Di sản của chủ nghĩa tự do cá nhân Nhật Bản
(chú thích của tác giả)
Bài viết này dựa trên cuộc phỏng vấn với Giáo sư Toshio Murata, được đăng trên Free World Chronicle, Vol. 3, No. 3 (5/1985), chuyên san của Libertarian International, tên gọi của Liberty International hiện nay.
Murata-sensei từng là học trò của Mises. Ông đã đã dịch cuốn Human Action [Hành động con người] sang tiếng Nhật. Sau này, ông trở thành Chủ tịch Trường Cao đẳng Thương mại Yokohama. Ông cũng là biên tập viên của một nhóm dịch cuốn The Adventures of Jonathan Gullible [Những cuộc phiêu lưu của Jonathan Gullible] của tôi sang tiếng Nhật và đăng trên Keisai Seminar Magazine.
--Ken Schoolland--
Ken Schoolland & Giáo sư Toshio Murata. Ảnh: Liberty International
Mùa hè năm 1984, tôi tình cờ nghe hai người bạn bàn về triển vọng của chủ nghĩa tự do cá nhân tại Nhật Bản. Một trong số đó thẳng thừng cho rằng tuy có định hướng thị trường tự do song Nhật Bản khó mà trở thành đất nước của những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân thực thụ bởi xu hướng coi trọng tập thể quá mức. Anh ta cho rằng chỉ có những con người cá nhân chủ nghĩa thực thụ thì mới có thể nghiêm túc ủng hộ thị trường tự do.
Người bạn kia phản đối, cho rằng chủ nghĩa tự do cá nhân dựa trên nguyên tắc không xâm phạm đến giới hạn của người khác chứ không hoàn toàn là chủ nghĩa cá nhân. Tuy một thế giới theo chủ nghĩa tự do cá nhân nghiêng nhiều về cá nhân song cũng có nhiều động lực để hợp tác nhóm. Theo logic đó thì có lẽ các hiệp hội tự nguyện sẽ thay thế cho các tổ chức phi bạo lực mà chúng ta gắn kết với chính phủ ngày nay.
Khi đi sâu bàn luận thì hai người bạn này nhận ra họ không biết gì nhiều về nền tảng triết học của Nhật Bản đương đại. Thông thường Nhật Bản hay bị xem giống như một bản sao của nền kinh tế Mỹ kèm thêm chút điều chỉnh để phù hợp với văn hóa phương Đông, thể hiện qua mối hợp tác chặt chẽ giữa nhân viên, doanh nghiệp và chính phủ. Song may mắn là Nhật Bản cũng sở hữu một di sản đáng kinh ngạc về tự do cá nhân - là nền tảng kiến tạo một xã hội tiến tới tự do.
Toshio Murata, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Thương mại Yokohama, đã giải thích rằng lịch sử Nhật Bản có nhiều ví dụ về tư tưởng tự do cá nhân. Những nhà tự do Nhật Bản có lòng nhiệt huyết cách mạng, sự dũng cảm cũng như các ý tưởng lý thuyết độc đáo. Những làn sóng tư tưởng của các nhà tự do cá nhân nhiệt huyết vẫn bền bỉ tồn tại đến ngày nay, bất chấp bị bao quanh bởi cả đại dương đầy rẫy giáo điều của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa can thiệp.
Những cội nguồn tư tưởng tự do cá nhân
Khi tìm về khởi nguồn của chủ nghĩa tự do, người Mỹ thường nghĩ đến Philadelphia hay Boston. Còn với giáo sư Murata thì cội nguồn tự do xuất phát từ Tosa, (tên gọi cũ của tỉnh Kochi), thuộc đảo Shikoku. Cũng chính tại Tosa, vào năm 1852, có một người đánh cá tên John Manjiro đã trở về đây sau một hành trình kì lạ: bị đắm tàu, được tàu săn cá voi cứu sống và đưa đến Mỹ để khám phá mở mang tầm mắt trong 10 năm. Trong thời gian ở Mỹ, Manjiro đã học tiếng Anh và tiếp xúc với một thế giới hiện đại mà Nhật Bản đã lờ đi trong nhiều thế kỷ bế quan tỏa cảng.
