[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương V: Về chính quyền dân trị ở nước Mỹ (Phần 1)
VỀ CHÍNH QUYỀN DÂN TRỊ Ở NƯỚC MĨ
Đất dưới chân tôi đang cháy bỏng lên đây. Từng lời một trong chương sách này hẳn sẽ làm cho các đảng phái đang chia rẽ đất nước tôi cảm thấy bực mình. Nhưng đâu có vì thế mà những gì đang nung nấu trong đầu tôi lại bị đem ra nói bớt đi.
Ở châu Âu, chúng ta khó mà xét đoán được tính chất đích thực và những động cơ thường trực của nền dân trị, bởi vì ở châu Âu có sự đấu đá giữa hai nguyên lí đối nghịch nhau và chẳng ai biết thật chính xác phần nào nằm trong các nguyên lí và phần nào nằm trong những đam mê nảy sinh từ cuộc đấu đá.
Không có chuyện như vậy ở nước Mĩ. Ở đó, người dân làm chúa tể mà chẳng có trở ngại gì. Chẳng có hiểm hoạ nào để mà e ngại, cũng chẳng có lời chửi rủa nào để mà phải trả đũa.
Vậy là ở nước Mĩ nền dân trị được thả ra hết cỡ. Bước đi của nó tự nhiên và mọi vận động của nó đều tự do. Chính là ta cần phán xét vào điểm ấy. Và công trình nghiên cứu này hấp dẫn và hữu ích cho ai nếu không phải là cho chính chúng ta, những kẻ đang bước đi như lũ mù loà trong cuộc vận động bất khả kháng cứ hàng ngày lôi cuốn ta đi, có thể là cuốn ta về hướng quân chủ, có thể theo hướng cộng hoà, nhưng liệu có chắc chắn là sẽ đi tới được một trạng thái xã hội dân chủ?
VỀ PHỔ THÔNG ĐẦU PHIẾU
Trước đây có lúc tôi đã nói là tất cả các bang của Liên bang đều đã chấp nhận chế độ phổ thông đầu phiếu. Việc đó xảy ra với những nhóm cư dân nằm ở những tầng bậc khác nhau trong bậc thang xã hội. Tôi từng có dịp nhìn thấy những tác động của nó tại những nơi khác nhau và với những chủng tộc hoàn toàn xa lạ với nhau về ngôn ngữ, tôn giáo hoặc tập tục, ở Louisiana cũng như ở New England, ở Georgia cũng như ở Canada. Tôi nhận thấy rằng, ở nước Mĩ, phổ thông đầu phiếu còn xa mới tạo ra được mọi điều tốt đẹp và mọi điều xấu xa như người ta trông đợi ở châu Âu và những tác động của công việc này nói chung là khác với những gì người ta giả định là chúng phải như vậy.
VỀ NHỮNG CHỌN LỰA CỦA NHÂN DÂN VÀ VỀ NHỮNG BẢN NĂNG DÂN CHỦ CỦA NGƯỜI MĨ TRONG NHỮNG CHỌN LỰA CỦA HỌ
Ở Hoa Kì những con người kiệt xuất nhất thường hiếm khi được gọi ra điều hành việc công. − Những nguyên nhân của hiện tượng này. − Lòng ghen tị trong lòng những tầng lớp dưới của nước Pháp đối với những đẳng cấp trên không phải là một tình cảm mang tính cách Pháp, mà là tình cảm dân chủ. − Tại sao ở nước Mĩ những con người danh giá lại thường tách mình ra khỏi sự nghiệp chính trị.
Ở châu Âu khá nhiều người có niềm tin mà không nói ra, hoặc nói ra mà trong bụng chẳng tin, rằng một trong những ưu thế lớn của phổ thông đầu phiếu là nó gọi được những con người xứng đáng với lòng tin của công chúng ra điều hành việc công. Người ta nói rằng, nhân dân chẳng thể biết cách tự cai quản, nhưng bao giờ nhân dân cũng chân thành mong muốn có Nhà nước tốt đẹp, và bản năng của nhân dân không hề thiếu để chỉ cho mình thấy có những ai cũng có mong muốn như mình và những ai có khả năng đưa tay ra nắm lấy quyền lực.
