[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 20 - Popper

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 20 - Popper

Năm cuối cùng ở Anh của Hayek được đánh dấu bởi sự kiện ly hôn với người vợ đầu, câu chuyện đã gây ra rạn nứt đau đớn trong tình bạn giữa ông với Robbins. Trong một bức thư gửi cho Popper thời gian chiến tranh, Hayek mô tả Robbins là “người bạn gần gũi nhất và tôi đánh giá ý kiến của ông trên hết.” Tình cảnh vui vẻ đó không còn nữa. Cuối năm 1949, Hayek ly thân với người vợ đầu, Hella, và năm 1950 thì ly hôn ở Arkansas, nơi ông chuyển đến để lợi dụng luật ly hôn dễ dãi. Một số tuần sau ông kết hôn với người vợ thứ hai, Hellene.

Robbins coi việc Hayek đối xử với người vợ thứ nhất là bạc ác. Sự rạn nứt giữa hai người trở nên sâu sắc. Robbins rời bỏ Hội Mont Pelerin. Tháng 6 năm 1950, ông viết trong một bức thư là Hayek “đã xử sự theo cách mà tôi thấy không thể dung hoà với quan niệm về tính cách và chuẩn mực của ông, điều mà tôi vốn trân trọng suốt hai mươi năm tình bạn. Về phần tôi, người đàn ông mà tôi biết đã chết và tôi cảm thấy gần như đau đớn không thể chịu nổi nếu phải gặp con người sau của ông ta.” Hai người không dung hoà với nhau cho tới sau khi Hella Hayek mất. Họ tái lập quan hệ bạn bè – và lại lần nữa trở nên thân thiết – tại đám cưới con trai Hayek, Larry, năm 1961.

Sự chia rẽ giữa Hayek và Robbins có tác động quan trọng đến LSE và chủ nghĩa tự do trong kinh tế học hàn lâm ở Anh. Hai nhân vật hàng đầu đi theo con đường riêng của mình và Hayek rời khỏi đất nước. Những năm 1950 và 1960, khi chuyển hướng theo đường lối trung dung của Keynes, Robbins ít còn ảnh hưởng đến giới kinh tế học hàn lâm như thập niên 1930. ảnh hưởng thực tiễn của ông với tư cách trụ cột của nhóm các nhà kinh tế học hàng đầu ở Anh lại tăng đáng kể. Ông giữ cương vị chủ tịch Uỷ ban Giáo dục cao ở Anh từ năm 1961 đến 1963, cơ quan đã khuyến nghị quá trình phát triển có ý nghĩa quan trọng của hệ thống giáo dục cao, và trở thành nhân vật thủ lĩnh của LSE. Những năm 1950 và 1960, Hayek thực sự bị lãng quên ở Anh. Viện Nghiên cứu các Vấn đề Kinh tế (Institute of Economic Affairs), trụ sở tại London, nơi Arthur Seldon là giám đốc biên tập, gần như trở thành tổ chức duy nhất tiếp tục khuyếch trương Hayek cùng các công trình của ông ở Anh giai đoạn này.

Mối quan hệ bạn bè duy nhất mà Hayek còn giữ tại LSE là với Karl Popper, một phần vì ông và người vợ trước của mình chưa biết Popper lâu và rõ như quen biết giữa họ với Robbins và các nhà kinh tế học khác ở đây. Popper chỉ đến trường dạy sau Thế chiến II và ở khoa triết học.

Popper đánh giá cao sự giúp đỡ thiết thực của Hayek dành cho ông. Trong một cuộc gặp mặt tưởng nhớ Hayek ở LSE, ông đã thuật lại lần gặp gỡ đầu tiên giữa họ:

Tình bạn suốt đời của tôi với Fritz Hayek bắt đầu từ khoảng tháng 9, tháng 10 năm 1935, khi tôi gõ cửa phòng nghiên cứu của ông ở đây. Ông chỉ hơn tôi ba tuổi và tôi từng nghe tiếng ông ở Vienna, nhưng chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau. Ông còn trẻ và nổi tiếng, còn tôi là một giáo viên không tiếng tăm. Tôi mang lá thư giới thiệu từ giáo sư Hans Kelsen, bấy giờ đang dạy lý thuyết chính trị tại Vienna. Kelsen bảo tôi đến thăm Hayek, nhưng lại cảnh báo với tôi là ông ta và Hayek không còn nhìn mặt nhau nữa.