Trở lại Tosa, những câu chuyện ông kể đã truyền cảm hứng để những samurai trẻ tuổi tìm hiểu về những nền văn minh nước ngoài. Không lâu sau đó, vào năm 1854, Nhật Bản chấp nhận mở cảng cho các tàu của Mỹ và đồng thời đón nhận những luồng tư tưởng mới tràn vào.
Tosa cũng là vườn ươm màu mỡ cho nhiều nhà lãnh đạo cách mạng mới, những người đã hạ bệ chế độ mạc phủ Tokugawa và đấu tranh vì cải cách dân chủ như: Taisuke ltagaki, Shojiro Goto, Ryoma Sakomoto và Kotei Fukuoka. Năm 1881, Itagaki và Goto thành lập Đảng Tự do. Itagaki tuyên bố: “Mục đích của Đảng Tự do là tận hưởng hạnh phúc do tạo hóa ban tặng bằng cách tuyên truyền chân lý về tự do, nuôi dưỡng sức mạnh đại chúng và hạn chế sức mạnh giả tạo”. Sau khi bị ám sát hụt vào năm 1882, ông tuyên bố "Itagaki không bao giờ chết, và tự do cũng vậy". Thông điệp này có nhiều nét tương đồng với tư tưởng của Patrick Henry (một trong những chính trị gia tiên phong của Mỹ - ND).
Một trong những người ủng hộ chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng phương Tây là Yukichi Fukuzawa, một nhà văn lỗi lạc. Khi giảng về tính cấp thiết của cải cách, Fukuzawa đã viết "một khi đạt được tự do, không gì có thể ngăn được lòng dũng cảm và trí tuệ của con người.”
Trước khi chủ nghĩa quân phiệt trỗi dậy vào những năm 1930, cuốn On Liberty [Bàn về tự do] của John Stuart Mill đã được sử dụng rộng rãi làm giáo trình triết học và khoa học chính trị trong các trường trung học. Các tác phẩm của Herbert Spencer cũng được dịch và trở thành một chủ điểm nổi bật trong những cuộc tranh luận chính trị đương thời.
Tuy nhiên, cũng giống như ở phương Tây, các lãnh đạo tri thức của Nhật Bản cũng chia làm ba phe phái, tùy thuộc vào người thầy họ chọn: phe chủ trương chủ nghĩa xã hội, phe ủng hộ chủ nghĩa can thiệp và phe ủng hộ chủ nghĩa vô chính phủ. Theo giáo sư Murata, vào những năm 1920, tư tưởng của Marx đã thống trị cộng đồng học thuật, song đó cũng là giai đoạn Nhật Bản tiếp thu tư tưởng kinh tế học Áo về thị trường tự do.
Marx và Mises
Katsuichi Yamamoto là sinh viên Đại học Kyoto - nơi nghiên cứu hàng đầu về Marx tại Nhật Bản. Tuy nhiên, ông vẫn rất nghi ngờ logic của chủ nghĩa Mác-xít. Trong bài đăng trên Tạp chí Học thuật của Đại học Wakayama, Yamamoto đã chỉ trích các nghiên cứu của các nhà lý thuyết Mác xít hàng đầu. Việc này chọc giận vị giáo sư của Yamamoto, đó là giáo sư Hajime Kawakanzi, khiến ông bị trục xuất khỏi một hiệp hội học thuật nổi bật.
Yamamoto tiếp tục viết với tư cách độc lập nhưng không nhà xuất bản nào chịu in. Vì thế, ông đã tự bỏ tiền ra in ra một loạt bài phê bình chủ nghĩa Mác-xít và bán qua đặt hàng bưu điện. Những phân tích của Yamamoto gợi nhiều cảm hứng trong cộng đồng kinh doanh. Khi bán hết sạch cả bản cuối cùng, ông đã dùng số tiền thu được và qua châu Âu du học.
Tới năm 1930, Yamamoto bắt đầu đọc các bài tiểu luận của Ludwig von Mises. Tuy chưa bao giờ gặp Mises, song Yamamoto là người đầu tiên giới thiệu khái niệm của Mises về vấn đề tính toán kinh tế của chủ nghĩa xã hội vào Nhật Bản. Thậm chí, Yamamoto đã viết hẳn một cuốn sách về chủ đề này và gây ấn tượng với dân học ngành kinh tế và kế toán. Cuối cùng, cộng đồng học thuật tại Đại học Hitotsubashi (nơi đã thành lập một thư viện rất hoàn chỉnh về Carl Menger vào năm 1922) đã thúc giục ông đào sâu thêm về cuốn sách để phát triển thành luận án tiến sĩ của mình.
Giáo sư Murata lắc đầu tiếc nuối khi ông cho biết về thực trạng hiện nay của Đại học Hitotsubashi, nơi từng là vườn ươm lan tỏa trường phái kinh tế học Áo thì nay đã bị chiếm cứ bởi các định hướng về chủ nghĩa Keynesian và Mác-xít.
Cuộc đàn áp ở Tojo
Từ lâu Yamamoto đã quen thách thức những tư tưởng của đa số, song khi chế độ quân phiệt siết chặt cai trị trong những năm Nhật Bản tham chiến thì những chỉ trích của ông về những biện pháp kiểm soát kinh tế của chính phủ bị chế độ quân phiệt cho là vượt quá giới hạn. Năm 1941, chính phủ quân phiệt Nhật đã cấm lưu hành cuốn sách của ông The Fundamental Defects of a Planned Economy Which Discourage Industry [Những hạn chế cơ bản của nền kinh tế tập trung ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp]. Theo giáo sư Murata, "Yamamoto tin rằng ngay cả trong bối cảnh chiến tranh, một thị trường nội địa tự do vẫn tốt hơn".
Khi Yamamoto tranh luận về việc bãi bỏ quy định đối với các hoạt động kinh tế nội địa, ông đã bị chính quyền Tojo đuổi khỏi trường đại học. Bị mất nguồn thu nhập chính, Yamamoto nhờ tới Torazo Yamashita, một người bạn thân thiết trong cộng đồng kinh doanh để tiếp tục hoạt động nghiên cứu của mình.
Khi chiến tranh kết thúc, Yamamoto rất đau lòng vì đã không thể làm gì đó nhằm ngăn chặn thảm họa từ ban đầu, ông thậm chí còn cố tự sát ngay tại quảng trường Hoàng cung. Bị ngăn tự sát, ông đã dành cả đời còn lại để ngăn chặn một thảm họa chiến tranh tương tự trong tương lai. Có thể nói đây cũng là động lực chung thúc đẩy những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân trên toàn thế giới.
Kế hoạch của Đảng Tự do - Dân chủ
Sau thế chiến II, hệ thống chính trị Nhật Bản đã được tái cấu trúc. Theo yêu cầu của Ichiro Hatoyama (người trở thành thủ tướng Nhật không lâu sau đó), Yamamoto đã tham gia thành lập Đảng Tự do mới và được bầu vào Nghị viện (quốc hội).
Với nền tảng kiến thức kinh tế, Yamamoto được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Chính sách Kinh tế của Liên minh Đảng Dân chủ - Tự do (LDP). Cùng lúc Ludwig Ehrhardt tiến hành khai thông kinh tế Tây Đức thời hậu chiến, Yamamoto cũng đã thiết lập một nền tảng vững chắc cho các nguyên tắc thị trường tự do ở Nhật Bản - là nền tảng chính sách của LDP.
