[Tinh thần dân chủ] Chương 7: Những thành tố góp phần duy trì chế độ dân chủ (Phần 1)
Tháng 6 năm 1975, khi Tòa án Tối cao đưa ra phán quyết bác bỏ việc Indira Gandhi được bầu vào quốc hội Ấn Độ và cấm bà nắm quyền trong vòng 6 năm, bà thủ tướng Indira Gandhi liền đình chỉ nền dân chủ hiến định mà cha bà, ông Jawaharlal Nehru, đã vun đắp và xây dựng ngay từ khi đất nước vừa giành được độc lập cách đó gần ba thập niên. Không những không tạm thời rời bỏ chức vụ và thách thức phán quyết gây tranh cãi bằng những thủ tục pháp lí, vị thủ tướng độc đoán này còn tuyên bố đây là âm mưu nhằm phá hoại trật tự xã hội và phát triển kinh tế ở Ấn Độ, rồi ban hành tình trạng khẩn cấp và cai trị bằng sắc lệnh. Sợ hãi và phục tùng bao trùm lên toàn xã hội. Những tháng tiếp theo tuyên bố ngày 16 tháng 6 về tình trạng khẩn cấp trong toàn quốc “được đánh dấu bằng những vụ bắt bớ hàng loạt, đàn áp các quyền dân sự và tất cả các tiếng nói đối lập, tăng cường kiểm duyệt các phương tiện truyền thông đại chúng, và phối hợp một cách cẩn thận chiến dịch ca ngợi đức hạnh của kỉ luật tập thể bởi nhà lãnh đạo quốc gia, do người con trai ngày càng có nhiều quyền lực của bà và những người được bà bổ nhiệm, quảng bá”. Trước áp lực dữ dội của chế độ độc tài, hai phần ba đại biểu trong quốc hội của bà Gandhi đã ngoan ngoãn chấp thuận đòi hỏi của bà trong việc viết lại hiến pháp nhằm hạ bệ hệ thống tư pháp.1
Không phải là vô lí khi nghĩ rằng việc xuất hiện tình trạng khẩn cấp là dấu hiệu của sự kết thúc cuộc thí nghiệm dân chủ của Ấn Độ. Lúc đó, nhiều học giả và các nhà quan sát không thể nào hiểu được rằng làm sao Ấn Độ – một trong những nước kém phát triển nhất thế giới – lại có thể giữ được chế độ dân chủ trong suốt gần ba thập kỉ. Chế độ dân chủ trên toàn thế giới đang suy thoái. Ở châu Á, chế độ dân chủ Ấn Độ là ngoại lệ, là hiện tượng lạ và là hệ thống thường được đem so sánh một cách thiếu thiện cảm với sự thống nhất và năng lực mà người ta cho rằng đang tạo ra bước tiến nhanh chóng tới hiện đại hóa ở Trung Quốc. Thế giới cũng không tung ra những lời phản đối đáng kể đòi bà Gandhi phải phục hồi dân chủ. Vì lý do là Ấn Độ quá lớn, áp lực không thể thành công. Ngoài ra, các tiêu chuẩn và cơ cấu quốc tế trong việc bảo vệ dân chủ thậm chí còn chưa bắt đầu được xây dựng. Và vị thủ tướng Ấn Độ chỉ là mắt xích cuối cùng trong một chuỗi các chế độ khẩn cấp ở châu Á, một trong những “vị hoàng đế” mà thôi.2 Bà Gandhi dường như an toàn trong hơn một năm. Nền dân chủ lớn nhất thế giới dường như đã tụt xuống thành dân chủ giả hiệu.
Nhưng cả xã hội dân sự lẫn các đảng đối lập của Ấn Độ đều không chấp nhận số phận như thế. Mặc dù đã xảy ra nhiều vụ bắt bớ, tra tấn và đe dọa, các nhà hoạt động cho dân chủ vẫn tiếp tục tồn tại trong vòng bí mật. Trong khi toàn bộ truyền thông đại chúng chỉ làm rất ít để phản đối chế độ kiểm duyệt, “một số tờ báo thể hiện sự bất đồng bằng cách để trắng cột xã luận hay đóng khung trang nhất bằng viền tang màu đen.”3 Một vài tòa án bang đã bác bỏ những trường hợp kiểm duyệt thái quá. Khi bà Gandhi phạm sai lầm như rất nhiều nhà độc tại khác – tin vào sự bảo đảm của đảng của bà và những kẻ nịnh hót trong giới tình báo rằng dân chúng yêu mến và ủng hộ bà – bà đã bị thua một cách thảm hại trong cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng 3 năm 1977 để bà trở thành đại biểu quốc hội trong nhiệm kì mới.
Nền dân chủ Ấn Độ có đặc điểm gì để có thể giúp nó tập hợp lại một cách nhanh chóng, đủ sức thổi bay nhà độc tài mới xuất hiện? Vì sao – với ngoại lệ chỉ kéo dài 19 tháng – chế độ dân chủ này lại sống khỏe trong một đất nước nghèo nàn và bị chia rẽ đến như thế? Lịch sử của cuộc đấu tranh kéo dài hàng chục năm của Ấn Độ để giành chế độ tự quản và nền độc lập từ năm 1947 đã cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ chế độ dân chủ cả về văn hóa, xã hội và chính trị. Trong khi những lợi thế này có xu hướng xuất hiện một cách tự nhiên cùng với quá trình phát triển kinh tế và tầng lớp trung lưu, như tôi đã thảo luận trong chương 4, bài học đáng ghi nhớ từ kinh nghiệm của Ấn Độ là đất nước không cần phải giàu có, đã công nghiệp hóa, đô thị hóa hay thậm chí là tuyệt đại đa số dân chúng biết đọc biết viết mới có thể tiếp thu những tính chất góp phần phát triển và giữ gìn chế độ dân chủ.
Chú thích:
(1) Jyotirinndra Das Gupta, “India: Democratic Becoming and Developmental Transition”, in Larry Diamond, Juan J. Linz. and Seymour Martin Lipset, eds., Politics in Developing Countries: Comparing Experiences with Democracy (Boulder, Colo.: Lynne Rienners, 1995), pp. 281-82. Indira Gandhi không có quan hệ gì với lãnh tụ của phong trào độc lập của Ấn Độ, Mahatma Gandhi.
(2) Jyotirindra Das Gupta, “A Season of Caesars: Emergency Regimes and Development Politics in Asia”, Asian Survey 18, no. 4 (1978): 315-49.
(3) Niraja Jayal, “Civil Society”, in Sumit Ganguly, Larry Diamond, and Marc F. Planner, eds., The State of Indian Democracy (Baltimore: Johns Hopkins Unlversity Press, 2007), p. 151.