Vì thế, khi vừa đặt chân tới London lần đầu tiên và đến trước cửa phòng Hayek, tôi không cảm thấy gì ngoài sự mất tự tin. Nhưng Hayek đã đón tiếp tôi còn hơn cả sự thân thiện. Ông đảm bảo với tôi là bạn ông, Gottfried Haberler, đã nói ông phải đọc cuốn sách mà tôi vừa xuất bản một năm trước đó ở Vienna [tác phẩm Logic về sự khám phá khoa học (The Logic of Scientific Discovery)]. Vì thế tôi tặng ông một cuốn; ông đảm bảo với tôi là sẽ đọc nó ngay và sẽ xong nếu tuần tới tôi quay lại. Khi tôi quay lại thì ông đã thực sự đọc xong và tỏ ra quan tâm nhiều đến nó… Tại cuộc gặp lần thứ hai này, mà ông chủ yếu bàn về cuốn sách của tôi, ông đã yêu cầu tôi trình bày một bài viết trong seminar của ông. Các bạn có thể hình dung đấy là một sự khích lệ lớn lao.

 

Trong một bức thư tháng 12 năm 1943, Popper viết, “lòng tốt vô bờ mà Hayek dành cho tôi hứa hẹn chí ít là sẽ thay đổi toàn bộ diễn tiến của đời tôi.” ít ngày sau ông lại viết, “Không ai có thể có cảm giác mạnh mẽ hơn cảm giác của tôi về Hayek.” Popper viết trong tự truyện là bạn ông, Ernst Gombrich, “cùng với Hayek, người vốn dành cho tôi sự giúp đỡ hào phóng nhất (tôi không dám làm phiền ông vì chỉ mới gặp ông vài lần trong đời),” đã tìm được một nhà xuất bản cho tác phẩm Xã hội mở và kẻ thù của nó (The Open Society and Its Enemies) (1945), cuốn sách trở thành công trình nổi tiếng nhất của Popper. Popper tiếp tục tán dương, “Cả hai đều dành những lời cổ vũ lớn nhất cho cuốn sách. Tôi từng có cảm giác là hai người đã cứu mình, và đến nay vẫn còn mang cảm giác như thế.”

Hayek cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tìm cho Popper vị trí phó giáo sư tại LSE sau chiến tranh. Popper là cá nhân duy nhất mà Hayek đề tặng một cuốn sách của mình, Các nghiên cứu về triết học, chính trị và kinh tế học (Studies in Philosophy, Politics and Economics, 1967). Popper cũng đề tặng Hayek tác phẩm Những suy đoán và bác bỏ (Conjectures and Refutations, 1963).

Hayek từng nhắc tới việc ông chịu ảnh hưởng trí tuệ đáng kể từ Popper. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nhận xét:

Thứ triết học đầu tiên tôi tiếp xúc là triết học Mach (Machian philosophy), mà giờ đây tôi thấy do dự khi gọi nó là triết học – theo tôi, có lẽ sẽ tốt hơn nếu gọi là phương pháp khoa học. Nó từng chi phối các cuộc thảo luận ở Vienna. Nó là sự khởi đầu của Nhóm Thực chứng Logic Vienna, nhóm mà tôi chưa bao giờ là thành viên nhưng thành viên của nó lại có quan hệ mật thiết với chúng tôi…

Ồ, còn điều đã làm cho tôi thay đổi là việc các nhà khoa học xã hội, các chuyên gia khoa học theo học phái Otto Neurath 2, đã tỏ ra quá đỗi cực đoan và ngây thơ trong kinh tế học tới mức mà qua [Neurath] tôi ý thức được rằng chủ nghĩa thực chứng cũng sai lầm như thế… Nhờ lập trường cực đoan của ông ta mà tôi sớm nhận ra là nó sẽ không phù hợp.

Và thực sự phải mất một thời gian dài tôi mới tự giải phóng mình khỏi nó. Chỉ sau khi rời khỏi Vienna, ở London, tôi mới suy nghĩ có hệ thống về những vấn đề phương pháp luận trong lĩnh vực khoa học xã hội, và tôi bắt đầu nhận ra rằng trong lĩnh vực ấy, chủ nghĩa thực chứng rõ ràng là sai lầm.

Trong một cuộc thảo luận trên chuyến đi từ London sang Vienna cùng với người bạn là Haberler, tôi giải thích với anh ta là mình đã đi đến kết luận rằng toàn bộ thứ triết học Mach đó không giúp ích gì cho mục đích của chúng ta. Lúc ấy anh ta trả lời, “ồ, có cuốn sách mới rất hay của một người tên là Karl Popper viết về logic nghiên cứu khoa học.” Đối với tôi cuốn sách này thật đáng hài lòng vì nó khẳng định cái quan niệm chắc chắn mà mình đã nhen nhóm trong đầu.

Sử gia và lý thuyết gia kinh tế người Anh Terence W. Hutchison, người có quen biết với Hayek và Popper, công trình của ông cũng được hai người này dành nhiều quan tâm, đã tỏ ra mẫn cảm khi xem xét quá trình phát triển quan điểm phương pháp luận của Hayek. Hutchison phân biệt hai giai đoạn trong tư tưởng phương pháp luận của Hayek, giai đoạn đầu tiên – “Hayek I” – kéo dài đến khoảng năm 1936 là theo quan điểm của Wieser và Mises, và giai đoạn thứ hai – “Hayek II” – kéo dài từ khoảng năm 1937, bao hàm quan điểm của Popper.

