![[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương VIII: vốn và tiền lãi](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k25001.1_(1).jpg)
[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương VIII: vốn và tiền lãi
Tương tự tất cả các hiện tượng khác trong kinh tế học, vốn và tiền lãi xuất phát từ quyết định của các cá nhân - mà cụ thể là quyết định của họ về giá trị của thời gian1.
Tầm quan trọng của thời gian trong lựa chọn của con người
Hầu như mục tiêu nào cũng cần thời gian. Có thế phải có nhiều bước đi; và ngay cả như thế cũng cần phải cố gắng mới giữ vững được mục tiêu đã đạt được. Trong thuật ngữ kinh tế, sản xuất hàng hóa đơn giản đòi hỏi thời gian - Mises gọi là giai đoạn sản xuất; còn hàng hóa thì cũng lại có thể chỉ tồn tại trong một thời gian giới hạn nào đó - giai đoạn cung ứng. Ông cho rằng, ngay khi chúng ta tham gia vào sản xuất là chúng ta đã đối diện với lựa chọn: không chỉ chọn lựa phương tiện mà còn chọn lựa cả thời gian nữa. Chúng ta có thích dành nhiều thời gian để sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, sẽ phục vụ chúng ta trong một thời gian dài hay không. Hay chúng ta muốn làm ra sản phẩm không bền nhưng sản xuất nhanh hơn? Không ai có đặc quyền trả lời những câu hỏi đó: tất cả phụ thuộc vào cách đánh giá của các cá nhân liên quan.
Cách chúng ta đánh giá thời gian là thành tố quan trọng nhất trong mọi hành động của chúng ta. Ai cũng thích thỏa mãn ngay bây giờ hơn là một sự thỏa mãn tương tự trong tương lai; mặc dù một số người đánh giá cao thỏa mãn ngay lập tức và tiêu thụ mọi thứ họ kiếm được, trong khi một số người khác tích lũy để có thể (hi vọng) được thỏa mãn nhiều hơn trong tương lai.
Rõ ràng là người tiêu thụ ngay món hàng trị giá 100 USD hôm nay có nghĩa là họ đánh giá việc tiêu thụ này cao hơn là 104 USD hoặc gần như thế nếu số tiền được đưa vào ngân hàng và sẽ rút ra sau một năm. Nếu thời gian không có ý nghĩa gì với họ thì bao giờ họ cũng thích có 104 USD sau một năm nữa. Nhưng thời gian là có hạn và có giá trị đối với chúng ta. Cách các cá nhân lựa chọn thời gian chi tiêu là chìa khoá giúp ta hiểu được hiện tượng tiền lãi.
Mises đưa ra ví dụ đầy thuyết phục như sau. Bạn có thể bắt cá bằng cách tóm nó bằng tay. Bạn có thể bắt được nhiều cá hơn nếu sử dụng thuyền và lưới - nhưng phải có thời gian thì mới làm được thuyền và lưới. Bạn có thể phải nhịn đói trong khi đang làm những vật dụng này hoặc là phải có cá dự trữ trong khi tiến hành công việc. Nhưng tiêu dùng được hoãn lại giúp làm ra những loại hàng hóa vốn (capital goods); đó là con đường dẫn tới khả năng cung cấp nhiều hơn trong tương lai: bạn có thể bắt những loại cá khác nhau mà dùng tay thì không thể nào bắt được. Nhưng đấy là sự lựa chọn cá nhân của bạn, bạn phải chọn xem liệu lợi ích trong tương lai có đáng để nhịn đói lúc này hay không.
Những đặc tính phức của vốn
Vốn, Mises kết luận, là thứ gì đó mang bản tính phức; và vốn gắn bó mật thiết với cách đánh giá của con người, mục đích và sở thích của họ. Hàng hóa vốn bao hàm trong nó tác nhân quan trọng nhất, đấy là thời gian - hi sinh tiêu dùng ngay bây giờ để được tiêu dùng nhiều hơn trong tương lai. Hàng hóa vốn có được sử dụng hay không và sử dụng như thế nào không chỉ là vấn đề có công nghệ phù hợp hay không, nó phụ thuộc vào cách các cá nhân liên quan lựa chọn thời gian chi tiêu. Bạn có thể biết đóng thuyền và đan lưới, nhưng bạn lại cho rằng không đáng mất thì giờ và hi sinh như thế.
