[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 10: Những vấn đề của thời đại (Phần 2)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 10: Những vấn đề của thời đại (Phần 2)

Cắt giảm ngân sách

Những người theo phái tự do cá nhân muốn giảm các khoản chi ở tất cả các cấp của chính quyền. Trong chương này, tôi sẽ thảo luận những biện pháp tư nhân hóa hoặc xóa bỏ các chương trình của chính phủ, chắc chắn là sẽ làm giảm ngân sách của chính phủ. Dưới đây là một vài đề xuất nhằm giảm ngay lập tức các khoản chi:

Chấm dứt trợ cấp cho các công ty. Mỗi năm chính phủ liên bang chi khoảng 75 tỷ cho những chương trình có lợi cho các doanh nghiệp, chính quyền các bang và chính quyền địa phương cũng trợ cấp nhiều tỷ nữa. Các doanh nghiệp đang phục vụ người tiêu dùng cũng có thể làm công việc của mình mà không cần trợ cấp; những doanh nghiệp cần trợ cấp không nên tồn tại.

Chấm dứt trợ cấp cho nông nghiệp. Những nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng cho các chương trình trợ cấp nông nghiệp của chính phủ liên bang, mỗi năm những chương trình này ngốn khoảng 15 tỷ. Nông dân cũng phải cạnh tranh trên thị trường tự do như tất cả các doanh nghiệp khác.

Chỉ chi những khoản thật sự cần cho quốc phòng. Bây giờ, khi chiến tranh lạnh đã chấm dứt, siêu cường duy nhất còn lại có thể tự bảo vệ mình với khoảng một nửa số tiền mà nó hiện nay đang chi cho quốc phòng, như vậy, mỗi năm sẽ tiết kiệm được khoảng 120 tỷ USD.

Xóa sổ những cơ quan liên bang ăn hại và phá hoại. Nước Mỹ đã trải qua gần 200 năm không có Bộ giáo dục, và mọi người đều đồng ý rằng sau khi Bộ này được thành lập vào năm 1979 thì nền giáo dục Mỹ đã thực sự xấu đi. Bộ Năng lượng không sản xuất được một tí năng lượng nào. Bộ Thương mại gây khó khăn cho việc buôn bán. Cục phòng chống ma túy không những không chấm dứt được việc sử dụng ma túy mà còn tạo ra thêm nhiều tội ác liên quan đến việc cấm đoán. Bộ Giao thông vận tải trợ cấp các dự án giao thông của địa phương mà đáng lẽ phải do tư nhân hoặc chính quyền địa phương chi trả.

Tư nhân hóa hệ thống an sinh xã hội, tôi sẽ thảo luận chi tiết hơn ngay sau đây. Điều này sẽ tạo ra một khoản tiết kiệm lớn cho người đóng thuế, nhưng quan trọng hơn, nó sẽ ngăn chặn sự sụp đổ không thể tránh khỏi của hệ thống mà người Mỹ dựa vào khi về hưu.

Tư nhân hóa các chương trình và tài sản khác của chính phủ: từ Amtrak1, Cơ quan quản lý thung lũng Tennessee (Tennessee Valley Authority), đất đai thuộc quyền sở hữu của liên bang,  đến ngành bưu điện. Luận cứ cơ bản ở đây là chủ sở hữu tư nhân sử dụng các nguồn lực cẩn thận và có hiệu quả hơn là chính phủ, vì vậy mà mang lại nhiều hiệu quả kinh tế hơn. Đối với người đóng thuế khoản tiết kiệm này chẳng khác gì món kem phủ thêm trên bánh ngọt.

Quốc hội và cơ quan lập pháp các bang có thể cắt giảm ngân sách của chính phủ trong một thời gian dài cho đến khi họ bắt đầu thực hiện những nhiệm vụ thực sự của chính phủ: bảo vệ các quyền của chúng ta, bằng cảnh sát, tòa án, và quốc phòng. Cho đến lúc đó, bất kỳ chính phủ nào còn phàn nàn những nguồn lực bị hạn chế hoặc tìm cách tăng thuế là chính phủ không muốn xem xét một cách có phê phán những khoản chi không cần thiết. Những khoản tiết kiệm ngân sách do quốc hội thực sự quan tâm đến người đóng thuế sẽ là rất lớn, và giảm quy mô chính phủ sẽ tạo ra một vụ bùng nổ trong nền kinh tế. Nhưng lý do thực tế nhằm loại bỏ các chương trình đó hoàn toàn không phải là ngân sách. Ý nghĩa của nó là mở rộng tự do và trách nhiệm cá nhân; giải phóng và củng cố xã hội dân sự.

An sinh cho người về hưu

Chương trình lớn nhất của chính phủ liên bang - lớn hơn hẳn quốc phòng – chính là an sinh xã hội. Năm 1995, chương trình này ngốn hết 333 tỷ USD và năm 2000 dự kiến sẽ là 433 tỷ. Toàn bộ các khoản trợ cấp của liên bang là 750 tỷ hay khoảng một nửa toàn bộ ngân sách (hơn một nửa nếu không tính lãi suất phải thanh toán cho các khoản vay của chính phủ). Ở các nước đã phát triển, hoạt động chính của chính phủ là chuyển tiền – thông qua những chương trình xã hội - từ một số người sang cho một số người khác. Và ở tất cả các nước đã phát triển, thâm hụt ngân sách đang gia tăng nhanh chóng và ngày càng có nhiều người công nhận rằng đây là những chương trình không bền vững. Chính phủ đã tung ra những lời hứa mà họ không thể nào thực hiện được, và khả năng thực tế là thuế sẽ tăng vọt, kinh tế sụp đổ, chiến tranh giữa các thế hệ, hoặc một sự kết hợp nào đó của những triển vọng đáng sợ này.

Khi quỹ an sinh xã hội được thành lập vào năm 1935, người ta ngỡ rằng đó là một ý tưởng tuyệt vời – trợ cấp cho người già, các khoản thuế còn rất thấp và trong vài thập kỷ sau đó chính phủ không có những khoản chi lớn. Người ta tin rằng họ được hưởng an sinh xã hội vì đã đóng thuế trong nhiều năm qua. Trên thực tế, thuế khóa không bao giờ đủ chi cho các khoản trợ cấp, nhưng trong những thập kỷ đó, đây không phải là vấn đề bởi vì tất cả mọi người đều đóng thuế, còn người về hưu được an sinh xã hội trợ cấp thì lại ít. Cứ đến kì bầu cử là quốc hội lại tăng trợ cấp; họ làm cho rất nhiều cử tri sung sướng, và trong tương lai sẽ nảy sinh nhiều vấn đề.

Nhà kinh tế học người Anh, John Maynard Keynes, bác bỏ những lời phàn nàn về ảnh hưởng lâu dài của những chính sách mà ông đề xuất bằng cách nói: “Về lâu dài, tất cả chúng ta đều đã chết”. Vâng, nói về quỹ an sinh xã hội thì thời điểm đó đã tới rồi, Keynes đã chết và chúng ta phải thanh toán các hóa đơn.

Ngay lúc này đây, khi thế hệ những người được sinh ra trong giai đoạn bùng nổ sinh suất sau Thế chiến II đang ở giai đoạn có thu nhập cao nhất, nói theo ngôn ngữ kế toán thì quỹ an sinh xã hội đang “thặng dư”. Toàn bộ những dư thừa sau khi trả tiền trợ cấp được “đầu tư” vào trái phiếu chính phủ, mà đấy đơn giản là lời hứa hẹn sẽ trả nợ bằng tiền thuế trong tương lai. Ngay từ năm 1999, các quỹ tín thác an sinh xã hội (trong đó có bảo hiểm y tế và bảo hiểm tàn tật) sẽ bắt đầu đòi chính phủ liên bang thanh toán những trái phiếu này để có tiền chi trả các khoản trợ cấp, nghĩa là chính phủ sẽ phải vay thêm, sẽ phải tăng thuế hoặc cắt giảm những khoản chi tiêu khác. Đến năm 2001, quỹ tín thác của bảo hiểm y tế sẽ cạn kiệt. Đến năm 2012, tức là sau đây 15 năm, quỹ tín thác an sinh xã hội chính sẽ bắt đầu thâm hụt và đến năm 2029 thì cũng sẽ cạn kiệt. Theo tính toán của cựu chuyên viên trưởng của hệ thống an sinh xã hội, A. Haeworth Robertson, thì an sinh xã hội hiện nay chỉ chiếm 15% tất cả các khoản lương phải đóng thuế, nhưng đến giữa thế kỷ, sau thì sẽ chiếm khoảng từ 26% đến 44% các khoản lương phải đóng thuế. Khó tưởng tượng được rằng người lao động Mỹ sẽ ủng hộ những loại thuế khóa để chi trả cho an sinh xã hội vào lúc đó. 

Chú Sam thực sự đã hứa với bạn điều gì (kế hoạch chính thức, tháng 1 năm 1996)

Nếu bạn sinh năm 1935

Quỹ tín thác của bảo hiểm y tế sẽ vỡ khi bạn đến tuổi..

Quỹ hưu trí và quỹ thương tật sẽ vỡ khi bạn đến tuổi…

Nếu không cắt giảm hơn nữa,  các khoản trợ cấp và lãi mà chính phủ phải trả cho các khoản vay sẽ ngốn hết tất cả thu nhập của chính phủ liên bang khi bạn đến tuổi ...

 

Muốn cung cấp cho bạn an sinh xã hội và bảo hiểm y tế mà chính phủ hứa khi bạn đến tuổi 65 thì chính phủ phải tăng thuế lên…

 

1935

65

80

77

17,8%

1945

55

70

67

20,0%

1955

45

60

57

26,3%

1965

35

50

47

34,1%

1975

25

40

37

38,4%

1985

15

30

27

41,7%

1995

5

20

17

44,6%

Nguồn: Ban quản trị quỹ tín thác của bảo hiểm bệnh viện liên bang, Báo cáo thường niên Washington, D.C.: Văn phòng in ấn của chính phủ Mỹ, tháng 4 năm 1995); Ủy ban lưỡng đảng về trợ cấp và cải cách thuế, Báo cáo cuối cùng trình Tổng thống (Washington, DC: Văn phòng in ấn chính phủ Mỹ, tháng 4 năm 1995); Hội đồng quản trị quỹ tín thác bảo hiểm người già, người tàn tật và người mất nơi nương tựa, Báo cáo thường niên (Washington, DC: Văn phòng in ấn chính phủ Mỹ, tháng 4 năm 1995). In lại từ tác phẩm Sự trở vể của tính tiết kiệm (The Return of Thrift) của Phillip Longman (New York: Free Press, 1996), trang. 12.

Trong tác phẩm Sự trở vể của tính tiết kiệm (The Return of Thrift) của Phillip Longman tất cả những thông tin này được trình bày trong bảng (bên trên). Bảng này cho thấy, những người sinh ra trong những năm 1935, 1945, … 1995 có thể mong đợi điều gì từ quỹ an sinh xã hội và quỹ bảo hiểm y tế.

Vấn đề là, cũng như với bất kỳ chương trình nào khác của chính phủ, những người thiết kế hệ thống an ninh xã hội không cần phải suy nghĩ về tương lai và không có nhiệm vụ thiết lập cơ sở tài chính vững chắc cho chương trình của họ. Năm 1935, khi chính phủ liên bang lấy 65 tuổi là tuổi nghỉ hưu thì tuổi thọ trung bình của đứa trẻ sinh ra vào năm đó là 61. Hiện nay, tuổi thọ trung bình là 76, và sẽ vẫn tiếp tục tăng. Trong khi đó, người ta lại nghỉ hưu sớm hơn, cho nên người ta sống nhiều năm hơn cả trong giai đoạn trước lẫn giai đoạn sau tuổi nghỉ hưu theo quy định. Năm 1950 cứ 16 người đóng cho quỹ an sinh xã hội thì chỉ có 1 người nhận. Hiện nay, tỷ lệ này là khoảng 3,3 trên 1, và đến năm 2030 có khả năng sẽ giảm xuống còn 2 trên 1.

Không thể duy trì được hệ thống như vậy. Chúng ta buộc phải có những thay đổi lớn - trong hệ thống an sinh xã hội là chắc chắn và có thể là cả trong cuộc sống của chúng ta nữa. Như Longman khẳng định, chúng ta đang chứng kiến phản ứng trước sự sụp đổ của nhà nước phúc lợi của giai cấp trung lưu, có nhiều khả năng đấy sẽ là quay về với những đức tính đã lỗi thời: tính tiết kiệm, bởi vì chúng ta sẽ phải tiết kiệm nhiều hơn; gia đình phải tiết kiệm, bởi vì khi lời hứa của chính phủ chỉ là hứa hão thì chúng ta sẽ phải dựa nhiều hơn vào cha mẹ và con cái của chúng ta; và làm việc nhiều hơn, bởi vì khi tuổi thọ của chúng ta tăng lên, có nhiều khả năng là chúng ta sẽ phải việc nhiều năm hơn.

Nhưng có một giải pháp chính trị quan trọng, có thể ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống an sinh xã hội, sự hỗn loạn trong lĩnh vực kinh tế và xung đột giữa các thế hệ: tư nhân hóa. Hệ thống an sinh xã hội không vững chắc về mặt tài chính bởi vì nó được quản lý bởi các chính trị gia. Hệ thống này đánh thuế những người đang làm việc và chuyển tiền gần như ngay lập tức cho những người hiện đang nghỉ hưu. Tương tự như thư-dây-chuyền2 hoặc cú lừa Ponzi3, nó có thể trả những khoản tiền lớn cho những người tham gia ngay từ đầu, nhưng những người tham sau thì bị thiệt. Hệ thống hưu bổng vững chắc phải được xây dựng trên những khoản tiết kiệmđầu tư. Công nhân dành ra khoản tiền cho giai đoạn hưu trí, và số tiền này được đầu tư nhằm tạo ra của cải – bằng cổ phiếu, trái phiếu, các quỹ tương hỗ, hoặc các khoản đầu tư thực tế khác – chứ không chuyển ngay cho người khác. Những khoản tiết kiệm như vậy góp phần tăng trưởng kinh tế thực sự, và từng người lao động đều thịnh vượng nhờ tham gia vào quá trình phát triển đó.

Chúng ta có thể coi cuộc cải cách này như là sự mở rộng đáng kể chương trình Tài Khoản Hưu Trí Cá Nhân (IRA), cho phép người dân đưa không chỉ 2.000 USD mà toàn bộ thuế khóa mà họ phải đóng cho bảo hiểm xã hội – hay hơn – vào tài khoản hưu trí được miễn thuế. Đối với những người công nhân trẻ hiện nay, chương trình như thế sẽ cung cấp cho họ những khoản trợ cấp cao hơn hẳn so với hệ thống an sinh xã hội của chính phủ, và những lời hứa của những chủ tư nhân có nhiều khả năng trở thành hiện thực hơn vì cơ sở của nó là đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Nhà phân tích tài chính, William G. Shipman, tính được rằng một người lao động sinh năm 1970, kiếm được thu nhập tối đa và đóng thuế an sinh xã hội trong suốt cuộc đời, sẽ được hệ thống an sinh xã hội hứa trả 1.908 USD một tháng (theo giá năm 1995). Nhưng nếu người này đầu tư tiền thuế đóng cho an sinh xã hội vào thị trường chứng khoán thì thu nhập hàng tháng có thể lên tới 11.729 USD. Người công nhân có mức lương thấp, một năm khoảng 12.600 USD, sẽ được an sinh xã hội hứa trả 769 USD một tháng. Quỹ hưu trí tư nhân đầu tư vào cổ phiếu sẽ trả anh ta 2.419 USD một tháng hoặc người đó có thể nhận một khoản tiền nhỏ hơn, chỉ lấy phần lãi tiết kiệm và để lại một tài sản khá lớn cho các con. Giá cổ phiếu lúc lên, lúc xuống; thị trường đôi khi bị sụp đổ; nhưng cả đời làm việc trong một nền kinh tế đang phát triển, các khoản đầu tư vào chứng khoán hầu như bao giờ cũng tăng.

Những chương trình tương tự như thế đã được thực hiện ở Singapore, Chile và New Zealand, và đã mang lại những kết quả rất tốt đẹp. Hơn 90% công nhân Chile đã rời bỏ hệ thống hưu trí của chính phủ và mở tài khoản riêng, và từ khi áp dụng chương trình hưu trí tư nhân dựa trên những khoản tiết kiệm được đầu tư vào các công ty cạnh tranh, nền kinh tế Chile đạt được tốc độ tăng trưởng là 7% một năm

Sai lầm lớn của chúng ta là đã biến một lĩnh vực quan trọng – bảo đảm đời sống sau khi nghỉ hưu – thành hệ thống chính trị quan liêu và mang tính cưỡng bức. Trong tương lai, người lao động không thể hy vọng rằng chính phủ sẽ bảo đảm cho họ lương hưu và những khoản trợ cấp khác. Đã đến lúc cho phép người dân dựa vào chính mình, dựa vào gia đình mình và dựa vào những khoản đầu tư của chính mình vào sự phát triển năng động của thị trường tự do.

(Còn nữa)

Chú thích

(1) Amtrak: công ty vận tải hành khách bằng đường xe lửa, thành lập từ năm 1971.

(2)Thư dây chuyền (mỗi người nhận phải chép ra nhiều bản rồi gửi cho người khác), những người đầu tiên nhân được nhiều thư, trong khi những người tham gia sau nhận được ít hơn.

(3) Được gọi là “Ponzi scheme”, trong đó những nhà đầu tư trước được trả những khoản lời lớn bằng tiền của những nhà đầu tư sau, trong khi có thể thực sự không có hoạt động đầu tư nào.

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường

Tác phẩm liên quan