ lĩnh của những lãnh địa Thiên Chúa giáo nằm ở khu vực từng thuộc miền tây của đế chế La Mã cổ đại và Đức. Ở giai đoạn cực thịnh của mình, thế kỷ 10 và 11, đế chế La Mã thần thánh bao gồm toàn bộ hay phần lớn những vùng đất mà ngày nay là Đức, Áo, Thuỵ Sỹ, Bỉ, Hà Lan, miền tây nước Pháp, miền bắc và miền trung Italia, Cộng hoà Séc, và miền tây Ba Lan.
Những thế kỷ sau đó, đế chế này chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa hơn là một thực thể cầm quyền, các hoàng thân của một số nước nhỏ thuộc thế giới Giécmanh đã khẳng định quyền lực thực tế ngay trong phạm vi lãnh địa của nó. Sau Cuộc chiến Ba mươi năm thảm khốc, trong đó một phần lớn dân số Giécmanh bị giết, năm 1648 vị hoàng đế theo Cơ đốc giáo ở vùng đất mà ngày nay là nước Áo đã đánh mất chủ quyền vào tay các hoàng thân theo đạo Tin lành ở khu vực thuộc Đức ngày nay. Đế chế La Mã thần thánh sau đó chỉ còn tồn tại trên giấy tờ. Nó kéo dài sự tồn tại như thế đến thời Napoleon; hoàng đế Francis Đệ nhị của Áo cuối cùng thoái vị vào năm 1806. Ngược dòng lịch sử, đế chế La Mã Thần thánh là Đệ nhất Quốc xã trong 1.000 năm mà Hitler nhắc tới. Đệ nhị Quốc xã là của Bismarck (kéo dài chưa đầy năm mươi năm); và Đệ tam Quốc xã là của Hitler, cũng dự định kéo dài 1.000 năm.
Suốt các cuộc chiến tranh do người Pháp và Napoleon tiến hành từ 1790 đến 1815, các bang khác nhau của Đức được thống nhất dưới quyền cai trị của người Pháp. Thông qua sự xâm chiếm này, những ý tưởng của cách mạng Pháp – gồm tự do, bình đẳng, và dân chủ – đã được đem đến với người dân nói tiếng Đức. Sự thống nhất nước Đức lần đầu tiên trong thời cận đại này đến lúc kết hợp với sự xâm chiếm của một chế độ chuyên chế ngoại quốc, và vì thế phương Tây cùng với tư tưởng của nó bắt đầu bị nghi ngại trong thế giới Giécmanh.
Trong các cuộc chiến tranh do người Pháp và Napoleon tiến hành, gia tộc cai trị nước Áo, dòng họ Habsburg, là kẻ thù dai dẳng nhất của người Pháp. Theo sự dàn xếp của Hội nghị Vienna năm 1815, nước Phổ cùng đế chế Áo được xác lập là bức tường thành nằm giữa Nga và Anh để kiềm chế người Pháp. Từ đó một cuộc chiến nội bộ diễn ra giữa Phổ và Áo nhằm tranh giành ưu thế trong thế giới Giécmanh, sau cùng được quyết định bằng một cuộc chiến ngắn ngủi. Nước Phổ giành thắng lợi. Dưới sự lãnh đạo của thủ tướng Otto von Bismarck, và qua các cuộc Chiến tranh Áo-Nga năm 1866, Chiến tranh Pháp-Phổ 1870-1871, cùng với việc doạ dẫm, sáp nhập, và cưỡng bức đối với các bang nhỏ trong lãnh thổ Đức, một đế chế Đức mà người Phổ nắm quyền chi phối được tuyên bố ra đời vào năm 1871.
Nước Áo, phân biệt với Đức, là sự kế tục giả định của Đế chế La Mã Thần thánh. Gia tộc Habsburg từng cai trị toàn bộ đế chế và tự coi mình là hoàng tộc hàng đầu ở Châu Âu, liên kết thông qua hôn ước hay chinh phục đối với hầu hết các quốc gia khác. Là những người theo Công giáo La Mã, họ tự coi mình như những người bảo vệ đức tin.
