[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 16 - Đường về nô lệ (Phần cuối)

[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 16 - Đường về nô lệ (Phần cuối)

Trong phần kết tác phẩm Con đường tới nô lệ, Hayek khẳng định mục đích cuốn sách không phải là nhằm “phác hoạ một cương lĩnh chi tiết về trật tự tương lai đáng mong muốn của xã hội.” Tuy vậy, qua những trang sách của nó người ta cũng có thể thu được khái niệm sơ lược về cái trật tự mà ông ủng hộ. Đầu tiên, đó là một xã hội cá nhân chủ nghĩa. Ông nhận xét về “truyền thống cá nhân chủ nghĩa vốn tạo nên nền văn minh Phương Tây,” và ca ngợi “sự tôn trọng đối với con người cá nhân với tư cách con người.” Bản chất của cả chủ nghĩa tự do cổ điển (classical liberalism) lẫn chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarianism) là sự đánh giá tính nhân bản, đặt điểm nhấn tối đa lên mỗi một cá nhân. Không một chủ thuyết nào tin rằng cá nhân tìm thấy phẩm chất tốt nhất của mình trong một tổng thể chung mà bằng cách nào đó lại lớn hơn những cá nhân cấu thành nó. Jeremy Bentham vẫn khẳng định tốt nhất khía cạnh này của chủ nghĩa tự do chân chính trong tác phẩm Giới thiệu những nguyên lý luân lý và luật pháp (An Introduction to the Principles of Morals and Legislation, 1789), khi ông viết, “cộng đồng là một thực thể tưởng tượng, gồm những con người cá thể được coi như vừa cấu thành nó vừa là thành viên của nó. Lợi ích của cộng đồng lúc ấy là gì? – là tổng cộng lợi ích của số thành viên của nó.” Cả chủ nghĩa tự do cổ điển cũng như chủ nghĩa tự do cá nhân đều dạy rằng: việc các cá nhân hạnh phúc nhất và đạt đến tiềm năng cùng năng suất cá nhân tối đa có nhiều khả năng xẩy ra nhất khi họ được nhiều quyền tự do cá nhân nhất có thể.

Tư hữu và thị trường cạnh tranh gồm giá cả, lợi nhuận, cùng sự tự do trao đổi hàng hoá và dịch vụ có ý nghĩa then chốt đối với xã hội tự do cổ điển hay xã hội tự do cá nhân chủ nghĩa. Hayek nhận thấy “sự tăng trưởng thương mại gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển hoá từng bước một hệ thống có thứ bậc với tổ chức cứng nhắc sang một hệ thống khác mà ở đó con người chí ít là có thể cố gắng định hình nên cuộc sống của bản thân mình.” Những ghi chép sử học đã cho thấy, sự tôn trọng tương đối dành cho quyền cá nhân và dân chủ chỉ đầu tiên xuất hiện và phát triển trong những xã hội có thị trường cạnh tranh ở mức độ đáng kể. Mặc dù không tin vào năng lực không thể sai lầm của dân chủ, Hayek vẫn nghĩ rằng khả năng duy trì lớn nhất của nó là ở trong xã hội thị trường. Cả dân chủ cũng như tự do kinh tế đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của cá nhân. Nơi nào mà mỗi cá nhân đều được coi là có giá trị và xứng đáng được tôn trọng thì ở đó dân chủ và tự do kinh tế có khả năng tìm thấy bầu không khí mà chúng có thể hít thở. Khi tập thể đóng vai trò trung tâm thay vì cá nhân thì dân chủ và tự do kinh tế bị đe doạ.

Hayek nhận thấy chủ nghĩa cá nhân hình thành nên cốt lõi của nền văn minh phương Tây ở giai đoạn phát triển đỉnh cao của nó. Từ quan niệm của người Hebrew theo đó tất cả nam nữ đều là con cái bình đẳng của Chúa, sự nhấn mạnh chủ nghĩa nhân văn của người Hy Lạp, những quan niệm Thiên Chúa giáo về sự bất tử của mỗi linh hồn, giá trị kèm theo của mọi con người, và tình yêu mà Chúa trời dành cho tất cả, cho đến quan điểm của người La Mã về sự bình đẳng trước pháp luật – điều đã khiến cho nền văn minh phương Tây khác biệt và tốt đẹp hơn so với các nền văn minh khác ở giai đoạn đỉnh cao của nó là sự nhấn mạnh vai trò quan trọng của mỗi cá nhân. Hayek nhận thấy quá trình phát triển sự tôn trọng cá nhân của nền văn minh Phương Tây bắt đầu từ thời cổ đại, đến thời Phục Hưng, và qua thời Phục Hưng đến các thời kỳ cận đại. “Từ các thành phố thương mại ở miền Bắc Italia, quan niệm mới về cuộc sống đã lan toả cùng với hoạt động thương mại về phía tây và phía bắc, bén rễ chắc chắn ở bất kỳ nơi nào không có sự hiện diện của quyền lực chính trị độc tài nhằm bóp nghẹt nó.” Chủ nghĩa cá nhân bắt đầu được thiết lập vững chắc nhất ở Anh và Hà Lan, nơi mà nó “lần đầu tiên có cơ hội phát triển tự do và trở thành nền tảng của đời sống xã hội và chính trị ở những nước này.” 

Pháp trị là sự bảo vệ có tính thể chế quan trọng nhất đối với chủ nghĩa cá nhân. Hayek tin tưởng không một thuộc tính nào của trật tự chính trị xã hội lại có vai trò quan trọng hơn pháp trị. Ở nơi không có pháp luật, mà là nhân trị, không ai được tự do và sự áp bức là điều không tránh khỏi. Ông mở đầu chương “Kế hoạch hoá và thể chế pháp trị” (Planning and the Rule of Law) với khẳng định, “Không có gì phân biệt rõ ràng hơn điều kiện ở một nước tự do với điều kiện ở một nước nằm dưới sự cai trị của một chính phủ độc đoán bằng sự tuân thủ những nguyên tắc vĩ đại gọi là Pháp trị ở đất nước tự do. Loại trừ hết những khía cạnh kỹ thuật, điều này có nghĩa là trong tất cả hoạt động của mình, chính phủ chịu sự ràng buộc của những nguyên tắc cố định và được ban bố trước – những nguyên tắc có thể cho thấy trước với sự chắc chắn đáng kể việc chính quyền sẽ sử dụng quyền lực của nó như thế nào trong những tình huống xác định và có thể cho phép cá nhân hoạch định công việc của mình dựa trên tri thức ấy.” Đây chính là bản chất của trật tự xã hội mong muốn của Hayek – không phải là một xã hội phi pháp luật mà là một xã hội tuân thủ pháp luật. Tự do là sự thống trị của pháp luật.

Khái niệm trật tự xã hội tối ưu của ông không hề dựa trên quan niệm là một xã hội có thể tồn tại mà không có chính phủ và pháp luật. Trên thực tế, lập trường của ông là hoàn toàn ngược lại. Ông nói, “Có lẽ không điều gì lại từng gây nhiều tác hại đến chính nghĩa tự do như việc cứ khăng khăng đòi phải áp dụng những nguyên tắc kinh nghiệm thô thiển, trên hết là nguyên tắc laissez-faire.” Ông coi bản chất của chính phủ tồi tệ hơn khi nó cần được định hướng và duy trì ở mức tối thiểu nhất có thể.

Chủ nghĩa tự do cổ điển không phải là sự thiếu vắng nhà nước, như một số người chủ trương cũng như một số kẻ phản đối vẫn nhìn nhận sai lầm. Hayek đã bộc lộ quan điểm hết sức rõ ràng về vấn đề này. Xã hội tối đa hoá tự do không kéo theo “sự vắng bóng hoạt động của chính phủ. Vấn đề chính phủ nên hay không nên ‘hành động’ hay ‘can thiệp’ đặt ra sự lựa chọn hoàn toàn sai lầm, và thuật ngữ laissez-faire là sự mô tả rất mơ hồ và lầm lạc về những nguyên tắc nền tảng của thể chế chính phủ tự do (liberal polity).” “Cố nhiên, mọi nhà nước đều phải hành động và mọi hành động của nhà nước đều can dự đến cái này cái khác. Nhưng vấn đề không phải nằm ở đó.” “Nếu nhà nước không làm gì cả thì không một hệ thống nào lại có thể biện minh được một cách duy lý.” Mọi xã hội đều cần thiết một hình thái tổ chức nào đó, thực sự xác định xã hội.

Hơn thế, ông không phản đối các nguyên tắc và quy chuẩn mới của chính phủ và xã hội nhằm xác lập và củng cố chế độ tự do chủ nghĩa cổ điển, và tư tưởng của ông về vấn đề này thường bị hiểu nhầm. Ông trình bày rõ trong “Tự do và hệ thống kinh tế” (Freedom and the Economic System), bài viết của ông trước khi ra đời tác phẩm Con đường tới nô lệ:

Chúng ta có thể “hoạch định” một hệ thống nguyên tắc chung, có thể áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người và dự định là sẽ bền vững, nó tạo ra nền tảng thể chế theo đó những quyết định về việc làm gì và làm như thế nào để kiếm sống thuộc về trách nhiệm của các cá nhân. Nói cách khác, chúng ta có thể hoạch định một hệ thống trong đó sáng kiến cá nhân được dành cho phạm vi rộng rãi nhất có thể và cơ hội tốt nhất nhằm đem đến sự phối hợp hữu hiệu giữa các nỗ lực cá nhân. Nhiệm vụ tạo dựng khuôn khổ pháp lý này chưa hề được các nhà tự do chủ nghĩa buổi đầu thực hiện một cách nhất quán. Sau khi bảo vệ những nguyên tắc chung của tư hữu và tự do hợp đồng trên cơ sở vị lợi chủ nghĩa, họ dừng lại mà không áp dụng cùng điều kiện đó cho những hình thái lịch sử cụ thể của pháp luật về tài sản và hợp đồng. Tuy nhiên, một điều lẽ ra phải rõ ràng là vấn đề về nội dung chính xác và những hạn chế cụ thể của quyền tài sản, và việc nhà nước sẽ ép buộc nghĩa vụ phải hoàn thành hợp đồng như thế nào và khi nào, cũng đòi hỏi nhiều cân nhắc như chính nguyên lý chung. 

 

Ông cũng lập luận tương tự trong tác phẩm Con đường tới nô lệ, “luận điểm của chủ nghĩa tự do là ủng hộ việc khai thác tốt nhất có thể sức mạnh của cạnh tranh như là phương tiện phối hợp nỗ lực của con người, chứ không phải lập luận ủng hộ việc phó mặc sự vật như chúng vốn có. Luận điểm này dựa trên niềm tin là ở đâu có thể tạo ra cạnh tranh hiệu quả thì đó chính là cách định hướng tốt nhất nỗ lực của con người. Nó không phủ nhận, thậm chí còn nhấn mạnh rằng để cho hoạt động cạnh tranh đó diễn ra theo hướng có lợi thì cần phải có một khuôn khổ pháp lý được cân nhắc kỹ, và rằng những nguyên tắc pháp lý hiện tại cũng như trong quá khứ đều không tránh khỏi những khiếm khuyết hệ trọng.” 

Ông nhấn mạnh, “trong các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa tự do, không có gì khiến nó trở thành thứ chủ thuyết đứng yên. Nguyên lý cơ bản có khả năng áp dụng vô tận là trong quá trình sắp xếp hệ thống công việc của mình, chúng ta cần khai thác tối đa những sức mạnh tự phát của xã hội và hạn chế tối thiểu việc phải viện đến sự cưỡng bách. Cụ thể là có sự khác nhau hoàn toàn giữa việc chủ định tạo lập một hệ thống mà ở đó cạnh tranh sẽ diễn ra tốt nhất có thể, với việc chấp nhận thụ động những thiết chế như chúng vốn có.” 

Luận điểm của ông không phải là việc chính phủ cần chấp thuận bất kỳ nguyên tắc nào hiện hữu trong xã hội. Ông lập luận, chính phủ cần thay đổi những nguyên tắc xã hội nhằm tạo ra cạnh tranh và tự do lớn hơn. Trong một cuộc thảo luận trên đài phát thanh về tác phẩm Con đường tới nô lệ với hai thành viên có thái độ thiếu thân thiện do Đại học Chicago tài trợ, ông đã bộc lộ rõ ràng ý kiến như sau:

Có hai phương thức thay thế trong việc tạo dựng trật tự cho các hoạt động xã hội – cạnh tranh và sự kiểm soát của chính phủ. Tôi phản đối sự can thiệp của chính phủ, nhưng tôi lại muốn làm cho cạnh tranh diễn ra… Theo cách mà các vị dùng từ “kế hoạch hoá” trong cuộc thảo luận này thì nó mơ hồ đến mức gần như vô nghĩa. Dường như các vị gọi hết thảy hoạt động của chính phủ là kế hoạch hoá và giả thiết là có những người phản đối tất cả hoạt động của chính phủ. Có khá nhiều người phản đối kế hoạch hoá lại không muốn thông qua sự phản đối ấy để nói rằng theo họ không nên có bất kỳ chính phủ nào. Họ muốn giới hạn chính phủ trong phạm vi những chức năng nhất định… Cuộc thảo luận ở đây, như bất cứ ở đâu khác, đã là rất rối. Điều mà tôi đang cố gắng chỉ ra là có hai phương thức thay thế trong quá trình sắp đặt hệ thống công việc của chúng ta. Một mặt là phương thức dựa vào cạnh tranh, mà nếu muốn có hiệu quả, thì phương thức này sẽ đòi hỏi mức độ hoạt động đáng kể của chính phủ hướng tới việc làm cho nó có hiệu quả cũng như bổ trợ ở chỗ nó không thể có hiệu quả… Tất cả những gì mà tôi đang tranh luận là: chỗ mà các vị có thể tạo ra điều kiện cạnh tranh thì các vị nên dựa vào cạnh tranh. Tôi luôn nói là tôi ủng hộ mức thu nhập tối thiểu cho mọi người trong cả nước. Tôi không phải là người vô chính phủ. Tôi không gợi ý rằng hệ thống cạnh tranh lại có thể vận hành khi không có một hệ thống pháp lý nào hữu hiệu, được xây dựng một cách thông minh. 