Về phần mình, tôi phải nói rõ rằng điều gì tôi thấy ở nước Mĩ chẳng hề cho phép tôi nghĩ rằng mọi chuyện đúng là như vậy. Khi tôi đặt chân tới nước Mĩ, tôi kinh ngạc phát hiện thấy trình độ chung những người dân bị cai trị sao mà cao, còn ở những người nắm quyền thì ít cao như thế đến chừng nào. Sự tình luôn luôn như vậy và cho tới tận bây giờ thì ở Hoa Kì những con người kiệt xuất nhất thường hiếm khi được cử ra nắm những chức vụ công cộng, và ta buộc phải thừa nhận là, chừng nào nền dân trị đã vượt được mọi giới hạn cũ, thì tình hình còn cứ là như vậy. Hiển nhiên là trong vòng một nửa thế kỉ, cái nòi chính khách Mĩ cứ càng ngày càng thu nhỏ lại.
Ta có thể chỉ ra vô số nguyên nhân của hiện tượng đó.
Làm cách gì thì làm, hoàn toàn không thể nâng cao trình độ dân trí lên cao hơn một bậc nào đó. Người ta dễ dàng tìm cách tạo điều kiện tiếp cận các tri thức của con người, cải thiện các phương pháp dạy học và làm cho khoa học thành giản dị dễ hiểu, song vẫn chẳng khi nào có cách gì để con người không mất thời gian mà vẫn có trình độ học vấn và phát triển được trí tuệ.
Vậy là cái giới hạn tất yếu của những tiến bộ trí tuệ của nhân dân nằm ở chỗ họ có nhiều hay ít điều kiện sống mà không cần phải lao động. Cái giới hạn đó ở những nước nào đó thì nằm xa hơn, còn ở những nước khác thì lại ít xa hơn. Nhưng muốn cho không có giới hạn ấy, thì phải có điều kiện là nhân dân không phải lo chuyện vật chất của cuộc sống nữa, cũng có nghĩa họ không còn là nhân dân nữa. Vì vậy thật khó mà có thể có một xã hội nơi đó tất cả mọi con người đều giỏi giang và có một Nhà nước ở đó mọi công dân đều giàu; đó là hai khó khăn tương quan với nhau. Chẳng khó khăn gì mà tôi không chấp nhận rằng đám đông công dân vô cùng chân thành mong muốn điều tốt đẹp cho đất nước. Tôi còn muốn đi xa hơn, và tôi cảm thấy rằng nói chung, so với những đẳng cấp bên trên thì các tầng lớp thấp của xã hội ít chen lợi ích cá nhân vào mong muốn đó. Nhưng có cái họ luôn luôn ít nhiều thiếu thốn, ấy là nghệ thuật tìm ra những phương tiện trong khi vẫn chân thành mong muốn đạt tới mục đích cuối cùng. Phải nghiên cứu lâu dài biết bao nhiêu, phải dùng biết bao khái niệm khác nhau để đủ cho việc hiểu biết chính xác tính cách của chỉ một con người! Những bậc đại thiên tài cũng lạc lối trong công trình nghiên cứu đó, và số đông có khi lại thành công! Nhân dân không bao giờ có thể có thời giờ và phương tiện để lao vào công cuộc đó. Nhân dân bao giờ cũng phải xét đoán mọi việc thật vội vã và bám lấy chỗ nào sự vật lộ ra rõ rệt hơn cả. Từ đó mà có những tay lang băm đủ kiểu biết cách thoả mãn nhân dân, trong khi những người bạn chân chính của nhân dân thì lại thất bại.
Vả chăng không phải là lúc nào nền dân trị cũng thiếu khả năng chọn những con người xứng đáng, mà nó thiếu cái ước vọng và sự thích thú làm công việc chọn lựa ấy.
Không nên che giấu việc các thiết chế dân chủ làm phát triển rất mạnh lòng ham muốn của con người. Đó không phải là vì chúng đem lại cho mỗi con người những phương tiện để được bình đẳng với mọi người, mà bởi vì các phương tiện đó đặt vào tay ai dùng cũng bị hỏng. Các thiết chế dân chủ đánh thức và ve vuốt cái đam mê bình đẳng chẳng khi nào có thể thoả mãn được hoàn toàn. Cái sự bình đẳng hoàn toàn đó ngày lại ngày tuột khỏi tay nhân dân đúng vào lúc nhân dân tưởng là đã nắm bắt được, và nó lẩn trốn mất, nói như Pascal, nó vĩnh viễn lẩn đi mất. Nhân dân nổi nóng lên đi tìm cái điều tốt đẹp kia và càng thấy nó là quý giá vì nó không ở gần kề để biết rõ nó ra sao và nó cũng ở khá xa cách để chẳng ai được nếm náp nó hết. Cơ may thành tựu làm cho nhân dân xúc động, sự vô định của thành công làm cho nhân dân bứt rứt. Nhân dân cựa quậy, nhân dân mệt mỏi, nhân dân được nếm cái vị chua chát. Những gì nhô cao hơn đôi chút đều bị coi là trở ngại ngăn cản các ước vọng của nhân dân, và không có cái gì ở trên cao và chính đáng đến thế lại không làm cho con mắt nhân dân mỏi mệt.
Rất nhiều người hình dung là cái bản năng bí ẩn đó chỉ có ở Pháp, cái bản năng sâu kín trong lòng những tầng lớp thấp của xã hội khiến họ cố sức tìm đủ cách làm cho các tầng lớp xã hội bên trên không được điều hành chính quyền. Các vị đã nhầm: cái bản năng vừa nói tới ấy không hề mang đặc tính Pháp, đó là bản năng dân chủ. Hoàn cảnh chính trị có thể đã đem lại cho bản năng ấy một vẻ đắng cay riêng, nhưng hoàn cảnh không đẻ ra bản năng ấy.
Ở Hoa Kì, nhân dân không hề hằn thù các giai tầng xã hội bên trên, nhưng họ cảm thấy ít khoan thứ với họ và thận trọng đặt họ nằm ngoài chính quyền. Nhân dân Mĩ không e ngại những tài năng lớn, nhưng ít mến mộ họ. Nói chung, ta thấy là mọi thứ gì được dâng lên cao mà không có sự ủng hộ của nhân dân thì đều khó mà có được ân sủng của nhân dân.
Trong khi những bản năng dân trị tự nhiên khiến cho người dân tách những con người danh tiếng ra khỏi bộ máy quyền lực, thì có một bản năng cũng không kém mạnh mẽ lại đẩy những con người danh tiếng này xa ra khỏi sự nghiệp chính trị, nơi họ khó mà có thể tồn tại nguyên vẹn là chính mình và có thể tiến lên mà không tự hạ mình. Chính thủ tướng Kent là người đã diễn đạt tư tưởng này một cách thật là ngây thơ. Vị tác giả danh tiếng tôi vừa kể tên ra, sau khi ca tụng đủ điều đoạn văn trong hiến pháp giao cho ngành lập pháp quyền cắt cử các quan toà, liền nói thêm: “Thật vậy, rất có thể những con người thích hợp hơn cả để cắt đặt vào những vị trí đó vẫn có thái độ quá ư dè dặt và họ cũng quá nghiêm khắc trong nguyên tắc để có thể lần nào có phổ thông đầu phiếu thì họ cũng thu được số phiếu cao.” (Kent’s Commentaries, tập I, trang 272). Đó là điều đã được in ra ở Mĩ vào năm 1830 mà chẳng ai phản đối hết.
Điều đó khiến tôi thấy rằng những người coi phổ thông đầu phiếu như một bảo đảm cho những chọn lựa đúng đắn đã hoàn toàn ảo tưởng. Phổ thông đầu phiếu có những ưu thế khác, nhưng không phải ưu thế ấy.
VỀ NHỮNG NGUYÊN NHÂN KHIẾN CHO NHỮNG BẢN NĂNG DÂN CHỦ ĐÓ CÓ THỂ ĐƯỢC CHỈNH SỬA ĐÔI CHÚT
Tác động ngược của những hiểm hoạ lớn đến nhân dân cũng như đến con người. − Vì sao nước Mĩ lại có vô số con người kiệt xuất điều hành công việc đất nước từ năm mươi năm trước. − Ảnh hưởng của trí tuệ và tập tục đến sự chọn lựa của nhân dân. − Tiến hành bầu cử theo hai bậc. − Tác động của việc này đến thành phần Thượng viện.
Khi có những hiểm hoạ đe doạ, ta thường thấy nhân dân may mắn lựa chọn được đúng những công dân đứng ra cứu nguy cho đất nước.
Ta từng nhận xét thấy rằng, trước một mối nguy bức bách, con người hiếm khi ở trạng thái thông thường, hoặc là nó cao hơn lên nhiều hoặc là nó rớt xuống thấp. Điều đó cũng xảy ra với đông đảo con người, nhân dân. Những hiểm hoạ cùng cực, thay vì nâng cao một quốc gia, đôi khi hoàn tất việc tiêu diệt quốc gia đó. Các hiểm hoạ dâng cao những đam mê mà không dẫn dắt được chúng và làm trí tuệ con người nhiễu loạn thay vì soi sáng cho nó. Người Do Thái cắt cổ nhau giữa những hoang tàn khói vẫn chưa tan ở Ngôi Đền thiêng của họ. Nhưng thông thường hơn, ta thấy ở các quốc gia cũng như ở những con người riêng lẻ sự xuất hiện những đức tính đặc biệt khi thấy những hiểm nguy đó đang đến. Khi đó những tính cách lớn hiện rõ như những tượng đài mà bóng đêm vẫn che khuất mất rồi đột nhiên dưới ánh lửa đám cháy nó hiện ra lồ lộ. Bậc thiên tài khi đó không còn coi khinh việc tự mình thoát thân thành người hùng, và nhân dân trước hiểm hoạ bỗng chợt quên đi những đam mê vì ganh tị. Không hiếm gì để thấy khi đó chui ra từ thùng phiếu những tên tuổi lẫy lừng. Trên kia tôi đã nói rằng ở Mĩ những chính khách thời bây giờ hình như quá thấp kém so với những chính khách xuất hiện năm mươi năm trước đứng ra điều hành mọi việc. Hiện tượng này không chỉ do luật pháp tạo nên, mà còn do hoàn cảnh tạo nên. Khi nước Mĩ còn đang đấu tranh cho cái chính nghĩa đúng đắn bậc nhất, chính nghĩa của một dân tộc thoát ách một dân tộc khác; khi vấn đề đặt ra là đem một quốc gia mới mẻ bước ra với người đời, mọi tâm hồn đều nỗ lực vươn cao ngang tầm mục đích. Trong cuộc kích động chung này, những con người cao cả chạy trước nhân dân, và nhân dân cầm tay họ đưa họ lên hàng đầu. Nhưng những sự kiện tương tự thật hiếm. Ta cần xem xét mọi việc theo diễn biến bình thường hàng ngày.
Nếu đôi khi có những yếu tố thoáng qua tiến công vào những đam mê của nền dân trị, vào trí tuệ của nó, nhất là đánh vào tập tục của nó, thì những yếu tố đó cũng tạo ra một ảnh hưởng tới các khuynh hướng của nền dân trị, tuy không mạnh nhưng lại bền lâu. Ta thấy khá rõ chuyện này ở Hoa Kì.
Ở New England, nơi mà công cuộc giáo dục và tự do là con đẻ của đạo đức và tôn giáo, nơi xã hội đã ổn định lâu đời có thể tạo ra những châm ngôn và nếp sống, thì nhân dân ở nơi đây, đồng thời với việc họ thoát ra khỏi mọi điều cao quý mà riêng sự giàu sang và nguồn gốc gia đình chưa khi nào tạo ra được ở con người, họ cũng lại quen với việc kính trọng những điều cao quý thuộc về trí tuệ và đạo đức, và họ thuận theo chúng chẳng mấy khó khăn. Vì vậy mà ta thấy nền dân trị ở New England có được những chọn lựa tốt hơn bất kì nơi nào khác.
Ngược lại, khi ta càng đi xuống phía Nam, đến những bang có mối dây liên hệ xã hội kém thâm niên và kém mạnh mẽ, nơi công cuộc giáo dục ít phổ biến hơn, nơi những nguyên tắc đạo đức, tôn giáo và tự do được kết hợp một cách kém nhuần nhuyễn, ta thấy tài năng và đạo đức càng ngày càng hiếm trong những con người ra nắm chính quyền.
Sau hết, khi ta thâm nhập vào các bang vùng Tây Nam, nơi thực thể xã hội chỉ mới hình thành, chỉ mới là những nơi quần cư của những kẻ phiêu lưu hoặc những kẻ đầu cơ, ta hoang mang khi thấy quyền lực công cộng đã rơi vào tay những con người như thế nào, và ta tự hỏi là những lực lượng nào độc lập với nền lập pháp và với con người đã khiến cho Nhà nước ở đó vẫn hình thành và xã hội vẫn thịnh vượng lên.
Có những quy luật nhất định mang bản chất dân chủ và có khả năng sửa chữa được từng phần những bản năng nguy hiểm của nền dân trị.
Khi bạn vào phòng họp dân biểu ở Washington, bạn cảm nhận được ngay vẻ tầm thường của đại hội nghị này. Ta đưa mắt tìm khắp lượt mà chẳng thấy ở đó có một gương mặt nào có danh. Hầu hết các thành viên dân biểu ở đó đều là những con người không tiếng tăm, nói tên họ lên thì trong đầu ta chẳng hình dung nổi điều gì. Phần lớn đó là những trạng sư của các làng, những nhà buôn, có cả những người thuộc về những đẳng cấp thấp nhất của xã hội. Tại một xứ sở mà nền giáo dục hầu như phổ cập, thì người ta vẫn nói là các dân biểu viết lách chưa sạch nước cản.
Cách đó hai bước là phòng họp của Thượng viện, khuôn viên nhỏ hẹp chứa đựng phần lớn những con người danh giá của nước Mĩ. Khó mà thấy ở đó một gương mặt nào lại chỉ mới thành danh trong thời gian gần đây thôi. Đó là những luật sư hùng biện, những tướng lĩnh nổi danh, những pháp quan khéo léo, hoặc những chính khách có tên tuổi. Mỗi lời nói phát ra từ hội nghị này hẳn sẽ đem lại vinh dự cho những cuộc tranh cãi ở các nghị viện bên châu Âu.
Do đâu mà có sự tương phản kì quặc đó? Vì sao những phần tử tinh hoa của quốc gia lại ngồi ở phòng họp bên này thay vì ngồi ở phòng họp bên kia? Vì sao đại hội nghị thứ nhất kia lại tụ hội những thành phần tầm thường, trong khi đại hội nghị thứ nhì dường như độc quyền các tài năng và trí tuệ? Vậy mà cả hai đại hội nghị đó đều từ nhân dân mà ra, đều là kết quả của phổ thông đầu phiếu, và cho tới nay chẳng có tiếng nói nào cất lên ở nước Mĩ chủ trì ý kiến cho rằng Thượng viện đang là kẻ thù của các lợi ích nhân dân. Do đâu mà có sự khác nhau to lớn đến thế? Tôi chỉ thấy có một sự kiện để đem ra lí giải: cuộc bầu cử ra Hạ viện tiến hành theo lối trực tiếp, còn cuộc bầu cử ra Thượng viện tiến hành theo hai bước. Tính phổ thông của các công dân cắt cử ra ngành lập pháp mỗi bang, và đến lượt nó, hiến pháp Liên bang bằng cách đổi từng tổ chức lập pháp đó thành đoàn cử tri và từ đó chọn ra các thành viên Thượng viện. Vậy cho nên, dù là gián tiếp đấy, nhưng các thượng nghị sĩ vẫn thể hiện là kết quả của phổ thông đầu phiếu; bởi vì các tổ chức lập pháp, là cơ quan cử ra thượng nghị sĩ, chẳng hề là cơ quan quý tộc hoặc đặc quyền tự đưa ra kết quả bầu cử; kết quả đó tuỳ thuộc vào tính phổ thông của các công dân; nói chung, viện đó được bầu ra hai năm một lần và các công dân bao giờ cũng vẫn có quyền chọn lựa khác bằng cách đưa vào Thượng viện những thành viên mới. Nhưng chỉ cần ý nguyện nhân dân đi ngang cái đại hội nghị có chọn lựa là có thể từ đó tạo ra những hình thức cao quý nhất và đẹp đẽ nhất. Vậy là những con người được bầu ra theo cách đó bao giờ cũng vẫn là đại diện chính xác cái phe đa số đang cầm quyền của quốc gia; nhưng đó là đại diện của những tư tưởng cao quý đang sống trong lòng phe đa số đó, đại diện cho những bản năng độ lượng đang thúc đẩy phe đa số đó, chứ không đại diện những đam mê nhỏ nhặt thường kích động phe đa số ấy cùng những tật xấu làm tổn thương danh dự phe đa số ấy.
Ta dễ dàng nhìn thấy trong tương lai có một thời điểm các nước cộng hoà Mĩ bị buộc phải nhân rộng thêm những cái hai bậc đó trong hệ thống bầu cử của họ, để không bị thất lạc thảm hại giữa những ghềnh đá ngầm trong dòng chảy dân chủ.
Tôi thấy chẳng khó khăn gì khi thú nhận điều đó. Tôi nhìn thấy trong cách thức bầu cử hai bậc cái phương tiện duy nhất để đem thực thi quyền tự do chính trị rộng rãi cho mọi giai tầng xã hội. Tôi cảm thấy là, những ai hi vọng dùng phương tiện này làm vũ khí riêng cho chỉ một đảng, và những ai e ngại phương tiện đó, đều là những người đang rơi vào sai lầm ngang nhau.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)