Sau đó, LDP đã thành lập một trường chính trị để đào tạo kinh tế và triết học cho những nghị viên trẻ tuổi. Ở tuổi 88, Yamamoto trở thành Chủ tịch hội đồng trường và hiện vẫn là người có ảnh hưởng nhất ở đó. Tuy nhiên, phải thú thực rằng nhiều nghị viên trẻ này đã không thể cưỡng lại cám dỗ chính trường, dù được đào tạo cực kỳ tốt về tư tưởng thị trường tự do.
Quá trình tự diễn biến của người kiểm duyệt
Một người khác cũng có biến chuyển căn bản về tư tưởng trong thế chiến II chính là Toshio Murata. Cái chết của hàng nghìn người và những đứt gãy mà chiến tranh gây ra tất yếu dẫn đến những suy tư, phản tỉnh căn bản về cấu trúc xã hội. Trong chiến tranh, Murata là sĩ quan tham mưu tại trụ sở quân đội phụ trách kế hoạch kinh tế ở Thượng Hải do Nhật Bản chiếm đóng. Ông nhanh chóng phát hiện ra rằng không thể phân bổ nguồn lực, sản phẩm và dịch vụ cho một thành phố có hàng triệu người.
Murata không giữ vị trí trong quân đội được lâu. Một lá thư anh trai Murata gửi cho ông châm biếm những trận đánh bom trút lên Nhật Bản là "quà giáng sinh của Roosevelt gửi Tojo" đã bị lực lượng quân cảnh quy là có tính chống đối, khiến Murata bị trục xuất khỏi Thượng Hải, còn anh của ông thì bị bắt.
Sau chiến tranh, Murata tiếp tục suy ngẫm về sự tương phản triệt để giữa hoạt động kiểm soát kinh tế của quân đội và thị trường tự do trong cộng đồng người Hoa mà ông quan sát được. Từng chứng kiến thảm kịch do chế độ độc tài, chiến tranh và siêu lạm phát gây ra, Murata tự hỏi liệu người Mỹ - bên thắng cuộc - có giải pháp gì cho những câu đố mang tính thế kỷ này hay không. Liệu ai có thể đề xuất một hệ thống mang lại hòa bình, thịnh vượng và tự do cho một thế giới bị chiến tranh tàn phá? Không chút nao núng, ông đã viết một bức thư ngỏ gửi tới một nhà xuất bản của Giáo hội trưởng lão (Presbyterian), Hoa Kỳ.
Giáo sư Murata nhớ lại rằng một số người Thiên chúa giáo đã gửi cho ông những tác phẩm của John Maynard Keynes, song những tác phẩm này khá mù mờ khó hiểu và không trả lời được những câu hỏi mà ông đặt ra. Sau đó, một sinh viên luật (ông nhớ mơ hồ có tên là Francis Miller từ Kentucky) đã gửi cho ông bản sao của cuốn Hành động con người của Mises. Ông tin chắc rằng đây chính xác là những gì mình tìm kiếm.
Không lâu sau, Murata phát hiện ra rằng Giáo sư Toichiro Ichitani, người đang theo học Friedrich Hayek ở London và cũng là một trong hai người Nhật duy nhất từng theo học Mises ở Vienna. Murata quyết định đến đại học Osaka để theo học giáo sư Ichitani trong vòng sáu tháng.
Murata bắt đầu dịch các bài báo từ The Freeman cho một tạp chí sinh viên tự ông đứng ra xuất bản rồi gửi bản sao đến Foundation for Economic Education (FEE). F.A. Harper nhắc đến Murata trong bản tin của FEE, thông tin này được Yujiro Iwai, Chủ tịch Iwai & Co. và một thành viên của hội Mont Pelerin Society, chú ý.
Năm 1958, Iwai viết thư đề cập mong muốn gặp Murata. Iwai khuyến khích Murata qua Mỹ học tập, nhờ vậy mà Murata nhận được học bổng William Volker. Murata gói ghém hành trang đến Đại học NewYork; và khi ông tới nơi, Leonard E. Read đã dành cho ông một căn phòng tại FEE.
Trong khoảng từ năm 1959-60, Murata đến dự chuỗi hội thảo của Mises cùng Bettina và Percy Greaves - những người đã tham dự chuỗi hội thảo này trong gần 20 năm. Percy Greaves để lại cho Murata nhiều ấn tượng sâu sắc. Murata nói "Percy hầu như nhớ tất cả những đoạn quan trọng trong cuốn Hành động con người, với nhiều dấu gạch chân trong mỗi trang. Hằng tuần Percy, Bettina, Mises và tôi đều đi xe hơi về nhà cùng nhau. Có thể nói tôi là người Nhật duy nhất được gặp Mises nhiều như vậy.”
Người xây cầu kết nối với Mises
Khi về Nhật, Murata muốn tìm một vị trí công việc trong một trường đại học để truyền bá tư tưởng kinh tế học Mises, song dường như các vị trí học thuật bị thống trị bởi những người theo trường phái Keynesian hoặc theo chủ nghĩa Mác-xít. Rút cục, năm 1962, ông nhận công việc giảng dạy tại đại học Kanto, một trường cao đẳng Baptist ở Yokohama. Tuy vậy tư tưởng thị trường tự do của Murata khiến những người này dè chừng và không bổ nhiệm vị trí giảng dạy kinh tế học cho ông. Khi bị hạn chế chỉ được dạy các khóa học marketing, Murata thấy rằng mình cần phải gây dựng uy tín trong lĩnh vực đó trước khi có thể thuyết phục được người khác coi trọng mình ở lĩnh vực nào khác.
Bởi đấy là những khóa học marketing bất động sản, Murata vẫn cảm thấy được an ủi phần nào vì chí ít ông vẫn đang tham gia vào công cuộc bảo vệ quyền sở hữu tư nhân đối với tài sản. Sau khi xuất bản cuốn sách Marketing trong lĩnh vực bất động sản, ông đã biên soạn cuốn từ điển đầu tiên về các thuật ngữ bất động sản bằng tiếng Anh. Với tác phẩm này, ông đã dành được giải thưởng tại hội nghị Honolulu của Hiệp hội các nhà môi giới bất động sản quốc gia vì đã có công thu hẹp khoảng cách giữa ngành bất động sản Mỹ và Nhật Bản.
Năm 1979, Murata chủ trì Đại hội Tokyo của Liên đoàn bất động sản quốc tế. Gần đây nhất, ông đã có công kết nối các hiệp hội bất động sản lớn nhất ở Hoa Kỳ và Nhật Bản với nhau.
Murata cũng có công mang tư tưởng kinh tế học Áo đến gần hơn với người Nhật thông qua các tác phẩm dịch: My Years with Ludwig von Mises (Những năm tháng của tôi với Ludwig von Mises) của Margit von Mises, Why Wages Rise (Tại sao lương tăng) của F.A. Harper, Union Monopoly (Liên minh độc quyền) của Orval Watts, Clichés of Socialism (Sự sáo mòn của chủ nghĩa xã hội) của FEE, và Economic Policy (Chính sách kinh tế) của Ludwig von Mises với phần giới thiệu của tiến sĩ Katsuichi Yamamoto.
Vào đầu những năm 1970, trường Đại học Thương mại Yokohama mời giáo sư Murata giảng dạy. Murata tuyên bố chỉ nhận vị trí đó nếu được phép giảng dạy về thị trường tự do. Trường Yokohama chấp thuận. Murata khá thẳng thắn về những tư tưởng này và đã được các sinh viên cũng như giảng viên đón nhận, thậm chí được bầu làm hiệu trưởng trong suốt hai kỳ. Vì bận rộn với chức vụ hiệu trưởng, nên mãi đến gần đây Murata mới có nhiều thời gian để tích cực truyền bá tư tưởng thị trường tự do.
Tư tưởng của Mises có tác động trực tiếp lên Murata, Ichitani và một học giả người Nhật khác - giáo sư Kotaro Araki thuộc đại học Tokyo. Trong khi Ichitani và Araki tập trung nghiên cứu lý thuyết tiền tệ và các chu kỳ kinh doanh thì Murata (người duy nhất còn sống đến nay) nghiên cứu tư tưởng của Mises một cách toàn diện. Tuy nhiên, những đóng góp của Araki cũng rất đáng chú ý.
Năm 1925, Giáo sư Araki học với Mises ở Vienna và mơ ước dịch cuốn Theorie des Geldes und der Umlaufsmittel (Lý thuyết về tiền và tín dụng) của Mises sang tiếng Nhật. Do bận bịu công việc nên Araki không thu xếp được thời gian, nhưng cuối cùng Yoneo Azuma, một trong những học trò của ông, đã hoàn thành dự án. Độ chính xác của bản dịch cuốn Lý thuyết về tiền và tín dụng của Mises được tiến sĩ Takuma Yasui xác nhận. Bản thân Yasui cũng là người có công dịch cuốn Volkswirtheschaftslehre (Nguyên lý kinh tế học) của Carl Menger sang tiếng Nhật, đồng thời nhận được giải thưởng văn hóa cao nhất ở Nhật (giải Bunka Kunsho) nhờ những đóng góp cho sự tiến bộ của kinh tế học hiện đại trong nhiều năm. Tiến sĩ Yasui là người công khai phê phán chủ nghĩa Mác-xít còn sống tới nay.
Những suối nguồn tự do
Theo Murata, có rất nhiều tổ chức ủng hộ tư tưởng thị trường tự do ở Nhật Bản, một trong số đó, oái oăm thay, là Viện Kinh tế Thế giới (World Economy Institute-WEI) vốn được chính phủ trợ cấp ngân sách và đầu tư xây dựng cho một thư viện khổng lồ. Ban đầu viện này bị chi phối bởi những nhà nghiên cứu/ kinh tế học theo chủ nghĩa Mác-xít, song cục diện thay đổi khi Nobutane Kiuchi được bầu làm chủ tịch. Giáo sư Murata bật cười nhớ lại: "Kiuchi đã gián tiếp "trục xuất" những người theo chủ nghĩa Mác-xít bằng cách trả lương cho họ thật thấp đến khi tất cả rời đi".
Sau đó, Viện Kinh tế Thế giới trở thành trung tâm nghiên cứu thị trường tự do như hiện tại. Hàng tuần Kiuchi tổ chức một buổi họp nhóm về thị trường tự do. Kiuchi cũng là chủ tịch Hiệp hội Mont Pelerin Nhật Bản, bao gồm các thành viên Nhật Bản của Hiệp hội Mont Pelerin (MPS) và các nhà kinh doanh hàng đầu có tư tưởng ủng hộ thị trường tự do. Năm 1968, Kiuchi thành lập Keizai Rondan [ii], một chuyên san theo tháng truyền bá tư tưởng thị trường tự do.
Tiến sĩ Chiaki Nishiyama, một học trò cũ của cả Milton Friedman và Friedrich Hayek đã giới thiệu tư tưởng của Friedman và Hayek đến Nhật Bản thông qua việc viết sách và xuất hiện trên truyền hình. Trước đây ông là chủ tịch hiệp hội Mont Pelerin, cố vấn của thủ tướng Fukuda và hiện là nhân viên cao cấp của Viện Hoover.
Theo Giáo sư Murata, Nishiyama đã nghiên cứu lịch sử Nhật Bản từ thời cổ đại đến thời Minh Trị để tìm kiếm cội nguồn của tư tưởng tự do cá nhân. Thật không may cho hầu hết người Mỹ, cuốn Daiyon no Sentaku (Triết học thứ tư), cuốn sách của Nishiyama về chủ đề này hiện chỉ có sẵn bằng tiếng Nhật.
Tiến sĩ Takashi Urata đã được giới thiệu trên tạp chí Reason (tháng 10 năm 1983) với tư cách là một trí thức theo chủ nghĩa tự do cá nhân có nhiều người hâm mộ. Urata là bác sĩ nội khoa và là giảng viên tại Đại học Waseda. Từ lâu, ông đã quan tâm đến triết học: đầu tiên là Bertrand Russell, sau đó là Ayn Rand và Ludwig von Mises. Hơn năm năm trước, ông đã tổ chức hoạt động Hội thảo về Tự do, tại đó ông mời bạn bè gặp gỡ hàng tháng trong một căn phòng ở Pharmacy Hall, ở Tokyo. Những cuộc hội thảo này bàn về nhiều chủ đề khác nhau, từ kinh tế, luật, đến triết học.
Đây chỉ là một ít trong số những người đang cống hiến vì sự tự do ở Nhật Bản. Theo giáo sư Murata, "còn hơn hai mươi người khác, những người đang đóng góp vào mục tiêu chung theo cách riêng của họ".
Các triển vọng & Cơ hội
Giáo sư Murata vẫn hi vọng một cách thận trọng về tương lai của phong trào tự do cá nhân ở Nhật Bản. Trong số các đảng chính trị chính thống tại Nhật Bản, chỉ có đảng Dân chủ-Tự do (LDP) tỏ ra quan tâm đến các ý tưởng của thị trường tự do. Tuy nhiên, các chính sách của đảng này ít tuân theo các nguyên tắc nền tảng như các chính sách của đảng Cộng hòa dưới thời Reagan. Nhưng cũng có một dấu hiệu tốt, đó là sự phân tách hình thành một đảng mới, đảng “the New Liberal Club”; tuy nhiên, nó chỉ là một phe tương đối nhỏ trong liên minh của Đảng LDP.
Oái oăm thay, chính trong nội bộ của Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế (MITI), một số công chức trẻ lại tỏ ra quan tâm đến các ý tưởng của thị trường tự do và giải quy định. Theo giáo sư Murata, tư tưởng của lớp trẻ này đang bị kìm hãm bởi vô số tầng lớp thâm niên lão làng trong các cơ quan nhà nước.
Về mặt nào đó thì kinh tế Nhật Bản bị điều tiết chặt hơn Hoa Kỳ. Sự thông đồng giữa chính phủ và các ngành công nghiệp lớn có thể thấy ở mọi nơi. Tuy thế, Nhật Bản không bị gánh nặng phải dùng thuế để chi tiêu quân sự cho các xung đột tại các điểm nóng trên toàn cầu. Nhật Bản dường như có một mong muốn nhiệt thành hơn bất kỳ đâu trong việc thúc đẩy hòa bình và hiểu biết lẫn nhau trên toàn cầu.
Tuy nhiên hiện đang có nhiều áp lực đòi hỏi chính phủ tăng ngân sách quốc phòng lên hơn 1% GNP. Mức giới hạn này đã được duy trì trong nhiều thập kỷ và đảng New Liberal Club cũng ủng hộ mục tiêu đó, song có nhiều dấu hiệu cho thấy LDP sẽ phá vỡ giới hạn này trong năm nay. Bản thân Murata thì cho rằng việc tăng chi tiêu quân sự là cần thiết để đảm bảo an ninh độc lập cho Nhật Bản.
So với phương Tây, người Nhật dường như ít bị thúc đẩy bởi giáo điều song lại bị ràng buộc nhiều hơn về văn hóa. Tuy vậy, người Nhật vẫn tỏ ra háo hức và muốn bắt chước các xu hướng ở các quốc gia kinh tế thị trường khác. Chẳng hạn, tình trạng độc quyền trong ngành viễn thông nội địa sẽ sớm bị chia nhỏ và tư nhân hóa. Thậm chí đã có thảo luận về việc cải cách hệ thống đường sắt, đồng thời phi quốc hữu hóa các ngành độc quyền nhà nước như thuốc lá và muối.
Nhật Bản cũng là mảnh đất chín muồi để các học giả và nhà báo theo chủ nghĩa tự do cá nhân đóng góp. Các phương tiện truyền thông, đặc biệt là những tờ báo tiếng Anh như The Japan Times, đã trở nên rất nhạy bén trong việc cập nhật xu hướng thị trường tự do ở những nơi khác trên thế giới. Tương tự như các quốc gia vùng vành đai Thái Bình Dương, Nhật Bản nhận thức sâu sắc rằng những thay đổi về kinh tế và chính trị trên thế giới sẽ tác động đáng kể đến sự thịnh vượng của Nhật Bản trong tương lai.
Libertarian International (LI) đang cố gắng tập hợp những người ủng hộ tự do từ khắp Thái Bình Dương. Gene Berkman và Fred Stitt đã bắt đầu thành lập Hội đồng Thái Bình Dương và dự kiến sẽ khởi xướng một bản tin trong tương lai gần. Sắp tới, Libertarian International hi vọng sẽ có thể tài trợ một hội nghị chuyên đề về tự do tương tự những hội nghị đã rất thành công ở châu Âu trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để những điều này thành hiện thực vẫn cần nhiều trợ giúp, nỗ lực.
Trong hành trình tự do, thật may mắn khi Nhật Bản có được một di sản tự do cá nhân dồi dào đến thế. Khi các quốc gia siêu cường phát triển nhanh nhất thế giới bước vào thế kỷ tới, ta có thể hy vọng Nhật Bản sẽ là ngọn cờ đầu trong hành trình tìm kiếm tự do trường kỳ của nhân loại.
Chú thích:
[i] Các ấn bản về thị trường tự do bằng tiếng Nhật: Keizal Rondon (tạp chí hàng tháng về thị trường tự do và MPS, Y3,500), Keizai (tạp chí hàng tháng về chính trị, đối ngoại và kinh tế. WEI, Y3,800). Tòa nhà Seiko. 7-2-1 Minami Aoyama, Minato-Ku, Tokyo 107, Nhật Bản.
[ii] Cuốn sách của Nobutani Kiuchi, Upcoming Economics (Kinh tế học tương lai), bản tiếng Anh của cuốn Torai-no-To-ai-no-Keizaigaku, cung cấp cho sinh viên những góc nhìn thú vị về kinh tế Nhật. Trong cuốn sách này, Kiuchi bàn luận về góc nhìn kinh tế của mình, trong đó có cả tư tưởng của Phật giáo. Ông cũng thẳng thắn phân tích, mổ xẻ các ý tưởng được tiếp nhận từ Friedrich Hayek và các thành viên Hiệp hội Mont Pelerin. Cuốn sách có một chương khá đặc biệt mang tên "Một số vấn đề về xây dựng quốc gia", trong đó Kiuchi bàn bạc những vấn đề quan trọng từ góc nhìn của chủ nghĩa tự do cá nhân. Kiuchi cố gắng đề xuất các phương pháp mới nhằm đánh giá sự đồng thuận quốc gia trong quá trình phát triển các kế hoạch cụ thể của đất nước. Khi thực hiện các kế hoạch này, ông vẫn ủng hộ vai trò nhất định của chính phủ trong các vấn đề như bảo vệ nền nông nghiệp hay tái phân bố dân cư. Ông không tự nhận mình là người theo chủ nghĩa thuần khiết khi bàn về sự can thiệp của chính phủ vào thị trường tự do.
Nguồn: Ken Schoolland, Japanese Libertarian Heritage, Liberty International, 23/3/2016