Thị trường tự do có đạo đức hay không?
Các nhà kinh tế học trường phái thị trường tự do đã chỉ ra và chứng minh một cách thỏa đáng rằng doanh nghiệp tự do là cách thức hiệu quả và năng suất nhất để đáp ứng nhu cầu kinh tế của mọi người. Mối quan hệ đơn giản nhưng chặt chẽ như cung và cầu là không thể bác bỏ được, và thậm chí những chỉ trích về thị trường tự do cũng thừa nhận rằng quy tắc “bàn tay vô hình” từ tư lợi cá nhân có thể sản xuất và phân phối hàng hóa và dịch vụ mà không cần bất kỳ sự kế hoạch hóa tập trung nào.
Tuy nhiên, một số lớn các nhà phê bình và phe đối lập ở khắp nơi đã thành công trong việc thuyết phục phần lớn thế giới rằng có gì đó xấu xa và phi đạo đức với thị trường tự do và doanh nghiệp tư nhân. Thậm chí khi họ thừa nhận hiệu quả của nó thì họ vẫn cho rằng tự do kinh doanh đầy bất công và bóc lột. Ngay cả khi họ đồng thuận về tính năng suất của thị trường tự do, thì họ vẫn lí luận rằng các sản phẩm của thị trường tự do là “lệch lạc”, thí dụ, dư thừa quảng cáo và thiếu hụt hàng hóa công.
Do đó, quan điểm phản đối thị trường tự do thường không phải là một quan điểm kinh tế mà là một quan điểm đạo đức. Thí dụ, những người theo chủ nghĩa Marx cho rằng lợi nhuận là phần giá trị bị tước đi mà người lao động đã đưa vào sản phẩm, phần giá trị mà họ tin rằng thuộc về người lao động một cách chính đáng. Những người ít cực đoan hơn vốn ủng hộ việc chính phủ hoạch định cũng cho rằng, thị trường tự do có thể hiệu quả thật, nhưng nó lại không sản xuất những sản phẩm mà con người “thực sự cần” như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và nó còn tạo ra các sai lầm dẫn tới bất bình đẳng về phúc lợi vật chất.
Khi họ nói về việc con người nên tiêu dùng thứ gì, hay người lao động nên được hưởng thứ gì, thì những “điều nên làm” này là các nhận định mang tính đạo đức. Có thể hiểu đây là những công kích đạo đức nhằm vào thị trường tự do, vốn phải được giải đáp bằng những lập luận mang tính đạo đức, bởi vì những “điều nên làm” này dựa vào các mục tiêu và giá trị hơn là sự thật về cách thức nền kinh tế vận hành. Vì thế chúng ta hãy xem xét lại câu hỏi rằng, liệu thị trường tự do có đạo đức hay không, và để trả lời cho câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải tự hỏi rằng chính xác thì thị trường tự do là cái gì.
Giả sử rằng chúng ta biết ý nghĩa của từ “thị trường”, thì câu hỏi sẽ xoay quanh từ “tự do”. Đặt trong bối cảnh xã hội, “tự do” có nghĩa là việc thoát khỏi sự áp đặt của người khác. Cụ thể hơn, nó có nghĩa là không tồn tại những tổn hại cũng như giới hạn nào đến từ những áp đặt này. Một người ở trong trạng thái tự do khi anh ta có thể sản xuất và mua bán bất cứ hàng hóa hoặc dịch vụ nào mà anh ta mong muốn mà không có sự can thiệp độc đoán từ người khác. Vì thế, một thị trường được coi là tự do khi tất cả các cá nhân trong thị trường này có được quyền tự do như thế.
Trong thị trường tự do, các giao dịch là tự nguyện. Thị trường không được tự do ở mức độ mà mọi người buộc phải sản xuất theo một số phương pháp được chỉ định, hoặc giao dịch với giá hoặc số lượng quy định, hoặc từ bỏ thu nhập và lợi nhuận của họ để bỏ vốn cho một số “dự án có giá trị” được lựa chọn về mặt chính trị.
Những người phản đối thị trường tự do thường chỉ trích việc thị trường tự do có thể dẫn tới sự bất bình đẳng về của cải vật chất. Họ vốn sẽ chấp nhận tiền đề đạo đức về sự bình đẳng (ngang hàng), rằng chúng ta vốn có quyền con người như nhau, do đó không ai có đức hạnh cao hơn người khác, và không ai có thể áp đặt niềm tin, giá trị và mong muốn của mình lên bất kì ai khác.
Điều này có nghĩa rằng, nếu một người tin rằng một vài sản phẩm nào đó nên được sản xuất, thì về mặt đạo đức, anh ta không có quyền bắt buộc người khác tuân theo niềm tin của cá nhân mình. Mỗi người có một cá tính độc nhất cùng với nhu cầu và mong muốn riêng, và bình đẳng về đạo đức ngụ ý rằng mỗi người có quyền như nhau trong việc quyết định cách sống của mình, bao gồm cách họ làm việc và những thứ họ mua bán.
Vì vậy, nguyên tắc cơ bản của bình đẳng đạo đức là không ai được áp đặt ý chí cá nhân mình lên người khác. Một người chỉ được sử dụng vũ lực để tự vệ. Bằng không, sự ép buộc hay cưỡng chế là sai về mặt đạo đức, và nó ngụ ý rằng con người có quyền làm bất cứ điều gì mà không gây hại cho người khác. Từ quan điểm của xã hội, các hành vi mà không mang tính cưỡng bức lên người khác thì về mặt đạo đức là đúng, hoặc ít nhất không sai. Ví dụ, người bán thuốc lá có thể bị cáo buộc bán một thứ có hại cho sức khỏe, nhưng vì một giao dịch mua bán vốn dĩ là tự nguyện, nó không mang tính ép buộc, và do đó hành vi này không sai.
Về mặt khái niệm, một thị trường tự do là một thị trường thoát khỏi sự ép buộc. Mặt khác, theo quan điểm xã hội, thì không có sự ép buộc đồng nghĩa với không sai về mặt đạo đức. Do đó, thị trường tự do là có đạo đức. Nếu một số người không thích cách hàng hóa được phân phối tại một thị trường tự do đặc thù nào đó, họ có quyền theo quan điểm và niềm tin đạo đức của cá nhân họ nhưng họ không có quyền áp đặt giá trị của riêng mình lên người khác bằng vũ lực. Những người phản đối thị trường tự do cho rằng lợi nhuận là dơ bẩn, hoặc bất bình đẳng về của cải vật chất là sai lầm. Ngay cả khi họ ở phía đa số và suy nghĩ như vậy thì họ cũng không có quyền bắt người khác phải chiều theo những quan điểm cá nhân này, giống như việc họ không có quyền ép buộc người khác phải đi theo niềm tin tôn giáo của họ. Vì vậy, không chỉ thị trường tự do là đạo đức, mà mọi sự dàn xếp khác về kinh tế đều có bản chất phi đạo đức, vì nó kéo theo sự ép buộc và cưỡng chế!
Trong thị trường tự do, hàng hóa và dịch vụ có giá mà mọi người cho là thỏa đáng và sẵn sàng bỏ tiền mua. Duy nhất thị trường tự do cho phép con người hành động theo mong muốn cá nhân như thế. Bình đẳng về đạo đức không phải là quyền bình đẳng để sở hữu hàng hóa được sản xuất trong nền kinh tế, mà là quyền bình đẳng để tự do thoát khỏi những ép buộc từ người khác.
Can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế tự do không chỉ lãng phí và không cần thiết, mà nó còn sai lầm về mặt đạo đức. Sai lầm này của chính phủ cũng tương tự như hành vi trộm cắp, bắt cóc và việc vi phạm pháp luật được thực hiện bởi các cá nhân. Tất nhiên, bản thân thị trường cũng có thể mang tính bóc lột mà không cần sự tham gia của chính phủ, như trường hợp của chế độ nô lệ, thứ vốn dĩ không phải là phái sinh của thị trường tự do, mà ở đó người nô lệ là các lao động không tự nguyện. Tuy nhiên, nhà nước đã loại bỏ chế độ nô lệ, cũng như đã và đang chế tài các trường hợp cưỡng bức khác. Các công ty độc quyền nhà nước như bưu điện, và các ngành công nghiệp được bảo hộ như giao thông vận tải, đều mang tính cưỡng ép, không chỉ trong việc đánh thuế người dân để hỗ trợ bộ máy quan liêu kém hiệu quả và không cần thiết mặt khác còn xâm phạm tới quyền được kinh doanh yên ổn của người khác.
Những người phản đối thị trường tự do, vốn sử dụng quyền lực của chính phủ để áp đặt các tư tưởng của riêng họ, đang áp đặt quan điểm lên mọi người như thể là họ bằng cách nào đó đức hạnh hơn phần còn lại của thế giới.
Nền kinh tế tự do là một phần của xã hội tự do, nơi mà mỗi người sống với giá trị của chính mình. Lý do mà xã hội tự do có thị trường tự do cũng tương tự như lý do nó có tự do ngôn luận và tự do lựa chọn lối sống: bởi vì con người có quyền tự do thoát khỏi sự cưỡng bức ở bất kì phương diện nào của cuộc sống. Những người phản đối thị trường tự do vốn sai lầm trong những tranh luận về đạo đức. Không những thế, các luận điểm thay thế được đề xuất cũng có bản chất phi đạo đức, vì chúng vẫn mang tính cưỡng chế và áp đặt.
Tóm lại, thị trường tự do, thứ tồn tại dựa trên nền tảng đạo đức vững chắc, nơi không còn sự áp đặt, là loại thị trường duy nhất có tính đạo đức.
Nguồn: Fred E. Foldvary, Is the Free Market Ethical?, Foundation for Economic Foundation, 1/4/1978