Hayek ủng hộ tự do con người. Theo ông con người cần có tiêu chuẩn cuộc sống vật chất cao nhất có thể. Hai thành viên trong ban thảo luận trên đài phát thanh của ông là Charles Merriam, nhà khoa học chính trị xuất sắc của Đại học Chicago, và Maynard Krueger, cựu ứng cử viên phó tổng thổng của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Mỹ (United States Socialist Party). Người viết tiểu sử của Merriam thuật lại cuộc thảo luận, “Thính giả hẳn phải sửng sốt trước tốc độ mà sự đối địch bắt đầu… Điều mà họ không biết là buổi tập dượt kéo dài sáu giờ vào tối hôm trước đã nóng lên đáng kể so với bình thường và Merriam cùng Hayek hiếm khi còn nói chuyện với nhau kể từ thời điểm bắt đầu chương trình.” 

Khi bị những người đối thoại chất vấn, Hayek đáp lại, “Tôi không lung lay trước những gì các vị nói. Như các vị thấy, các vị vẫn đang nói về thứ gây tranh cãi cũ rích – việc chính phủ cần phải hành động hay không hề cần phải hành động. Toàn bộ nỗ lực trong cuốn sách của tôi là nhằm thay thế cái ý tưởng kỳ cục và mơ hồ cũ bằng sự khác biệt mới. Tôi từng nhận ra một số kiểu hoạt động của nhà nước là hết sức nguy hiểm. Vì thế, toàn bộ nỗ lực của tôi là nhằm phân biệt giữa hành động hợp lý và bất hợp lý. Tôi đã cố gắng thực hiện điều này bằng việc khẳng định: chừng nào mà chính phủ hoạch định để thúc đẩy cạnh tranh và can thiệp khi hoạt động cạnh tranh không thể diễn ra, thì không có gì phải phản đối; tuy thế, tôi vẫn tin rằng tất cả những hình thức hoạt động khác của chính phủ đều rất nguy hiểm.”  Trật tự tự do cổ điển không nhất thiết là trật tự mà ở đó vai trò chính phủ bị tối thiểu hoá, mà là trật tự ở đó cạnh tranh được tối đa hoá, và một lần nữa đòi hỏi giá cả, lợi nhuận, tư hữu, thị trường cạnh tranh, khả năng trao đổi hàng hoá và dịch vụ, hợp đồng, và sự điều chỉnh của pháp luật.

Hayek say sưa viết về mục tiêu khiêm tốn nhưng lại bao hàm là việc tạo nên những xã hội cho phép cá nhân “có cơ hội trong tự do và hoà bình để xây dựng thế giới nhỏ bé của mình.” Mục tiêu của ông không phải là một tổng thể tập thể bằng cách nào đấy lại vĩ đại hơn những cá nhân cấu thành nó, mà là “lý tưởng tối thượng về tự do và hạnh phúc cá nhân.” 

Trong lời tựa cho ấn bản năm 1976 của cuốn Con đường tới nô lệ, Hayek viết rằng sau tác phẩm này, dù “rất cố gắng để quay lại kinh tế học thực chất,” nhưng ông vẫn không thể nào “giải phóng” nổi bản thân khỏi “cảm giác là những vấn đề” mà mình đã “bắt tay vào một cách không chủ định lại thách thức và quan trọng hơn” những vấn đề mà mình từng suy xét trước đó trong lý thuyết kinh tế học kỹ thuật. Hơn thế, nhiều thứ ông viết trong tác phẩm Con đường tới nô lệ còn đòi hỏi phải “làm sáng tỏ và phân tích chi tiết.” Ông đã dấn thân vào một hành trình mới.

Dịch giả:
Lê Anh Hùng
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh

Bài viết liên quan