[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 40 - Neustift am Wald
Sau năm 1985 Hayek chỉ làm việc rất ít. Cubitt còn nhớ Hayek hẳn sẽ không mua máy xử lý văn bản mà lẽ ra nó đã giúp ông tự mình hoàn thành được tác phẩm Sự tự phụ chết người (The Fatal Conceit). Ông bắt đầu nhìn nhận thị trường là hình mẫu cho xã hội với tư cách một tổng thể. Bởi trong thị trường, những thông lệ năng suất và hiệu quả hơn thì tồn tại, nên đối với các thiết chế và xã hội, quy luật này cũng sẽ đúng như vậy.
Khi được hỏi, “Xin ngài vui lòng bình luận về mệnh lệnh yêu thương hàng xóm của mình như chính bản thân?” ông đã đưa ra quan niệm về đạo lý vốn là cơ sở cho những tư tưởng của ông liên quan đến trật tự xã hội tối ưu.
Theo tôi thì lời bình luận phải là việc phải giới hạn khái niệm hàng xóm chặt hơn rất nhiều so với mức độ có thể trong quá khứ. Trên thực tế, cụm từ này trong Kinh thánh là “hàng xóm” và nó phải được hiểu theo đúng nghĩa đen – những người vì họ mà chúng ta làm việc với hiểu biết cụ thể về con người họ. Điều này không còn có thể áp dụng một khi chúng ta phải làm việc cho những người mà chính sự tồn tại của họ chúng ta lại [không] biết…
Các nguyên tắc [tôn giáo] này được phát triển với vai trò chỉ dẫn cho những hành động nhằm đến một nhóm người nhỏ bé mà chúng ta có quen biết cá nhân. Một khi chúng ta rời bỏ cái nhóm nguyên thuỷ ấy, chúng ta phải để lại sau lưng những nguyên tắc luân lý bẩm sinh này, và ngoại trừ mối quan hệ của chúng ta với cái nhóm cận kề nhất của mình – khái niệm mà giờ đây được gọi là “gia đình hạt nhân” – chúng ta phải tuân thủ những gì mà tôi gọi là “đạo đức thương mại.”
Việc biết một người cần phải yêu thương những người khác vẫn là chưa đủ. Người ta cũng còn phải biết yêu thương người khác như thế nào. Luận điểm của Hayek là: thông qua việc tuân theo những nguyên tắc khách quan của thị trường – vốn đôi khi ngăn cản việc thực thi những điều tốt đẹp rõ ràng, ngay trước mắt, và dường như đôi khi còn đòi hỏi điều ngược lại – mà khả năng con người yêu thương nhau nhiều nhất và tìm thấy hạnh phúc nhiều nhất là lớn hơn cả.
Năm 1987, ông xuất hiện tại cuộc hội nghị ở Freiburg, nơi mà sau một buổi sáng tỏ ra sắc sảo và nhanh nhẹn, ông đã gà gật vào buổi chiều. Gửi lời chào cuộc hội nghị khu vực của Hội Mont Pelerin cuối năm 1987, ông viết, “sau bốn mươi năm tồn tại của Hội Mont Pelerin, thật cay đắng khi phải chấp nhận thực tế là nó sẽ phải tiếp diễn mà không có tôi. Cho dù tôi không còn thực sự đau yếu nữa, thì hai năm ốm yếu [vừa qua] vẫn biến tôi thành một người già. Kỳ nghỉ hè năm nay ở vùng núi Tyrol là lần đầu tiên tôi lại có thể rời khỏi nhà, và ở tuổi tám mươi tám tôi khó có thể hy vọng mình sẽ lại có khả năng vượt những chặng đường xa hơn. Vì thế, tôi phải tự giới hạn mình bằng việc gửi tới toàn thể thành viên hội nghị tất cả lời chúc tốt đẹp nhất cho thành công của nó và sự tiếp nối hiệu quả những thành tựu của Hội.”
Năm 1989, một bài viết đăng trên tạp chí đã mô tả ông, qua cuộc gặp có lẽ là cuối cùng của ông với một nhà báo:
Tạp chí Forbes tới thăm Hayek tại căn hộ của ông trong căn nhà lớn với lớp áo tường stucco cạnh phố Urachtrasse ở Freiburg, Tây Đức. Sức khoẻ của ông không được tốt; ông chưa bao giờ hoàn toàn hồi phục từ đợt viêm phổi gần đây, suốt thời gian mà ông nằm sáu tuần nguy kịch trong bệnh viện. Nhưng ông vẫn vui vẻ đồng ý trả lời phỏng vấn. Với vóc dáng cao, mảnh dẻ, cái vóc dáng mà ngay cả bây giờ vẫn còn gợi lại những ngày tháng sỹ quan trong quân đội Áo hồi Thế chiến I, Hayek đón Forbes tại bậc cửa của căn hộ ngổn ngang những sách và được trang trí tinh tế trên tầng ba. Chống tay lên cây batoong, ông dẫn vị khách của mình vào căn phòng nhỏ hứng nắng với các cửa sổ trông ra dãy Schauinsland bạt ngàn thông.
Hayek phát biểu với Forbes là ông lạc quan hơn về tương lai của chủ nghĩa tư bản so với mười năm trước. Ông tin rằng công chúng đã hiểu được một số vấn đề mà kế hoạch hoá tập trung đặt ra. Khắp nơi trên thế giới, từ Algeria tới Myanmar tới Trung Quốc tới Tiệp Khắc – những lời hứa hẹn về cuộc sống tốt đẹp hơn thông qua kế hoạch hoá xã hội chủ nghĩa đã khiến người ta vỡ mộng. Đặc biệt, Hayek nhận thấy rằng thế hệ trẻ đã đánh giá cao hơn vai trò của thị trường. Ngày nay, giới trẻ thất nghiệp ở Angiers và Rangoon nổi loạn không phải vì đòi hỏi một nhà nước phúc lợi kế hoạch hoá tập trung mà là đòi hỏi cơ hội: tự do mua và bán – đồ jeans, ô tô, bất kể thứ gì – ở bất kỳ mức giá nào mà thị trường sẽ chấp nhận.
Giờ đây Hayek tin tưởng Phương Tây có thể sẽ thắng trong cuộc chiến với chủ nghĩa tập thể – dù cuộc đấu tranh vẫn chưa hẳn đã xong. Kéo tấm chăn lên cao trên đùi, ông nhận xét: “Chủ nghĩa cộng sản đã cáo chung.” Còn về Ronald Reagan và Margaret Thatcher cùng cuộc chiến của họ chống lại sự kiểm soát của chính phủ đối với nền kinh tế? ở đây Hayek ngạc nhiên. Ông không phản đối Reagan và Thatcher, nhưng ông không đánh giá cao các chính khách hiện đại nói chung. Tuy nhiên, ông vẫn nói rằng các chính sách của Reagan và Thatcher “là hợp lý đến mức chúng ta có thể trông đợi vào thời điểm này. Họ khiêm tốn với những tham vọng của mình.”
Phía trên cái chuông gắn ở cánh cửa ngoài dẫn vào căn hộ của ông có in dòng chữ “Prof. Dr. Friedrich A. von Hayek.” Đó không phải là một căn hộ cực kỳ trang nhã và thời thượng theo tiêu chuẩn thu nhập cao ở Mỹ. Thư viện của ông chứa khoảng 4.000 cuốn bao hàm một số lĩnh vực, gồm kinh tế học, tâm lý học, nhân chủng học, và triết học chính trị. Nội thất không có gì là mới và bên trong cũng không phải vừa mới sơn gần đây. Trần nhà cao, và căn bếp đã hơi tuềnh toàng – đây là nơi mà theo Christine, cháu gái của ông, người giúp chăm sóc ông trong những năm tháng cuối cùng, thì ông từng tự hào khoe là mình “chưa bao giờ đặt chân đến.”Bức ảnh của Winston Churchill vẫn treo trên bàn làm việc ở văn phòng của ông trong nhiều năm. Trên bàn là bức ảnh người vợ thứ hai của ông, một phụ nữ trẻ đẹp ở Vienna nhiều năm về trước.
Hayek vẫn sống đủ lâu để chứng kiến sự sụp đổ có tính quyết định của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu mùa thu năm 1989 và ở chính Liên bang Xôviết năm 1991. Tháng 10 năm 1989, Ed Crane, chủ tịch Viện Cato (Cato Institute), tặng một bức tượng bán thân của Hayek ở Moscow cho ngoại trưởng tương lai Yevgeny Primacov. Hayek gửi thư cho Crane, “Tất nhiên tôi hết sức hài lòng khi được hay tin… Tôi không thể hình dung ra một biểu tượng nào ấn tượng hơn về chiến thắng cuối cùng của chúng ta… Tôi hầu như không trông mong là sẽ sống được đến lúc trải qua giây phút này.”
Hayek có lẽ đã đúc kết tốt nhất chức năng tín hiệu của các mức giá cả – có lẽ là đóng góp trí tuệ vĩ đại nhất của ông – qua một trong những ấn phẩm cuối cùng (nếu không nói đây là ấn phẩm cuối cùng) mà ông còn nhìn thấy tới lúc xuất bản, “Đòi hỏi luân lý của thị trường” (The Moral Imperative of the Market, 1986):
Năm 1936, tôi đột nhiên nhận thấy các công trình trước đấy của mình về các chuyên ngành kinh tế học khác nhau lại có cùng gốc rễ chung. Sự thấu đạt sâu sắc này thể hiện ở chỗ, hệ thống giá cả thực sự là một công cụ cho phép hàng triệu người điều chỉnh nỗ lực của mình theo các biến cố, nhu cầu và điều kiện, mà họ vốn không hề có tri thức cụ thể và trực tiếp nào. Tín hiệu giá cả sai đã định hướng lệch lạc nỗ lực của con người là vấn đề mà tôi từng nhận ra đầu tiên trong quá trình nghiên cứu các dao động ngành (industrial fluctuations) và sau đấy tôi vẫn tiếp tục theo đuổi nó trong nhiều chuyên ngành khác nhau của kinh tế học.
Suy nghĩ của tôi ở đây chủ yếu được thôi thúc từ quan niệm của Ludwig von Mises về vấn đề chỉ huy nền kinh tế kế hoạch hoá.
Tôi phải mất một thời gian dài để phát triển một ý tưởng về cơ bản là đơn giản. Tôi dần dần phát hiện ra rằng toàn bộ trật tự kinh tế dựa trên thực tế theo đó thông qua việc sử dụng các mức giá cả như sự định hướng, hay các tín hiệu, chúng ta được dẫn dắt đi đến phục vụ các nhu cầu và hợp tác được với sức mạnh và năng lực của những người mà chúng ta không hề quen biết. Về cơ bản, chính hiểu biết sâu sắc rằng các mức giá cả là các tín hiệu đem đến sự phối hợp các nỗ lực đã trở thành ý tưởng chủ đạo đằng sau công trình của tôi.
Việc thuyết phục các “lãnh tụ công luận” về ý tưởng này đã trở thành “nhiệm vụ chính” của ông “và tôi phải mất chừng 50 năm để có thể trình bày nó một cách súc tích và ngắn gọn như tôi vừa [cố gắng] thực hiện.”
Ngày 13 tháng 12 năm 1991, Hayek đọc cho ghi lại những nhận xét cuối cùng của mình về các vấn đề chính trị, kinh tế, triết học, và luân lý nhằm trả lời các câu hỏi viết sẵn của một phóng viên do người con trai đọc cho ông nghe. Hayek khẳng định, “những câu hỏi về sự ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội ngày càng khó trả lời bởi lẽ từ chủ nghĩa xã hội có rất nhiều ý nghĩa. Ý tưởng cho rằng sự bất bình đẳng về thu nhập có thể được thu hẹp mạnh mẽ đã đến lúc được nhận ra là hầu như không thực tế. Thật sự toàn bộ những nỗ lực hướng tới sự phân phối công bằng đều bộc lộ những quan niệm ít nhiều mang tính tuỳ ý về công bằng là gì, và ý tưởng trọng tâm của chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Marx về một cách giải thích duy lý đối với các phương tiện sản xuất đã phần lớn bị từ bỏ vì thiếu thực tế theo đúng nghĩa đen. Tôi tin rằng, nhìn chung, ý tưởng về sự công bằng được một thị trường cạnh tranh tự do đáp ứng tốt hơn so với bất kỳ sự phân bổ thu nhập có chủ ý nào theo một chuẩn mực lý tưởng do tưởng tượng nào đó như đã nói ở trên.”Giọng nói vĩ đại đã bắt đầu thinh lặng.
***
Sau một số năm rất tồi tệ, Hayek mất ngày 23 tháng 3 năm 1992 tại Freiburg, một tháng rưỡi trước sinh nhật lần thứ 93 của ông. Các cuộc gọi, thư từ, và lời cáo phó đổ về từ khắp nơi trên thế giới. Larry Hayek còn nhớ, những năm cuối cùng cha ông thường miêu tả những ngày của mình là “khá tốt” hay “khốn khổ.” Di hài của ông được an táng trong nghĩa trang Neustift am Wald ngoại vi phía bắc thành phố Vienna. Lễ tang ông được cử hành vào ngày Chủ nhật, mồng 4 tháng 4. Khoảng 100 thành viên gia đình và khách mời tham dự. Đó là một ngày đầy gió và mây, nhưng mặt trời vẫn len qua đám mây. Các bó hoa và vòng hoa được gửi tới từ khắp nơi trên thế giới. Neustift am Wald nằm trên một sườn đồi trông xuống các vườn nho và cánh rừng Vienna, nơi ông vẫn nô đùa thuở nhỏ. Thời gian bắt đầu buổi lễ được hoãn lại để cho Vaclav Klaus, lúc ấy là bộ trưởng tài chính và sau trở thành thủ tướng Cộng hoà Séc, tham dự.
Cha cố Johannes Schasching làm chủ lễ và điều hành lễ an táng theo nghi thức Nhà thờ Công giáo La Mã. Ông phát biểu bằng tiếng Đức những dòng sau trong bài điếu văn của mình:
Thật ấn tượng biết bao trong kỷ nguyên của khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Áo, có những người vĩ đại đã rời bỏ đất nước và để rồi có những cống hiến quan trọng ở bên ngoài, đặc biệt là ở Mỹ, nhằm giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế, và xã hội. Friedrich von Hayek là một trong số đó.
Hôm nay chúng ta tôn vinh Friedrich von Hayek. Cuối Thế chiến II, Hayek đã cố gắng giúp Châu Âu xây dựng lại từ đống tro tàn, xác lập những nhiệm vụ tái thiết. Một trong số chúng là việc Châu Âu cần có các thiết chế và sức mạnh tinh thần nhằm khuyến khích mọi người tự do đóng góp – không phải theo cách thức tập thể chủ nghĩa – vào lợi ích chung.
Hayek luôn là một người nào đấy đi tìm lời giải đáp cho vấn đề tôn giáo và trong ông vẫn diễn ra cuộc chiến liên tục với khái niệm mà chúng ta gọi là Chúa. Ông luôn chống lại một vị Chúa nhân hoá. Ông không muốn một vị Chúa chỉ hơn con người chút ít.
Ông là người tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề to lớn của nhân loại. Ông đã gắng công tìm một lời giải đáp. Bản thân ông tin rằng những giải đáp của mình chỉ là một phần nhỏ bé trong bức tranh đa sắc màu to lớn hơn.
Tôi tin chắc Friedrich von Hayek, sau một cuộc đời nghiên cứu liên tục và những tranh đấu cá nhân, đã bước chân vào thế giới ánh sáng và thái bình mà chúng ta gọi là cõi vĩnh hằng và Đức Chúa.
Kết thúc nghi lễ, Cha cố Schasching dẫn quan tài vào nơi chôn cất, đi trước là cây thánh giá và theo sau là đoàn người. Màu đất sẫm của ngôi mộ được che phủ từ trên xuống tới tận đáy bằng những nhánh cây xanh nhỏ. Cha cố Schasching ban phước cho ngôi mộ. Quan tài được hạ xuống. Vị Cha cố xúc một xẻng đất lấp lên ngôi mộ, và động tác này được bà quả phụ Hayek lặp lại, sau đấy là những người con, rồi các thành viên khác của cộng đồng gia đình và bạn bè. Âm thanh duy nhất là tiếng đất rơi chạm vào nắp quan tài.
Bia mộ của ông được làm bằng đá lấy từ vùng Tyrol dưới chân dãy Alps, nơi mà mỗi mùa hè ông vẫn lui về nghỉ ngơi vui vẻ. Khắc trên phiến đá đẽo gọt thô sơ, dưới cây thánh giá, là dòng chữ:
F. A. Hayek
1899-1992
Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần VI, Chương 40, Nhà xuất bản Tri Thức 2007