[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương X: Vài điều xem xét tình trạng hiện thời và tương lai nào cho ba chủng tộc đang sống trên lãnh thổ Hoa Kì (Phần 5)
ĐÂU LÀ NHỮNG CƠ MAY TRƯỜNG TỒN CỦA LIÊN BANG HOA KÌ? NHỮNG NGUY CƠ NÀO ĐE DOẠ NÓ? (1/4)
Vì sao nguồn sức mạnh nổi trội lại nằm ở các bang chứ không ở Liên bang. − Liên bang chỉ tồn tại chừng nào các bang hợp thành nó còn muốn tham gia vào. − Những nguyên nhân khiến các bang phải đoàn kết lại. − Ích lợi của sự đoàn kết để chống lại người nước ngoài và để không có người nước ngoài ở Mĩ. − Chúa Trời không tạo thanh chắn tự nhiên giữa các bang. − Không có những lợi ích vật chất chia rẽ các bang. − Lợi ích của miền Bắc đối với sự phồn vinh và sự đoàn kết của miền Nam và miền Tây; của miền Nam đối với miền Bắc và miền Tây; của miền Tây đối với hai miền kia. − Những lợi ích phi vật chất làm người Mĩ đoàn kết lại với nhau. − Tính đồng loạt trong tư tưởng của người Mĩ. − Những nguy cơ của liên bang sinh ra từ sự khác biệt tính cách và từ những đam mê của những con người tạo thành liên bang. − Tính cách con người miền Nam và miền Bắc. − Sự phát triển nhanh của Liên bang là một trong những đại nguy cơ. − Cuộc hành tiến của người dân về miền Tây Bắc. − Chuyển dịch trọng tâm sức mạnh về phía đó. − Những đam mê tạo ra bởi những cuộc vận động nhanh chóng đó của sản nghiệp. − Liên bang tồn tại chật vật, chính quyền liên bang sẽ mạnh lên hay là yếu đi? − Những dấu hiệu suy yếu. − Internal improvements. − Đất hoang. − Người Anh điêng bản địa. − Vụ việc Ngân hàng. − Vụ việc thuế. − Tướng Jackson.
Sự tồn tại của Liên bang tuỳ thuộc một phần vào sự duy trì cái đang tồn tại ở từng bang tạo thành Liên bang Hoa Kì. Vì vậy mà trước hết ta cần xem xét cái xác suất tồn tại của Liên bang ra sao. Nhưng trước nữa, cần xác định một điểm: nếu Liên bang hiện thời phải đi tới tan vỡ, tôi cảm thấy chắc chắn là các bang tạo thành Liên bang sẽ không quay lại tìm thế đứng riêng rẽ và coi đó là yêu cầu đầu tiên của họ. Thay thế vào vị trí một Liên bang, họ sẽ lập ra nhiều Liên bang. Tôi không có ý xem xét những cơ sở của việc sẽ tạo nên các “Liên bang” có thể ra đời ấy. Điều tôi muốn chỉ ra, đó là những nguyên nhân có thể dẫn tới sự tan rã của Liên bang hiện thời.
Để làm được công việc chứng minh này, tôi buộc phải lần đi lại một vài con đường trước đây tôi đã qua đó mà lọt được vào (sự kiện Hoa Kì). Tôi lại phải lật ra ánh sáng vô số điều mọi người đã rõ cả. Tôi biết là hành động như vậy mình có nguy cơ bị bạn đọc chê trách. Nhưng tầm quan trọng của vấn đề tôi còn phải xử lí nốt là điều giúp tôi biện bạch. Đôi khi tôi muốn lặp đi lặp lại còn hơn là để bạn đọc chưa hiểu hết ý mình, và tôi ưng làm hại cho tác giả chứ không thích làm hại cho chủ đề.
Các nhà lập pháp làm bản hiến pháp 1789 đã cố gắng mang lại cho quyền lực liên bang một cách tồn tại riêng và một sức mạnh nổi trội.
Nhưng họ bị bó hẹp bởi chính những điều kiện của vấn đề họ phải giải quyết. Người ta chẳng trao cho họ trách nhiệm tạo dựng nên cái chính quyền của một quốc gia duy nhất, mà giải quyết việc kết hợp nhau của nhiều quốc gia. Và bất kể họ thích làm gì và làm như thế nào, nhất thiết họ phải đạt tới việc phân chia được sự thực thi chủ quyền.
Để hiểu kĩ đâu là những hệ quả của sự phân chia này, ta cần biết qua cách phân biệt giữa các hành động thể hiện chủ quyền.
Có những đối tượng mang bản chất quốc gia, nghĩa là chỉ liên quan đến cả dân tộc gộp chung lại, và chỉ có thể trao cho con người hoặc cho cái đại hội nghị hoàn toàn đại diện cho dân tộc. Trong loại này tôi thấy có hành động chiến tranh và ngoại giao.
Còn có những đối tượng khác mang bản chất địa phương, nghĩa là chỉ liên quan đến những địa phương nhất định, và chỉ có thể được xử lí thích hợp tại chính địa phương. Đó là trường hợp ngân quỹ các làng xã.
Ta sẽ đi ngược lên đến những đối tượng mang bản chất hỗn hợp: chúng mang tính quốc gia một khi chúng liên quan đến tất cả các cá nhân tạo thành dân tộc; chúng mang tính địa phương một khi không cần thiết cả dân tộc phải tham gia vào. Thí dụ như là các quyền xác định trạng thái dân sự và chính trị của công dân. Không tồn tại trạng thái xã hội mà lại thiếu quyền dân sự và chính trị. Vậy là các quyền này liên quan ngang nhau đến tất cả các công dân; nhưng không nhất thiết các quyền này cứ phải đồng nhất như nhau thì dân tộc mới tồn tại và mới thịnh vượng, và do đó chúng cứ phải do cơ quan quyền lực trung ương quyết định và xử lí.
Vậy là có hai phạm trù tất yếu trong số những đối tượng mà chủ quyền phải lo. Ta bắt gặp chúng trong tất cả các xã hội có cơ cấu tốt, bất kể nền tảng của khế ước xã hội đó ra sao.
Nằm giữa hai cực đó, như một khối trôi nổi, là những đối tượng chung song lại không mang tính quốc gia mà cũng chẳng hoàn toàn mang tính địa phương, mà tôi gọi bằng “hỗn hợp”. Những đối tượng này, do chỗ không tuyệt đối mang tính quốc gia, cũng không hoàn toàn là địa phương, nên việc lo chăm nom chúng là thuộc chính quyền quốc gia hoặc chính quyền địa phương tuỳ theo quy ước giữa những ai liên kết vào đó, song không vì “khoán” cho “người khác” như vậy mà xa rời mục đích của liên kết ấy.
Rất nhiều khi, những cá nhân bình thường họp nhau lại và tạo thành một chủ quyền, và cuộc tập hợp của họ tạo thành một dân tộc. Bên dưới cái chính quyền chung của mọi người do họ lập ra, khi đó chỉ còn bắt gặp những thế lực cá nhân hoặc tập thể mà mỗi thứ đều chỉ đại diện một phân số rất bé nhỏ của chủ quyền mà thôi. Khi đó cái chính quyền chung cũng rất tự nhiên phải nhận trách nhiệm xử lí không chỉ những đối tượng có bản chất quốc gia mà phần lớn lại là xử lí những đối tượng hỗn hợp như tôi đã nói tới. Các địa phương từ đó chỉ còn là một bộ phận của cái chủ quyền cần thiết cho sự hạnh phúc ấm no của họ.
Đôi khi, do một sự kiện có từ trước khi lập ra khối liên kết, chủ quyền gồm cả những tổ chức chính trị có sẵn. Khi đó xảy ra việc chính quyền địa phương chịu trách nhiệm thoả mãn không chỉ những đối tượng có bản chất thuần tuý địa phương, mà còn thoả mãn tất cả hoặc một phần những đối tượng hỗn hợp nảy sinh đòi hỏi được giải quyết. Bởi vì các dân tộc trong liên bang, vốn dĩ là những chủ quyền riêng ngay từ trước khi liên kết nhau lại, và tiếp tục đại diện cho một phân số rất đáng kể của chủ quyền, bất kể là chúng đoàn kết với nhau đến mức nào, sẽ chỉ thoả thuận nhượng cho chính quyền chung việc thực thi các quyền cần thiết cho Liên bang mà thôi.
Khi chính quyền quốc gia, bất kể nó có những đặc quyền gì cố hữu với bản chất của nó, lại được giao quyền xử lí những đối tượng hỗn hợp về chủ quyền, khi đó nó có được một sức mạnh nổi trội. Không chỉ vì nó có rất nhiều quyền, mà vì tất cả những quyền nào nó chưa có đều trong tầm chi phối của nó, và khi đó cần phải cảnh giác trước việc nó nẫng mất của chính quyền địa phương các đặc quyền tự nhiên và cần thiết của họ.
Ngược lại, khi chính quyền địa phương có quyền xử lí các đối tượng hỗn hợp, trong xã hội xảy ra một khuynh hướng ngược hẳn lại. Cái sức mạnh nổi trội khi ấy nằm trong cấp địa phương chứ không phải trong cấp quốc gia. Và khi đó ta cần cảnh giác việc chính quyền quốc gia cuối cùng sẽ bị lột sạch mọi đặc quyền cần thiết cho sự sống còn của nó.
Vậy là, các quốc gia đứng riêng rẽ đều có xu hướng tự nhiên đi theo con dường tập trung hoá, còn các quốc gia liên minh lại có xu hướng tự nhiên đi tới phân rã.
Bây giờ ta chỉ còn áp dụng các ý tưởng chung đó vào Liên bang Mĩ.
Quyền xử lí các đối tượng thuần tuý địa phương bắt buộc rơi vào tay các bang riêng rẽ.
Hơn nữa, chính các bang đó cũng giữ lại cái quyền ấn định khả năng dân sự và chính trị của các công dân, cái quyền giải quyết các mối quan hệ giữa mọi con người với nhau; đó là những quyền có bản chất chung, nhưng không nhất thiết cứ phải để thuộc về chính quyền quốc gia.
Chúng ta đã thấy là chính quyền Liên bang có quyền nhân danh toàn thể quốc gia để định đoạt công việc trong trường hợp quốc gia phải hành động như một cá nhân duy nhất và thống nhất. Chính quyền Liên bang khi đó đại diện cho quốc gia trước những người nước ngoài. Chính quyền Liên bang cũng điều khiển các lực lượng chung để chống lại kẻ thù chung. Nói tóm lại, chính quyền Liên bang lo toan tới những đối tượng tôi gọi là hoàn toàn mang tính chất quốc gia.
Trong việc phân chia các quyền trong chủ quyền này, phần của Liên bang thoạt nhìn hình như vẫn to hơn phần của các bang; song nếu xem xét kĩ hơn cho thấy bằng sự việc rằng nó nhỏ hơn nhiều.
Chính quyền Liên bang tiến hành những công trình to lớn bao quát, nhưng ta lại hiếm khi thấy nó động đậy chân tay. Chính quyền địa phương tiến hành những công trình nhỏ bé hơn hẳn, nhưng nó không khi nào ngơi tay và lúc nào cũng thấy nó có mặt trong đời sống.
Chính quyền Liên bang chăm lo lợi ích chung của đất nước. Nhưng lợi ích chung của một quốc gia chỉ có một ảnh hưởng không chắc chắn lắm đến hạnh phúc cá nhân con người.
Công việc mọi mặt của một địa phương trái lại tác động rõ rệt tới hạnh phúc ấm no của người dân sống ở đó.
Liên bang bảo đảm sự độc lập và sự vĩ đại của dân tộc, những điều không dính dáng đặc biệt tới các cá nhân. Bang thì bảo đảm tự do, điều hành các quyền, bảo đảm sản nghiệp, bảo đảm toàn bộ cuộc sống và tương lai của mỗi công dân.
Chính quyền Liên bang khá xa cách với người công dân. Chính quyền địa phương nằm trong tầm tay của mọi người. Chỉ cần lên tiếng là chính quyền địa phương nghe thấy liền. Chính quyền trung ương có những đam mê riêng của số ít con người vĩ đại thèm khát điều khiển chính quyền. Còn ở phía chính quyền địa phương chỉ thấy lợi ích của những nhà cầm quyền loại hai, những người chỉ hi vọng có được sức mạnh trong phạm vi bang mình mà thôi. Vậy mà chính những con người này khi được ở gần dân lại có quyền lực tác động tới dân mạnh hơn cả.
Vậy là người Mĩ trông chờ nhiều và e ngại nhiều ở bang hơn là ở Liên bang. Và theo dòng chảy tự nhiên của lòng người, họ phải gắn bó mạnh mẽ hơn nữa với bang hơn là với Liên bang.
Trong chuyện này, thói quen và tình cảm đều phù hợp với lợi ích.
Khi một dân tộc gắn bó với nhau chặt chẽ mà lại chia sẻ chủ quyền của mình và đạt tới trạng thái liên bang, thì các hồi ức, các thói quen, các tập tục sẽ đấu tranh lâu dài chống lại luật pháp và đem lại cho chính quyền trung ương một sức mạnh vẫn bị luật pháp từ chối. Khi các quốc gia liên bang nhập lại với nhau thành một chủ quyền duy nhất, thì vẫn những nguyên nhân ấy sẽ tác động theo chiều ngược lại. Tôi không hồ nghi chút gì là nếu như nước Pháp trở thành một nước cộng hoà liên bang như Hoa Kì, điều đầu tiên là chính quyền ở Pháp sẽ tỏ ra kiên quyết hơn nhiều so với ở Hoa Kì. Và nếu như Hoa Kì lại biến thành quân chủ chuyên chế như ở Pháp, tôi nghĩ rằng trong một thời gian nào đó chính quyền Mĩ sẽ tỏ ra nhu nhược hơn Pháp nhiều. Vào thời điểm người Mĩ gốc Anh hình thành cuộc sống quốc gia, thì cuộc sống địa phương của họ đã có từ lâu rồi, những mối quan hệ cần thiết đã được xác lập giữa các công xã và các cá nhân ở những bang đó rồi. Ở đó người ta đã quen với việc coi một số đối tượng nào đó bằng một cách nhìn chung, và họ hoàn toàn lo toan đến những công trình nào đó như là đại diện cho một lợi ích đặc biệt.
Liên bang là một cơ thể vĩ đại, một cái gì quá mơ hồ đối với chủ nghĩa ái quốc của người dân. Còn bang thì có những hình thức cố định và những giới hạn chặt chẽ. Bang là đại diện cho một số điều quen thuộc và vô cùng gần gụi với người dân của bang. Hình ảnh bang lẫn với đất đai, sở hữu, gia đình, kỉ niệm, với những công trình hiện thời, với những giấc mơ vị lai. Chủ nghĩa ái quốc, mà lắm khi chỉ là sự nối dài của tính vị kỉ cá nhân, do đó cũng chỉ loanh quanh bên trong bang và chẳng lan rộng sang Liên bang làm gì.
Vì thế mà lợi ích, thói quen, tình cảm đều hội lại để tập trung vào cuộc sống chính trị đích thực bên trong một bang, chứ không phải bên trong Liên bang.
Khi nhìn thấy sự vật vận động bên trong phạm vi mỗi thực thể đó (bang hoặc Liên bang) ta có thể dễ dàng đánh giá sự khác nhau của các thế lực của hai loại chính quyền đó.
Bất kì khi nào một chính quyền bang lên tiếng với một người hoặc một tập hợp người, ngôn ngữ của nó sáng sủa và áp đặt. Khi nói với một cá nhân, chính quyền Liên bang cũng vậy. Nhưng ngay khi nào nói trước một bang, chính quyền liên bang bắt đầu đổi giọng: nó diễn giải vì sao, nó biện bạch như thế nào; nó lập luận, nó gợi ý, nó không còn ra lệnh nữa. Khi có ai hồ nghi về giới hạn quyền lực hợp hiến của mỗi chính quyền, thì chính quyền địa phương dũng cảm đòi hỏi quyền của mình và có ngay biện pháp tức thời và kiên quyết để giữ vững quyền đó. Trong khi đó, chính quyền Liên bang giải thích lí lẽ, kêu gọi lương tri dân tộc, nhắc nhở lợi ích quốc gia, gợi đến vinh quang tổ quốc. Chính quyền Liên bang câu giờ chờ thời, nó thương lượng. Chỉ khi nào bị dồn vào chân tường thì nó mới quyết định hành động. Thoạt nhìn, ta tin là chính quyền địa phương mang trong nó sức mạnh của toàn thể dân tộc và Hạ viện đang đại diện cho một bang.
Bất kể những nỗ lực của những người tạo ra nó, chính quyền Liên bang, như tôi đã nói rồi, do bản chất của nó, là một chính quyền yếu, hơn ai hết, nó phải cần đến sự ủng hộ của người dân thì mới trụ lại được.
Thật dễ thấy mục đích của chính quyền Liên bang là làm sao thực thi trơn tru cái ý chí của các bang muốn đoàn kết trong Liên hang. Điều kiện cơ bản này một khi thực hiện được, thì nó được coi là khôn ngoan, mạnh mẽ và uyển chuyển. Người ta đã tổ chức ra chính quyền Liên bang sao cho nó chỉ phải đương đầu với những cá nhân và dễ dàng khuất phục mọi đối kháng với ý nguyện chung, song nó lại không được tổ chức với viễn cảnh các bang hoặc nhiều bang trong đó thôi không muốn đoàn kết nữa.
Nếu như giờ đây chủ quyền của Liên bang đối lập lại với chủ quyền bang, ta sẽ dễ dàng hình dung là Liên bang sẽ thua. Tôi còn nghĩ là cuộc đấu ấy không khi nào diễn ra một cách nghiêm túc. Bất kì khi nào người ta cương quyết chống lại chính quyền Liên bang, thì ta đều thấy nó nhượng bộ. Kinh nghiệm cho tới nay chỉ ra rằng khi một bang khăng khăng muốn một điều gì đó và cương quyết đòi điều đó, thường là bao giờ cũng thành công. Và một khi bang tỏ rõ ý chí, thì Liên bang làm ngơ cho nó cứ thế mà làm.
Dù cho chính quyền liên bang có là một thế lực riêng, thì hoàn cảnh vật chất của đất nước lại khiến cho nó khó mà sử dụng được sức mạnh đó.
Hoa Kì có lãnh thổ mênh mông. Đầu này đầu kia vô cùng xa nhau. Dân cư lại tản mát giữa những vùng còn nửa hoang vu. Nếu Liên bang định dùng vũ lực để buộc các bang tôn trọng nghĩa vụ, vị trí Liên bang khi đó sẽ tương tự như của nước Anh hồi Chiến tranh giành Độc lập.
Vả chăng một chính quyền dù có mạnh chăng nữa cũng khó có thể thoát ra khỏi các hệ quả của một nguyên tắc một khi nó đã chấp nhận nguyên tắc đó như là cơ sở của cái quyền chung mà nó phải điều hành thực thi. Liên bang đã được dựng lên nhờ ý nguyện tự do của các bang; các bang này khi đoàn kết lại với nhau vẫn không mất đi tính cách quốc gia của mình và không bị hoà trộn vào một và chỉ một quốc gia duy nhất. Nếu bây giờ một trong những bang đó muốn rút tên mình ra khỏi khế ước, sẽ khó mà chứng minh cho bang đó là nó không có quyền làm như vậy. Để bang đó không thể làm như vậy, chính quyền Liên bang rõ ràng không thể dùng cả sức mạnh lẫn quyền mà được.
Để cho chính quyền Liên bang dễ dàng thắng sự đối kháng của một vài “thần dân”, vấn đề lợi ích riêng của một hoặc nhiều trong các bang đó phải được gắn bó chặt chẽ với sự sống còn của Liên bang, đó là điều ta thường thấy trong lịch sử các liên minh.
Tôi giả định là trong các bang được mối dây đó liên kết lại thì có những bang được hưởng những ưu thế của Liên bang trong khi sự thịnh vượng chung hoàn toàn tuỳ thuộc vào toàn bộ Liên bang. Rõ ràng là, chính quyền trung ương sẽ tìm thấy ở các bang này sự ủng hộ to lớn để buộc các bang phải phục tùng. Nhưng khi đó sức mạnh lại không từ bản thân Liên bang nữa, mà sức mạnh đó bắt nguồn từ một nguyên tắc đối lập với bản chất của nó. Các quốc gia chỉ liên minh với nhau để có những mối lợi ngang nhau trong liên minh, và trong trường hợp dẫn bên trên, nguồn sức mạnh của chính quyền liên bang lại là do có sự bất bình đẳng giữa các dân tộc liên minh với nhau.
Tôi lại giả định thêm là một trong những bang trong liên minh có được một sự nổi trội hơn để có thể riêng mình chiếm lấy quyền lực trung ương. Bang này sẽ coi các bang khác như thần dân của mình và sẽ nhân danh chủ quyền Liên bang để bắt buộc họ phục tùng chủ quyền của riêng bang mình. Khi đó người ta sẽ làm được vô số điều to tát nhân danh Liên bang nhưng nói cho đúng ra thì chính quyền đó sẽ chẳng còn tồn tại nữa.
Trong hai trường hợp này, cái quyền lực hành động nhân danh liên minh sẽ càng mạnh lên khi càng tách rời khỏi trạng thái tự nhiên và khỏi cái nguyên tắc đã được liên minh thừa nhận.
Ở nước Mĩ, liên minh hiện thời có ích cho tất cả các bang, nhưng không phải là điều sống còn cho bất kì một bang nào. Nhiều bang có thể phá vỡ mối liên kết liên bang mà số phận các bang khác không hề hấn gì, cho dù tổng số những điều hạnh phúc của họ có bị giảm mạnh. Do chỗ chẳng có bang nào mà sự tồn tại hoặc sự thịnh vượng của nó lại hoàn toàn gắn bó với liên bang hiện thời, nên cũng chẳng có bang nào tính chuyện hi sinh to tát để duy trì Liên bang.
Mặt khác, cho tới nay ta cũng chẳng thấy bang nào có tham vọng mang lợi ích lớn phải duy trì Liên bang như tình trạng hiện thời. Tất cả hiển nhiên là đều đang tác động qua các hội đồng liên bang, nhưng ta chẳng thấy bang nào chiếm được vị trí thống trị ở các hội đồng đó để có thể coi các bang khác như kẻ bề dưới hoặc kẻ thần dân.
Tôi cảm thấy một điều chắc chắn là, nếu có một bộ phận Liên bang thực sự muốn tách khỏi bang khác, thì không những người ta chẳng có cách gì ngăn chặn nổi, mà người ta còn không định ngăn chặn nữa. Liên bang hiện thời sẽ chỉ trường tồn chừng nào tất cả các bang tạo thành nó sẽ tiếp tục còn có nguyện vọng làm một bộ phận của nó.
Xác định được điểm này rồi, bây giờ thì chúng ta lập luận sẽ dễ dàng hơn nhiều: vấn đề không còn là tìm hiểu xem liệu các bang hiện đang liên minh với nhau sẽ có thể tách khỏi nhau được không, mà là vấn đề liệu các bang đó rồi sẽ có muốn hợp với nhau hay không.
Trong tất cả những lí lẽ biện bạch với người Mĩ về sự ích lợi của Liên bang hiện nay, ta bắt gặp hai lí lẽ chính, rành rành chẳng lọt khỏi mắt ai.
Cho dù người Mĩ dường như sống một mình trên lục địa của mình, song công việc thương mại lại khiến cho bất cứ nước nào giao thương với nó đều trở thành láng giềng của nó. Mặc dù có cái vẻ ngoài cách li, người Mĩ như vậy vẫn cần đến sự đoàn kết để duy trì được thế nước mạnh.
Một khi chia tách nhau ra, các bang không chỉ bị suy giảm sức mạnh trước người nước ngoài, mà còn tạo ra người nước ngoài ngay trên mảnh đất họ đang sống. Khi đó họ sẽ phải có chế độ Hải quân ngay bên trong nội địa. Họ sẽ phải phân chia các thung lũng bang những đường biên tưởng tượng. Họ sẽ phải cầm tù các dòng sông đang chảy và bằng mọi cách gây phiền nhiễu cho sự khai thác cái lục địa mênh mông đã được Chúa Trời giao cho họ làm lãnh địa riêng.
Ngày nay người Mĩ không lo việc bị xâm lăng nữa, do đó cũng không phải nuôi các loại quân, không phải thu thuế. Nếu Liên bang đi tới chỗ tan vỡ, các thứ nhu cầu đó chẳng chóng thì chày sẽ lộ ra.
Vậy là người Mĩ có lợi ích vô cùng to tát phải kết lại trong Liên bang.
Mặt khác, hầu như không thể thấy đâu là thứ lợi ích vật chất so với cái đang có bây giờ mà một bộ phận của Liên bang sẽ có khi họ tách ra được khỏi các bang khác.
Khi ta nhìn vào tấm bản đồ Hoa Kì và nhìn thấy dãy núi Alléghanys chạy từ Tây Bắc xuống Tây Nam, chạy dài theo đất nước tới 400 dặm, ta rất muốn nghĩ rằng mục đích Chúa Trời đã định sẵn từ bao giờ, ấy là tạo ra một trong những thứ rào chắn tự nhiên đó, đặt nằm giữa lưu vực sông Mississippi và dải bờ biển Đại Tây Dương, và một khi chúng ngăn con người không giao thương thường xuyên được với nhau, thì lại như thể tạo ra những giới hạn cần thiết cho các quốc gia khác nhau.
Nhưng chiều cao tự nhiên của dãy Alléghanys không vượt quá 800 mét. Đỉnh núi Alléghanys lại tròn trịa và có cả ngàn lối đi dễ dàng tới được các thung lũng rộng rãi nằm giữa dãy núi này. Hơn nữa, những con sông chính đổ vào Đại Tây Dương, sông Hudsson, sông Susquehanna, sông Potomac, đều bắt nguồn từ bên kia dãy Alléghanys, từ một cao nguyên thoáng rộng liền kề lưu vực sông Mississippi. Xuất phát từ vùng này chúng lộ diện dần sau khi vượt qua dãy tường thành như thể có trách nhiệm ngăn lại để rồi tống khứ chúng ra đại dương, chúng tạo ra trong lòng những núi non kia vô vàn con đường tự nhiên luôn luôn rộng mở cho con người.
Vậy là chẳng có một thanh chắn nào mọc lên giữa các phần khác nhau của đất nước ngày nay thuộc về người Mĩ gốc Anh. Tuy là những giới hạn cho các quốc gia, song dãy Alléghanys lại không gò bó các bang của Hoa Kì. Bang New York, Pennsylvania và Virginia đều bao quanh dãy núi đó và trải dài mãi sang phía Tây cũng như phía Đông của dãy núi này.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)