Về tư hữu và quyền lực kinh tế
Khi lên án trật tự xã hội của chúng ta (tức, chế độ tư bản chủ nghĩa – ND), những người theo chủ nghĩa xã hội thường sử dụng hai cách tấn công sau. Một số mô tả những cái tốt đẹp đáng mong ước của chủ nghĩa xã hội bằng những lời ca tụng có cánh, còn một số mô tả những điều khủng khiếp được gán ghép cho hệ thống tư doanh. Trong cuốn Moral Man and Immoral Society (Con người đạo đức và xã hội đồi bại), Reinhold Niebuhr đã sử dụng phương pháp thứ hai để biện hộ cho chủ nghĩa xã hội. Cuốn sách này gần như đã “làm nên” Niebuhr khi xuất hiện vào năm 1934. Nó đưa ra nhiều lăng kính mà thậm chí đến tận ngày nay nhiều người vẫn sử dụng để xem xét các vấn đề xã hội.
Chúng ta đồng ý với Niebuhr rằng quyền lực là xấu xa và không đáng tin cậy. Nhưng “chỉ có người vô sản Mác-xít”, theo Niebuhr, “mới nhìn thấy vấn đề này một cách thấu đáo. Nếu người vô sản Mác-xít có mắc phải sai lầm khi lựa chọn phương tiện để đạt được mong muốn của mình, thì anh ta không hề phạm sai lầm khi đề ra mục tiêu đúng đắn, mục tiêu về công lý bình đẳng (equal justice), mà xã hội cần phải hướng tới, cũng như khi thấu hiểu các nền tảng kinh tế của công lý” (tr. 164-165). Chỉ có người vô sản Mác-xít mới nhận ra được điều này.
Khi Niebuhr nói về “các giai cấp thống trị” – tức là những nhóm bảo vệ chủ nghĩa tư bản – ông sử dụng những từ cục cằn như “thành kiến”, “đạo đức giả”, và “bất lương.” Cách tư duy, tôn giáo và văn hóa của họ, theo Niebuhr, “là sản phẩm của, hoặc ít nhất cũng bị nhuộm màu bởi, đời sống cục bộ của giai cấp này” (ctr. 140-141). Nói cách khác, bất kỳ ai bảo vệ tự do cá nhân, tư hữu, và tư doanh, đều bị coi là kẻ ủng hộ các đặc quyền và lợi ích của giai cấp tư sản.
Theo triết lý kiểu Niebuhr thì: xã hội được chia ra làm các giai cấp kinh tế có lợi ích hoàn toàn khác nhau; nhưng chỉ có người vô sản Mác-xít mới đấu tranh cho các mục tiêu đúng đắn mà xã hội cần phải hướng tới; và hệ thống tư doanh là thối nát và bất công vì nó được xây dựng dựa trên các đặc quyền và đặc lợi của giai cấp tư sản.
Cả ba nhận định trên đều ngụy tạo. Hoàn toàn không có giai cấp cũng như quyền lợi của giai cấp trong xã hội mà các nhà kinh tế và triết gia cổ điển (mong muốn) tạo dựng. Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng. Các đặc quyền tạo ra bởi địa vị xã hội, bất động sản hay giai cấp của thời kỳ cổ đại đã bị các đạo luật trong thế kỷ XVIII và XIX bãi bỏ.
Tài sản tư bao gồm cả vốn sản xuất
Tư hữu không phải là đặc quyền mà chỉ riêng tầng lớp tư sản được hưởng. Nó là thiết chế tự nhiên nhằm hỗ trợ quá trình sản xuất và phân công lao động diễn ra một cách có trật tự. Tư hữu tư liệu sản xuất là vì lợi ích của tất cả mọi người, vì nó đảm bảo việc sử dụng một cách kinh tế nhất các nguồn tài nguyên hữu hạn. Một doanh nhân kinh doanh hiệu quả sẽ sản xuất ra được sản phẩm đáp ứng nhu cầu của mọi người một cách hiệu quả nhất, và sẽ giành được quyền kiểm soát các nguồn vốn sản xuất. Của cải của anh ta chủ yếu bao gồm các nguồn vốn được sử dụng trong quá trình sản xuất ra sản phẩm cho mọi người.
Những người phê phán chủ nghĩa tư bản, trong khi lên án cách biệt giàu nghèo lớn giữa nhà tư bản công nghiệp và công nhân, thường bỏ qua khía cạnh đặc trưng này của tài sản của nhà tư bản công nghiệp. Của cải của anh ta không bao gồm các đồ xa xỉ phẩm vô ích, mà là các nhà máy, máy móc và các thiết bị được dùng để sản xuất hàng hóa cho con người, tạo ra công ăn việc làm với mức lương bổng cao. Tất nhiên, người lãnh đạo doanh nghiệp thường được hưởng mức sống cao hơn là nhân viên. Ông ta có thể đi xe hiện đại hơn. Quần áo ông ta mặc có thể được cắt may ở hiệu may nổi tiếng, và căn nhà ông ta ở có thể được trải thảm. Tuy vậy, điều kiện sống của ông ta không hẳn khác biệt về chất so với cuộc sống của các công nhân.
Quyền lực kinh tế có tính phái sinh (derivative)
Quyền lực của một doanh nhân được phái sinh từ quyền lực tối cao mà người tiêu dùng nắm giữ. Khả năng quản lý một cách khôn ngoan các yếu tố sản xuất mang lại cho ông ta sự ủng hộ của người tiêu dùng. Cái này không bắt nguồn từ đặc quyền pháp lý, phong tục hay truyền thống, mà từ khả năng phục vụ người chủ tối cao duy nhất của nền kinh tế tư bản: người tiêu dùng. Doanh nhân, cho dù sức mạnh có lớn thế nào đi chăng nữa, vẫn phải phục vụ các nhu cầu và thị hiếu cá nhân của người tiêu dùng. Nếu không chú ý đến các nhu cầu và thị hiếu này thì tai họa sẽ đến với ông ta.
Một ví dụ nổi tiếng sau sẽ minh họa cho việc này. Henry Ford đạt được danh vọng, sự giàu sang, và quyền lực khi ông ta sản xuất ra được hàng triệu chiếc xe ô tô mà người tiêu dùng ưa thích và mong muốn. Tuy nhiên, vào cuối những năm hai mươi của thế kỷ XX, thị hiếu và nhu cầu của người dùng bắt đầu thay đổi. Họ muốn có các chủng loại xe đa dạng hơn, tốt hơn và to hơn, nhưng Ford không chịu sản xuất những loại xe này. Hậu quả là, trong khi các công ty khác như General Motor và Chrysler phát triển đến chóng mặt thì Ford lâm vào tình trạng thua lỗ nặng nề. Kết cục là, có thời kỳ thế lực và danh tiếng của Henry Ford đã giảm xuống rất nhanh ngang bằng với tốc độ đi lên trong các thập kỷ trước đó.
Tất nhiên có khả năng xảy ra trường hợp một doanh nhân phớt lờ hay bỏ qua nhu cầu của một người tiêu dùng cá thể nào đó. Nhưng ông ta sẽ phải trả giá bằng việc doanh số hoặc mức lãi sẽ bị giảm đi. Nếu ông ta tiếp tục làm người mua thất vọng, ông ta sẽ sớm bị loại ra khỏi hàng ngũ những nhà doanh nghiệp.
Và tất nhiên cũng có thể có trường hợp một doanh nhân đối xử bất công và thô lỗ với một nhân viên nào đó. Nhưng ông ta sẽ phải trả giá đắt cho tính độc đoán của mình. Nhân viên của ông ta sẽ bỏ công ty của ông ta và chuyển sang làm việc cho các đối thủ cạnh tranh. Để thu hút đủ nhân công, một doanh nhân có tiếng là đối xử xấu với nhân viên sẽ phải trả thêm một số tiền nhất định cao hơn mức lương mà đối thủ cạnh tranh có tiếng là chu đáo hơn với nhân viên sẽ phải trả. Và việc chi phí đầu vào cao sẽ làm ông ta phá sản. Còn nếu ông ta trả lương thấp đi, ông ta sẽ bị mất những nhân viên giỏi cho các đối thủ cạnh tranh của ông ta, tức là cũng dẫn tới con đường diệt vong của ông ta.
Một doanh nhân thành công thường là một người đáng tin cậy và công minh. Ông ta cố gắng chiếm được lòng tin và sự tín nhiệm của khách hàng cũng như của nhân viên làm việc cho mình. Trên thực tế, quá trình giành lấy sự tín nhiệm của mọi người có thể biến doanh nhân thành người thiếu cá tính. Để tránh xung đột và căng thẳng, thông thường doanh nhân sẽ hạn chế hoặc thậm chí tránh không đưa ra ý kiến của mình về các vấn đề chính trị hoặc kinh tế. Đa số các doanh nhân thường bày tỏ lập trường trung dung đối với các vấn đề gây tranh cãi.
Chủ nghĩa tư bản – thiên đường của người lao động
Xã hội tư bản là thiên đường đối với người lao động, những người được hưởng lợi nhiều nhất từ trật tự này. Chúng ta chỉ cần so sánh đơn thuần cuộc sống của một công nhân Mỹ với những đồng nghiệp trong các quốc gia không theo chủ nghĩa tư bản như Ấn Độ hoặc Trung Quốc là thấy rõ ngay. Anh ta là hoàng tử trong giới lao động trên thế giới; thời gian làm việc ngắn nhất, và lương của anh ta lại cao hơn đáng kể so với những người còn lại.
Đời sống của các triệu phú trong xã hội tư bản chủ nghĩa ít đáng thèm muốn hơn là đời sống của các triệu phú trong các xã hội không theo chủ nghĩa tư bản. Sự giàu có của anh ta chủ yếu nằm ở các vốn khoản đầu tư mà anh ta phải bảo vệ liên tục trước sự cạnh tranh của các doanh nhân khác. Số tài sản dành cho chi tiêu hưởng thụ của anh ta thường là rất ít, chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng tài sản của anh ta. Nhưng triệu phú Ấn độ, thường là một tiểu vương, sẽ không quan tâm lắm đến sản xuất hay cạnh tranh. Ông ta sống trong những tòa nhà lớn, được bao quanh bởi hậu cung của mình và được phục vụ bởi rất nhiều người hầu chăm chỉ. Ông ta chắc chắn không thèm muốn cuộc sống của các nhà tư bản công nghiệp Mỹ, cho dù tài sản của những người này có lớn đến đâu đi chăng nữa.
Chủ nghĩa xã hội, cho dù là dưới các nhãn hiệu Mác-xít, Fabian, Quốc xã hay là Phát xít, đều không nâng đỡ quyền bình đẳng, mà ngược lại, tạo ra sự bất bình đẳng ghê gớm. Nó tạo ra một tầng lớp mới những nhà quản lý chính trị và kinh tế với quyền lực quản lý kinh tế vô hạn và tuyệt đối. Nó loại bỏ quyền lực tối cao của người tiêu dùng và các quyền lực phái sinh của doanh nhân. Nó loại bỏ quyền tự do lựa chọn và phán xét của người dân và thay vào đó bằng những kẻ cai trị độc đoán và nhà nước theo chế độ toàn trị.
Có thể đúng là nhà vô sản Mác-xít đang nỗ lực để hiện thực hóa xã hội XHCN; nhưng trái với niềm tin của Niebuhr, các nỗ lực của ông ta rõ ràng là đã không mang lại lợi ích cho xã hội hay cho chính bản thân ông ta. Bị bịt mắt và lừa phỉnh bởi tam đoạn luận XHCN, ông ta ủng hộ một trật tự xã hội sẽ nô dịch hóa và bần cùng hóa chính ông ta. Vì thế, ông ta đang phá hủy chính cái trật tự đã giải phóng ông ta thoát khỏi chế độ nô lệ và bần hàn.
Nguồn: Trích chương 14 cuốn Nền tảng đạo đức của kinh tế thị trường, “Mark W. Hendrickson (chủ biên), The Morality of Capitalism, The Freeman”, 1/1961