Những tiêu chí của tính khoa học trong kinh tế (Phần 4)

Những tiêu chí của tính khoa học trong kinh tế (Phần 4)

7. Tư tưởng của Kuhn có thể áp dụng cho kinh tế học không?

Thoạt nhìn tư tưởng của Kuhn, dù trước hết được lịch sử của vật lí học và hoá học gợi ý, dường như cho được một cách kiến giải đầy sức quyến rũ về tình hình của kinh tế học. Người ta nói rằng hiện nay kinh tế học đang “khủng hoảng”, như bộ môn này trong lịch sử của nó đã từng nhiều lần bị khủng hoảng. Và những cuộc tranh luận dai dẳng hay sự phân chia thành trường phái cạnh tranh nhau khiến cho có xu hướng nghĩ rằng kinh tế học bị chia thành nhiều hệ chuẩn cạnh tranh nhau, cùng sống chung và ứng với một nhóm đặc biệt trong cộng đồng khoa học. Cách nhìn này có tính đến những khía cạnh phi lí và ít nhiều có tính ý thức hệ, những khía cạnh này được Kuhn thừa nhận là có mặt trong việc chọn lựa một hệ chuẩn và là một điều hiển nhiên trong những lí thuyết và học thuyết kinh tế.

Nhưng xét kĩ hơn thì một quan niệm như trên có vẻ là không tương hợp với triết lí làm cơ sở cho cách nhìn của Kuhn về lịch sử khoa học. Thật vậy trong cách nhìn này, hệ chuẩn được quan niệm như một mô hình thống nhất không chỉ thực tiễn phương pháp luận của một khoa học, mà còn cả những cách nhìn thế giới và những giá trị gắn với cách nhìn này. Không tìm thấy được một điều tương tự như vậy trong lĩnh vực kinh tế, nơi mà những lí thuyết, phương pháp, quan điểm chính trị hay ý thức hệ không ngừng đối chọi nhau. Như thế nên chăng phải thừa nhận là kinh tế học đang ở trạng thái chưa định hình và “tiền hệ chuẩn” trước buổi khai sinh của một khoa học? Làm như vậy là coi nhẹ những cố gắng nhằm trao cho kinh tế học một vị thế khoa học và những kết quả đạt được từ thế kỉ XVIII.

Làm cách nào liệt kê những hệ chuẩn và những cuộc cách mạng khoa học trong kinh tế học? Đây là một công việc khó khăn và có khá nhiều nhập nhằng. Bởi thế chúng tôi chỉ giữ những phân biệt tập hợp được đa số nhà bình luận. Có thể xem rằng hệ chuẩn cơ bản là hệ về “cá thể tối đa hoá trong một thị trường tương đối tự do”. Đó là hệ tìm thấy được ở Smith, và có lẽ ngay cả ở Hume, và có thể coi là hệ chuẩn này ngày nay vẫn còn thống trị. Nhưng chính Ricardo là người đã thật sự sáng lập tư tưởng cổ điển bằng cách đặt cơ sở cho phương pháp luận của ông trên sự trừu tượng hoá và việc sáng tạo ra mô hình lập luận kinh tế (trên những điểm này, xem những tiêu chí của De Vroey M., “Lịch sử phân tích kinh tế”1 trong bộ Bách khoa kinh tế này).             

Về mặt nội dung, đặc trưng của tư tưởng cổ điển là lí thuyết giá trị lao động, nguyên lí dân số, lương sinh tồn, và một cách nhìn toàn thể trong việc nghiên cứu động thái xã hội.

Tư tưởng cổ điển đã thống trị ở Anh trong nhiều năm, rồi bị phản bác và cuối cùng bị thay thế trong những thập niên cuối của thế kỉ XIX bằng một lí thuyết hoá xuất phát chính từ Stanley Jevons và Alred Marshall. Chính bước ngoặt quan trọng này được gọi là cuộc “cách mạng cận biên” và có lẽ là giai đoạn duy nhất trong lịch sử tư tưởng có thể được phân tích bằng những phạm trù thật sự kuhnian, như một cuộc cách mạng khoa học trong kinh tế học. Cuộc cách mạng cận biên là một cuộc cách mạng kuhnian vì nó gồm có một thay đổi sâu sắc của cách đặt vấn đề và của cấu trúc lí thuyết: nó thay thế những câu hỏi lớn liên quan đến tăng trưởng kinh tế và phân phối giữa lợi nhuận, lương và địa tô bằng một vấn đề kinh tế được định nghĩa lại như sự phân bổ những nguồn lực hiếm hoi giữa những mục đích đối chọn. Cuộc cách mạng này nhấn mạnh đến lựa chọn cá nhân và tính duy lí và do đó chuyển hướng thống trị từ khách quan sang chủ quan. Trên bình diện phương pháp, nó mang đến việc mở rộng lập luận cân biên, một điều tạo thuận lợi cho việc toán học hoá bộ môn.

Do đó có thể nói rằng cách mạng cận biên là một trong những trường hợp rất hiếm, trong kinh tế học, mà một lí thuyết hình như đã thắng một lí thuyết khác và thế chỗ của nó, và như thế đã tuân theo sơ đồ kuhnian.

Tuy nhiên những khó khăn về mặt kiến giải bắt đầu xuất hiện khi ta thử đưa vào trong sơ đồ tiến hoá của tư tưởng kinh tế, những lí thuyết khác với những lí thuyết hợp thành trào lưu chính hay những biến thể của hệ chuẩn.

Ví dụ, phải đối xử như thế nào với chủ nghĩa marxist? Trên nhiều phương diện, học thuyết này là một biến thể của lí thuyết cổ điển, đặc biệt là trong phiên bản ricardian của lí thuyết này: do đó chủ nghĩa Marx được nhiều tác giả xem như một sự trỗi dậy của hệ chuẩn cổ điển. Tuy nhiên, phân loại này là không thỏa đáng trong chừng mực mà nội dung của lí thuyết marxist và phương pháp luận marxist là hoàn toàn xa rời những quan điểm của Ricardo. Mặt khác, coi Marx như một nhà ricardian, là phải chăng quên đi những cách kiến giải hegelian của sự nghiệp ông mà, trên một số mặt, là lí thú và mới hơn (ví dụ xem Denis, 1980-1984). Cuối cùng tất nhiên cũng có thể xem chủ nghĩa Marx tự bản thân đã là một hệ chuẩn, do hệ thống ý thức hệ và cách nhìn thế giới hợp nhất trong kinh tế học marxist, và do nhiều phát triển lí thuyết đa dạng mà học thuyết này đã sinh ra.

Những khó khăn tương tự cũng đi cùng với cách đọc có thể gán cho cuộc cách mạng cận biên một khi ta vượt qua bối cảnh của những năm 1870-1900 ở Anh. Rõ ràng là tư tưởng của Walras và trào lưu cân bằng sinh ra từ tư tưởng này là một nhánh của hệ chuẩn tân cổ điển. Tuy nhiên không thể xem tư tưởng này là xuất phát từ cuộc khủng hoảng của hệ chuẩn cổ điển vì tư tưởng cổ điển chưa bao giờ cắm sâu ở Pháp. Ta biết rằng lí thuyết walrasian lấy cảm hứng từ công trình đầu tiên thử toán học hoá kinh tế học do Cournot khởi xướng năm 1838 và việc Walras chấp nhận một chủ nghĩa cartesian nhất định đã gợi ý cho ông quan niệm về kinh tế được xem như một cỗ máy duy lí (Berthoud, 1988: 65-93).

Do đó tư tưởng cân bằng chung có nguồn gốc Pháp nhiều hơn là Anh, như những qui chiếu ngắn gọn về Jevons trong tác phẩm Eléménts déconomie politique pure minh chứng.

Còn sự nghiệp của Menger, và trường phái bắt nguồn từ ông, cũng tỏ ra rất khác biệt với những cảm hứng của Jevons và Walras. Menger là một người theo thuyết “bản chất”, không tin vào cân bằng lẫn tính duy nhất của giá cả, nhưng lại rất quan tâm đến chiều kích lịch sử và những thể chế. Bởi thế, hệ chuẩn ông qui chiếu đến, dù không nghi ngờ gì đó là hệ chuẩn cận biên, trên nhiều phương diện là rất khác. Hơn nữa tiến hoá của những ý tưởng và phương pháp của trường phái Áo sau ông, ví dụ như Hayek là người chống đối phiên bản walrasian của cân bằng chung, cho thấy rõ điều này.    

Một khó khăn khác nổi lên khi ta muốn đánh giá, dựa vào cách nhìn kuhnian về lịch sử các khoa học, vị trí của lí thuyết keynesian. Người ta đã nói đến cuộc “cách mạng keynesian”, nhưng có thể nào nói, theo thuật ngữ của Kuhn, rằng Keynes đã thật sự sáng tạo ra một hệ chuẩn mới không?

Hỗ trợ cho luận điểm này, có thể nói là Keynes một cách nào đó đã từ bỏ phương pháp luận cá thể: hàm cầu của ông không được suy ra từ hành vi duy lí của người tiêu dùng, đúng hơn nó là một “suy diễn táo bạo” dựa trên quan hệ được giả định giữa tổng tiêu dùng và thu nhập quốc gia.       

Đóng góp thật sự mới của Keynes là lập luận với những đại lượng tổng gộp, việc mô hình hoá nền kinh tế bằng sơ đồ ba thị trường tương tác lẫn nhau: thị trường sản phẩm, tiền tệ và lao động, và cuối cùng là ý tưởng cho rằng những điều chỉnh trước những thay đổi của các điều kiện kinh tế phát huy ảnh hưởng trên sản xuất và việc làm hơn là trên giá cả. Hơn nữa, lí thuyết keynesian không những viện đến những “sự kiện mới”, nhưng còn có những dự báo mới về những hiện tượng quen thuộc: đó là xu thế kinh niên sản sinh ra thất nghiệp của những nền kinh tế thị trường.

Ngược lại, năng suất cận biên của tư bản và ưa thích thanh khoản được suy ra từ hành vi tối đa hoá của những tác nhân, và Keynes đã dựa trên những khái niệm cân bằng, cạnh tranh hoàn hảo và so sánh tĩnh vốn là những cơ sở của kinh tế marshallian, phiên bản thực nghiệm của cân bằng chung.

Như vậy ta thấy là một cách đọc bằng những hệ chuẩn không giúp ích gì mấy để đánh giá các lí thuyết kinh tế. Vả lại còn có nhiều lí do, mà chúng tôi sẽ nêu lại trong phần kết luận, khiến cho lịch sử tư tưởng kinh tế không thể kiến giải được theo sơ đồ của lịch sử vật lí học hay thiên văn học ...   

Tuy nhiên, ngạc nhiên trước một số bình luận do lí thuyết ông gây ra trách rằng ông đã từ bỏ thái độ duy lí trước những vấn đề của khoa học, Kuhn đã lặp lại, trong những công trình tiếp sau tác phẩm về “cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học” là những tình thế trong đó các nhà nghiên cứu buộc phải từ bỏ một lí thuyết hay một hệ chuẩn để tiếp nhận một một lí thuyết hay một hệ chuẩn khác là không thể chứng minh được (cannot be resolved by proof) và tiếp đó nêu lên năm đặc tính của một lí thuyết khoa học tốt (Kuhn, 1977: 320-340). Theo ông, một lí thuyết phải chính xác, nghĩa là khớp với những dữ kiện thực nghiệm. Lí thuyết không chỉ nhất quán với chính nó, nhưng còn phải nhất quán với những lí thuyết hiện hành khác. Nó phải có tầm quan trọng lớn, nghĩa là tầm ứng dụng vượt ra ngoài những sự kiện đặc biệt mà lí thuyết lúc đầu nhằm giải thích. Nó phải đơn giản, tổ chức được một cách dễ hiểu những sự kiện mà, nếu không có nó, sẽ bị cô lập hay là hỗn độn. Cuối cùng nó phải phong phú, đem đến những sự kiện và những quan hệ mới, chưa được biết đến, giữa những hiện tượng đã biết.

Năm đặc tính này – chính xác, nhất quán, tầm quan trọng, đơn giản và phong phú – tạo nên cơ sở cho việc lựa chọn các lí thuyết. Tuy nhiên Kuhn thừa nhận rằng năm tiêu chí này, hay những tiêu chí khác cùng loại, không bao giờ đủ để có thể lựa chọn một cách chắc chắn giữa hai lí thuyết cạnh tranh nhau. Không có một thuật toán nào có thể thay thế cho chất lượng phán xét và dự báo nằm ở cội nguồn của những thành công khoa học.

Và như thế phương pháp luận được nhắc nhở là nên có một sự khiêm tốn nhất định!

8. Lakatos và phương pháp luận những chương trình nghiên cứu

Lakatos, nhà triết học và sử gia các khoa học, người chống đối học thuyết mang tính “xã hội” của Kuhn, đến gần với những quan điểm popperian và xây dựng một lí thuyết của tiến hoá khoa học cho phép việc tái thiết kế duy lí sự tăng trưởng của tri thức. Ông cho rằng Kuhn đã bỏ rơi mọi qui tắc đánh giá duy lí những lí thuyết và thực hành xã hội học hay một “tâm lí học đại chúng”. Đây là một nhận định có thể tranh cãi nhưng đưa ông đến việc xây dựng phương pháp luận có tham vọng là chặt chẽ và bảo đảm tính khách quan cho cách tiếp cận. Lakatos trước hết là một sử gia về toán học và đối với ông chứng minh toán học là khuôn mẫu của khoa học chân chính. Do đó ông rất phê phán đối với những khiếm khuyết của phương pháp luận truyền thống, khi nhận xét, ví dụ, là phương pháp luận truyền thống không có ranh giới rõ ràng giữa lí thuyết và quan sát, hay giống như Duhem, cho rằng các lí thuyết được kiểm tra thông qua những giả thiết bổ trợ. Ông còn cho rằng một lí thuyết là tốt hơn một lí thuyết khác khi lí thuyết ấy có nhiều dự báo mới hơn.

Cái ông gọi là phương pháp luận của những “chương trình nghiên cứu” được Lakatos xem là công cụ cho phép đánh giá một phát triển nhất định của khoa học: một chương trình nghiên cứu khoa học là cách mà một số lí thuyết có thể phát triển trong những giai đoạn dài hay ngắn hay ngược lại cách mà những lí thuyết này co cụm lại để rồi rơi vào quên lãng.

Những chương trình nghiên cứu là tốt hoặc xấu, tiến bộ hoặc suy biến. Một chương trình khoa học gồm những lí thuyết T1, T2, T3, ...  nối tiếp nhau, mỗi lí thuyết phải giải thích những hiện tượng được những lí thuyết trước bao quát rồi. Nối tiếp của những lí thuyết là tiến bộ nếu đến lượt nó, mỗi lí thuyết mới có vài dự báo không được lí thuyết trước hình dung. Lí thuyết là tiến bộ một cách thực nghiệm nếu vài dự báo của lí thuyết được kiểm nhận là đúng. Một chương trình không tiến bộ là một chương trình suy biến.

Một chương trình gồm có một hạt nhân rắn (hard core), nghĩa là tập hợp những nguyên lí cơ bản được xem là không thể bác bỏ và không thể bao giờ bị xét lại. Bên ngoài hạt nhân rắn là “vành đai bảo vệ” trong đó có những bất thường và những vấn đề phải qua thử thách của thực nghiệm. Những phản bác có thể có đơn giản là không được biết đến. Như vậy Lakatos giải thích vì sao, dù Popper không muốn, kiểm tra vẫn là quan trọng trong khoa học: người ta quyết định làm việc trên một số vấn đề, và nếu tìm ra được một giải pháp, thì lựa chọn đó được biện minh.

Như thế, đối với M. Blaugh (trong Latsis, 1976: 164-165), không một tí nghi ngờ lí thuyết keynesian là một chương trình nghiên cứu tiến bộ: lí thuyết này có những “sự kiện mới”, làm những dự báo về những hiện tượng đã được biết đến như thất nghiệp dai dẳng. Bản thân sự kiện thất nghiệp không cần phải thảo luận nhưng tất cả những giải thích về sự kiện này được đưa ra trước Keynes là những giải thích ad hoc, giữ nguyên vẹn những hệ quả của lí thuyết đang ngự trị theo đó tình hình này đáng lí không tồn tại. Vả lại, cũng theo Blaug, hầu hết những nhà kinh tế tân cổ điển đều đồng ý với những chính sách chống suy thoái, nhưng những biện pháp này về thực chất là mâu thuẫn với lí thuyết của họ. Trong một nghĩa nào đó, lí thuyết keynesian đã thành công vì cung cấp cho các nhà kinh tế này một cách hợp lí hoá tốt những biện pháp chính trị mà họ bảo vệ. Có thể xem là lí thuyết keynesian như sự thay thế một chương trình nghiên cứu suy biến bằng một chương trình tiến bộ với một nội dung thực nghiệm rộng hơn.

Tất cả những điều trên là tốt đẹp nhưng đâu là tiêu chí đánh giá một lí thuyết? Lakatos không đề ra một phương pháp nào để giúp lựa chọn giữa hai lí thuyết cạnh tranh nhau. Với những tiêu chí của ông nhiều lắm là ta có thể nhìn lui và nói vì sao chương trình này đã tiến bộ và chương trình khác đã suy biến. Đó là một đánh giá hồi cố. Còn về tương lai, phương pháp luận của Lakatos chỉ cung cấp được ít mốc. Thật ra đương nhiên là không có một qui luật chung nào cho phép dự đoán tương lai của một lí thuyết khoa học cả.

Một nhà kinh tế Anh, Rod Cross (1984: 78-100), đã nghĩ là có thể sử dụng tiêu chí lakatosian về “nội dung được xác minh” để đánh giá những thành tựu của học thuyết trọng tiền và của một số lí thuyết cạnh tranh với học thuyết này. Ở đây không thể nêu chi tiết lập luận của ông. Theo ông, học thuyết trọng tiền trải qua một giai đoạn tiến bộ từ 1956 đến 1967, tiếp đến giai đoạn thứ nhì với đặc trưng là có thêm giả thiết tỉ suất thất nghiệp tự nhiên, một giai đoạn trong đó chương trình nghiên cứu trọng tiền có một nội dung tăng dần và được xác minh. Từ 1973, không thêm yếu tố lí thuyết nào mới ngoại trừ những giả thiết ad hoc được tạo ra để chống lại những sự kiện trái với lí thuyết trọng tiền. Do đó từ mười lăm năm nay chương trình trọng tiền là suy biến.

Theo Rod Cross, một điều tương tự cũng xảy ra cho phiên bản chính thống của học thuyết Keynes, cũng như cho kinh tế học vĩ mô của những nhà “cổ điển mới”. Duy chỉ học thuyết Keynes về mất cân bằng có dáng dấp của một lí thuyết tiến bộ và sản sinh ra một “nội dung có thực chất mà phần lớn chưa được kiểm định do thiếu chỉ định những điều kiện ban đầu”.                        

Trong trường hợp này cũng thế, chúng ta đứng trước một dạng lịch sử tăng trưởng của tri thức – một hiểu biết chỉ có thể là hồi cố nhưng không có gì là dự báo và chỉ liên quan một cách thứ yếu đến việc đánh giá những lí thuyết, và khi mọi chuyện đã xong.

Chú thích

(1) Xem bài Lịch sử phân tích kinh tế (ND).

Nguồn dịch: Phantichkinhte123:Những tiêu chí của tính khoa học trong kinh tế

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước