Immanuel Kant và triết học về tự do

Immanuel Kant và triết học về tự do

Muốn hiểu nền tảng đạo đức của xã hội tự do, thì có thể không có gì tốt hơn là bắt đầu với tư tưởng của Immanuel Kant. Trong lịch sử, ông là triết gia về đạo đức quan trọng nhất và được nhiều người thảo luận nhất. Và ông là người theo trường phái tự do thời Khai sáng tin tưởng vào chính phủ hạn chế và tự do tối đa.

Xin xem xét lập luận về đạo đức và chính trị ủng hộ tự do của ông.

Lòng tốt và Luật Đạo đức

Trong tác phẩm đầu tiên của ông về triết học đạo đức, Nền tảng của siêu hình học về đạo đức (The Foundations of the Metaphysics of Morals), Kant cố gắng hệ thống hóa trực giác phổ biến về đạo đức nhằm cung cấp cho chúng ta phương pháp để giải quyết những cuộc tranh cãi về đạo đức – đấy là những vấn đề mà lương tâm hoặc trực giác của chúng ta có thể không đồng ý với lương tâm hay trực giác của những người khác hoặc không phát biểu được một cách tường minh.

Ông nhận xét rằng trên thế giới, chỉ những điều tốt – theo hiểu biết thông thường - mà không kèm theo bất kì điều kiện nào thì mới là lòng tốt. May mắn, sức khỏe, và thậm chí hạnh phúc được hiểu một cách rộng rãi không phải là tốt vô điều kiện, bởi vì khi gắn với người xấu, chúng sẽ trở thành nguyên nhân để cho những khán giả vô tư chê trách. Chúng ta không vỗ tay chào mừng những người đàn ông hung ác, những người đạt được mục đích của mình và ăn mừng chiến thắng. Chúng ta lên án những người như thế và hy vọng rằng kế hoạch của họ bị phá sản. Không, quan trọng hơn cả hạnh phúc là xứng đáng được hạnh phúc, đó là, có lòng tốt.

Về điểm này, Ayn Rand, người sáng lập chủ nghĩa khách quan, đã hiểu sai Kant. Bà tin rằng ông là người mà bà gọi là “vị tha”, tức là người nghĩ rằng hy sinh hạnh phúc là đáng ca ngợi. Kant tin, như hầu hết chúng ta cùng tin, rằng hạnh phúc không được khuyến khích chúng ta rũ bỏ trách nhiệm. Tuân theo luật đạo đức – thực hiện trách nhiệm - là quan trọng nhất, nhưng hạnh phúc cũng là điều đáng mong ước.

Kant nhận xét rằng giả định quan trọng đối với trách nhiệm đạo đức là ý tưởng cho rằng chúng ta gắn luật đạo đức lên ý chí của chúng ta. Chúng ta tự nhủ: “Đây là việc phải làm, và vì vậy tôi sẽ làm việc đó”. Chúng ta không biết làm sao tự do quyết định ý chí của chúng ta, nhưng chúng ta phải có khả năng làm như thế, nếu chúng ta tự coi mình là những con người có trách nhiệm về mặt đạo đức.

Mệnh lệnh không thể thoái thác (Categorical Imperative)

Luật đạo đức có hình thức mệnh lệnh vô điều kiện hay mệnh lệnh không thể thoái thác. Ví dụ, “Không được giết người, ngay cả nếu anh có thể đạt được mục tiêu của mình bằng cách giết người”. Nó không phải là mệnh lệnh mang tính giả thuyết, ví dụ, “nếu không muốn bị bỏng thì đừng đụng vào lò nóng” hay “nếu không muốn đi tù, thì đừng giết người”. Nó hạ lệnh cho ý chí của chúng ta, mà không đếm xỉa tới mục tiêu cụ thể của chúng ta.

Kant cho rằng tất cả các mệnh lệnh đạo đức cụ thể có thể được tóm tắt thành mệnh lệnh cơ bản, không thể thoái thác. Nó có ba hình thức. Ở đây, tôi xin nhắc đến hai hình thức.

Một hình thức của mệnh lệnh không thể thoái thác tập trung vào quan điểm cho rằng con người là đặc biệt vì chúng ta có khả năng chịu trách nhiệm về mặt đạo đức. Kant cho rằng khả năng này làm cho mỗi người đều có phẩm giá, chứ không phải là có giá. Điều đó có nghĩa là chúng ta không được đánh đổi các quyền và lợi ích hợp pháp của bất kì người nào để lấy bất cứ thứ gì khác. Chúng ta không được coi người khác hay chính bản thân mình chỉ như là phương tiện để đạt mục đích, mà phải luôn phải coi chính chúng ta là mục đích.

Hình thức khác của mệnh lệnh, có thể thường xuyên được nói tới hơn, trừu tượng hơn: “Luôn luôn hành động theo châm ngôn mà bạn có thể coi là quy luật phổ quát của tự nhiên”. Nói cách khác, phải suy nghĩ về nguyên tắc hay luật lệ chứng minh rằng hành động của bạn là đúng đắn; sau đó, tìm hiểu xem nguyên tắc hay luật lệ đó có phải là phổ quát hay không. Nếu phải, thì đấy là nguyên tắc hay luật lệ để bạn làm theo; nếu không, thì không được theo. “Ăn cắp khi tôi có thể được lợi” không phải là phổ quát vì nó ngụ ý rằng người khác có thể ăn cắp của tôi, nghĩa là, lấy những thứ tôi có trái với ý muốn của tôi. Nhưng tôi sẽ không thể làm trái với ý muốn của chính tôi (Ý nói, vì vậy mà tôi không được ăn cắp – ND).

Các quyền và quyền tự do

Bây giờ, nhận thức được nhân phẩm của từng cá nhân hàm ý rằng các cá nhân có một số quyền, nói cách khác, chúng ta có nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền tự do của tất cả mọi người.

Vì vậy, chúng ta không thể chà đạp lên các quyền tự do của một người nhằm giúp đỡ một hay nhiều người khác. Ví dụ, giết một người khỏe mạnh để lấy nội tạng của người đó cho một số người bệnh, ngay cả nếu làm như thế thì sẽ cứu hai hay nhiều người. Mỗi người đều có nhân phẩm, không ai được chà đạp, dù có xảy ra bất cứ chuyện gì.

(Một hiểu lầm khác về Kant nói rằng ông cho là mục đích của bạn là quan trọng nhất và bạn có thể lờ đi hậu quả của những hành động của bạn. Ngược lại, lờ đi hậu quả là hành động với ý định xấu. Những người theo thuyết hệ quả luận khác với Kant vì họ tin rằng chỉ cần tính tới những hậu quả tổng hợp của hành động mà thôi. Lý thuyết chính trị của Kant là chủ nghĩa cá nhân, trong khi lý thuyết của chủ nghĩa hậu quả luận chắc chắn là chủ nghĩa tập thể).

Trong bài tiểu luận nhan đề “Lý thuyết và Thực hành” (rút gọn nhan đề dài hơn nhiều), Kant trình bày một cách ngắn gọn lý thuyết chính trị của ông. Một nhà nước dân sự đã được thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi của chúng ta, ông nói:

Không ai có thể buộc tôi hạnh phúc theo quan niệm của hắn ta về phúc lợi của người khác, vì mỗi người đều có thể tìm kiếm hạnh phúc của mình theo bất cứ cách nào mà người đó cho là phù hợp, miễn là người đo không xâm phạm quyền tự do của người khác, khi những người kia theo đuổi mục tiêu tương tự, tức là mục tiêu tương thích với quyền tự do của tất cả những người khác theo luật lệ chung - tức là người đó ta phải chấp nhận cho những người khác cùng được hưởng quyền như chính anh ta đang hưởng.

Vì vậy, Kant ủng hộ luật về quyền tự do như nhau cho tất cả mọi người, tức là luật nói rằng mọi người đều có quyền tự do tối đa trong việc theo đuổi hạnh phúc phù hợp với quyền tự do tương tự như thế của tất cả những người khác, hoặc phù hợp với điều mà một số người theo trường phái tự do cá nhân gọi là “Nguyên tắc Không-Xâm Hại Lẫn Nhau”. Nguyên tắc này áp dụng cho cả chính phủ, chứ không chỉ trong tự nhiên.

Trong triết học của ông, cưỡng bức chỉ có thể được biện hộ nếu đấy là hành động tự vệ hay bảo vệ người khác.

“Tuy nhiên”, quyền tự do ngang nhau của mỗi thần dân trong nhà nước dân sự: “hoàn toàn tương thích với sự bất bình đẳng cao nhất của quần chúng về số tài sản nằm trong quyền sở hữu của họ, dù điều đó được thể hiện dưới hình thức ưu thế về thể chất hoặc tinh thần so với những người khác, hoặc tài sản ngẫu nhiên ở bên ngoài đưa tới và những quyền đặc biệt (có thể có nhiều quyền như thế) đối với những người khác”. Kant không phải là người theo trường phái của Rawls; ông là người theo trường phái tự do cổ điển, tức là người hiểu rằng, tự do lật nhào các các khuôn mẫu và cần được bảo vệ mặc dù (hoặc là do) sự lật nhào các khuôn mẫu có sẵn.

Chính trong bài tiểu luận này, Kant còn ủng hộ quan điểm về khế ước xã hội của Locke. Nhà nước chính danh có quyền cai trị chỉ có thể xuất hiện sau khi có sự tán thành một trăm phần trăm với khế ước gốc. Làm khác đi là vi phạm quyền của những người không tán thành. Hiện nay, chúng ta biết rằng, trong lịch sử loài người tán thành một trăm phần trăm với khế ước xã hội là của hiếm, và vì vậy, lý thuyết cứng rắn của Kant về quyền cá nhân sẽ buộc chúng tôi phủ nhận bất kỳ quyền lực chính trị nào.

Nếu chúng ta phủ nhận bất kỳ quyền lực chính trị nào, thì nhà nước lớn nhất mà chúng ta có thể có thể biện hộ sẽ là một nhà nước nhỏ tí, và, theo một số người, thì thậm chí không còn nhà nước nữa.

Chủ nghĩa tự do của Kant

Triết lý đạo đức của Kant biện minh cho sự kiện là cá nhân có toàn quyền trong việc chống lại hiện tượng cưỡng bức. Trong triết học của ông, cưỡng bức chỉ có thể được biện hộ nếu đấy là hành động tự vệ hay bảo vệ người khác. Vì vậy, chính phủ lý tưởng của ông dường như là chính phục cực kỳ hạn chế và cho phép công dân tự do sử dụng trí tưởng tượng, tinh thần dám nghĩ dám làm, và tiến hành các cuộc các thí nghiệm trong cuộc sống.

Kant có một số quan điểm kỳ lạ về một số vấn đề đạo đức cụ thể. Ông có quan điểm kỳ lạ về hôn nhân, coi đó như một hình thức nô lệ lẫn nhau; ông phủ nhận quyền chống lại nhà vua bất công, và ông cho rằng nói dối bao giờ cũng sai, không phục thuộc vào việc nói cái gì. Tôi thấy rằng triết học của Kant có tính thuyết phục nhất trong những vấn đề trừu tượng nhất, khi ông quyết những vấn đề triết học cơ bản.

Dù ý kiến của bạn về công trình của ông có như thế nào, thì Immanuel Kant vẫn xứng đáng được những người theo trường phái chủ nghĩa tự do cổ điển và chủ nghĩa tự do cá nhân đón đọc. Những đóng góp của ông cho chủ nghĩa tự do là quan trọng và vẫn còn bị đánh giá thấp.

*Jason Sorens là một giảng viên Khoa Chính quyền ở Dartmouth College, ông bảo vệ tiến sĩ ở chính trị học ở Đại học Yale, năm 2003. Ông còn là phó chủ tịch Dự án Nhà nước Tự do.

Nguồn: Jason Sorens, Immanuel Kant and the Philosophy of Freedom, FEE, 10/2/2017

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường