Bi kịch nguồn lực chung: Elinor Ostrom đã giải quyết như thế nào một trong những nan đề lớn nhất của cuộc sống

Bi kịch nguồn lực chung: Elinor Ostrom đã giải quyết như thế nào một trong những nan đề lớn nhất của cuộc sống

Là một nhà sinh vật học tiến hóa nhận bằng tiến sĩ vào năm 1975, tôi lớn lên với bài tiểu luận của Garrett Hardin “Bi kịch nguồn lực chung” [The Tragedy of the Commons], được xuất bản trên tạp chí Science vào năm 1968. Câu chuyện ngụ ngôn của ông về việc những người dân làng đưa thêm rất nhiều con bò vào đồng cỏ chung của họ đã thể hiện được đúng bản chất của vấn đề mà luận án nghiên cứu của tôi được thiết kế để giải quyết. Người nông dân có thêm một con bò sẽ có lợi thế hơn những người nông dân khác trong làng mình nhưng điều đó cũng dẫn đến việc đồng cỏ bị chăn thả quá mức. Thế giới sinh vật có đầy những thí dụ tương tự, trong đó những cá thể hành xử vì lợi ích của nhóm họ đã bị thua thiệt trong cuộc đấu tranh sinh tồn với nhiều cá thể vì lợi ích của riêng họ hơn, dẫn tới việc các nguồn tài nguyên bị khai thác quá mức cùng những bi kịch khác của tình trạng bất hợp tác.

Liệu có bao giờ cái gọi là bi kịch nguồn lực chung tránh được trong thế giới sinh vật và liệu cái khả năng này có cung cấp các giải pháp cho các loài của chúng ta hay không? Một kịch bản xác đáng là chọn lọc tự nhiên ở cấp độ nhóm. Một người nông dân vị kỷ có thể có lợi thế hơn những người nông dân khác trong ngôi làng của mình, nhưng một ngôi làng nào đó khi giải quyết được, bằng cách này hay cách khác, bi kịch nguồn lực chung sẽ có một lợi thế mang tính quyết định hơn những ngôi làng khác. Hầu hết các loài được phân bố nhỏ thành các quần thể địa phương với nhiều quy mô khác nhau, giống như loài người được phân bố trong các ngôi làng, thành phố và quốc gia. Nếu như chọn lọc tự nhiên giữa các nhóm (ủng hộ sự hợp tác) có thể thành công chống lại chọn lọc tự nhiên trong các nhóm (ủng hộ sự bất hợp tác), thì bi kịch nguồn lực chung có thể tránh được cho loài người và những loài không phải người.

Vào thời điểm Hardin xuất bản bài báo của mình và tôi đang thực hiện luận án của mình, khả năng này đã được xem xét và phần lớn bị bác bỏ. Một cuốn sách có tựa đề là Adaptation and Natural Selection [Thích nghi và Chọn lọc Tự nhiên], của nhà sinh học tiến hóa George C. Williams và được xuất bản vào năm 1966, đang trên đường trở thành một tác phẩm kinh điển hiện đại. Williams mô tả chọn lọc giữa các nhóm [between-group selection] về mặt lý thuyết là khả dĩ song hầu như luôn yếu thế hơn so với chọn lọc trong các nhóm [within-group selection]. Theo cách lý giải của ông, những nỗ lực giải thích những thích nghi tiến hóa là “vì lợi ích nhóm” phản ánh tư duy cẩu thả và lấy ước muốn chủ quan của bản thân làm sự thật. Bài báo của Hardin phản ánh sự bi quan tương tự như vậy đối với việc tránh bi kịch nguồn lực chung và không thấy lối thoát nào khác ngoại trừ sự điều tiết từ trên xuống. Mối quan tâm của tôi trong việc tư duy lại về khả năng có thật của việc chọn lọc nhóm đã đặt tôi vào một nhóm rất nhỏ những người dị giáo (xem Okasha 2006, Sober và Wilson 1998, Wilson và Wilson 2007, và Wilson 2015 để biết thêm cuộc tranh luận về sự chọn lọc nhóm, mà theo ý kiến ​​của tôi hầu như bây giờ đã được giải quyết).

Bước ngoặt cá thể luận của thuyết tiến hóa trùng khớp với những bước ngoặt cá thể luận trong các lĩnh vực tư tưởng khác. Kinh tế học trong những thập kỷ sau thế chiến thứ hai bị lý thuyết lựa chọn duy lý chi phối, lý thuyết này sử dụng tính tư lợi như một nguyên tắc giải thích lớn. Khoa học xã hội bị chi phối bởi một quan điểm được gọi là phương pháp luận cá thể [methodological individualism], coi tất cả các hiện tượng xã hội là có thể quy giản về những hiện tượng ở cấp độ cá nhân, như thể tự thân các nhóm không phải là đơn vị phân tích xác đáng (Campbell 1990). Và trong một bài phát biểu vào năm 1987, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã trở nên nổi tiếng khi nói rằng “chẳng có cái gọi là xã hội; mà chỉ có các cá nhân và những hộ gia đình”. Cứ như thể toàn bộ nền văn hóa đã mang tính cá thể, và các lý thuyết khoa học hình thức đang phải ngoan ngoãn phục tùng.

Tôi không biết rằng một người dị giáo khác tên là Elinor Ostrom cũng đang thách thức các quan điểm được tiếp nhận rộng rãi trong lĩnh vực khoa học chính trị của bà. Bắt đầu với việc nghiên cứu về luận án của bà trong việc làm thế nào mà một nhóm các bên liên quan ở miền nam California cùng nhau xây dựng một hệ thống để quản lý mực nước ngầm của mình và đỉnh điểm là nghiên cứu toàn cầu của bà về các nhóm tài nguyên dùng chung (CPR), thông điệp trong công trình của bà là các nhóm có khả năng tránh bi kịch nguồn lực chung mà không yêu cầu quy định từ trên xuống, chí ít là nếu người ta đáp ứng được những điều kiện nhất định (Ostrom 1990, 2010). Bà đã tóm tắt các điều kiện dưới dạng 8 nguyên tắc thiết kế lõi: 1) Những ranh giới được xác định rõ ràng; 2) Sự cân đối theo tỷ lệ giữa lợi ích và chi phí; 3) Những sắp xếp của lựa chọn tập thể; 4) Sự giám sát; 5) Những chế tài theo cấp độ; 6) Giải quyết xung đột nhanh chóng và công bằng; 7) Quyền tự chủ của địa phương; 8) Những quan hệ phù hợp với các cấp thẩm quyền khác ban hành quy tắc (quản trị đa tâm). Công trình này đã đạt thành tựu đột phá tới mức Ostrom nhận được giải [tưởng nhớ] Nobel trong kinh tế học vào năm 2009.

Tôi gặp Lin lần đầu tiên (vì bà thích được gọi như vậy hơn) chỉ vài tháng trước khi bà được nhận giải [tưởng nhớ Nobel], ở một hội thảo được tổ chức ở Florence, Ý, có tiêu đề “Do Institutions Evolve?” [Liệu các thể chế có tiến hóa hay không?] (câu chuyện này được kể lại trong Wilson 2011a). Những sự kiện tương tự đã diễn ra trên khắp thế giới vào năm 2009 để kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Darwin và 150 năm ra mắt tác phẩm Nguồn gốc Các loài. Khi hình dung sự chọn lọc tự nhiên hoạt động trên một hệ thống phân cấp của các đơn vị, lý thuyết chọn lọc đa tầng đã được chấp nhận rộng rãi hơn vào thời điểm đó, nhất là đối với sự tiến hóa văn hóa của con người, khiến tôi có nhiều yêu cầu trên cương vị là một diễn giả. Tôi cũng đã đồng sáng lập một cơ quan think tank có tên là Evolution Institute [Viện Tiến hóa]2, cơ quan này xây dựng chính sách công từ góc độ tiến hóa, khiến tôi rất hào hứng với chủ đề của hội thảo. Tôi đã quen thuộc phần nào với công trình của Lin song việc có cơ hội nói chuyện lâu dài với bà đã mang lại cho tôi một sự tác động khiến tôi biến chuyển.

Tôi nhanh chóng nhận ra rằng cách tiếp cận về nguyên tắc thiết kế lõi của Lin kết hợp với lý thuyết chọn lọc đa tầng, mà những người đồng nghiệp dị giáo và cả tôi nữa đều đã làm việc rất chăm chỉ để làm sống lại. Cách tiếp cận của bà là đặc biệt phù hợp với khái niệm về những sự chuyển đổi lớn về mặt tiến hóa, mà theo đó các thành viên của các nhóm trở nên hợp tác tới mức nhóm trở thành một sinh vật cấp cao hơn một cách độc lập. Ý tưởng này lần đầu tiên do nhà sinh học tế bào Lynn Margulis (1970) đề xuất để giải thích làm thế nào mà các tế bào có nhân đã tiến hóa từ các liên kết cộng sinh của vi khuẩn. Sau đó, điều này được khái quát hóa trong suốt thập niên 1990 để giải thích những sự chuyển đổi lớn khác, như sự gia tăng của các tế bào vi khuẩn đầu tiên, các sinh vật đa bào, các đàn côn trùng xã hội và sự tiến hóa của con người (Maynard Smith và Szathmary 1995, 1999).

Các xã hội săn bắt hái lượm thường có cách nghĩ quân bình, không phải vì mọi người đều tốt, mà bởi là các thành viên của một nhóm có thể cùng nhau chặn đứng hành vi bắt nạt và hành vi tự đề cao khác trong hàng ngũ của họ - tiêu chí xác định một quá trình chuyển đổi to lớn về mặt tiến hóa (Boehm 1993, 1999, 2011). Với sự cạnh tranh có tính sáng tạo [disruptive competition] trong các nhóm phần lớn được kiểm soát, thì sự thành công trên cương vị là một nhóm đã trở thành lực chọn lọc chính trong sự tiến hóa của loài người. Toàn bộ gói đặc điểm được coi là đặc trưng của con người - bao gồm khả năng hợp tác trong nhiều nhóm có các cá nhân không liên quan, khả năng lưu truyền thông tin đã học qua nhiều thế hệ, và năng lực ngôn ngữ và những hình thức khác của tư duy biểu tượng của chúng ta - có thể được xem như các hình thức hợp tác tập thể khả dĩ về mặt thể chất và tinh thần nhờ một sự chuyển đổi lớn về mặt tiến hóa.

“Sự chuyển đổi lớn về mặt tiến hóa” được ghi nhận trong tất cả các nguyên tắc thiết kế của Lin (DP). Những ranh giới được xác định rõ ràng (DP1) có nghĩa là các thành viên biết rằng họ là một bộ phận của nhóm và nội dung của nhóm (thí dụ, ngư dân có quyền tiếp cận vịnh hay những người nông dân có quyền quản lý một hệ thống thủy lợi). Sự tương đương theo tỷ lệ giữa chi phí và lợi ích (DP2) có nghĩa là các thành viên phải xứng đáng những lợi ích của họ, chứ không chỉ chiếm đoạt chúng. Những sắp xếp của lựa chọn tập thể (DP3) có nghĩa là các thành viên trong nhóm phải đồng ý với các quyết định để không một người nào có thể bị buộc phải làm theo lệnh của ai đó. Giám sát (DP4) và những chế tài theo cấp độ (DP5) có nghĩa là những hành vi tư lợi mang tính quấy nhiễu có thể bị phát hiện và bị trừng phạt. Giải quyết xung đột nhanh chóng và công bằng (DP6) có nghĩa là nhóm sẽ không bị các xung đột lợi ích nội bộ gây chia rẽ. Quyền tự trị địa phương (DP7) có nghĩa là nhóm có một không gian phù hợp để tự quản lý các công việc của riêng mình. Những mối quan hệ phù hợp với các cấp thẩm quyền khác có thể tạo ra quy tắc (DP8), nguyên tắc này có nghĩa là việc mọi thứ điều chỉnh cách hành xử của các cá nhân trong một nhóm nhất định là cần thiết để điều chỉnh cách hành xử giữa các nhóm trong một quần thể nhiều nhóm với nhau.

Sự hài hòa giữa cách tiếp cận nguyên tắc thiết kế lõi của Lin với lý thuyết chọn lọc đa tầng có ba hệ quả chủ yếu. Thứ nhất, nó đặt cách tiếp cận nguyên tắc thiết kế lõi trên một nền tảng lý thuyết tổng quát hơn. Khung “Phân tích và Phát triển Thể chế (IAD)” của Lin bắt nguồn từ khoa học chính trị, và bà cũng là người sớm áp dụng lý thuyết trò chơi kinh tế, song tình huống áp dụng chính của bà cho cách tiếp cận nguyên tắc thiết kế lại là cơ sở dữ liệu thực nghiệm mà bà đã tích luỹ cho các nhóm tài nguyên dùng chung trên thế giới, như nội dung được mô tả trong cuốn sách có ảnh hưởng nhất của bà Quản trị Nguồn lực chung [Governing the Commons] (Ostrom 1990). Lý thuyết chọn lọc đa tầng xuất phát từ cách tiếp cận nguyên tắc thiết kế lõi dựa trên cơ năng tiến hóa [evolutionary dynamics] của sự hợp tác ở tất cả các loài và từ lịch sử tiến hóa của chúng ta với tư cách là một loài có tính hợp tác cao.

Thứ hai, do tính tổng quát về mặt lý thuyết, cách tiếp cận nguyên tắc thiết kế lõi có khả năng áp dụng cho một phổ rất rộng những nhóm người so với chỉ một nhóm nỗ lực quản lý các nguồn tài nguyên dùng chung (CPR). Hầu như bất kỳ nhóm nào mà các thành viên phải làm việc cùng nhau để đạt được một mục tiêu chung đều dễ chịu ảnh hưởng bởi những hành vi tư lợi và sẽ được hưởng lợi từ các nguyên tắc như nhau. Việc phân tích nhiều nhóm kinh doanh, nhà thờ, hội tình nguyện và khu dân cư đô thị sẽ mang lại kết quả tương tự như phân tích của Lin về các nhóm CPR.

Thứ ba, cách tiếp cận nguyên tắc thiết kế lõi có thể cung cấp một khuôn khổ thực tế để cải thiện hiệu suất làm việc của các nhóm trong thế giới hiện thực. Bất kỳ nhóm nào hầu như cũng đều có thể tự đánh giá theo các nguyên tắc thiết kế, giải quyết những thiếu sót, và kết quả dẫn đến là hoạt động hiệu quả hơn. Triển vọng này đặc biệt thu hút tôi trên cương vị là chủ tịch của Evolution Institute vì tôi hiện đang tích cực tham gia vào việc xây dựng và thực hiện chính sách công từ giác độ tiến hóa.

Lin đã truyền cảm hứng để tôi bắt đầu một số dự án đồng thời với nhau. Một là cộng tác với bà và, người cộng sự sau tiến sĩ của bà, Michael Cox để viết một bài báo học thuật, “Khái quát nguyên tắc thiết kế lõi cho hiệu suất làm việc của nhóm” [Generalizing the Core Design Principle for the Efficacy of Groups] thiết lập 3 hệ quả chủ yếu được liệt kê ở trên cho học giả (Wilson, Ostrom và Cox 2013). Michael là tác gia chính của một bài nghiên cứu năm 2010 đánh giá cách tiếp cận nguyên tắc thiết kế lõi cho các tài liệu về các nhóm CPR đã được tích lũy từ sự phân tích ban đầu của Lin (Cox và cộng sự 2010). Bài nghiên cứu của chúng tôi đã được đăng trên một số đặc biệt của Journal of Economic Behavior & Organization [Tạp chí Hành vi & Tổ chức Kinh tế] có tiêu đề “Sự phát triển như một Khung lý thuyết tổng quát về Kinh tế học và Chính sách Công” [Evolution as a General Theoretical Framework for Economics and Public Policy]. Chúng ta nên tham khảo cả bài nghiên cứu lẫn số báo đặc biệt để hiểu sâu hơn về khung lý thuyết, thứ vốn làm nền móng cho cách tiếp cận nguyên tắc thiết kế.

Ngoài ra, tôi bắt đầu sử dụng cách tiếp cận nguyên tắc thiết kế trong các dự án liên quan đến làm việc với các nhóm trong thế giới hiện thực ở Binghamton, New York. Một là sự hợp tác với Thành phố Binghamton và United Way of Broome County có tên là “Thiết kế Công viên của bạn” [Design Your Own Park], sử dụng cơ hội để biến một khoảng không gian bị bỏ quên thành một công viên khu dân cư [neighborhood park]. Các nhóm khu dân cư được hình thành để tạo ra một công viên như thế sẽ được hướng dẫn về các nguyên tắc thiết kế lõi và bắt đầu quản lý các công trình của khu dân cư của họ trong các phương diện khác. Dự án này đã dẫn đến việc thành lập 4 công viên khu dân cư — và các nhóm [khu dân cư] của họ — trong thành phố của chúng ta (Wilson 2011b).

Dự án thứ hai là sự hợp tác với Học khu Thành phố Binghamton để tạo ra một “ngôi trường trong trường” dành cho những thanh thiếu niên có nguy cơ chịu tổn hại có tên là Học viện Regents (Wilson, Kaufmann, và Purdy 2011). Đây là dự án tham vọng nhất và cũng là minh chứng tốt nhất của chúng tôi vì chúng tôi có thể sử dụng tiêu chuẩn vàng về đánh giá khoa học, thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên, phân công ngẫu nhiên những người tham gia vào nhóm thử nghiệm và nhóm đối chứng để xác định các biến quan trọng có thể ảnh hưởng lên các kết quả. Với khả năng tốt nhất của mình, Học viện Regents đã thực hiện 8 nguyên tắc thiết kế lõi và 2 nguyên tắc thiết kế phụ được coi là quan trọng trong một bối cảnh học tập (bầu không khí thoải mái và vui tươi, và phần thưởng trong ngắn hạn cho các mục tiêu dài hạn trong học tập). Các học sinh của Học viện Regents không chỉ vượt trội hẳn so với nhóm so sánh, và họ thậm chí còn đạt trình độ ngang bằng với học sinh trung bình trung học trong kỳ kiểm tra của Regents do bang bắt buộc (xem Wilson, Kauffman và Purdy 2011 để biết thêm chi tiết). Đây là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy cách tiếp cận nguyên tắc thiết kế có thể được khái quát hóa ngoài các nhóm CPR và có thể được sử dụng như một bộ khung thực hành để cải thiện hiệu suất làm việc của các nhóm trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Dự án thứ ba là sự hợp tác với một số giáo đoàn ở Binghamton để phản ánh các nguyên tắc thiết kế lõi liên quan đến đức tin và sự tổ chức xã hội của họ. Những cuộc trò chuyện này không dẫn tới một nỗ lực chính thức để thay đổi các cách thực hành song chúng lại vô giá cho việc khám phá làm thế nào mà chúng ta có thể hiểu sự thành công của các nhóm tôn giáo theo cách tiếp cận về các nguyên tắc thiết kế.

Tất cả các dự án này đều cung cấp thông tin có ích và xác nhận rộng rãi tính thích đáng của cách tiếp cận nguyên tắc thiết kế lõi đối với bất kỳ nhóm nào mà các thành viên trong đó phải làm việc cùng nhau để đạt được mục đích chung. Các dự án trên cũng chỉ ra rằng các nguyên tắc thiết kế có thể bị thiếu một cách đáng buồn như thế nào ở một số nhóm, chẳng hạn như các khu dân cư khó khăn và những trường công lập. Điều quan trọng cần nhớ là Ostrom đã có thể tìm ra các nguyên tắc thiết kế lõi cho các nhóm CPR vì các nhóm này khác biệt nhau về mức độ thực hiện các nguyên tắc thiết kế. Một số nhóm làm tốt mà không cần được giảng dạy, trong khi những nhóm khác làm kém và có thể hưởng lợi từ sự huấn luyện nào đó. Dựa trên các dự án của riêng mình, tôi tin rằng tất cả các nhóm đều có khả năng phải đối mặt với những thách thức tương tự trong việc thực hiện các nguyên tắc thiết kế lõi.

Đáng buồn thay, Lin đã qua đời vì căn bệnh ung thư vào tháng 6 năm 2012. Tôi đã gặp bà chỉ vài tháng trước đó ở một cuộc hội thảo, “Các quy tắc như kiểu gen trong tiến hóa văn hóa” [Rules as Genotypes in Cultural Evolution], mà hai chúng tôi đã cùng nhau tổ chức và chủ trì tại Hội thảo của bà về Phân tích Chính sách và Lý thuyết Chính trị, ở Đại học Indiana. Bà vừa đồng thời cố gắng chăm sóc cho người chồng già Vincent, vừa đáp ứng yêu cầu diễn thuyết trên toàn thế giới, vừa quản lý các dự án và cũng vừa chăm sóc bản thân. Tôi rất biết ơn vì là một trong số rất nhiều người được bà tác động và tôi tự hào được đóng góp vào di sản của bà bằng cách giúp khái quát hóa cách tiếp cận nguyên tắc thiết kế lõi, và cung cấp nó cho bất kỳ nhóm nào có các thành viên phải làm việc cùng nhau để đạt được các mục tiêu chung.*

Thông tin tác giả

David Sloan Wilson là Chủ tịch Viện Evolution Institute và là giáo sư xuất sắc của hội SUNY về sinh vật học và nhân chủng học tại Đại học Binghamton, thành viên của Đại học State University of New York. Cuốn sách gần đây nhất của ông là Neighborhood Project: Using Evolution to Improve My City, One Block at a Time (Little, Brown, 2011).

Chỉnh lại từ bài báo Patterns of commoning [Các khuôn mẫu của sự hình thành nguồn lực chung] do David Bollier và Silke Helfrich cùng biên tập.

Nguồn: The Tragedy of the Commons: How Elinor Ostrom Solved One of Life’s Greatest Dilemmas, Evonomics, Oct 29, 2016.

Nguồn dịch: Phantichkinhte123: Bi kịch nguồn lực chung: Elinor Ostrom đã giải quyết như thế nào một trong những nan đề lớn nhất của cuộc sống

 

Dịch giả:
Nguyễn Việt Anh