Nước Áo sau trở thành Đế chế Áo-Hung. Đây là một đế chế lỏng lẻo gồm rất nhiều quốc gia khác nhau, hơi chếch về phía nam và phía đông của Đế chế La Mã Thần thánh trong lịch sử, vươn mình sâu vào bán đảo Balkan. Tình hình chính trị của nó suốt những thập niên về sau thường xuyên được mô tả là “nghiêm trọng nhưng chưa trầm trọng.”
Giọt nước làm tràn ly dẫn đến Thế chiến I là việc ám sát Đại quận công Franz Ferdinand, thái tử kế vị của Hoàng đế Áo-Hung Franz Josef, tại Sarajevo, Bosnia, ngày 28 tháng 6 năm 1914. Franz Josef quyết định trấn áp dứt điểm chủ nghĩa dân tộc Slav, và, với sự ủng hộ của Đức, tuyên chiến với Serbia ngày 28 tháng 6. Sự kiện này đẩy Nga vào cuộc chiến để bảo vệ đồng minh Serbia của mình, và Đức tham chiến nhằm ủng hộ Áo-Hung. Pháp là đồng minh của Nga. Kế hoạch của người Đức là đánh bại Pháp, qua đó thiết lập bá quyền trên lục địa Châu Âu. Đức xâm chiếm nước Bỉ trung lập và kéo luôn Anh nhảy vào lửa chiến.
Cái cơ cấu quyền lực tồn tại cơ bản từ sau Hội nghị Vienna năm 1815, tiếp sau các cuộc chiến tranh Pháp và Napoleon, đã tan thành từng mảnh. Khi cuộc chiến thực sự bắt đầu thì Áo-Hung chỉ còn là căn cớ thứ hai, cho dù nó là kẻ phát động chiến tranh. Người Đức tìm cách thiết lập một vị thế chính trị trên thế giới mà họ coi là tương xứng với sự vĩ đại của mình – “một chỗ dưới ánh mặt trời” theo như cách nói đương thời.
Người Áo tiến lên với tràn trề hy vọng khi cuộc chiến vĩ đại bắt đầu. Những ghi chép của Karl Popper, bạn của Hayek sau này, về những gì ông từng trải qua ở Vienna trong Thế chiến I khi còn là một cậu bé, chắc chắn làm sáng tỏ quãng thời gian ấy của Hayek. Popper viết, “những năm tháng chiến tranh, và hệ luỵ của nó, đã quyết định sự phát triển trí tuệ của tôi trên mọi phương diện. Cố nhiên, ít người lúc đó nắm bắt được ý nghĩa cuộc chiến. Tiếng thét gào của chủ nghĩa yêu nước vang khắp đất nước, thậm chí một số trong giới chúng tôi trước nay vẫn xa lạ với chiến tranh cũng tham gia hô hào. Qua một vài tuần, dưới ảnh hưởng của bộ máy tuyên truyền của trường mình, tôi bắt đầu bị cái tâm thế chung đó tác động ít nhiều. Mùa thu năm 1914, tôi viết một bài thơ kỳ cục nhan đề ‘Ngợi ca hoà bình,’ giả định người Áo và người Đức đã đẩy lùi được cuộc chiến (lúc ấy tôi tin là ‘chúng tôi’ bị tấn công). Trong khi đó, tất cả những người anh em họ hàng đã đủ tuổi của tôi, cũng như nhiều bạn của chúng tôi, đều trở thành những sỹ quan chiến đấu trong quân đội Áo.”1
Chắc chắn gia đình Hayek đã ủng hộ cuộc chiến mà cả Hayek và cha ông đều tham gia. Khi cuộc chiến nổ ra, Hayek còn là một cậu bé, tuổi mới mười lăm. Với vóc dáng của mình, ông đôi khi bị gây phiền hà do không mặc đồng phục. Sau đó ông quan sát thấy tình hình ở Vienna không thực sự thay đổi, xấu đi, cho tới năm cuối cùng của cuộc chiến.
Là một cậu bé, như hầu hết những cậu bé khác, ông không quan tâm đến lịch sử và tình hình xã hội, tuy không giống với hầu hết những đứa trẻ khác bởi ông có mối quan tâm đặc biệt về sinh học. Với Thế chiến I, mối quan tâm của ông chuyển sang lĩnh vực khoa học xã hội, sau một thời gian ngắn ngủi cưỡi ngựa xem hoa với tâm lý học. Cảnh huyên náo chính trị gắn liền với cuộc chiến và sau đấy là sự sụp đổ của đế chế Áo-Hung đã đưa mối quan tâm của ông từ lĩnh vực khoa học tự nhiên sang khoa học xã hội.
Ông làm quen với các môn xã hội nhân văn qua một tiết học về cơ sở triết học. Thầy giáo giảng về Aristotle và nói rằng Aristotle “đã định nghĩa đạo đức học gồm ba phần: luân lý học, chính trị học và kinh tế học.” Khi nghe thấy thế, phản ứng của Hayek là, “‘ồ, đây chính là những thứ mà ta muốn nghiên cứu.’ Điều này gây ra chuyện tức cười khi tôi về nhà và nói với cha, ‘Con biết mình sẽ nghiên cứu gì rồi. Con sẽ nghiên cứu đạo đức học.’ Ông hoàn toàn bị sốc. [cười] Cố nhiên, điều tôi muốn ám chỉ đạo đức học không hề giống như những gì mà ông hiểu khi tôi đề cập tới thuật ngữ ấy.”2
Tháng 3 năm 1917, hai tháng trước sinh nhật lần thứ mười tám, Hayek nhập ngũ. Sau bảy tháng huấn luyện, ông được cử tới mặt trận Italia với vai trò sỹ quan. Ông miêu tả vẻ ngoài tự tin của mình, “lần đầu tiên tôi thực sự tự chứng tỏ được (điều mà có lẽ tôi chưa bao giờ suy xét thấu đáo) là nếu thực sự muốn, không cần thiết phải cố gắng lắm, tôi vẫn có thể làm tốt như những đồng đội ưu tú nhất của mình trong trường huấn luyện sỹ quan của quân đội. Dù thiếu tất cả những năng khiếu tự nhiên đặc biệt, và thậm chí bất chấp sự vụng về nhất định, tôi vẫn có mặt trong số năm hay sáu người đứng đầu danh sách khoảng bảy tám mươi học viên sỹ quan.”3 Ông có thiên hướng học thuật tốt hơn rất nhiều so với đồng đội của ông và chưa có kinh nghiệm gì về tình dục.
Ông phục vụ hơn một năm ở Italia cho tới khi cuộc chiến kết thúc tháng 11 năm 1918. Erich Streissler, đồng sự của ông những năm 1960, còn nhớ Hayek có khả năng kể những câu chuyện “bi hay hài” về cuộc chiến, “chẳng hạn, chuyện về người phụ trách việc vận chuyển lươn sống và phải săn tìm chúng trong một bãi cỏ đẫm sương nơi chúng sổng ra.”4 Một câu chuyện bi kịch liên quan đến người bạn thân duy nhất thuở thiếu thời của ông, Walter Magg, người cũng nhập ngũ và chết một thời gian ngắn trước khi Hayek có thể gặp anh ta.5 Hàng chục năm sau, Hayek còn có thể khóc khi nhìn thấy hình Magg.
Hayek kể với người thư ký cuối cùng và gắn bó lâu với ông, Charlotte Cubitt, là trong Thế chiến I một mảnh đạn nào đấy đã nẩy bật và bắn vào đầu ông, lấy đi một mảnh xương sọ mà ông không hề hay biết. Cubitt còn nhớ, “Viên hạ sỹ quan của ông lúc ấy cũng bị bắn vào người, mảnh đạn làm toạc đường chỉ viền Áo vét và Áo sơ mi của anh ta và để lại một vết bỏng trên da, điều khiến họ cười nghiêng ngả đến mức ông quên khuấy mất vết thương của chính mình.”6 Chỉ nhiều tuần sau đó, khi cha ông sờ sẫm quanh đầu ông thì mảnh xương bị mất mới được phát hiện.
