[Chế độ dân chủ: nhà nước và xã hội] - Chương 5: Bầu cử - cơ chế thực thi dân chủ quan trọng
1. Bầu cử là gì?
Dân chủ đòi hỏi phải có tổng tuyển cử trực tiếp và công khai. Nhưng ở đây tồn tại nhiều vấn đề phức tạp và mâu thuẫn không chỉ về mặt thực tiễn mà còn cả về mặt triết học, vì cử tri khác nhau không chỉ về năng lực mà còn về đóng góp đối với xã hội, họ có những kinh nghiệm sống, đam mê và quyền lợi hoàn toàn khác nhau.
Bầu cử dân chủ là gì?
Jeane Kirkpatrick, cựu đại sứ Mĩ ở Liên Hợp quốc phát biểu về vấn đề này như sau: “Bầu cử không chỉ có ý nghĩa tượng trưng… Đấy là những cuộc bầu cử theo định kì, có tính cạnh tranh, đại diện và chung cuộc; trong khi tiến hành tuyển cử, công dân có quyền tự do chỉ trích chính phủ, công bố sự chỉ trích và đưa ra kiến nghị, lựa chọn những người tham gia vào việc giải quyết những vấn đề hệ trọng trong chính phủ”. Như vậy là, theo Jeane Kirkpatrick, những tiêu chí chủ yếu của bầu cử là: cạnh tranh, định kì, đại diện và chung cuộc.
Sau đây chúng ta sẽ xem xét từng tiêu chí một cách cụ thể.
Tính cạnh tranh. Cạnh tranh đòi hỏi không chỉ khả năng tham gia tranh cử của phe đối lập. Quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do đi lại phải được tôn trọng. Đối lập phải được sử dụng các phương tiện phát thanh và truyền hình, không bị áp dụng những biện pháp kiểm duyệt bổ sung.
Tính định kì. Định kì là tiêu chí cực kì quan trọng, có nghĩa là sau một thời gian nhất định (do Hiến pháp quy định) các lãnh tụ chính trị lại phải được quần chúng cử tri uỷ nhiệm cho tiếp tục nắm giữ chức vụ. Xã hội dân chủ khác với các chế độ khác ở chỗ một lãnh tụ chính trị nào đó có thể không được bầu (không tái đắc cử). Tại nhiều nước quy luật này không được áp dụng cho các quan tòa.
Tính đại diện. Mọi người đều biết rằng chính phủ do một nhóm nhỏ nào đó bầu ra không thể được coi là chính phủ dân chủ. Lịch sử đã chứng kiến những cuộc đấu tranh của các nhóm dân chúng khác nhau (dân tộc, tôn giáo, sắc tộc thiểu số) vì bị tước quyền bầu cử.
Tính chung cuộc. Tính chung cuộc đòi hỏi rằng các lãnh tụ được bầu thông qua thể thức dân chủ sẽ có thể thực sự dựa vào hiến pháp để thực thi quyền lực được giao.
Muốn cho bầu cử dân chủ được công bằng thì phải có một hình thức tổ chức đặc biệt, cũng như có nhiều ứng cử viên cho một chức vụ. Trừ những nước quá nhỏ, dân chúng có thể trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề thuộc về chính sách quốc gia, những nước khác đều cần tổ chức các cuộc bầu cử để tìm ra những người đại diện cho dân chúng (cử tri) vào các cơ quan đại diện như quốc hội, thượng viện, hạ viện… Dĩ nhiên là quyền bầu cử và ứng cử càng được mở rộng thì càng tốt. Tùy từng nước mà người ta đặt ra các điều kiện hạn chế khác nhau về tư cách cử tri. Đấy là những điều kiện về tuổi tác, về quốc tịch, về đạo đức.
Thí dụ, ở Nam Phi đã từng tồn tại những hạn chế về quyền công dân trên nguyên tắc chủng tộc.
Trong một thời gian khá dài trước đây đã từng có những quy định về tài sản tối thiểu đối với cả cử tri và ứng cử viên. Xin dẫn ra một vài thí dụ:
Hiến pháp Mĩ (năm 1787) chỉ cho 120 ngàn người có quyền bầu cử trong khi dân số ở Mĩ lúc đó khoảng 3 triệu người.
Hiến pháp nước Pháp thời vua Louis XVIII (năm 1814) quy định rằng chỉ những người có mức đóng thuế trên 300 franc mới đủ tư cách cử tri.
Quy định về tài sản tối thiểu hiện nay thường núp dước hình thức tinh vi, đấy là hạn chế người dân thường tiếp xúc với thông tin và thủ tục bầu cử.
Quyền phổ thông đầu phiếu đối với nam giới trên 21 tuổi được áp dụng lần đầu tiên trong Cách mạng Pháp cuối thế kỉ XVIII, nhưng chỉ được áp dụng có một lần. Phải nửa thế kỉ sau người ta mới khôi phục lại quyền này, nhưng đồng thời lại đưa ra hạn chế về thời hạn cư trú.
Ngoài ra, ở một số nước, phụ nữ vẫn chưa có quyền bầu cử và ứng cử.
Ở một số nước, tuổi bầu và ứng cử được quy định giống nhau. Thí dụ, Thuỵ Sĩ là 20; Úc, Anh, Ireland, New Zealand, Na Uy là 21, Đan Mạch là 23. Nhiều nước lại cho rằng người ứng cử phải có kinh nghiệm, vì vậy ở Mĩ, Ấn Độ, Nhật Bản phải trên 30 tuổi mới được ứng cử vào Thượng viện, Brazil và Pháp là 35; ở Bỉ, Lybia và Thổ Nhĩ Kì, chỉ những người trên 40 tuổi mới được ứng cử vào Thượng viện.
Giới hạn thứ hai về quyền ứng cử liên quan đến vấn đề quốc tịch. Thường thì các ứng cử viên phải là công dân nước sở tại ngay từ khi chào đời hoặc đã là công dân trong một khoảng thời gian nhất định, khác nhau, tùy nước. Nhưng bên cạnh đòi hỏi về tư cách công dân đôi khi còn có thêm, thí dụ như Mĩ, đòi hỏi rằng người ứng cử phải định cư ở trong nước.
Cuối cùng, ứng viên phải là người có tiếng tăm trong sạch. Mỗi nước quan niệm về tiêu chí này một khác. Thí dụ, ở Áo, New Zealand, Ireland, Pháp, Thụy Điển pháp luật tỏ ra rất nghiêm khắc đối với hiện tượng tham nhũng, mất khả năng chi trả hay phá sản của ứng viên. Còn ở Hà Lan, tù nhân có thời hạn dưới một năm chỉ bị tước quyền bầu cử chứ không bị tước quyền ứng cử.
Ở một số nước, ứng viên còn phải qua một kì sát hạch về trình độ; ở Thổ Nhĩ Kì, chỉ những người có bằng đại học mới được ứng cử vào Hạ viện. Ở một số nước, điều kiện ứng cử vào Thượng viện được quy định rất rõ ràng, cụ thể. Thí dụ, ở Bỉ, chỉ các bộ trưởng, cựu bộ trưởng, hạ nghị sĩ, những người có bằng đại học, lãnh đạo các công ty lớn, cựu lãnh đạo các hội nghề nghiệp hoặc những người đóng thuế thu nhập trên 300 franc Bỉ một năm mới được quyền ứng cử thượng nghị sĩ.
Giám đốc các ngành công nghiệp quốc gia ở Anh, Ireland, Ấn Độ bị hạn chế quyền ứng cử.
Ở một số nước, người ta cho rằng ứng cử ở khu vực, nơi ứng viên có thể gây áp lực đối với cử tri là hành động vô luân.
Đôi khi người ta phải làm như sau: người muốn tranh cử từ nhiệm trước khi chiến dịch tranh cử bắt đầu và không đòi hỏi quay trở lại chức vụ cũ nếu thất cử. Chúng tôi cho rằng đấy là cách giảm áp lực của chính quyền địa phương đối với các cuộc bầu cử, và nếu áp dụng cách làm như thế thì các cuộc bầu cử ở nước ta sẽ diễn ra một cách dân chủ hơn. Cuộc đấu tranh một cách trung thực giữa các chương trình tranh cử cũng có ảnh hưởng rất lớn.
Trong những năm gần đây, nhiều nước đã đi theo xu hướng dân chủ hóa các hệ thống tuyển cử. Thí dụ, các nước như Jordan, Nepal đã tiến hành tuyển cử, các cuộc tuyển cử dân chủ được tiến hành ngay cả ở Nam Phi, tuyển cử đa đảng thay vì độc đảng đã diễn ra ở Senegal, Zambia, Campuchia.
Như vậy, tham gia bầu cử là hoạt động chính trị tối thiểu được hiến pháp bảo đảm cho mỗi cá nhân.
Một mặt đấy là quyền và mặt khác cũng là trách nhiệm của mỗi công dân, tham gia vào hoạt động như thế chính là đưa các nguyên tắc dân chủ vào cuộc sống.
Mỗi nước khác nhau có những đòi hỏi khác nhau đối với cử tri và ứng cử viên. Ngoài ra, hệ thống tuyển cử ở mỗi nước cũng có những đặc điểm khác nhau. Có thể liệt kê ba phương án sau đây:
1. Hệ thống tuyển cử theo tỉ lệ - bầu cử theo danh sách của các đảng. Trong hệ thống này, lại có thể có những trường hợp như sau: a) cử tri bỏ phiếu cho những nhóm người đại diện cho các đảng hay do các đảng cử ra; b) cử tri có quyền lựa chọn một người nào đó trong danh sách hay đôi khi có thể đề nghị ứng viên mà mình muốn chọn.
Hệ thống này có một số ưu điểm là nhờ cách này mà những nhóm thiểu số cũng có đại diện trong các cơ quan dân cử. Nhưng mặt khác, thường thì lãnh tụ các đảng phái không có quan hệ trực tiếp với khu vực bầu cử, không sống ở đó, nguyên tắc quan hệ qua lại giữa cử tri và ứng cử viên đã bị vi phạm. Về thực chất, ứng cử viên tuy đại diện cho cả dân tộc, nhưng lại chỉ chịu trách nhiệm trước đảng của mình. Hệ thống này được áp dụng ở Italy, ở nhiều nước Mĩ Latin, ở Israel và nhiều nước khác. Nga cũng áp dụng hệ thống này khi bầu đại biểu Hạ viện (Duma quốc gia).
2. Hệ thống đa số - đảng hoặc liên hiệp các đảng vượt trước các đảng khác trong bầu cử nắm đa số trong các cơ quan đại diện. Mâu thuẫn ở đây là gì? Thứ nhất, đảng hay liên hiệp các đảng phái được 49% phiếu bầu có thể không có đại diện trong quốc hội, nghĩa là một phần khá đông dân chúng không có ảnh hưởng, thông qua đại diện của mình, đối với đời sống của đất nước. Nhưng mặt khác, những cuộc bầu cử như thế thường tạo ra các chính phủ ổn định. Hệ thống này từng được áp dụng ở Pháp, trong đó việc kiểm phiếu không chính xác trong các cuộc bầu cửa vào năm 1893 và 1902 đã dẫn đến việc là các đại biểu nhận được ít phiếu bầu hơn lại đắc cử. Canada, Ấn Độ và Mĩ cho đến tận thời gian gần đây vẫn còn áp dụng hệ thống này.
Ưu điểm của hệ thống này là mối liên hệ gắn bó giữa cử tri và đại biểu vì mỗi khu vực chỉ có một đại biểu và đại biểu đại diện cho khu vực của mình.
Nhưng lại có ý kiến cho rằng hệ thống này có thể tạo ra các xung đột trong những xã hội mất ổn định vì dưới mắt dân chúng, những cuộc tuyển cử như thế có thể bị coi là không chính danh. Bạn có đồng ý với quan điểm này không?
Chính danh (từ Latin - legitimus - hợp pháp) là thủ tục để xã hội công nhận một hành vi, một người hay một sự kiện nào đó. Chính danh nghĩa là hợp pháp, được xã hội thừa nhận, không chính danh là phi pháp, không được xã hội công nhận. Ngoài ra, vì mỗi khu vực chỉ bầu một người nên uy tín cá nhân của người đó đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, các đảng sẽ cố gắng lựa chọn những người nổi tiếng trong khu vực làm đại diện ứng cử. Nhưng những người này lại có thể không có đủ trình độ giải quyết các vấn đề mang tầm quốc gia và có thể gây thiệt hại đối với quyền lợi chung.
3. Hệ thống đa số tuyệt đối. Trong hệ thống náy, các đảng nhỏ cũng không có đại diện trong các cơ quan lập pháp và hành pháp. Hệ thống này đòi hỏi hai vòng bầu cử. Các đảng thường thỏa hiệp với nhau trong giai đọan bầu cử. Mĩ đã chuyển sang hệ thống tính phiếu bầu theo đa số tuyệt đối, Pháp và Đức cũng áp dụng hệ thống này.
Ngưỡng bầu cử. Mục đích của cách làm này là giảm bớt sự phân tán phiếu bầu và đại biểu.
Thí dụ, ở Hi Lạp, chỉ các đảng thu được trên 17% phiếu bầu mới được vào vòng hai; ở Pháp, các đại biểu phải có trên 12,5% mới được vào vòng hai. Có nước lại đặt ra phần trăm phiếu bầu tối thiểu mà một đảng hay liên hiệp các đảng phải có để có thể có đại biểu đại diện trong quốc hội:
Ở Tây Ban Nha - 3%
Ở Ba Lan (từ 1993) - 7%
Ở Thổ Nhĩ Kì - 10%
Có nước lại đặt ra phần trăm trung bình (thường là 5%), Nga đã áp dụng cách này từ cuộc tuyển cử tháng 12 năm 1993.
Một vấn đề đặc biệt quan trọng (nhưng mới nhìn lại có vẻ không có ý nghĩa lắm) là việc xác định khu vực bầu cử. Thiếu sự quan tâm cần thiết đến vấn đề này có thể dẫn đến nhiều rắc rối.
Thí dụ, ở Anh từ thế kỉ XVI đến thế XIX không hề có sự phân chia lại khu vực bầu cử nên các trung tâm công nghiệp như Manchester, Birmingham, Leeds vào thế kỉ XVI chưa tồn tại nên không có đại biểu trong Viện thứ dân, trong khi khu Old Sarum chỉ có 7 người dân lại có đến 2 đại biểu, hoặc khu Davich chỉ có 1 người dân và người này nghiễm nhiên trở thành đại biểu.
Cũng không được quên rằng, việc phân chia lại khu vực bầu cử có thể được sử dụng như một phương tiện đấu tranh chính trị. Ở Nhật, trong một thời gian dài phiếu của cử tri nông thôn (một số nhà xã hội học cho rằng nông dân bảo thủ hơn) có giá trị cao gấp ba lần phiếu của người thành phố, còn ở Na Uy thì đến tận năm 1952 hai phần ba đại biểu quốc hội là do nông dân bầu chọn, mà điều này được ghi trong hiến pháp.
Người ta lợi dụng việc phân chia khu vực vào mục đích chính trị như thế nào? Nếu biết cảm tình chính trị ở một khu vực nào đó thì có thể dùng biện pháp phân chia khu cực bầu cử để điều chỉnh kết quả. Biện pháp này được gọi là chủ nghĩa Jerry (theo tên thống đốc bang Massachusetts, Elbridge Jerry, người đã chia lại bang vào năm 1912 nhằm giành ưu thế cho đảng của mình trong cuộc bầu cử vào năm đó)
Ứng cử viên được giới thiệu như thế nào? Có rất nhiều cách, phụ thuộc vào hệ thống chính trị và truyền thống của từng nước.
Ở Mĩ: Áp dụng phương pháp gọi là “primary”, nghĩa là bầu cử sơ bộ, cử tri chọn ra đại diện của đảng sẽ tham gia vòng tiếp theo, đại biểu được chỉ định từ dưới lên.
Ở Pháp: Đại biểu các khu vực do trung ương cử.
Ở Anh: Ứng viên Đảng Bảo thủ ở Anh do các hội đồng lựa chọn, còn ứng viên Công đảng thì do công đoàn và các tổ chức cơ sở của đảng giới thiệu.
Tại Canada: Đảng viên cơ sở giới thiệu đại biểu đại diện cho đảng của mình.
Các đảng muốn tham gia tranh cử phải:
1. Nộp tiền kí quĩ.
2. Trình bày nội quy và cương lĩnh của đảng.
3. Ứng viên (hoặc đại biểu) ở một số nước không được liên hệ với chính phủ, nghĩa là không được có lợi tức từ các cơ sở của chính phủ.
Một nguyên tắc nữa cũng thường được áp dụng, kể cả ở nước ta, đấy là các đảng và ứng viên phải thu thập được một số lượng chữ kí nhất định mới được tham gia ứng cử. Số chữ kí thường từ vài trăm đến vài ngàn. Giai đọan vận động bầu cử thường kéo dài 1 tháng (ở Anh) cho đến 3 tháng (ở Đức).
Các cơ chế khác cũng thường được sử dụng trong các chiến dịch tranh cử. Quảng cáo là một trong các biện pháp quan trọng nhất vì hình ảnh của ứng viên và của đảng có ý nghĩa rất lớn đối với cử tri. Người ta còn tìm đủ mọi cách để tiếp xúc với cử tri, từ việc sử dụng những kĩ thuật tân kì nhất để có thể tiếp xúc với thật nhiều cử tri cho đến việc đi từng nhà. Dù truyền hình thuộc chính phủ hay tư nhân thì luật bầu cử tại các nước dân chủ vẫn thực hiện nguyên tắc dành thời lượng phát sóng như nhau cho các đảng phái. Nhưng thường thì các đảng phái đã có chân trong quốc hội vẫn có lợi thế hơn.
Phải nói thêm rằng, hầu hết các nước đều có quy định về việc hạn chế công bố các kết quả thăm dò dư luận xã hội vì chúng có thể ảnh hưởng đến những người còn chưa có ý kiến dứt khoát. Ở Đức, không được công bố các kết quả thăm dò dư luận xã hội trong vòng hai tuần trước khi diễn ra bầu cử, ở Nhật thì cấm công bố các kết quả như thế trong suốt thời gian vận động tranh cử.
Cung cấp tài chính. Tất cả các cuộc vận động tranh cử đều rất tốn kém. Các nước thường áp dụng các biện pháp cung cấp tài chính sau: quĩ của đảng; trợ cấp của chính phủ; quyên góp; tiền của chính ứng cử viên (Kennedy và Nixon là những người sử dụng rất nhiều tiền riêng vào vận động tranh cử).
Chúng ta sẽ xem xét cụ thể vấn đề tài trợ của chính phủ và hoạt động quyên góp cho các chiến dịch tranh cử.
Tài trợ của chính phủ. Ở nhiều quốc gia, tiền in ấn tài liệu và chi phí cho truyền hình và phát thanh được chính phủ tài trợ. Nhưng thường thì chỉ các đảng đang có đại diện ở quốc hội mới được tài trợ, số tiền tài trợ phụ thuộc vào số ghế mà đảng đó đang nắm ở quốc hội.
Ở Anh, nhà nước chỉ trợ cấp cho các đảng nắm từ 2 ghế trở lên.
Ở Đức, các đảng được hơn 0,5% phiếu bầu sẽ được hoàn lại một phần chi phí tranh cử.
Ở Canada, chính phủ cũng hoàn lại một phần chi phí tranh cử cho các đảng có chân trong quốc hội.
Quyên góp. Quĩ quyên góp thường được quy định cụ thể trong các văn bản pháp quy. Số tiền quyên góp thường được giới hạn, thí dụ, Luật về các chiến dịch bầu cử Liên bang của Mĩ (sửa đổi năm 1974) quy định mỗi người một năm chỉ được góp không quá:
1 ngàn dollar - cho mỗi ứng viên
20 ngàn dollar - cho quĩ đảng
5 ngàn dollar - cho bất kì tổ chức chính trị nào khác
Tổ chức hoặc người ngọai quốc cũng có thể đóng góp cho đảng phái nào đó. Thời gian gần đây, báo chí đăng tải nhiều tài liệu về việc Đảng Cộng sản Liên Xô cung cấp tài chính cho các đảng cộng sản khác trên thế giới. Có cảm tưởng như chỉ có những người cộng sản mới trợ cấp cho các đảng cộng sản khác như thế. Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại và Đảng Cộng sản Liên Xô hoàn toàn không phải là ngoại lệ. Nhiều đảng phái đã sử dụng khoản tiền trợ cấp từ nước ngoài. Nhưng vì chưa có đủ tài liệu nên chúng tôi không thể đưa ra được số liệu và các nguồn tài trợ cụ thể.
Việc kiểm phiếu được thực hiện ra sao?
Trước hết, cần phải ngăn chặn tất cả các kiểu gian lận có thể xảy ra. Có hai biện pháp giảm thiểu gian lận được mọi người công nhận như sau:
1. Sự có mặt của đại diện các ứng cử viên trong khi mở hòm phiếu và khi kiểm phiếu. Đôi khi người ta còn cho các đại diện bên ngoài, thí dụ, đại diện các phương tiện thông tin đại chúng chứng kiến nữa.
2. Tuyệt đối tuân thủ cơ chế kiểm phiếu và cách xử lí đối với phiếu bầu đã được pháp luật quy định.
Việc kiểm phiếu kịp thời cũng giúp ngăn chặn phần nào khả năng gian lận. Hơn nữa, những phương tiện kĩ thuật hiện đại cho phép hoàn thành công việc kiểm phiếu trong vòng một hai ngày.
Các số liệu sau đây có thể bị tính sai:
1. Phần trăm cử tri tham gia bỏ phiếu;
2. Phần trăm phiếu bầu của từng đảng;
3. Số đại biểu trúng cử.
Kết quả kiểm phiếu có thể gây tranh cãi. Trọng tài trong những trường hợp như thế có thể là quốc hội vừa mới được bầu lên. Italy, Hà Lan, Thụy Sĩ thường làm như thế. Một số nước lại dùng các trọng tài độc lập. Thường thì đấy là tòa án các cấp, đôi khi là Hội đồng Hiến pháp như ở Anh hay Tòa án Tối cao ở Pháp, Áo, Thổ Nhĩ Kì... Có những trường hợp, thí dụ như ở Costa-Rica, người ta phải lập ra tòa án đặc biệt gọi là Tòa án Bầu cử Tối cao.
Dù sử dụng bất kì hình thức nào được liệt kê bên trên thì trong các nhà nước dân chủ công việc bầu cử cũng phải được tiến hành một cách minh bạch, việc kiểm phiếu được kiểm soát nhằm tránh mọi sự gian lận có thể xảy ra.
Ở phần lớn các nước xã hội chủ nghĩa, trong một thời gian dài, việc bầu cử chỉ mang tính hình thức, bởi thường chỉ có một ứng cử viên. Việc thiếu các thủ tục dân chủ, để cho cá nhân có thể tác động lên chính sách của nhà nước làm cho quần chúng bàng quan đối với việc lựa chọn những người đại diện cho mình. Kết quả là tất cả các ứng viên do cấp trên giới thiệu đều trúng cử.
Dưới tác động của dư luận xã hội, từ cuối những năm 80 của thế kỉ XX, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã thực hiện những cuộc cải tổ to lớn trong hệ thống bầu cử. Thí dụ, năm 1989, ở Ba Lan, đại diện Công đoàn Đoàn kết (đối lập) đã được 99 trên 100 ghế tại Thượng viện và 161 trên 460 ghế tại Hạ viện. Cuộc bầu cử ở Ba Lan năm 1989 đã trở thành cột mốc quan trọng trên con đường dân chủ hóa Đông Âu.
Hiện nay, những quá trình tương tự cũng đang diễn ra ở các nước SNG, Mĩ Latin, châu Phi. Những cuộc bầu cử thực sự công bằng, có thể đem lại những thay đổi thực sự đang ngày càng được nhiều nước trên khắp thề giới đem ra áp dụng.
2. Hệ thống bầu cử ở Nga
Hệ thống bầu cử theo những nguyên tắc dân chủ vừa mới được thành lập ở nước Nga.
Theo chúng tôi, quốc hội hữu hiệu phải là quốc hội đa đảng.
Đại diện các đảng phái và kỉ luật nội bộ từng nhóm sẽ giúp điều chỉnh các chức năng của cả lập pháp và hành pháp của nước Nga. Nhưng, như các cuộc bầu cử năm 1993 cho thấy, hệ thống đa đảng chưa thực sự hình thành, mặc dù ở Nga đã có rất nhiều đảng phái chính trị (chi tiết, xem chương 7). Mọi người đều biết rằng các vấn đề như thế không thể được giải quyết trong một cuộc bầu cử. Phải cần nhiều năm nữa, nhưng bài học mà các ứng cử viên cũng như toàn xã hội đã trải qua có ý nghĩa to lớn đối với quá trình dân chủ hóa đất nước.
Cuộc tổng tuyển cử năm 1993 áp dụng hệ thống hỗn hợp với những đặc điểm sau đây:
1. Các đảng được khuyến khích thành lập liên hiệp.
2. Mỗi khu vực đều có đại diện.
3. Những khu vực chỉ có một đại diện được đề cử các ứng viên độc lập.
4. Các đảng muốn có đại diện ở mức Liên bang phải nhận được ít nhất 5% số phiếu bầu.
5. Ngoài ra, các ứng viên phải thu thập được một số chữ kí nhất định: đảng viên là 100 ngàn chữ kí, ứng viên độc lập 1% cử tri. Chữ kí được thu thập ở 7 khu vực bầu cử.
Mỗi bước trên con đường dân chủ hóa đất nước đều góp phần làm thay đổi bộ mặt của nhà nước chúng ta. Không nghi ngờ gì rằng chúng ta đã đạt được khá nhiều thành tựu, nhưng khuyết điểm không phải là không có. Vì vậy, cần đặc biệt chú ý rút ra những bài học trên con đường cải tạo dân chủ. Cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên cũng không phải là ngọai lệ.
Trước hết phải nhấn mạnh rằng, những cuộc bầu cử đa đảng đã giúp cho các đảng và các tổ chức trưởng thành một cách nhanh chóng. Nhờ đó, nhân dân cũng rút được bài học về bầu cử. Không có kinh nghiệm, không biết tổ chức bầu cử, chúng ta không thể trở thành một phần của thế giới văn minh. Đấy là trường chính trị mà tất cả các công dân đều phải trải qua. Khi chọn ứng viên này hay ứng viên kia, đảng này hay đảng kia, là người công dân đã ủy quyền cho họ trong việc thể hiện và bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Thiết nghĩ, cùng với thời gian, mỗi người trong chúng ta sẽ học được cách phân tích và đánh giá các cương lĩnh tranh cử của các ứng viên và các ứng viên cũng sẽ có những câu trả lời rõ ràng về những lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội, tinh thần mà cử tri sẽ nhận được nếu cương lĩnh tranh cử được thực hiện.
Bầu cử không chỉ đơn giản là cơ chế hoạt động của bộ máy nhà nước; trong chế độ dân chủ, đấy là tiền đề để biến sự đồng thuận của công dân thành quyền lực của chính phủ. Tính cạnh tranh, định kì, đại diện, công khai, trách nhiệm giải trình trước cử tri là những đặc trưng không thể tách rời của quá trình phát triển dân chủ. Hạ thấp hoặc bỏ bớt bất kì yếu tố nào cũng đều có thể kéo theo sau các biểu hiện độc tài và đôi khi đơn giản là sự thoái hóa từ dân chủ thành chế độ chuyên chế.
Nguồn bản dịch: https://phamnguyentruong.blogspot.com/2016/01/che-o-dan-chu-nha-nuoc-va-xa-hoi-ki-5.html