Hàng hóa vốn là bước đệm dẫn đến tiêu dùng, tiêu dùng là mục đích duy nhất của sản xuất. Nhưng điều đó không có nghĩa là đất nước càng chi nhiều cho “vốn” thì khả năng sản xuất nhất định sẽ tăng. Năng lực sản xuất phụ thuộc vào sự kết hợp mang tính đặc thù của các loại hàng hóa vốn hiện có. Ví dụ, xưởng đóng tàu, nhà máy luyện thép và mỏ than có thể hoàn toàn phụ thuộc vào sản phẩm của nhau, trong khi từng nhà máy riêng biệt thì chẳng có tác dụng gì.
Nói cách khác, không phải là tổng đầu tư cho hàng hóa vốn mà là hàng hóa nào và ở đâu, được sử dụng như thế nào - nói cách khác: cấu trúc vốn (capital structure) mới là quan trọng. Cấu trúc vốn đóng vai trò quyết định cách thức phản ứng của nền kinh tế trước những thay đổi. Hàng hóa vốn bao gồm rất nhiều loại khác nhau: một số, ví dụ như cái búa máy có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau; số khác, như khuôn làm đồ gốm thì chỉ được sử dụng cho một mục đích duy nhất. Nếu nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi (ví dụ như thay đổi thời trang), một số hàng hóa vốn có thể được tái sử dụng hay sửa lại để phục vụ cho những mục tiêu mới; nhưng một số khác sẽ bị loại bỏ. Quyết định của nhà sản xuất phụ thuộc một phần vào khả năng chuyển đổi hàng hóa vốn cho những mục đích mới.
Vốn là ý tưởng chứ không phải là đồ vật
Cần phải nhớ rằng vốn chỉ là một ý tưởng chứ không phải là đồ vật. Tương tự như “kích thước”, nó không tồn tại tự thân mà phụ thuộc vào những đồ vật mà chúng ta mô tả là lớn hay nhỏ. Vốn chỉ tồn tại trong hàng hóa vốn. Tương tự các khái niệm “cộng gộp” kinh tế khác (như “tiêu thụ” và “thu nhập quốc dân”), “vốn” trong quan niệm của các nhà kinh tế học dòng chính (và marxist) là tổng gộp của rất nhiều thứ khác nhau. Kết quả là nó đã che lấp tất cả những vấn đề quan trọng: bản chất thật sự của những thứ khác nhau đó, cấu trúc của chúng và ý nghĩa của chúng đối với những con người đang hành động.
Lầm lẫn đã dẫn đến huyễn tưởng marxist rằng vốn “tự tái tạo lại chính mình” và “sinh ra lợi nhuận”. Không có gì sai lầm hơn thế, Mises nói. Vốn không tự nhiên mà có, nó là kết quả của những hành động có tính toán của những con người chấp nhận từ bỏ tiêu dùng và tạo ra hàng hóa vốn. Nó có thể bị mất nếu tính toán sai, đấy là khi nhà khởi lập kinh doanh dự đoán sai thị trường tương lai. Nó cũng có thể bị mang ra tiêu dùng, đấy là khi người ta bán phương tiện sản xuất để thanh toán hóa đơn hoặc gia tăng chi tiêu. Nó cũng có thể bị mất, đấy là khi chính phủ tài trợ cho những vụ đầu tư chẳng mang lại lợi ích kinh tế nào. Cho nên vốn hoàn toàn không phải là thứ có thể tự tái sinh.
Những người xã hội chủ nghĩa thường nghĩ rằng họ có thể gia tăng được sản lượng hàng hóa của cả nước bằng cách đập tan cơ sở hạ tầng của nền sản xuất cũ và thay bằng một cơ sở hạ tầng mới, hiện đại hơn và hiệu quả hơn. Nhưng tích lũy vốn đòi hỏi thời gian và công sức: phải tiết kiệm dần, cho nên không thể thay mọi thứ ngay một lúc được. Hơn nữa, việc thay tài sản hiện có là trừ bỏ lượng thời gian và công sức đã đầu tư vào những tài sản đó. Cái khả thi về mặt công nghệ không phải lúc nào cũng có ý nghĩa kinh tế: người ta không bỏ máy hút bụi cũ và thay ngay khi có mẫu mới.
Các chính phủ xã hội chủ nghĩa không nhất thiết là cơ quan sáng suốt nhất trong việc quyết định nên đầu tư vào những hàng hóa vốn nào và sử dụng chúng ra sao. Trong nền kinh tế thị trường, người tiêu dùng quyết định điều đó thông qua cách chi tiêu của họ. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, những người lập kế hoạch sẽ là người quyết định, nhưng họ lại không có tiêu chuẩn để lượng định cách đánh giá của hàng triệu người tiêu dùng khác hẳn nhau.
Hiện tượng tiền lãi
Tiền lãi (interest) là một khái niệm phức như khái niệm con người và khái niệm vốn. Lãi suất thị trường bao gồm nhiều thành tố khác nhau, như lợi nhuận của người cho vay, mức chênh trong trường hợp một số người vay không trả được nợ, và có thể nhiều thành tố khác. Nhưng thành tố căn bản của tiền lãi - cái mà Mises gọi là tiền lãi gốc - là cách các cá nhân lựa chọn thời gian chi tiêu. Nói một cách đơn giản, họ muốn tiêu ngay 100 USD hay sẽ tiêu 104 USD vào năm sau?
Bao giờ cũng thế, quyết định là ở những cá nhân liên quan. Vốn không phải là cái có thể tự động tạo ra hoặc “sinh ra” tiền lãi, như cây sinh ra quả. Thực ra, ý niệm “vốn” chỉ là công cụ phục vụ cho tính toán trừu tượng: còn trên thực tế, vốn chỉ tồn tại trong hàng hóa vốn mà thôi. Và như chúng ta đã thấy, hàng hóa vốn không thể tự động tạo ra lợi nhuận hay thu nhập.
Như vậy, tiền lãi không phải là “sản phẩm” của vốn. Nó chỉ xuất hiện vì nhìn chung người ta thích tiêu dùng ngay bây giờ chứ không muốn hoãn đến ngày mai. Chúng ta không thể loại bỏ được tiền lãi, như một số người mơ mộng đề xuất, vì nó đơn giản là một phần bản chất của con người. Trên thực tế, chúng ta cũng không muốn loại bỏ nó: viễn cảnh được tiêu dùng nhiều hơn trong tương lai là nguồn động viên người ta chấp nhận hi sinh và đấy chính là điều cần thiết cho việc tạo lập hàng hóa vốn, nhờ đó mà sức sản xuất của loài người cũng ngày càng gia tăng.
Một lần nữa, cách đánh giá và lựa chọn của cá nhân tạo ra hiện tượng tiền lãi. Vì người ta không thể sống mãi. Cho nên hành động của họ nhất định bị định hình bởi cách lựa chọn thời gian tiêu dùng của họ. Các chính phủ đã sai lầm khi cố gắng lèo lái (thường là chặn trần) tiền lãi, cũng như họ đã sai lầm khi dùng luật pháp để ngăn chặn tình cảm của con người vậy. Hậu quả không tránh được của việc chặn trần lãi suất là giảm phần thưởng thu được từ tiết kiệm và đầu tư, dẫn đến giảm tiết kiệm, ít hàng hóa vốn hơn và năng lực sản xuất cũng giảm theo.
Chú thích:
(1) Đọc Human Action & The Theory Of Money And Credit
Nguồn: Eamonn Butler (2014). Lược khảo Ludwig von Mises. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: Ludwig Von Mises―A Primer (2014). [Lưu ý: bản đăng trên thitruongtudo.vn đã được Đinh Tuấn Minh hiệu đính]