[Tinh thần dân chủ] Chương 7: Những thành tố góp phần duy trì chế độ dân chủ (Phần 3)

[Tinh thần dân chủ] Chương 7: Những thành tố góp phần duy trì chế độ dân chủ (Phần 3)

XÃ HỘI DÂN SỰ

Trong suốt giai đoạn lịch sử hiện đại của mình, sự đa dạng của Ấn Độ vừa là mối đe dọa vừa là sự cứu rỗi. Muốn tồn tại như một nền dân chủ, nước này phải học cách quản lí và thích ứng với sự chia rẽ sâu sắc về đẳng cấp, tôn giáo, khu vực và sắc tộc. Đồng thời, xã hội dân sự cực kì nhiều màu sắc là nền tảng vững chắc cho sự tồn tại dai dẳng của chế độ dân chủ ở Ấn Độ. Trong thế kỉ trước, các hiệp hội nghề nghiệp, các liên hiệp công đoàn, các nhóm dân chúng bình thường, các phong trào xã hội theo đường lối của Gandhi và các phương tiện truyền thông đại chúng độc lập đã cung cấp năng lượng cho xã hội dân sự sống động mà nếu còn sống, Alexis de Tocqueville cũng sẽ phải thán phục.

Xã hội dân sự của Ấn Độ bao gồm những nhóm người với những quyền lợi và giá trị khác hẳn nhau; và chính xã hội dân sự lại là vũ đài của các vụ xung đột chính trị. Hơn nữa, không phải tất cả các nhóm trong xã hội dân sự đều trung thành với những giá trị và mục tiêu của dân chủ. Nhưng, các nhóm trong xã hội dân sự cùng chia sẻ – theo định nghĩa về chính xã hội dân sự – một số tính chất quan trọng nhất: độc lập với nhà nước, được tổ chức – ngay cả nếu tương đối lỏng lẻo và phi chính thức – vì một cái gì đó có liên quan tới lĩnh vực xã hội và có khả năng huy động các nguồn lực và hành động theo lối tập thể. Họ có thể bảovệ và thúc đẩy quyền lợi của nhóm, nếu đấy là các nhóm của những người làm kinh tế, những người cùng ngành nghề hay cùng sắc tộc; họ cũng có thể thúc đẩy những mục tiêu rộng lớn hơn, như nhân quyền, chất lượng môi trường, trao quyền cho phụ nữ, công bằng xã hội và bảo vệ người tiêu dùng. 

Xã hội dân sự đầy khí thế không những có vai trò quan trọng sống còn trong việc ngăn chặn và giới hạn việc lạm dụng quyền lực của nhà nước, mà còn giữ gìn và cải thiện chế độ dân chủ. Các tổ chức của xã hội dân sự cung cấp các kênh – ngoài các đảng phái và các chiến dịch tranh cử – để công dân tham gia vào chính trị và quản lý, thể hiện những nỗi bất bình và bảo vệ quyền lợi của họ.

Ở địa phương, các tổ chức của những bần cố nông, của dân bản địa, của phụ nữ và người nghèo có thể thách thức những ông trùm độc tài và bất bình đẳng thâm căn cố đế, làm chuyển hóa các quan hệ về quyền lực. Toàn bộ hoạt động của xã hội dân sự hướng tới phát triển cá nhân và tự lực là ở đây. Khi xã hội dân sự tỏ ra có hiệu quả trong việc tổ chức cộng đồng nhằm thúc đẩy quyền lợi của họ thì cũng là lúc nó gánh bớt một số việc cho nhà nước và gia tăng tính chính danh của toàn bộ hệ thống.

Tất cả những chức năng này (và còn hơn thế nữa) đều hiện rõ trong hiệu suất cực kì cao của xã hội dân sự trong nước Ấn Độ dân chủ. Cuộc đọ sức ngắn ngủi với chế độ độc tài trong giai đoạn khẩn cấp dưới thời Indira Gandhi đã làm sống lại những tiêu chuẩn phản thực dân của cuộc đấu tranh chống áp bức và tạo đà cho các nhóm nhân quyền như Liên minh Nhân dân vì các Quyền tự do Dân sự (People’s Union for Civil Liberties). Trong ba thập kỉ qua, các phong trào quần chúng của Ấn Độ “nhắm vào những hình thức bất công khác nhau”, như “lệ thuộc trên cơ sở đẳng cấp cha truyền con nối”, phá hủy một cách tùy tiện môi trường thiên nhiên mà người dân dựa vào để tìm nguồn sống, và kì thị giới đã ăn sâu bén rễ trong xã hội. Họ đã lên tiếng bảo vệ những người Ấn Độ nghèo và không có quyền lực bị đẩy ra khỏi nơi sinh sống để lấy đất xây đập, khai mỏ, đặt giàn hỏa tiễn hay những người bị mất nguồn sống vì những vụ phá rừng bất hợp pháp. Trong những năm 1980 và 1990, phong trào Narmada Bachao Andolan (Hãy cứu lấy Narmada) đã tổ chức những cuộc biểu tình phản đối có hàng chục ngàn người nghèo, những người bị những dự án xây đập lớn trên thung lũng sông Narmada đe dọa, những con đập này làm hàng triệu người, chủ yếu là nông dân và người “bộ tộc” và phá hủy hàng chục ngàn hecta đất rừng. Sự ủng hộ kiên cường của xã hội, những cuộc phản đối theo kiểu của Gandhi (như tuyệt thực, tẩy chay, tuần hành trên đoạn đường dài), kiện tụng và kêu gọi quốc tế xây dựng liên minh đa quốc gia, đã giành được thắng lợi khi Tòa án Tối cao quyết định trì hoãn vô thời hạn việc thực hiện dự án này.

Các phương tiện truyền thông đại chúng đa nguyên Ấn Độ cũng có vai trò dân chủ then chốt, họ đã tố cáo những vụ tham nhũng của những quan chức cao cấp, phơi bày tình cảnh tuyệt vọng và những vụ tự tử của những người nông dân nghèo khó vướng vào nợ nần. Xu hướng thách thức những hành vi phạm pháp đã ăn sâu bén rễ từ thời kỳ thuộc địa và đã được đánh thức bởi sự xấu hổ trước hành động đầu hàng bộ máy kiểm duyệt trong giai đoạn cai trị bằng sắc lệnh của bà Gandhi. “Đã hình thành một nền báo chí ngày càng hiếu chiến và đôi khi có thái độ bất kính, thể hiện bởi mối quan hệ mang tính chống đối với chính quyền.” Từ khi ban hành lệnh khẩn cấp, “báo chí Ấn Độ đã thực hiện vai trò giám sát, họ tố cáo những vụ tham nhũng của chính phủ, buộc các công chức ngoan cố phải làm việc, tố cáo sự bàng quan của chính phủ trước những vụ bạo lực chống lại người thiểu số và những nhóm người thuộc đẳng cấp thấp, và viết phóng sự về những thất bại trong công việc quản lý trên khắp mọi vùng của đất nước.” Những bài điều tra các vụ tham nhũng và những vụ bê bối khác đã làm cho thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng thông tin và người đứng đầu một trong những bang với nạn tội phạm hoành hành dữ dội nhất – bang Bihar – bị mất chức. Tái khẳng định quyền tự do của báo chí trùng với sự bùng nổ số lượng các phương tiện truyền thông đại chúng. Năm 2006, có trên sáu mươi ngàn tờ báo, xuất bản bằng 123 thứ tiếng và phương ngữ khác nhau, với 200 triệu độc giả và truyền hình vệ tinh với 230 triệu người xem. Mặc cho “việc sáp nhập liên tục trong ngành báo chí” đã làm giảm nội dung và đóng góp về mặt công dân của báo chí,3 nó vẫn là vũ đài đa dạng nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nước và có khả năng ngăn chặn những hành vi sai trái của chính phủ.

Các nhóm trong xã hội dân sự còn thúc đẩy những cuộc cải cách cụ thể nhằm cải thiện chế độ dân chủ. Ở Ấn Độ, cũng như ở các nước dân chủ khác, chiến dịch trong thời gian gần đây đã giúp thông qua Luật về Quyền Thông tin (tương tự như Luật về Tự do Thông tin của Hoa Kỳ) ở chín bang và trong quốc hội vào năm 2005. Luật này buộc mỗi bộ trong chính phủ đều phải chỉ định một quan chức phụ trách thông tin công cộng, trong vòng 30 ngày phải trả lời yêu cầu của công luận hay phương tiện thông tin đại chúng. Chiến dịch đòi hỏi minh bạch đã tạo ra những biện pháp đầy sáng kiến để xã hội tham gia kiểm soát, như jan sunwai (điều trần trước dân), trong đó, “các quan chức và những người đại diện dân cử địa phương báo cáo trước dân làng, có mời cả các nhà trí thức và những nhân vật có uy tín trong xã hội.” “Hình thức chống tham nhũng mới” này tìm cách phơi bày những hành động tham nhũng cụ thể bằng cách “sử dụng năng lực điều tra của những người dân bình thường” và tập trung vào chính quyền cơ sở, “nơi mà việc ăn cắp tài sản công là do các cá nhân thực hiện và nơi mà các công dân có thể (thực sự) làm được nhiều nhất nhằm chỉ ra cơ cấu chính xác của hành vi tham nhũng.” Những cố gắng như thế của những người dân bình thường, thường lôi kéo được cả các chuyên gia tinh hoa, những quan chức đã nghỉ hưu và người nghèo thuộc những đẳng cấp thấp, đã động viên được một đội quân đông đảo “các kiểm toán viên-công dân” nhằm siết chặt lương bổng, lương thực thực phẩm và những dịch vụ của chính phủ mà các quan chức được hưởng và chống lại những hành động bất hợp pháp, như nạn nhũng nhiễu của cảnh sát và tái định cư các khu ổ chuột, là những hiện tượng đang sinh sôi nảy nở trong bối cảnh tham nhũng chính trị hiện nay.

Theo một báo cáo, năm 2002 Ấn Độ có hơn một triệu NGO. Phần lớn các NGO này hoạt động trong lĩnh vực phát triển và cung cấp các dịch vụ như giáo dục tiểu học, chăm sóc sức khỏe ban đầu, cung cấp nước và vệ sinh, cung cấp những khoản vay nhỏ và công nghệ phù hợp. Số khác tập trung giải quyết các vấn đề xã hội như giao thông, tội ác, ô nhiễm và giải trí. Mặc dù những hoạt động này không trực tiếp tăng cường dân chủ, nhưng chúng giúp giải quyết những vấn đề kinh tế và xã hội có thể đe dọa chế độ dân chủ. Hơn nữa, trong khi cổ vũ sự quan tâm của công dân và sáng kiến của những người dân bình thường, các nhóm này đã giữ gìn tinh thần của Mahatma Gandhi trong khi tạo ra “vốn xã hội” và quan hệ tin cậy theo chiều ngang, hợp tác và tinh thần nhân nhượng lẫn nhau, tạo điều kiện cho người dân hợp tác vì lợi ích chung. Nhưng không phải tất cả các NGO đều có ích cho dân chủ. Một số NGO là những tổ chức phi tự do và “không có tinh thần công dân”, họ thường rao giảng thái độ bất dung tôn giáo hay sắc tộc. Những nhóm xô-vanh trong Ấn giáo đã và vẫn đang tổ chức những vụ bạo lực chống lại người Hồi giáo hay Thiên Chúa giáo và thường biện hộ cho thái độ kì thị và không cho những người ngoài tôn giáo của mình tham gia vào công việc của đất nước. Thậm chí ngay cả những tổ chức ủng hộ dân chủ cũng không phải lúc nào cũng thực hiện dân chủ nội bộ và có trách nhiệm giải trình với bên ngoài. Nhưng “ngay cả khi một bộ phận của xã hội dân sự còn chưa được dân chủ ... xã hội dân sự mạnh mẽ của Ấn Độ đã và vẫn là bức tường thành bảo vệ dân chủ của nước này.”

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường