[Tinh thần dân chủ] Chương 7: Những thành tố góp phần duy trì chế độ dân chủ (Phần 5)

[Tinh thần dân chủ] Chương 7: Những thành tố góp phần duy trì chế độ dân chủ (Phần 5)

TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH VÀ CHẾ ĐỘ PHÁP QUYỀN

Chỉ có một vài đặc điểm trong đời sống chính trị là có tính phá hoại đối với lòng tin vào chính phủ và ủng hộ dân chủ hơn là tham nhũng (và những hình thức lạm dụng quyền lực khác). Người công dân bao giờ cũng nghĩ là các quan chức dân cử sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn như những người khác và những người vi phạm sẽ bị trừng phạt. Khi các chính khách trở thành giai cấp phục vụ chính mình; ăn tất cả các thứ của công và của dân mà không biết ngượng và không cần biết tới luật pháp thì chính họ đang khuyến khích thái độ bài dân chủ của công dân.

Vì vậy, giữ gìn và củng cố dân chủ đòi hỏi phải làm cho nó trở thành có trách nhiệm giải trình hơn trước nhân dân và tôn trọng luật pháp hơn. Chế độ dân chủ ổn định đòi hỏi nguyên tắc pháp quyền, trong đó hiến pháp là cao nhất, tất cả các công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không ai được đứng trên pháp luật, tham nhũng giảm đến mức tối thiểu và bị trừng phạt, các cơ quan quyền lực nhà nước tôn trọng quyền của công dân và công dân có thể sử dụng tòa án để bảo vệ quyền của mình. Chế độ dân chủ pháp quyền đòi hỏi bộ máy tư pháp, ở tất cả các cấp, đều trung lập và không bị ảnh hưởng bởi chính trị, có năng lực và nguồn lực tương đối đầy đủ. Trước hết, nó đòi hỏi ý chí của tòa bảo hiến trong việc ngăn chặn quyền lực của kẻ mạnh và bảo vệ quyền của người yếu.1 Tuy nhiên, bộ máy tư pháp độc lập chỉ là một hình thức của thiết chế dân chủ nhằm hạn chế việc lạm dụng quyền lực mà thôi. Một nền dân chủ tốt đòi hỏi một mạng lưới dày đặc những thiết chế kiểm soát và đối trọng với bộ máy hành chính (và những nhánh quyền lực khác), như tôi sẽ giải thích trong chương 13.

Ấn Độ cũng không thoát khỏi nhiều vấn đề nghiêm trọng về bạo lực trong bầu cử và cướp bóc; nhưng đất nước to lớn và nghèo nàn này đang tìm cách thiết chế hóa mức độ chính trực và năng lực quản lý đặc biệt trong việc tổ chức bầu cử và kiểm phiếu. Cứ năm năm một lần, cử tri đoàn gồm hơn 600 triệu cử tri lại đến hòm phiếu với tỉ lệ khá cao (hơn 50%). Một thập kỉ trước, chủ tịch ủy ban bầu cử Ấn Độ, M.S. Gill, mô tả những thách thức to lớn về quản lý như sau: “Tổ chức tổng tuyển cử bao gồm thiết lập ít nhất là 900.000 địa điểm bỏ phiếu, từ dãy núi Himalayas đến sa mạc Rajasthan, trong đó có những khu vực mà phải cưỡi voi mới tới được. Tuy nhiên, đây chính là phép lạ của tình trạng hỗn loạn ở Ấn Độ, chưa bao giờ có một điểm bỏ phiếu nào không vượt qua được kì kiểm tra.”2 Một trong những lý do làm cho quá trình này hoạt động trôi chảy và có độ tin cậy và sự chính trực ngày càng gia tăng trong hai thập kỷ qua là do tính chuyên nghiệp và sự tự chủ hoàn toàn của ủy ban bầu cử; trong thời gian trước diễn ra bầu cử, ủy ban này chỉ huy tới 4,5 triệu nhân viên chính phủ trong cả nước. Khả năng và năng lực của ủy ban dẫn tới kết quả là các cuộc bầu cử ở Ấn Độ nhận được sự tin cậy rộng rãi, cạnh tranh mạnh mẽ và nói chung là tự do và công bằng.

Hệ thống luật pháp là thiết chế quan trọng nhất trong việc giữ gìn trách nhiệm giải trình và chế độ pháp quyền ở Ấn Độ. Dường như thời điểm đen tối nhất của hệ thống này là khi Toà Án Tối Cao (Supreme Court) bác bỏ phán quyết của Tòa án Tối cao của bang nói rằng tình trạng khẩn cấp do bà Gandhi đặt ra là vi hiến.3 Nhưng khi tình trạng khẩn cấp chấm dứt, Tòa án Tối cao lập tức “lao vào thúc đẩy hoạt động tư pháp chưa từng có” giúp người dân dễ dàng tiếp cận với công lí”. Để thực hiện mục tiêu đó, Tòa án đã áp dụng hệ thống kiện tụng nhằm bảo vệ lợi ích công cộng, tạo điều kiện cho những người lao động bị mất tự do, người dân bộ lạc không có quyền bầu cử, phụ nữ bản địa, người vô gia cư và những công dân không có quyền lực khác tiếp cận với toà án trong quá trình tìm kiếm công lí”. Các nhà báo và những người hoạt động trong xã hội dân sự còn sử dụng cơ chế này (tương đương với những vụ kiện thay mặt tập thể ở Hoa Kỳ) nhằm “thực thi luật môi trường hiện hành, ngăn chặn những vụ ngược đãi tù nhân trong nhà tù bang và vạch trần tham nhũng ở cấp cao.”4 Hồi những năm 1990, khi tham nhũng gia tăng, Tòa án Tối cao đã tìm cách tăng cường tính độc lập của một thiết chế về trách nhiệm giải trình khác, là Cục Điều Tra Trung Ương, bằng cách bãi bỏ đòi hỏi rằng cơ quan này phải “được sự nhất trí của chính phủ” và phải tham vấn với bộ bị tình nghi trước khi tiến hành điều tra bộ hay người đứng đầu bộ đó. Quyết định này đã dỡ bỏ một trong những rào cản quan trong đối với việc điều tra tham nhũng của chính phủ. Trong quá trình thi hành luật về nước và không khí sạch trong thủ đô bị ô nhiễm nặng nề, Tòa án Tối cao đã hạ lệnh đóng cửa hơn hai trăm công ty gây ô nhiễm sông Hằng.5 Ở cấp thấp hơn, tòa án vẫn còn chậm chạp và thiếu hiệu quả một cách khủng khiếp, tồn đọng tới 20 triệu trường hợp.6 Và như Pratap Mehta khẳng định, việc mở rộng quyền lực của tư pháp đặt ra những câu hỏi có giá trị về giới hạn phù hợp của những cơ quan không do dân cử trong chế độ dân chủ (và đã thúc đẩy việc tu chính hiến pháp nhằm tái lập giới hạn về quyền lực của hệ thống tòa án.)7 Nhưng đồng thời, hành động của những cơ quan cao cấp trong hệ thống tòa án không chỉ củng cố chế độ pháp quyền mà còn là mặt trận chính trong việc làm sâu sắc thêm trách nhiệm giải trình của nền dân chủ Ấn Độ và do đó, củng cố sự tôn trọng của người dân.

Chú thích:

1. Guillermo O’Donnell, “Why the Rule of Law Matters”, in Diamond and Morlino, Assessing the Quality of Democracy, pp. 3-17.

2. M.S. Gill, “India: Running the World’s Biggest Elections”, Journal of Democracy 9 (January 1998): 165-66.

3. Pratap Mehta, “India’s Unlikely Democracy: The Rise of Judicial Sovereignty”, Journal ofDemocracy 18 (April 2007): 73.
4. Ganguly, “India’s Multiple Revolutions”, p. 43.

5. Rudolph and Rudolph, “New Dimensions of Indian Democracy”, p. 61.
6. Mehta, “India’s Unlikely Democracy: The Rise of Judicial Sovereignty”, p. 72.
7. Ibid.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường