Bơm vốn đầu tư công mạnh trở lại: dấu hỏi về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế?
[TBKTSG - 07.2012] - Khi đầu tư tư nhân chưa thể đảm nhận được nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng thì không nghi ngờ gì, đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế. Đầu tư công hiệu quả là đầu tư công hướng được vào các công trình thiết thực để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, đảm bảo chất lượng tốt và với chi phí thấp nhất có thể. Nếu đạt được các tiêu chí này thì việc mở rộng đầu tư công sẽ không gây ra những tác động tiêu cực tới tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.
Vấn đề của đầu tư công của Việt Nam trong những năm vừa qua là đầu tư dàn trải và thiếu các biện pháp kiểm soát chi phí. Những câu chuyện như tỉnh nào cũng có cảng biển, cũng có vài khu công nghiệp, v.v. với công suất sử dụng thấp đã được nói đến rất nhiều. Những câu chuyện như chi phí đầu tư xây dựng đường xá ở Việt Nam thuộc diện cao nhất thế giới, hoặc đường cao tốc và các công trình công cộng vừa xây xong một thời gian đã hỏng cùng không phải hiếm.
Những khoản đầu tư công kém hiệu quả như vậy tích tụ từ năm này sang năm khác, trở thành một trong những nhân tố quan trọng khiến cho mức tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế giảm sút. Theo nhiều tính toán của nhiều tổ chức nghiên cứu thì mức tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam trong năm 2012 chỉ còn ở mức khoảng 5,5%, thấp hơn nhiều so với mức 6,5%-7% trong những năm giữa thập kỷ trước. Phân tích định lượng gần đây của chúng tôi (Đinh Tuấn Minh và Tô Trung Thành trong Báo cáo thường niên của VEPR) cho thấy hiện tượng đầu tư công của Việt Nam lấn át đầu tư tư khá rõ ràng. Đó là lý do tại sao giới chuyên gia lại thúc giục chính phủ phải tái cơ cấu đầu tư công như là một cấu phần quan trọng của quá trình tái cơ cầu nền kinh tế.
Tái cơ cấu đầu tư công của Việt Nam cần hướng vào hai mục tiêu: (i) thay đổi cơ chế quản lý đầu tư công để chất lượng đầu tư công được tốt hơn, và (ii) giảm tỷ trọng đầu tư công trong nền kinh tế và khuyến khích đầu tư từ khu vực khác. Mục tiêu sau thực ra là hệ quả của mục tiêu đầu. Vì cơ chế quản lý đầu tư công hiện nay kém hiệu quả nên cần phải giảm lượng đầu tư công để phù hợp với năng lực quản trị của bộ máy hành chính.
Trong năm 2011 và 6 tháng đầu 2012, Việt Nam đã duy trì được tổng đầu tư xã hội xuống còn mức 34-34,5% GDP, thấp hơn đáng kể mức 40-41% GDP trong những năm trước đó. Đây là một thành công lớn trong chính sách vĩ mô trong năm 2011 và nửa đầu 2012, giúp cho lạm phát phi mã của nền kinh tế được kiểm soát, tỷ giá trở nên ổn định, cán cân thương mại được cân bằng.
Để đạt được thành công này, đầu tư từ khu vực nhà nước đã được duy trì ở mức 38% trong cơ cấu tổng đầu tư xã hội; và 6 tháng đầu năm 2012, tỷ trọng này chỉ còn 36,8%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 42,4% trong giai đoạn 2001-2010.
Tuy nhiên, gần đây Bộ Tài chính lại đang có ý định mở rộng đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách vì lý do đầu tư từ nguồn vốn ngân sách mới đạt 42,5% trong 6 tháng đầu năm. Theo kế hoạch này thì hàng tháng trung bình sẽ có 21.000 tỷ đồng vốn đầu tư được giải ngân từ nguồn ngân sách, cao gấp rưỡi mức giải ngân trung bình trong các tháng trước.
Nếu quả thực Bộ tài chính quyết tâm thực hiện kế hoạch giải ngân như vậy thì đó không phải là tín hiệu tốt cho quá trình tái cơ cấu đầu tư công mà Chính phủ đề ra từ đầu năm 2012.
Vấn đề không nằm ở chỗ liệu lượng giải ngân thêm đó có khiến lạm phát năm sau tăng cao hơn hay không, cũng không nằm ở chỗ liệu nó có thực sự cải thiện tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm hay không. Cả hai chỉ số kinh tế vĩ mô này được quyết định bởi những nhân tố quan trọng khác chứ không phải việc gia tăng thêm đầu tư công thêm vài chục nghìn tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm. Thực ra vấn đề đáng quan tâm liên quan đến kế hoạch giải ngân này là cam kết của Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế không được thực thi nghiêm túc. Thị trường sẽ nghi ngờ liệu Chính phủ có quyết tâm thúc đẩy tư nhân tham gia phát triển cơ sở hạ tầng để đỡ gánh nặng ngân sách nhà nước? Liệu Chính phủ có quyết tâm cải cách các cơ chế quản lý đầu tư công để tránh lãng phí?
Tái cơ cấu đầu tư công thực ra là nhiệm vụ dễ dàng nhất trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ vì nó hoàn toàn thuộc phạm vi quyền hạn của Chính phủ. Việc Chính phủ không nghiêm túc thực hiện cam kết tái cơ cấu đầu tư công như đã tuyên bố sẽ khiến thị trường nghi ngờ về quyết tâm tái cơ cấu các lĩnh vực khác, vốn khó khăn và phức tạp hơn, như hệ thống các ngân hàng thương mại và khu vực doanh nghiệp nhà nước. Thị trường đang cần niềm tin vào sự thành công của quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế nhằm đem lại sự tăng trưởng bền vững dài hạn chứ không phải là vài ba biện pháp kích thích lẻ tẻ kiểu như thế này.
Nguồn: Bài đăng trên TBKTSG ngày 25.07.2012