Những kỷ niệm chiến tranh kỳ thú nhất mà Hayek còn nhớ là cuộc công kích bị bỏ dở tháng 6 năm 1918, sự sụp đổ của quân đội Áo-Hung tháng 10 năm 1918, và hai lần lui quân. Khi rút quân khỏi sông Piave, “lần đầu tiên chúng tôi bị quân Italia truy kích. Vì là một sỹ quan điện đàm của trung đoàn (nghĩa là tôi biết tất cả một nhúm người nói tiếng Đức, những kẻ đáng tin cậy nhất ở những hoàn cảnh như vậy) nên tôi được yêu cầu đảm trách một biệt đội nhỏ cho trung đoàn pháo binh, đầu tiên với vai trò bảo vệ hậu quân trước người Italia đang truy đuổi và sau đó làm nhiệm vụ bảo vệ tiền quân khi chúng tôi vượt qua khu vực thuộc Yogoslavia, nơi những cốt cán thuộc lực lượng không chính quy người Yogoslavia cố gắng chặn chúng tôi lại và cướp súng. Lần ấy, sau khi chiến đấu một năm ròng mà chưa từng phải làm một việc tương tự, tôi đã phải tấn công một ụ súng máy. Màn đêm buông xuống, trước khi chúng tôi tiến được tới ụ súng thì bọn chúng đã biến mất. Tuy thế, đó là một kỷ niệm khó chịu.”7
Hayek hút chết trong một dịp khác khi ông nhảy dù ra khỏi một khinh khí cầu quan sát mà không gỡ tai nghe ra. Âm thanh đạn pháo nổ lớn đến mức sau này (có lẽ không chính xác) ông quy cho là một trong những nguyên nhân khiến ông bị nặng tại. Ông kể về những kỷ niệm chiến tranh của mình, “theo nghĩa nào đấy, tôi không biết sợ, ý tôi nói về mặt thể chất. Đó không phải là dũng khí. Chỉ đơn giản là tôi chưa bao giờ thực sự sợ hãi.” Một lần ở Thế chiến I, ông suýt mất mạng trong một cuộc không chiến. Chiếc máy bay Italia xả đạn trực diện vào máy bay của ông, “xuyên qua cánh quạt. Khi nó bắt đầu bắn, viên phi công người Séc của tôi bay vòng xuống. Tôi cởi dây an toàn ra, trèo lên lan can. Viên phi công của tôi điều chỉnh vòng xoay ngay trên mặt đất. Thật là phấn khích.”8
Ông ít nhiều đã quyết định theo đuổi kinh tế học trong thời gian chiến tranh khi đang ở Italia. Ông hồi tưởng qua những ghi chép tự truyện chưa công bố là chiến tranh gồm những giai đoạn dài lặng ngắt và buồn tẻ, điểm thêm những thời khắc căng thẳng của nguy hiểm và kích động.9 Ông đọc những cuốn sách có hệ thống đầu tiên về kinh tế học, do một viên sỹ quan đồng liêu đưa cho. Mặc dù sau này ông nhớ lại rằng những cuốn sách đó hết sức nghèo nàn – “Tôi ngạc nhiên là chúng đã không khiến tôi nhàm chán mãi”10 – chúng đã đưa ông đến với kinh tế học.
Ông đọc kỹ những cuốn sách mỏng đương thời về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội nửa vời, từ đó thu nhặt được những ý tưởng kinh tế học đầu tiên. Ông “đặc biệt chịu ảnh hưởng” từ các trước tác của Walter Rathenau người từng là “giám đốc phụ trách cung ứng nguyên vật liệu của Đức thời gian chiến tranh,” người “đã trở thành một nhà quy hoạch nhiệt thành. Và tôi cho rằng ý tưởng của ông ta về việc tái tổ chức nền kinh tế như thế nào có lẽ đã khởi đầu cho mối quan tâm của tôi đến kinh tế học. Và chúng mang tính chất xã hội chủ nghĩa nhẹ nhàng rất rõ nét.”11
Ở mặt trận ông có khả năng xin được về phép, và nhân một dịp như thế ông đã quay về trường Gymnasium của mình vài ngày để nhận chứng chỉ vào đại học sau chiến tranh. Nếu không có thành tích quân ngũ xuất sắc, thì việc liệu ông có thể dễ dàng nhận được chứng chỉ hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Trong ít ngày phép ấy, ông gặp phải rắc rối do đã đọc một cuốn sách mỏng về chủ nghĩa xã hội trong một tiết thần học.
Chú thích:
(1) Walter Rathenau (1867-1922): Nhà công nghiệp và chính khách người Đức gốc Do Thái. Năm 1921 ông là bộ trưởng Bộ Tái thiết và năm 1922 là ngoại trưởng Đức trước khi bị ám sát. (N.D.)