Khởi đầu sự nghiệp, Hayek theo phương pháp luận gần như là của riêng Mises và Wieser. Theo phương pháp luận này, tri thức mang tính nội tại và được trao cho con người. Những tìm tòi thực nghiệm có thể được dùng để chứng thực về mặt lý thuyết, chứ không phải bác bỏ chúng. Lý thuyết kinh tế dựa trên những tiên đề hiển nhiên. Lý thuyết đi trước quan sát thực nghiệm. Hutchison trích dẫn Hayek về những chủ đề này trong tác phẩm Kế hoạch hoá kinh tế tập thể (Collectivist Economic Planning): “Những thực tế cơ sở thiết yếu mà chúng ta cần để giải thích các hiện tượng xã hội một phần là kinh nghiệm phổ biến, một phần nằm trong nội dung tư tưởng của chúng ta. Trong lĩnh vực khoa học xã hội, đó chính là các phần tử của những hiện tượng phức hợp được biết đến vượt lên trên khả năng tranh cãi [Hutchison nhấn mạnh]. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, chúng được biết đến tốt nhất là qua giả định. Sự tồn tại của các phần tử này chắc chắn hơn rất nhiều so với bất kỳ yếu tố thường xuyên (regularities) nào có trong các hiện tượng xã hội bắt nguồn từ chúng, đến mức chính chúng mới cấu thành nên nhân tố thực nghiệm thực sự trong lĩnh vực khoa học xã hội.”

Hutchison từng đề cập đến “sự gần gũi tột bực” giữa Hayek, trong phần giới thiệu cuốn Kế hoạch hoá kinh tế tập thể năm 1935, với Wieser và Mises trên “hai điểm cơ bản là (a) tính không thể bác bỏ theo nghĩa ‘bất khả sai lầm’ của ‘những thực tế có tính cơ sở thiết yếu trong kinh tế học’ và (b) sự tương phản căn bản giữa các phương pháp và tiên đề cơ sở của khoa học xã hội với khoa học tự nhiên – sự tương phản tạo nên từ thái độ cao ngạo ngược đời gần như nhau của Wieser, Mises, và Hayek về kinh tế học với tư cách một môn khoa học xã hội.” Đấy là tư tưởng của Wieser, Mises, và “Hayek I,” theo đó, vì sự tồn tại của tri thức tự chân (self-evident knowledge), nên kinh tế học có khả năng tiềm tàng đưa đến những khẳng định chính xác hơn so với các ngành khoa học vật chất (tự nhiên) khác.

“Hayek II” vận dụng quan điểm mang tính chất Popper nhiều hơn. Vấn đề ở đây không phải là nguồn gốc các ý tưởng, mà chính là bản thân các ý tưởng. Hutchison đặc biệt lưu ý việc ông “phản đối bất kỳ sự phỏng đoán nào liên quan đến sự ảnh hưởng.” Hayek dự định tác phẩm “Kinh tế học và tri thức” (Economics and Knowledge) sẽ giải thích tại sao ông không chấp nhận thuyết tiên nghiệm của Mises. Hayek đã áp dụng phương pháp tiếp cận mang nhiều tính thực nghiệm hơn trong một phần tư tưởng của mình qua tác phẩm “Kinh tế học và tri thức,” dù đồng thời ông vẫn tiếp tục chú trọng lý thuyết. Hayek từng nói ông không bao giờ áp dụng phương pháp tiếp cận thực nghiệm.

Mối quan hệ trí tuệ giữa Hayek và Popper là vấn đề hãy còn đang tranh luận, và một trong những điểm chủ yếu là Popper, chí ít trong những năm cuối cùng của ông và sau khi Hayek qua đời, đã khẳng định ông có ảnh hưởng đến Hayek nhiều hơn so với trên thực tế và, chắc chắn, nhiều hơn so với mức độ mà Hayek nghĩ. Popper tiếp tục buổi nói chuyện nhắc lại quá khứ mà ở đó ông mô tả các cuộc gặp gỡ đầu tiên của mình với Hayek, “Tôi sẽ không cố nói bất cứ điều gì về Hayek như một nhà kinh tế học. Nhưng có lẽ tôi có thể dành vài lời cho hai tác phẩm vĩ đại của Hayek về khuôn khổ pháp lý của xã hội tự do… Hiến pháp về quyền tự do (Constitution of Liberty) [và] Luật, luật pháp và tự do (Law, Legislation and Liberty). Tôi nghĩ mình có thể có chút ít ảnh hưởng nhất định đến quá trình chuyển hướng quan tâm của ông sang lĩnh vực này – đơn giản là vì trong một số buổi đàm đạo giữa chúng tôi, tôi không ngừng nhấn mạnh rằng cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ, hay chủ nghĩa bảo hộ nhà nước (lúc bấy giờ người ta vẫn gọi và phê phán nó như thế, đặc biệt là sự chỉ trích của Ludwig von Mises) không thể tiếp tục tiến hành theo cách thức của Mises; vì trong một xã hội phức tạp, bất kỳ sự hiện hữu nào gần giống với thị trường tự do đều chỉ có thể tồn tại nếu như ở đó pháp luật, và vì thế nhà nước, được bảo vệ. Thế nên thuật ngữ ‘thị trường tự do’ luôn cần được đặt trong dấu ngoặc, bởi lẽ nó luôn chịu sự ràng buộc, hay hạn chế, của khuôn khổ pháp luật và chỉ khả thi nhờ khuôn khổ pháp luật đó.” Nghĩa là, Popper đòi thừa nhận ảnh hưởng của mình đối với đóng góp chủ yếu, có ý nghĩa của Hayek suốt năm mươi năm cuối đời – vai trò trung tâm của pháp luật nhằm xác lập hay tạo dựng trật tự tự do cổ điển hay tự do cá nhân.

Sau Thế chiến II, các sự kiện ở Anh dần trở về với diễn tiến bình thường, mặc dù cuộc chiến tranh lạnh mới với Liên bang Xôviết đã thế chỗ chiến tranh nóng với Đức và Nhật Bản. Cuối Thế chiến II, vị thế của Mỹ thăng tiến có tính hiện tượng với kho vũ khí hạt nhân cùng nền sản xuất kinh tế không có đối thủ, chiếm khoảng một nửa tổng sản phẩm thế giới suốt một số năm ngay sau chiến tranh.

Sau Thế chiến II, Hayek tiến hành cuộc điều tra xã hội kéo dài sáu tuần ở Gibraltar và cho ra đời bản báo cáo trình chính phủ. Tiếp theo, chính phủ Anh yêu cầu ông thực hiện một cuộc điều tra tương tự ở Cyprus, nhưng ông đã từ chối. Nhóm chính trị đương thời mà ông tự nguyện tham gia là uỷ ban “Công lý cho Nam Tyrol,” theo đuổi việc đòi trao trả vùng đất này từ Italia (nước đã chiếm đóng sau Thế chiến I) về Áo. Suốt cả cuộc đời, ông là người thường xuyên đóng góp cho các phương tiện thông tin đại chúng về những chủ đề đương đại.

Marjorie Grice-Hutchison, học trò cũ của ông, còn nhớ những năm 1947-1948, bà

vinh dự được thụ giáo loạt bài thuyết trình mà Hayek giới thiệu là “những chỉ dẫn về lịch sử khoa học kinh tế.” Ông thường rảo bước đi lại trong khi thuyết giảng, và nói với giọng trò chuyện, không nhấn mạnh hay quá chú trọng sách vở. Trí nhớ tuyệt vời cùng nền tảng nhân văn uyên bác cho phép ông trình bày một cách lôi cuốn ý tưởng của các triết gia, luật gia, chính trị gia và doanh nhân từ nhiều nước và thuộc mọi thời kỳ, và ông không gặp khó khăn gì trong việc duy trì sự chú ý của đông đảo sinh viên, những người luôn ngồi chật phòng học của ông.

Ở bài đầu tiên trong số hai mươi bài thuyết trình của khoá học, Hayek trao cho chúng tôi tiêu đề một số sách tham khảo mà ông nghĩ là sẽ có ích cho nghiên cứu. Các tác giả của chúng có Alexander Gray, Edwin Cannan, James Bonar, J.A. Schumpeter, August Oncken, Jacob Viner, Charles Gide và Charles Rist. Ông khuyên chúng tôi đọc tác phẩm Lịch sử tư tưởng kinh tế (History of Economic Thought) của Erich Roll, mặc dù Roll bấy giờ là một nhà Mácxít. Ít nhất chín bài thuyết trình đã được dành cho tư tưởng kinh tế trước thời Adam Smith, và Hayek luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của các tác gia thời kỳ đầu. Tôi không cần phải nói rằng những ai trong số chúng tôi lúc ấy đang cân nhắc khả năng đi sâu vào lĩnh vực lịch sử kinh tế học đã được khích lệ nghiên cứu những nguồn tư liệu độc đáo.

Grice-Hutchison cũng còn nhớ Hayek “phân biệt theo thuật ngữ chung về hai nguồn gốc tư tưởng kinh tế chủ yếu, như ông nhìn nhận, mang bản chất triết học và thực nghiệm hay thực hành. Khoá học chủ yếu liên quan đến việc truy tìm nguồn gốc và quá trình phát triển của hai dòng chảy hệ tư tưởng cùng quan hệ giữa chúng, khởi đầu với triết học Hy Lạp và kết thúc với Keynes.” Bà còn nhớ về mặt cá nhân ông là người “nhã nhặn nhưng hơi xa cách,” và ông giúp sinh viên rất nhiều, kể cả bà, trong việc biến tư liệu luận văn thành sách. Sự giúp đỡ còn gồm cả việc hỗ trợ tìm nhà xuất bản.

Theo cựu sinh viên Henry Toch, ông từng tham dự các bài thuyết trình của Hayek về “Tiết kiệm và đầu tư” (Savings and Investment) cuối những năm 1940, và “tâm thái chung là về chủ nghĩa xã hội; phần lớn sinh viên được nhận học bổng của Chính phủ Công Đảng và Hugh Dalton về sau trở thành bộ trưởng trong nội các. Tôi còn nhớ giáo sư Hayek khép lại khoá học với những lời đại khái, ‘Nếu các bạn đồng ý với phân tích của tôi thì đưa nó vào bài kiểm tra, nhưng hãy chắc chắn là mình lập luận tốt, vì quan điểm của tôi không phải đã được thừa nhận và các bạn có thể bị mất điểm.’ Đáp lại là tiếng hoan hô râm ran từ phía người nghe, một điều hoàn toàn khác thường.” Toch cũng còn nhớ năm 1949 Hayek từng tham gia seminar sau đại học của Robbins, nơi ông có những nhận xét “ngắn gọn, đi vào vấn đề và thông minh.” Rõ ràng quan hệ giữa Hayek và Robbins đang thay đổi. Đây không phải là seminar đầu thập niên 1930.

Hayek và Popper quan hệ thư từ thường xuyên suốt nửa cuối của cuộc chiến, dù họ không biết rõ về nhau. Popper tìm kiếm sự hỗ trợ và ý tưởng của Hayek trong việc xuất bản cuốn Xã hội mở (The Open Society) và sau đó là giành vị trí phó giáo sư tại LSE. Từ giữa năm 1943 đến đầu năm 1945, cứ khoảng hai tuần ông lại viết thư cho Hayek. Họ không sử dụng tên đầu của nhau trong thư từ giai đoạn chiến tranh.

Tháng Giêng năm 1943, Popper hoàn thành cuốn Xã hội mở và kẻ thù của nó (The Open Society and Its Enemies). Tháng 7, Hayek viết thư cho ông, “Tôi đặc biệt quan tâm đến những gì anh nói về công trình của mình, vì nó dường như hết sức gần gũi với nội dung mà tôi đang nghiên cứu.” Tháng 5 năm 1944, Popper nhận được một cuốn Con đường tới nô lệ, điều mà ông coi là “sự kiện hứng thú nhất.” Ông viết cho Hayek, “khi đọc đến một đoạn lời tựa trong đó ngài mô tả việc viết cuốn sách là ‘một nhiệm vụ mà mình không thể lẩn tránh,’ tôi cảm thấy ngài được thôi thúc bởi một điều về cơ bản giống với cái cảm giác đã khiến tôi viết cuốn sách của mình.”

Theo Jeremy Shearmur, trợ lý nghiên cứu của Popper trong tám năm, thì Popper từng nhận thấy một số ý tưởng của Hayek trong tác phẩm Con đường tới nô lệ “gần gũi đáng kinh ngạc” với những gì mà mình đang nghiên cứu đến mức Popper “đã bổ sung vào văn bản ngày tháng hoàn thành bản thảo cuốn Xã hội mở để đảm bảo là nó không như thể ông đã sử dụng ý tưởng của Hayek mà không thừa nhận.” Cùng thời điểm này, Shearmur viết: “Đối với ông ta [Popper], Hayek dường như đến từ một xuất phát điểm rất khác… Poper từng thổ lộ riêng tư sự lo lắng nhất định về việc liệu có phải quan điểm của Hayek không mang tính bảo thủ hơn của mình hay không; việc Hayek xem ra đã không – khác với cốt lõi của cuốn Xã hội mở – bày tỏ sự quan tâm tương tự đến công cuộc bảo vệ kẻ yếu, và về thái độ đón nhận nồng nhiệt của các nhà bảo thủ đối với công trình của Hayek.” Hayek từng đề nghị viết lời tựa cho cuốn Xã hội mở, nhưng trong một bức thư năm 1945 gửi bạn mình là Ernst Gombrich, Popper nói rằng ông đã từ chối đề nghị ấy bởi “tôi quá kiêu hãnh,” và điều đó sẽ “làm mất thể diện cuốn sách và bản thân tôi.”

Malachi Haim Hacohen có lẽ đã đưa ra những nhận định tốt nhất về quá trình phát triển trí tuệ của Popper và ảnh hưởng của Hayek đối với ông. Hacolen nhấn mạnh môi trường trí tuệ ở Vienna những thập niên giữa Thế chiến I và II. Ông nhận thấy Popper phát triển về trí tuệ trong một môi trường mang bản chất cấp tiến và thực chứng logic hơn rất nhiều. Trong khi Hayek đã chuyển sang chiều hướng tự do cổ điển thì Popper vẫn là một sinh viên theo chủ nghĩa cộng sản. Hơn thế, Hayek là tín đồ Thiên Chúa giáo, còn Popper có gốc gác Do Thái.

Thành Vienna giai đoạn giữa hai cuộc đại chiến thế giới là một nơi khác thường. Nó là thành phố không có quyền hành chính trị, và theo những diễn biến của thập niên 1930 thì việc Hitler sáp nhập mảnh đất này chỉ còn là vấn đề thời gian. Nước Áo đã đánh mất độc lập chính trị với Đức trong những năm 1930. Từ giữa thập niên 1930 cho đến năm 1938, các nhà trí thức cánh tả và các nhà trí thức nổi tiếng người Do Thái rời khỏi Vienna đã lên đến con số tối đa.

Các ý tưởng của Popper đạt đến độ chín muồi trong địa hạt có sự góp mặt của nhóm logic thực chứng Vienna, dù Popper chưa bao giờ coi mình là nhà thực chứng logic, và cho rằng ông đã bác bỏ một cách thuyết phục những tiên đề cơ sở của chủ nghĩa thực chứng logic. Theo Hacohen, các bài luận về Cuộc cách mạng ngược trong khoa học của Hayek đầu tiên đăng trên tạp chí Economica trong Thế chiến II “đã mở mang tầm mắt của ông [Popper]. Ông khám phá ra một loạt bài thuyết trình về lĩnh vực khoa học xã hội mà mình chưa biết đến,” và những bài luận này đã có ảnh hưởng đặc biệt đến hai phần cuối của tác phẩm “Sự nghèo nàn của chủ nghĩa duy sử” (The Poverty of Historicism). Hacolen cùng lúc cũng khẳng định, trong khi “Hayek cố gắng làm xói mòn chủ nghĩa xã hội [của Popper],” thì Popper lại có công đáng kể đối với việc hình thành quan điểm chính trị cánh tả của Hayek

Năm 1944, Popper viết thư cho Hayek, “Tôi nghĩ là tôi đã học được từ ngài nhiều hơn bất kỳ nhà tư tưởng nào còn sống, có lẽ ngoại trừ Alfred Tarski,” và trong một lá thư gửi cho Hayek bốn mươi năm sau, ông viết là Hayek đã trở thành “kiểu như một người cha” đối với ông, dù họ chỉ mới xa nhau ba năm. Tuy thế Hacolen vẫn nói, Popper “không bao giờ thừa nhận sự vượt trội của Hayek,” và “mặc dù nặng lòng biết ơn và thán phục, ông ta vẫn không bao giờ chấp nhận quyền lực của Hayek, hay của bất cứ ai. Hayek đã không phát triển mối quan hệ trí tuệ với Popper gần gũi như ông mong muốn.

Jeremy Shearmur đưa ra một số suy nghĩ về mối quan hệ trí tuệ giữa Popper và Hayek. Về cơ bản, ông không coi đó là mối quan hệ đặc biệt rộng rãi. Trong tác phẩm Tư tưởng chính trị của Karl Popper (The Politital Thought of Karl Popper) (1996), ông nhận xét, “mặc dù Popper đã đọc một số trước tác của Hayek khi ông đang ở New Zealand và bày tỏ sự ghi nhận đối với chúng trong công trình của mình, và dù sau đó ông chịu ảnh hưởng từ một số ý tưởng của Hayek mà ông bắt gặp sau khi viết cuốn Xã hội mở, thì giữa họ dường như vẫn không có bất kỳ mối quan hệ trí tuệ gần gũi nào. Điều này khiến cho Popper ít nhiều bị sốc khi, vào thời điểm ông đã hoàn thành cuốn Xã hội mở và kẻ thù của nó, ông phát hiện ra rằng Hayek đã đi đến những kết luận giống với của mình ở mức độ nào đó … Công trình của Hayek sau đấy có ảnh hưởng nhất định đến triết học của Popper, đáng chú ý là những ý tưởng của ông về vai trò của các qui trình mang tính thể chế, tương phản với sự tuỳ ý cá nhân, trong hoạt động chính phủ. Đồng thời, đối với tôi thời gian ở New Zealand ông xem ra đã không, và sau đó cũng không, chú ý nhiều tới luận điểm của Hayek về bài toán kinh tế trong chế độ xã hội chủ nghĩa – luận điểm cốt lõi trong việc định hình lý thuyết xã hội của Hayek.”

Michael Lessonoff, sử gia tư tưởng chính trị, cũng khẳng định nhận định trên. Ông viết về Hayek và Popper, “người này thì ca ngợi người kia trong công trình của mình. Tuy thế, mặc dù có những đồng điệu trong quan điểm, cũng như sự ảnh hưởng lẫn nhau, thì sự tương đồng giữa họ vẫn ít hơn so với mức độ mà mỗi người tìm cách nhắc đến, điều này chắc chắn là vì sự thôi thúc bắt nguồn từ mối quan hệ cá nhân sâu sắc giữa họ.”

Có lẽ việc Popper trở thành người bạn gần gũi nhất của Hayek thập niên 1950 và 1960 một phần đáng kể là vì bạn bè cũ trong lĩnh vực kinh tế học, đáng chú ý hơn cả là Lionel Robbins, đã quay lưng lại đến mức hoàn toàn với ông. Điều này thật không thể dễ chịu.

Trong lời tựa năm 1966 cho tác phẩm Các nghiên cứu về triết học, chính trị và kinh tế học (Studies in Philosophy, Politics and Economics), Hayek viết rằng các độc giả ban đầu có thể nhận thấy sự “thay đổi nhẹ nhàng” trong việc xem xét của ông về cái mà ông gọi là “thuyết duy khoa học” (scientism) – sự áp dụng sai lầm các phương pháp tiếp cận thực chứng, tự nhiên vào khoa học xã hội. Ông xác nhận sự thay đổi này là nhờ Popper, người đã dạy ông rằng “các nhà khoa học tự nhiên thực sự không tiến hành những gì mà phần lớn họ, không chỉ nói với chúng ta là họ đã làm, mà còn thúc giục đại diện của các chuyên ngành khác mô phỏng. Sự khác biệt giữa hai nhóm chuyên ngành đã nhờ vậy mà được thu hẹp đi nhiều.” Ảnh hưởng của Popper ở đây thể hiện phần lớn qua hiểu biết của Hayek về phương pháp khoa học thực sự trong khoa học tự nhiên, đấy là phương pháp có tính thăm dò thích hợp thể hiện trong các quan niệm của nó về tri thức và chân lý.

Ở giai đoạn sự nghiệp này, cả Popper và Hayek đều hướng công trình của mình chủ yếu sang cánh tả, về phía các triết gia và các nhà tư tưởng duy lý và thế tục. Năm 1944, trong bức thư gửi nhà xuất bản Routledge, Popper đã đề cập đến tác phẩm Xã hội mở, “tôi cảm thấy lúc này không gì quan trọng hơn là nỗ lực nhằm vượt qua thái độ ruồng bỏ nghiêm trọng trong nhóm bạn bè của tác phẩm ‘Xã hội mở,’ tức là nhóm nhân văn chủ nghĩa, hay, nếu tôi có thể nói, trong phạm vi phái ‘Tả,’ nếu như thuật ngữ này được sử dụng bao hàm cả các nhà tự do chủ nghĩa vốn đánh giá cao sự cần thiết của cải cách xã hội.” Hayek đề tặng tác phẩm Con đường tới nô lệ cho “các nhà xã hội chủ nghĩa thuộc mọi đảng phái,” và trong một buổi phỏng vấn trực tiếp trên đài phát thanh năm 1945 ông nhận xét là nó không phải là một “sự công kích các nhà xã hội chủ nghĩa; đúng hơn nó là nỗ lực nhằm thuyết phục các nhà xã hội chủ nghĩa, những người mà tôi đề tặng cuốn sách của mình. Luận đề chính của tôi là họ đã sai lầm trong những phương pháp để đạt được mục đích của mình.” Sau này ông nói, tác phẩm Con đường tới nô lệ có “mục đích rất cụ thể: thuyết phục các đồng nghiệp Fabian người Anh của tôi là họ đã sai lầm.” Cuốn sách là một luận điểm đối với cánh tả từ một người chia sẻ phần lớn các quan điểm đạo đức, dù không phải thực nghiệm, của cánh tả.

Thế giới quan của Hayek đề cao tinh thần – sức mạnh cá nhân, trong tự do và chân lý, nhằm xây dựng một cuộc sống phù hợp với bản thân họ và những người khác. Ông gọi đó là xã hội không tưởng, dù không phải theo nghĩa cố gắng hay trông đợi việc đạt được những gì không thể. Nó là nỗ lực đạt đến những gì tốt đẹp nhất có thể. Hơn thế, quan niệm này nhất quán với quan niệm Thiên Chúa giáo theo đó điều quan trọng trong cuộc sống là sự thuần khiết tinh thần, những hành động tốt được thực hiện vì những lý do sai trái sẽ không biện minh cho người hành động, và tất cả những hành động được thực hiện vì những lý do đúng đắn sẽ biện minh cho người hành động. Chỉ có một con đường Thiên Chúa giáo phía trước, và trong tự do và chân lý, để cho cá nhân biểu thị lòng trung thành của mình qua việc tự nguyện thực hiện những hành động đúng đắn. Đây có thể không phải là lời lẽ biện minh mà Hayek dành cho tự do, nhưng kết cục lập trường của ông thì lại tương tự. Các lý thuyết cơ bản cố gắng tước đoạt tự do khỏi con người nhằm làm cho họ tốt đẹp hơn chỉ huỷ hoại những gì vốn làm cho con người có tính nhân bản. Tự do không chỉ là điều tốt đẹp nhất, mà nó còn là phương sách mang tính nhân bản duy nhất.

Hơn thế, quan niệm về bản chất con người mà khái niệm tự do con người dựa vào đấy là rất lạc quan. Triết lý của Hayek cuối cùng là một mệnh lệnh không hơn không kém, phải đi theo chân lý bất cứ nơi nào nó dẫn đến. Ông tin rằng, nếu được phó mặc ở những hoàn cảnh thích hợp, con người có thể tạo dựng nên những cộng đồng tử tế và thậm chí tốt đẹp cho bản thân họ cùng những người khác. Những cộng đồng như thế sẽ là nơi mà mọi người đều phát triển, bởi tất cả đều tự do. Không thể có tiến bộ chung nếu không có tiến bộ cá nhân, và không thể có tiến bộ cá nhân nếu không có tự do.

Quan niệm của Hayek về sức mạnh của tinh thần cá nhân là sự đề cao cá tính con người và tự do ý chí. Ông không tin rằng các hành động của con người đã bị định đoạt. Ông phản bác thuyết tiền định cả về mặt triết học cũng như khoa học. Xét về mặt siêu hình sâu xa, và vì thế cần xét trên phương diện thực tiễn, chính trị, thì các cá nhân có khả năng hoạch định cuộc sống của mình đến một mức độ nhất định theo cách họ lựa chọn. Việc các cá nhân sử dụng tự do của mình như thế nào sẽ xác định bản chất của họ. Tước đoạt tự do của người khác nghĩa là lấy đi bản chất con người của họ.

Gần cuối tác phẩm Con đường tới nô lệ, Hayek đề cập tới “lĩnh vực luân lý, hành vi cá nhân đúng đắn… Các chủ đề thuộc lĩnh vực này đã trở nên lộn xộn đến mức cần thiết phải trở lại những nền tảng cơ bản. Điều mà thế hệ chúng ta đang có nguy cơ lãng quên là, những nguyên tắc luân lý không chỉ là hiện tượng tất yếu của hành vi cá nhân, mà chúng còn chỉ có thể tồn tại trong phạm vi mà ở đó cá nhân được tự do định đoạt cho bản thân mình và được yêu cầu tự nguyện hy sinh lợi ích cá nhân vì sự tuân thủ những nguyên tắc luân lý. Các thành viên của một xã hội mà trên mọi phương diện bị sắp đặt để thực hiện những điều tốt đẹp thì không xứng đáng được ca ngợi.” Trong tác phẩm Con đường tới nô lệ, ông lập luận, “tự do là cơ hội được làm điều tốt. Chúng ta chỉ ca ngợi hay khiển trách một người khi người đó có cơ hội lựa chọn.”

Hayek nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của cá nhân trong quá trình phát triển ý tưởng, và sự đáng mong muốn song hành, theo nghĩa mà Hayek dùng, của tự do cá nhân; chỉ riêng trong môi trường đó thôi thì luân lý và đạo đức cá nhân cũng đã là khả thi. Các nhà tự do chủ nghĩa cổ điển và các nhà tự do cá nhân đòi hỏi cơ sở luân lý cao hơn so với các nhà xã hội chủ nghĩa cổ điển – theo đó trong tự do và chân lý, nhân loại có thể tạo nên cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn so với dưới bất kỳ hình thái chủ nghĩa tập thể nào. Trong cuốn Con đường tới nô lệ, ông trích dẫn Lord Acton: Tự do “‘không phải là phương tiện để đạt tới mục đích chính trị cao cả hơn. Nó chính là mục đích chính trị cao nhất.’”

Chú thích:

(1) Ernst Mach (1838-1916): nhà vật lý và triết học người Áo, sinh ở Turany (Cộng hoà Séc ngày nay) và học tại Đại học Vienna. Ông là giáo sư tại các trường đại học Graz, Prague và Vienna từ năm 1864 đến 1901, khi ông rời khỏi đời sống học thuật. Ông đóng góp nhiều vào công cuộc giải phóng khoa học khỏi các quan niệm siêu hình và góp phần vào việc xác lập phương pháp luận khoa học mở đường cho thuyết tương đối. (N.D)

(2) Otto Neurath (1882 - 1945): triết gia và nhà lý thuyết xã hội người Áo. (N.D)

(3) First name (tên đầu), khác với tên đệm (middle name) ở giữa và họ (family name hay surname) ở cuối – ý chỉ thái độ trịnh trọng trong quan hệ thư thừ. (N.D.)

(4) Thuyết cho rằng các phương pháp nghiên cứu sử dụng trong khoa học tự nhiên cần phải được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực nghiên cứu. (N.D.)

Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần VI, Chương 41, Nhà xuất bản Tri Thức 2007

Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh

Bài viết liên quan